[Kinh nghiệm học luật] Nếu tôi được học lại trường luật…

kinh-nghiem-hoc-luat
Ảnh minh họa (Nguồn: CLB Luật Gia Trẻ - Khoa Luật ĐHQGHN)

Nếu tôi được học lại trường luật… thì tôi biết chính xác có một số thứ mình có thể làm và đáng lẽ nên làm tốt hơn.

 

Những nội dung cùng được quan tâm:

 

Nếu tôi được học lại trường luật…

Bài viết là những lời khuyên, lưu ý tâm huyết cho các bạn sinh viên luật vẫn ngồi trên giảng đường để đỡ bỡ ngỡ, học tốt hơn và có sự chuẩn bị tốt hơn cho công việc sau này. Tất cả đều rút ra từ quãng thời gian 4 năm học tại Đại học Luật Hà Nội và những lần đi du học, trao đổi ở các nước khác, từ những quan sát, chuyện trò với bạn bè học luật khắp nơi, bởi vậy, hi vọng chúng sẽ thiết thực cho các bạn luật sư tương lai.

Tóm tắt:

Con gái luật
Ảnh minh hoạ – Nguồn: Facebook Mỹ Nhi

1. Hãy luôn tự đặt câu hỏi và tự trả lời

Tôi còn nhớ, hồi còn đi học tại ĐH Luật Hà Nội, nhất là năm đầu tiên, tôi đã rất hào hứng nghĩ câu hỏi khi đọc bài. Đọc sách đến đâu là dấu chấm hỏi chi chít lề đến đấy. Thầy cô luôn khuyến khích sinh viên không biết thì phải hỏi, không sợ sai. Thế là những bạn học nổi bật và đã chuẩn bị bài là những bạn trong giờ thầy cô giảng đến đâu là hỏi đến đấy.

Luôn thắc mắc là một thói quen suy nghĩ rất tốt của sinh viên luật, nhưng đáng lí tôi nên cố gắng tự trả lời cho câu hỏi mình đặt ra trước khi hỏi ai khác. Nếu bạn để ý, thầy cô cũng hay hỏi sinh viên là “Thế theo em nghĩ câu trả lời là gì?” Tự đặt câu hỏi – tự trả lời mới là thói quen của người suy nghĩ độc lập. Chúng ta chỉ tham gia trao đổi, thảo luận hiệu quả nếu trong đầu đã có sẵn quan điểm của riêng mình.

ky-nang-mem-sinh-vien-luat-can-co
Ảnh minh họa (Nguồn: Facebook – CLB Luật Gia Trẻ)

Luật sư là những người được trả tiền để tìm ra vấn đề (spotting issues) và quan trọng hơn là phân tích, giải quyết vấn đề (analyzing and resolving issues). Nhiều lúc tôi trộm nghĩ giờ thảo luận (seminar) dần bị biến thành “giờ chất vấn”, hoặc là thầy cô chăm chăm hỏi sinh viên, hoặc là sinh viên hào hứng thắc mắc và đợi thầy cô trả lời.

2. Vững tâm học kiến thức cơ bản ở trường, kiểm chứng và cập nhật trong môi trường làm việc

Đã có một thời gian dài tôi chán học, không chỉ vì lên lớp buồn ngủ, mà còn vì hoang mang thấy mọi người kháo nhau học trong trường một đằng ra làm lại một nẻo, đằng nào cũng phải đào tạo lại. Báo đài nói, thầy cô nhắc nhở, nhà tuyển dụng lên tiếng. Thế là hốt hoảng, không biết nên học hay buông. Đến bây giờ tôi có thể bảo bản thân rằng: Cứ tự tin mà học.

Kỹ năng nghiên cứu và lập luận

Học cái gốc, cái nhìn toàn diện ở trong trường để khi ra đi làm có thể đi vào chi tiết mà không bị lạc hướng, biết được vấn đề nào do luật nào điều chỉnh. Học lấy cái phần thô để sau này mài giũa, cập nhật nó theo hướng phát triển nghề nghiệp của bạn. Học những thứ như lịch sử lập hiến, lập pháp, các nguyên tắc pháp luật để đi làm có thể giải thích hoặc cao hơn là dự báo được sự thay đổi của văn bản pháp luật. Luật hôn nhân và gia đình có thể sửa đổi cho phép hôn nhân đồng giới nhưng bản chất vẫn là để đảm bảo nguyên tắc tự do hôn nhân.

Báo đài cứ kêu ra rả ấy vậy mà trường lớp vẫn đứng vững xưa nay thì hẳn phải có lí do của nó. Không ai bảo bạn ngừng học, chỉ là việc học cần chủ động và tỉnh táo thêm một chút thôi.

3. Nếu bạn giỏi, hãy để người khác biết!

Đi học đại học luật, ngoài tâm lí giấu dốt đã có từ trước, tôi còn thấy phổ biến hiện tượng “giấu giỏi”. Biết câu trả lời nhưng sợ bị nói là chơi trội, là “kinh”, nên dù thầy cô ra rả hỏi, sinh viên vẫn ngồi lặng thinh. Có những bạn học rất giỏi, điểm rất cao nhưng sau 4 năm trời ít người biết đến. Học bổng và cơ hội cũng không đến tay thì nghĩ là do con ông cháu chau hoặc thiên vị nên không đến lượt mình. Này các bạn, hãy công bằng một chút, người ta không biết bạn thì làm sao cử bạn đi đâu được đây? Hơn nữa, thẳng thắn mà nói, tiêu chí học bổng không chỉ có thành tích học tập mà còn cả sự đáng tin cậy và tính cách năng động nữa, nhất là những học bổng giao lưu khi bạn là bộ mặt của nhà trường/quốc gia.

Học đại học là để sau này ra làm việc, vậy thì đáng lẽ bạn phải PR bản thân mình tối đa, không phải để khoe khoang, mà là để người khác biết bạn đang quan tâm và giỏi mảng gì. Nhiều bạn nghĩ PR thì chỉ khi nộp hồ sơ xin việc cho nhà tuyển dụng xem thôi. Thật ra thầy cô cũng chính là nhà tuyển dụng! Đơn cử như chuyện nhiều luật sư là học trò hoặc cộng tác cùng thầy cô trong dự án nào đó, khi cần tuyển thực tập hoặc sinh viên mới tốt nghiệp, họ sẽ nhờ thầy cô giới thiệu. Ngoài ra, sau này ra đi làm, việc hợp tác trong công việc rất quan trọng. Biết bạn bè ai giỏi lĩnh vực gì thì sau này dễ tìm đến đề nghị hợp tác, hay nói nôm na là “cùng nhau kiếm tiền”.

Xem:  07 lời khuyên giúp bạn trụ vững tại trường luật

4. Hạn chế than vãn

Trước đây đi học, có rất nhiều thứ để than vãn như trời nóng, trời lạnh, trời mưa, leo cầu thang mỏi chân, phải dậy sớm đi học, phải học ca đầu giờ chiều, giáo trình dài quá, giọng thầy cô buồn ngủ, ghế ở thư viện không thoải mái, chỗ ngồi vướng cột không thấy gì, trường không nhiều hoạt động mình thích, đăng kí tín chỉ bị nghẽn mạng,…

Thực ra, nhiều vấn đề bản thân có thể tự giải quyết được, chẳng qua “làm nũng” chút thôi. Trời lạnh thì mặc ấm lên, buồn ngủ thì uống nước chè, rửa mặt cho tỉnh, giáo trình dài quá thì cố mà sắp xếp thời gian đọc, thầy cô dạy không hợp thì về nhà tự đọc sách hoặc đi ngồi ké lớp khác,… Cũng có nhiều vấn đề than thở không giúp giải quyết được gì. Cầu thang, ghế thư viện, hệ thống đăng kí tín chỉ,… đều không phải thứ bạn mua cho trường thì bạn làm sao thay đổi được. Đừng than vãn và lấy đó làm cái cớ để lười học, hãy phản ánh công khai và cố gắng khắc phục để giúp chính bản thân mình.

Ngẫm lại thì tiền học đại học ở Việt Nam đã quá thấp so với tiền học ở các nước khác rồi. Học phí chúng ta đóng không đủ trả lương cho thầy cô. Thư viện, sách vở, hệ thống tin chỉ là do tiền ngân sách nhà nước và tiền dự án tài trợ. Nếu đã dùng đồ miễn phí, kể cả trong dịch vụ giáo dục, thì cũng chỉ nên kì vọng hợp lí thôi. Bạn nói có những trường khác làm tốt hơn? Tốt quá, chắc họ xin được nhiều tiền tài trợ hơn hoặc có nhiều tiền từ chương trình đào tạo liên kết để đổ về cho cơ sở vật chất. Ban nói có những nước sinh viên không phải đóng tiền đi học mà chất lượng toàn hàng đầu thế giới? Rất đúng, vì xã hội họ giàu, tiền thuế dồi dào, họ không cần sinh viên đóng nữa. Hồi còn đi học, mình ghét cay ghét đắng môn Luật Thuế, giờ mới thấy nó thần kì mức nào. Bạn nói mức học phí so với lương cơ bản ở Việt Nam là cao chứ thấp gì? Thực ra, học phí một kì bằng ba tháng lương cơ bản thì không coi là cao. Học đại học được coi là khoản đầu tư cho tương lai nên ở nhiều nước sinh viên phải vay nợ chính phủ và trả dần đến 50, 60 tuổi. Vậy nên thôi chúng ta than vãn làm gì, “con nhà nghèo” phải vượt khó thôi.

Hơn nữa, à người học luật, bạn không nên có thói quen than vãn. Luật sư là gì? Nói đơn giản, luật sư là người bảo vệ. Là người mạnh mẽ, hiểu biết, chuyên nghiệp được thuê để tư vấn giải pháp cho khách hàng, chịu trách nhiệm bảo vệ họ trước pháp luật, đấu tranh cho lợi ích bị xâm phạm của họ. Bạn có muốn thuê một người chuyên than thở khi gặp khó khăn về bảo vệ mình không?

5. Cố gắng đi thực tập và làm những công việc liên quan đến chuyên ngành luật

Nên chọn nơi thực tập như thế nào? Nên đến công ty to hay nhỏ? Nếu mình không thích làm luật sư thì có nên đi thực tập ở văn phòng luật không? Nên đi từ mùa hè năm mấy? Thực tập không lương ở văn phòng luật hay đi làm thêm để có tiền? Nên chơi hay làm? Bao nhiêu đắn đo ngăn trở con đường thực tập.

Sinh viên luật đi thực tập

Câu trả lời là đi thực tập càng sớm càng tốt. Kể cả bạn không muốn làm luật sư sau này thì bạn cũng cần thu nhặt những kĩ năng thực hành luật. Thực tập không chỉ để quan sát môi trường làm việc tương lai, mà quan trọng hơn, là để rèn luyện các kĩ năng đó. Bởi vậy, công ty to hay nhỏ, làm ở viện nghiên cứu hay văn phòng thực hành luật, ở viện kiểm sát hay tòa án,… không quan trọng. Điều quan trọng là bạn phải tìm ra nơi cho bạn làm việc thực sự, được nghiên cứu luật, phân tích vụ việc, đưa ra giải pháp, tham gia soạn thảo các văn bản như di chúc, hợp đồng, thư tư vấn, quan sát luật sư làm việc với khách hàng. Có thể sản phẩm của các bạn không trực tiếp đến tay khách hàng, nhưng được giao việc và được hướng dẫn đã rất có ích cho bạn rồi. Tóm lại, đi thực tập thì nên làm thật và làm chuyên về luật. Nếu công ty chỉ cho bạn làm dọn dẹp pha nước, trực điện thoại, quản lí website,… thì theo tôi bạn chỉ nên làm nếu không còn chỗ nào khác. Sinh viên năm 1, năm 2 cũng có giá trị của riêng mình, có thể nghiên cứu pháp luật chung chung hoặc giúp công ty với các dự án không tính phí (non-billable work) nên các bạn không nên tự đánh giá thấp bản thân mình (cái này phải tự lượng sức mỗi người nữa nhé).

Những nội dung được nhiều người quan tâm:

Thực ra, khi còn đi học, chuyện các bạn kiếm ra thêm hay bớt một chút tiền không quan trọng lắm. Nhiều bạn nghĩ nên đi làm thêm để có tiền thay vì thực tập không lương. Nhưng đó lại là những đồng tiền ngắn hạn. Thực tập không lương nhưng sẽ cho bạn kĩ năng để đầu tư cho sự nghiệp sau này. Vì vậy, nên ưu tiên cho công việc thực tập chuyên ngành, nếu còn thời gian mới tính đến các việc tay trái. Những công việc này sẽ chứng tỏ sự năng động, hiểu biết đa dạng của bạn, nhưng khi xin việc trong ngành luật, chỉ kinh nghiệm liên quan đến luật mới được coi trọng nhất mà thôi.

Xem:  07 dấu hiệu cho thấy bạn hợp với nghề luật

6. Ngoài chém gió ra, nên nghiêm túc rèn luyện kĩ năng viết

Nhiều người đinh ninh luật sư là những người cãi giỏi. Không hẳn. Cách giáo dục luật (không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước phát triển, nơi tôi theo học là Mỹ cũng vậy)vô hình chung tôn vinh những người “ăn to nói lớn”, khiến những người viết tốt bị lép vế. Nhưng sự thật lại khác hoàn toàn. Khi đi làm, luật sư trước hết phải biết giao tiếp tốt bằng văn bản. Hầu hết các hoạt động trong dịch vụ pháp lý đều thông qua văn bản. Xin việc thì phải viết CV và thư xin việc. Vào làm rồi thì nghiên cứu vấn đề xong phải trình bày rõ ràng ra thư tư vấn khách hàng, báo cáo, đơn khởi kiện, bản bào chữa,…

Làm bài thi

Viết tốt không phải là viết hay. Viết tốt là viết rõ ràng, rành mạch các vấn đề, các ý, kín kẽ, không lạm dụng các thuật ngữ pháp lý, biến phức tạp thành dễ hiểu.

Xem thêm:

Nói tốt là để trao đổi cùng đồng nghiệp, đàm phán với đối tác, thuyết phục khách hàng, và trình bày trước cơ quan giải quyết tranh chấp. Trước khi bạn tiếp cận được với mọi người để nói thì bạn phải giao tiếp với họ thông qua email, đơn xin việc, các bài báo, tạp chí,… Như vậy, xét cho cùng, luật sư giỏi trước tiên nên là người viết tốt.

7. Nên hiểu bản chất học ngoại ngữ thực ra để làm gì

Thời gian gần đây rất nhiều bạn học khối D chọn học luật. Những bạn đang học luật mà chưa giỏi ngoại ngữ thì cũng tranh thủ đi học nhưng trong lòng vẫn mông lung. Học cái gì bây giờ? Giao tiếp hay dịch thuật? Cơ bản hay chuyên ngành luôn? IELTS hay TOEFL? Học bao lâu thì được? Đừng nghe câu trả lời từ các trung tâm ngoại ngữ. Thứ nhất vì bạn là sinh viên luật, không tin khi nghe từ một phía. Thứ hai vì dĩ nhiên họ muốn bạn học cái họ dạy, càng đắt càng tốt. Thứ ba vì ngành luật có đặc thù riêng, không nhiều trung tâm có kinh nghiệm đối với ngành luật để khuyên bạn nên học cái gì. Tốt nhất là hãy tự hỏi chính mình! Mình học ngoại ngữ để làm gì?

Sinh viên luật và việc học tiếng anh

Thực chất, ngoại ngữ chỉ là công cụ, vì vậy mỗi ngành nghề lại đòi hỏi khả năng ngoại ngữ khác nhau. Đối với ngành luật, phải đọc nhiều, nghiên cứu nhiều, yêu cầu sự chính xác cao. Các bạn nên tập trung rèn luyện để đọc và nghe tốt là trước tiên. Đây là 2 kĩ năng bị động, dùng để thu nạp kiến thức. Thường các bạn chỉ cần đọc tài liệu nước ngoài để phục vụ cho việc viết tiếng Việt. Khi nào các bạn đọc và nghe được tài liệu tiếng nước ngoài (giáo trình, vụ việc, bài viết tạp chí, tin tức,…) mà chắt lọc được thông tin các bạn cần thì là ổn. Quan trọng tiếp theo mới đến kĩ năng viết là nói, vì đây là 2 kĩ năng chủ động, giúp phản ánh kiến thức bạn đã thu nạp được.

Học tiếng Anh pháp lý không cần học quá nhiều quá rộng, mà nên coi trọng sự chuẩn xác, hiểu rõ các thuật ngữ để dùng cho đúng. Giao tiếp tiếng Anh pháp lý không cần bắn như gió, biết từ lóng, mà chỉ cần tốc độ vừa phải, từ ngữ chính xác. Viết hay nói tiếng Anh pháp lý đều yêu cầu logic, ngắn gọn và rõ ràng.

Một lưu ý nhỏ là ngoài tiếng Anh, các bạn cũng nên cân nhắc học các ngoại ngữ khác nhau như Trung Quốc, Nhật, Đức,… tùy vào lĩnh vực pháp lý bạn muốn theo đuổi sau này và tình hình hợp tác kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam với nước ngoài. Nếu có thời gian, bản thân tôi sẽ học tiếng Trung Quốc hoặc thậm chí sang đó học tiếp thạc sĩ, vì bất cứ nơi nào tôi đã đi qua đều có rất đông người Trung Quốc và thị trường pháp lý cũng từ đó mà ăn theo. Ví dụ như ở Mỹ, nói là đi Mỹ học mà hơn nửa số sinh viên trong lớp tôi là người Trung Quốc. Thành phố nào cũng có China town. Dịch vụ luật cư trú (immigration law) cho người Trung Quốc vì thế phát triển theo. Người Trung Quốc cũng là khách hàng sộp thời gian gần đây, sẵn sàng đổ nửa triệu đô la đầu tư vào Mỹ để có thẻ xanh. Ngoài ra, do thị trường rộng lớn, các doanh nghiệp Mỹ làm ăn tại Trung Quốc rất nhiều. Vì vậy, nhu cầu tuyển dụng người nói tiếng Trung Quốc cũng cao.

>>> Xem thêm: Những vấn đề về việc học tiếng anh sinh viên luật cần biết

IELTS, TOEFL, TOEIC thực ra chỉ là cái vỏ, mỗi kì thi coi trọng một mục đích đánh giá khác nhau, nhưng chung quy lại, phần lõi vẫn là độ vững về kiến thức và kĩ năng tiếng của bạn.

Khi bạn đã hiểu được những điều trên thì bạn sẽ tự đánh giá được mình nên học cái gì và học bao lâu dựa trên năng lực hiện tại và kế hoạch tương lai của riêng bạn.

8. Nên xây dựng thương hiệu của bản thân ngay khi đi học

Thương hiệu cá nhân là điều ít sinh viên luật để ý đến. Chúng ta hay cho rằng “hữu xạ tự nhiên hương”, nhưng hương thơm tự nhiên mà không được chắt lọc thì sao thành nước hoa đứng xa tít vẫn thấy được. Thời gian gần đây, các công ty luật có xu hướng tiếp cận ứng viên và tuyển dụng sinh viên khi chưa tốt nghiệp thông qua tài trợ và làm giám khảo các cuộc thi, tổ chức khóa đào tạo, cho học bổng,… Như vậy, bạn nên nghĩ tới chuyện xin việc ngay từ cuối năm 2 chứ không nên đợi tới sau khi cầm bằng tốt nghiệp.

Xem:  Nói thẳng với sinh viên năm nhất

Có một số việc bạn có thể làm ngay để xây dựng thương hiệu cá nhân khi còn đi học như sau:
(a) Tạo LinkedIn Profile và kết nối với các bạn bè học luật, luật sư. LinkedIn là mạng xã hội chuyên nghiệp của người đi làm. Người dùng phải đăng tên thật, thông tin thật. Mà thực ra ai cũng muốn liệt kê chi tiết học vấn, kinh nghiệm làm việc của bản thân. LinkedIn Profile giống như online CV của bạn vậy. Nó vừa giúp bạn sắp xếp, cập nhật thông tin trong hồ sơ xin việc, vừa giúp người khác (các nhà tuyển dụng tiềm năng) tìm kiếm bạn dễ dàng. Ở Việt Nam, LinkedIn chưa phổ biến lắm, nhưng ở nước ngoài, LinkedIn thậm chí được đưa vào resume xin việc và chữ kí điện tử ở email. Những “headhunters” cũng hay dạo trên LinkedIn để tìm ứng viên phù hợp.

(b) Tạo chữ ký điện tử ở email của bạn. Một chi tiết rất nhỏ nhưng chứng tỏ được sự chuyên nghiệp của bạn. Một chữ ký điện tử ví dụ như:

  • Nguyễn Văn T
  • Sinh viên Trường …. (2015-19)
  • SDT: 1234567
  • E-mail: vanthoang303@gmail.com
  • LinkedIn link:…

Nếu LinkedIn Profile giống online CV thì chữ ký điện tử trên email giống cardvisit. Nếu các bạn chỉn chu chi tiết này thì những người hay giao tiếp qua email với bạn sẽ thấy ấn tượng và rất hài lòng.

(c) Chăm sóc ngoại hình. Khi tôi sang Mỹ học thạc sĩ luật, bài học đầu tiên thầy dạy là về tác phong chuyên nghiệp của sinh viên luật: “Stay clean, smell good, dress properly” (sạch sẽ, thơm tho, ăn mặc phù hợp). Chăm sóc ngoại hình không có nghĩa phải đầu tư nhiều tiền của, đầu tóc quần áo là lượt, mặc hàng hiệu. Nó chỉ đơn giản là lịch sự, gọn gàng, sạch sẽ. Khi ngoại hình trông chuyên nghiệp thì bản thân bạn tự khắc cũng có cảm giác mình chuyên nghiệp lên.

>>> Xem thêm: Này Sinh viên Luật – Hãy ra dáng một người trưởng thành

(d) Giữ cử chỉ và lời nói đúng mực. Phát biểu rõ ràng, có quan điểm cá nhân, tôn trọng người khác, giữ vệ sinh phòng học và thư viện, giữ trật tư, và xung phong lau bảng đầu giờ (:))!!! Luôn nhớ, bạn là sinh viên luật.

(e) Tham gia các hoạt động mang tính học thuật như giao lưu, tọa đàm, các cuộc thi. Tham gia những sự kiện, tổ chức mà bạn có thể tiếp xúc với những người đi trước để học hỏi và tạo ấn tượng với họ ngay bây giờ.

9. Nên tìm hiểu về lịch sử, thị trường, kinh tế, tài chính và xã hội

Khi tôi đi thực tập ở công ty luật, bác luật sư đã hỏi tôi rằng: “Do you know the difference between a legal technician and a lawyer?” (Cháu biết sự khác nhau giữa một kĩ sư pháp lý và một luật sư là gì không?)

Kĩ sư pháp lý nôm na là người làm việc như một cái máy, nhận câu hỏi, nghiên cứu luật, đưa ra câu trả lời. Luật sư, trước tiên cũng phải như kĩ sư luật, nhưng hơn thế, phải là người có cái nhìn toàn diện, hiểu biết về quá trình lập pháp, thị trường, đặc điểm khách hàng,… để dự trù được những rủi ro cho khách hàng và biết tìm kiếm khách hàng mới. Đôi khi, không hiểu sao tôi thấy luật sư cũng giống doanh nhân.

Bác luật sư nói trên dặn tôi rằng, nếu tôi muốn làm luật sư, thì có 5 thứ tôi phải biết ngoài việc đọc luật: “Industry, Business, Finance, History, and Risk profiles of clients” (thị trường, việc kinh doanh, tài chính, lịch sử, và hồ sơ rủi ro của khách hàng).

Luật sư thực chất là người cung cấp dịch vụ pháp lý, nên khách hàng thay đổi thế nào thì dịch vụ phải thích ứng thế đấy. Pháp luật không tự nó sửa đổi mà là để điều chỉnh sự thay đổi trong kinh tế xã hội. Nhất là ở Mỹ, các đạo luật thường được thông qua để phản ứng lại một sự kiện kinh tế nào đó. Nhớ lại hồi học Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, thầy dạy đại khái là pháp luật là kiến trúc thượng tầng được quyết định bởi cơ sở hạ tầng chính là nền kinh tế, giờ thấy thật đúng.

Tôi còn nhớ những buổi phòng vấn đi học hay đi làm của mình, tôi thường bị hỏi: em quan tâm đến lĩnh vực nào? Em có biết sự kiện nào trong lĩnh vực ấy xảy ra gần đây không? Theo em tại sao sự kiện đó xảy ra và Việt Nam có thể làm gì để khắc phục? Toàn những câu hỏi thực tiễn, hóc búa mà nếu không theo dõi tin tức thường xuyên thì khó trả lời thấu đáo được.

Như vậy, ngoài thời gian học luật, các bạn sinh viên nên dành khoảng nửa tiếng mỗi ngày cập nhật tin tức, không phải các tin lá cải ngôi sao, vụ án cướp giết hiếp (trừ các bạn theo luật hình sự nhé),… mà nên chia tin tức thành các mục như lời khuyên trên. Cẩn thận hơn, bạn có thể tóm tắt vài ba dòng và đính kèm link bài viết, lưu trữ trong file word.

Kinh nghiệm học luật

Tổng hợp các bài viết hay chia sẻ về kinh nghiệm, bí quyết, phương pháp học luật hiệu quả dành cho sinh viên luật, học viên, nghiên cứu sinh,…

Xem chi tiết tại: Kinh nghiệm học luật

Đọc được đến đây, thật muốn hụt hơi, chắc các bạn nghĩ phải là siêu nhân mới làm được hết các điều này, thôi thì mình làm người bình thường cho… khỏe. Nhưng thực ra, quan trọng là bạn luôn tâm niệm những điều này trong đầu, tự nhắc nhở bản thân. “Mỗi thay đổi đều bắt đầu từ một thói quen. Mỗi thói quen đều bắt đầu từ một hành động” 🙂 Hãy tự tạo cho mình những lợi thế cạnh tranh khi xin việc, xin học bổng để có thể thành công mà không phải nhờ đến “phao cứu sinh” của bố mẹ các bạn nhé./.

Bài viết được chia sẻ bởi Marchle (marchle.wordpress.com)

5/5 - (15563 bình chọn)

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Nếu cần BQT hỗ trợ gấp, vui lòng liên hệ hotline 1900.0164 bấm phím 0.

Phản hồi

  1. Bài viết rất hay và thực tế. Tôi học được nhiều điều từ bài viết này !
    Rất muốn biết người đã tâm sự, chia sẻ bài viết này !
    🙂😊