Khái niệm về thi hành án hình sự
Theo Hán – Việt từ điển của tác giả Đào Duy Anh, thi hành là: “Đem cái việc đã trù định sẵn mà làm ra cho có hiệu quả”. Như vậy thi hành án có thể được hiểu là đem bản án của Tòa án ra thi hành trên thực tế cho có hiệu quả; còn THAHS là việc đưa các bản án, quyết định của Tòa án về hình sự đã có hiệu lực pháp luật ra thi hành trên thực tế. Điều này có ý nghĩa chỉ các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực và đang có hiệu lực mới được đem thi hành. Đó là các bản án, quyết định hình sự đã được qui định lại Điều 363 Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 nhưng chưa quá thời hiệu thi hành bản án theo qui định tại Điều 60 Bộ luật hình sự (BLHS) năm 2015:
- Những bản án và quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo kháng nghị theo trình tự phúc thẩm;
- Những bản án và quyết định của Tòa án cấp phúc thẩm;
- Những quyết định của Tòa án cấp giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, những bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật không có nghĩa là được thi hành ngay mà còn phải thông qua một thủ tục hành chính, đó là việc Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm vụ án hoặc được ủy quyền phải ra một văn bản quyết định thi hành án thì mới được thi hành. Qui định này cho thấy, việc THAHS không chỉ phụ thuộc vào pháp luật tố tụng hình sự mà còn phụ thuộc vào các quy định hành chính, thông qua thủ tục hành chính..
Thi hành bản án và quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật là một hoạt động phức tạp, đa dạng liên quan đến nhiều lĩnh vực, từ việc thi hành các hình phạt chính như cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn, chung thân, tử hình đến các hình phạt bổ sung như cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, cấm cư trú, quản chế, tước một số quyền công dân, tịch thu tài sản, phạt tiền (khi không áp dụng là hình phạt chính); các biện pháp tư pháp như tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm, trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại, buộc công khai xin lỗi, bắt buộc chữa bệnh; các biện pháp tư pháp áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội như giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa vào trường giáo dưỡng.
Quan điểm về bản chất pháp lý của Thi hành án hình sự
Xung quanh bản chất pháp lý của THAHS có một số quan điểm trái ngược nhau:
Quan điểm thứ nhất của nhà luật học Liên Xô (cũ) M.A Trenxốv và một số nhà luật học khác cho rằng, THAHS là “một giai đoạn đặc biệt của tố tụng hình sự”, bởi vì nó được qui định trong pháp luật tố tụng hình sự (trong BLTTHS Việt Nam, THAHS được qui định ở phần thứ V- thi hành bản án và quyết định của Tòa án).
Quan điểm thứ hai mặc dù cho rằng, THAHS là một giai đoạn – giai đoạn cuối cùng của tố tụng hình sự nhưng thừa nhận THAHS điều chỉnh của pháp luật tố tụng hình sự mà còn chịu sự điều chỉnh của các ngành luật khác.
Quan điểm thứ ba của GS.TSKH Đào Trí Úc cũng như của nhiều nhà khoa học luật học cho rằng, THAHS là một lĩnh vực hành chính tư pháp độc lập, do ngành luật THAHS điều chỉnh.
Các tác giả của quan điểm thứ nhất đã có một sự nhầm lẫn rằng: trong một văn bản quy phạm pháp luật có thể chứa đựng các quy phạm pháp luật thuộc nhiều ngành luật khác nhau. Do đó, không phải mọi quy phạm trong BLTTHS đều thuộc về ngành luật Tố tụng hình sự.
Quan điểm thứ hai thực chất cũng là một quan điểm trung dung, về cơ bản cũng không khác nhiều so với quan điểm thứ nhất.
Tôi đồng tình với quan điểm thứ ba, bởi lẽ THAHS về bản chất và nội dụng khác với hoạt động tố tụng hình sự. Hoạt động tố tụng hình sự là quá trình làm rõ sự thật khách quan của vụ án hình sự, xác định chân lý để áp dụng việc định đoạt hình phạt hay không áp dụng hình phạt trong các bản án hay quyết định của Tòa án. Thực chất hoạt động tố tụng hình sự là chứng minh chân lý để áp dụng công lý và phải tuân theo nguyên tắc, trình tự, thủ tục của pháp luật tố tụng hình sự. Cũng cần phải bổ sung thêm rằng: “Ngành luật thi hành án hình sự” thực chất là pháp luật hành chính – tư pháp.
Ngành luật thi hành án hình sự thực chất là pháp luật hành chính – tư pháp
Về bản chất, thi hành án không phải là một giai đoạn tố tụng, mang tính tư pháp, mà là một giai đoạn mang tính hành chính tư pháp. Bởi thi hành án có mục đích khác với mục đích của tố tụng. Tố tụng là quá trình đi tìm sự thật của các vụ việc đã diễn ra để trên cơ sở đó đưa ra cách giải quyết vụ việc theo đúng các quy định của pháp luật. Với mục đích đó, toàn bộ quá trình tố tụng diễn ra theo quy trình hết sức chặt chẽ và phải bảo đảm các nguyên tắc như bình đẳng, công khai, dân chủ, tôn trọng quyền và lợi ích của người tham gia tố tụng… và khi có phán quyết của Tòa án thì quá trình tố tụng kết thúc. Trong khi đó, thi hành án là quá trình tiến hành các hoạt động nhằm thực hiện các bản án và quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Khác với trong thủ tục tố tụng, mối quan hệ giữa các chủ thể trong hoạt động thi hành án là tổ chức thi hành, có tính hành chính, mệnh lệnh liên quan. Theo đó, quan điểm cho rằng thi hành án mang tính hành chính – tư pháp là thích hợp hơn cả, bởi vì:
– Tính hành chính thể hiện ở chỗ: Thi hành án là dạng hoạt động chấp hành, quản lý. Là dạng hoạt động chấp hành vì thi hành án chỉ được tiến hành trên cơ sở các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và trong khuôn khổ luật định; toàn bộ quá trình thi hành án với những hoạt động, biện pháp, cách thức khác nhau đều nhằm thực hiện những nội dung đã được thể hiện trong các bản án, quyết định của Tòa án và theo các quy định cụ thể của pháp luật. Là dạng hoạt động quản lý vì thi hành án là sự tác động của pháp luật, của các cơ quan thi hành án tới đối tượng phải thi hành án để họ tự giác thi hành hoặc áp dụng các biện pháp buộc họ phải thi hành nghĩa vụ đã được xác định trong các bản án, quyết định của Tòa án; phải tuân theo các quy định của pháp luật; giáo dục họ có ý thức tôn trọng pháp luật, tôn trọng lợi ích của cá nhân, tôn trọng kỉ luật nhà nước và trở thành người lương thiện (đối với những người bị kết án phạt tù).
– Tính tư pháp thể hiện ở chỗ: căn cứ để thi hành án là các bản án và quyết định của Tòa án và có sự tham gia của các cơ quan tư pháp vào quá trình thi hànhán. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng tính tư pháp trong thi hành án là tư pháp hiểu theo nghĩa rộng. Trong thực tiễn ở nước ta, cơ quan tư pháp thường được hiểu bao gồm Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án. Theo tác giả điều này là không đúng. Về mặt lý luận, nhiều quốc gia trên thế giới đều xem quyền tư pháp là quyền xem xét và phán quyết về các vi phạm pháp luật, các tranh chấp; Tòa án là cơ quan tư pháp độc lập duy nhất. Viện Kiểm sát nhân dân chỉ là cơ quan tham gia các hoạt động tư pháp. Ngay cả Bộ Tư pháp về tên gọi là như thế nhưng vẫn không có quyền tư pháp (quyền phán quyết) mà chỉ là cơ quan quản lý nhà nước về một số lĩnh vực liên quan trong hoạt động tư pháp (luật sư, thi hành án dân sự…). Tương tự như vậy, cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án cũng thuộc nhóm cơ quan hành pháp. Hệ quả là không thể dựa vào tính tư pháp trong thi hành án để cho rằng thi hành án là một giai đoạn của tố tụng hành chính. Vì vậy, có thể dùng “cái gạch ngang” giữa hành chính và tư pháp để phản ánh bản chất của thi hành án.
Từ những vấn đề nêu trên có thể hiểu: THAHS là hoạt động tổ chức thi hành bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật của các cơ quan, tổ chức được Nhà nước trao quyền theo một trình tự thủ tục do pháp luật THAHS quy định, thể hiện qua việc quản lý, tổ chức các biện pháp tác động đối với người bị kết án hình sự buộc họ phải thi hành đầy đủ, nghiêm chỉnh những nghĩa vụ pháp lý mà pháp luật THAHS đã quy định cụ thể đối với việc thi hành từng loại hình phạt, trong đó có loại hình phạt mà họ bị Tòa án tuyên, nhằm mục đích quản lý, giáo dục, cải tạo họ thành người lương thiện có ích cho xã hội, có ý thức tuân thủ pháp luật và các quy tắc XHCN, ngăn ngừa họ phạm tội mới
Để lại một phản hồi