Sự đa dạng của quan niệm, phức tạp của nguồn luật, khác biệt của các bang, biến động của thực tế áp dụng… làm nên những quy phạm điển hình, đặc trưng của pháp luật hình sự Mỹ.
1. Quy định về tội phạm hình sự
Ở mọi quốc gia trên thế giới, trong lĩnh vực luật hình sự, khái niệm “tội phạm” nói chung luôn được coi là một khái niệm quan trọng, cơ bản, làm cơ sở cho việc quy định các tội phạm cụ thể. Ở Mỹ, do có hai hệ thống pháp luật song song tồn tại và có tính độc lập tương đối (pháp luật hình sự liên bang và pháp luật hình sự bang), đồng thời pháp luật hình sự các bang cũng độc lập với nhau, nên khái niệm tội phạm được quy định khá đa dạng và khác nhau.
Hệ thống pháp luật hình sự Mỹ rất phức tạp, chủ yếu do quan niệm luật hình sự và thực tiễn phong phú của nguồn luật. Nguồn của luật hình sự liên bang là Hiến pháp liên bang năm 1787, các đạo luật liên bang (do Quốc hội Mỹ thông qua), các văn bản dưới luật của liên bang (do Tổng thống, các bộ và các cơ quan hành pháp khác ban hành) và án lệ của Tòa án tối cao liên bang. Còn nguồn của luật hình sự các bang là những hiến pháp, những đạo luật hình sự (chủ yếu dưới dạng Bộ luật Hình sự), những văn bản dưới luật và những án lệ của Tòa án tối cao các bang.
Nền tảng của pháp luật hình sự liên bang Mỹ là Bộ luật Hình sự mẫu (Modal Penal Code – MPC) và Quyển 18 của Bộ tổng luật Mỹ (Tittle 18 United States Code – T18USC). MPC được Viện nghiên cứu pháp luật Mỹ soạn thảo, Quốc hội thông qua và Tổng thống ban hành từ năm 1962, là khung pháp lý của luật hình sự liên bang và mặc dù không có tính chất bắt buộc chính thức, nhưng trên thực tế, nó đóng vai trò quyết định với tính chất là mô hình pháp lý trong việc cải cách luật hình sự của các bang được bắt đầu từ cuối thế kỷ XX. Còn T18USC (với tiêu đề “Các tội phạm và tố tụng hình sự”) được coi như Bộ luật Hình sự hiện hành của liên bang vì nó chứa tất cả những văn bản pháp luật hình sự do các cơ quan công quyền liên bang đã thông qua, ban hành và đang có hiệu lực áp dụng. Tuy nhiên, cả hai bộ luật trên đều không xây dựng khái niệm tội phạm nói chung. Khái quát về tội phạm, nếu có, cũng chỉ dừng lại ở khái niệm chung về “nhóm tội phạm”. Ví dụ, Điều 16 trong T18USC quy định: “Tội phạm có tính bạo lực là tội phạm đã sử dụng, có ý định sử dụng hoặc đe dọa sử dụng sức mạnh vật chất xâm hại nhân thân hoặc tài sản của người khác; hoặc bất kỳ tội phạm nào khác bị coi là tội nặng và bản chất nguy hiểm của tội phạm cho thấy rằng trong khi thực hiện tội phạm đó có thể sẽ sử dụng sức mạnh vật chất xâm hại nhân thân hoặc tài sản của người khác”. Giới lập pháp tập trung xây dựng khái niệm về các tội phạm cụ thể. Chẳng hạn, ngay tại khoản 3 Điều 3 Hiến pháp Mỹ năm 1787 đã quy định về Tội phản quốc bao gồm các hành vi “tiến hành chiến tranh chống lại Mỹ hoặc liên kết với những kẻ thù của Mỹ, giúp đỡ và phục vụ chúng”. Còn trong T18USC, cũng định nghĩa các tội phạm liên bang cụ thể như tội phạm chiến tranh(1), tội phạm diệt chủng (2), tội phạm lạm dụng tình dục (3)…
Ngược lại, ở cấp bang, hầu hết Bộ luật Hình sự các bang đều chú trọng xây dựng khái niệm tội phạm nói chung, làm cơ sở cho việc quy định các hành vi tội phạm cụ thể. Bộ luật Hình sự bang New York định nghĩa: “Tội phạm là hành vi gây thiệt hại mà hình phạt đối với người thực hiện là tù giam có thời hạn hoặc phạt tiền được quy định trong văn bản luật hoặc văn bản dưới luật của bang, hoặc được thừa nhận trong các văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền” (4). Bộ luật Hình sự bang Colorado khẳng định: “Tội phạm là sự vi phạm bất kỳ luật nào của liên bang hoặc là xử sự được mô tả bởi chính luật đó mà bằng việc phạm tội có thể bị phạt tiền hay phạt tù”(5). Còn theo Bộ luật Hình sự bang California thì: “Tội phạm là hành vi được thực hiện bằng hành động hoặc không hành động vi phạm các quy định của pháp luật về việc cấm thực hiện hoặc buộc phải thực hiện hành vi và hình phạt được áp dụng có thể là tử hình, tù giam, phạt tiền, buộc thôi việc tại các cơ quan hoặc cấm đảm nhiệm các công việc hoặc thu lợi ở bang”(6).
Điểm nổi bật là các nhà lập pháp rất coi trọng yếu tố hình thức và hậu quả pháp lý của tội phạm. Dấu hiệu về “tính chất được quy định trong pháp luật hình sự” và “phải bị xử phạt về hình sự đối với người thực hiện nó” là các dấu hiệu pháp lý chủ yếu của tội phạm.
Trong khoa học luật hình sự Mỹ, các nhà nghiên cứu cũng phân tích nhiều về yếu tố hình thức của tội phạm. Chẳng hạn, “tội phạm là hành vi có chủ định (hành động hoặc không hành động) vi phạm các quy định của luật hình sự (đạo luật hoặc phán quyết của Tòa án) mà không có lý do để biện hộ hay tha thứ và bị pháp luật của bang trừng phạt như một tội nặng hoặc tội thường”(7). Cũng có nhà nghiên cứu mở rộng khái niệm tội phạm, lý giải nguyên nhân tội phạm bị cấm và phải chịu hình phạt như: “Tội phạm là hành vi vi phạm pháp luật xâm hại tới lợi ích cộng đồng hoặc là sự vi phạm các nghĩa vụ đối với toàn thể cộng đồng và cần thiết phải chịu hình phạt”(8). Tuy nhiên, hành động không tự bị coi là tội phạm nếu nó gây tổn hại hoặc sai trái. Hành động chỉ cấu thành tội phạm thực sự khi hành động đó vi phạm một cách cụ thể đạo luật hình sự do Quốc hội, Nghị viện bang hoặc một số cơ quan công quyền khác ban hành. Khi ấy, tội phạm là hành vi chống lại bang mà có thể bị phạt tiền, tù giam hoặc tử hình(9).
Nguyên nhân để các nhà lập pháp Mỹ nhấn mạnh tính trái pháp luật hình sự của tội phạm được cho là xuất phát từ phía người dân. Người dân cần biết về pháp luật và biết một cách thuận lợi nhất, dễ dàng nhất, rõ ràng nhất. Nhận diện những điều cấm trong luật và hình phạt đã quy định được xem là cách thức dễ dàng và rõ ràng nhất để qua đó nhận biết về tội phạm. Mặt khác, nhiều ý kiến cho rằng vấn đề bản chất của tội phạm thuộc về lý luận pháp luật và mang tính học thuật, nên chỉ dành cho giới nghiên cứu luật. Trong nhiều trường hợp, cái gọi là “chống lại bang” hay “đi ngược lại lợi ích chung” rất khó tìm được sự đồng thuận như hành vi chửi rủa trước mặt trẻ em, chơi bingo trong bữa tối ở nhà thờ, hát trong quán bar, say xỉn tại cuộc họp(10)…
Bởi vậy, cách hiểu đơn giản nhất về tội phạm là hành vi (hành động hoặc không hành động) bị đạo luật hình sự ngăn cấm và xử phạt. Trong những phân tích của giới luật học Mỹ về khái niệm tội phạm, sự xâm hại “lợi ích cộng đồng” hay “lợi ích bang” – cơ sở để hành vi bị coi là tội phạm – cũng chỉ được đề cập một cách hình thức và chung chung. Bản chất thực sự, cụ thể của tội phạm vẫn chưa được định rõ hoàn toàn.
2. Những loại hình tội phạm và chế tài trừng phạt
Tại Mỹ, việc phân loại tội phạm trong luật hình sự liên bang và luật hình sự các bang khá giống nhau và là sự phân loại tội phạm theo truyền thống pháp luật Anh – Mỹ (thông luật – common law). Với quan niệm cho rằng, mức độ tội phạm biểu hiện mức đáng lên án nhiều hay ít, nên tiêu chí phân loại tội phạm được xác định là mức hình phạt có thể được áp dụng. Tội phạm thường được phân thành 3 loại:
Tội nặng (trọng tội – felony) là tội phạm mà hình phạt cao nhất đối với tội đó là tử hình (ở những bang cho phép điều này) hoặc tù có thời hạn trên 1 năm tại nhà tù liên bang hoặc bang. Tội nặng thường là giết người, cướp có vũ khí và cưỡng hiếp bằng vũ lực.
Tội thường (khinh tội – misdemeanor) là các tội có mức hình phạt đến 1 năm tù (trong nhà tù của hạt, quận, thành phố…). Phổ biến là tội say rượu nơi công cộng, đánh bạc không phép, sống lang thang, dặt dẹo…
Tội nhẹ (vi cảnh – infaction) là tội phạm có mức phạt tù không quá 5 ngày hoặc không bị phạt tù. Hình phạt thông dụng là phải nộp một khoản tiền phạt không lớn. Chủ yếu là những vi phạm giao thông nhỏ (đi vào đường cấm, đỗ xe không đúng chỗ…).
Tội nặng và tội thường lại tiếp tục được phân chia chi tiết trên cơ sở mức hình phạt tối đa theo luật định. Theo luật hình sự liên bang, tội nặng được chia thành 5 loại nhỏ và được đặt tên theo ký tự từ A đến E, còn tội thường được chia thành 3 loại nhỏ và đặt tên theo ký tự từ A đến C.
Phần đông các bang cũng thừa nhận cách phân loại tội phạm trên cơ sở mức hình phạt tối đa. Tuy nhiên, mức hình phạt tối đa cho mỗi loại tội được quy định khác nhau theo luật hình sự mỗi bang và liên bang.
Một số bang (Florida, Massachusetts, New York, Virginia…) lại chỉ phân chia tội phạm thành 2 loại là tội nặng và tội thường. Định nghĩa và phân loại chi tiết các tội cũng rất khác nhau. Chẳng hạn, Bộ luật Hình sự bang Florida chia tội nặng thành 5 loại: Bị tử hình, bị tù chung thân, cấp độ một, cấp độ hai và cấp độ ba. Bộ luật Hình sự bang Massachusetts thì quy định: Tội nặng là tội phạm mà hình phạt đối với tội ấy là tử hình hoặc tù giam trong nhà tù của bang; tất cả tội phạm khác là tội thường. Bộ luật Hình sự bang New York quy định: Tội phạm bao gồm tội thường và tội nặng; tội thường là tội phạm mà hình phạt đối với tội ấy là tù giam từ hơn 15 ngày đến 1 năm, tội nặng là tội phải bị tù giam trên 1 năm. Còn Bộ luật Hình sự bang Virginia thì chia tội nặng thành các cấp độ từ 1 đến 6, tội thường thành các cấp độ từ 1 đến 4.
Về hệ thống hình phạt theo luật hình sự tại Mỹ, ở cấp liên bang và cấp bang đều chia làm 2 loại mức cơ bản: (1) Loại mức hình phạt chính bao gồm phạt tiền, thử thách (án treo), phạt tù (có thời hạn hoặc chung thân), tử hình. Trong đó, có thể áp dụng cả 4 loại mức đối với thể nhân phạm tội và 2 loại mức đầu tiên đối với pháp nhân phạm tội; (2) loại mức hình phạt bổ sung bao gồm làm các việc vì lợi ích công cộng (lao động công ích), tước các quyền (như quyền bầu cử, giữ chức vụ…), buộc phải bồi thường thiệt hại gây ra, tịch thu tài sản…
Phạt tiền được quy định theo mức không quá 250.000 USD đối với thể nhân phạm tội và không quá 500.000 USD đối với pháp nhân phạm tội.
Án treo là hình phạt để bị cáo được “tự do” dưới sự kiểm tra, giám sát của các viên chức đặc biệt trong thời hạn không quá 5 năm với những điều kiện thử thách do luật định. Nếu trong thời hạn đó, bị cáo vi phạm những điều kiện thử thách thì án treo sẽ được thay thế bằng hình phạt tù có thời hạn.
Phạt tù được quy định theo 9 mức tương ứng với 5 loại tội nặng, 3 loại tội thường và 1 loại tội nhẹ. Điều 3581 trong T18USC quy định cụ thể: (1) 5 mức đối với tội nặng là tù chung thân hoặc bất kỳ thời hạn nào (loại A), không quá 25 năm (loại B), không quá 12 năm (loại C), không quá 6 năm (loại D) và không quá 3 năm (loại E); (2) 3 mức đối với tội thường là không quá 1 năm (loại A), không quá 6 tháng (loại B) và không quá 30 ngày (loại C); (3) 1 mức đối với vi cảnh là không quá 5 ngày.
Tử hình được áp dụng đối với các tội nặng xâm hại quốc gia, dân tộc, quân đội và các tội hình sự đặc biệt nghiêm trọng. Các phương thức thi hành hình phạt là xử bắn, treo cổ, đưa vào phòng hơi ngạt, đặt ngồi ghế điện và tiêm thuốc độc. Hiện luật hình sự 13 bang ở Mỹ không áp dụng hình phạt tử hình. Năm 1988, Tòa án tối cao liên bang đã ra quyết định hình phạt này cũng không được áp dụng đối với người phạm tội chưa đủ 16 tuổi.
Trong trường hợp phạm tội nặng loại A hoặc phạm nhiều tội thì mức hình phạt tù có thời hạn có thể lên đến… hàng trăm năm. Điều 3583 trong T18USC còn quy định sau khi ra tù, phạm nhân phải bị giám sát: Không quá 5 năm đối với tội nặng loại A hoặc B, không quá 3 năm – C hoặc D, không quá 1 năm – E hoặc tội thường.
Người đồng phạm bị áp dụng mức hình phạt tương đương với người phạm tội theo quy định của Điều 2 trong T18USC: (1) Ai giúp đỡ, xúi giục, đưa ra những lời khuyên hoặc đảm bảo cho việc thực hiện hành vi xâm hại chống Mỹ thì phải chịu hình phạt như người thực hiện hành vi xâm hại ấy; và (2) Ai cố ý làm cho việc thực hiện hành vi xâm hại chống Mỹ được thực hiện trực tiếp do chính bản thân mình hoặc do người khác thì bị xử phạt như người thực hành (người phạm tội).
Người giúp sức sau sự việc thực hiện hành vi xâm hại thì bị áp dụng mức hình phạt tối đa là bằng một nửa hình phạt cao nhất mà người phạm tội phải chịu theo quy định của Điều 3 trong T18USC: (1) Ai biết về việc thực hiện hành vi xâm hại chống Mỹ mà dung chứa, làm giảm bớt khó khăn, ủng hộ hoặc hỗ trợ cho người vi phạm pháp luật để cản trở việc bắt giữ, chuyển cho tòa án hoặc trừng phạt người đó, là người giúp sức sau sự việc thực hiện hành vi xâm hại; (2) chế tài đối với loại người đồng phạm này là phạt tù với thời hạn không quá một nửa thời hạn tối đa của hình phạt được quy định đối với người thực hành hoặc phạt tiền ở mức không quá một nửa tổng số tiền phạt đối với người thực hành hoặc đồng thời cả hai hình phạt trên.
Còn người không tố giác tội nặng sẽ phải chịu mức hình phạt quy định tại Điều 4 trong T18USC: Ai biết về tội nặng thuộc quyền xét xử của các Tòa án Mỹ thực tế đã được thực hiện mà che giấu và trong thời hạn ngắn không báo cho Thẩm phán nào đó hay cho bất kỳ người nào khác trong số những người đại diện cho chính quyền dân sự hoặc quân sự của Mỹ, thì bị xử phạt tiền đến 500 USD hoặc phạt tù đến 3 năm, hoặc cả hai hình phạt trên.
Việc không có ý định phạm tội trong 8 trường hợp sau được MPC quy định là những tình tiết loại trừ trách nhiệm hình sự: (1) Sự thiếu hiểu biết hoặc nhầm lẫn; (2) tình trạng say nặng (đến mức người phạm tội không thể nhận thức hoặc kiểm soát được hành vi của mình); (3) thực hiện tội phạm do bị cưỡng bức (mà không thể chống lại được); (4) bị lừa dối; (5) sự phòng vệ hợp pháp (chính đáng); (6) buộc phải dùng vũ lực để tự vệ; (7) bệnh tâm thần; và (8) chưa đến tuổi thành niên.
Trong MPC, các mục đích khái quát của hình phạt cũng được xác định, đó là: (1) Khi trừng trị người bị kết án đối với hành vi về hình sự cần đảm bảo việc quyết định hình phạt phải phù hợp với tội phạm mà người đó đã thực hiện; (2) khi quy định tính chất ngăn ngừa hợp pháp của bản án và thủ tục công bằng trong việc tuyên án phải đảm bảo sự đối xử công minh với tất cả những người bị kết án bằng cách loại trừ sự bất bình đẳng không thể chấp nhận được trong việc thi hành hình phạt và (3) ngăn ngừa việc thực hiện tội phạm và đảm bảo sự tôn trọng pháp luật bằng cách: Tìm phương pháp có hiệu quả để răn đe những người khác có khả năng thực hiện tội phạm tương tự; cách ly những người có quá khứ về hình sự lâu dài (những kẻ phạm tội hình sự chuyên nghiệp); hỗ trợ cho việc thực hiện các chương trình cải tạo nhằm mục đích đạt được sự tự nguyện trong việc hợp tác và tham gia của những người phạm tội vào các chương trình đó.
Tại Điều 3553 trong T18USC còn quy định rõ các mục đích của việc quyết định hình phạt, mức phạt là Tòa án quyết định cần và đủ để: (1) Hình phạt đó phản ánh được tính chất nghiêm trọng của sự xâm hại, góp phần tôn trọng pháp luật và phải công minh so với sự xâm hại đã thực hiện; (2) Hình phạt đó kìm giữ đưa đến tác động tương xứng với hành vi phạm tội; (3) Hình phạt đó bảo vệ được xã hội tránh khỏi các tội do bị cáo thực hiện; và (4) Sau này cho bị cáo có khả năng tiếp nhận trình độ văn hóa cần thiết, sự đào tạo về nghề nghiệp, sự phục vụ về y tế và sự phục vụ về cải tạo khác có hiệu quả hơn.
2. Điều 1091 trong T18USC, xem tại trang trên.
3. Các điều 2241, 2242, 2243, 2244 trong T18USC, xem tại trang trên.
4. Điều 10.00 của Bộ luật Hình sự bang New York, xem tại trang http://wings.buffalo.edu/law/bclc/web/NewYork/ny1-2.htm#10.00
5. Điều 18-1-104 trong Bộ luật Hình sự bang Colorado, xem tại trang http://www.michie.com/colorado/lpext.dll?f=templates&fn=main-h.htm&cp=
6. Điều 15 trong Bộ luật Hình sự bang California, xem tại trang http://www.leginfo.ca.gov/cgi-bin/displaycode?section=pen&group=00001-01000&file=2-24
7. Paul Tappan, Who is the Criminal, Rowman and Littlefield Publishers Inc, New York, 2001, p.31
8. http://www.duhaime.org/LegalDictionary/C/Crime.aspx
9. “Bản chất và căn nguyên của tội phạm”, xem tại trang http://vietnamese.vietnam.usembassy.gov/doc_uslegalsystem_v.html
10. Luật của bang Michigan từ năm 1897 coi việc chửi rủa trước mặt trẻ em là phạm pháp, luật của bang Nebraska cấm chơi bingo trong bữa tối ở nhà thờ, luật của bang Wisconsin coi việc hát trong quán bar là phạm pháp, còn ở bang Louisiana thì việc xuất hiện trong trạng thái say xỉn tại cuộc họp của một hội văn nghệ là điều bị cấm (xem nguồn dẫn tại chú thích (9).
Tài liệu tham khảo
1. Paul Tappan, Who is the Criminal, Rowman and Littlefield Publishers Inc, New York, 2001.
2. Robert M. Bohm & Keith N. Haley, Introduction to Criminal Justice, McGraw-Hill, New York, 2002.
3. Norman M. Garland, Criminal Evidence, McGraw-Hill, New York, 2006.
4. James A. Inciardi, Criminal Justice, McGraw-Hill, Boston, 2007.
5. Daniel E Hall, Criminal Law and Procedure, Cengage Learning, Boston, 2012.
6. Thomas J. Gardner & Terry M. Anderson, Criminal Law, Cengage Learning, Boston, 2015.
7. Lê Cảm, Những vấn đề cơ bản của phần chung luật hình sự Mỹ, Tạp chí Luật học, số 6/2000.
8. Nguyễn Ngọc Hòa, Tội phạm và cấu thành tội phạm, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2008.
9. Nguyễn Tuyết Mai, Khái niệm tội phạm và phân loại tội phạm trong luật hình sự Hoa Kỳ, Tạp chí Luật học, số 1/2011.
10. Các trang web: www.duhaime.org; en.wikipedia.org; www.law.cornell.edu; www.leginfo.ca.gov; www.malegislature.gov; www.michie.com; vietnamese.vietnam.usembassy.gov; wings.buffalo.edu.
(Trích bài viết: “Quy định về tội phạm hình sự và chế tài hình phạt ở Mỹ” của Tiến sĩ Nguyễn Anh Hùng, Viện nghiên cứu châu Mỹ. Tạp chí Kiểm sát số 14/2018).
Để lại một phản hồi