Khái niệm chứng cứ theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự 2015
Chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được đương sự và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho Tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do Tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và được Tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp. (Điều 93 BLTTDS 2015)
Các nội dung liên quan:
- Mối quan hệ giữa các thuộc tính của chứng cứ
- Nguyên tắc nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh trong Tố tụng dân sự
- Bình luận về nguyên tắc cung cấp chứng cứ và chứng minh trong BLTTDS 2015
Các thuộc tính của chứng cứ trong tố tụng dân sự
Chứng cứ có ý nghĩa rất lớn đối với việc giải quyết vụ việc dân sự nhưng làm phạm trù pháp lý khá phức tạp. Tuy vậy, như các sự việc, sự việc khác con người vẫn có thể nhận thức được thông qua các thuộc tính của nó. Các thuộc tính của chứng cứ trong tố tụng dân sự bao gồm: tính khách quan, tính liên quan và tính hợp pháp.
Tính khách quan của chứng cứ trong tố tụng dân sự
Chứng cứ có tính khách quan bởi chứng cứ là cơ sở để nhận thức vụ việc dân sự. Theo lý luận về nhận thức thì người ta chỉ nhận thức đúng bản chất của sự vật, xự việc khi nó được phản ánh lại một cách khách quan. Những cái đó có được là do sự tưởng tượng, hư cấu không bao giờ nói lên được bản chất sự vật, sự việc và không thể làm cơ sở của nhận thức.
Tính khách quan của chứng cứ thể hiện ở chỗ chứng cứ phải là cái có thật, tồn tại ngoài ý muốn của những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng.Trong quá trình tố tụng, những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng không thể tạo ra chúng theo ý muốn chủ quan của họ mà chỉ có thể thu thập, nghiên cứu, đánh giá và sử dụng chúng. Xác định được tính khách quan của chứng cứ, trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự tòa án loại bỏ được những cái không có thật, không sử dụng để giải quyết vụ việc dân sự bảo đảm cho việc giải quyết vụ việc dân sự được nhanh chóng, đúng đắn.
Tính liên quan của chứng cứ trong tố tụng dân sự
Chứng cứ có tính liên quan bởi chứng cứ được tòa ns dựa vào để giải quyết vụ việc dân sự. Tính liên quan của chứng cứ thể hiện ở chỗ giữa chứng cứ và vụ việc dân sự có mối quan hệ nhất định. Nhờ chứng cứ mà tòa án có thể công nhận hay phủ nhận được tình tiết, sự kiện này hay tình tiết, sự kiện khác của vụ việc dân sự hoặc đưa ra tin tức về nó. Thông thường, chứng cứ bao gồm những tin tức liên quan trực tiếp đến vụ việc dân sự. Thông qua nó tòa án có thể khẳng định ngay được có hay không tình tiết, sự kiện của vụ việc dân sự nhưng trong nhiều trường hợp, chứng cứ còn bao gồm cả những tin tức liên quan gián tiếp đến vụ việc dân sự.
Tuy vậy, nhờ chúng tòa án vẫn có khả năng đưa ra những kết luận nhất định về vụ việc dân sự đang giải quyết. Căn cứ vào tính liên quan của chứng cứ, trong quá trình giải quyết vụ việc, tòa án có thể loại bỏ được những cái không liên quan đến vụ việc dân sự. Từ đó, không phải xác minh làm rõ chúng, bảo đảm cho việc giải quyết vụ việc dân sự được nhanh chóng và đúng đắn.
Tính hợp pháp của chứng cứ trong tố tụng dân sự
Chứng cứ có tính hợp pháp bởi việc giải quyết vụ việc dân sự không thể tách rời quá trình nghiên cứu, đánh giá và sử dụng chứng cứ. Quá trình này lại phức tạp vì thế pháp luật phải quy định cụ thể những vấn đề liên quan đến chúng thì mới có thể làm cho việc giải quyết vụ việc dân sự đúng với bản chất của nó.
Tính hợp pháp của chứng cứ yêu cầu chứng cứ phải được rút ra từ những nguồn nhất định do pháp luật quy định; quá trình thu thập, nghiên cứu, đánh giá và sử dụng phải được tiến hành đúng theo quy định của pháp luật. Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, các chủ thể chứng minh phải tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về chứng cứ. Đối với những gì không được rút ra từ các nguồn do pháp luật quy định, không được thu thập, nghiên cứu, đánh giá và sử dụng theo đúng quy định của pháp luật thì không được coi là chứng cứ, không được sử dụng giải quyết vụ việc dân sự.
Các tìm kiếm liên quan đến các thuộc tính của chứng cứ trong tố tụng dân sự, thuộc tính của chứng cứ trong tố tụng hình sự, khái niệm chứng cứ trong tố tụng hình sự, ví dụ về thuộc tính của chứng cứ, ví dụ về các thuộc tính của chứng cứ, các thuộc tính của chứng cứ trong tố tụng hành chính, ví dụ về chứng cứ, chứng cứ trong tố tụng hình sự 2015, đánh giá chứng cứ trong tố tụng hình sự
Để lại một phản hồi