Khái niệm và các loại hình thức pháp luật trong lịch sử

Văn bản quy phạm pháp luật

Khái niệm hình thức pháp luật

Hình thức pháp luật là cách thức mà giai cấp thống trị sử dụng để nâng ý chí của giai cấp mình lên thành pháp luật.

Các loại hình thức pháp luật

Trong lịch sử có ba hình thức pháp luật được thừa nhận là tập quán pháp, tiền lệ phápvăn bản quy phạm pháp luật. Như vậy, ngoài hình thức văn bản quy phạm pháp luật, việc điều chỉnh các quan hệ xã hội còn có thể có sự tham gia của tập quán pháp, tiền lệ pháp.

1. Tập quán pháp

Tập quán pháp là hình thức nhà nước thừa nhận một số tập quán đã lưu truyền trong xã hội, phù hợp với lợi ích của giai cấp thống trị, nâng chúng thành những quy tắc xử sự chung được nhà nước bảo đảm thực hiện. Đây là hình thức pháp luật xuất hiện sớm nhất và được sử dụng nhiều trong các nhà nước chủ nô và nhà nước phong kiến. Trong nhà nước tư sản, hình thức này vẫn được sử dụng nhiều, nhất là ở các nước có chế độ quân chủ.

Vì tập quán hình thành một cách tự phát, ít biến đổi và có tính cục bộ, cho nên hình thức tập quán pháp về nguyên tắc không phù hợp với bản chất của pháp luật xã hội chủ nghĩa. Tuy vậy, cũng có một số tập quán thể hiện truyền thống và đạo đức dân tộc, có tác dụng tốt trong việc hình thành tính cách con người mới xã hội chủ nghĩa và làm phong phú đời sống văn hóa nhân dân. Vì vậy, các nhà nước xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội vẫn còn thừa nhận một số tập quán tiến bộ tuy nhiên ở mức độ hạn chế.

2. Tiền lệ pháp

Tiền lệ pháp là hình thức nhà nước thừa nhận các quyết định của cơ quan hành chính hoặc xét xử giải quyết những vụ việc cụ thể để áp dụng đối với các vụ việc tương tự. Hình thức này đã được sử dụng trong các nhà nước chủ nô, được sử dụng rộng rãi trong các nhà nước phong kiến và hiện nay vẫn chiếm vị trí quan trọng trong pháp luật tư sản, nhất là ở Anh, Mỹ (đặc biệt là trong dân luật).

Tiền lệ pháp hình thành không phải do hoạt động của cơ quan lập pháp mà xuất hiện từ hoạt động của cơ quan hành pháp và tư pháp. Vì vậy, hình thức này dễ tạo ra sự tùy tiện, không phù hợp với nguyên tắc pháp chế đòi hỏi phải tôn trọng nguyên tắc tối cao của luật và phải phân định rõ chức năng, quyền hạn của các cơ quan trong bộ máy nhà nước trong việc xây dựng và thực hiện pháp luật.

Tuy nhiên, trên thực tế trong chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ (nhất là thời kỳ sau cách mạng), do hệ thống pháp luật chưa được xây dựng được hoàn chỉnh, trước yêu cầu của cách mạng cần phải giải quyết ngay một số vụ việc, trong các nhà nước xã hội chủ nghĩa vẫn còn sử dụng hình thức này. Nhưng đó là sự vận dụng linh hoạt dựa trên cơ sở của luật và đường lối chính sách của Đảng. Khi hệ thống pháp luật được xây dựng đồng bộ, hoàn chỉnh thì hình thức này không còn tồn tại trong các nhà nước xã hội chủ nghĩa.

3. Văn bản quy phạm pháp luật

Văn bản quy phạm pháp luật là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành trong đó quy định những quy tắc xử sự chung (quy phạm đối với mọi người) được áp dụng nhiều lần trong đời sống xã hội. Có nhiều loại văn bản pháp luật. Ở mỗi nước, trong những điều kiện cụ thể có những quy định riêng về tên gọi và hiệu lực pháp lý của các loại văn bản pháp luật. Nhưng nhìn chung, các văn bản pháp luật đều được ban hành theo một trình tự thủ tục nhất định và chứa đựng những quy định cụ thể (các quy phạm pháp luật).

Trong pháp luật chủ nô và phong kiến, các văn bản pháp luật còn chưa hoàn chỉnh và kỹ thuật xây dựng chưa cao. Nhiều đạo luật chỉ là sự ghi chép lại một cách có hệ thống các án lệ và các tập quán đã được thừa nhận. Pháp luật tư sản đã có nhiều hình thức văn bản phong phú và được xây dựng với kỹ thuật cao. Đặc biệt ở giai đoạn đầu, sau khi cách mạng tư sản thành công, nguyên tắc pháp chế được đề cao đã làm cho pháp luật tư sản có hệ thống văn bản tương đối thống nhất dựa trên cơ sở của luật. Nhưng với bản chất của nó cho nên sau thắng lợi hoàn toàn đối với chế độ phong kiến, giai cấp tư sản tự mình phá vỡ nguyên tắc pháp chế do mình đề ra bằng nhiều cách như hạ thấp vai trò của nghị viện, mở rộng quyền của tổng thống và chính phủ, sử dụng rộng hình thức tập quán pháp và tiền lệ pháp. Bằng cách đó, giai cấp tư sản đã phá vỡ tính thống nhất theo nguyên tắc pháp chế của các văn bản pháp luật; kỹ thuật xây dựng văn bản cao được sử dụng để che đậy bản chất của pháp luật tư sản.

Pháp luật xã hội chủ nghĩa có hệ thống các văn bản thống nhất được xây dựng theo nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa, tôn trọng tính tối cao của hiến pháp và luật. Hệ thống các văn bản pháp luật xã hội chủ nghĩa ngày càng được xây dựng hoàn chỉnh, đồng bộ với kỹ thuật cao phản ánh đúng bản chất của pháp luật xã hội chủ nghĩa.

Hình thức pháp luật nào tiến bộ nhất?

Văn bản quy phạm pháp luật là hình thức pháp luật tiến bộ nhất.

Việt Nam không áp dụng hình thức pháp luật nào?

Việt Nam, tiền lệ pháptập quán pháp không được coi là hình thức pháp luật thông dụng và ít được quan tâm nghiên cứu. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay khi chúng ta đang chuyển sang cơ chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa thì việc đổi mới tư duy pháp lý, trong đó đổi mới nhận thức về hình thức pháp luật là một trong những yêu cầu có tính bức xúc, cần được quan tâm đúng mức.

Thực tế đã cho thấy, một quy phạm pháp luật phải chứa đựng quy tắc xử sự chung, thế nhưng việc áp dụng các quy tắc xử sự chung này cho mọi trường hợp, kể cả các trường hợp đặc biệt là điều không thể. Văn bản quy phạm pháp luật phải có tính khái quát hóa cao. Song chính sự khái quát hóa quá cao đó lại khiến cho văn bản quy phạm pháp luật dễ dàng bộc lộ khuyết điểm. Ngoài ra, văn bản quy phạm pháp luật thường dễ bị lạc hậu so với cuộc sống.

Chính những điểm yếu nói trên làm cho văn bản quy phạm pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu điều chỉnh toàn bộ hành vi con người, điều chỉnh các quan hệ xã hội. Muốn khắc phục những hạn chế kể trên, cần có nhiều giải pháp mà một trong những giải pháp quan trọng là đa dạng hóa hình thức pháp luật.


Các tìm kiếm liên quan đến có các hình thức pháp luật nào, các loại hình thức pháp luật, các hình thức pháp luật trong lịch sử, hình thức pháp luật xã hội chủ nghĩa, nêu các hình thức tồn tại của pháp luật, các dấu hiệu để nhận biết hình thức pháp luật, ưu nhược điểm của các hình thức pháp luật

5/5 - (23845 bình chọn)

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Nếu cần BQT hỗ trợ gấp, vui lòng liên hệ hotline 1900.0164 bấm phím 0.