Một số giải pháp nhằm hạn chế án hình sự trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng

Nghiên cứu, xây dựng hồ sơ kiểm sát

Trả hồ sơ để điều tra bổ sung là một quyền quy định tại các Điều 245, 280 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) của Viện kiểm sát và Tóa án nhằm khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong quá trình điều tra vụ án, nhằm giải quyết vụ án khách quan, toàn diện, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm. Tuy nhiên, xét dưới gốc độ yêu cầu của Ngành thì việc phát sinh trả hồ sơ điều tra bổ sung có liên quan đến trách nhiệm, năng lực, kinh nghiệm của Kiểm sát viên được phân công thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra đối với vụ án hình sự. Qua công tác thanh tra án hình sự trả hồ sơ điều tra bổ sung, rút ra một số hạn chế trong công tác kiểm sát, nguyên nhân trả hồ sơ điều tra bổ sung và đề ra một số giải pháp nhằm giảm án trả hồ sơ điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng.

 

Những nội dung liên quan:

 

Những hạn chế trong công tác kiểm sát và nguyên nhân trả hồ sơ điều tra bổ sung

Qua công tác thanh tra hồ sơ được các cơ quan tiến hành tố tụng trả điều tra bổ sung nhận thấy xuất phát từ thiếu sót trong công tác kiểm sát và nguyên nhân cơ bản dẫn đến trả hồ sơ điều tra bổ sung như sau:

Một là, do tính chất phức tạp của vụ án nên trong quá trình thu thập, đánh giá chứng cứ còn nhiều khó khăn, dẫn đến nhận thức, đánh giá chứng cứ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng khác nhau.

Hai là, việc phân công án cho Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp có lúc chưa đúng với năng lực, sở trường của Kiểm sát viên tương ứng với tính chất của vụ việc.

Ba là, một số vụ án, sự phối hợp giữa Điều tra viên, Kiểm sát viên và Thẩm phán chưa đúng theo Thông tư liên tịch số 02/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP ngày 22/12/2017 quy định phối hợp gữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Bốn là, Kiểm sát viên khi được phân công chưa thường xuyên nghiên cứu, cập nhật các văn bản liên quan đến lĩnh vực được phân công, nhất là các văn bản hướng dẫn các thao tác nghiệp vụ của Ngành, từ đó trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chưa đúng, bỏ qua nhiều thao tác nghiệp vụ nên không kịp thời phát hiện những hạn chế, thiếu sót của Cơ quan điều tra, Điều tra viên trong điều tra giải quyết nguồn tin về tội phạm hoặc vụ án hình sự.

Khi thực hiện nhiệm vụ, có lúc Kiểm sát viên chưa quan tâm thực hiện tốt các quyền hạn của Viện kiểm sát, Kiểm sát viên và quy định trách nhiệm cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thực hiện yêu cầu, quyết định của Viện kiểm sát theo quy định BLTTHS.

Năm là, một số Kiểm sát viên chưa quan tâm đến hiệu quả yêu cầu xác minh và yêu cầu điều tra của Viện kiểm sát, từ đó chất lượng hai văn bản này chưa đáp ứng yêu cầu làm rõ những vấn đề cần chứng minh trong vụ án. Do đó, Kiểm sát viên chưa chủ động kiểm tra tiến độ, kết quả điều tra vụ án để kịp thời yêu cầu Điều tra viên bổ sung tài liệu, chứng cứ chưa rõ hoặc có mâu thuẫn.

Giải pháp hạn chế trả hồ sơ điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng

Từ những hạn chế và nguyên nhân như trên, để thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự, góp phần hạn chế việc trả hồ sơ điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng thuộc trách nhiệm của Kiểm sát viên, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp; trong đó cần tập trung thực hiện những giải pháp cơ bản sau:

Một là, khi phân công giao án cho Kiểm sát viên, cần quan tâm đến năng lực, sở trường, tương ứng với tính chất vụ việc được phân công, nhất là chú trọng đến Kiểm sát viên có thực tế, nghiên cứu chuyên sâu từng lĩnh vực (nếu có).

Hai là, Kiểm sát viên được phân công thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự thường xuyên nghiên cứu các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ của Ngành, nhất là những quy định về quyền hạn của Viện kiểm sát, Kiểm sát viên và trách nhiệm thực hiện yêu cầu, quyết định của Viện kiểm sát đối với các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng theo quy định BLTTHS.

Ba là, ngay sau khi được phân công thực hành quyền công tố, kiểm sát giải quyết nguồn tin về tội phạm, Kiểm sát viên kịp thời nghiên cứu toàn bộ tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ để nắm nội dung vụ việc, định hướng điều tra, xác minh và đề ra yêu cầu xác minh; nội dung yêu cầu bám vào những vấn đề cần chứng minh và phải cụ thể, rõ ràng; quan tâm những chứng cứ chứng minh dấu hiệu tội phạm, chứng cứ gỡ tội, tránh yêu cầu chung chung không định hướng.

Trong quá trình xác minh, Kiểm sát viên thường xuyên theo dõi kết quả thu thập chứng cứ của Điều tra viên, đối chiếu với những nội dung yêu cầu xác minh xem đã đáp ứng được yêu cầu nào chưa, kể cả những vấn đề mới phát sinh, kịp thời bổ sung yêu cầu xác minh; phải kiểm tra tính có căn cứ, hợp pháp và giá trị chứng minh các chứng cứ đã được thu thập theo quy định.

Trước khi hết thời hạn giải quyết nguồn tin về tội phạm, Kiểm sát viên và Điều tra viên cần rà soát, đối chiếu toàn bộ tài liệu đã thu thập xem còn vấn đề gì cần phải tiếp tục làm rõ? Trên cơ sở tài liệu, chứng cứ đã thu thập, phải đánh giá và định hướng đường lối giải quyết và báo cáo lãnh đạo Viện theo quy định.

Bốn là, trong giai đoạn điều tra, việc yêu cầu điều tra ngoài chứng minh hành vi phạm tội còn phải chứng minh nội dung khác như tính chất, mức độ, hậu quả hành vi, nhân thân người phạm tội…. có ý nghĩa giải quyết vụ án nên Kiểm sát viên cần quan tâm đề ra yêu cầu điều tra đảm bảo có chất lượng đạt được những nội dung yêu cầu giải quyết vụ án; thường xuyên theo dõi, nắm chắc tiến độ điều tra, nghiên cứu kỹ tài liệu chứng cứ do Điều tra viên đã thu thập, chủ động phối hợp với Điều tra viên làm rõ những vấn đề cần chứng minh ngay trong giai đoạn điều tra vụ án; đồng thời kiểm sát chặt chẽ các hoạt động điều tra đảm bảo khách quan, toàn diện theo quy định của BLTTHS.

Kiểm sát viên yều cầu Điều tra viên thực hiện tốt việc chuyển giao tài liệu, chứng cứ mà hoạt động điều tra không có Kiểm sát viên tham gia theo khoản 5 Điều 88 BLTTHS để kiểm sát; đây cũng là phương thức để nắm chắc tiến độ điều tra của Điều tra viên, kịp thời yêu cầu, bổ sung những vấn đề cần làm rõ trong quá trình điều tra vụ án.

Trước khi hết thời hạn điều tra, Kiểm sát viên và Điều tra viên phải phối hợp rà soát, đánh giá lại kết quả điều tra vụ án lần nữa, xem tài liệu, chứng cứ có đủ căn cứ chứng minh hành vi phạm tội của bị can hay chưa? Còn những vấn đề gì cần phải làm rõ, bổ sung? Nếu vụ án có tính chất phức tạp thì giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát phải trao đổi, định hướng đường lối xử lý vụ án theo quy định.

Năm là trong quá trình kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử, Kiểm sát viên thường xuyên phối hợp tốt với Điều tra viên, Thẩm phán được phân công trao đổi, bổ sung những tài liệu chứng cứ chưa rõ mà không cần thiết trả điều tra bổ sung.

Sáu là, khi có vấn đề cần trả hồ sơ điều tra bổ sung, trong quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung phải ghi rõ những nội dung cần điều tra và thường xuyên theo dõi kết quả điều tra, tránh một nội dung nhưng trả điều tra nhiều lần.

Võ Sử Em, Chánh Thanh tra VKSND tỉnh Bạc Liêu

(Theo Trang thông tin điện tử VKSND tỉnh Bạc Liêu)

đánh giá bài viết

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Nếu cần BQT hỗ trợ gấp, vui lòng liên hệ hotline 1900.0164 bấm phím 0.