Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 29/6/2018 quy định về phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng lần đầu tiên quy định: “Khuyến khích Cơ quan điều tra, Tòa án các cấp tạo điều kiện cho người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại các cơ quan này phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương để người được trợ giúp pháp lý biết và sử dụng dịch vụ trợ giúp pháp lý kịp thời” (khoản 9 Điều 8). Đây là quy định mới tại Việt Nam, song tại các nước, quy định luật sư trực tại các cơ quan tố tụng ra đời từ lâu, hình thành cùng với lịch sử phát triển của chế định luật sư.
Nhằm triển khai quy định trên, Cục Trợ giúp pháp lý đang tham mưu cho Bộ Tư pháp xây dựng cơ chế về người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại Tòa án. Trong bối cảnh Việt Nam chưa có thực tiễn thì việc nghiên cứu, học tập kinh nghiệm nước ngoài làm cơ sở cho việc xây dựng và triển khai quy định về người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại Tòa án có ý nghĩa rất lớn. Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả đề cập tới các nội dung cơ bản về luật sư trực tại Đặc khu Hành chính Hồng Kông (Hồng Kông)[1].
Hồng Kông là một trong hai đặc khu hành chính gồm 260 hòn đảo nhỏ nằm trên bờ biển Đông Nam của Cộng hoà nhân dân Trung Hoa. Hồng Kông là lãnh thổ phụ thuộc của Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland (Anh) từ năm 1842 đến khi được chuyển giao cho CHNDTH vào năm 1997 và là vùng lãnh thổ được áp dụng chính sách “một cuộc gia, hai chế độ”. Theo chính sách trên, Hồng Kông vẫn duy trì hệ thống pháp luật nói chung, hệ thống trợ giúp pháp lý, luật sư trực nói riêng theo mô hình của Anh.
Tại Hồng Kông, dịch vụ luật sư trực do Tổ chức luật sư trực (Duty Lawyer Service) quản lý. Đây là tổ chức thành lập năm 1978, do Liên đoàn Luật sư Hồng Kông, Hội Luật gia Hồng Kông quản lý và được Chính quyền Hồng Kông cấp kinh phí.
Tổ chức Luật sư trực thực hiện 04 Chương trình hỗ trợ pháp lý bên cạnh dịch vụ TGPL do Cục TGPL Hồng Kông (Legal Aid Department) cung cấp, đó là các Chương trình Luật sư trực, Tư vấn pháp lý, Đường dây nóng Pháp luật, Công ước chống tra tấn và Tuyên bố không từ chối[2].
Về cơ sở pháp lý, Chương trình Luật sư trực là chương trình do các luật sư tư cung cấp dịch vụ đại diện pháp lý cho các đối tượng là bị cáo tại các Tòa án, Tòa án vị thành niên và cho những người có nguy cơ bị truy tố dựa trên các bằng chứng buộc tội là kết quả của hoạt động điều tra. Chương trình cung cấp dịch vụ đại diện cho các bị cáo tại các Tòa án “vì mục tiêu công lý và họ không phải trả tiền trong các vụ việc nếu họ không có điều kiện để chi trả” (Điều 11(2)(d) Mục 8 Chương 383 Pháp lệnh về Quyền của Hồng Kông năm 1991).
Từ ngày 03/12/2018, Chương trình Luật sư trực được mở rộng, bao gồm cả việc thực hiện các thủ tục tố tụng tại các Tòa án lao động (Điều 42 Mục 25 Pháp lệnh Tòa án lao động) và các Tòa án khiếu kiện nhỏ (Điều 35A Chương 338 Pháp lệnh Tòa án khiếu kiện nhỏ).
Về đối tượng được đại diện, đối tượng được đại diện theo Chương trình Luật sư trực phải đáp ứng tiêu chuẩn sau:
– Thứ nhất, vượt qua kiểm tra về vụ việc và thu nhập:
+ Về vụ việc: các đối tượng được đại diện tại các phiên xét xử theo thủ tục rút gọn nhằm “mục tiêu công lý” bao gồm: (i) Người bị buộc phạm các tội nghiêm trọng, trong trường hợp bị cáo có nguy cơ thực sự mất tự do hoặc danh tiếng bị thiệt hại nghiêm trọng; (ii) Vụ việc đặt ra vấn đề pháp lý đáng kể; (iii) Bị cáo không thể theo dõi các thủ tục tố tụng và tình trạng vụ việc của mình vì rào cản ngôn ngữ, bệnh tâm thần hoặc khuyết tật thể chất khác; (iv) việc bào chữa liên quan đến việc tìm kiếm và lấy lời khai của các nhân chứng, hoặc chuyên gia kiểm tra chéo các nhân chứng phục vụ quá trình truy tố; (v) Đại diện pháp lý vì lợi ích của người không phải là bị cáo, ví dụ, trong trường hợp phạm tội tình dục đối với trẻ nhỏ, bị cáo có thể bị kiểm tra chéo nhân chứng.
+ Về thu nhập: người được đại diện có thu nhập dưới 210.600 HKĐ/năm, (tương đương 628.695.000 VNĐ/năm). Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng Luật sư trực có quyền quyết định việc thực hiện đại diện pháp lý cho các bị cáo có mức thu nhập hàng năm vượt quá mức quy định trên vì “mục tiêu công lý”.
– Thứ hai, phải trả khoản kinh phí hỗ trợ là 570 HKĐ (tương đương 1.701.600 VNĐ).
Ngoài ra, Chương trình Luật sư trực cũng chỉ định luật sư cho bị cáo bị dẫn độ và thực hiện đại diện cho những người bán hàng rong khi họ kháng cáo lên Hội đồng xét xử phúc thẩm.
Về quản lý Chương trình, Hội đồng Luật sư trực là tổ chức quản lý hoạt động của Chương trình Luật sư trực. Hội đồng có 12 thành viên gồm: 04 thành viên thuộc Đoàn Luật sư Hồng Kông; 04 thành viên thuộc Hội Luật gia Hồng Kông; 03 thành viên không làm trong ngành pháp luật; Giám đốc hành chính của Tổ chức Luật sư trực. Hội đồng họp hàng tháng nhằm giám sát, chỉ đạo hoạt động chung; xây dựng và đánh giá việc thực hiện chính sách của Chương trình.
Về nhân sự, Tổ chức Luật sư trực có 128 nhân viên, bao gồm luật sư và nhân viên hành chính (thư ký, kế toán, trợ lý hành chính), trong đó có 83 luật sư làm việc tại các Văn phòng liên lạc tại Tòa án.
Về địa điểm trực, Tổ chức Luật sư trực có Văn phòng liên lạc tại mỗi Tòa án tại Hồng Kông . Bị cáo, bị đơn muốn nộp đơn yêu cầu đại diện theo Chương trình đến Văn phòng liên lạc tại Tòa án nơi xét xử. Bị cáo, bị đơn sẽ được các nhân viên của Văn phòng chủ động liên lạc để cung cấp dịch vụ vào ngày ra tòa đầu tiên. Phiên dịch sẵn sàng hỗ trợ cho những người không nói được tiếng Anh hoặc tiếng Quảng Đông.
Về kết quả thực hiện, năm 2018, Chương trình Luật sư trực đã đại diện cho 22.546 bị cáo bị truy tố về tội hình sự tại các Tòa án (giảm 5,04% so với năm trước); đại diện theo thủ tục chăm sóc và bảo vệ tại Tòa án vị thành niên cho 189 đối tượng (giảm 6,9% so với năm trước). Chương trình Công ước chống tra tấn và không từ chối đã giải quyết 2.884 yêu cầu bồi thường (giảm 14,1% so với năm trước). Chương trình Tư vấn pháp lý pháp lý do 832 luật sư thiện nguyện (pro bono) thực hiện tại các trung tâm chín giờ tối đã tư vấn cho 6,953 người (tăng 8,69% so với năm trước). Chương trình Điện thoại pháp luật có tổng cộng 16.439 cuộc gọi đến (giảm 7,32% so với năm trước).
Trang web của Chương trình (http://www.dutylawyer.org.hk) có 396.886 lượt truy cập (giảm 7,05% so với năm trước). Từ ngày 03/12/2018, với việc mở rộng Chương trình Luật sư trực trong việc thực hiện thực hiện các thủ tục tố tụng tại các Tòa án lao động và Tòa án khiếu kiện nhỏ theo quy định, số lượng các vụ việc do Chương trình thực hiện sẽ tiếp tục được tăng lên./.
Nguyễn Thị Pha, Cục Trợ giúp pháp lý
[1] Tồng hợp và lược dịch từ trang http://www.dutylawyer.org.hk/en/about/welcome.asp
[2] Non-refoulement: một nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế cấm một quốc gia nhận người xin tị nạn đưa họ trở lại một quốc gia mà họ có nguy cơ bị đàn áp dựa trên “chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch, tư cách thành viên của một nhóm xã hội cụ thể hoặc quan điểm chính trị ” (https://en.wikipedia.org/wiki/Non-refoulement).
Để lại một phản hồi