“Chồng ép vợ quan hệ tình dục” dưới góc nhìn pháp lý và thực tiễn

Chuyên mụcLuật hình sự, Thảo luận pháp luật Có chuyện chồng hiếp dâm vợ hay không

I. “Chồng ép vợ quan hệ tình dục” trong thực tiễn

Thời gian gần đây trên các diễn đàn liên quan đến pháp luật một vấn đề pháp lý khá hay được các thành viên tham gia chia sẻ để cùng bàn luận: Có chuyện chồng hiếp dâm vợ hay không? Câu hỏi này hiện vẫn chưa có một câu trả lời nào mang tính chính thống và hiện vẫn còn nhiều quan điểm trái chiều nhau. Trong thực tiễn xét xử chưa có một bản án nào liên quan đến vấn đề này, có thể là do chưa có một người vợ nào đệ đơn tố cáo chồng mình về hành vi cưỡng ép quan hệ tình dục. Nhưng hãy giả định rằng, một ngày nào đó cơ quan chức năng nhận được tố cáo như vậy thì họ sẽ giải quyết như thế nào? Khả năng này là hoàn toàn có thể xảy ra, vì thế việc cùng nhau chia sẻ quan điểm pháp lý liên quan đến vấn đề này vẫn là việc nên làm. Tác giả mong muốn đóng góp một phần quan điểm cá nhân thông qua bài viết này để bạn đọc cùng nhau tham khảo, rộng đường tranh luận.

II. Vẫn còn nhiều luồng quan điểm khác nhau về chuyện “Chồng ép vợ quan hệ tình dục”

1. Không phạm tội hiếp dâm

Khoản 1 Điều 141 Bộ Luật Hình sự 2015 (đã được sửa đổi năm 2017) quy định về Tội hiếp dâm như sau: Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

Những người theo luồng quan điểm này cho rằng, chồng không thể hiếp dâm vợ vì chủ thể “người nào” trong Điều luật này không bao gồm trong quan hệ vợ chồng đã được điều chỉnh theo Luật hôn nhân gia đình 2014.[1]

Quan hệ vợ chồng đã được Pháp luật công nhận dựa trên Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn do Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp. Do đó, trong quan hệ vợ chồng chung sống trong một nhà thì việc quan hệ tình dục là sự mặc nhiên được pháp luật và xã hội thừa nhận. Đó là một nhu cầu tất yếu của vợ chồng nhằm duy trì quan hệ hôn nhân để phát triển xã hội.

Nếu vợ hoặc chồng đòi hỏi nhưng đối tác không đáp ứng nhu cầu tình dục và sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để đạt được mục đích quan hệ thì cũng không thể coi đó là hành vi hiếp dâm.

Đó chỉ là hành vi phạm nghĩa vụ tôn trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín của vợ/chồng theo Điều 21 Luật hôn nhân và gia đình “Vợ, chồng có nghĩa vụ tôn trọng, giữ gìn và bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín cho nhau”.

2. Phạm tội hiếp dâm

Quan điểm này lập luận khá đơn giản, cũng dựa vào chủ thể “người nào” của Tội hiếp dâm nhưng với cách hiểu hoàn toàn khác. ‘Người nào” ở đây được hiểu là bất kỳ người nào mà không phân biệt giữa họ có hay không có quan hệ hôn nhân. Do đó, nếu chồng có hành vi cưỡng dâm hay hiếp dâm vợ thì cũng có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội này.[2]

So sánh với quan điểm không phạm tội hiếp dâm thì quan điểm này có phần nhỉnh hơn và được nhiều hơn số thành viên tán đồng (theo khảo sát và cảm nhận chủ quan của tác giả khi đọc và tham gia trên một số diễn đàn pháp luật).

3. Phạm một tội khác

Theo quan điểm của Luật sư Nguyễn Danh Thơm nói trên, nếu người vợ, chồng thường xuyên dùng vũ lực, đe dọa ép buộc nhau quan hệ tình dục trái ý muốn hoặc hành hạ cả thể chất lẫn tinh thần  Nếu có đơn đề nghị xử lý thì hành vi này có chăng sẽ cấu thành Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mìnhTội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 185 BLHS 2015 là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.

Quan điểm khác lại cho rằng sẽ phạm Tội cưỡng dâm quy định tại Điều 143 Bộ Luật Hình sự 2015. Quan điểm này cho rằng mối quan hệ vợ chồng đã là một điều gì đó ràng buộc trách nhiệm của đôi bên, có thể nói rằng đã có một sự lệ thuộc nhất định. Khi quan hệ vẫn là tự nguyện nhưng sự tự nguyện này là miễn cưỡng đủ yếu tố cấu thành tội cưỡng dâm.

III. Quan điểm của tác giả

1. Xét về mặt chủ thể

“Người nào” quy định trong cấu thành của Tội hiếp dâm không hề loại trừ bất kỳ chủ thể nào, không phân biệt giới tính, càng không thể loại trừ mối quan hệ vợ, chồng khỏi phạm vi điều chỉnh của Điều luật này.

Các mối quan hệ xã hội được pháp luật hình sự bảo vệ và các mối quan hệ xã hội thuộc lĩnh vực hôn nhân gia đình bảo vệ hoàn toàn có thể trùng nhau, chỉ khác nhau về mức độ xâm phạm và mức độ bảo vệ. Việc loại trừ lẫn nhau là điều bất hợp lý. Ví dụ, có rất nhiều hành vi vi phạm quy định Luật phòng chống bạo lực gia đình như hành vi: hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng; Rõ ràng nếu những hành vi này ở mức độ nhẹ có thể xử phạt hành chính nhưng nếu ở mức độ nặng hơn hoàn toàn có thể xử lý hình sự về Tội cố ý gây thương tích hay thậm chí là Tội giết người. Chúng ta không thể lập luận rằng do những người này có quan hệ vợ chồng, cha, mẹ, con nên không thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật hình sự được.

2. Xét về mặt hành vi

Hành vi trong cấu thành tội phạm của Tội hiếp dâm theo quy định tại Điều 141 Bộ Luật Hình sự 2015 bao gồm: dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác….

Những hành vi được kể trên là những hành vi mà người chồng hoàn toàn có thể thực hiện trên thực tế một khi đã muốn quan hệ tình dục. Một khi người chồng thực hiện một trong các hành vi trên là đã thỏa mãn dấu hiệu về mặt hành vi của Tội hiếp dâm. Tuy nhiên do tính chất tương đối đặc biệt trong mối quan hệ vợ, chồng nên vẫn cần phải xét đến mức độ nghiêm trọng của hành vi trong tương quan với sự tự nguyện của người vợ để xác định rằng có hay không hành vi phạm tội.

3. Xét về sự tự nguyện của người vợ

Như tình huống đã nêu ra ngay từ đầu, chắc chắn một điều là người vợ đã không tự nguyện. Tuy nhiên chúng ta không nên cứng nhắc đến mức chỉ có sự không tự nguyện thì sẽ kết luận rằng đã thực hiện hành vi “trái với ý muốn của nạn nhân” mà theo tác giả phải xét đến mức độ nghiêm trọng về hành vi vũ lực của người chồng cũng như sự chống trả từ phía người vợ, để có các biện pháp xử lý sau:

Xử lý hành chính

Cưỡng ép quan hệ tình dục là một trong những hành vi được xem là bạo lực gia đình, quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều 2 Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2007. Biện pháp xử lý này theo tác giả sẽ áp dụng nếu người chồng nhiều lần thực hiện hành vi cưỡng ép nhưng mức độ nghiêm trọng không cao và người vợ vì không muốn làm chồng mình buồn nên chấp nhận quan hệ mặc dù vẫn có khả năng từ chối.

Xử lý hình sự

Truy tố Tội cưỡng dâm, nếu hành vi sử dụng vũ lực hoặc thủ đoạn khác của người chồng ở mức nghiêm trọng, dẫn đến người vợ không còn cách nào khác mà miễn cưỡng chấp nhận quan hệ. Ví dụ: Nếu người vợ không đồng ý quan hệ chồng sẽ không đưa tiền để chi tiêu trong gia đình (giả định chỉ có chồng tạo ra thu nhập chẳng hạn v.v…) – tác giả không cho rằng vợ, chồng phải có nghĩa vụ đáp ứng nhu cầu tình dục của nhau theo sự ràng buộc từ phía pháp luật mà xuất phát từ vấn đề đạo đức.

Truy tố Tội Hiếp dâm,  trong trường hợp người vợ đã chống trả quyết liệt nhưng người chồng vẫn cố tình thực hiện cho bằng được hành vi của mình. Khi này hoàn toàn hội tụ đủ các yếu tố để cấu thành Tội hiếp dâm.

Kết luận: Việc chồng ép buộc vợ quan hệ tình dục trái ý muốn sẽ tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể mà xử phạt hành chính về hành vi bạo lực gia đình hoặc truy tố về Tội cưỡng dâm, Tội hiếp dâm theo quy định của Bộ Luật Hình sự.

Tác giả: Trương Tường / Uselaw.vn


[1] Theo quan điểm của Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn Luật sư Tp. Hà Nội) chia sẻ trên vov.vn, link bài viết:  https://vov.vn/phap-luat/tu-van-luat/vo-chong-ep-nhau-quan-he-tinh-duc-co-pham-toi-hiep-dam-715881.vov

[2] Tham khảo bài viết trả lời của luatgiaiphong.com tại link sau đây: http://luatgiaiphong.com/hoi-dap-phap-luat-hinh-su/1302-chong-hiep-cuong-dam-vo

đánh giá bài viết

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền