Một số quy định mới về thừa kế của Bộ luật Dân sự 2015

Chuyên mụcLuật dân sự, Thảo luận pháp luật Thừa kế

Sau gần ba thập kỷ chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch sang nên kinh tế thị trường. Việt Nam đã hình thành những điều kiện cần thiết để tiến tới một nền kinh tế thị trường đầy đủ hơn. Trong tiến trình đó, việc xây dựng, hoàn thiện quy định pháp luật là một công việc không thể bỏ qua, Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015 trong bố cảnh sửa đổi cũng nâng cao quyết tâm để hoàn thiện mục tiêu chung của cả nước. Mỗi chế định trong Bộ luật Dân sự 2015 đều sẽ trở thành một điểm mốc cho sự thay đổi mà nền tảng là sự bắt buộc nhịp cũng như hòa mình vào sự phát triển mới cùng với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Trong những chế định của pháp luật dân sự thì chế định thừa kế mang nét đặc thù điều chỉnh quan hệ thừa kế giữa các chủ thể và quan hệ này sẽ xuất hình khi một cá nhân chết. Toàn bộ di sản của người chết sẽ tiếp tục được dịch chuyển cho những người thừa kế. Tuy nhiên, quá trình dịch chuyển này thường tiêu tốn khá nhiều thời gian. Điều này có thể xuất phát từ ý chí của người để lại di sản, hoặc từ quy định của pháp luật, thậm chí từ phía các chủ thể thừa kế, người có liên quan đến di sản thừa kế. Hướng đến tính hiệu quả trong quá trình khai thác, sử dụng di sản của người thừa kế – tức khoảng thời gian chờ cho việc hợp thức hóa quyền sở hữu của người thừa kế, Bộ luật Dân sự 2015 đã có những quy định mới tạo điều kiện cho việc đạt được đạt được hiệu quả hơn trong cơ chế thị trường. Chương này phân tích những quy định cơ bản trong Bộ luật Dân sự 2015 về việc bảo đảm quá trình khai thác, sử dụng di sản của người thừa kế, đồng thời, tác giả cũng đưa ra một số vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu dựa trên tiêu chí tính “hiệu quả” của quy định trong cơ chế thị trường.

Một số quy định mới về thừa kế của Bộ luật Dân sự 2015

  1. Quy định về việc từ chối việc hưởng di sản
  2. Di chúc chung của vợ chồng
  3. Hạn chế phân chia di sản
  4. Thời hiệu
Bộ luật Dân sự 2015
Bộ luật Dân sự 2015

Phần thừa kế trong Bộ luật Dân sự 2005 đã phát huy hiệu quả điều chỉnh các quan hệ thừa kế bảo đảm quyền lợi của các chủ thể theo nguyên tắc tự do, tự nguyện trong việc định đoạt tài sản và nhận di sản. Tuy nhiên, một số quy định trong Phần thừa kế của Bộ luật Dân sự 2005 chưa rõ, chưa cụ thể hoặc hiểu theo nhiều nghĩa, hoặc một số điều khoản nội dung quan dài mà có thể tách ra thành điều, khoản khác.

Khắc phục những bất cập trên, Bộ luật Dân sự 2015 đã sửa đổi, bổ sung một số điểm cơ bản tại nhiều điều luật. Ngoài ra, Bộ luật Dân sự 2015 bổ sung một số nội dung mới có ảnh hưởng tích cực đến quyền của những người thừa kế, đặc biệt cho phép chủ động trong việc khai thác, sử dụng tài sản là di sản thừa kế phục vụ nhu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh của mình.

1. Quy định về việc từ chối việc hưởng di sản

Khoản 3 Điều 642 Bộ luật Dân sự 2005 quy định việc từ chối nhận di sản phải thực hiện trong thời hạn 06 tháng kể từ thời điểm mở thừa kế. Theo báo cáo tổng kết của Tòa án nhân dân tối cao, trong thực tiễn thực hiện từ chối nhận di sản trong trường hợp 06 tháng kể từ thời điểm mở thừa kế. Có trường hợp, sau khi người để lại di sản chết vài kế nảy sinh, các bên đương sự mới yêu cầu Tòa án giải quyết.

Mặt khác, việc ràng buộc về thời hạn từ chối nhận di sản là 06 tháng như Bộ luật Dân sự 2005 thực sư chưa hợp lý, vì việc từ chối nhận di sản là quyền của cá nhân về tài sản. Nói cách khác đó là quyền tự định đoạt của cá nhân (Điều 195 Bộ luật Dân sự 2005). Người thừa kế có quyền không nhận di sản bất cứ lúc nào cho đến khi di sản được phân chia mà không ai có thể buộc họ phải nhận, kể cả Tòa án, Trừ trường hợp việc từ chối này nhằm mục đích trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ di sản đối với người khác và đảm bảo về mặt hình thức, thủ tục từ chối di sản. Việc thực hiện quyền năng này ngoài thời gian 06 tháng hoàn toàn không “ gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác” như nguyên tắc thực hiện quyền sở hữu quy định tại Điều 165 Bộ luật Dân sự 2005.

Như Vậy, là chưa có sự thống nhất trong quy định Bộ luật Dân sự 2005 tại các điều 642, 195 và 165. Việc áp dụng một cách máy móc Điều 642 Bộ luật Dân sự 2005 chỉ làm phức tạp hóa quan hệ dân sự, gây phiền phức cho người dân, chứ chưa thực sự nhằm mục đích làm ổn định quan hệ xã hội.

Bất cập về thừa kế trong BLDS 2015
Bất cập về thừa kế trong BLDS 2015

Bên cạnh Việc Bộ luật Dân sự 2005 quy định việc từ chối nhận di sản phải thực hiện trong vòng 06 tháng kể từ thời điểm mở thừa kế thì ngay cả Bộ luật Dân sự 2005 cũng như các văn bản khác không quy định nếu ngay cả Bộ luật Dân sự 2005 cũng như các văn bản khác không quy định nếu quá 06 tháng người thừa kế không muốn nhận di sản thừa kế nữa thì phải làm thủ tục gì hoặc có quyền nhượng di sản mà mình hưởng cho người khác hay không, thậm chí họ vẫn cương quyết không nhận di sản thì tình trạng này của họ xét dưới góc độ pháp lý là gì? Để từ đó, xác định cũng như đảm bảo thực hiện quyền của những người thừa kế khác đối với di sản và những người thừa kế khác như thế nào?

Trong khi đó, Luật công chứng năm 2006 (hiện đã được thay thế bằng Luật công chứng 2014) quy định tại Khoản 1 Điều 49: “… Trong văn bản thỏa thuận phân chia tài sản, người được hưởng di sản có thể tặng cho toàn bộ hoặc một phần chuyển nhượng di sản của mình cho người thừa kế khác”. Với quy định này của Luật công chứng năm 2006 quy định tại Bộ luật Dân sự 2005 về việc từ chối nhận di sản có kèm theo thời hạn rơi vào trạng thái “dư thừa” hoặc chỉ đúng khi những người kế nghiêm túc thực hiện theo. Mà quy định như vậy, một mặt không thể bao quát được các trường hợp không nhận di sản thừa kế của người thừa kế, mặt khác không thể đảm bảo tuyệt đối hóa quyền của người thừa kế trong việc hưởng hoặc không hưởng di sản.

Nắm bắt được tinh thần đó, Bộ luật Dân sự 2015 quy định tại Khoản 3 Điều 620 như sau: “Việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản”.

Quy định ngày, ngoài việc giải quyết được những tồn đọng, bất cập của Bộ luật Dân sự 2005 còn đồng bộ hóa được trình tự, thủ tục với một số quy định của ngành khác. Do đó, quy định mới này đảm bảo tốt hơn việc thực hiện quyền hưởng thừa kế. Đồng thời, tạo điều kiện tối đã hóa quyền của những người thừa kế của người khác đối với di sản thừa kế trong việc triển khai thực hiện các quyền năng của mình đối với di sản thừa kế đó.

2. Di chúc chung của vợ chồng

Điểm mới của Bộ luật Dân sự 2015, quy định về di chúc chung của vợ chồng đã được bỏ hoàn toàn. Tác giả cho rằng, đây là một sự tiến bộ bảo đảm tính hiệu quả cao trong việc khai thác, sử dụng di sản của người thừa kế và những người có liên quan đến di sản thừa kế động sản. Lý giải cho điều này, tác giả xin phân tích một số ý sau:

– Quy định như Bộ luật Dân sự 2005, thời điểm có hiệu lực của di chúc chung của vợ, chồng là bên sau cùng chết hoặc cả hai cùng chết. Với quy định này, quyền lợi ích của người thừa kế khác ngoài thừa kế vô tình đã bị ảnh hưởng. Vì đặt ra trường hợp, người còn lại có thể sống lâu hơn những người thừa kế khác, hoặc thậm chí vượt qua các mốc thời hiệu mà Nhà nước cho phép các chủ thể trong quan hệ thừa kế khởi kiện yêu cầu đảm bảo quyền và lợi ích của mình đối với di sản thừa kế. Trong cả khoảng đó, di sản được quản lý và khai thác, sử dụng bởi người vợ hoặc chồng còn sống có thể được gia tăng hoặc giảm đi, thậm chí không còn đến thời điểm họ chết đi. Rõ tang, tính hiệu quả và phù hợp trong việc khai thác, sử dụng di sản của người thừa kế sẽ không triệt để.

– Quy định tại một số bản Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) xác định hai mốc thời điểm có hiệu lực của di chúc chung của vợ, chồng là: Thời điểm một bên chết trước (quy định của pháp luật) và thời điểm bên sau cùng chết (nếu vợ, chồng có thỏa thuận) cũng không thực sự giải quyết được những bất cập trong việc đảm bảo tính tuyệt đối hóa cho người thừa kế, người có liên quan đến di sản thừa kế. Có thể đặt ra một số khả năng sau: Một là, vợ hoặc chồng còn sống lập gia đình và sinh con (chưa thành niên) có được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc không? Hai là, phần di sản kể cả của vợ hoặc chồng trước đó cũng không còn nữa do người này khi lập gia đình mới đã sử dụng hết, hoặc có thể họ không còn lập gia đình mới nhưng vẫn sử dụng hết vì nhiều lý do khác nhau. Đó là chưa kể tới việc khai thác, sử dụng di sản của người vợ hoặc chồng chết trước để hưởng những lợi ích nhất định từ khối tài sản đó. Tất cả những điều này lại ít nhiều ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người thừa kế trong di chúc.

– Mục đích lớn nhất khi quy định về di chúc chung của vợ, chồng là đảm bảo di sản thừa kế luôn có sự thống nhất ý chí của vợ, chồng khi định đoạt khối tài sản thuộc sở hữu chung. Nhưng tác giả cho rằng khi pháp luật ghi nhận “ Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết” điều đó có ý nghĩa rằng, trong trường hợp vợ, chồng cùng định đoạt điều đó. Rõ ràng, việc làm này vẫn đạt được mong muốn, nguyện vọng của người để lại di sản lại loại bỏ được những bất cập nêu trên.

– Phần lớn Bộ luật Dân sự các quốc gia mà tác giả đã nghiên cứu cũng không có quy định về di chúc chung của vợ, chồng. Điều này không đồng nghĩa với sự vi phạm quyền tự định đoạt của cá nhân đối với tài sản của mình trước khi chết.

Tóm lại, hướng đến tính hiệu quả, công bằng và phù hợp trên thực tế khi bảo đảm quyền hưởng cũng như khai thác di sản thừa kế của người thừa kế, quy định về di chúc chung của vợ, chồng không được ghi nhận tại Bộ luật Dân sự 2015 là một điểm mới mang tính đột phá. Một mặt, khắc phục được những bất cập, tồn đọng của Bộ luật Dân sự 2005 mặt khác tạo ra sự đơn giản hóa cho quá trình lập di chúc của người để lại di sản, phân chia và hưởng di sản của người thừa kế, của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3. Hạn chế phân chia di sản

Quy định về hạn chế phân chia di sản xuất phát từ mong muốn nguyện vọng của người để lại di sản hoặc của những người thừa kế. Theo quy định của cả Bộ luật Dân sự 2005Bộ luật Dân sự 2015, việc người thừa kế không thể thực hiện hoặc yêu cầu thừa kế khi:

(i) Người lập di chúc thể hiện ý chí của mình sau một khoảng thời gian kể từ khi họ qua đời mới được phân chia di sản thì pháp luật sẽ tôn trọng và bảo đảm trên thực tế.

(ii) Những người thừa kế thỏa thuận sau một khoảng thời gian kể từ khi để lại di sản chết mới được phân chia, pháp luật sẽ tôn trọng và bảo đảm thực hiện.

(iii) Việc chia di sản thừa kế ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống một bên vợ hoặc chồng còn sống và gia đình, theo yêu cầu của người này, Tòa án chỉ xác định phân di sản của mỗi người những cho chia một trong khoảng thời gian, kể từ thời điểm mở thừa kế.

Tuy nhiên, điểm mới của Bộ luật Dân sự 2015 về vấn đền này là: “Trường hợp yêu cầu chia di sản thừa kế mà việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của bên vợ hoặc chồng còn sống và gia đình bên còn sống có quyền yêu cầu Tòa án xác định phần di sản mà những người thừa kế được hưởng nhưng chưa cho chia di sản trong môt thời hạn nhất định. Thời hạn này không quá 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này không quá 03 năm mà bên còn sống chứng minh được việc chia di sản vẫn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của gia đình họ thì có quyền yêu cầu Tòa án gia hạn một lần nhưng không quá 03 năm.” Như vậy, khoảng thời gian tối đa 03 năm và gia hạn một lần sẽ là khoảng thời gian để bên còn sống có thể khai thác, sử dụng di sản thừa kế bảo đảm cho cuộc sống của họ và gia đình. Quy định mới này cũng hướng tới việc tạo điều kiện tốt nhất cho những người thừa kế đang thực sự cần đến di sản để đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho mình và gia đình, đồng thời vẫn xác định được phần quyền của những người thừa kế khác.

4. Thời hiệu

Nhìn nhận chung, tại nhiều vùng miền, địa phương trên phạm vi cả nước, người dân thường có tâm lý ngại va chạm với các thủ tục pháp lý, đặc biệt những thủ tục liên quan đến di sản thừa kế. Mà với họ, quan niệm những giá trị tài sản nhưng quyền sử dụng đất và nhà ở (những di sản có giá trị lớn) Sẽ thuộc về những người con trai hoặc người trưởng nam trong dòng họ. Do đó, khi một người qua đời nếu không có tranh chấp phát sinh thì chính di sản đó sẽ được kế tục từ đời này qua đời khác.

Tâm lý chung xuất phát từ xã hội mang đậm nét văn hóa truyền thống của người Việt Nam là trọng tình cảm enen khi một người chết đi, hiếm khi con cháu họ yêu cầu chia di sản thừa kế ngay. Sau khi mai táng, phong tục ở nhiều nơi khi qua giỗ đầu, cắt tang… xong họ mới nghĩ đến chuyện phân chia di sản. Thêm nhiều lời dị nghị từ dư luận xã hội, đôi khi chính những người thừa kế lại không dám thỏa thuận, đề cập với nhau để thực hiện việc phân chia di sản. Thời gian dài trôi qua, những người thừa kế họp bàn nhau để xác định, phân chia di sản. Lúc này, nhiều tranh chấp mâu thuẫn có thể phát sinh.

Thực trạng xã hội có thể dẫn tới những tồn đọng sau:

– Di sản không được phân chia mà truyền từ đời này sang đời khác. Rất có thể, thế hệ tiếp sau đó khi nhận thức của họ về vấn đề hưởng di sản thực kế được rõ ràng – họ sẵn sàng tranh chấp. Lúc này, tranh chấp thường phức tạp hơn rất nhiều vì liên quan đến việc xác định di sản, người thừa kế qua các thế hệ.

– Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp về thừa kế đã hết.

Thời hiệu khởi kiện về thừa kế được quy định tại Điều 645 Bộ luật Dân sự 2005 là 10 năm cho việc yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác và 03 năm do người chết để lại từ thời điểm mở thừa kế phải thực hiện nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại từ thời điểm mở thừa kế và được cụ thể hơn tại Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/08/2004 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình khi quá thời hiệu. Tuy nhiên, như hai ý đã phân tích ở trên cộng thêm việc bảo đảm cho việc khai thác di sản của những người thừa kế trong khoảng nói trên không thể triệt để được.

– Cả khoảng thời gian trước khi yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp về thừa kế, khối di sản thừa kế hoàn toàn có thể được gia tăng hoặc giảm sút về giá mặt giá trị.

Một trong những mục tiêu của lần sửa đổi này của Bộ luật Dân sự, chúng ta hướng tới việc bảo đảm tối đa hóa quá trình khai thác, sử dụng di sản của người thừa kế. Sẽ không phủ nhận việc ai đó sử dụng di sản để tạo ra những lợi ích vật chất. Vì di sản – một thuật ngữ được sử dụng trong chế định thừa kế hay chính là tài sản phải được khai thác, sử dụng mang lại những giá trị, lợi ích cho con người – đây mới chính là ý nghĩa thực sự của tài sản. Điều chúng ta hướng đến xây dựng cho nền kinh tế thị trường thông qua quy định của pháp luật là vừa bảo đảm được quyền của người thừa kế vừa tận dụng việc khai thác công dụng của di sản thừa kế trong khoảng thời gian chờ hợp thức hóa, tuyệt đối hóa quyền cho những người thừa kế.

Nắm được tinh thần đó, Bộ luật Dân sự 2015 ra đời đã thay đổi khoảng thời gian cũng thời hiệu cũng như giải quyết được phân chia tài sản khi kết thúc khoảng thời gian của thời hiệu đó. Cụ thể, Điều 623 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

Thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia tài sản thừa kế là 10 năm đối với động sản và 30 năm đối với bất động sản kể từ thời điểm mở thừa kế.

– Hết thời hạn này, di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó.

– Khi không có người thừa kế đang quản lý tài sản: (i) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu một cách ngay tình, liên tục, công khai, nếu việc chiếm hữu phù hợp với quy định của pháp luật; (ii) Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu trên.

Với quy định này, tác giả cho rằng Bộ luật Dân sự 2015 đã giải quyết được một số tồn đọng như trên đã phân tích của Bộ luật Dân sự 2005. Đúng với tinh thần của việc sửa đổi lần này gắn với mục tiêu phát triển quan hệ thị trường, một trong những điều kiện quan trọng, cần thiết bên cạnh việc bảo vệ quyền sở hữu phải phát huy vai trò của những người không phải là chủ sở hữu. Điểm mới quan trọng nhất của quy định trên là ghi nhận vai trò của người thừa kế đang quản lý di sản, việc khai thác, sử dụng di sản của người chiếm hữu ngay tình, liên tục, công khai theo quy định của pháp luật. Quy định này thực sự ý nghĩa và phù hợp cả từ góc độ pháp lý đến góc độ thực tiễn. Việc họ khai thác, sử dụng, quản lý di sản trong thời gian 30 năm phải được ghi nhận địa vị pháp lý của họ với tư cách là chủ sở hữu tài sản đó. Có như vậy, ý nghĩa vật lý, vai trò của tài sản mới được đảm bảo thực sự dưới góc độ pháp lý.

Bản chất của thừa kế dưới góc độ pháp lý là sự quy định và đảm bảo thực hiện quá trình dịch chuyển di sản của người chết cho những người còn sống. Cả quá trình này có thể dài hoặc ngắn về mặt thời gian đôi khi phụ thuộc vào chính những người thừa kế, người để lại di sản thừa kế theo pháp luật. Nhưng cho dù ở phương diện khách quan hay chủ quan thì việc bảo đảm cho chủ thể hợp pháp nào đó được khai thác, sử dụng để hướng các lợi ích từ di sản đó là điều cần thiết. Với tinh thần Bộ luật Dân sự 2015 đã có những quy định mới mang tính đột phá tạo điều kiện tốt nhất cho những người thừa kế, người liên quan đến di sản thừa kế quyền được hưởng lợi ích từ việc khai thác, sử dụng di sản.

(Nội dung trên được trích dẫn tại Bình luận khoa học những điểm mới của Bộ luật dân sự năm 2015 – TS. Nguyễn Minh Tuấn tr 255 – 264).


Những nội dung liên quan đến: điều 623 bộ luật dân sự 2015, bình luận về thừa kế, bình luận quy định của bộ luật dân sự về người thừa kế, luật dân sự về thừa kế, bất cập về thừa kế trong blds 2015, hãy chỉ ra những bất cập và định hướng hoàn thiện các quy định trong bộ luật dân sự năm 2015 về thừa kế theo pháp luật, theo di chúc, từ chối nhận di sản thừa kế theo luật dân sự 2015, thực trạng thừa kế theo di chúc.

5/5 - (1 bình chọn)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền