Khái niệm và ý nghĩa của mặt khách quan của tội phạm được xác định là nội dung con số 1 nằm trong mục Mặt khách quan của tội phạm
I. KHÁI NIỆM
1. Cơ sở lý luận của việc quy định mặt khách quan là yếu tố cấu thành tội phạm
Khách quan là những gì tồn tại bên ngoài, không phụ thuộc vào ý thức, ý chí của con người. Pháp luật hình sự nói riêng và pháp luật nói chung chỉ điều chỉnh đối với những hành vi cụ thể của con người được thể hiện ra ngoài thế giới khách quan, không điều chỉnh những gì thuộc về ý nghĩ, tư tưởng của con người. Điều này rất đúng, phù hợp với quy luật. C. Mác đã nói: “…lực lượng vật chất chỉ có thể bị đánh đổ bằng lực lượng vật chất”.70 Pháp luật hình sự bảo vệ các quan hệ xã hội quan trọng nhất nhằm duy trì trật tự và sự ổn định xã hội. Các quan hệ xã hội được pháp luật hình sự bảo vệ chỉ có thể bị xâm hại khi có một “lực lượng vật chất” tác động vào nó.
Luân lý hay tôn giáo vì mục đích cải tạo con người theo một ý nghĩa cao siêu, thần thánh nên trừng phạt cả những ý nghĩ, tư tưởng bất lương, xấu xa. Pháp luật bảo vệ những trật tự xã hội và cải tạo con người với những thái độ cụ thể biểu hiện qua hành vi khách quan đối với xã hội. Những tư tưởng, ý nghĩ dự toán tồn tại trong ý thức của con người không có khả năng gây ra sự xáo trộn trật tự xã hội nên không cần phải điều chỉnh bằng pháp luật. Mặt khác, con người cũng không thể nào nhận biết được những gì diễn biến trong tư tưởng của người khác để điều chỉnh bằng pháp luật. Trong những trường hợp này, chỉ có thể điều chỉnh nhận thức của con người thông qua giáo dục nhằm định hướng cho nhận thức đó theo hướng tốt.
Đứng ở góc độ khác, chúng ta có thể thấy hành vi của con người được thực hiện trong thế giới khách quan có các dấu hiệu bên ngoài và các dấu hiệu bên trong. Tội phạm cũng là một dạng của hành vi con người nên cũng được biểu hiện thông qua cơ chế đó. Tuy nhiên, để nghiên cứu những biểu hiện thuộc mặt khách quan (bên ngoài) của tội phạm một cách sâu sắc, toàn diện, khoa học Luật hình sự đã tách chúng ra khỏi những biểu hiện chủ quan (bên trong) thành một yếu tố tương đối độc lập. Và trong quy trình lập pháp, tội phạm cũng được các nhà làm luật mô tả với những biểu hiện của yếu tố khách quan một cách độc lập với tư cách là một trong những dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm.
2. Mặt khách quan của tội phạm theo lý luận Luật hình sự Việt nam hiện hành
Nghiên cứu Luật hình sự Việt nam hiện hành, khoa học Luật hình sự nêu ra các biểu hiện bên ngoài của tội phạm tạo thành mặt khách quan của tội phạm bao gồm:
- Hành vi nguy hiểm cho xã hội;
- Hậu quả nguy hiểm cho xã hội;
- Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả;
- Các điều kiện bên ngoài khác của tội phạm (công cụ, phương tiện, phương pháp, thủ đoạn, thời gian, địa điểm…phạm tội).
Bất cứ tội phạm nào khi được thực hiện cũng diễn ra và tồn tại các yếu tố ấy và tổng hợp các yếu tố đó tạo thành mặt khách quan của tội phạm. Như vậy, mặt khách quan của tội phạm là tổng hợp tất cả những biểu hiện của tội phạm diễn ra và tồn tại bên ngoài thế giới khách quan. Dĩ nhiên, không phải mọi trường hợp phạm tội, các biểu hiện này đều hiện diện trên thực tế. Vì vậy, các biểu hiện khách quan của tội phạm không phải lúc nào cũng được thể hiện trong cấu thành tội phạm mang tính bắt buộc. Có biểu hiện được thể hiện trong cấu thành tội phạm cơ bản của tất cả các tội phạm (hành vi nguy hiểm cho xã hội), có biểu hiện chỉ được phản ánh trong cấu thành tội phạm của một số tội phạm cụ thể hoặc trong cấu thành tội phạm tăng nặng, giảm nhẹ (hậu quả nguy hiểm cho xã hội), có biểu hiện đôi lúc được thể hiện như một tình tiết tăng nặng hay giảm nhẹ…Dù thế nào đi nữa, chúng ta cũng phải thấy rằng, mặt khách quan của tội phạm là một yếu tố của cấu thành tội phạm. Không có mặt khách quan thì không có tội phạm xảy ra dù có thể các mặt khác của tội phạm đã hội đủ. Chẳng hạn, một người trong suy nghĩ rất mong muốn một người khác chết và trên thực tế người đó đã chết. Tuy nhiên, người này chết không phải do bị giết mà do bệnh. Như vậy, không có tội phạm xảy ra trên thực trong trường hợp này.
3. Ý nghĩa mặt khách quan của tội phạm
Hành vi khách quan với tư cách là một trong những biểu hiện quan trọng nhất của mặt khách quan của tội phạm là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Nó là cơ sở để xác định tội danh. Việc quy định tội phạm trong Bộ luật hình sự là dựa vào đặc điểm của hành vi khách quan để định cho nó là tên gọi gì. Do đó, chỉ cần chúng ta xác định được các đặc điểm của hành vi (phạm tội) thì có thể dễ dàng xác định hành vi đó phạm tội gì. Chẳng hạn, hành vi “dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng ngay tức khắc vũ lực chiếm đoạt tài sản…” thì đó là tội cướp tài sản (Điều 133 Bộ luật hình sự), hành vi “lén lút lấy tài sản của người khác” thì đã phạm tội trộm cắp tài sản (Điều 138 Bộ luật hình sự)…v.v…
Mặt khách quan của tội phạm còn được thể hiện trong các cấu thành tội phạm tăng nặng, khi ấy mặt khách quan giữ vai trò là tình tiết định khung hình phạt. Ví dụ, hành vi “sử dụng vũ khí hoặc phương tiện, thủ đoạn nguy hiểm” là tình tiết có thể chuyển khung hình phạt từ khoản 1 sang khoản 2 Điều 133 Bộ luật hình sự. Trong tất cả các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự có nhiều biểu hiện thuộc mặt khách quan. Ví dụ, “phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không do mình tự gây ra”, “phạm tội nhưng chưa gây ra thiệt hại hoặc thiệt hại không lớn”…là những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Vì vậy, nghiên cứu những dấu hiệu thuộc mặt khách quan của tội phạm còn có ý nghĩa trong việc đánh giá mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, cơ sở để xác định mức độ trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội.
Ngoài ra, các dấu hiệu thuộc mặt khách quan trong nhiều trường hợp còn có ý nghĩa xác định nội dung tâm lý bên trong của người phạm tội qua việc xác định lỗi và mức độ lỗi của người phạm tội.
Ví dụ, một người đã cố ý thực hiện tội phạm thì hành vi rất dứt khoát và cương quyết, chuẩn bị mọi phương tiện, công cụ, kế hoạch để có thể thực hiện tội phạm đến cùng.
II. CÁC DẤU HIỆU THUỘC MẶT KHÁCH QUAN CỦA TỘI PHẠM
>>> Xem thêm: Phân tích những dấu hiệu thuộc mặt khách quan của tội phạm?
Để lại một phản hồi