Pháp luật hiện hành không giới hạn mọi quyền công dân của phạm nhân. Tuy nhiên, trên thực tế, một số quyền cơ bản của phạm nhân mặc dù không bị pháp luật cấm nhưng rất khó để thực hiện hoặc không thể thực hiện được như: quyền kết hôn, quyền li hôn, quyền khởi kiện, quyền nhờ luật sư tư vấn pháp lí. Bài viết phân tích, đánh giá các quy định của pháp luật về những quyền này của phạm nhân nhằm trả lời cho câu hỏi: Tại sao pháp luật hiện hành không cấm quyền kết hôn, quyền li hôn, quyền khởi kiện, quyền nhờ luật sư tư vấn pháp lí của phạm nhân nhưng trên thực tế phạm nhân lại không thể thực hiện được những quyền này? Cần phải bổ sung những quy định nào để phạm nhân có thể thực hiện được các quyền đó?
Phạm nhân là người đang chấp hành hình thân.(1) Do thực hiện hành vi phạm tội, phạm nhân bị giới hạn một số quyền công dân. Tuy nhiên, một số quyền cơ bản mặc dù pháp luật không cấm nhưng trên thực tế phạm nhân rất khó để thực hiện hoặc không thể thực hiện được như quyền kết hôn, quyền li hôn, quyền khởi kiện, quyền nhờ luật sư tư vấn pháp lí và theo dõi để đảm bảo các chế độ của phạm nhân… do thiếu các văn bản pháp quy hướng dẫn cụ thể, mặt khác một số văn bản pháp luật hiện hành vẫn còn những quy định làm cản trở phạm nhân trong việc thực hiện các quyền này. Thực tiễn trên đòi hỏi cần phải nghiên cứu, hoàn thiện các quy định của pháp luật cũng như các cơ chế để đảm bảo thực thi các quy định về quyền của phạm nhân. Đặc biệt khi Hiến pháp năm 2013 ra đời, vấn đề quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân đã được ghi nhận rất cụ thể.
1. Quyền khởi kiện
Pháp luật hiện hành không có bất kì quy định nào cấm phạm nhân khởi kiện. Mặt khác, pháp luật ghi nhận cụ thể quyền khởi kiện của các tổ chức, cá nhân khi quyền và đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự không thể uỷ quyền cho người khác đại diện khởi kiện. Với quy định này thì so với pháp nhân, cá nhân bị hạn chế hơn trong việc uỷ quyền đại diện khởi kiện” (3) lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm. Cụ thể, Điều 4 Bộ luật tố tụng dân sự hiện hành quy định: Cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền khởi kiện vụ án dân sự tại toà án có thẩm quyền để yêu cầu toà án bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình hoặc của người khác. Tương tự, Điều 9 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: Khi quyền dân sự của một chủ thể bị xâm phạm thì chủ thể đó có quyền tự bảo vệ hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết. Như vậy, có thể thấy pháp luật luôn tôn trọng quyền khởi kiện của các chủ thể. Tuy nhiên, các phạm nhân lại rất khó để thực hiện được quyền này do họ không thể được trích xuất để tiến hành khởi kiện và tham gia tố tụng. Vấn đề đặt ra là liệu phạm nhân có thể uỷ quyền cho người khác đại diện khởi kiện không khi họ là người có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự? Các quy định của pháp luật hiện hành chưa thực sự làm rõ về vấn đề này. Chẳng hạn, khoản 1 Điều 2 Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 quy định: “Đối với cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự thì có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án. Tại mục tên, địa chỉ của người khởi kiện trong đơn phải ghi họ tên, địa chỉ của cá nhân đó. Đồng thời, ở phần cuối đơn, cá nhân đó phải kí tên hoặc điểm chỉ”.(2) Chính quy định không rõ ràng này dẫn đến thực tiễn có quan điểm cho rằng: “Quyết định khởi kiện phải do chính cá nhân thể hiện, họ chỉ có thể nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện… Điều đó cũng có nghĩa là cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự không thể uỷ quyền cho người khác đại diện khởi kiện. Với quy định này thì so với pháp nhân, cá nhân bị hạn chế hơn trong việc uỷ quyền đại diện khởi kiện” (3)
Như vậy, có thể thấy trong thực tiễn, quyền khởi kiện của phạm nhân rất bị hạn chế, thậm chí không thể thực hiện. Đối với trường hợp này, có thể áp dụng các quy định về thời gian có trở ngại khách quan không tính vào thời hiệu khởi kiện để bảo đảm phạm nhân vẫn có thể khởi kiện khi đã chấp hành xong hình phạt tù. Thực tiễn xét xử dường như cũng theo hướng này. Lấy ví dụ một quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán Toàn án nhân dân tối cao như sau: “Ông Họt và bà Lê bị bắt trong vụ án buôn lậu vào tháng 02/1990; cả hai đều bị kết án về tội buôn lậu; ông Họt đã chết trong khi đang chấp hành hình phạt tù. Còn bà Lê thì ngay sau khi được tại ngoại, từ tháng 8/1990 đã có đơn khiếu nại gửi đến các cơ quan nhà nước yêu cầu Công ti thương nghiệp huyện Châu Thành trả nợ. Đến ngày 17/4/1999, Ban thanh toán nợ của Uỷ ban nhân dân tỉnh mới trả lời bà Lê có nội dung là: Công ti thương nghiệp huyện Châu Thành đã giải thể, phương án giải thể không thể hiện số vốn vay của ông Phước, đề nghị bà Lê gặp trực tiếp người vay để đòi nợ. Như vậy, trước tháng 4/1999 không khởi kiện yêu cầu Công ti thương nghiệp Châu Thành trả nợ là có trở ngại khách quan. Theo quy định của pháp luật thì thời gian trở ngại khách quan không tính vào thời hiệu khởi kiện nên ngày 10/8/1999 bà Lê có đơn khởi kiện thì không được coi là hết thời hiệu khởi kiện”.(4)
Như vậy, theo Toà án nhân dân tối cao, thời gian cá nhân phải thi hành án tù được coi là trở ngại khách quan và không tính vào thời hiệu khởi kiện. Thiết nghĩ, quy định của pháp luật cũng nên theo hướng này để đảm bảo quyền lợi của phạm nhân. Tuy nhiên, đối với trường hợp quyền dân sự của cá nhân cần được bảo đảm kịp thời thì không thể đợi đến khi họ chấp hành xong hình phạt tù mới khởi kiện. Do đó, theo tác giả cần có hướng dẫn cụ thể trong tình huống trên theo hướng, trong một số trường hợp đặc biệt như người khởi kiện đang phải chấp hành hình phạt tù thì họ có thể ủy quyền cho người khác đại diện khởi kiện.
2. Quyền nhờ luật sư tư vấn pháp lí
Phạm nhân dù bị hạn chế về quyền tự do nhưng trong thực tế vẫn có những công việc cần phạm nhân tham gia xử lí hoặc duy trì thực hiện. Bản thân phạm nhân có thể vẫn còn có những quan hệ pháp luật khác liên quan đến nhân thân, tài sản và kinh tế cần phải được giải quyết hoặc duy trì ngoài xã hội. Chẳng hạn, phạm nhân còn có những tranh chấp về dân sự, hôn nhân-gia đình cần sự trợ giúp pháp lí của luật sư. Hoặc trường hợp chủ doanh nghiệp phải đi thụ án thì vấn đề giải quyết đối với người lao động, chủ nợ, đối tác cũng cần phải đặt ra đối với phạm nhân.
Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về việc phạm nhân được phép tiếp xúc trực tiếp với luật sư để nhờ luật sư tư vấn pháp lí giải quyết những quan hệ về nhân thân, tài sản. Có chăng là quy định tại khoản 1 Điều 46 Luật thi hành án hình sự năm 2010: “Phạm nhân được gặp thân nhân một lần trong 01 tháng, mỗi lần gặp không quá 01 giờ, trường hợp đặc biệt thì được kéo dài thời gian nhưng không quá 03 giờ… Trường hợp đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khác có đề nghị được gặp phạm nhân thì giám thị trại giam, thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự công an cấp huyện xem xét, giải quyết”. Tuy nhiên, với cơ chế thực hiện không rõ ràng thì việc các cơ quan liên quan có thể gây khó khăn cho luật sư là điều dễ xảy ra. Để phạm nhân giải quyết được những công việc liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của mình một cách nhanh chóng, hiệu quả. Theo tác giả, Luật thi hành án hình sự cần bổ sung quy định: “Phạm nhân có quyền nhờ luật sư trợ giúp pháp lí trong quá trình chấp hành án phạt tù. Trong đó, có quy định về quyền gặp, tiếp xúc của luật sư với phạm nhân trong quá trình thụ án khi cần thiết để giải quyết các vấn đề khác về nhân thân và tài sản”.
Mặt khác, Luật thi hành án hình sự năm 2010 quy định nhiều quyền, nghĩa vụ và chế độ cho phạm nhân, chẳng hạn như: Chế độ học tập, học nghề và được thông tin; chế độ lao động; chế độ ăn mặc, ở, sinh hoạt, chăm sóc y tế…(5) Song lại không có quy định cụ thể cho luật sư tham gia theo dõi, trợ giúp pháp lí cho phạm nhân để thực hiện các quyền, nghĩa vụ và chế độ đó. Theo tác giả, để đảm bảo các quyền và chế độ cho phạm nhân được thực hiện tốt thì việc quy định phạm nhân có quyền nhờ luật sư tư vấn pháp lí, tham gia theo dõi là điều hết sức cần thiết. Điều này cũng phù hợp với các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã kí kết, gia nhập.
3. Quyền kết hôn và li hôn
Khoản 1 Điều 36 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nam, nữ có quyền kết hôn, li hôn.
Hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau”. Như vậy, quyền tự do kết hôn và li hôn là nguyên tắc hiến định, công dân chỉ bị hạn chế quyền này trong một số trường hợp đặc biệt mà pháp luật đã quy định. Ví dụ, khoản 2 Điều 5 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định những trường hợp bị cấm kết hôn gồm: Người đang có vợ, có chồng; giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng… hay là người bị mất năng lực hành vi dân sự (6) Tương tự, pháp luật chỉ giới hạn quyền li hôn đối với một số trường hợp cụ thể. Ví dụ, theo khoản 3 Điều 51 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, trường hợp người vợ đang có thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì người chồng không được li hôn. Như vậy, chỉ các trường hợp mà pháp luật đã quy định cụ thể, quyền kết hôn, li hôn mới bị hạn chế.
Tuy nhiên, theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình thì khi tiến hành đăng kí kết hôn, cả hai bên nam nữ bắt buộc phải có mặt tại uỷ ban nhân dân cấp xã nơi một trong các bên cư trú (hoặc trụ sở của Sở tư pháp nếu kết hôn có yếu tố nước ngoài) để làm thủ tục đăng kí kết hôn.(7) Như vậy, nếu phạm nhân muốn kết hôn thì không thể thực hiện được vì đang phải chấp hành hình phạt tù, họ không thể đến cơ quan có thẩm quyền để thực hiện đăng kí kết hôn. Tương tự, trong trường hợp li hôn, phạm nhân cũng không thể thực hiện dù pháp luật không cấm. Bởi lẽ, theo quy định tại khoản 3 Điều 73 Bộ luật Tố tụng dân sự, đối với việc li hôn, đương sự không được uỷ quyền người khác thay mặt mình tham gia tố tụng. Trong những tình huống này, cơ quan thi hành án hình sự (trại giam) sẽ không trích xuất(8) để phạm nhân tiến hành kết hôn hoặc tiến hành li hôn. Theo tác giả, để đảm bảo quyền của phạm nhân không bị hạn chế trong những trường hợp này, có thể giải quyết theo hướng sau:
1) Đối với trường hợp kết hôn, nếu một bên nam, nữ đang phải chấp hành hình phạt tù thì cán bộ tư pháp hộ tịch xã có thể vào trại giam nơi người đó đang chấp hành hình phạt tù để xác minh sự tự nguyện của họ và tiến hành các thủ tục đăng kí kết hôn tại trại giam. Mọi chi phí cho việc thực hiện các thủ tục này, bao gồm các chi phí đi lại, ăn ở
(nếu có) và các chi phí phát sinh khác sẽ do các bên tiến hành đăng kí kết hôn chi trả. Thực tế trên thế giới, việc thực hiện kết hôn cho phạm nhân cũng đã được thực hiện, thậm chí có nơi còn cho phép tổ chức đám cưới trong nhà tù (9)
2) Đối với trường hợp li hôn, có thể tiến hành các hoạt động tố tụng như hoà giải hoặc xét xử lưu động trong trại giam để đảm bảo một bên đương sự trong vụ án li hôn mặc dù đang phải chấp hành hình phạt tù vẫn có thể tham gia tố tụng để đảm bảo quyền lợi của mình.
Qua phân tích một số quyền cơ bản, có thể thấy mặc dù pháp luật không có quy định cấm nhưng dường như phạm nhân không thể thực hiện được. Trong thực tế, còn có một số quyền mà pháp luật ghi nhận cho phạm nhân nhưng dường như cũng chưa được đảm bảo như quyền hưởng thành quả từ lao động, quyền chăm sóc sức khoẻ… Những vấn đề này cần tiếp tục được nghiên cứu và hoàn thiện nhằm đảm bảo quyền lợi của phạm nhân trên cơ sở tinh thần của Hiến pháp năm 2013, đảm bảo quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân cũng như phù hợp với các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã kí kết, gia nhập./. (10)
(1).Xem: Khoản 2 Điều 3 Luật thi hành án hình sự năm 2010.
(2). Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ hai “Thủ tục giải quyết vụ án tại toà án cấp sơ thẩm” của Bộ luật tố tụng dân sự đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự.
(3).Xem: Đỗ Văn Đại, Luật hợp đồng Việt Nam – Bản án và bình luận bản án, Nxb. Chính trị quốc gia – sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 218.
(4).Xem: Quyết định của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao số 24/2010/DS-GĐT ngày 07/5/2010.
(5).Xem: Điều 28, Điều 29 Mục 1 Chương III; Mục 2 Chương III Luật thi hành án hình sự năm 2010.
(6).Xem: Điểm c khoản 1 Điều 8 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014.
(7).Xem thêm: Khoản 1 Điều 23 Nghị định của Chính phủ số 126/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều và biện pháp thi hành Luật hôn nhân và gia đình.
(8). Về trích xuất phạm nhân, xem: Điều 35 Luật thi hành án hình sự năm 2010, Điều 9 Nghị định của Chính phủ số 113/2008/NĐ-CP ngày 18/8/2008 về ban hành Quy chế trại giam, Thông tư liên tịch số 04/2013/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC
ngày 30/5/2013 hướng dẫn thực hiện trích xuất phạm nhân ra khỏi trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ phục vụ điều tra.
(9).Xem: Duyên Nguyễn, Phạm nhân tổ chức đám cưới linh đình trong nhà tù, http://vnexpress.net/tin- tuc/the-gioi/cuoc-song-do-day/pham-nhan-to-chuc- dam-cuoi-linh-dinh-trong-nha-tu-3311713.html, truy cập ngày 14/11/2015.
(10).Xem: Tuyên ngôn thế giới về quyền con người được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 10/12/1948. Từ Điều 1 đến Điều 21, Tuyên ngôn đề cập nhóm quyền dân sự, chính trị mà con người phải được hưởng, gồm: Quyền sống, quyền tự do và an ninh cá nhân (Điều 3); quyền không bị làm nô lệ hoặc nô dịch (Điều 4); quyền không bị tra tấn, bị đối xử hay trừng phạt vô nhân đạo (Điều 5); quyền được thừa nhận tư cách một con người trước pháp luật (Điều 6); quyền bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ (Điều 7); quyền được toà án bảo vệ khỏi những hành vi vi phạm quyền con người (Điều 8); quyền không bị bắt, giam giữ hay đầy ải vô cớ (Điều 9); quyền được xét xử công bằng và công khai trước một toà án độc lập, không thiên vị (Điều 10); quyền được pháp luật bảo vệ không bị can thiệp vào đời tư, gia đình, chỗ ở hoặc thư tín, không bị xâm hại danh dự hay uy tín cá nhân (Điều 12); quyền tự do đi lại và cư trú
(Điều 13); quyền tị nạn (Điều 14); quyền có quốc tịch
(Điều 15); quyền tự do kết hôn và xây dựng gia đình
(Điều 16); quyền sở hữu tài sản riêng (Điều 17); quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo (Điều 18); quyền tự do ngôn luận, tự do biểu đạt (Điều 19); quyền tự do hội họp và lập hội (Điều 20); quyền tham gia quản lí đất nước và xã hội (Điều 21)…
Theo: Nguyễn Sơn Hàn – Tạp chí luật học số 12/2015
Để lại một phản hồi