Đánh bắt cá tại vùng biển chồng lấn giữa Việt Nam và các quốc gia láng giềng dưới góc nhìn của luật quốc tế

Hợp tác nghề cá

Tóm tắt: Việt Nam với bờ biển trải dài trên 3.260 km từ Bắc tới Nam có vùng biển đối diện với nhiều quốc gia. Giữa Việt Nam và một số quốc gia hình thành những chồng lấn về lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và phát sinh tranh chấp về các yêu sách chủ quyền, quyền chủ quyền. Nhiều vùng chồng lấn giữa Việt Nam và các nước đang chờ được phân định như vùng đặc quyền kinh tế giữa Việt Nam và Indonesia, vùng nước lịch sử thuộc chế độ nội thủy chung của hai nước Việt Nam và Campuchia,… Nhằm thu hẹp và tiến đến giải quyết tranh chấp, cơ chế giải quyết tranh chấp của Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển quốc tế năm 1982 (UNCLOS 1982) có thể được vận dụng. Trước mắt, một giải pháp tạm thời như thỏa thuận khai thác chung chắc chắn sẽ được đề cập đến để các quốc gia tạm thời gác tranh chấp hướng tới những lợi ích về tài nguyên nhằm phát triển kinh tế.

 

Abstract: The coastline of Vietnam is over 3,260 km long from the North to the South with waters across with several countries. Among the countries, it has formed an overlapping territorial sea, exclusive economic zones and continental shelf, and disputes over sovereignty and sovereign rights. There are overlapping areas among Vietnam and other countries waiting to be identified such as the exclusive economic zone between Vietnam and Indonesia, the common domestic regime of Vietnam and Cambodia, etc. The resolution mechanism for disputes of the United Nations Convention on the Law of the Sea 1982 (UNCLOS 1982) might be used to narrow the disputes and then deal with the disputes. A temporary solution such as the joint exploitation agreement will certainly be addressed so that countries temporarily cancel disputant towards resource interests for immediate economic development.

 

Đánh bắt cá tại vùng biển chồng lấn giữa Việt Nam và các quốc gia láng giềng dưới góc nhìn của luật quốc tế

Mục lục:

  1. Vùng chồng lấn và thỏa thuận hợp tác nghề cá dưới góc nhìn luật quốc tế
  2. Khung pháp lý về nghề cá tại các vùng biển đang có tranh chấp theo Công ước về Luật Biển năm 1982
  3. Thực trạng đánh bắt cá tại các vùng biển chồng lấn giữa Việt Nam và các nước
  4. Những giải pháp cho các quốc gia có vùng biển chồng lấn nhằm mục đích khai thác hiệu quả tài nguyên cá

Công ước luật biển 1982

1. Vùng chồng lấn và thỏa thuận hợp tác nghề cá dưới góc nhìn luật quốc tế

Vùng biển chồng lấn là khái niệm dùng để chỉ các vùng biển mà yêu sách của các quốc gia liên quan chồng lấn lên nhau. Về nguyên tắc, các yêu sách này đưa ra phải phù hợp với quy định của UNCLOS 1982. Việc hoạch định các vùng biển của các quốc gia hữu quan theo tinh thần của luật pháp quốc tế vô hình chung đã tạo nên các vùng chồng lấn. Ví dụ, Biển Đông – nằm ở một vị trí địa lý đặc biệt quan trọng, là một trong những khu vực chiến lược quan trọng bậc nhất thế giới, đường bờ biển của nhiều quốc gia bao bọc xung quanh. Hiện nay, dựa trên UNCLOS 1982, yêu sách của các quốc gia liên quan về Biển Đông đã tạo nên nhiều vùng chồng lấn. Bên cạnh đó, một yêu sách hoặc tất cả các yêu sách được xem là không phù hợp hoặc chưa thể xác định có phù hợp với UNCLOS 1982 hay không thì được coi là một vùng tranh chấp. UNCLOS 1982 không điều chỉnh những vùng tranh chấp này.

Từ phân tích trên đây, có thể hiểu, “vùng chồng lấn là một khu vực biển mà hai hay nhiều quốc gia đều có yêu sách hợp pháp theo luật pháp quốc tế”.

Vùng chồng lấn thường xuất hiện giữa các quốc gia có bờ biển liền kề hoặc đối diện nhau nhưng khoảng cách giữa bờ biển các nước này không đủ để mỗi nước xác lập chiều rộng tối đa cho các vùng biển. Như vậy, các quốc gia ven biển nằm đối diện hay kế cận nhau, khi xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa theo quy định của UNCLOS 1982 và tùy theo khoảng cách bờ biển của các nước nằm đối diện hay kế cận nhau đã tạo ra vùng nội thủy chồng lấn, vùng lãnh hải chồng lấn, vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn và vùng thềm lục địa chồng lấn[1].

Việc phân định khu vực đánh bắt cá tại vùng chồng lấn rất quan trọng. Nếu giữa hai hay nhiều quốc gia có sự phân định rõ ràng về một khu vực đánh bắt cá riêng biệt thì các quốc gia đó sẽ không cần thiết lập một khu vực đánh bắt cá chung. Bởi các quốc gia có thể cho phép hoặc không cho phép công dân hay tàu cá nước ngoài đánh bắt trong phạm vi ranh giới đã được phân định thuộc về quốc gia đó. Tuy nhiên, trong trường hợp xảy ra tranh chấp về vùng chồng lấn giữa các quốc gia, hoạt động nghề cá trong khu vực sẽ trở nên khó khăn, chưa kể vấn đề đánh bắt cá không chỉ gây ra nhiều tình huống phức tạp hơn bởi xuất phát từ truyền thống quen đánh bắt cá tại các khu vực ranh giới đã có từ hàng thế kỷ trước của các ngư dân dựa theo những nguyên tắc về tự do biển cả[2]. Do vậy, các quốc gia phải cùng bàn bạc để hướng tới việc thiết lập một vùng đánh cá chung theo một trong hai phương pháp sau : (i) Vùng Trắng không cần có một sự quản lý nghiêm ngặt nào đối với nguồn tài nguyên cá trong khu vực; hoặc (ii) Vùng Xám phải có một sự kiểm tra, giám sát nghiêm ngặt mọi hoạt động đánh bắt cá trong khu vực đó[3].

Thỏa thuận hợp tác khai thác chung giữa Trung Quốc và Việt Nam tại Vịnh Bắc Bộ có thể xem là một Vùng Xám điển hình bởi đi kèm với đó là cơ chế kiểm soát số lượng tàu được phép đánh bắt của cả hai bên. Mặt khác, Hiệp định về Vùng nước lịch sử giữa Việt Nam và Campuchia có quy định về hoạt động đánh bắt cá là một Vùng Trắng đúng nghĩa dựa trên đường ranh giới de facto.

2. Khung pháp lý về nghề cá tại các vùng biển đang có tranh chấp theo Công ước về Luật Biển năm 1982

Do sự không hoàn chỉnh của hệ thống các điều ước quốc tế về đánh cá trên phạm vi toàn cầu, khu vực, song phương đã nảy sinh những vấn đề liên quan đến việc đánh bắt cá, đặc biệt ở các khu vực chồng lấn, khi mà các quốc gia vẫn chưa đưa ra được một cam kết cuối cùng cho những tranh chấp vốn dĩ đã dai dẳng nhiều thập kỷ. Bên cạnh đó còn đặt ra vấn đề cho các quốc gia trong việc cùng nhau hợp tác để bảo vệ tài nguyên sinh vật biển, an ninh trên biển góp phần làm xoa dịu những tranh chấp tiềm tàng giữa các quốc gia khi chưa đưa ra được tiếng nói chung cũng như góp phần bảo vệ môi trường sinh thái trong bối cảnh suy giảm tài nguyên cá và ô nhiễm môi trường.

Công ước luật biển 1982

Đối với vấn đề hợp tác nghề cá tại các khu vực biển đang có tranh chấp thì UNCLOS 1982 chưa đưa ra được quy định cụ thể nào. Khoản 3 Điều 74 UNCLOS 1982 chỉ đề cập đến nghĩa vụ hợp tác của các quốc gia đang trong giai đoạn chờ một thỏa thuận phân định cuối cùng tại các khu vực chồng lấn trong vùng đặc quyền kinh tế. Bởi vậy, trong các vùng đặc quyền kinh tế đang có tranh chấp, hợp tác nghề cá theo UNCLOS là một nghĩa vụ quan trọng đối với các quốc gia. Khoản 3 Điều 74 UNCLOS 1982 quy định: Trong khi chờ ký kết thỏa thuận ở khoản 1[4] (phân định ranh giới vùng đặc quyền kinh tế), các quốc gia hữu quan trên tinh thần hiểu biết và hợp tác, làm hết sức mình để đi đến các dàn xếp tạm thời có tính chất thực tiễn và không phương hại hay cản trở việc ký kết các thỏa thuận cuối cùng trong giai đoạn quá độ này. Các dàn xếp tạm thời không phương hại đến kết quả phân định cuối cùng. Như vậy, Điều 74 đã đặt ra hai nghĩa vụ chính cho các quốc gia liên quan khi có vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn là: (i) Nghĩa vụ làm hết sức mình để đi đến các dàn xếp tạm thời có tính chất thực tiễn; (ii) Nghĩa vụ làm hết sức mình để không gây phương hại hoặc cản trở việc ký kết các thỏa thuận cuối cùng. Ngoài hai nghĩa vụ trên, khoản 3 Điều 74 UNCLOS 1982 không đưa ra một loại dàn xếp tạm thời cụ thể nào mà thay vào đó nó để ngỏ cho các quốc gia hữu quan quyết định. Trên thực tế, các dàn xếp tạm thời có thể bao gồm: (i) thỏa thuận tạm ngừng tất cả mọi hoạt động trong vùng chồng lấn[5]; (ii) phát triển chung hoặc hợp tác nghề cá[6]; (iii) thỏa thuận hợp tác về môi trường; và (iv) thỏa thuận về quyền xét xử hình sự và dân sự[7] v.v..

Một loại tranh chấp điển hình khác là vấn đề tài nguyên cá ở những khu vực biển tranh chấp giữa các quốc gia ven biển tiếp giáp hoặc đối diện khi các quốc gia này thiết lập các khu vực đặc quyền kinh tế hay khu vực đặc quyền đánh cá theo UNCLOS 1982. Loại tranh chấp này chính là hệ quả của tranh chấp các vùng biển chưa được phân định. Nguyên nhân cơ bản của các tranh chấp này là những hoạt động đánh bắt quá mức của một quốc gia ở khu vực nằm dưới quyền tài phán của quốc gia đó hoặc khu vực mà quốc gia đó có quyền tự do đánh bắt cá mang lại nhưng tác động bất lợi đối với nguồn tài nguyên cá hoặc lợi ích về cá của quốc gia khác. Ngoài ra, trong quá trình khai thác, công dân của các quốc gia đã sử dụng các biện pháp đánh bắt gây tổn hại và ảnh hưởng xấu đến môi trường biển và hệ sinh thái. Tác động trên ảnh hưởng đến mức làm ảnh hưởng đến khả năng tái sinh sản của các loài cá, sự đánh bắt tràn lan thiếu kiểm soát đã dẫn đến sự tuyệt chủng của một số loài cá nói riêng và sinh vật biển nói chung. Sự cạn kiệt này đồng nghĩa với việc loại bỏ cơ hội đánh bắt và lợi ích thu được từ các loài cá đó của quốc gia khác.

3. Thực trạng đánh bắt cá tại các vùng biển chồng lấn giữa Việt Nam và các nước  

Theo ước tính, kinh tế biển của chúng ta đóng góp khoảng 47 – 48% GDP[8], trong số này các ngành chủ lực đóng góp lớn là dầu khí 64%, hải sản 14%, vận tải biển và dịch vụ biển 11%, du lịch biển khoảng 9%[9]. Về nguồn lợi hải sản, Việt Nam có mặt trong danh sách 10 trung tâm đa dạng sinh học biển và danh sách 20 vùng biển có lợi ích kinh tế lớn nhất toàn cầu do hải sản đem lại. Đến nay, ở vùng biển Việt Nam đã phát hiện được chừng 12.000 loài sinh vật với trên 2.000 loài cá, trong đó khoảng 130 loài cá có giá trị kinh tế; trữ lượng cá biển của toàn vùng khoảng 4,2 triệu tấn; sản lượng cho phép khai thác chừng 1,7 triệu tấn/năm, bao gồm 850 nghìn tấn cá đáy, 700 nghìn tấn cá nổi nhỏ, 120 nghìn tấn cá nổi đại dương[10]. Với nguồn tài nguyên có trữ lượng lớn, giá trị kinh tế cao nên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình đàm phán phân định biển, hay nói đúng hơn quá trình phân định biển theo một cách công bằng khó đạt được do yêu sách của các quốc gia liên quan là rất lớn, khả năng nhượng bộ gần như là không cao. Biểu hiện cụ thể:

Bản ghi nhớ về khai thác chung giữa Việt Nam và Malaysia mới chỉ dừng lại ở việc điều chỉnh hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí chung giữa các nước tại khu vực chồng lấn thềm lục địa, chứ không hề đề cập đến hoạt động nghề cá.

Hiệp định về Vùng nước lịch sử giữa Việt Nam và Campuchia quy định khá sơ sài về hoạt động đánh bắt cá: “việc đánh bắt hải sản của nhân dân địa phương trong vùng này vẫn tiếp tục theo tập quán làm ăn từ trước tới nay”[11]. Quy định này thể hiện mục đích chính mà Hiệp định hướng không phải là phát triển chung hay hợp tác nghề cá.

Việt Nam và Indonesia cũng mới chỉ cam kết việc phân định thềm lục địa cũng như các thỏa thuận về hợp tác dầu khí đối với các mỏ dầu nằm trên đường phân định giữa hai quốc gia. Vấn đề phân định vùng đặc quyền kinh tế vẫn còn bỏ ngỏ. Bên cạnh đó, Việt Nam và Indonesia vẫn chưa có thỏa thuận khai thác chung trên vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn.

Đối với khu vực hợp tác khai thác chung của Việt Nam và Trung Quốc, theo báo cáo của Ủy ban Liên hợp Nghề cá Vịnh Bắc Bộ của Việt Nam và Hiệp định Hợp tác Nghề cá, hai bên thiết lập một vùng đánh cá chung rộng 33.500km2, có phạm vi từ vĩ tuyến 20 xuống đến đường đóng cửa Vịnh, cách đường phân định 30,5 hải lý về mỗi phía. Thời hạn của Vùng đánh cá chung là 15 năm (12 năm chính thức và 3 năm gia hạn) và việc đánh cá chung được thực hiện theo các nguyên tắc: mỗi bên có quyền kiểm tra, kiểm soát khu vực đánh cá chung thuộc vùng đặc quyền kinh tế của mình. Số tàu thuyền của mỗi bên được phép vào khu vực đánh cá chung của phía bên kia là tương đương nhau. Muốn vào đánh bắt, khai thác tại khu vực này tàu cá phải được cấp phép khi đạt chuẩn công suất, mã lực theo quy định, đảm bảo các cam kết về bảo vệ môi trường biển v.v.. Tuy nhiên, tình trạng tàu cá không được cấp phép vào khu vực này để khai thác bất hợp pháp vẫn còn diễn ra.

Thực trạng đánh bắt cá bất hợp pháp tại các khu vực vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn diễn ra nhiều bởi các ngư dân không nắm được các quy định của pháp luật quốc tế về nghề cá. Việc mất đi quá nhiều lợi ích so với trước đây khiến họ tiếp tục liều lĩnh đánh bắt cá tại các vùng biển đã quen thuộc từ trước. Vấn đề đánh cá bất hợp pháp dẫn đến nhiều căng thẳng chính trị giữa các nước có liên quan và đã trở thành một hiểm họa an ninh phi truyền thống[12], thậm chí có lúc đã dẫn đến đụng độ nổ súng trên biển. Đây là những nguyên nhân cơ bản làm cho hoạt động đánh cá bất hợp pháp diễn ra ngày càng gia tăng về số vụ, tính chất, vì thế cũng càng phức tạp hơn khi các quốc gia hữu quan chưa đưa ra được tiếng nói chung trong vấn đề phân định, hợp tác khai thác cũng như quản lý, đảm bảo an ninh trật tự.

Đối với các vùng biển chồng lấn, chưa được phân định thì các quốc gia cần thỏa thuận để thống nhất giải pháp tạm thời để chờ đợi một sự phân định cuối cùng là khai thác chung. Cho đến nay, Việt Nam và Indonesia chưa có thỏa thuận nào về giải pháp này nên đã dẫn đến việc bắt giữ tàu cá. Tuy nhiên, về nguyên tắc, trên các vùng biển chồng lấn thì các bên liên quan đều có quyền khai thác tài nguyên biển, trong đó có hoạt động đánh bắt hải sản của ngư dân. Như vậy, ngay cả trong trường hợp ngư dân Việt Nam đánh bắt trên vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn chưa phân định giữa hai nước thì lực lượng tuần duyên của Indonesia cũng không có quyền bắt giữ, điều tra, truy tố và xét xử đối với ngư dân Việt Nam. Từ những phân tích ở trên, việc các cơ quan có thẩm quyền của Indonesia bắt giữ, điều tra, truy tố và xét xử công dân Việt Nam khi họ đang đánh bắt trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và kể cả trong vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn giữa hai nước chưa được phân định là trái với UNCLOS  1982 và thỏa thuận của lãnh đạo hai nước[13].

Điều 73 của UNCLOS 1982 quy định: “trong việc thực hiện các quyền thuộc chủ quyền về thăm dò, khai thác, bảo tồn và quản lý các tài nguyên sinh vật của vùng đặc quyền về kinh tế, quốc gia ven biển có thể thi hành mọi biện pháp cần thiết, kể cả việc khám xét, kiểm tra, bắt giữ và khởi tố tư pháp để bảo đảm việc tôn trọng các luật và quy định mà mình đã ban hành theo đúng Công ước” nhưng, “các chế tài do quốc gia ven biển trù định đối với những vụ vi phạm các luật và quy định về mặt đánh bắt trong vùng đặc quyền về kinh tế không được bao gồm hình phạt tống giam, trừ khi các quốc gia hữu quan có thỏa thuận khác, và không bao gồm một hình phạt thân thể nào khác”. Trong trường hợp “khi có một sự bảo lãnh hay một bảo đảm đầy đủ khác thì cần thả ngay chiếc tàu bị bắt và trả tự do ngay cho đoàn thủy thủ của chiếc tàu này”[14]. Luật pháp quốc tế dường như không hỗ trợ Indonesia đánh chìm tàu cá nước ngoài nếu đánh bắt bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế, cũng như các vùng biển mà các bên chưa đưa ra được cam kết cuối cùng cho việc phân định. Chính sách đánh chìm tàu cá láng giềng có thể là một cách tốt với Indonesia để tạo ra hiệu ứng răn đe, nhưng thủ tục pháp lý ở cả cấp độ quốc gia cũng như quốc tế cần phải được tôn trọng.

4. Những giải pháp cho các quốc gia có vùng biển chồng lấn nhằm mục đích khai thác hiệu quả tài nguyên cá

Các tranh chấp quốc tế về đánh cá và sự suy giảm tài nguyên cá trên biển có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Các tranh chấp quốc tế về đánh cá gián tiếp góp phần làm suy giảm tài nguyên cá, đặc biệt là sự suy giảm của các loài cá di cư cũng góp phần làm tăng khả năng dẫn đến các tranh chấp tiềm tàng về đánh cá, nhất là ở các khu vực chưa được phân định.

Để giải quyết các vấn đề nêu trên, cần thực hiện các giải pháp sau:

Một là, tăng cường việc công nhận UNCLOS 1982. UNCLOS 1982 là một công ước tiến bộ, thể hiện sự thỏa hiệp mang tính toàn cầu có tính đến lợi ích của tất cả các quốc gia trên thế giới. Công ước không chấp nhận bảo lưu mà đòi hỏi phải tham gia cả gói (package deal) theo nguyên tắc “nhất trí” (consensus). Nếu phê chuẩn UNCLOS 1982, các quốc gia phải có trách nhiệm ràng buộc và thực hiện toàn bộ các điều khoản của Công ước. Việc công nhận rộng rãi Công ước góp phần đảm bảo hòa bình và ổn định trên biển. Tuy nhiên, cần nói rằng, việc công nhận Công ước rộng rãi chưa giải quyết được tất cả các vấn đề nhưng nó đã đảm bảo rằng các quốc gia trong khu vực có căn cứ pháp lý chung và là cơ sở cho hợp tác khu vực.

Hai là, ký kết các điều ước quốc tế song phương, đa phương dựa trên nguyên tắc: công nhận rằng tài nguyên cần được chia sẻ giữa các quốc gia tại vùng chồng lấn; tôn trọng quyền khai thác của quốc gia khác tại vùng chồng lấn không có hợp tác khai thác chung; các quốc gia có nghĩa vụ khai thác không gây hại cho tài nguyên cá tại các khu vực chồng lấn; các quốc gia liên quan có nghĩa vụ hợp tác một cách thiện chí và tránh lạm quyền của mình theo Điều 300 UNCLOS 1982.

Ba là, khuyến khích thủ tục thả nhanh thuyền viên và tàu cá bị bắt. Việc chấp nhận thủ tục thả nhanh những tàu cá này được xem là động thái tích cực có vai trò nhất định trong việc ngăn chặn các tranh chấp về đánh cá. Sự căng thẳng giữa các quốc gia trong thời điểm gần đây được cho là xuất phát từ việc đánh chìm và bắt giữ công dân của các quốc gia láng giềng khi công dân của họ hoạt động tại khu vực được cho là chồng lấn chưa được phân định hay thỏa thuận hợp tác cùng khai thác. Việc thả nhanh tàu cá giúp phần nào giảm bớt được căng thẳng tại khu vực. Thủ tục này chỉ có thể được tiến hành trên nguyên tắc có đi có lại[15].

Bốn là, xây dựng định chế có cấu trúc hoàn chỉnh nhằm quản lý về khai thác, bảo tồn tài nguyên cá nói riêng và tài nguyên sinh vật biển nói chung. Một khu vực nên bao gồm hai loại định chế ở phạm vi quốc gia và phạm vi khu vực với chức năng khác nhau. Định chế khu vực sẽ chịu trách nhiệm phối hợp với các quốc gia thành viên hình thành nên chính sách chung về đánh cá ở phạm vi khu vực, tiến hành tạo nên các tiêu chuẩn riêng, đưa ra các khuyến nghị về bảo tồn tài nguyên cá đặc biệt là tại khu vực chồng lấn giữa các quốc gia. Mỗi quốc gia thành viên có trách nhiệm thành lập một cơ quan quốc gia với chức năng là cầu nối giữa định chế khu vực và chính phủ của quốc gia đó. Ben cạnh đó, cơ quan này nên được trao chức năng phối hợp hoạt động với các cơ quan liên quan trong vấn đề thực hiện các cam kết quốc tế khu vực và toàn cầu.

Năm là, khai thác chung ra đời như một giải pháp hữu hiệu để dàn xếp tạm thời các tranh chấp trong phân định ranh giới trên biển cũng như tạo ra cơ hội cho các quốc gia cùng nhau thăm dò và khai thác các nguồn tài nguyên. Tuy nhiên, các quốc gia cần nhận thức được rằng đây chỉ là một giải pháp mang tính tạm thời. Trong dài hạn, nhằm tránh xảy ra xung đột hay thực hiện tốt công tác quản lý đối với hoạt động khai thác nguồn lợi thủy sản, an ninh trên biển, các quốc gia hữu quan cần đi đến một sự phân định cuối cùng cho vùng chồng lấn.

Sáu là, ký kết các điều ước quốc tế về phân định vùng chồng lấn. Đây là một giải pháp tối ưu nhất để giải quyết các vấn đề phát sinh tại vùng chồng lấn và hầu như các quốc gia đều muốn hướng tới để an tâm khai thác các nguồn lợi từ biển cũng như thuận tiện hơn cho công tác quản lý.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Agreement between the Government of the Kingdom of Thailand and the Government of Malaysia on the Constitution and Other Matters relating to the Establishment of the Malaysia-Thailand Joint Authority, ký kết ngày 30/5/1990.

2. Hà Thanh Biên (2017), “Phát triển kinh tế biển bền vững: Tiềm năng, thách thức và định hướng”, Bản tin chính sách Tài nguyên – Môi trường – Phát triển bền vững, (25).

3.  Báo cáo của Hội nghề cá Thành phố Rạch Giá ngày 20/4/2017 về “Tàu cá của ngư dân bị tàu có vũ trang của Indonesia bắt giữ khi đang đánh bắt hải sản trong vùng biển Việt Nam”.

4. Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982.

5. Đỗ Việt Cường, Nguyễn Quang Minh (2013), “Hợp tác nghề cá trong các vùng đang có tranh chấp tại vịnh Thái Lan”, Bài viết nghiên cứu khoa học Học viện Ngoại giao.

6. N. Ganesan (2001), Illegal fishing and illegal migration in Thailand’sbilateral relations with Malaysia and Myanmar, Non-Traditional Security Issues inSoutheast Asia, ed. A.T.H. Tan and J.D.K Boutin (Singapore: Institute of Defenceand Strategic Studies).

7. Hiệp định về Vùng nước lịch sử giữa Việt Nam và Campuchia năm 1979.

8. Fishery Law in Indonesia No.45, 2009 (Amendment to law No.31, 2004).

9. Sun Pyo Kim (2004), Maritime Delimitation and Interim Agreements in North East Asia, Martinus Nijhoff Publishers, The Netherlands.

10. Trần Hữu Duy Minh (2015) “Nghĩa vụ trong vùng chồng lấn theo Điều 83(3) UNCLOS, phán quyết trong vụ phân định biển giữa Ghana và Cote d’lvoire”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 5(325).

11. Maritime Delimitation Treaty between Jamaica and the Republic of Colombia ký kết ngày 12/11/1993.

12. B.H. Oxman (1977), “The Third United Nations Conference on the Law of the Sea: The 1976 New York Convention”, A.J.I.L. 71.

13. Vũ Văn Phái (2008), “Biển và phát triển kinh tế biển Việt Nam: Quá khứ, hiện tại và tương lại”, Kỷ yếu hội thảo quốc tế Việt Nam học lần 3 (Tiểu ban kinh tế Việt Nam).

14. Ngô Hữu Phước (2017), “Bắt ngư dân trong vùng biển chồng lấn là trái luật quốc tế”, Báo Tuổi trẻ Online, truy cập lần cuối lúc 7/7/2018 tại website https://tuoitre.vn/bat-ngu-dan-trong-vung-bien-chong-lan-la-trai-luat-quoc-te-20171216150449446.htm .

15. Alberto Szekely (1986), Ministry of Foreign Affairs Mexico city, Mexico, Tuna in the Eastern Tropical Pacific, Clingan.

16. Thỏa thuận hợp tác nghề cá giữa Hàn Quốc và Trung Quốc, ký kết ngày 03/8/2000 (có hiệu lực từ ngày 30/7/2001).

17. Nguyễn Ngọc Tuấn (2016), “Phát triển kinh tế biển ở một số nước và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam”, Tạp chí tài chính, Kỳ 2 tháng 2/2016 đăng tại website: http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu–trao-doi/trao-doi-binh-luan/ truy cập lần cuối 4/7/2018.

ThS. NGUYỄN THỊ THU TRANG

GV. Khoa Luật Kinh tế, ĐH Kinh tế Luật

HÀ NGỌC HOÀNG

Sinh viên Khoa Luật Kinh tế, ĐH Kinh tế Luật

Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 15 (391), tháng 8/2019


[1] Trần Hữu Duy Minh (2015) Nghĩa vụ trong vùng chồng lấn theo Điều 83(3) UNCLOS, phán quyết trong vụ phân định biển giữa Ghana và Cote d’lvoire, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 5 (325), tr. 5.

[2] B.H. Oxman (1977), The Third United Nations Conference on the Law of the Sea: The 1976 New York Convention, A.J.I.L. 71, PP. 261.

[3] Đỗ Việt Cường, Nguyễn Quang Minh (2013), Hợp tác nghề cá trong các vùng đang có tranh chấp tại vịnh Thái Lan, Bài viết nghiên cứu khoa học Học viện Ngoại giao, tr. 48.

[4] Khoản 3 Điều 83 Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982

[5] Xem Hiệp định Maritime Delimitation Treaty between Jamaica and the Republic of Colombia ký kết ngày 12/11/1993.

[6] Thỏa thuận hợp tác nghề cá giữa Hàn Quốc và Trung Quốc, ký kết ngày 03/8/2000 (có hiệu lực từ ngày 30/7/2001); Sun Pyo Kim (2004), Maritime Delimitation and Interim Agreements in North East Asia, Martinus Nijhoff Publishers, The Netherlands, PP.347.

[7] Xem Agreement between the Government of the Kingdom of Thailand and the Government of Malaysia on the Constitution and Other Matters relating to the Establishment of the Malaysia-Thailand Joint Authority, ký kết ngày 30/5/1990.

[8] Xem Nguyễn Ngọc Tuấn (2016), “Phát triển kinh tế biển ở một số nước và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam”, Tạp chí Tài chính, kỳ 2 tháng 2/2016 đăng tại website: http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu–trao-doi/trao-doi-binh-luan/ truy cập ngày 4/7/2018.

[9] Xem Vũ Văn Phái (2008), Biển và phát triển kinh tế biển Việt Nam: Quá khứ, hiện tại và tương lại, Kỷ yếu hội thảo quốc tế Việt Nam học lần 3 (Tiểu ban kinh tế Việt Nam), tr. 171.

[10] Hà Thanh Biên (2017), “Phát triển kinh tế biển bền vững: Tiềm năng, thách thức và định hướng”, Bản tin chính sách Tài nguyên – Môi trường – Phát triển bền vững, (25), tr.5.

[11] Xem Điều 3, Hiệp định về Vùng nước lịch sử giữa Việt Nam và Campuchia năm 1979.

[12] N. Ganesan (2001), Illegal fishing and illegal migration in Thailand’sbilateral relations with Malaysia and Myanmar, Non-Traditional Security Issues inSoutheast Asia, ed. A.T.H. Tan and J.D.K Boutin (Singapore: Institute of Defenceand Strategic Studies), PP. 507-528.

[13] Ngô Hữu Phước (2017), Bắt ngư dân trong vùng biển chồng lấn là trái luật quốc tế, Báo Tuổi trẻ Online, truy cập ngày 7/7/2018 tại website https://tuoitre.vn/bat-ngu-dan-trong-vung-bien-chong-lan-la-trai-luat-quoc-te-20171216150449446.htm .

[14] Khoản 2 Điều 73 Công ước của Liên hiệp quốc tế về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).

[15] Alberto Szekely (1986), Ministry of Foreign Affairs Mexico city, Mexico, Tuna in the Eastern Tropical Pacific, Clingan, PP. 179 – 180.

5/5 - (1 bình chọn)

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Nếu cần BQT hỗ trợ gấp, vui lòng liên hệ hotline 1900.0164 bấm phím 0.