Các bộ phận cấu thành của bộ máy nhà nước xã hội chủ nghĩa

Chuyên mụcLý luận nhà nước và pháp luật Nhà nước xã hội chủ nghĩa

Bộ máy nhà nước xã hội chủ nghĩa là hệ thống các cơ quan nhà nước từ trung ương xuống đến địa phương, được tổ chức và hoạt động dựa trên những nguyên tắc chung nhất định tạo thành một cơ chế đồng bộ thực hiện các chức năng và nhiệm vụ của nhà nước.

 

Những nội dung liên quan:

 

Bộ máy nhà nước xã hội chủ nghĩa

Mục lục:

  1. Khái niệm bộ máy nhà nước và cơ quan nhà nước
    1. Khái niệm bộ máy nhà nước
    2. Khái niệm cơ quan nhà nước
  2. Các bộ phận cấu thành của bộ máy nhà nước xã hội chủ nghĩa
    1. Các cơ quan quyền lực nhà nước
    2. Nguyên thủ quốc gia
    3. Các cơ quan hành chính nhà nước
    4. Cơ quan xét xử
    5. Viện kiểm sát
  3. Những nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước xã hội chủ nghĩa
    1. Nguyên tắc quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân
    2. Nguyên tắc bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng cộng sản đối với nhà nước
    3. Nguyên tắc tập trung dân chủ
    4. Nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa
    5. Nguyên tắc đảm bảo sự đoàn kết và bình đẳng của các dân tộc

Nhà nước xã hội chủ nghĩa

I. Khái niệm bộ máy nhà nước và cơ quan nhà nước

1. Bộ máy nhà nước xã hội chủ nghĩa là gì?

Bộ máy nhà nước xã hội chủ nghĩa là hệ thống các cơ quan nhà nước từ trung ương xuống đến địa phương, được tổ chức và hoạt động dựa trên những nguyên tắc chung nhất định tạo thành một cơ chế đồng bộ thực hiện các chức năng và nhiệm vụ của nhà nước.

Xuất phát từ bản chất của mình, bộ máy nhà nước xã hội chủ nghĩa có những đặc điểm sau đây:

– Nhà nước xã hội chủ nghĩa bảo đảm sự thống nhất, tập trung quyền lực. Tính thống nhất quyền lực xuất phát từ nguồn gốc quyền lực thuộc về nhân dân. Trong bộ máy nhà nước xã hội chủ nghĩa không có sự phân chia quyền lực nhưng có sự phân công các nhánh quyền: lập pháp, hành pháp và tư pháp một cách hợp lý cho các hệ thống cơ quan tương ứng, bảo đảm cho việc thực hiện thống nhất quyền lực nhân dân. Nhân dân thực hiện quyền lực của mình bằng các hình thức dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp, trong đó hình thức dân chủ đại diện thông qua hoạt động của các cơ quan dân cử là hình thức quan trọng nhất. Các cơ quan nhà nước khác đều bắt nguồn từ hệ thống cơ quan quyền lực nhà nước và phải chịu trách nhiệm và báo cáo hoạt động của mình trước cơ quan quyền lực nhà nước.

– Bộ máy nhà nước xã hội chủ nghĩa có chức năng thống nhất quản lý mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Để thực hiện chức năng này nhà nước thiết lập các hệ thống cơ quan tương ứng, bao gồm: các cơ quan cưỡng chế, các cơ quan quản lý kinh tế, các cơ quan quản lý các lĩnh vực khác của đời sống xã hội…

– Bộ máy nhà nước xã hội chủ nghĩa nắm giữ các quyền lực: kinh tế, chính trị và tinh thần.

+ Về quyền lực kinh tế, nhà nước xã hội chủ nghĩa là chủ thể của những cơ sở kinh tế, cơ sở vật chất quan trọng nhất của quốc gia: đất đai, rừng núi, sông ngòi, tài nguyên thiên nhiên… Ngoài ra, nhà nước xã hội chủ nghĩa còn là chủ sở hữu của những tư liệu sản xuất quan trọng khác được quy định trong pháp luật như: bưu chính – viễn thông, các trung tâm công nghiệp, điện lực, tài chính… của quốc gia.

+ Về quyền lực chính trị, nhà nước xã hội chủ nghĩa cũng như các kiểu nhà nước khác là trung tâm của hệ thống chính trị. Với đặc trưng tiêu biểu là chủ thể duy nhất nắm giữ quyền lực công cộng đặc biệt và là chủ thể của chủ quyền quốc gia, nhà nước xã hội chủ nghĩa giữ vai trò là quyền lực chính trị trung tâm.

+ Về quyền lực tinh thần, nhà nước xã hội chủ nghĩa xây dựng hệ tư tưởng thống soái là hệ tư tưởng Mác – Lênin. Ơ Việt Nam ta bên cạnh hệ tư tưởng Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là kim chỉ nam trong việc xây dựng một hệ tư tưởng thống nhất, là nhân tố bảo đảm động viên sức mạnh toàn Đảng, toàn dân chung sức xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.

2. Khái niệm cơ quan nhà nước

Cơ quan nhà nước là tổ chức mang tính quyền lực nhà nước, là bộ phận cấu thành của bộ máy nhà nước.

Cơ quan nhà nước có những đặc điểm sau:

– Các cơ quan nhà nước được thành lập và hoạt động theo thẩm quyền được pháp luật quy định.

– Căn cứ trên thẩm quyền được pháp luật quy định, cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hoặc văn bản áp dụng pháp luật. Các văn bản này có hiệu lực bắt buộc đối với các chủ thể đã được nó xác định.

– Trong hoạt động của mình các cơ quan nhà nước được sử dụng cả 2 phương pháp: thuyết phục và cưỡng chế để đảm bảo cho hoạt động của mình đạt hiệu quả.

– Các cơ quan nhà nước có quyền kiểm tra, giám sát việc thực hiện các văn bản pháp luật đã ban hành.

Xuất phát từ đặc điểm về cơ cấu tổ chức, phương thức thực hiện quyền lực nhà nước được phân công, có thể phân chia các cơ quan trong bộ máy nhà nước theo nhiều cách khác nhau: có thể chia thành cơ quan trung ương và cơ quan địa phương; cơ quan chịu trách nhiệm trước cử tri và cơ quan vừa chịu trách nhiệm trước cử tri, vừa chịu trách nhiệm trước cơ quan nhà nước cấp trên… Cách phân chia thông thường nhất thường được áp dụng là căn cứ vào tính chất công việc đảm nhiệm để phân các cơ quan thành: các cơ quan đại diện, Nguyên thủ quốc gia, các cơ quan hành chính nhà nước, các cơ quan xét xử, các cơ quan kiểm sát.

II. Các bộ phận cấu thành của bộ máy nhà nước xã hội chủ nghĩa

Bộ máy nhà nước xã hội chủ nghĩa thông thường có các hệ thống cơ quan như sau:

1. Các cơ quan quyền lực nhà nước

Các cơ quan quyền lực nhà nước bao gồm Quốc hội, Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Hội đồng nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, Hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn.

a. Quốc hội là cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân, là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp. Quốc hội quyết định những chính sách cơ bản về đối nội, quốc phòng, an ninh của đất nước, những nguyên tắc chủ yếu về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, về quan hệ xã hội và hoạt động của công dân. Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của nhà nước.

Về cơ cấu tổ chức, Quốc hội các nước xã hội chủ nghĩa có thể tổ chức theo chế độ nhiều viện và cũng có thể tổ chức theo chế độ một viện, tuỳ thuộc vào thực tiễn của mối nước.

Quốc hội nước ta hiện nay được tổ chức theo chế độ một viện, do nhân dân trực tiếp bầu ra theo nguyên tắc trực tiếp, phổ thông đầu phiếu. Nhiệm kỳ của Quốc hội là 5 năm. Quốc hội mỗi năm họp hai kỳ, do Uỷ ban thường vụ quốc hội triệu tập. Uỷ ban thường vụ quốc hội là cơ quan thường trực của Quốc hội. Thành viên của Uỷ ban thường vụ quốc hội gồm có: Chủ tịch quốc hội, các Phó chủ tịch quốc hội và các uỷ viên.

b. Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên.

Ở nước ta, Hội đồng nhân dân được tổ chức theo 3 cấp: tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương, huyện, quận, thị xã và thành phố thuộc tỉnh, xã phường thị trấn. Theo quy định của Hiến pháp và Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân hiện hành, hội đồng nhân dân căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của cấp mình, xuất phát từ lợi ích chung của đất nước và địa phương quyết định những chủ trương và biện pháp quan trọng để phát huy tiềm năng quan trọng của địa phương, xây dựng và phát triển địa phương về kinh tế – xã hội, củng cố quốc phòng an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân địa phương, làm nghĩa vụ của địa phương đối với cả nước. Khi quyết nghị những vấn đề thuộc thẩm quyền của mình, Hội đồng nhân dân ban hành nghị quyết. Những Nghị quyết về các vấn đề mà theo quy định của pháp luật phải có sự phê chuẩn của cấp trên thì trước khi thi hành phải được trình lên cấp có thẩm quyền phê chuẩn. Hội đồng nhân dân giám sát hoạt động của Thường trực hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân cùng cấp. Hội đồng nhân dân bầu, bãi nhiệm, miễn nhiệm chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng nhân dân, chủ tịch, các phó chủ tịch và các thành viên khác của uỷ ban nhân dân, trưởng ban và các thành viên khác của các ban của hội đồng nhân dân. Hội đồng nhân dân bầu, miền nhiệm, bãi nhiệm hội thẩm nhân dân của toà án nhân dân cùng cấp theo quy định của pháp luật. hội đồng nhân dân có thẩm quyền bãi bỏ những quyết định sai trái của uỷ ban nhân dân cùng cấp, những nghị quyết sai trái của hội đồng nhân dân cấp dưới trực tiếp. Hội đồng nhân dân có thể quyết định giải tán hội đồng nhân dân cấp dưới trực tiếp trong trường hợp hội đồng nhân dân đó làm thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của nhân dân. Nghị quyết giải tán hội đồng nhân dân cấp dưới phải được sự phê chuẩn của hội đồng nhân dân cấp trên trực tiếp khi thi hành. Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh giải tán hội đồng nhân dân cấp dưới phải được sự phê chuẩn của Uỷ ban thường vụ quốc hội trước khi thi hành.

2. Nguyên thủ quốc gia

Nguyên thủ quốc gia là người đứng đầu nhà nước xã hội chủ nghĩa, là người thay mặt nhà nước trong các quan hệ đối ngoại, đối nội.

Ở các nước xã hội chủ nghĩa, trong các giai đoạn phát triển cụ thể, nguyên thủ quốc gia có lúc là cơ quan tập thể (Hội đồng nhà nước như ở Việt Nam theo Hiến pháp năm 1980). Có lúc là cá nhân (Chủ tịch nước). Dù là cơ quan tập thể hay cá nhân, nguyên thủ quốc gia của các nước xã hội chủ nghĩa cũng được hình thành từ Quốc hội và có nhiệm kỳ theo nhiệm kỳ của Quốc hội.

Ở Việt nam hiện nay, nguyên thủ quốc gia phải được bầu trong số các đại biểu quốc hội. Chủ tịch nước chịu trách nhiệm và báo cáo hoạt động của mình trước Quốc hội. Thẩm quyền của Chủ tịch nước có trên cả 3 nhánh: lập pháp, hành pháp và tư pháp.

3. Các cơ quan hành chính nhà nước

Các cơ quan hành chính nhà nước là những cơ quan có thẩm quyền quản lý mọi mặt hoạt động của quốc gia. Các cơ quan này vừa là cơ quan chấp hành của cơ quan quyền lực cùng cấp, vừa là cơ quan quản lý nhà nước.

a. Chính phủ: là cơ quan chấp hành của Quốc hội, là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất.

Về cơ cấu tổ chức chính phủ, các nhà nước xã hội chủ nghĩa trong các giai đoạn phát triển khác nhau có sự tổ chức khác nhau, có lúc chính phủ được tổ chức dưới hình thức đề cao trách nhiệm tập thể (như Hội đồng bộ trưởng ở Việt Nam theo Hiến pháp 1980, Liên Xô cũ theo Hiến pháp 1977), có lúc tổ chức theo hình thức tôn trọng bàn bạc tập thể nhưng đề cao trách nhiệm cá nhân.

Chính phủ nước ta hiện nay, theo quy định của Hiến pháp 2013, là cơ quan chấp hành của Quốc hội và là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của đất nước. Chính phủ thống nhất quản lý việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước. Chính phủ bảo đảm hiệu lực của bộ máy nhà nước từ trung ương xuống đến cơ sở, đảm bảo việc tôn trọng và chấp hành Hiến pháp, pháp luật, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa, đảm bảo ổn định và nâng cao đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân. Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội, và báo cáo công tác với Quốc hội, Uỷ ban thường vụ quốc hội và Chủ tịch nước (Điều 95 – Hiến pháp năm 203).

Cơ cấu của Chính phủ gồm có: Thủ tướng, các Phó thủ tướng, các bộ trưởng và các thành viên khác thuộc Chính phủ. Ngoài Thủ tướng chính phủ các thành viên khác của chính phủ không nhất thiết phải là đại biểu Quốc hội.

Thủ tướng chính phủ là người đứng đầu chính phủ do Quốc hội bầu ra. Thủ tướng chịu trách nhiệm trước quốc hội và báo công tác với quốc hội, uỷ ban thường vụ quốc hội và Chủ tịch nước.

b. Bộ và cơ quan ngang bộ là các cơ quan của chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với ngành hoặc lĩnh vực công tác trong phạm vi cả nước. Bộ trưởng và các thành viện thuộc chính phủ chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về lĩnh vực, ngành mình phụ trách trong phạm vi cả nước, bảo đảm các quyền tự chủ trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các cơ sở theo quy định của pháp luật. Căn cứ vào Hiến pháp, Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ quốc hội, Lệnh, Quyết định của Chủ tịch nước, các văn bản của Chính phủ và Thủ tướng chính phủ để ban hành các quyết định, chỉ thị hoặc thông tư và kiểm tra việc thi hành các văn bản đó ở các ngành, địa phương và cơ sở. Bộ trưởng và các thành viên của chính phủ phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng, trước Quốc hội về các lĩnh vực, ngành mình phụ trách. Theo Luật tổ chức chính phủ năm 2015, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ có quyền kiến nghị với Thủ tướng đình chỉ việc thi hành nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trái với các văn bản pháp luật của Nhà nước hoặc của bộ, cơ quan ngang bộ về ngành, lĩnh vực do bộ, cơ quan ngang bộ phụ trách, đồng thời có quyền đình chỉ việc thi hành, đề nghị Thủ tướng bãi bỏ những quy định của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trái với các văn bản của bộ, cơ quan ngang bộ về ngành, lĩnh vực do bộ, cơ quan ngang bộ phụ trách và chịu trách nhiệm về quyết định đình chỉ đó.

c. Uỷ ban nhân dân các cấp: do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu ra là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm chấp hành Hiến pháp, luật các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên và nghị quyết của Hội đồng nhân dân. Uỷ ban nhân dân trong phạm vi chức năng, quyền hạn do pháp luật quy định ra quyết định, chỉ thị và kiểm tra việc thi hành những văn bản đó. Chủ tịch uỷ ban nhân dân lãnh đạo, điều hành hoạt động của uỷ ban nhân dân. Theo quy định của Hiến pháp 2013, khi quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương, Uỷ ban nhân dân phải thảo luận tập thể và quyết định theo đa số. Chủ tịch uỷ ban nhân dân có quyền đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ những văn bản sai trái của uỷ ban nhân dân cấp dưới; đình chỉ thi hành nghị quyết sai trái của hội đồng nhân dân cấp dưới, đồng thời đề nghị Hội đồng nhân dân cùng cấp bãi bỏ những nghị quyết đó.

4. Cơ quan xét xử

Toà án là cơ quan xét xử của nhà nước xã hội chủ nghĩa, hệ thống toà án xã hội chủ nghĩa hoạt động trên các nguyên tắc:

– Xét xử độc lập chỉ tuân theo pháp luật;

– Xét xử có sự tham gia của hội thẩm nhân dân;

– Xét xử theo 2 cấp.

Hệ thống Toà án nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam gồm có: Toà án nhân dân tối cao, Toà án nhân dân địa phương, Toà án quân sự các cấp, các toà chuyên trách khác.

Các toà thực hiện chức năng xét xử theo thẩm quyền được pháp luật quy định.

5. Viện kiểm sát

Viện kiểm sát là bộ phận cấu thành của bộ máy nhà nước xã hội chủ nghĩa. Tuỳ theo từng giai đoạn cụ thể mà thẩm quyền của Viện kiểm sát có sự quy định khác nhau. Giai đoạn trước đây, ở các nhà nước xã hội chủ nghĩa cơ quan kiểm sát là cơ quan kiểm tra, giám sát hoạt động tuân thủ pháp luật của các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, cán bộ, viên chức nhà nước, nhân viên các tổ chức xã hội và mọi công dân trong việc thực hiện pháp luật. Viện kiểm sát đồng thời cũng là cơ quan giữ thẩm quyền công tố.

Ở nước ta hiện nay, hệ thống cơ quan kiểm sát bao gồm: Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân địa phương, Viện kiểm sát quân sự các cấp. Theo quy định tại Điều 107 Hiến pháp năm 2013, Viện kiểm sát có thẩm quyền thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp.

III. Những nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước xã hội chủ nghĩa

Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước xã hội chủ nghĩa là những nguyên lý chủ đạo, xuyên suốt trong việc tổ chức và hoạt động hệ thống các cơ quan nhà nước từ trung ương xuống đến địa phương, xuất phát từ bản chất của nhà nước.

Xuất phát từ bản chất của nhà nước ta, bộ máy nhà nước ta tổ chức và hoạt động trên cơ sở 5 nguyên tắc cơ bản: Quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, Đảng cộng sản lãnh đạo nhà nước, nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc bảo đảm sự đoàn kết và bình đẳng giữa các dân tộc và nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa.

1. Nguyên tắc quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân

Đây là là một trong những nguyên tắc đặc thù trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước xã hội chủ nghĩa, xuất phát từ bản chất của nhà nước xã hội chủ nghĩa. Nguyên tắc này bảo đảm sự lôi cuốn đông đảo nhân dân tham gia công việc quản lý nhà nước, tập trung sức mạnh trí tuệ, sức lực của nhân dân và công việc của nhà nước.

Ở Việt Nam, nguyên tắc này được ghi nhận tại Điều 2 Hiến pháp 2013: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.”.

Nhân dân thực hiện quyền lực của mình dưới các hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp như: bầu các đại diện của mình vào hệ thống cơ quan quyền lực nhà nước, trực tiếp làm việc tại các cơ quan nhà nước, thảo luận, đóng góp ý kiến cho các dự án luật, các văn kiện nhà nước, tham gia giám sát hoạt động của các cơ quan, cán bộ, công chức, viên chức nhà nước và đặc biệt là thông qua hình thức trưng cầu ý dân, nhân dân trực tiếp quyết định các công việc quan trọng nhất của nhà nước.

Ngoài quy định tại Điều 2, Hiến pháp năm 2013 còn quy định nguyên tắc này tại các điều: Điều 3, Điều 6, Điều 28, cụ thể Điều 6 ghi: “Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước.”; Điều 28 ghi nhận: “Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước.”.

2. Nguyên tắc bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng cộng sản đối với nhà nước

Nhà nước xã hội chủ nghĩa là tổ chức thông qua đó Đảng cộng sản thực hiện sự lãnh đạo đối với tiến trình phát triển của xã hội. Sự lãnh đạo của Đảng bảo đảm giữ vững bản chất của nhà nước xã hội chủ nghĩa, giữ vai trò quyết định trong việc xác định phương hướng tổ chức và hoạt động của nhà nước.

Ở nước ta, nguyên tắc bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng được ghi nhận tại Điều 4, Hiến pháp năm 2013: “Đảng Cộng sản Việt Nam – Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.”. Sự lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước thể hiện ở các mặt chủ yếu: Đảng đề ra đường lối chính trị, chủ trương, chính sách lớn cho hoạt động của nhà nước; đào tạo cán bộ đảng viên có phẩm chất chính trị, năng lực chuyên môn để giới thiệu ứng cử vào giữ các chức vụ trong bộ máy nhà nước; lãnh đạo nhà nước trong việc thể chế hoá chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng thành pháp luật; thực hiện sự kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; Đảng lãnh đạo thông qua việc tổ chức và hoạt động của các tổ chức đảng cơ sở tại các cơ quan nhà nước; thông qua sự gương mẫu, tiên phong của cán bộ đảng viên.

Đảng cộng sản giữ vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội nhưng Đảng không cai trị Nhà nước, không bao biện làm thay các chức năng của Nhà nước. Mọi tổ chức của Đảng và các đảng viên hoạt động trong khuôn khổ quy định của Hiến pháp và pháp luật.

3. Nguyên tắc tập trung dân chủ

Nguyên tắc tập trung dân chủ được tất cả các Nhà nước xã hội chủ nghĩa sử dụng rộng rãi và vì thế được ghi nhận trong Hiến pháp của tất cả các nhà nước xã hội chủ nghĩa. Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, tại Điều 8 đã ghi nhận: “ Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ.”.

Nguyên tắc tập trung dân chủ là sự kết hợp hài hoà giữa sự chỉ đạo tập trung, thống nhất của cơ quan nhà nước cấp trên và sự bảo đảm quyền dân chủ rộng rãi nhằm đảm bảo phát huy tính chủ động, sáng tạo của cấp dưới nhằm đạt hiệu quả cao trong quản lý nhà nước.

Nguyên tắc tập trung dân chủ thể hiện ở những điểm cơ bản sau:

– Tất cả các cơ quan đại diện đều do nhân dân trực tiếp bầu ra theo nguyên tắc phổ thông, đầu phiếu. Trong hoạt động của mình, theo định kỳ các cơ quan đại diện phải báo cáo hoạt động của mình trước cử tri, cử tri có quyền giám sát các đại biểu do mình bầu ra trong cơ quan đại diện.

– Cơ quan nhà nước cấp dưới phải phục tùng cơ quan nhà nước cấp trên, các quyết định của cơ quan nhà nước cấp trên có hiệu lực bắt buộc đối với cơ quan nhà nước cấp dưới.

– Các văn bản do cơ quan nhà nước cấp dưới ban hành không được trái về nội dung với những văn bản do cơ quan nhà nước cấp trên ban hành.

– Trong quá trình thực hiện các quyết định của cấp trên, cơ quan nhà nước cấp dưới có quyền phát huy tính chủ động, sáng tạo phù hợp với tình hình cụ thể ở cơ sở trên cơ sở bảo đảm sự phân công, phân cấp rành mạch về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm cuả mỗi cấp.

– Các cơ quan nhà nước cấp trên phải thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quyết định của mình của cơ quan nhà nước cấp dưới. Thực hiện chế độ thông tin hai chiều thông suốt phục vụ cho công tác lãnh đạo kịp thời của cấp trên và giám sát hoạt động của cấp dưới, nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước.

4. Nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa

Nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa được Hiến pháp của tất cả các nhà nước xã hội chủ nghĩa ghi nhận.

Các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và mọi công dân phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp và pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống các tội phạm, các vi phạm Hiến pháp và pháp luật.

Mọi hành động xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể và của công dân đều bị xử lý theo pháp luật ”.

Nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước xã hội chủ nghĩa là một trong những nội dung quan trọng nhất của việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Nguyên tắc này đòi hỏi:

– Việc thành lập và hoạt động của tất cả các cơ quan nhà nước đều phải tuyệt đối tuân theo các quy định của pháp luật. Trong quá trình thi hành thẩm quyền, tất cả các cơ quan nhà nước, mọi cán bộ, viên chức nhà nước phải thực hiện theo đúng thẩm quyền và chức trách luật định.

– Mọi hành vi vi phạm pháp luật phải nhanh chóng được phát hiện và xử lý nghiêm minh.

Thực hiện tốt nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa là cơ sở để bảo đảm sự hoạt động đồng bộ, có năng suất, hiệu quả cao của bộ máy nhà nước, đảm bảo sự công bằng của xã hội.

5. Nguyên tắc đảm bảo sự đoàn kết và bình đẳng của các dân tộc

Các nhà nước xã hội chủ nghĩa thực hiện rộng rãi sự đoàn kết dân tộc. Tất cả các dân tộc cùng chung sống trên lãnh thổ đều bình đẳng. Trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước ta, nguyên tắc này được ghi nhận tại khoản 1 Điều 5, Hiến pháp 2013: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam”.

Nhà nước thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giữa các dân tộc, nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc.

Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc và phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hoá tốt đẹp của mình.

Nhà nước thực hiện chính sách phát triển về mọi mặt, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số”.

Nguyên tắc đảm bảo sự đoàn kết và bình đẳng giữa các dân tộc luôn được nhấn mạnh trong suốt các giai đoạn lịch sử của Nhà nước ta. Chính sách đoàn kết và bình đẳng giữa các dân tộc luôn được Nhà nước xác định là chính sách quan trọng hàng đầu trong lĩnh vực chức năng đối nội.

Để đảm bảo sự đoàn kết và bình đẳng giữa các dân tộc, Nhà nước ta hiện nay đang thi hành nhiều chính sách nhằm giúp các dân tộc thiểu số phát triển về kinh tế, chính trị, văn hoá, khoa học và công nghệ, nâng cao mức sống của nhân dân các dân tộc thiểu số. Mặt khác, Nhà nước cũng thực hiện nhiều chính sách nhằm bảo lưu, gìn giữ những vốn văn hoá truyền thống quý báu của các dân tộc thiểu số.

Trên đây là các nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước xã hội chủ nghĩa. Ngoài các nguyên tắc cơ bản kể trên, bộ máy nhà nước xã hội chủ nghĩa còn được tổ chức và hoạt động dựa trên những nguyên tắc khác như: Nguyên tắc kế hoạch hoá, nguyên tắc tiết kiệm…Đây chính là những nguyên tắc để đảm bảo cho việc xây dựng một bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, tiến tới mục đích xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.


Câu hỏi về bộ máy nhà nước xã hội chủ nghĩa:

  1. Trình bày khái niệm bộ máy nhà nước.

  2. Nêu các loại cơ quan của bộ máy nhà nước.

  3. Phân tích các nguyên tắc cơ bản về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước.

5/5 - (28281 bình chọn)

Phản hồi

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền