Cần có hướng dẫn về tội dâm ô với người dưới 16 tuổi

Chuyên mụcLuật hình sự, Thảo luận pháp luật Cưỡng dâm

Điều 146 BLHS 2015 quy định: “Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”… Tuy nhiên, thế nào là hành vi dâm ô, đang có cách hiểu khác nhau.

 

Các nội dung liên quan:

 

Câu chuyện đang được dư luận quan tâm là khoảng 15h ngày 1/3, ông Dương Trọng Minh (38 tuổi, giáo viên Trường tiểu học Tiên Sơn, huyện Việt Yên, Bắc Giang) dạy phụ đạo cho học sinh, sau khi đã uống rượu. Quá trình dạy, ông Minh đã véo tai, véo mũi, dí tay vào vai, xoa lưng, vỗ mông một số học sinh nữ.

Nhận được phản ánh của học sinh, ngay tối 1/3, một số phụ huynh và chính quyền yêu cầu ông Minh đến để xác minh, làm rõ. Sau đó ông Minh ký vào biên bản làm việc, ghi nhận là đã “sờ vào vùng nhạy cảm của học sinh”.

Ngày 2/3, trong bản tường trình gửi Hiệu trưởng trường Tiên Sơn, ông Minh ghi “đã véo mũi, véo tai, vỗ mông học sinh làm học sinh sợ”. Đến chiều 3/3, Ban giám hiệu nhà trường mời các phụ huynh đến dự họp. Tại đây, ông Minh đã thừa nhận sai phạm và xin lỗi.

Điều đáng chú ý là trong buổi họp báo ngày 6/3, UBND huyện Việt Yên (Bắc Giang) tổ chức họp báo về việc thầy giáo Dương Trọng Minh bị tố cáo uống rượu, “sờ soạng” nhiều nữ sinh lớp 5A trường Tiểu học Tiên Sơn vào buổi học phụ đạo chiều 1/3, Phó chủ tịch huyện Nguyễn Đại Lượng cho biết, ngày 5/3 Cơ quan cảnh sát điều tra huyện Việt Yên phối hợp với nữ bác sĩ Trung tâm Y tế huyện cùng đại diện gia đình, nhà trường kiểm tra dấu vết trên thân thể 14 học sinh lớp 5A. “Kết quả cho thấy không có dấu vết nghi vấn. Công an huyện xác định chưa đủ căn cứ chứng minh ông Minh có hành vi dâm ô với người dưới 16 tuổi. Quá trình làm việc với ông Minh và trình bày của học sinh cho thấy ông Minh chỉ véo tai, véo mũi, dí vai, sờ mông, sờ đùi một số em”, ông Lượng nói.

Trả lời câu hỏi hành vi của ông Minh không phải “dâm ô” thì gọi là gì, ông Lượng nói: “Chúng tôi cho rằng thầy đã có hành vi xâm phạm thân thể học sinh. Dù là bày tỏ tình cảm yêu thương hay đùa vui thì hành vi đó cũng không phù hợp với vai trò người giáo viên đứng lớp”.

Khi phóng viên đặt câu hỏi “sờ mông và đùi có phải là vùng nhạy cảm”, Phó trưởng Công an huyện Nguyễn Việt Nguyễn nói: “Việc xác định không phải chức năng của công an”.

Như vậy, theo cơ quan chức năng huyện Việt Yên thì “ véo tai, véo mũi, dí vai, sờ mông, sờ đùi một số em” không phải là dấu hiệu của tội dâm ô. Câu hỏi đặt ra là  có nhất thiết phải sờ vào chỗ nào đó trên thân thể trẻ em dưới 16 tuổi  thì mới thỏa mãn dấu hiệu khách quan của tội này?

Theo Điều 146 BLHS 2015 – Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi, quy định: “Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm… 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm: c) Đối với 02 người trở lên; d) Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh”…

Điều luật không quy định cụ thể thế nào là “hành vi dâm ô”, dẫn đến cách hiểu của cơ quan chức năng huyện Việt Yên và nhiều cách hiểu khác.

“Hành vi quan hệ tình dục khác” có thể hiểu là những hành vi đã quy định là tội phạm trong BLHS như tội hiếp dâm ( Điều 141),  tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi (Điều 142), tội cưỡng dâm (Điều 143), tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 144), tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 145),  tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm (Điều 147).

Ông Đinh Văn Quế, Chuyên gia về Luật Hình sự trong bình luận về tội dâm ô (Điều 116 BLHS năm 1999) nêu quan điểm: Dâm ô đối với trẻ em là hành vi của người đã thành niên dùng mọi thủ đoạn có tính chất dâm dục đối với người dưới 16 tuổi nhằm thỏa mãn dục vọng của mình nhưng không có ý định giao cấu với nạn nhân.

“Hành vi dâm ô được thể hiện đa dạng như: sờ mó, hôn hít bộ phận sinh dục của nạn nhân; dùng bộ phận sinh dục của mình chà xát với bộ phận sinh dục của nạn nhân hoặc bắt nạn nhân sờ mó, hôn hít bộ phận sinh dục của mình nhằm thỏa mãn dục vọng, nhưng không có ý định giao cấu với nạn nhân. Nếu có ý định giao cấu với nạn nhân nhưng không giao cấu được thì không phải là hành vi dâm ô mà tùy từng trường hợp cụ thể mà người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm trẻ em, tội cưỡng dâm trẻ em hoặc tội giao cấu với trẻ em” – Ông Đinh Văn Quế nêu rõ.

Có nhà nghiên cứu cho rằng: Không ai kết tội ông bác sĩ đỡ đẻ dâm ô cho dù ông ta tác động vào bộ phận sinh dục của phụ nữ.  Trong cấu thành của tội dâm ô với trẻ em không có dấu hiệu phải tác động vào cơ quan sinh dục của trẻ em. Dâm ô hay không người ta đánh giá tính chất dâm ô của hành vi tức là hành vi chứa đựng ý thức thỏa mãn sinh lý nhưng không bằng giao cấu. Sờ đùi, sờ mông thôi cũng dâm ô nếu để thỏa mãn sinh lý.

Luật hình sự không bảo vệ một bộ phận cụ thể trên thân thể trẻ em mà bảo vệ sự phát triển bình thường về tâm sinh lý của chúng. Trẻ em như tờ giấy trắng bị dâm ô sẽ bị sang chấn, lệch lạc tâm lý.

GS.TS Nguyễn Ngọc Hòa cho rằng: “Dâm ô là hành vi tình dục có đặc điểm thỏa mãn, khêu gợi, kích thích nhu cầu tình dục nhưng không phải hành vi giao cấu cũng như không phải hành vi quan hệ tình dục khác.  Tuy nhiên, dâm ô không phải là hành vi tình dục bình thường dưới góc độ xã hội và pháp luật vì là hành vi không hợp pháp” – Bình luận khoa học BLHS năm 2015.

Đối tượng của hành vi dâm ô được quy định là người dưới 16 tuổi. Họ có thể bị hành vi dâm ô tác động đến thân thể nhưng cũng có thể chỉ bị chứng kiến những hành vi tình dục.

Theo GS.TS Nguyễn Ngọc Hòa, khi thực hiện hành vi dâm ô với mục đích để giao cấu hoặc hành vi tình dục khác, thì chủ thể bị coi là đã bắt đầu thực hiện nhưng chưa thực hiện đầy đủ hành vi giao cấu… Do đó, hành vi phạm tội có thể cấu thành tội tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi và cả hai trường hợp đều phạm tội chưa đạt. Tuy nhiên, chỉ có thể xác định là tội phạm khi hành vi dâm ô ở dạng có sự tác động đến thân thể nạn nhân. Đối với trường hợp hành vi dâm ô ở dạng để nạn nhân chứng kiến những hành vi tình dục, việc xác định là phạm tôi chưa đạt sẽ không có cơ sở rõ ràng mà chỉ có thể xác định là chuẩn bị phạm tội.

Như vậy là không thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi vì đối tượng có mục đích để giao cấu hoặc hành vi tình dục khác. “Bất cập này là do điều luật đã quy định thêm dấu hiệu “không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác”. Trong khi quy định này là không cần thiết”.

Ông Ngô Cường, nguyên Vụ trưởng Vụ HTQT của TANDTC cho rằng “chỉ cần sờ mó lên mông, đùi, ngực (chứ không nhất thiết là bộ phận sinh dục ) của nạn nhân vì đòi hỏi sinh lý của mình là đã phạm tội dâm ô đối với trẻ em”.  Ông Ngô Cường cũng nêu quan điểm: Bình luận của ông Đinh Văn Quế về cơ bản dựa trên “Bản tổng kết và hướng dẫn đường lối xét xử tội hiếp dâm và một số tội phạm khác về mặt tình dục” của Toà án nhân dân tối cao ngày 11-5-1967 (Thông tư liên tịch số 01/1998 ngày 2-1-1998 của TANDTC – VKSNDTC- BNV cũng nhắc lại hướng dẫn này ). Hướng dẫn này cách đây đã hơn 50 năm, thiết nghĩ không còn phù hợp với tình hình hiện nay. Toà án nhân dân tối cao nên có hướng dẫn mới về xử lý loại tội phạm này.

Tội phạm xâm hại trẻ em hiện nay đang diễn biến rất phức tạp. Theo thống kê từ Bộ Công an, năm 2018 có 1.547 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện với 1.669 đối tượng, xâm hại 1.579 em. Trong đó, số vụ án xâm hại tình dục trẻ em là 1.269 vụ (chiếm 82% so với tổng số vụ xâm hại trẻ em) với 1.233 đối tượng, xâm hại 1.141 em. Bộ Công an cho biết, đã xảy ra 425 vụ hiếp dâm trẻ em, 606 vụ giao cấu với trẻ em, 232 vụ dâm ô với trẻ em và 271 vụ là tội phạm khác.

Do đó, để góp phần ngăn chặn có hiệu quả tội phạm xâm hại trẻ em, cần có hướng dẫn để nhận thức thống nhất về hành vi dâm ô quy định tại Điều 146 BLHS 2015.

Nguồn: Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử (http://tapchitoaan.vn).

5/5 - (1 bình chọn)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền