Căn cứ xác lập Quyền dân sự theo quy định của BLDS 2015

Chuyên mụcLuật dân sự luat

Quyền dân sự là gì?

Quyền dân sự được hiểu là khả năng được phép xử sự theo một cách nhất định của chủ thể trong quan hệ dân sự để thực hiện, bảo vệ lợi ích của mình. Và theo pháp luật dân sự Việt Nam thì quyền dân sự bao gồm: (1) quyền về nhân thân và (2) quyền về tài sản. Điều 2 Bộ luật dân sự (BLDS) 2015 cũng khẳng định: các quyền dân sự được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Mặt khác, quyền dân sự chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

 

Những căn cứ xác lập Quyền dân sự theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015

Theo quy định pháp luật hiện hành tại Điều 8 BLDS 2015 quy định 09 loại căn cứ xác lập quyền dân sự sau đây:

  1. Hợp đồng.
  2. Hành vi pháp lý đơn phương.
  3. Quyết định của Tòa án, cơ quan có thẩm quyền khác theo quy định của luật.
  4. Kết quả của lao động, sản xuất, kinh doanh; kết quả của hoạt động sáng tạo ra đối tượng quyền sở hữu trí tuệ.
  5. Chiếm hữu tài sản.
  6. Sử dụng tài sản, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật.
  7. Bị thiệt hại do hành vi trái pháp luật.
  8. Thực hiện công việc không có ủy quyền.
  9. Căn cứ khác do pháp luật quy định.

 

Như vậy, quy định trên trình bày nội dung theo phương pháp liệt kê 08 căn cứ xác lập quyền dân sự và cũng chính bởi mang tính liệt kê nên để phòng trường hợp có thể xuất hiện các căn cứ khác chưa được liệt kê thì tại khoản 9 điều luật đã quy định “Căn cứ khác do pháp luật quy định”.Quy định phòng hờ này nhằm giải quyết trường hợp nếu thực tiễn xảy ra hoặc có căn cứ khác do văn bản quy phạm pháp luật khác có quy định mà các khoản có đề cập cụ thể khác tại Điều 8 BLDS 2015 đã chưa bao quát được.

 

Sau đây, mình xin phân tích cụ thể 08 loại căn cứ xác lập quyền dân sự trên:

– Hợp đồng: Là sự thỏa thuận của các chủ thể nhằm làm phát sinh, thay đổi, hoặc chấm dứt các quyền dân sự. Có thể nói, đây là loại căn cứ xác lập quyền dân sự phát sinh nhiều nhất và phổ biến nhất trên thực tế.

 

– Hành vi pháp lý đơn phương: Là sự thể hiện ý chí của một bên nhằm làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền về dân sự, đây là đặc điểm này là điểm phân biệt giữa hành vi pháp lý đơn phương và hợp đồng.

Ví dụ: Di chúc của người có tài sản để lại cho người được hưởng di sản…

 

– Quyết định của Tòa án, các cơ quan có thẩm quyền khác theo quy định của luật: Đây là quyền năng được Nhà nước cho phép và tất cả các chủ thể trong giao dịch dân sự phải có nghĩa vụ phải tuân thủ chấp hành các loại quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Ví dụ: A và B tiến hành đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân xã, sau khi có giấy chứng nhận đăng ký kết hôn thì quan hệ hôn nhân phát sinh giữa A và B. Từ đó, A và B xuất hiện các quyền và nghĩa vụ của vợ chồng theo quy định của pháp luật hôn nhân gia đình và pháp luật liên quan.

 

– Kết quả của lao động, sản xuất, kinh doanh; kết quả của hoạt động sáng tạo ra đối tượng quyền sở hữu trí tuệ: Người lao động, sản xuất, kinh doanh sẽ được hưởng thành quả do mình bỏ công sức tạo ra. Tuy nhiên, các hoạt động này phải đảm bảo tính hợp pháp và được pháp luật thừa nhận thì mới có căn cứ xác lập quyền dân sự.

Có một đặc điểm nữa là, đối với hoạt động sáng tạo ra đối tượng sở hữu trí tuệ cũng là căn cứ pháp lý để xác lập quyền và nghĩa vụ dân sự theo quy định của pháp luật dân sự. Cụ thể là quyền đối với những tài sản trí tuệ như: tác phẩm văn học, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp,…

 

– Chiếm hữu tài sản: Chiếm hữu là việc chủ thể nắm giữ, chi phối tài sản một cách trực tiếp hoặc gián tiếp như chủ thể có quyền đối với tài sản.

Chiếm hữu bao gồm chiếm hữu của chủ sở hữu và chiếm hữu của người không phải là chủ sở hữu.

Việc chiếm hữu của người không phải là chủ sở hữu không thể là căn cứ xác lập quyền sở hữu, trừ trường hợp quy định tại các Điều 228, 229, 230, 231, 232, 233 và 236 của BLDS 2015.

 

– Sử dụng tài sản, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật: Người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn mười năm đối với động sản, ba mươi năm đối với bất động sản, thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu, trừ trường hợp tài sản thuộc sở hữu toàn dân.

 

– Bị thiệt hại do hành vi trái pháp luật: Người gây ra thiệt hại phải có trách nhiệm bồi thường, trách nhiệm bồi thường ở đây bao gồm bồi thường trong hợp đồng và bồi thường ngoài hợp đồng.

 

– Thực hiện công việc không có ủy quyền: Thực hiện công việc không có ủy quyền là việc một người không có nghĩa vụ thực hiện công việc nhưng đã tự nguyện thực hiện công việc đó vì lợi ích của người có công việc được thực hiện khi người này không biết hoặc biết mà không phản đối.

Thông thường các chủ thể chỉ thực hiện công việc của người khác khi được ủy quyền. Tuy nhiên, trên thực tế có khi vì lợi ích của người có công việc thì chủ thể khác buộc phải làm công việc không được ủy quyền và sẽ phát sinh quyền và nghĩa vụ đối với người thực hiện công việc và cả người có công việc được thực hiện. Khi đó, các bên phải có trách nhiệm với nhau về việc thanh toán chi phí bỏ ra để thực hiện công việc, thanh toán tiền công thực hiện công việc… theo các quy định của BLDS 2015.

Ví dụ: Vào một ngày, hàng xóm B đi vắng và ngoài trời bỗng đột ngột mưa lớn, trong khi trước sân nhà B có lúa đang phơi. Hoàn toàn nghĩ đến lợi ích của B nên A đã tự nguyện qua đó thu hót lúa giùm, để thực hiện việc này A đã phải bỏ ra chi phí đi mua: bao đựng. Như vậy, trong trường hợp này A có quyền nhận lại từ B khoản chi phí hợp lý A đã bỏ ra cho việc thực hiện công việc không có ủy quyền trên.

 

Nguồn: Lawnet.vn

 


Các tìm kiếm liên quan đến Căn cứ xác lập Quyền dân sự, căn cứ xác lập nghĩa vụ dân sự, căn cứ xác lập quyền sở hữu được quy định như thế nào trong bộ luật dân sự năm 2015, căn cứ xác lập quyền sở hữu bộ luật dân sự 2015, hãy nêu các quy định về xác lập quyền sở hữu đối với các trường hợp cụ thể?, căn cứ xác lập quyền dân sự theo hợp đồng, bảo vệ quyền dân sự, căn cứ xác lập quyền đại diện theo quy định blds 2015, quyền dân sự được đảm bảo thực hiện như thế nào, việc xác lập thực hiện và bảo vệ quyền dân sự được bộ luật dân sự năm 2015

đánh giá bài viết

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền