Lịch sử ra đời của Hiến pháp trên thế giới

Chuyên mụcLuật hiến pháp Hiến Pháp Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ 1789

Nguồn gốc của từ Hiến pháp

Từ “hiến pháp” trong ngôn ngữ hiện đại được sử dụng phổ biến với nghĩa là đạo luật cơ bản, có giá trị pháp lý cao nhất của nhà nước; quy định chế độ xã hội, cách thức tổ chức quyền lực chính trị, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân

Nội dung đó của “hiến pháp” mới có từ hơn hai thế kỷ nay, còn về nguồn gốc, “hiến pháp” đã có từ thời cổ đại. Ở phương Tây, “hiến pháp” gốc Latinh là “constitutio” với nghĩa “thiết định, xác lập, cơ cấu”. Trong Nhà nước La Mã cổ, một số hoàng đế đã ban hành các quy định của mình dưới hình thức “constitutio” và được coi là một loại nguồn pháp luật. Ở phương Đông, “hiến pháp” là từ Hán thấy trong các thư tịch khoảng 26-27 thế kỷ nay. Từ “hiến” đã được dùng trong Kinh Thi thế kỷ VIII TCN) với nghĩa “khuôn phép, khuôn mẫu cho vua chúa” và trong Kinh Lễ (thế kỷ V TCN) với nghĩa là “pháp lệnh”. Trong Kinh Thi, “hiến” còn được dùng làm động từ với nghĩa “rập khuôn”: vua coi trời là mẫu mực. Từ “hiến pháp” cũng xuất hiện trong sách Quốc ngữ thời Xuân Thu (thế kỷ VII và VI TCN) ở câu “thưởng thiện, phạt gian, quốc chi hiến pháp dã” (khen thưởng sự thiện, trừng phạt sự gian là pháp lệnh của nhà nước).

Văn bản mang tính hiến pháp đầu tiên là của Cách mạng tư sản Anh (1640-1654): Hình thức cai quản Nhà nước Anh, Scotland, Ireland… (1653). Bản Hiến pháp thành văn đầu tiên trên thế giới là của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, thông qua ngày 17/9/1787, đến nay vẫn còn hiệu lực. Những hiến pháp tiếp theo ra đời ở châu Âu: Hiến pháp Ba Lan 1791, Hiến pháp Pháp 1791, Hiến pháp Na Uy 1814… Hiện nay, hầu hết các nước trên thế giới đều có hiến pháp riêng của mình, phần lớn dưới dạng thành văn. Một số ít nước (Anh, Israel, New Zealand…) có hiến pháp không thành văn.

Lịch sử ra đời của Hiến pháp trên thế giới

Quá trình phát triển hiến pháp trên thế giới có thể được xem như trải qua bảy giai đoạn sau[1]:

Hiến Pháp Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ 1789

– Giai đoạn thứ nhất bắt đầu từ cuối thế kỷ thứ XVIII. Từ năm 780 đến năm 1791, các hiến pháp thành văn bắt đầu được xây dựng ở Hoa Kỳ (các bang và Liên bang), Ba Lan, Pháp.

>>> Xem thêm: Lịch sử lập hiến của Hoa Kỳ

– Giai đoạn thứ hai diễn ra ngay sau các cuộc cách mạng vào năm 1848 ở châu Âu. Nhiều nước đã thông qua hiến pháp mới nhưng các hiến pháp này lại thường bị thay thế bằng các hiến pháp được ban hành bởi các lực lượng phản cách mạng tồn tại trong một thời gian ngắn.

– Giai đoạn thứ ba diễn ra sau Chiến tranh thế giới thứ I. Ví dụ như Cộng hòa Séc; Ba Lan xây dựng lại hiến pháp[2]; nước Đức bại trận thông qua Hiến pháp Vâyma (Weimar).

– Giai đoạn thứ tư diễn ra sau Chiến tranh thế giới thứ II: các nước bại trận như Nhật Bản, Đức, Italia xây dựng hiến pháp mới dưới sự giám hộ của các cường quốc đồng minh.

– Giai đoạn thứ năm gắn liền với sự tan rã của hệ thống thuộc địa Anh và Pháp, bắt đầu ở Ấn Độ và Pakixtan vào thập niên 40 thế kỷ XX và quá trình lập hiến phát triển mạnh vào thập niên 60 thế kỷ XX. Nhiều hiến pháp mới được ban hành mô phỏng theo hiến pháp của nước chiếm đóng trước đây. Ví dụ, Hiến pháp Bờ Biển Ngà mô phỏng theo Hiến pháp của nền Đệ ngũ Cộng hòa Pháp, Hiến pháp của Gana và Nigiêria mô phỏng theo “mô hình Oétminxtơ (Westminster)” của Vương quốc Anh.

– Giai đoạn thứ sáu diễn ra sau sự sụp đổ của chế độ độc tài ở Nam Âu vào giữa thập niên 70 thế kỷ XX. Từ năm 1974 đến năm 1978, Bồ Đào Nha, Hy Lạp, Tây Ban Nha ban hành hiến pháp mới.

– Giai đoạn thứ bảy diễn ra khi các nước Trung và Đông Âu ban hành hiến pháp mới sau khi hệ thống xã hội chủ nghĩa bị thay thế ở đây kể từ năm 1989[3]. Gắn với các giai đoạn phát triển hiến pháp là sự ra đời của các bản hiến pháp của các nước xã hội chủ nghĩa mà bắt đầu là Hiến pháp của Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết (Hiến pháp Brezhnev).


[1] Jon Elster: Forces and Mechanisms in the Constitution- Making Process, Duke Law Journal (45 (364), 1995), p. 368- 369.

[2] Gọi là Hiến pháp Vâyma (Weimar) Vì được soạn ra ở thành phố Vâyma (Weimar). Hiến pháp Vâyma xuất hiện ở Đức dưới nền Cộng hòa Vâyma. Cộng hòa Vâyma là tên sửa gia gọi Chính phủ của nước Đức trong thời gian chuyển tiếp từ năm 1919, sau khi Chiến tranh thế giới thứ I kết thúc đến năm 1933 khi Hítle và đảng Quốc xã lên nắm quyền (theo Wikipedia).

[3] Jon Elster: Forces and Mechanisms in the Constitution- Making Process, Sđd.

5/5 - (28437 bình chọn)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền