Điều 24. Gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội
1. Hành vi của người để bắt giữ người thực hiện hành vi phạm tội mà không còn cách nào khác là buộc phải sử dụng vũ lực cần thiết gây thiệt hại cho người bị bắt giữ thì không phải là tội phạm.
2. Trường hợp gây thiệt hại do sử dụng vũ lực rõ ràng vượt quá mức cần thiết, thì người gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm hình sự.
Bình luận Điều 24 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017)
Đây là một trong ba trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự mà Bộ Luật hình sự mới đã mở rộng thêm so với quy định tại các Bộ Luật hình sự cũ.
Một lần nữa kỹ thuật lập pháp tại Điều luật này cũng không hề khác so với Điều 22 và Điều 23 mỗi điều đều bao gồm 2 khoản, Khoản 1 sẽ quy định về trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự, Khoản 2 thì vẫn chủ thể gây thiệt hại vẫn phải chịu trách nhiệm nếu hành vi gây thiệt hại đó rõ ràng vượt quá mức cần thiết. Như tác giả đã phân tích ở 2 điều luật trước đó, quy định như hiện tại sẽ tạo ra 1 lỗ hổng pháp lý khi nếu hành vi gây thiệt hại nằm dưới mức rõ ràng quá mức nhưng lại trên mức cần thiết. Trong trường hợp này, khác với quan điểm ở 2 điều luật trên tác giả không ủng hộ áp dụng theo nguyên tắc có lợi cho người phạm tội nghĩa là sẽ áp dụng Khoản 1 thay vì Khoản 2. Tác giả sẽ làm rõ hơn ở phần sau cùng của bình luận.
Tóm ý nội dung Khoản 1 bao gồm các thành phần sau:
- Chủ thể: Người để bắt giữ
- Hành vi: Sử dụng vũ lực cần thiết + gây thiệt hại cho người bị bắt giữ
- Ý chí: Không còn cách nào khác buộc phải thực hiện
- Hệ quả: Không phải là tội phạm.
Đầu tiên là vấn đề chủ thể: Hãy xem xét đến chủ thể thực hiện thực hiện hành vi bắt giữ trong điều luật này đó là “người”. Như vậy chủ thể ở đây có phải là bất cứ người nào hay không?Câu trả lời là không. Chúng ta cần phải phân định rõ việc này vì không phải ai cũng đương nhiên có quyền hoặc được trao quyền để bắt giữ người thực hiện hành vi phạm tội.
Điều kiện cần đầu tiên để thỏa mãn dấu hiệu của Khoản 1 là người đó phải được quyền bắt giữ và đó là những ai thì phải căn cứ quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự 2015.
Một cách sơ lược có thể hiểu chỉ có một số cá nhân, tổ chức có thẩm quyền được trao quyền bắt giữ người thực hiện hành vi phạm tội theo trình tự thủ tục luật định (tạm gọi là người của cơ quan công quyền). Tuy nhiên trong trường hợp phạm tội quả tang thì chủ thể được quyền bắt giữ không còn bị giới hạn, nghĩa là bất cứ ai cũng được quyền bắt giữ một người đang phạm tội quả tang (tạm gọi là công dân).Như vậy chủ thể thuộc pham vi điều chỉnh của Điều 24 không phải là một chủ thể đặc biệt mà là bất kỳ người nào thực hiện hành vi bắt giữ (phải hiểu ở đây là được quyền bắt giữ theo quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự).
Tiếp theo đến hành vi: Sử dụng vũ lực cần thiết + gây thiệt hại cho người bị bắt giữ
Đến đây tiếp tục một lần nữa từ cần thiết được sử dụng và đây là một từ mang tính định tính rất cao, phụ thuộc hoàn toàn vào ý chí chủ quan của người thực hiện việc sử dụng vũ lực và đôi khi là của người thuộc cơ quan điều tra, truy tố xét xử nếu hành vi đó bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Thiệt hại xảy ra cho người bị bắt giữ thông thường sẽ là những thiệt hại về sức khỏe, nhẹ có thể ở mức gây thương tích, nặng có thể dẫn đến gây tử vong, bên cạnh đó có thể là những thiệt hại về tài sản kèm theo như đang thực hiện hành vi cướp giật, bị truy đuổi và bị đạp ngã xe gây thiệt hại về người và tài sản.
Sau cùng là ý chí: Không còn cách nào khác buộc phải thực hiện. Không còn cách nào khác ở đây sẽ rõ ràng và có căn cứ hơn đối với những người thuộc cơ quan công quyền vì quy trinh bắt giữ đã được quy định rất rõ trong hoạt động nghiệp vụ riêng. Tuy nhiên đối với chủ thể bắt giữ là công dân thì việc xác định không còn cách nào khác hay vẫn còn cách nào khác là một việc rất khó để xác định trong bối cảnh bắt giữ người phạm tội quả tang, tính cấp thiết của viêc bắt giữ đặt ra rất nhanh trong khi họ không có chuyên môn nghiệp vụ để phán đoán và đưa ra cách hành xử đúng đắn nhất, do đó nguy cơ nhóm chủ thể này dễ vượt quá quy định tại Khoản 1 để rơi vào Khoản 2, tức là phải chịu trách nhiệm hình sự sẽ cao hơn.
Quy định trên là một quy định mới cho thấy phần nào việc gây thiệt hại cho người bị bắt giữ (đa phần là thiệt hại về sức khỏe, tính mạng) ở một mức độ cần thiết là hành vi hợp pháp nếu thỏa mãn các điều kiện còn lại. Dù là quy định mới nhưng tác giả không cho rằng đó là một tiến bộ. Bởi lẽ khách thể bị tác động đến là sức khỏe tính mạng chứ không chỉ đơn thuần như là những thiệt hại về tài sản như trong tình thế cấp thiết. Minh chứng rất rõ trong những thời gian qua có hàng loạt những hành vi sử dụng vũ lực một cách khá tự do gây thiệt hại nghiêm trọng về sức khỏe, thậm chí là tính mạng của những người phạm tội quả tang như trộm chó. Rất nhiều những người trộm chó đã bị đánh đến tử vong. Bên cạnh đó có rất nhiều những vụ án oan sai xuất phát từ việc bức cung, ép cung, dùng nhục hình đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của cơ quan công quyền và gây thiệt hại về Ngân sách nhà nước bởi những khoản tiền bồi thường lên đến hàng chục tỉ đồng. Hiện trạng trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân nhưng một phần không nhỏ là do sự lạm dụng quyền sử dụng vũ lực để bắt giữ khi cho rằng điều đó là cần thiết và không còn cách nào khác. Thực sự, khung pháp lý cho vấn đề này rất yếu, lỏng lẻo dễ tạo cơ hội để những người bắt giữ gây thiệt hại cho người bị bắt giữ nhưng được loại trừ trách nhiệm hình sự, đặc biệt là những người thuộc cơ quan công quyền vì họ rất dễ để chứng minh cho sự cần thiết của việc sử dụng vũ lực đó.
Một vấn đề rất quan trọng là người bị bắt giữ chưa phải là người phạm tội cho đến khi có bản án có hiệu lực thi hành (theo nguyên tắc suy đoán vô tội) vì thế cho nên họ có quyền được bảo vệ về tính mạng, sức khỏe, tài sản v.v…Điều luật trên xét ở một khía cạnh nào đó đã làm cho việc tuân thủ nguyên tắc suy đoán vô tội bị ảnh hưởng ít nhiều. Tâm lý của người bắt giữ cũng sẽ thoải mái hơn trong việc sử dụng vũ lực thay vì phải cân nhắc thật kỹ lưỡng như trước đây.
Để lại một phản hồi