Làm sao để có một giờ Seminar hiệu quả ở trường luật?

Làm sao để có một giờ seminar hiệu quả ở trường luật?

Bài viết “Làm sao để có một giờ Seminar hiệu quả ở trường luật?” mà bạn Lily Trương đã chia sẻ trên trang facebook sẽ giúp bạn cách để biến giờ seminar trở thành một hành trình học tập đáng nhớ. Mời các bạn cùng đón đọc!

 

Những nội dung liên quan:

 

Đến với trường Luật, bạn sẽ dần quen với những buổi học lí thuyết và thảo luận đan xen, quen với sự cô đơn khi cả ngày tìm kiếm trong thư viện tài liệu tham khảo cho bài viết… Hôm nay, mình muốn chia sẻ với các bạn về cách mình đã làm để biến giờ seminar trở thành một hành trình học tập đáng nhớ!

 

 

“Seminar” là một hình thức học không còn xa lạ khi chúng ta muốn trao đổi, thảo luận và tìm ra những góc nhìn đa chiều cho một vấn đề mới. Giờ thảo luận sinh ra với mục đích giúp chúng mình hiểu bài hơn, được thầy cô giải đáp những thắc mắc liên quan và cũng là nơi để chúng ta nêu ra những quan điểm tranh luận về một vấn đề thực tiễn nào đó. Nếu buổi lí thuyết chỉ dừng lại ở tương tác một chiều thì seminar sẽ là cơ hội để chúng mình có thể tương tác, phản biện với các thầy cô một cách trực quan và hiệu quả nhất.

 

02. Thảo luận thì làm gì?

 

Ở HLU, một tiết thảo luận thường diễn ra trong từ tối thiểu 90 phút (một ca) và tối đa là 180 phút (hai ca liên tiếp).

Chúng mình sẽ:

+ Được thầy cô giải đáp những vấn đề liên quan đến buổi lí thuyết

“Các em có câu hỏi gì dành cho tôi không? Bài lí thuyết tuần vừa rồi có chỗ nào không hiểu các em có thể hỏi hoặc bất kì vấn đề nào liên quan?”. Đây là một câu nói khá kinh điển khi tiết thảo luận bắt đầu. Mình vẫn nhớ cô giáo của mình từng nói: “Giờ thảo luận không phải là giờ của cô, mà là giờ của các em, các em không cần mang giáo trình, sách vở, laptop…, cô chỉ cần các em mang một thứ duy nhất! Đó là câu hỏi. Nếu không có câu hỏi, cô trò mình ngồi đây để làm gì?”

>>> Xem thêm: 10 điều sinh viên luật nên đọc dù chỉ một lần

Tại sao câu hỏi lại quan trọng đến thế?

Vì khi có câu hỏi, điều đó chứng tỏ rằng bạn đã đọc bài, nghe giảng và tìm kiếm tài liệu, thông tin liên quan đến bài học đó.

 

+ Tùy vào nội dung câu hỏi, thầy cô sẽ giải đáp thắc mắc hoặc gợi ý để các bạn tự tìm câu trả lời.

Cô giáo mình không bao giờ giải đáp thắc mắc ngay mà chỉ đặt câu hỏi và gợi ý dẫn dắt để mình tự tìm ra câu trả lời. Mình rất thích cách học này vì “Tôi không trả lời hộ các em. Giáo viên chỉ nên là người dẫn đường mở lối tư duy, chứ không phải người cho các em những câu trả lời ăn liên rồi để đấy. Cô dắt các em đến cửa rồi, bạn nào có chìa khóa trong tay thì sẽ mở được khóa và tìm ra đáp án.”

03. Làm sao để có một giờ seminar hiệu quả?

Mình sợ nhất bầu không khí im lặng khi thầy cô hỏi “Các em có câu hỏi gì không?” Và sự im lặng sẽ trả lời thay cho chúng mình: “Dạ, chúng em không có ạ”. Hiện tượng “không có câu hỏi” được lí giải như sau:

+ Cách thứ nhất “Em hiểu hết bài rồi nên không có gì để hỏi”

+ Cách thứ hai “Em không biết gì để hỏi vì em chưa học bài, đọc bài”

Ngay cả với bản thân mình, mình chưa bao giờ nhận “Em biết hết rồi nên không có gì để hỏi”. Giờ thảo luận nên trở thành một tiết học sôi nổi hào hứng thay vì bị bủa vây bởi bầu không khí trầm lắng, im lặng.

 

Nhiều bạn nói với mình rằng bạn sợ phát biểu, sợ nói sai, sợ bị thầy cô mắng, sợ rằng hỏi những câu ngớ ngẩn thì sẽ bị chê cười,…Nỗi sợ luôn tồn tại để nói với chúng ta: “Khó lắm, không làm được đâu, bỏ cuộc đi, phát biểu làm gì!…” Và chỉ có một cách để chế ngự nỗi sợ đó là dũng cảm đối mặt với nó. Và sau đây, mình sẽ chia sẻ với bạn về quy trình chuẩn bị cho một giờ seminar, để bạn có thể tự tin phát biểu và bày tỏ quan điểm trước lớp:

 

Giai đoạn 01: Trước giờ thảo luận

Làm sao để đặt ra những câu hỏi chất lượng?

Chất lượng câu hỏi sẽ phụ thuộc vào cách mà bạn chuẩn bị và tìm hiểu về vấn đề ấy như thế nào?

Chúng mình thường thấy các đại biểu quốc hội, các vị bộ trưởng thường được chất vấn và trả lời trong các phiên họp thường kì. Lớp học seminar chính là phiên bản mini của phiên họp thường kì ấy. Bạn thấy có đại biểu nào đến sát giờ họp mới bắt đầu chuẩn bị câu hỏi không?

 

Trước khi dự giờ thảo luận, mình sẽ đọc lại vở ghi/ bản word ghi chép trong giờ lí thuyết. Những phần nào không hiểu mình đã đánh dấu và note lại các câu hỏi ra một tờ giấy. Mình sẽ chủ động research thông tin trên mạng trước để đảm bảo rằng câu hỏi này chưa có lời giải đáp. Chúng mình chỉ nên hỏi thầy cô sau khi đã CHỦ ĐỘNG nghiên cứu vấn đề.

 

Bạn có thể tham khảo một số nguồn thông tin chính thống để tìm tài liệu tham khảo. Ví dụ: Fanpage bộ môn, đề cương môn học, cổng thông tin chính thức của nhà trường, thư viện số.

Giai đoạn 02: Trong giờ thảo luận

Mình chỉ cần bạn ghi nhớ hai khẩu lệnh cực kì đơn giản:

“Giơ tay” và “Nói”

 

Lần đầu tiên phát biểu trong giờ thảo luận, mình hơi run, nhưng mình đã chuẩn bị sẵn nội dung câu hỏi ra giấy nên mình có thể đứng dậy và nói thẳng băng một lèo. Khi ngồi xuống, mình còn nghe tiếng tim mình đập thình thịch và nóng bừng cả mặt. Nhưng không sao, có lần một thì sẽ có lần hai. Quan trọng là chúng ta dám bắt đầu và thay đổi. Bản lĩnh của chúng ta được trưởng thành từ đó. Về sau, khi đã quen với áp lực phát biểu, mình không cần phải cầm giấy mà có thể tự tin trình bày theo ý hiểu của mình.

>>> Xem thêm: Sinh viên luật cần làm gì để có 04 năm Đại học thành công?

 

Khi không hiểu về một khái niệm hàn lâm, mình thường nhờ thầy cô lấy ví dụ:

+ Em thưa cô, cô có thể lấy ví dụ giúp em về tính giai cấp trong bản chất của nhà nước được không ạ? Em có đọc giáo trình nhưng chưa hiểu lắm!

+ Em thưa cô vấn đề này em hiểu như vậy không biết có đúng không? Rất mong được thầy cô và các bạn góp ý.

 

Trong giờ thảo luận, mình thường ghi chú lại ngắn gọn ý kiến phát biểu của các bạn trong lớp. Mình không chỉ quan tâm đến lời giảng của thầy cô mà còn đón nhận những góc nhìn và ý kiến của các bạn cùng lớp. Với những phần thầy cô nói nhanh, mình sẽ ghi âm lại để về nhà có tư liệu tham khảo.

Giai đoạn 03: Sau giờ thảo luận:

Mình sẽ tổng hợp lại những câu trả lời của bạn bè, thầy cô để có một ý kiến hoàn chỉnh và đa chiều nhất. Sau đó, mình đánh dấu lại và lưu vào vở, rất có khả năng những câu trả lời được ghi chú này sẽ rơi vào phần thi vấn đáp.

 

Tạm kết:

Giờ thảo luận là cơ hội để chúng mình được hỏi, được nói, được sai và thể hiện quan điểm cá nhân. Thay vì để thời gian trôi qua lãng phí, tại sao chúng ta học cách để biến mỗi giờ seminar trở thành một phiên chất vấn, một phiên tòa thực sự ?

 

LÀM SAO ĐỂ CÓ MỘT GIỜ SEMINAR HIỆU QUẢ Ở TRƯỜNG LUẬT?

Link bài viết gốc: https://www.facebook.com/linhhkhanhtruong/posts/1283925195392047

Các bạn hãy kết nối, ủng hộ cũng như theo dõi nhiều bài viết thú vị, hữu ích hơn nữa về chủ đề “kinh nghiệm học đại học” từ bạn Lily Trương bằng cách thường xuyên ghé thăm những nền tảng sau:

– Facebook: https://www.facebook.com/linhhkhanhtruong/
– Page: https://www.facebook.com/lilytruongnguoigochu/
– Blog: https://lilytruongg.com/

đánh giá bài viết

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Nếu cần BQT hỗ trợ gấp, vui lòng liên hệ hotline 1900.0164 bấm phím 0.