Tớ đi theo nghề luật sư đến nay cũng đã 6-7 năm, thỉnh thoảng lại bị họ hàng làng xóm, bạn bè lôi ra so sánh kiểu như: Luật sư ở Việt Nam thì ăn thua gì. Xem luật sư ở Mỹ kia kìa, người ta giỏi, mỗi năm người ta kiếm hàng trăm nghìn đô.
Mà không chỉ người ngoại đạo, chính anh em trong nghề cũng mặc định luật sư ở bển giỏi hơn luật sư ở ta. Đơn cử như hôm nọ có “sờ tây tớt” của một luật sư có tiếng được đến mấy nghìn like của các luật sư đồng nghiệp có nội dung “mắng vốn” bộ tư pháp vì không cấp chứng chỉ hành nghề luật sư cho con của bác ấy trong khi “đồng chí con ấy” đã có bằng “Mát tơ” Luật ở nước ngoài.
Cơ man là người nhảy vào tung hô ủng hộ 2 bố con vì rằng thì là: Người ta đã có bằng master luật ở nước ngoài thì người ta có thừa tài năng làm việc ở Việt Nam. Chính quyền Việt Nam gây khó dễ như vậy là làm chảy máu tài năng chảy máu chất xám ra nước ngoài.
Đấy, đến cả người trong ngành còn mặc định như vậy thì hẳn là Luật sư ở ta kém hơn “luật sư nhà người ta” rồi.
Cơ mà tớ thì tớ chả đồng ý, cứ đặt lên bàn cân mà xem này nhé:
1. Đầu tiên là khởi nghiệp.
Cái này tớ khẳng định còn lâu luật sư nước bạn mới bằng luật sư của ta.
* Trong khi ở bạn, học luật mặc nhiên là con đường trải đầy hoa hồng. Yên tâm là chưa ra trường đã có các công ty đến tận nơi mời làm việc. Mà nếu không thì chí ít sau này cũng việc nhẹ lương cao. Mưa chẳng đến mặt nắng chẳng đến đầu, xã hội coi trọng bạn bè nể phục.
* Còn ở ta, tớ thề, tớ hứa tớ đảm bảo 100 thằng sinh viên luật thì có đến 90 thằng đến năm thứ 3 thứ 4 đại học hoang mang vô định, xì trét đêm nào cũng đập đầu vào tường vì không biết cuộc đời mình sẽ đi về đâu. 10 thằng còn lại thì đã xác định đi chạy xe ôm với làm culi rồi thì không tính.
2. Tinh thần vượt khó khi bắt đầu đi làm.
* Ở bển.
Tớ thì thú thực là gia đình không có điều kiện nên chưa được sang bển xem các LS đồng nghiệp ở bên đó đi làm như nào. Cơ mà qua kinh nghiệm xem mấy bộ phim “chuyện tình ở Ha vớt” thì tớ thấy luật sư ở bển sướng thật. Đi đâu cũng có xe đưa xe đón. Mà không có xe đưa xe đón thì cũng có xe ô tô riêng. Xong thì máy tính laptop điện thoại xịn trang bị đầy người. Cái này tớ chỉ xem qua phim nên cũng không chắc lắm nhưng cứ tạm coi như thế đã.
* Ở ta.
Nói ra thì bảo kể khổ chứ tớ nói thật sinh viên luật ra trường chả khác éo gì culi với xe ôm cả. Trời mưa hay nắng thì cũng chỉ mình ta với em “Giấc mơ trung hoa” tung hoành khắp các nẻo đường thủ đô.
Không biết luật giao thông có nhớ không chứ trình né chốt với chạy 141 thì anh chị em sinh viên xuất cmn xắc luôn.
Khổ thân, ngày xưa hồi con ở quê lúc nào thầy u cũng ra rả: Mày không muốn bán mặt cho đất bán lưng cho trời thì phải ráng mà học con ạ. Xong nghe lời, ráng học thì giờ vẫn éo thoát được. Khác cái là ở quê đến 11-12h trưa nắng quá thì vẫn được về nghỉ chứ ở trên này thì bán thân triền miên thông trưa thông đêm là chuyện bình thường.
3. Đi làm rồi thì tiếp theo là kỹ năng mềm.
Kỹ năng mềm thì nó có ty tỷ thử, nhưng tớ cứ dẫn chứng cụ thể là kỹ năng làm việc với cơ quan nhà nước.
Tớ không biết ở bển các bạn luật sư đồng nghiệp quan hệ với thẩm phán như nào chứ ở ta thì quan hệ của luật sư với cơ quan nhà nước là cả một nghệ thuật.
Ví dụ như Thẩm phán đang giải quyết vụ án tự nhiên vui vui gọi luật sư lên tâm sự: Sắp tới gia đình anh đi Nha Trang chơi mấy ngày: Chú xem có tài trợ được cho anh tiền thuê khách sạn hay không? WTF? Thế éo nào. Hồ sơ vụ án thì đang căng như dây đàn. Tự nhiên bồng bế nhau đi chơi làm éo gì không biết. Mà nhà bác đi chơi thì kệ bố bác, liên quan gì đến em. Em mà có tiền tài trợ cho bác thì em đã đi chơi trước bác rồi chứ em còn ở đây à.
Nghĩ thì nghĩ thế thôi, nhưng cụ Tố Hữu cụ đã dặn rồi: “Có gì đẹp trên đời hơn thế, người với ngừời sống để yêu nhau”. Bác thẩm phán bác ấy khó khăn thì bác ấy mới nhờ đến mình. Chả nhẽ bắt bác ấy đi máy bay vào Nha Trang xong lại ăn bờ ở bụi. Tính tớ vốn thương người nên không đành lòng lại phải rút tiền cho bác ấy. Mà đúng là ở hiền gặp lành, sau khi làm việc tốt nhờ trời vụ án nó cứ thuận lợi băng băng ấy các ông ạ.
4. Rồi thì chuyên môn nghiệp vụ.
Cái này thì tớ nói luôn cho nó vuông là còn khuya luật sư ở bển mới bằng luật sư ở ta được.
Không tin à, tớ thách bố luật sư nước bạn sang mà nắm được hệ thống văn bản pháp luật ở nước ta đấy. Tớ thề là đến kể tên đủ hết các loại luật với nghị định đang có hiệu lực cũng đã bất khả thi rồi.
Mà chưa hết, văn bản thì như thế, nhưng đến khi áp dụng nó mới vãi cả chưởng các ông ạ. Ở nước bạn, một sự việc tìm được quy định áp dụng chuẩn là xong rồi. Nhưng ở ta thì cứ từ từ, phải đi search các nghị định hướng dẫn cái luật đấy xem thế nào đã. Tìm được rồi à, vẫn chưa xong, Tìm tiếp mấy cái thông tư nó hướng dẫn cái nghị định ấy xem sao. Xong chưa. Giờ quay lại so sánh 3 cái quy định ấy xem nào. … Ờ … Chết cha mày chưa. 3 thằng mỗi thằng một ý, mà ý của thằng này lại chửi vào mặt thằng kia. Đấy giờ thì các ông muốn tôi sống sao.
5. An toàn nghề nghiệp.
À à à à à .. ồ ồ ồ ….
Biết là nhắc đến cái này các đồng chí sẽ ồ lên như thế mà.
Cái này thì chắc hẳn nước bạn phải an toàn hơn ở ta rồi. Vì đường nước bạn sạch hơn đường nước ta nên chắc chắn là không có bụi rồi. Mà không có bụi thì luật sư nước bạn chắc chắn sẽ không bị đánh
như nước ta.
Thêm nữa thì nước bạn cũng chả có mắm tôm. Không có thì lấy đâu ra mà ném vào luật sư như ở nước ta.
Tớ nghĩ nước ta nên có quy định nghề luật sư là nghề nguy hiểm và cần thiết phải có trợ cấp độc hại chứ không thì …. chết.
6. Con đường thăng tiến.
Ở bên, làm luật sư là yên tâm con đường thăng tiến rộng mở rồi. Thậm chí phần nhiều tổng thống ở Mẽo từng là luật sư hoặc học luật đấy. Kinh chưa.
Ở ta. Đã đi theo con đường luật sư thì cứ xác cmn định là làm luật sư suốt đời và xa rời con đường chính trị nhá. À quên, bảo làm luật sư suốt đời thì bạo ngôn quá. Suốt đời là với những luật sư an phận thôi. Chứ cứ thử ngo ngoe xem. Báo cho các ông biết là phần lớn những đồng chí bị cho là “phản động” cả “rân chủ” với bất đồng chính kiến đều là luật sư đấy.
Khôn hồn thì đừng có viết báo với bờ lốc bờ liếc, cả đừng có hô hào biểu tình phản đối pháp luật. Lên phường ngồi đấy. Mà đã lên phường thì tớ chả dám đảm bảo bạn sống chết thế nào đâu.
Tóm lại tớ tạm kết luận là:
1. Nếu mà không vì đa phần luật sư ở ta dốt ngoại ngữ thì khẳng định Việt Nam sẽ là nước xuất khẩu luật sư hàng đầu thế giới.
2. “Tớ thách luật sư nước bạn đến Việt Nam làm việc được đấy”
3. Những đồng chí nào có chả may đi du học nước ngoài về ấy mà. Dù có bằng mát tơ mát tiếc ấy … Muốn làm luật sư thì cứ cho đi thực tập 5 năm, à không phải 10 năm rồi mới được cấp chứng chỉ hành nghề. Luật Sư Việt Nam cơ mà. Không phải dạng vừa đâu.
Nguồn: Khiêu vũ giữa bầy gõ
Để lại một phản hồi