Khởi tố và khởi kiện – Hiểu thế nào cho đúng?

Khởi tố và khởi kiện
(Ảnh minh họa - Nguồn: Luật văn diễn dịch)

Theo quy định của pháp luật tố tụng hiện nay, khởi tố là thuật ngữ dùng trong tố tụng hình sự để chỉ giai đoạn mở đầu của vụ án hình sự do cơ quan điều tra ra quyết định; còn khởi kiện là thuật ngữ dùng trong tố tụng hành chính và dân sự, chỉ việc cá nhân, cơ quan, tổ chức nộp đơn yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết các vụ án hành chính hoặc dân sự. 

Khởi tố (起訴) và khởi kiện (起件) có cùng thành tố khởi (起) có nghĩa là bắt đầu (như khởi điểm, khởi nghĩa), như vậy có thể hiểu ngay đây là hai hoạt động mở đầu cho một quy trình tố tụng phía sau. Tuy nhiên, vì sao hình sự thì dùng “khởi tố” còn hành chính, dân sự lại dùng “khởi kiện”?

Chữ “tố” trong khởi tố có nghĩa là vạch tội người khác (như tố cáo nghĩa là đem tội của một người nói cho người khác được biết). Như vậy khởi tố vụ án hình sự chính là bắt đầu quá trình vạch rõ tội của người khác. Theo quan điểm của tác giả, khởi tố chỉ mang ý nghĩa là bắt đầu giai đoạn điều tra ban đầu để làm rõ tội trạng của người phạm tội chứ không phải là “bắt đầu quy trình tố tụng” tức bao gồm cả giai đoạn truy tố và xét xử phía sau.

Đối với chữ “kiện”, thì lại là một câu chuyện khác. Chúng ta thường nghe đến kiện tụng (健訟) và án kiện (案件), nghĩa gốc của hai từ này đều là “thưa một ai đó ra tòa”. Nhưng vấn đề nằm ở chữ “kiện”. Theo học giả An Chi:
“Kiện là một từ Hán Việt, có liên quan đến hai từ tổ kiện tụng [健訟] và án kiện [案件]. Đây là hai chữ kiện khác nhau ([健] và [件]) mà nghĩa của cả hai đều vốn không hề có liên quan gì đến việc tố tụng cả.

Xem:  Bình luận 04 án lệ hình sự ở Việt Nam hiện nay

Chữ kiện 健 trong từ “kiện tụng” mang nghĩa là khỏe mạnh, kiên trì, bền bỉ trong một việc gì đó (như tráng kiện). Với nghĩa này, kiện tụng mang nghĩa gốc là “kiên trì, bền bỉ trong việc tố tụng”, rồi “ham mê việc tố tụng”. Còn chữ kiện件 trong từ “án kiện” lại có nghĩa là món đồ (như bưu kiện) hoặc một vật, một việc (như sự kiện), như vậy nghĩa gốc của từ “án kiện” có nghĩa là một vụ án, chữ kiện ở đây vốn dĩ là một danh từ chứ không phải là động từ như chúng ta vẫn thường hiểu.

Rõ ràng là về nghĩa gốc thì “kiện” tuyệt đối chẳng có liên quan gì đến việc tố tụng cả. Vậy tại sao nó lại bị “gá nghĩa” như vậy? Đó là do sự lây nghĩa, nghĩa là do cách hiểu theo cảm tính vì không biết được cái nghĩa đích xác của từ, nên người sử dụng tiếng Việt mới gán cho từ kiện trong án kiện cái nghĩa của từ án và kiện trong kiện tụng cái nghĩa của từ tụng. Hành động “gá nghĩa” này chính là hệ quả của sự lây nghĩa.

Vậy nếu như xét theo nghĩa gốc của từ kiện, thì “khởi kiện” phải được hiểu là việc bắt đầu một sự kiện mà sự kiện ở đây chính là quá trình tố tụng, xem xét giải quyết vụ án hành chính và dân sự theo yêu cầu của người nộp đơn lên Tòa án.

Xem:  Về thủ tục khởi kiện đối với doanh nghiệp có nhiều người đại diện theo pháp luật

Tác giả: Linh

Minh họa: Anh

Tài liệu tham khảo:

  • Từ điển Hán Nôm
  • Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015; Luật Tố tụng Hành chính 2015

Bài viết được đăng tải trên page Luật văn diễn dịch (fb.com/VietnameseLegalTerm) ngày 04/8/2018.

đánh giá bài viết

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Nếu cần BQT hỗ trợ gấp, vui lòng liên hệ hotline 1900.0164 bấm phím 0.