Câu hỏi về tính pháp lý của “đường lưỡi bò liền nét” trên Biển Đông

Chuyên mụcBạn có biết?, Thảo luận pháp luật Đường lưỡi bò liền nét

Câu chuyện về tuyên bố gây ồn ào dư luận gần đây của một số nhà nghiên cứu Trung Quốc về một bản đồ với “đường lưỡi bò liền nét” cho thấy tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc chưa bao giờ phai nhạt, dù họ đã bị dội một gáo nước lạnh với phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016. Đến nay, Trung Quốc vẫn ráo riết tìm mọi cách để biến “đường lưỡi bò” thành hiện thực. Một trong những cách đó là “phát hiện” ra bản đồ có “đường lưỡi bò liền nét” mà họ cho rằng đã xuất bản từ năm 1951. Tuy nhiên, bản chất của yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc không có tính chất pháp lý, nên những biện minh của họ không được luật pháp quốc tế chấp nhận.

 

Các bài viết liên quan:

 

Abstract: The recently controversial statements by a number of Chinese researchers on a map with a “cow-tongue shaped line” indicate that China’s ambition to occupy the South China Sea has never faded though it was ripped off by a cup of iced water ruling with the verdict of the Court of Arbitration in 2016. So far, China has been aggressively making its every effort to turn the “cow-tongue shaped line” into reality. One of those ways is its “discovery” of a map with a “solid line”, for which it claims the publishment of 1951. However, the nature of China’s claim of the “cow-tongue shaped line” is never besed on legal ground and its legitimacy is never accepted upon the international laws.

 

1. Giới thiệu

Câu chuyện về “đường lưỡi bò” – yêu sách của Trung Quốc trên biển Đông tưởng chừng đã chìm vào quá khứ sau Phán quyết của Hội đồng Trọng tài trong vụ Philippines kiện Trung Quốc năm 2016. Trong Phán quyết này, Tòa Trọng tài bác bỏ cái gọi là “quyền lịch sử” của Trung Quốc tại vùng biển bên trong “đường lưỡi bò”. Tuy nhiên gần đây, các nhà nghiên cứu Trung Quốc lại đề cập đến “đường lưỡi bò” dưới một hình dạng mới.

Tờ báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng mới đây tiết lộ rằng, một dự án nghiên cứu hải dương của Trung Quốc chủ trương vạch ra “đường biên giới mới” trên Biển Đông, nhằm “tạo điều kiện cho nghiên cứu” về tài nguyên và “gia tăng sức nặng” cho các đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh tại khu vực biển này[1]. Đường biên giới được đề xuất có hình dạng của một đường liền mạch chính xác hợp vào với “đường lưỡi bò” hay còn gọi là đường chữ U, đường chín đoạn vốn vạch ra một vùng rộng lớn mà Trung Quốc tuyên bố lập lờ về chủ quyền tại khu vực Biển Đông giàu tài nguyên khoáng sản và năng lượng. Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng dẫn lời một nhà khoa học kỳ cựu tham gia dự án nghiên cứu khoa học tự nhiên tại khu vực tranh chấp do Chính phủ Trung Quốc tài trợ cho biết: “đường lưỡi bò liền nét” sẽ mang lại sự diễn giải rõ ràng hơn về những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc.

Cũng theo tờ báo này, đường biên giới mới sẽ chia tách Vịnh Bắc Bộ giữa Trung Quốc và Việt Nam, chạy xuống phía Nam vào vùng biển do Malaysia tuyên bố chủ quyền, rồi quay một vòng chữ U lên phía Bắc dọc theo bờ biển phía Tây của Philippines và kết thúc ở Đông Nam Đài Loan[2]. Đường này bao trùm các nhóm cấu trúc trên biển Đông, bao gồm Quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, Bãi cạn James và Bãi cạn Scarborough. Đường này nếu được chấp nhận, có thể tạo cớ cho Trung Quốc đòi hỏi quyền thực hiện các hành vi như đánh bắt cá, thăm dò và khai thác các nguồn năng lượng và khoáng sản, cũng như xây dựng các căn cứ quân sự trong vùng biển bên trong nó[3]. Các nhà nghiên cứu trên của Trung Quốc còn tuyên bố nghiên cứu của họ dựa trên một bản đồ thể hiện “đường lưỡi bò liền nét” được xuất bản từ năm 1951[4].

Mặc dù đây chỉ là dự án nghiên cứu của một số học giả Trung Quốc về “đường lưỡi bò”, nhưng “đường lưỡi bò” là một vấn đề rất đáng lưu tâm, vì nó chiếm một phần quan trọng trong tranh chấp Biển Đông, và Việt Nam là một bên tham gia trực tiếp trong tranh chấp này. Chính vì vậy, cần phân tích hai vấn đề chính: thứ nhất, tại sao phía Trung Quốc lại tung ra tin tức về nghiên cứu trên vào thời điểm hiện tại; thứ hai, tính chất pháp lý của việc đưa ra bản đồ đường liền nét, “dựa trên một bản đồ đã có từ năm 1951”.

2. Tại sao Trung Quốc lại tung ra nghiên cứu“bản đồ hình đường lưỡi bò liền nét”vào lúc này?

Có thể nói rằng, đây là nỗ lực mới nhất của Bắc Kinh nhằm khôi phục hình ảnh của mình sau thất bại pháp lý vào năm 2016 trong vụ kiện của Philippines tại Tòa Trọng tài quốc tế ở La Haye. Bắc Kinh phủ nhận phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế, coi phán quyết chỉ là “một tờ giấy lộn” và “hoàn toàn vô giá trị”[5]. Về mặt chính thức, chính quyền Bắc Kinh áp dụng chính sách “ba không”: không tham gia (quá trình phân xử), không thừa nhận (tính hợp pháp của tòa), và không tuân thủ (phán quyết). Tuy nhiên, từ sau phán quyết, Trung Quốc âm thầm điều chỉnh các căn cứ cho tuyên bố chủ quyền của mình bằng việc liên tục đưa ra các tài liệu pháp lý đối với tấm bản đồ có “đường 9 đoạn”. Năm 2017, các học giả nước này đưa ra một học thuyết mới, cụ thể là khái niệm “Tứ Sa” về Biển Đông[6]. Trong học thuyết này, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với Quần đảo Pratas, Quần đảo Hoàng Sa, Quần đảo Trường Sa và Bãi ngầm Mcclesfield với tên gọi lần lượt là Đông Sa, Tây Sa, Nam Sa và Trung Sa. Thay vì được xem là một nhóm các thực thể tranh chấp, Trung Quốc coi mỗi nhóm đảo và đá ngầm trên là một quần đảo gồm nhiều thực thể khác nhau, với ranh giới biển cụ thể, có chủ quyền và quyền được xác lập xung quanh đó một vùng đặc quyền kinh tế.

Học thuyết về “Tứ Sa” của một số nhà nghiên cứu Trung Quốc đã bị giới khoa học quốc tế phản đối và chỉ trích[7]; vì vậy, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đang “nỗ lực” tìm kiếm các cách giải thích pháp lý mới cho tham vọng này của Trung Quốc. Điều đó dẫn đến việc “phát hiện” một bản đồ có “đường lưỡi bò liền nét” như đã nêu.

Các chuyên gia pháp lý quốc tế như giáo sư Julian Ku[8], học giả Chris Mirasola[9]… khẳng định rằng, “các tuyên bố pháp lý mới của Trung Quốc cũng chẳng có nhiều giá trị hơn các tuyên bố về đường 9 đoạn trước đây”[10].

Thực chất, “tấm bản đồ mới” mà các học giả Trung Quốc đưa ra chỉ là một nỗ lực “bình mới rượu cũ” cho tham vọng chiếm đoạt toàn bộ khu vực Biển Đông của Chính phủ Trung Quốc.

3. Tính chất pháp lý của đường liền nét dưới góc độ luật pháp quốc tế

Giả định rằng bản đồ này là có thật, cùng với nghiên cứu như đã nêu của các học giả Trung Quốc, vấn đề cần quan tâm là tính chất pháp lý của “đường lưỡi bò liền nét”. Để khẳng định giá trị pháp lý của “đường lưỡi bò liền nét”, chúng ta cần tìm câu trả lời cho ba vấn đề sau: thứ nhất, bản đồ “đường lưỡi bò liền nét” có tạo ra một yêu sách chính thức về lãnh thổ của Chính phủ Trung Quốc hay không?; thứ hai, hàm ý của các nhà nghiên cứu Trung Quốc tuyên bố nghiên cứu về đường liền nét dựa trên một bản đồ có từ năm 1951; thứ ba, “đường lưỡi bò liền nét” có thể trở thành “đường biên giới quốc gia trên biển” của Trung Quốc hay không?

Bản đồ “đường liền nét” có phải là một yêu sách lãnh thổ của Chính phủ Trung Quốc?

Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần tìm hiểu thực tiễn pháp lý. Trong vụ Burkina Faso/Mali, Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) đã giải thích “rõ ràng”[11] về giá trị bằng chứng của các bằng chứng là bản đồ rằng:

“Các bản đồ chỉ có giá trị cung cấp thông tin, mà độ chính xác thay đổi theo từng vụ án; bản thân các bản đồ và chỉ riêng sự tồn tại của các bản đồ không thể cấu thành nên danh nghĩa lãnh thổ mà phải là một tài liệu có hiệu lực pháp lý theo luật quốc tế nhằm mục đích thiết lập các quyền lãnh thổ. Tất nhiên, trong một số trường hợp, các bản đồ có thể đạt được hiệu lực pháp lý đó, nhưng phải là khi hiệu lực pháp lý đó không chỉ phát sinh từ nội dung của chính bản đồ đó, mà phải là do các bản đồ đó thể hiện ý chí của quốc gia hay các quốc gia liên quan. Ví như trường hợp các bản đồ là phụ lục của một văn bản chính thức, cấu thành một bộ phận không thể tách rời của văn bản đó. Ngoại trừ trong trường hợp rõ ràng này, các bản đồ chỉ là bằng chứng có giá trị hình thức với mức độ tin cậy thay đổi theo từng trường hợp có thể được sử dụng cùng các bằng chứng cứ gián tiếp khác để thiết lập hay khôi phục lại các sự kiện trên thực tế”[12].

“Ngoại trừ khi các bản đồ thể hiện ý chí của quốc gia, bản thân các bản đồ không thể được xem là bằng chứng cho một đường biên giới, bởi vì nếu không các bản đồ đó sẽ tạo nên một giả thiết không thể bác bỏ được, thực tế có giá trị ngang với một danh nghĩa pháp lý. Giá trị duy nhất của các bản đồ này là một loại bằng chứng mang tính bổ trợ hay xác nhận, và điều này cũng có nghĩa là các bản đồ đó không thể tạo nên một giả thiết có thể bác bỏ hay tranh cãi (juris tantum) nhằm tạo ra một sự đảo ngược giá trị của một bằng chứng”[13].

Quan điểm trên cũng nhận được sự nhất trí cao của các học giả luật quốc tế khác[14]. Thêm nữa, trong phán xử vụ Kasikili/Sedudu, Thẩm phán Oda đã đưa ra ý kiến riêng của mình: “Một yêu sách lãnh thổ chỉ có thể được đưa ra với ý định rõ ràng của chính phủ, điều có thể được phản ánh qua các bản đồ. Bản thân bản đồ, nếu không có các bằng chứng hỗ trợ khác không thể biện hộ cho một yêu sách chính trị”[15].

Các vụ án nêu trên cho thấy, nếu các nhà nghiên cứu Trung Quốc chỉ dựa trên một bản đồ (chúng ta chưa rõ tính trung thực của nó) nhưng không có sự tuyên bố rõ ràng rằng bản đồ đó thể hiện yêu sách của Chính phủ Trung Quốc, thì nó không thể gọi là một yêu sách về lãnh thổ. Yêu sách lãnh thổ phải được công khai, rõ ràng với tuyên bố chính thức của nhà nước Trung Quốc, chứ không phải sản phẩm của các nhà “nghiên cứu” của Trung Quốc.

Hàm ý của “đường liền nét” dựa trên bản đồ xuất bản năm 1951

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc trong trường hợp này đã cho biết là họ “mới phát hiện” ra một bản đồ có “đường lưỡi bò liền nét” được xuất bản từ 1951. Với mốc năm 1951, có vẻ các nhà nghiên cứu Trung Quốc muốn bản đồ “phù hợp” với các tuyên bố trước đây của Chính phủ Trung Quốc về “quyền lịch sử” đối với vùng biển bên trong cái gọi là “đường lưỡi bò liền nét”[16], vì thời điểm này xuất hiện trước khi Công ước Luật Biển năm 1982 được ký kết. Từ khi Công ước Luật Biển năm 1982 được ký kết và có hiệu lực, mọi khái niệm về quyền và lợi ích biển của các quốc gia ven biển đều được quy định trong Công ước. Công ước Luật Biển năm 1982 được coi là “Hiến pháp về Biển và Đại dương” trên phạm vi toàn thế giới. Nếu dựa trên Công ước Luật Biển 1982 thì Trung Quốc không thể biện minh cho “đường lưỡi bò” của họ. Do đó, để bác bỏ việc áp dụng Công ước Luật Biển 1982, Trung Quốc đưa ra yêu sách về “quyền lịch sử” của họ từ năm 1951 trên vùng biển trong “đường lưỡi bò liền nét” nhằm giữ các đặc quyền ưu tiên của Trung Quốc đối với các tài nguyên trong vùng biển này trước khi có sự ra đời của Công ước Luật Biển năm 1982.

Tuy nhiên, trên thực tế, ngày 12/7/2016, Tòa Trọng tài trong vụ Philippines kiện Trung Quốc đã phán quyết về vấn đề này như sau: “Trong phạm vi quyền lịch sử của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên trong các vùng biển ở Biển Đông, quyền này bị xóa bỏ do chúng không phù hợp với chế định vùng đặc quyền kinh tế trong Công ước. Toà cũng nhận thấy dù trong lịch sử, những người đi biển cũng như ngư dân từ Trung Quốc cũng như từ các nước khác đã sử dụng các đảo tại Biển Đông nhưng không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy về mặt lịch sử Trung Quốc đã chỉ một mình thực hiện việc kiểm soát vùng nước này cũng như tài nguyên tại đây. Vì vậy, Toà kết luận, không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong đường chín đoạn”[17].

“Đường lưỡi bò liền nét” có thể là “đường biên giới quốc gia của Trung Quốc” trên biển Đông?

Trước đây, các nhà nghiên cứu quốc tế cho rằng, “đường lưỡi bò” được vẽ tùy tiện, không có tọa độ để xác định và là một đường đứt khúc nên không thể hiện được là một đường biên giới nghiêm chỉnh[18]. Để khắc phục những điểm yếu này; gần đây các nhà nghiên cứu Trung Quốc được sự hỗ trợ từ Chính phủ nước họ đã rất cố gắng để “phát hiện” bản đồ liền nét.

Đề cập đến vấn đề này, chúng ta trở lại vụ Philippines kiện Trung Quốc trước Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Luật Biển năm 1982.

Trong quá trình tranh luận trước Tòa, các luật sư của Philippines chứng minh rằng: Trung Quốc có một số cách diễn giải về “đường lưỡi bò”. Một trong các sự diễn giải đó chính là coi “đường lưỡi bò” là “đường biên giới quốc gia trên biển” của Trung Quốc. Tuy nhiên, dựa trên các tuyên bố chính thức của Chính phủ Trung Quốc, đặc biệt giai đoạn từ năm 2014 đến nay, Chính phủ Trung Quốc đã chính thức tuyên bố “thừa nhận và tôn trọng quyền tự do hàng hải và tự do hàng không mà luật quốc tế yêu cầu bên trong đường chín đoạn”[19]. Bằng việc thừa nhận chính thức quyền tự do hàng hải và tự do hàng không bên trong “đường lưỡi bò”, Chính phủ Trung Quốc gián tiếp bác bỏ việc coi đường này là đường biên giới quốc gia, cho dù nó là đứt khúc hay liền nét. Bởi lẽ, theo quy định của luật pháp quốc tế, không thể có tự do hàng hải và tự do hàng không trong khu vực biển nằm bên trong đường biên giới quốc gia. Lập luận này của phía Philippines đã được Tòa chấp thuận.

Như vậy, trong tuyên bố chính thức của Chính phủ Trung Quốc, nước này đã gián tiếp bác bỏ một “đường biên giới quốc gia trên biển”, dù các nhà nghiên cứu Trung Quốc chứng minh đó là “đường biên giới quốc gia”. Trong luật quốc tế, tuyên bố chính thức của một chính phủ về lãnh thổ thường có sức mạnh pháp lý mạnh hơn phát biểu của các nhà nghiên cứu.

4. Kết luận

Câu chuyện về tuyên bố gây ồn ào dư luận gần đây của một số nhà nghiên cứu Trung Quốc về một bản đồ với “đường lưỡi bò liền nét” cho thấy tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc chưa bao giờ phai nhạt, dù họ đã bị dội một gáo nước lạnh với phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016. Đến nay, Trung Quốc vẫn ráo riết tìm mọi cách để biến “đường lưỡi bò” thành hiện thực. Một trong những cách đó là “phát hiện” ra bản đồ có cái gọi là  “đường lưỡi bò liền nét” mà họ cho rằng bản đồ đó đã xuất bản từ năm 1951. Tuy nhiên, bản chất của yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc không có tính chất pháp lý, nên những biện minh của họ không – và sẽ không bao giờ – được luật pháp quốc tế chấp nhận./.

 

Bài viết được đăng trên Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số14, kỳ 2 tháng 7/2018

[1] http://www.scmp.com/news/china/society/article/2141323/chinas-claims-south-china-sea-proposed-continuous-boundary-first.

[2]Như chú thích 1.

[3]Như chú thích 1.

[4]http://engine.scichina.com/publisher/scp/journal/CSB/63/9/10.1360/N972017-00440?slug=full%20text

[5]http://www.xinhuanet.com/english/2016-07/12/c_135507844.htm; xem thêm Michael D. Swaine, Chinese Views on the South China Sea Arbitration Case between the People’s Republic of China and the Philippines, https://www.hoover.org/sites/default/files/research/docs/clm51ms.pdf.

[6]http://freebeacon.com/national-security/beijing-adopts-new-tactic-s-china-sea-claims/?utm_source=Freedom+Mail&utm_campaign=8ecc33a1cd-EMAIL_CAMPAIGN_2017_09_21&utm_medium=email&utm_term=0_b5e6e0e9ea-8ecc33a1cd-46149317; https://www.lawfareblog.com/south-china-sea-and-chinas-four-sha-claim-new-legal-theory-same-bad-argument

[7]https://www.lawfareblog.com/south-china-sea-and-chinas-four-sha-claim-new-legal-theory-same-bad-argument.

[8] Giáo sư Julian Ku hiện đang làm việc tại Đại học Hofstra, nước Mỹ.

[9] Học giả Chris Mirasola đang công tác tại Đại học Harvard, nước Mỹ.

[10]http://nationalinterest.org/blog/the-buzz/chinas-new-map-aims-extend-south-china-sea-claims-25628.

[11]Anna Riddell & Brendan Plant, Evidence Before the International Court of Justice, London, British Institute of International and Comparative Law, 2009, tr. 31.

[12]http://www.icj-cij.org/files/case-related/69/069-19861222-JUD-01-00-EN.pdf, đoạn 54.

[13]http://www.icj-cij.org/files/case-related/69/069-19861222-JUD-01-00-EN.pdf, đoạn. 56.

[14]Sakeus Akweenda, “The Legal Significance of Maps in Boundary Questions: A reappraisal with Particular Emphasis on Namibia”, British Yearbook of International Law, vol. 60, 1990, p. 212; A.O. Cukwurah, The Settlement of Boundary Disputes in International Law, Manchester, Manchester University Press, 1967,            pp. 224-225; Hyde, như ghi chúError! Bookmark not defined., pp. 313-315; Victor Prescott & Gillian D. Triggs, International Frontiers and Boundaries: Law, Politics and Geography, Leiden, Nijhoff, 2008, pp. 194-195; Durward V. Sandifer, Evidence before International Tribunals, 2nd ed., Charlottesville, University Press of Virginia, 1975, p. 235; Guenter Weissberg, “Maps as Evidence in International Boundary Disputes: A Reappraisal”, American Journal of International Law, vol. 57, 1963, tr. 781.

[15]http://www.icj-cij.org/files/case-related/98/098-19991213-JUD-01-04-EN.pdf, para. 40, tr. 1134.

[16] Ministry of Foreign Affairs of the People’s Republic of China, Statement of the Ministry of Foreign Affairs of the People’s Republic of China on the Award on Jurisdiction and Admissibility of the South China Sea Arbitration by the Arbitral Tribunal Established at the Request of the Republic of the Philippines (30 Oct. 2015), para. I; Z. Gao and B.B. Jia, “The Nine-Dash Line in the South China Sea: History, Status, and Implications”, American Journal of International Law, Vol. 107, No. 1 (2013), tr. 123-124.

[17]Thông báo về vụ Philippines kiện Trung Quốc: https://pca-cpa.org/wp-content/uploads/sites/175/2016/07/PH-CN-20160712-Press-Release-No-11-English.pdf, tr. 9.

[18] Yann-huei Song , and Peter Kien-hong Yu, China’s “historic waters” in the South China Sea: an analysis from Taiwan, R.O.C.American Asian Review Vol. 12, N.. 4, Winter, 1994 (pp. 83-101), http://paracelspratlyislands.blogspot.com/2008/01/chinas-historic-waters-in-south-china.html.

[19]Xem tại: The People’s Republic of China, Position Paper of the Government of the People’s Republic of China on the Matter of Jurisdiction in the South China Sea Arbitration Initiated by the Republic of the Philippines (7 Dec. 2014) (hereinafter “China’s Position Paper”), para. 28Ministry of Foreign Affairs of the People’s Republic of China, Foreign Ministry Spokesperson Hua Chunying’s Regular Press Conference on November 5, 2015 (5 Nov. 2015); Ministry of Foreign Affairs of the People’s Republic of China, Vice Foreign Minister Zhang Yesui Makes Stern Representations to US over US Naval Vessel’s Entry into Waters near Relevant Islands and Reefs of China’s Nansha Islands (October 27, 2015).

 

Hoàng Việt, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh

đánh giá bài viết

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền