Hình thức, cấu trúc của hiến pháp nước ngoài

Khoa học luật hiến pháp

Hình thức Hiến pháp là cách thức thể hiện các quy phạm pháp luật hợp thành Hiến pháp.

 

Những nội dung liên quan:

 

Hình thức, cấu trúc của hiến pháp nước ngoài

Mục lục:

  1. Hình thức Hiến pháp
  2. Cấu trúc Hiến pháp

Khoa học luật hiến pháp

1. Hình thức Hiến pháp

Hình thức Hiến pháp là cách thức thể hiện các quy phạm pháp luật hợp thành Hiến pháp.

Như đã đề cập trên đây, các quy phạm này có thể nằm trong một hay nhiều văn bản. Đa số các nước có Hiến pháp là một văn bản duy nhất, tuy nhiên một số nước có hiến pháp gồm nhiều văn bản hợp thành. Ví dụ, Hiến pháp Thụy Điển gồm 3 văn bản quy phạm: Chính thể (1974), văn bản này quy định về tổ chức nhà nước Thụy Điển, quyền nghĩa vụ cơ bản của công dân, cơ cấu tổ chức, nguyên tắc hoạt động của hệ thống các cơ quan nhà nước; Luật về quyền kế thừa ngôi vua (1810); Luật về tự do báo chí (1974). Hiến pháp Anh bao gồm: Luật về Nghị viện (1911 và 1919) Luật về thủ tục truất quyền đại biểu viện Bình dân (1957 và 1975); luật về viện Bình dân (1978)… Ngoài ra Hiến pháp Anh còn bao hàm cả các án lệ, tập quán Hiến pháp. Đặc điểm chung cho tất cả các văn bản hợp thành Hiến pháp (từ Hiến pháp Anh, Ixaen, Niu Di lân) là những văn bản đó có hiệu lực pháp lý cao nhất.

2. Cấu trúc Hiến pháp

Thông thường việc xem xét cấu trúc hiến pháp chỉ áp dụng đối với Hiến pháp là một văn bản duy nhất. Hiến pháp loại này thường bao gồm 3 phần: Lời nói đầu, phần nội dung cơ bản, phần những điều khoản cuối cùng và điều khoản chuyển tiếp.

Lời nói đầu

Lời nói đầu thường nêu ra mục đích của bản Hiến pháp, chỉ ra điều kiện lịch sử ban hành bản Hiến pháp. Lời nói đầu của một số bản Hiến pháp còn điểm qua quá trình lịch sử của đất nước. Nói chung các quy định trong lời nói đầu không mang tính chất quy phạm pháp luật. Những quy định này mang ý nghĩa chính trị, tư tưởng và thường được dùng để giải thích hoặc vận dụng những điều khoản nằm trong phần cơ bản và phần các điều khoản chuyển tiếp, điều khoản cuối cùng. Tuy nhiên cũng có Hiến pháp, ví dụ, Hiến pháp Cộng hòa Pháp năm 1958, lời nói đầu bao hàm các quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý như các quy phạm nằm trong phần nội dung cơ bản.

Phần nội dung cơ bản

Phần nội dung cơ bản bao gồm các quy phạm pháp luật về chế độ nhà nước và chế độ xã hội, về quyền tự do và nghĩa vụ của con người và của công dân, về tổ chức và hoạt động của hệ thống các cơ quan nhà nước Trung ương (Nghị viện, Người đứng đầu nhà nước, Chính phủ, cơ quan tư pháp), về tổ chức chính quyền địa phương, về hiệu lực của Hiến pháp, và việc sửa đổi Hiến pháp. Trình tự này có thể thay đổi tùy theo Hiến pháp của mỗi nước.

Phần điều khoản chuyển tiếp và điều khoản cuối cùng

Phần điều khoản chuyển tiếp và điều khoản cuối cùng quy định trình tự Hiến pháp có hiệu lực, xác định thời hạn có hiệu lực của một số điều khoản của Hiến pháp, xác định thời hạn và trình tự thay đổi những thiết chế Hiến pháp cũ bằng thiết chế Hiến pháp mới.

Ngoài 3 phần cơ bản trên, Hiến pháp của một số nước còn bao hàm một số điều khoản bổ sung.

Hiến pháp ấn Độ năm 1950 có thêm một số bổ sung trong đó bao hàm những quy định về phân định thẩm quyền giữa liên bang với chủ thể của liên bang.

5/5 - (20341 bình chọn)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền