Chủ nghĩa hợp hiến là gì? Liên hệ với hiến pháp như thế nào?

hien-phap

Chủ nghĩa hợp hiến là gì? Liên hệ với hiến pháp như thế nào?

 

Các nội dung liên quan:

 

Chủ nghĩa hợp hiến là gì?

Theo Từ điển Stanford (Stanford Encyclopedia of Philosophy), chủ nghĩa hợp hiến (constitutionalism, còn được gọi là chủ nghĩa lập hiến, chủ nghĩa hiến pháp) là một tư tưởng xuất phát từ các học thuyết chính trị của John Locke và những người sáng lập ra Hiến pháp Mỹ, theo đó quyền lực chính quyền cần phải được giới hạn về mặt pháp lý và chính phủ phải tuân thủ những giới hạn đó trong hoạt động. Theo một định nghĩa khác, chủ nghĩa hợp hiến có nghĩa là “một tập hợp ý tưởng, thái độ và khuôn mẫu hành động phản ánh nguyên tắc là thẩm quyền của chính phủ xuất phát từ người dân và bị giới hạn bởi hiến pháp[7].

Chủ nghĩa hợp hiến liên hệ với hiến pháp như thế nào?

Có thể thấy chủ nghĩa hợp hiến và hiến pháp có mối quan hệ không tách rời. Tất cả những đặc điểm bản chất của chủ nghĩa hợp hiến, từ quyền lực tối cao của nhân dân, giới hạn của quyền lực nhà nước và việc giám sát, kiểm soát quyền lực…đều được thể hiện trong hiến pháp. Chính vì vậy, có quan điểm cho rằng, chủ nghĩa hợp hiến (hiểu theo khái niệm miêu tả) thực chất là một định chế chính trị được xây dựng vận hành dựa trên một đạo luật tối cao là hiến pháp[8].

Chủ nghĩa hợp hiến giúp giải quyết tình thế luẩn quẩn của nhân loại mà một tác giả đã chỉ ra, đó là: “Bất cứ thiết chế nào sử dụng đủ quyền lực để bảo vệ tôi khỏi bị hàng xóm cướp bóc, tất có thể sử dụng đủ quyền lực để phá hủy hoặc nô lệ hóa tôi[9]. Nói cách khác, một khi chúng ta được giải thoát khỏi tình trạng vô chính phủ thì rất có thể sẽ sớm bị kìm kẹp bởi một chính thể chuyên chế. Bằng việc ấn định rạch ròi những giới hạn quyền lực của chính quyền và thiết lập những cơ chế để giám sát, ngăn ngừa sự lạm dụng quyền lực đó, chủ nghĩa hợp hiến là công cụ giúp nhân loại giải quyết nghịch lý này.

Tuy nhiên, cần thấy rằng tuy gắn liền với hiến pháp, song không phải mọi quốc gia có hiến pháp thành văn đều thực thi chủ nghĩa hợp hiến, trong khi có những quốc gia có hiến pháp không thành văn, tiêu biểu như nước Anh, lại rất tuân thủ những nguyên tắc này. Nói cách khác, khi nói đến chủ nghĩa hợp hiến, điều quan trọng nhất không phải là có một bản hiến pháp, mà là văn hóa, truyền thống chính trị của một quốc gia cho phép bảo đảm rằng chính quyền chỉ có thể làm những gì trong giới hạn được nhân dân cho phép.

Một điểm nữa là những chế định về giới hạn quyền lực trong hiến pháp thường không đủ để ngăn chặn sự lạm dụng quyền lực của chính quyền. Chính vì vậy, hiến pháp cần có thêm những quy phạm khác để phòng ngừa những hành vi vi hiến – mà thực chất là sự phá hoại chủ nghĩa hợp hiến. Theo nghĩa đó, một tác giả cho rằng, chủ nghĩa hợp hiến cần gồm các yếu tố: (1) Chính quyền phù hợp với hiến pháp; (2) Phân chia quyền lực; (3) Chủ quyền của nhân dân và chính quyền dân chủ; (4) Giám sát pháp lý; (5) Cơ quan tư pháp độc lập; (6) Chính quyền bị hạn chế bởi Đạo luật về quyền; (7) Kiểm soát cảnh sát; (8) Quân đội nằm dưới sự điều khiển của dân sự; và (9) Không quyền lực nào của nhà nước có thể đình chỉ hoạt động của một phần hoặc toàn bộ hiến pháp[10].


[7] Don E. Fehrenbacher, Sectional Crisis and Southern Constitutionalism, Louisiana State University Press, 1995.

[8] Giovanni Sartori, The Theory of Democracy Revisited, Chatham House Publishers, 1987, tr.309. | 35

[9] 9 Janes Holmes, Women, Men, and Politeness, Language Arts & Disciplines, 1995, tr.270-271.

[10] Xem Louis Henkin, 2000 (trích từ Bo Li, What is Constitutionalism? Perspectives, Vol. 1, No. 6, h￿ p:// w w w. o y c f . o r g / Pe r s p e c t i ve s 2 / 6 _ 0 6 3 0 0 0 / w h a t _ i s _ constitutionalism.htm.

đánh giá bài viết

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Nếu cần BQT hỗ trợ gấp, vui lòng liên hệ hotline 1900.0164 bấm phím 0.