Mình mong muốn rằng các bạn học Luật, ước mơ học hãy vững tâm học, rèn luyện với nghề. Đối với ngành Luật, chúng mình phải chấp nhận
1. ĐỪNG KÌ VỌNG TRƯỜNG DẠY BẠN THỰC HÀNH LUẬT MỘT CÁCH CHUYÊN NGHIỆP
Trường ĐH Luật, đặc biệt là HLU đề cao sứ mạng định hướng nghiên cứu. Trường chỉ dạy bạn cách trở thành một sinh viên Luật như thế nào. Trường cho bạn cơ hội rèn luyện để trở thành người điềm tĩnh hơn khi giải quyết vấn đề. Nếu sv Y bị ăn chửi khi đi lâm sàng thì đối với sinh viên Luật (mà tôi nghĩ là nhiều sinh viên trường khác nữa) bị ăn chửi khi đi học. Ở HLU, bạn sẽ được trường dạy cách quen dần với việc “bị chửi”. Còn bị như thế nào, sau này gặp “bộ tứ quyền lực” của trường sẽ rõ. :))))
Ngoài ra, như những trường BK, Kiến trúc… khi làm đồ án, khi sinh viên Luật ôn thi vấn đáp thì…. ôi thôi, như ma chết trôi. Mà nói thật, bình thường thì nhan sắc cũng phai tàn theo năm tháng rồi. Vì nếu bạn muốn học tốt, biết một chút để cái bằng nó ngon nghẻ, ít nhất nhìn điểm hệ 4 mát dạ cho bõ công mài đít 4 năm trên trường thì bạn phải đọc nhiều luật, dưới luật còn có nghị định, thông tư, quyết định…. Mà vớ phải cái hết hiệu lực thì lại vật lộn đi tìm lại nhé. :))) Sẽ được nếm trải khi học môn Luật Hành Chính, Luật Ngân hàng (số luật, nghị định, thông tư cũng kha khá để đọc). :))) Muốn đọc như thế, bạn phải thức đêm nhiều. Xong cay nhất là năm đầu tiên mới vào, lớ nga lớ ngớ vớ ngay mấy môn khó như Hiến Pháp, Lí luận… lại còn vớ được lịch học từ tiết 1,2 lúc 7h sáng thì ôi thôi, nó thốn! Tối qua chưa kịp ngủ đủ giấc đã lết xác đi học. Nhất là lúc vắt chân lên cổ mà làm bài tập cho kịp hạn. À quên, cái vụ làm bài tập, dần dần bạn sẽ bị chai lì, và hầu như số người làm trước từ tuần 5,6 sẽ không còn nữa. :)) Đấy, ngành Y trực ở bệnh viện, ngành chúng tớ trực ở…. nhà.
2. HỌC LUẬT LÀ HỌC CÁCH TƯ DUY LOGIC
Không phải học thuộc nhé. Học thuộc thì không phải người học Luật. Luật ở VN cứ như rừng cây ấy, mà mỗi cây lại có rất nhiều cành, mỗi cành lớn lại có cành bé, mỗi cành bé lại còn có cành bé hơn, rồi lá cây, chồi lá nữa @@ Đấy, đầu óc có trí nhớ siêu phàm đến đâu thì cũng chẳng thuộc hết được. Học luật là học tư duy logic, để xem sự việc này thì luật sẽ điều chỉnh vấn đề gì, thuộc ngành luật nào điều chỉnh, trong ngành luật này thì sẽ có những văn bản luật nào điều chỉnh, rồi quy phạm nào điều chỉnh, áp dụng quy phạm đó ra sao, nếu quy phạm đó bất lợi cho người mà mình đang bảo vệ thì mình phải làm sao?
Không phải như mọi người bên ngoài vẫn nghĩ lâu nay đâu nhé!
3. CON GÁI HỌC LUẬT THÌ BỊ NÓI LÀ ĐANH ĐÁ, CON TRAI HỌC LUẬT THÌ BỊ NÓI LÀ GAY
Cứ mỗi lần về quê mà có người hỏi “cháu học gì?”, nói “cháu học luật bác/cô/chú/…. ạ!” thì y như rằng sau lưng mình họ sẽ nói: “úi giồi ôi, con gái học luật về cãi chồng nhem nhẻm ấy!”, “học luật lí sự lắm”, “bọn thầy cãi!” (đấy, đấy nhé, chúng tớ bị dùng từ BỌN THẦY CÃI đấy, 🙁 chứ ngành khác có mấy ngành bị dùng từ “bọn” đâu, tủi thân ghê gớm!)
Còn các bạn ngành ngoài thì: “gái luật đanh đá lắm”, “mình khuyên thật đừng yêu gái luật”, ” chúng nó ghê gớm lắm”, “trường Luật có con trai à!”, “trai Luật yêu nhau hết rồi” (à, câu về con trai thì gái trường luật cũng nói nhé :v môi trường âm thịnh dương suy nên đâm ra lâu lâu các bạn nữ cũng không coi các bạn nam là nam nữa :v )
Mình còn chưa kể cái hồi năm nhất lớ ngớ bị một bạn BK unfriend trong vòng 1 nốt nhạc sau câu “tớ học Luật” nữa đấy.
4. TRƯỜNG LUẬT KHÔNG CHỈ ĐIỂM CHO BẠN NƠI CÓ KINH NGHIỆM MÀ ĐI HỌC, HÀNH LUẬT CŨNG KHÔNG PHẢI NGÀY MỘT NGÀY HAI MÀ THÀNH TÀI
Bạn phải tự mình tìm chỗ mà học lấy kinh nghiệm. May thì bạn tìm được công ty cho bạn tiếp xúc với thực tế, được đi gặp khách hàng, được đi đến cơ quan nhà nước. Còn không, cả ngày bạn chỉ ngồi nghe điện thoại để tư vấn, nghe nhiều đến nỗi muốn rớt luôn lỗ tai, nói nhiều đến độ miệng của bạn đau, tối về không muốn nói chuyện với ai, những ngày sai lỗ tai lúc nào cũng trong trạng thái ù ù!
Mà chuyện bị mắng chửi ở chỗ thực tập là chuyện mà bất kỳ sinh viên nào cũng phải trải qua. Sinh viên luật còn hơn thế. Chán bị nhân viên chỗ mình thực tập mắng, lại bị nhân viên của cơ quan nhà nước chửi, ngay cả bảo vệ của cơ quan nhà nước cũng chửi bạn xơi xơi như đúng rồi ấy chứ.
Còn học luật mà muốn làm pháp chế cho công ty nào đó, để lương tháng ngon ngon ý, cũng phải có kinh nghiệm bét bét là 1-2 năm. Chứ sinh viên mới ra trường thì vào rừng mơ mà bắt con tưởng bở :3 Muốn làm Thẩm phán, ngoài điều kiện gọi là “thế lực ngầm”, thì ít nhất phải có 5 năm công tác pháp luật và được đào tạo nghiệp cụ thẩm phán ở học viện tư pháp và phải được bổ nhiệm. Nghề Kiểm sát cũng chẳng dễ xơi. Mà làm Kiếm sát ấy, có vụ hình sự giết người nào cũng phải lăn lộn ngoài hiện trường gây án nhé, không phải ngồi đó mà đợi cơm và sẵn.
Còn Luật sư, thời gian học lên luật sư cũng không phải là ngắn. Nếu ra trường mà học luật thì tính từ thời điểm bạn đậu trường luật, khoa luật cho tới khi bạn thi và được cấp thẻ luật sư cũng mất toi 6 năm (đấy là bạn thi phát đậu luôn nhé). Nhưng ra đời, bạn chưa nhận vụ việc ngay được đâu. Thời gian được nhận vụ ngon lành còn một quãng nữa :))))
Học để lấy bằng cho vui thì dễ, nhưng để thành tài thì vô cùng khó :v
5. *dành cho những bạn học lên luật sư* HỌC LÊN LUẬT SƯ, CHƯƠNG ĐẦU TIÊN LÀ BỊ ĐÁNH
Không phải mình ngành Y mới bị người nhà bệnh nhân đánh, rồi bạo lực y tế nhé. Cũng không phải mình ngành Y là chưa được pháp luật bảo vệ xứng đáng nhé. Không ít Luật sư bị người nhà thân chủ đánh cho lên bờ xuống ruộng mà không thể tự bảo vệ mình. Đơn cử có thể kể đến việc ngày 31/3/2010 luật sư Phạm Văn Khánh bị hành hung trên đường Lê Quý Đôn, TP Đông Hà, Quảng Trị. luật sư Trần Hồng Lĩnh bị tạt a xít tại Hải Phòng, trụ sở Văn phòng luật sư Bùi Đình Ứng bị đổ xăng đốt tại Hà Nội. Trong một số vụ án hình sự bị dư luận xã hội lên án mạnh mẽ như giết người, hiếp dâm trẻ em, luật sư bào chữa cho bị cáo gặp rất nhiều khó khăn, gia đình bị hại nhìn không thiện cảm, thậm chí có lời nói xúc phạm, thậm chí có hành vi đe dọa. Thế nhưng, thử xem có quy định nào bảo vệ Luật sư trước những hành vi đó không? Câu trả lời là không. Ngay cả Luật luật sư cũng chỉ quy định trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, cách thức để trở thành Luật sư mà cũng không có quy định rõ ràng, cụ thể nào về việc bảo vệ họ trước những hành vi trên!
Mà luật ấy, thời gian dành cho bản thân rất ít, có khi không có. Vì thời gian nghiên cứu hồ sơ vụ án (mà cái này là áp dụng cho tất cả các ngành mà người học Luật ra làm đúng ngành Luật) rất ngắn nhưng yêu cầu tính chính xác và nhanh chóng từ bản thân người học luật, làm luật khi đưa ra phương án. Đối với các luật sư, đặc biệt là luật sư tranh tụng, hiểm nguy của thân chủ càng lớn thì sự vất vả của Luật sư trong vụ việc đó cũng lớn theo. Lăn lộn không chỉ trên bàn giấy mà còn thức đêm ở đồn công an, hoặc vật lộn đi thuyết phục người nhà của người bị hại…
Thầy cô thường hay bảo, con trai học Luật còn đỡ, chứ con gái học Luật khổ lắm! Khổ từ cách ăn mặc cơ đấy. Xinh đến mấy mà suốt ngày mặc zip đen trắng thì ma nào nó giòm :3
Nói chung còn nhiều lắm. Thế mới nói không phải ngành nào cũng sướng, ngành nào cũng hoàn toàn khổ đâu. Nghề Luật cũng như nghề Y, chẳng ai muốn phải dính vào, nhưng rồi sẽ có lúc buộc phải tìm đến. Chỉ là nghề Y cứu người có bệnh, còn nghề Luật thì cứu người có lỗi. Luật dùng tư duy logic, lời nói, lập luận, bằng chứng làm dao mổ, quy định pháp luật làm thuốc. Có những căn bệnh vô phương cứu chữa, thì cũng có những vụ án Luật sư không thể giúp được gì. Thế nên, ai đang và sẽ học Luật hãy cố gắng nhé. Nó không đẹp như chuyện tình Harvard nhưng nó cũng không tệ lắm đâu. Học rồi, đến lúc nghĩ lại thấy nhiều cái thú vị lắm.
Đúng là mỗi cây mỗi hoa – Mỗi trường mỗi khổ :'( Đùa chứ mấy bạn bên Hust or Y cứ kêu khó, kêu khổ vì đồ án, vì trực – lâm sàng thì ở HLU cũng chẳng sung sướng gì, các bạn cứ thử qua đây mà ôn thi vấn đáp Lý Luận, Hành Chính, Thương Mại hay Công Pháp Quốc Tế thử mà xem có cầu trời khấn phật cho con về trường luôn không :/
Nghề Luật nó cũng chẳng khác gì nghề y, 1 đằng là sự căng thẳng trong ca mổ để cứu sống 1 mạng người. Còn một đằng là sự áp lực từ nhiều phía để có thể đưa ra phán quyết trong một vụ án, mà từng câu nói có thể tước đoạt cả tính tính mạng, cả tự do của một con người.
Còn về vấn đề Mác thì nhiều khi thấy trớ trêu thay cho gái luật, ở trường thì phải chịu cái cảnh 1 ông mà có tới 3 bà, ra ngoài thì chưa nói thì chưa sao nói xong câu “Em Học Luật” phát 1 là mất hút cm hàng lươn, 2 là unf trong 1 nốt nhạc. Thành ra cái tỉ lệ ế của chị em bên HLU cao ngút. Ở trường đã vậy về nhà lại còn hơn thế, đến năm 3,4 về nhà mẹ hỏi mà bảo “Con vẫn chưa yêu ai, con chưa có người yêu” là kiểu gì cũng giục, người dân người làng nhìn vào thì phán ngay câu xanh dờn “Con gái mà học luật ế là phải, lấy về để nó cái chồng à” (cái này thì bạn nữ nào đến tầm 25-26 tuổi mà xem 😉 ). Cũng chẳng phải nguyên gái mà số con trai HLU cũng vậy, chả biết có phải “Bà mà không được thì cũng không đứa nào được” không? mà ngay từ nội bộ gái Luật đã gọi zai luật là “Chúng nó yêu nhau hết rồi, nó bị gay đấy, trường luật làm gì có zai” để rồi những cái đó nó đi ra ngoài khỏi trường luật và đi theo zai luật cùng năm tháng :'( Cơ mà cũng được cái Zai đỡ hơn gái, Nhất là từ ngày có cái phim gì mà có anh Thâm xuất hiện phát zai luật cũng được trân trọng hơn xưa. Gái ngoài nghe thấy thế không còn bảo bị gay hay gì nữa mà còn cảm thấy hạnh phích (Biết vài trường hợp là bị gái ngoài úp sọt luôn cấm chạy) :v
Tóm lại, ngành nghề nào cũng có cái khó, cái khổ của riêng mình, “ở trong chăn mới biết là chăn nóng”
Để lại một phản hồi