Phòng vệ chính đáng trong luật hình sự Việt Nam

Chuyên mụcLuật hình sự phong-ve-chinh-dang

Bộ luật hình sự các nước khác nhau trên thế giới có cách gọi không giống nhau về  chế định phòng vệ chính đáng. Tuy nhiên, những chế định này đều nhằm để quy định những điều kiện nhất định để một người vì muốn bảo vệ một lợi ích của xã hội mà chống lại một hành vi đang xâm hại đến lợi ích đó, gây thiệt hại cho xã hội nhưng được xem là không cấu thành tội phạm và do đó không có trách nhiệm hình sự.

Điều 36 Bộ luật hình sự Nhật Bản quy định: “Một hành vi được thực hiện một cách cần thiết (không tránh khỏi việc thực hiện) để chống lại sự vi phạm pháp luật nguy hiểm, nhằm bảo vệ các quyền, lợi ích của mình hoặc của người khác thì không bị xử phạt”. Khoản 1 Điều 38 Bộ luật hình sự Liên bang Nga 1996 quy định: “Không phải là tội phạm việc gây thiệt hại cho người đang có hành vi xâm phạm thân thể và các quyền của người phòng vệ hoặc của người khác, xâm phạm các lợi ích của xã hội hay của Nhà nước, nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích nói trên, nếu trong khi gây thiệt hại không vượt quá giới hạn cần thiết”. Bộ luật hình sự Canada đã dành nhiều điều quy định về phòng vệ chính đáng (từ Điều 27 đến 42). Không giống pháp luật hình sự của các nước thuộc hệ thống luật Châu âu lục địa, Luật hình sự Canada quy định rõ ràng những trường hợp nào được xem là phòng vệ chính đáng, như phòng vệ để bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, để bảo vệ tài sản, để bảo vệ chỗ ở…v.v…

Nhìn chung, tuỳ vào chế độ chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội của mỗi quốc gia, tuỳ vào chính sách hình sự, tình hình đấu tranh phòng và chống tội phạm ở mỗi nước mà những quy định về phòng vệ chính đáng có khác nhau.

Ở nước ta, trước khi có Bộ luật hình sự năm 1985, trong Luật hình sự chưa có khái niệm phòng vệ chính đáng chung cho mọi trường hợp mà chỉ có một số trường hợp cụ thể của nó. Ví dụ, Bản tổng kết 452-HS2 ngày 10/6/1970 của Tòa án nhân dân Tối cao về thực hiện xét xử các tội giết người, Chỉ thị 07 ngày 22/12/1983 về xét xử các hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc trong khi thi hành công vụ.

Ngày 27/6/1985 Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua Bộ luật hình sự năm 1985 đã chính thức ghi nhận chế định phòng vệ chính đáng và Bộ luật hình sự sửa đổi năm 1999 trên cơ sở đó đã sửa đổi vài điểm nhỏ trong chế định này. Cho đến Bộ luật hình sự 2015 thì được quy định tại Khoản 1 Điều 22: “Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.”. Chế định này được xây dựng nhằm khuyến khích mọi công dân đấu tranh chống những hành vi xâm hại các quan hệ xã hội, ngăn chặn hoặc hạn chế những thiệt hại do sự xâm hại đó đe doạ gây ra.

1. Cơ sở lý luận của chế định phòng vệ chính đáng:

Thông thường, một hành vi khi có đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm thì hành vi đó bị coi là tội phạm và bị đe doạ áp dụng hình phạt. Tuy nhiên, luật hình sự lại quy định một số hành vi trên thực tế có đầy đủ các dấu hiệu hình thức của một tội phạm, nhưng không phải là tội phạm, trong đó có phòng vệ chính đáng. Về mặt khách quan, phòng vệ chính đáng đã có các hành vi gây thiệt hại cho c ác quan hệ xã hội được Luật hình sự bảo vệ một cách cố ý, nhưng vẫn được Nhà nước khuyến khích thực hiện. Có một số quan điểm lý giải cho quy định này, chẳng hạn như, thuyết cưỡng bách tinh thần cho rằng, “ trong trường hợp phòng vệ chính đáng, hành vi phòng vệ vẫn là một tội phạm nhưng người phòng vệ được miễn tội vì đã hành động trong điều kiện bị cưỡng bách tinh thần. Vì bị tấn công trái phép và bất ngờ nên bắt buộc phải chống trả”.

Quan điểm thứ hai xuất phát từ yếu tố khách quan cho rằng, “người phòng vệ mặc dù gây thiệt hại cho kẻ tấn công nhưng đã sử dụng một quyền, hơn nữa đã thi hành một bổnphận đối với xã hội. Trước một hành động tấn công xâm hại hay đe doạ trực tiếp lợi ích của xã hội, người phòng vệ không nên và không thể chờ vào sự can thiệp của chính quyền mà cần phải phản ứng kịp thời mới bảo vệ được trật tự xã hội, bảo vệ được tính mạng của bản thân mình hoặc của người khác. Người phòng vệ, nhân danh xã hội thi hành bổn phận, sử dụng một quyền, đó là quyền phòng vệ cho nên học thuyết này còn gọi là học thuyết quyền phòng vệ”.

Các luật gia xã hội chủ nghĩa tán đồng học thuyết quyền phòng vệ và mở rộng nội dung của nó. Trong một số điều kiện và giới hạn nhất định, xã hội xã hội chủ nghĩa tán thành và khuyến khích mọi người tích cực bảo vệ lợi ích của Nhà nước và xã hội.93 Người chống trả trong trường hợp của phòng vệ chính đáng thực hiện hành vi chống trả phù hợp với quy luật tự nhiên và xã hội. Trong thế giới tự nhiên, theo quy luật, bất kỳ một sự vật, hiện tượng nào khi bị tác động theo hướng phá vỡ sự tồn tại của chúng, chúng sẽ tác động ngược trở lại một lực bằng với lực mà chúng chịu tác động. Ví dụ, chúng ta dùng tay đập vào tường, bức tường sẽ tác động trở lại tay chúng ta làm cho tay chúng ta đau đớn. Về góc độ xã hội, trạng thái tồn tại ổn định, bền vững của các quan hệ xã hội là ý chí của giai cấp thống trị – Nhà nước. Bất kỳ một sự xâm hại nào đến sự tồn tại ổn định đó đều bị phản ứng từ phía Nhà nước.

Trong những điều kiện nhất định, sự phản ứng của Nhà nước có thể hiệu quả, riêng về trường hợp của phòng vệ chính đáng, sự phản ứng của Nhà nước sẽ không mang lại hiệu quả vì sự xâm hại đang diễn ra mà Nhà nước thì không có mặt kịp thời. Do đó, Nhà nước mới nhường quyền này lại cho cá nhân, là chủ thể đang trong trường hợp cũng có ý chí phản ứng như vậy.

Thực ra, hành vi chống trả, gây thiệt hại cho người đang có hành vi xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tập thể, quyền và lợi ích chính đáng của công dân là những việc làm có ích, phù hợp với lợi ích chung của toàn xã hội, đạo đức xã hội chủ nghĩa. Do đó, Luật hình sự Việt Nam và một số nước khẳng định hành vi phòng vệ chính đáng không thể bị coi là tội phạm. Phòng vệ chính đáng là quyền của mỗi công dân nhưng không phải là nghĩa vụ pháp lý bắt buộc (trừ những người có chức vụ, trách nhiệm được Nhà nước giao cho nhiệm vụ trong những trường hợp cụ thể phát sinh trách nhiệm). Mỗi cá nhân có thể sử dụng quyền này của mình trong những điều kiện và hoàn cảnh khác nhau. Tuy nhiên, chế định này không có nghĩa là sự cho phép mọi công dân đều có quyền trừng trị tội phạm mà quyền xử lý tội phạm thuộc về các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nhân danh Nhà nước. Do đó, hành vi phòng vệ chính đáng phải tuân theo những quy định nhất định trong Luật hình sự.

2. Điều kiện để được xem là phòng vệ chính đáng (theo Điều 22 Bộ luật hình sự 2015)

Cơ sở làm phát sinh quyền phòng vệ chính đáng:

Cơ sở làm phát sinh quyền phòng vệ chính đáng là phải có hành vi xâm hại đến lợi ích của Nhà nước, của tập thể, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân một cách trái pháp luật, nguy hiểm đáng kể cho xã hội.

– Có hành vi xâm hại đến lợi ích của Nhà nước, của tập thể, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, có tính nguy hiểm đáng kể cho xã hội.

Hành vi xâm hại có thể cấu thành tội phạm hoặc chưa cấu thành tội phạm nhưng đã có dấu hiệu khách quan của một tội phạm cụ thể. Ví dụ, hành vi đâm chém của người không có năng lực trách nhiệm hình sự (bệnh tâm thần hoặc chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự). Thực tế không phải lúc nào người (chủ thể phòng vệ) chống trả cũng có thể nhận thức được hành vi tấn công đã cấu thành tội phạm hay chưa.

Vì vậy, chỉ cần hành vi xâm hại có một số dấu hiệu khách quan biểu hiện đó là một hành vi phạm tội thì hành vi xâm hại coi như thoả mãn.

Đa phần, hành vi xâm hại trong phòng vệ chính đáng được thực hiện qua những hành động của kẻ tấn công (như hành động cướp tài sản, hành động hiếp dâm, hành động gây thương tích…), nhưng cá biệt cũng có thể được thực hiện thông qua không hành động (như hành vi không cứu giúp người đang bị tai nạn của người bác sĩ mà không có lý do chính đáng). Tuy nhiên, trên thực tế, dạng này rất hiếm khi xảy ra mà có viện dẫn là phòng vệ chính đáng.

– Hành vi xâm hại trái pháp luật.

Tính trái pháp luật của hành vi xâm hại biểu hiện ở nó là một hành vi không hợp pháp chứ không cần nó phải đến mức trái pháp luật hình sự. Chẳng hạn, A là người cướp giật tài sản của người khác, B là người đi đường phát hiện đuổi theo và có dùng vũ lực để bắt A. Trong trường hợp này, A không có quyền chống trả vì hành vi tấn công của B đối với A không trái pháp luật.

Trong trường hợp phạm tội do tinh thần bị kích động mạnh bởi hành vi trái pháp luật của nạn nhân (đối với người phạm tội hoặc người thân của họ), rất khó phân biệt với phòng vệ chính đáng. Trong những những trường hợp cụ thể, người áp dụng pháp luật hình sự sẽ xác định. Theo tôi, hành vi trái pháp luật trong trường hợp phạm tội do tinh thần bị kích động mạnh chưa được xem là cần chống trả. Ví dụ, anh A là một trí thức, vô cớ bị một người không quen biết (B) chửi. Không kiềm chế được nên A đã đánh B trọng thương. Nếu hành vi tấn công vừa khiến cho bên bị hại bị kích động mạnh về tinh thần vừa làm phát sinh quyền phòng vệ chính đáng thì việc ưu tiên viện dẫn chế định áp dụng sẽlà phòng vệ chính đáng vì áp dụng chế định này sẽ có lợi hơn cho chủ thể phòng vệ (người chống trả).

Dĩ nhiên, yếu tố tinh thần bị kích động mạnh cũng được đưa ra xem xét để đánh giá mức độ cần thiết của hành vi phòng vệ. Có thể xem xét ví dụ dưới đây:

Hai gia đình ông Ánh và Bền tranh chấp nhau trên một phần đất. UBND đã thông báo hai bên cứ bình tĩnh, giữ nguyên vị trí chờ chính quyền giải quyết. Bên nhà ông Ánh chấp hành nghiêm chỉnh nhưng bên ông Bền thường xuyên kiếm chuyện và đổ nước bẩn vào sau nhà bếp của ông Ánh. Tuy nhiên, phía gia đình ông Ánh vẫn hết sức kiềm chế.

Ngày 8/11/1987, Nguyễn Đình Quý là con của ông Ánh phát hiện bên nhà ông Bền lại đổ nước sau bếp nhà mình nên chạy sang nhà ông Bền hỏi: “Sao bác cứ đổ nước bẩn sang nhà cháu hoài thế?”. Ông Bền nói: “Mày về gọi bố mày sang đây”, rồi sai con là Dũng cầm dao đến trước mặt Quý đe doạ và tiếp tục đổ nước bẩn sang nhà ông Ánh. Ngay sau đó, ông Bền cầm ống bơm xe đạp đập vào đầu Quý nhưng bị trượt vào tường, một mảng tường văng ra trúng vào đầu Bền làm chảy máu.

Quý chạy về nhà cầm dao chạy sang thì em của ông Bền là Bình giằng dao vứt đi. Bền lấy gạch ném trúng vào đầu Quý làm bị thương. Tức quá, Quý xông vào đánh ông Bền nhưng bị Dũng cầm dao chém bị thương phải đưa đi bệnh viện.

Ngay sau đó, Bền chạy sang đạp đổ bức tường ngăn cách giữa đất hai nhà, miệng luôn chửi rủa gia đình ông Ánh. Rồi cùng tám người khác gồm con và em, cháu người cầm thanh sắt, người cầm dao phay, xà beng, xẻng hùng hổ kéo sang nhà ông Ánh.

Đến sân nhà, con của ông Bền xông vào giật đứt bức màng che cửa nhà ông Ánh, miệng hét:

“Chúng mày định giết ông già tao à? Tao sẽ giết”. Ông Ánh bước ra cửa để ngăn cản thì bị con của ông Bền túm cổ áo, miệng thét chửi và dùng cán dao thúc vào bụng làm ngã lăn ra đất. Con của ông Ánh nhảy ra kéo cha vào cũng bị con của ông Bền dùng dao chém và đá ngã lăn ra nền nhà.
Lúc ấy, Nguyễn Đình Long (con của ông Ánh) đang nằm ngủ, nghe ầm ĩ liền thức giấc, nhìn ra sân thấy toàn là người nhà của ông Bền, hò reo, trên tay cầm vũ khí vẻ mặt sát khí. Chứng kiến thấy cha mình bị thúc dao vào bụng ngã lăn, em mình cũng thế, mọi lối đi đều bị phong toả, Long lục tủ lấy ra quả lựu đạn mà Long đã lấy của đơn vị lúc xuất ngũ, rút chốt ném ra sân. Lựu đạn nổ làm chết 4 người nhà của ông Bền, bị thương 9 người (trong đó có cả người nhà của ông Bền, ông Ánh và cả Long).

Trong trường hợp này, xét ra hành vi của phía ông Bền diễn ra trong một quá trình lâu dài, kèm theo hành vi tấn công diễn ra hiện tại có thể khiến Long bị kích động mạnh về tinh thần. Vì vậy, Long mới có xử sự thiếu sáng suốt, có hành động chống trả dù biết rằng có thể gây ra thiệt hại cho cả người thân của mình và cả mình. Mặt khác, Long cũng có quyền phòng vệ chính đáng. Do vậy, chúng ta phải ưu tiên áp dụng quy định về phòng vệ chính đáng để xem xét trường hợp của Long, xem hành vi của Long có vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hay không, nếu không, Long không phạm tội.

– Hành vi xâm hại phải có tính hiện tại.

Hành vi xâm hại phải có tính hiện tại, tức là hành vi đó đang xảy ra hoặc sẽ xảy ra ngay tức khắc mà chưa kết thúc mới trở thành là cơ sở làm phát sinh quyền phòng vệ. Thực tế xảy ra nhiều trường hợp hành vi chống trả diễn ra khi hành vi gây thiệt hại đã chấm dứt, thậm chí có khi chống trả sai đối tượng, như nghe tin người thân mình bị đả thương đã tìm người đả thương để trả thù nhưng lầm người. Trường hợp phòng vệ này, khoa học Luật hình sự gọi là phòng vệ quá muộn và người phòng vệ phải chịu trách nhiệm hình sự. Vấn đề đặt ra là phải xác định chính xác hành vi gây thiệt hại chấm dứt khi nào. Điều này cần xem xét, đánh giá trong những trường hợp cụ thể. Tuy vậy, cũng có trường hợp hành vi chống trả diễn ra khi hành vi tấn công đã chấm dứt nhưng vẫn còn khả năng gây thiệt hại và hành vi chống trả đó có ý nghĩa ngăn chặn thiệt hại xảy ra. Chẳng hạn, hành vi đuổi đánh kẻ cướp giật để lấy lại tài sản. Ngược lại với phòng vệ quá muộn là phòng vệ quá sớm. Đây là trường hợp hành vi phòng vệ được tiến hành khi hành vi gây thiệt hại chưa thật sự xảy ra, không có các cơ sở chứng tỏ hành vi gây thiệt hại sẽ xảy ra tức khắc. Chẳng hạn, A và B cãi nhau. Thấy A hùng hổ, B nghĩ rằng, mình phải ra tay trước vì sách có câu “tiên hạ thủ vi cường, hậu hạ thủ tai ương”. Nghĩ thế, B đã xông vào đánh A gây thương tích cho A. Trường hợp này, hành vi của B bị xem là phòng vệ quá sớm, khi chưa có hành vi xâm hại xảy ra. Trách nhiệm hình sự trong phòng vệ quá sớm cũng giải quyết như phòng vệ quá muộn.

– Hành vi xâm hại phải có tính hiện hữu.

Điều này đòi hỏi hành vi gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại có xảy ra trên thực tế và hành vi chống trả là nhằm ngăn chặn hành vi tấn công, bảo vệ lợi ích bị xâm hại. Hành vi phòng vệ xem là hợp pháp khi hành vi tấn công là có thật. Nếu hành vi chống trả một hành vi tấn công không có thật, khoa học Luật hình sự gọi là phòng vệ tưởng tượng. Tuy nhiên, ngay cả khi sự tấn công là không có thật, sự chống trả vẫn được thực tiễn xem là phòng vệ chính đáng nếu căn cứ vào các tình tiết khách quan của vụ việc mà nhận thấy rằng trong những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể đó, người có hành vi phòng vệ không nhận thức được hoặc không thể nhận thức được rằng không có hành vi tấn công xảy ra. Chẳng hạn, A đi về nhà khuya, B (bạn thân của A) cầm dao tiến đến giả vờ doạ cướp, A phản ứng tự vệ đá B một cước bay vô hàng rào gây trọng thương. Nếu sự tưởng tượng rõ ràng là không có cơ sở thì người phòng vệ phải chịu trách nhiệm hình sự. Cũng bị xem là phòng vệ tưởng tượng nếu người phòng vệ không chống trả người gây thiệt hại mà chống trả người không gây thiệt hại (nhầm lẫn kẻ tấn công). Phòng vệ tưởng tượng phải chịu trách nhiệm hình sự.

Cả phòng vệ quá sớm, phòng vệ quá muộn và phòng vệ tưởng tượng đều không thoả mãn dấu hiệu làm phát sinh quyền phòng vệ chính đáng. Do vậy, cả ba trường hợp này không có yếu tố gì để có thể làm giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo cách viện dẫn của tình tiết vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Sở dĩ các nhà lý luận dùng cụm từ “phòng vệ” kèm theo “sớm”, “muộn”, “tưởng tượng” ở đây là vì các trường hợp này được tìm ra khi phân tích chế định phòng vệ chính đáng.

Về nguyên tắc, khi có đầy đủ các dấu hiệu làm phát sinh quyền phòng vệ, người phòng vệ có thể dùng vũ lực để chống trả ngay mà không cần phải chờ đợi đến khi không còn cách nào khác. Tuy nhiên, khi sự xâm hại đến từ một người không có năng lực trách nhiệm hình sự (mắc bệnh tâm thần dẫn đến mất khả năng nhận thức hoặc mất khả năng điều khiển hành vi, người chưa đủ 14 tuổi) thì người có quyền phòng vệ phải tháo chạy trước hết. Nếu điều đó không còn hiệu quả thì sự chống trả mới được xem xét. Ví dụ, Tiên là người mắc bệnh tâm thần, mất khả năng nhận thức, thường đi lang thang trên dường và đuổi đánh người khác. Một hôm, Tiên thấy Vinh liền cầm cây xông đến tấn công. Vinh biết Tiên mắc bệnh tâm thần nên bỏ chạy. Không may, đang chạy thì Vinh vấp phải đá té sấp. Khi quay lại thì Tiên đã tiến sát, giơ cây định đánh Vinh. Khi đó, Vinh đưa chân đạp một cái, gây thương tích cho Tiên. Trường hợp này, hành vi của Vinh được viện dẫn quy định của phòng vệ chính đáng.

Theo Điều 22, đối tượng để bảo vệ trong phòng vệ chính đáng là lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, quyền và lợi ích chính đáng của người phòng vệ hoặc của người khác. Như vậy, người phòng vệ có quyền bảo vệ bất kỳ các quyền hoặc lợi ích nào nếu được xem là hợp pháp và đang bị xâm hại mà không cần phải giới hạn đó là quyền hoặc lợi ích của mình. Ví dụ, trên đường đi làm về, Minh phát hiện có hai thanh niên đang hiếp dâm một phụ nữ. Minh xông vào đánh một tên té xỉu, tên còn lại chạy mất. Hành vi của Mình được xem là phòng vệ chính đáng.

Về điểm này, Điều 37 Bộ luật hình sự Canada 1990 (?) quy định: “Mọi người đều có quyền dùng vũ lực để bảo vệ mình hoặc bất cứ người nào mà mình có trách nhiệm chăm sóc khỏi sự tấn công nếu vũ lực được dùng không vượt quá mức cần thiết nhằm ngăn chặn hoặc đẩy lùi sự tấn công”. Nội dung điều luật là quá rõ, chỉ khi quyền hoặc lợi ích của những người dưới sự chăm sóc của mình bị xâm hại, một người mới có thể viện dẫn quy định về phòng vệ chính đáng để chống trả lại người đang có hành vi xâm hại. Tuy nhiên, điều luật lại không nói rõ trong trường hợp đó, người muốn phòng vệ có đợi đến khi người bị xâm hại chống đỡ không lại không rồi mới ra tay phòng vệ (giúp). Theo Ted Truscott, một số quốc gia chỉ cho phép một người phòng vệ giúp người khác sau khi người bị xâm hại đã có hành vi chống đỡ không lại.

Đối tượng, nội dung và phạm vi của phòng vệ chính đáng:

Khi đã có đủ cơ sở làm phát sinh quyền phòng vệ, người phòng vệ có quyền chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi gây thiệt hại. Đối tượng, nội dung và phạm vi của sự phòng vệ được biểu hiện như sau:

– Đối tượng của sự chống trả là người đang có hành vi xâm hại.

Hành vi chống trả chỉ có thể nhằm vào người đang có hành vi xâm hại cho các lợi ích của xã hội, chứ không cho phép nhằm vào người thứ ba, không liên quan gì đến hành vi xâm hại. Ví dụ, Lê Tám và Tường Vy trên đường đi chơi, Tám đã sinh ra cãi vả với Trường Ca. Vốn tính côn đồ, lại muốn chứng tỏ “dòng máu anh hùng” trước mặt người yêu, Tám đã tấn công Ca. Ca có chống trả nhưng không lại. Chịu được mấy đòn, nhảy qua nhảy lại đến gần chỗ Vy, người đang đứng lo lắng và khuyên Tám đừng tiếp tục đánh nhau. Lúc đó, Ca nghĩ nếu mình đánh Vy thì sẽ có thể khiến Tám dừng tay. Vì vậy, Ca vung tay đấm một cái làm gãy 2 cái răng cửa của Vy. Quả thật, Tám dừng, không tấn công Ca nữa và đưa Vy đi bệnh viện. Trong trường hợp này, suy nghĩ và hành động của Ca có vẻ hợp với logic tâm lý. Tuy nhiên, pháp luật về phòng vệ chính đáng không cho phép như vậy. Hành vi của C không
được viện dẫn quy định của phòng vệ chính đáng.

– Nội dung của quyền phòng vệ phải là cho tính mạng, sức khoẻ, quyền tự do của người đang có hành vi tấn công nhưng cũng có thể chỉ nhằm vào phương tiện, công cụ mà người tấn công đang sử dụng để thực hiện hành vi tấn công. Nhưng dù với hình thức nào thì hành vi chống trả vẫn gây ra thiệt hại cho kẻ có hành vi tấn công. Nếu sự chống trả gây ra các thiệt hại khác thì không thuộc nội dung được viện dẫn quy định của phòng vệ chính đáng mặc dù hành vi xâm hại có thể xâm hại đến bất kỳ quan hệ xã hội nào. Ví dụ, Sơn ghét Khôi và thường xuyên gây sự với Khôi, đặc biệt là khi Sơn có uống rượu. Một hôm, sau khi đi uống rượu với bạn bè về, Sơn đến nhà Khôi gây sự và xông vào dùng một thanh gỗ đập cửa kiếng, đồ đạt trong nhà Khôi. Khi đó, Khôi kinh hoảng, lẻn ra cửa sau, sang nhà và đốt nhà Sơn. Khi nhà Sơn cháy, Khôi trở về nhà mình và nói với Sơn rằng nhà của Sơn đã bị mình đốt. Sơn chạy về nhà thấy nhà mình bị cháy, tức giận liền qua đập phá nhà Sơn nhiều hơn, đến khi công an đến ngăn chặn. Trường hợp này, hành vi của Khôi không thể được xem là phòng vệ chính đáng. Chỉ có thể viện dẫn tình tiết phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho Khôi.

– Phạm vi của quyền phòng vệ giới hạn ở mục đích cần thiết để ngăn chặn và đẩy lùi hành vi xâm hại.
Phạm vi của phòng vệ chính đáng là mức độ của hành vi phòng vệ. Điều 22 Bộ luật hình sự quy định, hành vi chống trả phải là biện pháp “cần thiết” để ngăn chặn và đẩy lùi hành vi tấn công. Điều này có nghĩa, trong những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, người phòng vệ trên cơ sở tự đánh giá tính chất của quan hệ xã hội bị xâm hại, tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi tấn công và những yếu tố khác để quyết định biện pháp chống trả mà người đó cho là “cần thiết” nhằm ngăn chặn và đẩy lùi hành vi xâm hại đến các khách thể được Luật hình sự bảo vệ. Việc dùng cụm từ “cần thiết” thay cho “tương xứng” (Bộ luật hình sự 1985) là phù hợp. Cụm từ “tương xứng” dẫn đến cách hiểu không đúng, máy móc rằng kẻ phạm tội sử dụng công cụ, phương tiện gì, cách tấn công như thế nào, gây hậu quả thế nào thì người chống trả phải sử dụng tương tự như vậy hoặc thiệt hại mà người phòng vệ gây ra phải ngang bằng hoặc nhỏ hơn thiệt hại mà người tấn công gây ra hay đe doạ gây ra. Mặt khác, việc sử dụng cụm từ này chỉ thể hiện sự đánh giá hình thức của người thứ ba chứ không phải là của người trong cuộc.
Thực tế ở nước ta cũng như các khảo sát của những nhà nghiên cứu trên thế giới cho thấy, tâm lý phổ biến của người dân là bàng quan, thờ ơ trước những hành vi phạm tội, ngại phiền toái, liên luỵ mà không khéo lại có thể bị đánh giá là “không tương xứng” (phạm tội) khi chống trả lại một hành vi xâm hại. Việc đánh giá tính tương xứng trong thực tế rõ ràng rất khó khăn, nhất là trong trường hợp người bị tấn công bất ngờ, không thể có điều kiện bình tĩnh lựa chọn một cách xử sự hợp lý. Cụm từ cần thiết cho phép hành vi chống trả có thể không tương xứng với hành vi tấn công, gây thiệt hại với điều kiện hành vi chống trả phải là cần thiết nhằm loại trừ nguồn gốc sinh ra nguy hiểm cho xã hội. Đánh giá như thế nào là cần thiết hay không cần thiết cần dựa vào những tình tiết, yếu tố cụ thể của những trường hợp cụ thể.

Vấn đề trước tiên trong một trường hợp phòng vệ chính đáng là việc xem xét hành vi chống trả của bị cáo có cần thiết không. Đây là vấn đề không phải dễ, ngay cả đối với các thẩm phán vì đây là vấn đề thuộc đánh giá chủ quan. Có thể xem xét vụ án sau: Gia đình của ông Bắc và bà Liễu là hàng xóm của nhau. Bà Liễu đã ly hôn với chồng cách đây 20 năm, có con tên Tuấn (30 tuổi) đang ở chung bà. Ông Bắc có hai con tên là Minh (31tuổi) và Quang (29 tuổi), vợ ông đã chết. Ban ngày, các con của ông Bắc và bà Liễu đều đi làm, hai ông bà thường xuyên qua nhà lẫn nhau và trở nên thân thích. Ông Bắc cảm thấy ăn cơm ở nhà một mình buồn nên mang gạo sang nhà bà Liễu để nấu cơm ăn chung. Minh và Quang phát hiện khuyên can cha nhưng ông Bắc vẫn không nghe. Minh và Quang cho rằng, bà Liễu dụ cha mình mang tài sản sang cho bà nên bàn nhau giải quyết vụ việc.

Vào 3 giờ sáng ngày mồng một tết, Minh cầm dao rựa lớn, Quang cầm đuốc sang nhà bà Liễu. Quang châm lửa đốt nhà bà Liễu, Minh thì cầm rựa đứng cản trước cửa với tư thế chuẩn bị tấn công. Thấy cháy nhà, bà Liễu và Tuấn chạy ra cửa thì gặp Minh đang cầm dao. Tuấn lao vào giằng co và giật được dao của Minh, chém đứt tay Minh, sau đó chém tiếp vào đầu Minh làm Minh chết ngay tại chỗ. Thấy thế, Quang cầm đuốc xông vào đánh Tuấn. Trong lúc giằng co, Tuấn và Quang được mọi người can ra.
Trong trường hợp trên, có hai quan điểm trái ngược nhau. Quan điểm thứ nhất cho rằng Tuấn phạm tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng vì sự chống trả như vậy là quá mức cần thiết. Tuy nhiên, quan điểm thứ hai cho rằng Tuấn không phạm tội mà thuộc trường hợp phòng vệ
chính đáng.

Để đánh giá tính cần thiết của hành vi chống trả, chúng ta cần dựa trên các yếu tố sau:

+ Quan hệ xã hội bị xâm hại hoặc đe doạ bị xâm hại. Quan hệ xã hội bị xâm hại càng quan trọng bao nhiêu thì sự chống trả càng cần thiết bấy nhiêu. Chẳng hạn, kẻ tấn công muốn xâm hại đến tính mạng thì sự chống trả gây ra thiệt hại cho tính mạng có thể được xem là cần thiết. Tuy nhiên, nếu kẻ xâm hại muốn cướp tài sản thì hành vi chống trả gây thiệt hại cho tính mạng có thể bị xem là vượt quá mức cần thiết.

+ Tính chất, mức độ của hành vi xâm hại. Tính chất, mức độ của hành vi xâm hại càng nguy hiểm, nghiêm trọng thì sự chống trả càng cần thiết. Chẳng hạn, ba tên cướp dùng súng uy hiếp chủ
tiệm vàng để cướp vàng. Con của chủ nhà thoát ra được đã dùng dao chém chết tên cướp đang cầm súng uy hiếp. Hành vi này được xem là phòng vệ chính đáng.

+ Tương quan lực lượng giữa bên xâm hại và bên chống trả. Chẳng hạn, một phụ nữ bình thường tấn công hai người đàn ông. Hai người đàn ông chống trả và làm gãy tay người phụ nữ xem ra là không cần thiết.

+ Công cụ, phương tiện sử dụng trong để xâm hại và chống trả.

+ Thời gian, địa điểm xảy ra sự việc…v.v…

3. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng:

Khi một người có quyền phòng vệ chính đáng nhưng sự chống trả quá mức cần thiết, tức là sử dụng quyền phòng vệ một cách vượt mức thì phải chịu trách nhiệm hình sự về sự vượt quá đó. Khoản 2 Điều 22 Bộ luật hình sự quy định: “Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại”.
Để buộc một người phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp hành vi chống trả vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng trước hết nó phải có yếu tố phòng vệ. Tuy nhiên, trong trường hợp đó, hành vi chống trả theo sự đánh giá chung là quá mức cần thiết. Người phòng vệ đã dùng những phương tiện, công cụ, phương pháp chống trả gây ra thiệt hại mà tính chất của hành vi xâm hại trong điều kiện đó không đòi hỏi phải dùng đến nhằm ngăn chặn và đẩy lùi hành vi xâm hại. Vì vậy, người gây thiệt hại trong trường hợp này phải chịu trách nhiệm hình sự.

Có thể nghiên cứu vụ án sau:

Ông Đặng Như Lộc, 39 tuổi, sinh sống tại tỉnh Hà Tây, là tổ trưởng quản lý điện ở địa phương với chức năng trông giữ, đóng và cắt cầu dao, thu tiền điện. Ông Lê Đinh Cường (năm 1990 bị Toà án nhân dân huyện Hoài Đức kết án 24 tháng tù cho hưởng án treo; năm 1995 có hành vi gây rối trật tự công cộng bị xử phạt hành chính) là một chủ sử dụng điện. Tuy nhiên, gần đây, ông Cường thường xuyên cố tình không nộp tiền điện. Sau nhiều lần ông Lộc đến thu tiền nhưng ông Cường không nộp, ngày 9/5/2001, ông Lộc đã doạ sẽ cắt điện của gia đình ông Cường.

Ngày 10/5/2001, ông Lộc đi kiểm tra đường dây điện và tiếp tục đến nhà ông Cường thu tiền. Ông Cường vẫn cố tình không nộp nên ông Lộc đã cắt điện nhà ông Cường. Thấy mất điện, ông Cường cầm một thanh sắt và cùng Lê Đình Mạnh (em trai Cường) cầm một thanh gỗ chạy ra (chỗ ông Lộc đang cúp cầu dao) để đánh ông Lộc. Khi đó, ông Lộc đã dùng dao (mang theo để phát cành cây bảo vệ đường dây điện) chống cự và tấn công lại Cường, chém ông Cường. Thấy vậy, Mạnh bỏ chạy. Ông Lộc đuổi theo Mạnh và chém Mạnh một nhát. Biên bản giám định pháp y đã kết luận tỷ lệ thương tật của Cường là 51%, tỷ lệ thương tật của Mạnh là 3%, thương tật của Lộc là 12%. Trong trường hợp này, hành vi của ông Lộc bị xem là vượt quá mức cần thiết trong phòng vệ chính đáng vì sự chống trả
sau khi hành hành vi tấn công đã bị đẩy lùi là không cần thiết.

Tuy nhiên, gây thiệt hại trong vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng xuất phát từ mục đích bảo vệ kịp thời lợi ích của xã hội, quyền, lợi ích chính đáng của công dân khỏi sự xâm hại, cho nên tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi cũng giảm đi đáng kể. Do đó, chính sách hình sự của Nhà nước ta có xem xét để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho người phạm tội do vượt quá này. Ví dụ, vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là tình tiết định tội ở tội phạm Điều 126 (tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng), Điều 136 (tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội). Khi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng không phải là tình tiết định tội thì có thể sử dụng như một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự tại Điều 46 Bộ luật hình
sự.

 

đánh giá bài viết

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền