Hiệu lực đối kháng với người thứ ba được quy định tại Điều 297 Bộ luật dân sự năm 2015.
Điều 297. Hiệu lực đối kháng với người thứ ba
1. Biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba từ khi đăng ký biện pháp bảo đảm hoặc bên nhận bảo đảm nắm giữ hoặc chiếm giữ tài sản bảo đảm.
2. Khi biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba thì bên nhận bảo đảm được quyền truy đòi tài sản bảo đảm và được quyền thanh toán theo quy định tại Điều 308 của Bộ luật này và luật khác có liên quan.
Bình luận về hiệu lực đối kháng với người thứ ba tại Bộ luật dân sự 2015
Vấn đề đầu tiên mà chúng ta cần phải nói đến ngay tại Điều luật này và một số Điều luật phía sau đó chính là cách dùng từ đối kháng trong quy định. Thứ nhất tác giả khẳng định rằng đây là lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp ngành Luật dân sự nhà làm luật dùng từ ‘hiệu lực đối kháng”, thứ hai vì đây là một thuật ngữ mới, lại là từ hán việt nên thật khó để có thể hiểu được ý nghĩa một cách đầy đủ mà nhà làm luật muốn truyền đạt đến. Với cách dùng từ và kỹ thuật lập pháp trong quy định tại Bộ Luật Dân sự 2005 là “hiệu lực của giao dịch bảo đảm đối với bên thứ ba” rất rõ ràng dễ hiểu và đi sâu vào tâm trí của những người học luật, nghiên cứu luật, xuất hiện vô số trong các bài viết nghiên cứu khoa học pháp lý và trở nên rất gần gũi dễ hiểu ngay cả đối với những người không học luât. Rất tiếc theo quan điểm riêng của tác giả rằng cách dùng từ tại Bộ Luật cũ đã không còn được kế thừa thay vào đó là những từ ngữ hoàn toàn lạ lẫm, gây khó hiểu phần nào đó chính là điểm trừ trong Bộ Luật Dân sự này. Tuy vậy, tác giả vẫn sẽ phân tích theo cách dùng từ của nhà làm luật để đảm bảo về tính thông suốt, liền mạch của nội dung.
Như vậy thời điểm phát sinh hiệu lực đối kháng là khi nào, hay nói theo ngôn ngữ của nhà làm luật thì khi nào biện pháp bảo đảm “chống lại” “một mất một còn” với người thứ ba? Quy định tại Khoản 1 Điều này cho chúng ta thấy có 3 thời điểm như vậy:
Thời điểm phát sinh đầu tiên đó chính là thời điểm biện pháp bảo đảm được đăng ký. Như chúng ta đã biết không phải biện pháp bảo đảm nào cũng bắt buộc đăng ký vì trong nhiều trường hợp việc bắt buộc đăng ký là điều không cần thiết, thậm chí là không khả thi. Do vậy về cơ bản vẫn xác định thời điểm đăng ký làm cơ sở phát sinh hiệu lực đối kháng nhưng trong những trường hợp không thực hiện việc đăng ký chúng ta vẫn có 2 thời điểm nữa để xác định. Đó là thời điểm bên nhận bảo đảm nắm giữ hoặc chiếm giữ tài sản bảo đảm. Việc phân chia thời điểm nắm giữ hay chiếm giữ chỉ nhắm mục đích dùng từ cho phù hợp với đặc điểm của từng loại tài sản mà thôi. Về bản chất chung có thể gọi là việc chiếm hữu tài sản.
Một khi phát sinh hiệu lực đối kháng đối với người thứ ba thì bên nhận bảo đảm sẽ phát sinh 2 nhóm quyền rất quan trọng đó là quyền truy đòi tài sản bảo đảm và quyền thanh toán (theo thứ tự ưu tiên được quy định). Quyền truy đòi, nhà làm luật không quy định rõ hơn vì quyền này cũng khá dễ hiểu, nôm na có thể hiểu rằng quyền truy đòi là quyền đòi lại tài sản do người khác đang chiếm hữu một cách trái pháp luật. Riêng về quyền thanh toán nhà làm luật có những quy định chi tiết hơn ở những Điều luật sau nên tác giả sẽ phân tích riêng ở các Điều luật đó.
Các tìm kiếm liên quan đến hiệu lực đối kháng với người thứ ba, hiệu lực của biện pháp bảo đảm, hiệu lực của các biện pháp bảo đảm, quyền truy đòi tài sản, ví dụ về thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các bên cùng nhận tài sản bảo đảm, so sánh các biện pháp bảo đảm, người thứ ba trong giao dịch dân sự, bộ luật dân sự 2015, thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm
Để lại một phản hồi