Năm 1776 nước Mỹ giành được độc lập, chấm dứt hoàn toàn đô hộ của của bọn thực dân Anh. Bản tuyên ngôn độc lập của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đã được long trọng công bố vào ngày 4/7/1776. Bản tuyên ngôn gồm 3 phần:
>>> Xem thêm: Lịch sử ra đời của Hiến pháp trên thế giới
Lịch sử lập hiến hoa kỳ
Mục lục:
- Nội dung cơ bản của Hiến pháp Mỹ 1787
- Đặc điểm nổi bật của lịch sử lập hiến Hoa Kỳ
- Các tu chính án I Hiến pháp Hoa Kỳ
Phần thứ nhất khẳng định những quyền cơ bản của con người và nguyên tắc cơ bản để thiết lập chính quyền là bảo vệ các quyền cơ bản của con người. Bản tuyên ngôn đã viết: “Chúng tôi thiết nghĩ rằng các chân lý sau đây là những sự thật hiển nhiên: Mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa đã phú cho họ một số quyền không thể tước bỏ được, trong đó có quyền được sống được tự do và mưu cầu hạnh phúc. Chính để đảm bảo các quyền này mà các chính quyền được thiết lập và các quyền lực chính đáng được trao cho chính quyền do sự ưng thuận của những người được cai trị. Khi một hình thức chính quyền nào đó có khuynh hướng phá đổ các mục tiêu này, nhân dân có quyền thay đổi hình thức đó hay phế bỏ và thiết lập một chính quyền mới theo những hình thức thích hợp nhất để đảm bảo an ninh và hạnh phúc cho nhân dân”(1).
Phần thứ hai của bản tuyên ngôn độc lập là một bản kê khai dài tố cáo những hành động bất công của Hoàng đế Anh quốc đối với nhân dân Mỹ nhằm tước đoạt các quyền tự do, bình đẳng, độc lập, chủ quyền của họ, biến họ thành những người lệ thuộc.
Phần thứ ba của bản tuyên ngôn long trọng tuyên bố rằng: “Các thuộc địa thống nhất này phải là những quốc gia tự do và dộc lập, được giải thoát khỏi mọi rằng buộc với nhà vua Anh quốc và mọi quan hệ chính trị giữa các thuộc địa với Vương quốc Anh phải được cắt đứt hoàn toàn. Với tính cách là những quốc gia tự do và độc lập các thuộc địa được toàn quyền quyết định vấn đề chiến tranh và hòa bình, ký kết các Hiệp ước, thiết lập quan hệ thương mại và thực hiện mọi hành động thuộc quyền chính đáng của các quốc gia độc lập(1).
Bản tuyên ngôn độc lập năm 1776 có ý nghĩa chính trị – pháp lý vô cùng quan trọng. Nó chính thức khai sinh ra hợp chủng quốc Hoa Kỳ với tư cách là một quốc gia hoàn toàn độc lập. Nền độc lập này là điều kiện tiên quyết cho sự ra đời của lịch sử lập hiến Hoa Kỳ.
Với mục đích thực hiện một sự liên hiệp chặt chẽ hơn giữa các tiểu bang trong một nhà nước liên bang, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc bảo vệ an ninh, quốc phòng và phát triển kinh tế chung, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đã triệu tập hội nghị lập hiến gồm đại diện của các bang. Cuộc hội nghị đã diễn ra tại Philađelphia dưới sự chủ tọa của George Washington. Các đại biểu đã nhất trí với nhau về các điểm thiết yếu: thành lập một chính quyền trung ương đủ mạnh để có thể duy trì được trật tự xã hội, trả những món nợ chồng chất trong chiến tranh, thúc đẩy nền kinh tế phát triển và bảo vệ các quyền lợi chính trị và thương mại của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ trong các quan hệ quốc tế.
Hội nghị cũng thống nhất về những nguyên tắc tổ chức bộ máy Nhà nước sẽ được quy định trong Hiến pháp:
– Xây dựng một chính quyền hành pháp mạnh mà đứng đầu là Tổng thống;
– Xây dựng một quốc hội lưỡng viện;
– Xây dựng hệ thống tư pháp độc lập với lập pháp và hành pháp;
– Toàn bộ hệ thống bộ máy Nhà nước phải được xây dựng theo nguyên tắc phân chia quyền lực (lập pháp, hành pháp, tư pháp). Các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp phải độc lập, chế ngự và đối trọng lẫn nhau.
Nhất trí với nhau về các nguyên tắc chung nhưng các bang, các nhóm bang lại rất khác biệt nhau về những quyền lợi phải bảo vệ. Một trong những khác biệt lớn nhất là quan điểm về cách thức lựa chọn đại biểu vào Quốc hội. Các bang lớn như Massachusetts, New york, Pennsylvanto, Virginia đòi họ phải được nhiều đại diện hơn trong Quốc hội vì số dân của họ đông hơn các bang nhỏ(1). Nếu quan điểm này được chấp thuận thì chắc chắn các bang lớn sẽ lãnh đạo các bang nhỏ. Trong khi đó, các bang nhỏ, ngoại trừ bang New Jersey, đòi là tất cả các bang đều có đại biểu như nhau(2). Và nếu như vậy thì trong các quyết định số dân ít ỏi của các bang nhỏ cũng có ngang quyền như số dân đông đảo hơn nhiều của các bang lớn. Sau những cuộc tranh luận sôi nổi Hội nghị đã đi đến một giải pháp dung hòa: hai viện của quốc hội sẽ được bầu theo các phương thức khác nhau. Hạ viện sẽ gồm các đại biểu được bầu theo tỷ lệ dân số còn thượng viện sẽ gồm các đại biểu bầu theo tỷ lệ một bang hai đại biểu không phụ thuộc vào bang lớn hay bang nhỏ. Như vậy Thượng nghị sĩ đại diện cho quyền lợi của các bang, còn Hạ nghị sĩ đại diện cho dân số của các bang. Cách thức bầu cử này vừa bảo đảm sự bình đẳng của các bang với tư cách là một thành viên của Nhà nước liên bang, đồng thời đảm bảo quyền lợi của các bang lớn có số dân lớn hơn sẽ có nhiều đại biểu hơn. Nhưng một vấn đề khác lại gây ra sự tranh luận trong Hội nghị là khi tính số đại biểu của các bang tại Hạ viện, dân số của bang có tính những người nô lệ hay không? hay những người nô lệ này chỉ được coi là một thứ tài sản(3). Về vấn đề này đã diễn ra một sự đối đầu gay cấn giữa một bên là các bang phía Bắc vốn có rất ít nô lệ và một bên, các bang phía Nam ngược lại, có số nô lệ rất đông. Các bang phía Bắc không đồng ý tính người nô lệ khi tính dân số để ấn định số các đại biểu và cho rằng chỉ tính khi phân bổ thuế. Các bang phía Nam, dĩ nhiên, đã chủ trương hoàn toàn ngược lại. Cuối cùng hai bên cũng đã đạt được một thỏa hiệp bằng cách tính 5 người nô lệ bằng 3 người da trắng, trong việc tính số đại biểu cũng như trong việc tính thuế trực tiếp.
Việc quy định giới hạn cho nền ngoại thương cũng gây ra sự tranh cãi giữa các bang phía Bắc và các bang phía Nam. Hoạt động ngoại thương đã đem lại cho các bang phía Bắc những mối lợi lớn nên các bang này muốn Quốc hội phải có những quyền hạn rộng lớn bảo vệ nền ngoại thương. Nhưng một số bang phía Nam sợ rằng với quyền hành rộng lớn như vậy, Quốc hội sẽ đánh thuế và cấm việc nhập cảnh nô lệ.
Các đại biểu của các bang phía Nam đã đòi hỏi là không được đánh thuế việc xuất cảng và không được cấm việc nhập cảnh những người mà các bang thấy là nên tiếp nhận(1)
Cuối cùng, một giải pháp dung hòa mâu thuẫn của các bên đã được chấp nhận. Các bang phía Bắc nhượng bộ các bang phía Nam qua việc chấp nhận cấm đánh thuế hàng hóa xuất cảng và việc nhập nô lệ sẽ không bị cấm trước năm 1808. Các bang phía Nam, đáp lại bằng việc nhượng bộ các yêu sách của các bang phía Bắc đưa ra về các quyền trong việc nhập cảng.
Như vậy, nhờ tinh thần nhân nhượng và dung hòa lẫn nhau mà các mâu thuẫn và xung khắc đã được giải quyết. Ngày 17/9/1787 Hội nghị lập hiến đã thông qua được bản hiến pháp đầu tiên của nước Mỹ và đây cũng là bản hiến pháp đầu tiên của nhân loại.
Nội dung cơ bản của Hiến pháp Mỹ 1787
Hiến pháp 1787 của nước Mỹ bao gồm 7 Điều, mỗi điều gồm nhiều khoản mỗi khoản gồm nhiều mục. Điều 1 gồm 10 khoản quy định về Quốc hội cơ quan lập pháp, Điều 2 gồm 4 khoản quy định về chính quyền hành pháp mà Tổng thống là người đứng đầu, Điều 3 gồm 3 khoản quy định về hệ thống tòa án cơ quan thực hiện quyền tư pháp. Điều 4 gồm 4 khoản, quy định về vị trí của các bang trong mối quan hệ với nhau và với nhà nước liên bang. Điều 5 quy định về thủ tục sửa đổi hiến pháp.
Điều 6 ghi nhận nguyên tắc ưu tiên của hiến pháp liên bang và điều ước quốc tế do Nhà nước liên bang ký kết so với hiến pháp và luật của các bang.
Điều 7 quy định về hiệu lực của Hiến pháp.
Các Điều 5,6,7 đều ngắn và không chia thành các khoản.
Đặc điểm nổi bật của lịch sử lập hiến Hoa Kỳ
Đặc điểm nổi bật của lịch sử lập hiến Hoa Kỳ là chỉ có một bản Hiến pháp nguyên thủy tồn tại từ năm 1787 đến nay. Tuy nhiên, đến thời điểm này đã có tới 27 lần tu chính án hiến pháp do Quốc hội thông qua và được các cơ quan lập pháp của các tiểu bang phê chuẩn theo quy định tại Điều 5 của Hiến pháp nguyên thủy.
Các tu chính án I Hiến pháp Hoa Kỳ
# | Các tu chính án | Ngày đề nghị | Ngày hiệu lực |
---|---|---|---|
1 | Bảo vệ quyền Tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do họp hội, và kiến nghị | 25/9/1789 | 15/12/1791 |
2 | Bảo vệ Quyền mang vũ khí của dân thường và binh lính | 25/9/1789 | 15/12/1791 |
3 | Binh sĩ không được đóng quân tại khu vực tư gia trong thời bình. Trong thời chiến, Quốc hội có thể thông qua luật cho phép binh sĩ làm vậy. | 25/9/1789 | 15/12/1791 |
4 | Cấm khám xét và tịch thu không lý do; đưa ra các yêu cầu về lệnh khám xét căn cứ vào lý do chính đáng | 25/9/1789 | 15/12/1791 |
5 | Truy tố; Tiến trình xét xử; Tự nhận tội; Không truy tố cùng một tội hai lần (double jeopardy), và những luật lệ về trưng thu (eminent domain). | 25/9/1789 | 15/12/1791 |
6 | Quyền được xét xử công công khai, công bằng và nhanh chóng, cho biết lý do truy tố, đối chấp người tố cáo, trác đòi hầu tòa, quyền được tư vấn | 25/9/1789 | 15/12/1791 |
7 | Quyền được bồi thẩm đoàn xét xử trong các phiên tòa dân sự | 25/9/1789 | 15/12/1791 |
8 | Không phạt tiền và định tiền thế thân vượt mức hay xử phạt bất thường và tàn bạo | 25/9/1789 | 15/12/1791 |
9 | Các quyền con người cơ bản | 25/9/1789 | 15/12/1791 |
10 | Giới hạn quyền lực của chính phủ liên bang | 25/9/1789 | 15/12/1791 |
11 | Miễn trách nhiệm các tiểu bang khỏi sự tố tụng của các công dân ngoài tiểu bang và ngoại quốc không sống trong ranh giới tiểu bang. Đặt nền tảng cho quyền miễn tố chủ quyền. | 4/3/1794 | 7/2/1795 |
12 | Sửa đổi tiến trình bầu cử tổng thống | 9/12/1803 | 15/6/1804 |
13 | Bãi bỏ chế độ nô lệ, trừ khi đó là hình phạt đối với tội phạm. | 31/1, 1865 | 6/12/1865 |
14 | Quy trình pháp luật tiểu bang và quyền công dân, áp dụng Đạo luật Nhân quyền Hoa Kỳ vào các tiểu bang, sửa đổi phân chia đại diện, không cho phép những ai nổi loạn chống Hoa Kỳ giữ chức vụ công quyền | 13/6/1866 | 9/7/1868 |
15 | Quyền đầu phiếu không còn bị giới hạn bởi chủng tộc | 26/2/1869 | 3/2/1870 |
16 | Cho phép thu thuế lợi tức liên bang | 12/7/1909 | 3/2/1913 |
17 | Bầu cử trực tiếp Thượng viện Hoa Kỳ | 13/5/1912 | 8/4/1913 |
18 | Cấm chất rượu cồn (bị bãi bỏ bằng Tu chính án 21) | 18/12/1917 | 16/1/1919 |
19 | Quyền đầu phiếu của phụ nữ, mọi giới tính đều có quyền bỏ phiếu | 4/6/1919 | 18/8/1920 |
20 | Ấn định ngày bắt đầu nhiệm kỳ cho Quốc hội (3/1) và tổng thống (20/1) (tu chính án này cũng còn được gọi là “tu chính án lame duck”.) | 2/3/1932 | 23/1/1933 |
21 | Bãi bỏ Tu chính án 18; tiểu bang và địa phương không còn bị bắt buộc cấm rượu cồn. | 20/2/1933 | 5/12/1933 |
22 | Giới hạn mỗi người chỉ được làm tổng thống trong tối đa là hai nhiệm kỳ | 24/3/1947 | 27/2/1951 |
23 | Đại diện của Washington, D.C. trong Đại cử tri đoàn | 16/6/1960 | 29/3/1961 |
24 | Cấm giới hạn quyền đầu phiếu vì không trả thuế khoán | 14/9/1962 | 23/1/1964 |
25 | Phó tổng thống được kế nhiệm tổng thống khi tổng thống không thể tiếp tục nhiệm vụ của mình | 6/7/1965 | 10/2/1967 |
26 | Tuổi đầu phiếu toàn quốc được thiết lập là 18 tuổi | 23/3/1971 | 1/7/1971 |
27 | Thay đổi lương bổng quốc hội | 25/9/1789 | 7/5/1992 |
Điều đáng chú ý là trong Hiến pháp nguyên thủy 1787 không có chế định về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân nên 10 Điều tu chính án đầu tiên được Quốc hội thông qua vào năm 1791 là 10 Điều quy định về địa vị pháp lý của công dân Hoa Kỳ. 10 Điều tu chính án đầu tiên này là những bổ sung đặc biệt quan trọng làm cho hiến pháp Hoa Kỳ từ chỗ không hoàn thiện hướng đến hoàn thiện và đảm bảo cho sự tồn tại lâu dài của Hiến pháp: những tu chính án tiếp theo được bổ sung vào những năm 1795 (tu chính án XI) 1804 (tu chính án XII); 1865 (tu chính án XIII); 1868 (tu chính án XIV); 1870 (tu chính án XV); 1913 (tu chính án XVI, XVII); 1919 (tu chính án XVIII); 1920 (tu chính án XIX); 1933 (tu chính án XX, XXI); 1951 (tu chính án XXII); 1961 (tu chính án XXIII); 1964 (tu chính án XXIV); 1971 (tu chính án XXVI, XXVII). Trong 27 tu chính án nói trên, phần lớn là những quy định bảo vệ quyền công dân, quyền con người và hoàn thiện các thiết chế Nhà nước như: quyền lợi của các công dân được đảm bảo về bản thân, giấy tờ và tài sản khỏi mọi sự khám xét và tịch thu vô lý… (tu chính án IV…); cấm chế độ nô lệ (tu chính án XIII), quyền bầu cử Quốc hội là công dân Mỹ đủ 18 tuổi (tu chính án XXVI); không một người nào được bầu làm Tổng thống quá 2 nhiệm kỳ (tu chính án XXII). Nhưng cũng có một số tu chính án cho đến nay vẫn gây ra những bất đồng trong xã hội Mỹ và người nước ngoài khó lòng chấp nhận được. Ví dụ, tu chính án II cho phép dân chúng Mỹ có quyền giữ và mang khí giới. Quy định này đã và đang gây nên nạn bạo lực ở Hoa Kỳ. Tu chính án XVIII thông qua năm 1919 về việc cấm sản xuất, bán, chuyên chở, xuất khẩu, nhập khẩu rượu cũng đã gây ra nhiều thiệt hại cho dân chúng Mỹ và đến năm 1933 với tu chính án XXI quy định đó đã được bãi bỏ.
Hiến pháp Hoa Kỳ năm 1787 là Hiến pháp tồn tại lâu nhất trên thế giới. Đây là một thành công lớn của của các nhà lập hiến Hoa Kỳ xét về mặt kỹ thuật lập hiến tuy nhiên, phải thấy rằng trong hơn hai trăm năm tồn tại của mình, lãnh thổ rộng lớn của Hoa Kỳ không phải chịu đựng cuộc đại chiến thế giới thứ 1 và thứ 2, chế độ kinh tế – xã hội và chính trị của Hoa Kỳ vì vậy mà không có những thay đổi mang tính chất đảo ngược. Nhờ những may mắn đó mà các thể chế Nhà nước tương đối hợp lý có thể tồn tại một cách lâu dài. Hơn nữa những thay đổi nhất định đã được các nhà lập hiến Hoa Kỳ thay đổi, bổ sung bằng hàng loạt các tu chính án.
Để lại một phản hồi