Điểm mới về thời hiệu tại Bộ luật dân sự 2015

Chuyên mụcLuật dân sự thoi-hieu

Thời hiệu được quy định tại tại Điều 149 Bộ luật dân sự (BLDS) năm 2015. Tương ứng với thời hiệu quy định tại Điều 154 BLDS 2005.

 

Điều 149. Thời hiệu

1. Thời hiệu là thời hạn do luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thì phát sinh hậu quả pháp lý đối với chủ thể theo điều kiện do luật quy định.

Thời hiệu được áp dụng theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan.

2. Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ, việc.

Người được hưởng lợi từ việc áp dụng thời hiệu có quyền từ chối áp dụng thời hiệu, trừ trường hợp việc từ chối đó nhằm mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ.

 

Bình luận

Nếu như thời hạn là một thuật ngữ được sử dụng khá phổ biến và rộng rãi trong đời sống thường ngày thì thời hiệu lại là một thuật ngữ chỉ xuất hiện trong lĩnh vực khoa học pháp lý. Do đó nếu không phải là những người hoạt động chuyên môn trong ngành luật thì sẽ khó có cơ hội và hiểu khái niệm này một cách toàn diện và đầy đủ. Định nghĩa về thời hiệu giữa Bộ Luật Dân sự 2015 và Bộ Luật Dân sự 2005 có những khác biệt rất rõ nét. Cụ thể tại Điều 154 Bộ Luật Dân sự 2005 nhà làm luật định nghĩa khái niệm thời hiệu như sau: Thời hiệu là thời hạn do pháp luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thì chủ thể được hưởng quyền dân sự, được miễn trừ nghĩa vụ dân sự hoặc mất quyền khởi kiện vụ án dân sự, quyền yêu cầu giải quyết việc dân sự. Khái niệm này đến Bộ Luật Dân sự 2015 được định nghĩa một cách ngắn gọn, xúc tích hơn, nhà làm luật thay toàn bộ cụm từ chủ thể được hưởng quyền dân sự, được miễn trừ nghĩa vụ dân sự hoặc mất quyền khởi kiện vụ án dân sự, quyền yêu cầu giải quyết việc dân sự bằng cụm từ phát sinh hậu quả pháp lý và khái niệm thời hiệu được định nghĩa lại như sau: Thời hiệu là thời hạn do luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thì phát sinh hậu quả pháp lý đối với chủ thể theo điều kiện do luật quy định.

Như vậy nhìn chung thời hiệu cũng là một thời hạn nhưng thời hạn này khác với thời hạn thông thường ở chỗ các bên không được phép thỏa thuận về thời hiệu. Thỏa thuận về cách xác định thời hạn, đơn vị tính v.v…là quyền của các bên trong quan hệ dân sự nhưng đối với thời hiệu thì các bên lại không được quyền thỏa thuận, hay nói cách khác, thời hiệu là do pháp luật quy định và ấn định. Một điểm khác biệt nữa cũng xuất phát từ việc do pháp luật quy định nên khi kết thúc thời hiệu sẽ làm phát sinh hệ quả pháp lý. Hệ quả pháp lý cụ thể như thế nào sẽ tùy thuộc vào từng trường hợp riêng biệt nhưng tựu chung lại có những hệ quả pháp lý về hưởng quyền dân sự, miễn trừ nghĩa vụ dân sự, quyền khởi kiện, yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự.

Một điểm mới được bổ sung hoàn toàn tại Bộ Luật Dân sự 2015 mà Bộ Luật Dân sự 2005 chưa có đó chính là quy định tại Khoản 2 Điều luật này (tác giả tạm gọi đó là nguyên tắc áp dụng thời hiệu). Nguyên tắc đầu tiên là nguyên tắc thời hiệu không phải đương nhiên được áp dụng mà là áp dụng theo yêu cầu của một hoặc các bên. Như vậy Tòa án sẽ không chủ động đề cập hoặc áp dụng thời hiệu khi một trong các bên hoặc tất cả các bên chưa có yêu cầu. Mặt khác yêu cầu này phải đảm bảo được chuyển đến Tòa án trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc. Như vậy hạn cuối (deadline) của việc yêu cầu Tòa án áp dụng thời hiệu là trước khi có bản án, quyết định giải quyết vụ việc cấp sơ thẩm. Nhà làm luật cũng không yêu cầu là trước khi bản án hay quyết định đó có hiệu lực, do vậy có thể hiểu nếu yêu cầu phát sinh trong giai đoạn bản án, quyết định đó chưa có hiệu lực (chưa hết thời hạn kháng cáo kháng nghị) thì vẫn không được Tòa án chấp nhận vì bản án đã tuyên và quyết định đã được công bố.

Nguyên tắc tiếp theo là nguyên tắc cho phép người được hưởng lợi có quyền chọn lựa, quyền chọn lựa ở đây là quyền chọn áp dụng thời hiệu khi việc áp dụng thời hiệu đó có lợi cho mình hoặc cũng có quyền từ chối áp dụng thời hiệu (từ bỏ quyền lợi của mình). Tuy nhiên không phải mọi trường hợp áp dụng thời hiệu có lợi thì người được hưởng lợi đều có quyền từ chối áp dụng nếu việc từ chối đó nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ (không phải thực hiện nghĩa vụ cũng là một lợi ích). Như vậy nhà làm luật một mặt cho quyền nhưng mặt khác cũng có cơ chế để giới hạn quyền này, tránh gây ra những phương hại đến lợi ích của các bên còn lại trong quan hệ dân sự cũng như những lợi ích chung của xã hội.

đánh giá bài viết

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền