Bàn về thời hạn trong trường hợp án trả hồ sơ điều tra bổ sung

Chuyên mụcLuật tố tụng hình sự, Thảo luận pháp luật Hồ sơ vụ án hình sự

Sau khi nhận hồ sơ vụ án, bản cáo trạng và thụ lý vụ án theo Điều 276 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS) và trong thời hạn theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự tại Điều 277 BLTTHS, Tòa án sẽ ra một trong các quyết định: Đưa vụ án ra xét xử, trả hồ sơ để điều tra bổ sung, tạm đình chỉ vụ án hoặc đình chỉ vụ án.

 

Những nội dung liên quan:

 

Theo đó, căn cứ Điều 280 BLTTHS và hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 02/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP ngày 22 tháng 12 năm 2017 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc Phòng quy định việc phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về trả hồ sơ điều tra bổ sung (gọi tắt Thông tư liên tịch số 02/2017), Tòa án sẽ ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung trong trường hợp như thiếu chứng cứ, có hành vi phạm tội khác, có đồng phạm khác… Vấn đề cần bàn là trong trường hợp Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì thời hạn điều tra được tính như thế nào? Theo khoản 2 Điều 174 BLTTHS “Trường hợp vụ án do Viện kiểm sát trả lại để yêu cầu điều tra bổ sung thì thời hạn điều tra bổ sung không quá 02 tháng; nếu do Tòa án trả lại để yêu cầu điều tra bổ sung thì thời hạn điều tra bổ sung không quá 01 tháng”. Viện kiểm sát chỉ được trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung hai lần. Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa chỉ được trả hồ sơ để điều tra bổ sung một lần và Hội đồng xét xử chỉ được trả hồ sơ để điều tra bổ sung một lần. “Thời hạn điều tra bổ sung tính từ ngày Cơ quan điều tra nhận lại hồ sơ vụ án và yêu cầu điều tra bổ sung. Tuy pháp luật tố tụng hình sự quy định như vậy nhưng thực tiễn áp dụng thời hạn điều tra bổ sung vẫn còn quan điểm áp dụng không thống nhất:

Thứ nhất, sau khi Viện kiểm sát nhận quyết định và hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung của Tòa án, nếu quyết định yêu cầu điều tra bổ sung có căn cứ thì Viện kiểm sát sẽ xem xét, giải quyết yêu cầu điều tra bổ sung của Tòa án theo hai trường hợp thuộc khoản 1 Điều 246 BLTTHS, một là không cần phải trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra thì Viện kiểm sát trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra để bổ sung tài liệu, chứng cứ; hai là Viện kiểm sát không thể tự điều tra bổ sung được thì Viện kiểm sát ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung và chuyển ngay hồ sơ cho Cơ quan điều tra để tiến hành điều tra. Như vậy, khi căn cứ khoản 2 Điều 174 BLTTHS thì trường hợp Tòa án trả hồ sơ mà Viện kiểm sát xét thấy không cần phải trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra thì thời hạn Viện kiểm sát trực tiếp điều tra bổ sung là mấy tháng và kể từ ngày nào? Theo tác giả, thời hạn này là không quá 01 tháng kể từ ngày Viện kiểm sát nhận được hồ sơ và quyết định yêu cầu điều tra bổ sung (xem mục 32, Công văn số 5024/VKSTC-V14 ngày 19 tháng 11 năm 2018 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc giải đáp vướng mắc liên quan đến quy định của BLTTHS và nghiệp vụ THQCT, kiểm sát việc giải quyết vụ án hình sự trong ngành KSND).

Thứ hai, thực tiễn áp dụng cho thấy trường hợp Viện kiểm sát không thể tự điều tra bổ sung theo khoản 1 Điều 246 BLTTHS thì Viện kiểm sát ra quyết định trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra để điều tra bổ sung thì thời hạn điều tra bổ sung vẫn còn xảy ra mâu thuẫn về cách tính thời hạn giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát vì có ý kiến cho rằng thời hạn điều tra bổ sung trong trường hợp này là 02 tháng tính từ ngày Cơ quan điều tra nhận lại hồ sơ vụ án và yêu cầu điều tra bổ sung nhưng cũng có ý kiến cho rằng 01 tháng. Theo tác giả, trong trường hợp này, thời hạn điều tra bổ sung là 01 tháng tính từ ngày Cơ quan điều tra nhận lại hồ sơ vụ án và yêu cầu điều tra bổ sung, bởi lẽ trường hợp này phải tính là Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung (theo tinh thần của Thông tư liên tịch số 02/2017 tại điểm d khoản 3 Điều 14 chứ không phải thuộc trường hợp Viện kiểm sát trực tiếp trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra để điều tra bổ sung theo Điều 245 BLTTHS).

Một vấn đề khác cần bàn là theo khoản 1 Điều 246 BLTTHS, Thông tư liên tịch số 02/2017 và Quy chế Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án hình sự (Ban hành kèm theo Quyết định số 505/QĐ-VKSTC ngày 18 tháng 12 năm 2017 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao) chưa quy định thời hạn Viện kiểm sát xem xét hồ sơ do Tòa án trả để quyết định trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra, bổ sung tài liệu, chứng cứ hoặc ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung cho Cơ quan điều tra. Mặt khác, luật cũng chưa quy định trường hợp Viện kiểm sát sau khi đã trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra nhưng không thể điều tra bổ sung được (do vấn đề khách quan) thì Viện kiểm sát mới ra quyết định trả hồ sơ cho cơ quan điều tra để điều tra bổ sung được hay không? Do chưa có quy đinh cụ thể về thời hạn này nên việc áp dụng vẫn còn tùy nghi và có thể kéo dài thời hạn tố tụng.

Bên cạnh đó, cần chú ý rằng thời hạn chuẩn bị xét xử đối với trường hợp Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung được quy định giới hạn trong thời hạn theo khoản 2 và khoản 3 Điều 277 BLTTHS. Tuy nhiên, thời hạn để Viện kiểm sát ra bản cáo trạng mới thay thế bản cáo trạng trước đó trong trường hợp kết quả điều tra bổ sung làm thay đổi nội dung cáo trạng hoặc ra quyết định đình chỉ vụ án cũng chưa được pháp luật quy định cụ thể. Do pháp luật chưa quy định nên thực tiễn cho thấy Kiểm sát viên áp dụng đồng nhất thời hạn này với thời hạn quyết định việc truy tố theo Điều 240 BLTTHS để xử lý vụ án.

Từ những vấn đề đã bàn luận trên, pháp luật cần quy định cụ thể hoặc có văn bản hướng dẫn thống nhất trong trường hợp Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung để cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng một cách thống nhất, hạn chế việc kéo dài thời hạn tố tụng.

Mỹ Hường, VKSND huyện Kiên Lương

(Trang tin điện tử VKSND tỉnh Kiên Giang)

đánh giá bài viết

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền