Một số kinh nghiệm của nước ngoài về hoạt động, tổ chức của luật sư mà Việt Nam có thể tham khảo

Tổ chức hành nghề luật sư

Một số kinh nghiệm của nước ngoài (Anh, Pháp, Đức, Hoa Kỳ) về hoạt động, tổ chức của luật sư mà Việt Nam có thể tham khảo.

1. Về đào tạo luật sư

Ở Anh, có 03 giai đoạn để đào tạo trở thành luật sư:

– Giai đoạn 1: Tốt nghiệp cử nhân luật hoặc không cần cử nhân luật nhưng phải đào tạo 1 năm chuyên sâu ngành Luật.
– Giai đoạn 2: Đào tạo về hành nghề luật sư chuyên biệt. Đoàn luật sư là người điều hành các khóa học.
– Giai đoạn 3: Phải làm trợ lý cho các luật sư thời gian 12 tháng hoặc Phòng Pháp lý của các Doanh nghiệp.

Ở Pháp, để trở thành luật sư, trước hết phải có bằng cử nhân luật (maîtrise en droit), phải thi đầu vào và hoàn thành khóa học 18 tháng tại Trung tâm đào tạo nghiệp vụ (Centres Régionaux de formation professionnelle des avocats-CRFPA) được tổ chức ở từng vùng. Chương trình học do ủy ban quản lý Trung tâm khu vực quy định với sự nhất trí của hội đồng quốc gia luật sư và báo cáo với Bộ Tư pháp. Sau đó, các luật gia phải trải qua 2 năm tập sự dưới sự hướng dẫn của luật sư thực hành. Sau thời gian tập sự, nếu có nhận xét tốt của luật sư hướng dẫn tập sự, người thực tập sẽ nhận được giấy chứng nhận hết tập sự, tuyên thệ trước tòa án và có thể trở thành luật sư chính thức.

Ở Hoa Kỳ, sau khi đã có bằng cử nhân ở một đại học bất kỳ ngành nào, học viên mới được đăng ký theo học luật tại một trường luật chính quy, được công nhận tại một tiểu bang hoặc một số tiểu bang thuộc Hoa Kỳ. Sau thời gian 3 năm học chuyên ngành luật, học viên được công nhận tốt nghiệp khi đã trải qua một kỳ thi rất khắt khe.

2. Về tiêu chuẩn luật sư

Ở Đức, để trở thành luật sư phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau:

– Đã học Đại học luật;
– Có đủ điều kiện làm thẩm phán;
– Trong quá trình học Đại học, phải tham gia và vượt qua kỳ thi quốc gia do Bộ Tư pháp tổ chức. Sau đó, phải đăng ký thực hành luật, thời gian thực hành kéo dài 02 năm và phải qua nhiều nơi đào tạo khác nhau như Viện công tố, Tòa án… mỗi nơi khoảng 3 tháng để có thể trở thành thẩm phán, công tố hay luật sư. Nếu chọn trở thành luật sư, học viên phải tham gia thực hành tại một tổ chức hành nghề luật sư khoảng 9 tháng. Kết thúc giai đoạn này thì đủ thời gian tham dự kỳ thi quốc gia thứ 2 với khoảng 7 bài thi viết. Tốt nghiệp kỳ thi thứ 2 sẽ có một lần làm việc tự chọn tại Tòa án, Viện công tố, Văn phòng luật sư hoặc chọn thực hành ở nước ngoài. Sau khi đã thực hành xong, người thực hành ở nước ngoài còn phải tham dự kỳ thi vấn đáp khoảng 5 giờ và khi đã vượt qua, họ được gọi là những luật sư toàn diện, tức là đủ điều kiện làm thẩm phán, công tố viên hoặc luật sư. Vì vậy, trình độ của thẩm phán, công tố và luật sư đều như nhau cả về thời gian và nội dung, kiến thức đào tạo.

3. Về Quy tắc đạo đức hành nghề luật sư

Ở Anh, luật sư tranh tụng phải tuân thủ các Quy tắc sau:

– Tuân thủ mọi quy định của tòa án;
– Đảm bảo mọi quyền lợi của khách hàng;
– Trung thực, liêm chính (tự trọng cho bản thân);
– Độc lập, trung thực, khách quan trong việc hành nghề.

Hiệp hội luật sư tranh tụng Anh quốc và xứ Wales rất coi trọng đạo đức hành nghề luật sư, một luật sư tập sự chỉ được luật sư hướng dẫn cung cấp cho một quy tắc liên quan đến vụ án đó. Luật sư hướng dẫn không được tùy tiện cung cấp tất cả các nguyên tắc cho người tập sự, luật sư muốn học các quy tắc này có thể làm đơn gửi lên Hiệp hội để được cung cấp. Do đó, khi trở thành luật sư thì các nguyên tắc đạo đức người luật sư nắm rất kỹ.

4. Về tự quản của Hiệp hội luật sư

Ở Đức, Liên đoàn luật sư Cộng hòa liên bang Đức là tổ chức bảo trợ của 28 Đoàn luật sư cả nước và đại diện cho nghề luật ở cấp Liên bang, Châu Âu và quốc tế, đồng thời, là tiếng nói của những người hành nghề luật sư trước Quốc hội, trước Hội đồng liên bang, tại các cơ quan Chính phủ và tại các cấp tòa án. Lãnh đạo Liên đoàn luật sư (01 Chủ tịch, 04 Phó Chủ tịch, 01 thủ quỹ) có nhiệm kỳ 4 năm, làm việc trên cương vị danh dự và không hưởng lương. Ban điều hành của Liên đoàn luật sư có 14 luật sư và có khoảng 30 Ủy ban được thành lập theo Luật luật sư để giúp cho việc hoạt động điều hành của Liên đoàn (Ủy ban kỹ thuật, Ủy ban về lao động….). Đoàn luật sư là cơ quan giám sát chuyên nghiệp đối với các luật sư là thành viên của mình dựa trên các quy định của Luật luật sư và Quy chế của Đoàn luật sư.

Một điểm đặc biệt là ở Đức có các Trung tâm hòa giải của luật sư (cáp Liên đoàn do Liên đoàn luật sư Cộng hòa Liên bang Đức thành lập, còn ở Bang do các Đoàn luật sư thành lập) để giải quyết những tranh chấp giữa luật sư với luật sư, luật sư với khách hàng không thông qua tòa án. Các Trung tâm chủ yếu giải quyết tranh chấp giữa khách hàng với luật sư với yêu cầu bồi thường thiệt hại dưới 15.000 Euro. Trung tâm hòa giải của Liên đoàn có một hòa giải viên được bổ nhiệm. Người được bổ nhiệm có thể là thẩm phán, công tố viên đã nghỉ hưu, nếu là luật sư thì phải thôi làm luật sư 3 năm trước khi được bổ nhiệm.

Ở Anh và xứ Wales, Hiệp hội luật sư được chia thành Hiệp hội luật sư tranh tụng và Hiệp hội luật sư tư vấn. Chủ tịch Hiệp hội luật sư tranh tụng được luân phiên thay đổi 1 năm/lần. Hiệp hội có khoảng 19.000 luật sư thành viên và đã tồn tại trên 120 năm.

5. Một số thông tin về Hiệp hội luật sư quốc tế 

Hiệp hội luật sư quốc tế (International Bar Association – IBA) được công nhận là tổ chức đứng đầu thế giới của những người hành nghề luật, các Hiệp hội luật sư và các Hội luật gia. Tổ chức có phạm vi toàn cầu và có chuyên môn sâu rộng trong việc hỗ trợ cộng đồng pháp lý trên toàn thế giới. Các thành viên của Hiệp hội đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ khác nhau và hiện nay hội viên của Hiệp hội bao gồm hơn 80.000 luật sư, khoảng 190 Hiệp hội luật sư và các Hội luật gia đến từ 160 quốc gia.

Hiệp hội luật sư quốc tế họp Hội nghị thường niên mỗi năm một lần ở một nước do Hội đồng IBA quyết định. Liên đoàn luật sư Việt Nam là thành viên chính thức của Hội nghị thường niên IBA từ năm 2015. Trong thời gian diễn ra Hội nghị, có rất Hội thảo với các chuyên đề khác nhau để giới luật sư trao đổi về những nội dung thời sự nhất trong các lĩnh vực hành nghề và liên quan đến hành nghề luật sư,  ví dụ như các chuyên đề về chống tham nhũng trong hoạt động tư pháp, các kỹ năng về tranh tụng hình sự và thương mại dành cho các siêu luật sư, sự độc lập của nghề luật sư, quản trị các tổ chức hành nghề luật sư, hoạt động kinh doanh và nhân quyền – Vai trò kép của luật sư

– Người bảo vệ nhân quyền và cố vấn kinh doanh…

Cục Bổ trợ tư pháp
5/5 - (1 bình chọn)

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Nếu cần BQT hỗ trợ gấp, vui lòng liên hệ hotline 1900.0164 bấm phím 0.