Bên cạnh việc ký kết, gia nhập các điều ước quốc tế về quyền con người, với tư cách là một thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đang tận tâm, thiện chí thực hiện các cam kết quốc tế của mình. Để có thể thực hiện đầy đủ cam kết quốc tế trong điều kiện đất nước và phù hợp với tinh thần chung của Luật Quốc tế, bảo lưu điều ước quốc tế về quyền con người là phương thức Việt Nam đã và đang thực hiện khi tham gia ký, phê chuẩn, phê duyệt hay gia nhập một số điều ước quốc tế đa phương về quyền con người.
Xem thêm: Pháp luật và thực tiễn Việt Nam về bảo lưu điều ước quốc tế
Abstract: In addition to signing and accession to the international treaties on human rights, as an active member of the international community, Vietnam is committed to its commitment fulfillment to the signed international. In order to fully implement international commitments in the context of the country and in line with the general spirit of the international laws, the reservation of international treaties on human rights is a method that Vietnam has been followed during its conclusion, ratification, approval or accession to a number of multilateral treaties on human rights.
1. Các điều ước quốc tế đa phương về quyền con người mà Việt Nam là thành viên
Là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, góp phần xây dựng trật tự chính trị và kinh tế công bằng, dân chủ[1], Việt Nam đang hội nhập sâu rộng, hợp tác quốc tế với các quốc gia và các tổ chức quốc tế trên nhiều lĩnh vực bao gồm cả quyền con người.
Đối với Việt Nam, quyền con người vừa là những giá trị phổ quát được thừa nhận rộng rãi đồng thời cũng phản ánh những giá trị truyền thống của một dân tộc, phản ánh thành quả của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc giành độc lập, tự do. Chính vì thế, hơn 70 năm qua, Nhà nước Việt Nam luôn nhất quán chủ trương tăng cường hợp tác quốc tế và tham gia các điều ước quốc tế (ĐƯQT) về quyền con người nhằm thúc đẩy và bảo đảm các quyền của cá nhân theo đúng các chuẩn mực quốc tế.
Việt Nam bắt đầu tích cực tham gia các ĐƯQT quan trọng về quyền con người ngay vào đầu những năm 80 của thế kỷ XX, trong bối cảnh kinh tế trong nước còn gặp nhiều khó khăn, phải nhờ vào sự viện trợ, giúp đỡ của các quốc gia trong khối XHCN. Việc khôi phục lại đất nước sau chiến tranh cũng là một gánh nặng quá sức đối với một dân tộc đã chịu quá nhiều mất mát trong thời kỳ kháng chiến. Tuy nhiên, vượt lên tất cả, việc tham gia các ĐƯQT về quyền con người của Việt Nam trong thời kỳ này là một minh chứng đối với cả thế giới về nỗ lực của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ quyền con người.
Kể từ khi Tuyên ngôn thế giới về Nhân quyền được thông qua cho đến nay, đã có 13 công ước quốc tế được coi là các ĐƯQT quan trọng về quyền con người được ký kết trong khuôn khổ Liên hiệp quốc (LHQ). Với tư cách thành viên LHQ, đến nay Việt Nam đã phê chuẩn và gia nhập hầu hết các công ước quốc tế về quyền con người:
– Ngày 9/6/1981, Việt Nam gửi văn kiện gia nhập 3 công ước quốc tế đầu tiên về quyền con người là Công ước về Ngăn ngừa và trừng trị tội diệt chủng năm 1948, Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc năm 1965, Công ước về Ngăn ngừa và trừng trị tội Apacthai năm 1973.
– Việt Nam gia nhập Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ năm 1979 vào ngày 19/3/1982.
– Ngày 24/9/1982, Việt Nam gửi văn kiện gia nhập 2 công ước tiếp theo là Công ước về Quyền dân sự và chính trị năm 1966, Công ước về Quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966.
– Ngày 4/6/1983, Việt Nam tiếp tục gia nhập Công ước Không áp dụng những hạn chế luật định đối với tội phạm chiến tranh và tội phạm chống loài người năm 1968;
– Phê chuẩn Công ước về Quyền trẻ em năm 1989 vào ngày 28/2/1990. Tháng 12/2001, Việt Nam gửi thư phê chuẩn hai Nghị định thư Tùy chọn bổ sung Công ước về quyền trẻ em là Nghị định thư về Sử dụng trẻ em trong xung đột vũ trang và Nghị định thư về Buôn bán trẻ em, mại dâm trẻ em và văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em.
– Ngày 5/ 2/2015, Việt Nam phê chuẩn Công ước về Quyền của người khuyết tật năm 2006 và Công ước Chống tra tấn năm 1984.
Như vậy, trong tổng số 13 công ước quốc tế quan trọng về quyền con người, Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của 10 công ước. Đối với các công ước quốc tế còn lại như Công ước về Quyền của người lao động di cư và thành viên gia đình họ năm 1990, Công ước về Bảo vệ quyền của mọi người khỏi bị cưỡng bức mất tích năm 2006… Việt Nam đang nghiên cứu, xem xét về khả năng tham gia các công ước này.
Bên cạnh các công ước quốc tế về quyền con người ở cấp độ toàn cầu, được ký kết trong khuôn khổ LHQ, Việt Nam còn tham gia một số văn kiện về quyền con người của ASEAN. Tuy nhiên, các văn kiện về quyền con người của ASEAN chủ yếu là các văn kiện mang tính chính trị chứ chưa ràng buộc về pháp lý.
2. Nội dung tuyên bố bảo lưu của Việt Nam đối với các điều ước quốc tế về quyền con người
Việc tham gia các ĐƯQT về quyền con người trong thời gian qua, đã góp phần giúp Việt Nam bảo đảm và thúc đẩy tốt hơn các quyền con người, quyền công dân trên lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, việc tham gia các ĐƯQT này cũng đặt ra một số vấn đề: (i) quy định của một số ĐƯQT về quyền con người chưa có sự tương thích với pháp luật Việt Nam; (ii) một số quy định còn có khả năng làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của Việt Nam trong quan hệ quốc tế; (iii) ĐƯQT về quyền con người cũng đặt ra nhiều nghĩa vụ mà một quốc gia khi trở thành thành viên cần phải thực hiện. Chính vì những vấn đề nêu trên nên Việt Nam khá thận trọng khi quyết định tham gia một số ĐƯQT về quyền con người, đồng thời cũng cân nhắc thực hiện quyền bảo lưu một số quy định của ĐƯQT. Bảo lưu của Việt Nam đối với các ĐƯQT về quyền con người thường liên quan đến:
– Quy định hạn chế quyền tham gia ĐƯQT của các quốc gia.
– Quy định về thẩm quyền của các thiết chế quốc tế được thành lập trên cơ sở các ĐƯQT.
– Quy định về thẩm quyền của các cơ quan tài phán quốc tế trong việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến giải thích hay thực hiện ĐƯQT.
– Quy định về dẫn độ trên cơ sở các ĐƯQT
a) Nội dung tuyên bố bảo lưu Công ước về các Quyền dân sự, chính trị và Công ước về các Quyền kinh tế, xã hội, văn hoá năm 1966
Đây là hai công ước được thông qua trong khuôn khổ Đại hội đồng LHQ vào ngày 16/12/1966. Công ước về các Quyền dân sự và chính trị và Công ước về các Quyền kinh tế, văn hóa và xã hội phát sinh hiệu lực lần lượt từ ngày 3/1/1976[2] và ngày 23/3/1976[3]. Năm 1982, Việt Nam gia nhập hai Công ước với tuyên bố: “Quy định tại Điều 48 khoản 1 Công ước về quyền dân sự chính trị và Điều 26 khoản 1 Công ước về quyền kinh tế, văn hóa và xã hội mang tính phân biệt làm hạn chế cơ hội tham gia Công ước của một số quốc gia. Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam cho rằng, phù hợp với nguyên tắc bình đẳng về chủ quyền giữa các quốc gia, Công ước nên được mở cho tất cả các quốc gia tham gia không có bất kỳ sự phân biệt hoặc giới hạn nào”[4]. Tuyên bố của Việt Nam liên quan đến Điều 48 khoản 1 Công ước về Quyền dân sự chính trị năm 1966 và Điều 26 khoản 1 Công ước về Quyền kinh tế, văn hóa và xã hội năm 1966. Đây là hai điều khoản quy định ở hai công ước khác nhau nhưng đều chung nội dung là: “Công ước này để ngỏ để các nước thành viên của LHQ hoặc thành viên của bất kỳ tổ chức chuyên môn nào của LHQ hoặc cho các nước tham gia Quy chế Toà án quốc tế, cũng như những nước khác được Đại hội đồng LHQ mời tham gia Công ước này ký”[5]. Theo đó, tuyên bố Việt Nam đưa ra là nhằm bảo lưu đối với hai điều khoản này và cụ thể là hướng đến việc sửa đổi hiệu lực, phù hợp với nguyên tắc bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia. Việt Nam bảo lưu theo hướng mở rộng sự tham gia ĐƯQT cho tất cả các quốc gia mà không có bất kỳ sự phân biệt nào.
b) Nội dung tuyên bố bảo lưu một số ĐƯQT khác về quyền con người
* Bảo lưu quy định hạn chế quyền tham gia của các quốc gia
Tương tự như bảo lưu đối với hai Công ước về Quyền dân sự, chính trị và Công ước về Quyền kinh tế, xã hội, văn hoá, Việt Nam cũng đưa ra tuyên bố bảo lưu đối với quy định của một số ĐƯQT hạn chế quyền tham gia ĐƯQT của các quốc gia như Điều 11 Công ước Ngăn ngừa và trừng trị tội diệt chủng năm 1948, Điều 17 Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc năm 1965, Điều 5 Công ước về Không áp dụng các hạn chế luật định đối với tội phạm chiến tranh và tội phạm chống nhân loại năm 1968… Ví dụ, tuyên bố của Việt Nam về Bảo lưu Công ước Không áp dụng các hạn chế luật định đối với tội phạm chiến tranh và tội phạm chống nhân loại năm 1968 có nội dung: “Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam thấy rằng, phù hợp với nguyên tắc bình đẳng về chủ quyền giữa các quốc gia, Công ước nên để tất cả các quốc gia tham gia mà không có bất kỳ sự phân biệt đối xử hay hạn chế nào”[6].
Khi tham gia vào các ĐƯQT, Việt Nam quan tâm tới điều khoản về quy chế thành viên. Nhiều điều ước khi quy định về quy chế thành viên đã hạn chế một số quốc gia tham gia điều ước. Theo quan điểm của Việt Nam, điều đó không phù hợp với nguyên tắc bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia. Hơn nữa, các ĐƯQT ra đời thường điều chỉnh các vấn đề mang tính toàn cầu, xuyên quốc gia với mục đích mở rộng phạm vi, do đó, việc càng nhiều quốc gia tham gia thì điều ước đó càng ảnh hưởng rộng khắp hơn, nếu hạn chế các quốc gia tham gia thì mục đích đó khó đạt được.
* Bảo lưu quy định liên quan đến thẩm quyền giải quyết tranh chấp của cơ quan tài phán quốc tế
Việt Nam đưa ra tuyên bố bảo lưu đối với thẩm quyền của Toà án Công lý quốc tế và các cơ quan tài phán quốc tế khác trong việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến việc giải thích, thi hành quy định của ĐƯQT (cơ sở lập luận để đưa ra những tuyên bố bảo lưu này tương tự như đối với các ĐƯQT về ngoại giao, lãnh sự đã được phân tích ở trên). Việt Nam bảo lưu Điều 22 Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc năm 1965, Điều 9 Công ước về Ngăn ngừa và trừng trị tội diệt chủng năm 1948, Điều 29 khoản 1 Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ năm 1979, Điều 30 khoản 1 Công ước Chống tra tấn năm 1984…
Trong văn kiện phê chuẩn Công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc năm 1965, Việt Nam đưa ra bảo lưu: “Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam không bị ràng buộc bởi các quy định tại Điều 22 Công ước[7] và tuyên bố rằng bất kỳ tranh chấp nào liên quan đến việc giải thích hay áp dụng Công ước chỉ được đưa ra trước Tòa án Công lý quốc tế nếu được sự đồng ý của tất cả các bên”.
Tương tự, trong văn kiện phê chuẩn Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ năm 1979, Việt Nam tuyên bố: “Trong quá trình thực hiện Công ước, nước Cộng hòa XHCN Việt Nam không bị ràng buộc bởi quy định tại Điều 29 khoản 1”[8]. Cụ thể, Điều 29 khoản 1 Công ước quy định: “Bất kỳ tranh chấp nào giữa hai hay nhiều quốc gia thành viên liên quan đến việc giải thích hay áp dụng Công ước mà không được giải quyết bằng đàm phán thì theo yêu cầu của một trong các bên sẽ được đệ trình ra trọng tài. Nếu trong vòng 6 tháng từ ngày yêu cầu đưa ra trọng tài các bên không thỏa thuận được về tổ chức của trọng tài thì bất kỳ bên tranh chấp nào có thể đệ trình tranh chấp lên Tòa án Công lý quốc tế phù hợp với Quy chế Tòa”.
* Bảo lưu quy định liên quan đến thẩm quyền của các thiết chế quốc tế được thành lập trên cơ sở các ĐƯQT về quyền con người
Một số ĐƯQT về quyền con người thành lập các Ủy ban công ước để giám sát việc thực hiện ĐƯQT như Ủy ban công ước về quyền dân sự, chính trị; Ủy ban công ước về quyền kinh tế, xã hội và văn hoá; Ủy ban chống tra tấn; Ủy ban công ước chống phân biệt đối xử với phụ nữ; Ủy ban quyền trẻ em… Thẩm quyền của các ủy ban này rất rộng tập trung chủ yếu vào việc giám sát việc thực thi các nghĩa vụ thành viên; đưa ra các khuyến nghị, bình luận hướng dẫn thực hiện điều ước;… đặc biệt một số ủy ban còn có thể tiếp nhận các khiếu kiện cá nhân hoặc tiến hành điều tra trên lãnh thổ quốc gia thành viên.
Cơ cấu tổ chức và thẩm quyền của các ủy ban hoặc được quy định trực tiếp trong ĐƯQT có liên quan như Công ước Chống tra tấn, Công ước Quyền trẻ em… hoặc được quy định trong các nghị định thư tùy chọn bổ sung công ước như Nghị định thư bổ sung Công ước về Quyền dân sự, chính trị; Nghị định thư bổ sung Công ước về Quyền kinh tế, xã hội và văn hoá; Nghị định thư bổ sung Công ước về Xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ…
Nhằm bảo đảm nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia, nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác, hướng tới việc bảo đảm quyền và lợi ích của quốc gia, cũng như cần có sự chuẩn bị cần thiết để thực thi nghĩa vụ thành viên, Việt Nam hoặc chưa tham gia các nghị định thư bổ sung hoặc tiến hành bảo lưu quy định của ĐƯQT liên quan đến một số thẩm quyền của các ủy ban công ước như thẩm quyền điều tra trên lãnh thổ quốc gia thành viên hoặc thẩm quyền tiếp nhận các khiếu kiện cá nhân (các thẩm quyền khác Việt Nam không bảo lưu).
Trong văn kiện phê chuẩn Công ước Chống tra tấn năm 1984, Việt Nam đưa ra tuyên bố: “Cộng hòa XHCN Việt Nam, phù hợp với Điều 28 khoản 1 không công nhận thẩm quyền của Ủy ban quy định tại Điều 20…”[9]. Ủy ban chống tra tấn được thành lập theo quy định tại Điều 17 Công ước gồm 10 chuyên gia được các quốc gia thành viên bầu, có tính tới sự phân bố công bằng về địa lý và lợi ích của sự tham gia của những người có kinh nghiệm pháp luật. Thẩm quyền của Ủy ban được quy định tại Điều 19, Điều 20. Trên cơ sở quy định tại Điều 28 khoản 1 Công ước “Mỗi quốc gia thành viên có thể, tại thời điểm ký, phê chuẩn hoặc gia nhập Công ước này, tuyên bố quốc gia đó không công nhận thẩm quyền của Ủy ban nói ở Điều 20”. Việt Nam bảo lưu nhằm loại bỏ thẩm quyền của Ủy ban này trong việc kiểm tra thông tin và có thể tiến hành điều tra khi Ủy ban nhận được thông tin đáng tin cậy chứa đựng những dấu hiệu có cơ sở là việc tra tấn đang được tiến hành một cách có hệ thống trên lãnh thổ của một quốc gia thành viên.
* Bảo lưu quy định liên quan đến dẫn độ trên cơ sở các ĐƯQT
Một số ĐƯQT về quyền con người mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập như: Công ước Chống tra tấn năm 1984, Nghị định thư bổ sung Công ước Quyền trẻ em liên quan đến buôn bán trẻ em, mại dâm trẻ em và văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em năm 2000 quy định về dẫn độ những người thực hiện hành vi bị coi là tội phạm. Theo đó, ĐƯQT đã ký là cơ sở pháp lý để tiến hành hoạt động dẫn độ giữa Việt Nam với các quốc gia thành viên điều ước. Tuy nhiên, khi tham gia các ĐƯQT này, Việt Nam đều cân nhắc bảo lưu. Theo quan điểm của Việt Nam, phù hợp với luật pháp quốc tế và thực tiễn các nước, cơ sở pháp lý tiến hành hoạt động dẫn độ là các ĐƯQT song phương chuyên biệt quy định trực tiếp về dẫn độ hoặc trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại. Các ĐƯQT về quyền con người là các ĐƯQT đa phương. Nếu coi các điều ước này là cơ sở để tiến hành dẫn độ thì chưa thực sự phù hợp.
– Khẳng định sự cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đối với việc thực hiện Công ước về Quyền trẻ em, Việt Nam cũng ký và nộp Thư phê chuẩn hai Nghị định thư là Nghị định thư bổ sung của Công ước liên quan đến buôn bán trẻ em, mại dâm trẻ em và văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em năm 2000[10] và Nghị định thư bổ sung của Công ước về Quyền trẻ em liên quan đến việc sử dụng trẻ em trong xung đột vũ trang năm 2000[11]. Đây là hai văn bản pháp lý quốc tế quan trọng cụ thể hóa Điều 11, Điều 34, Điều 35 và Điều 38 của Công ước về Quyền trẻ em. Trong văn kiện phê chuẩn, Việt Nam đưa ra bảo lưu đối với Điều 5 khoản 1, 2, 3 và 4 về dẫn độ đối với các tội phạm quy định tại Điều 3 khoản 1 Nghị định thư bổ sung Công ước Quyền trẻ em liên quan đến buôn bán trẻ em, mại dâm trẻ em và văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em năm 2000. Tuy nhiên, vào ngày 26/3/2009, Chính phủ Việt Nam đã gửi thông báo rút bảo lưu tới Tổng thư ký LHQ[12]. Điều này thể hiện sự thiện chí hợp tác của Việt Nam với các quốc gia thành viên trong đấu tranh phòng, chống loại tội phạm đặc biệt liên quan đến một trong những đối tượng dễ bị tổn thương nhất, đó là trẻ em.
– Đối với Công ước Chống tra tấn năm 1984, ngoài bảo lưu một số thẩm quyền của Ủy ban công ước (như phân tích ở phần trên), nội dung tuyên bố bảo lưu của Việt Nam còn ghi nhận: “… Cộng hòa XHCN Việt Nam không coi Công ước là cơ sở pháp lý trực tiếp cho việc dẫn độ đối với các tội phạm quy định tại Điều 4 Công ước. Việc dẫn độ sẽ được quyết định trên cơ sở điều ước về dẫn độ mà Việt Nam đã ký kết hoặc trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại và phải phù hợp với pháp luật và quy định của Việt Nam”[13].
* Bảo lưu quy định khác của ĐƯQT
Tham gia Công ước về ngăn ngừa và trừng trị tội diệt chủng năm 1948, tuyên bố bảo lưu của Việt Nam có nội dung: “Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam không chấp nhận Điều 12 của Công ước và cho rằng, tất cả các điều khoản của Công nên được áp dụng cả đối với các vùng lãnh thổ đã giành được quyền tự quản, bao gồm cả các vùng lãnh thổ quản thác”[14]. Nội dung bảo lưu này liên quan đến phạm vi áp dụng của Công ước và thể hiện quan điểm của Việt Nam đối với thực tế tồn tại cũng như vai trò của các vùng lãnh thổ đã giành được quyền tự quản trong quan hệ quốc tế.
Như vậy, trong các ĐƯQT về quyền con người được ký kết trong khuôn khổ LHQ mà Việt Nam tham gia, Việt Nam đã đưa ra bảo lưu đối với điều khoản trong 7 ĐƯQT và không đưa ra bảo lưu đối với 3 ĐƯQT là Công ước về Quyền trẻ em năm 1989, Công ước về Quyền của người khuyết tật năm 2006 và Công ước về Ngăn ngừa và trừng trị tội Apacthai năm 1973. Nhìn chung, các bảo lưu của Việt Nam trong lĩnh vực quyền con người tập trung vào bảo lưu quy định hạn chế quyền tham gia ĐƯQT của quốc gia, quy định về thẩm quyền của ủy ban công ước, quy định về cơ chế giải quyết tranh chấp phát sinh liên quan đến việc giải thích hay áp dụng các quy định của công ước và quy định xác định công ước là cơ sở pháp lý trực tiếp cho việc dẫn độ.
3. Kiến nghị
Nhìn chung, bảo lưu ĐƯQT về quyền con người của Việt Nam phù hợp với các quy định của luật quốc tế cũng như luật quốc gia. Tuy nhiên, cùng với quá trình phát triển của đất nước, trong bối cảnh hiện nay, theo chúng tôi, Việt Nam nên rút bảo lưu liên quan đến dẫn độ tội phạm được quy định trong ĐƯQT về quyền con người.
Dẫn độ tội phạm là một trong những điều khoản được Việt Nam bảo lưu nhiều nhất trong những công ước về đấu tranh phòng chống tội phạm, bao gồm cả các tội phạm xâm phạm đến quyền con người. Về phương diện pháp lý, bảo lưu của Việt Nam phù hợp với quy định của Công ước và nguyên tắc cơ bản của Luật Quốc tế. Tuy nhiên, về phương diện thực tiễn, dẫn độ tội phạm tồn tại nguyên tắc có đi có lại. Theo đó, trong trường hợp nếu các quốc gia thành viên bảo lưu điều khoản dẫn độ đồng thời cũng không có thỏa thuận riêng về vấn đề này sẽ dẫn đến việc hợp tác đấu tranh phòng chống tội phạm được ghi nhận trong Công ước không đạt được hiệu quả như mong đợi của các quốc gia. Vì vậy, chúng tôi cho rằng, Việt Nam nên rà soát lại cơ chế cũng như pháp luật trong nước để rút bảo lưu về dẫn độ tội phạm ở một số ĐƯQT. Quá trình này không phải rút toàn bộ mà hoàn toàn có thể xem xét rút dần để bảo đảm hiệu quả thực thi của Việt Nam. Thực tế cho thấy, Việt Nam đã từng rút bảo lưu đối quy định về dẫn độ tội phạm được quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định thư bổ sung Công ước Quyền trẻ em liên quan đến buôn bán trẻ em, mại dâm trẻ em và văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em năm 2000 vào ngày 26/3/2009[15]. Vì vậy, Việt Nam có thể xem xét tiếp tục rút bảo lưu điều khoản dẫn độ tội phạm được quy định trong các ĐƯQT khác như Công ước Chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người năm 1984.
Nhìn chung, tham gia vào sân chơi quốc tế và cùng với sự phát triển của đất nước, Việt Nam nên dần xây dựng cơ chế vừa bảo đảm sự tận tâm, thiện chí thực hiện điều ước vừa mang lại hiệu quả cho quốc gia từ chính việc thực thi Công ước. Để làm được điều đó, bên cạnh xây dựng, sửa đổi các quy phạm pháp luật còn cần xây dựng hệ thống giám sát việc thực thi quy định đó.
Với tư cách là một thành viên tích cực của cộng đồng quốc, trên nhiều lĩnh vực, Việt Nam đã nỗ lực thực hiện thiện chí các cam kết của mình. Bảo lưu ĐƯQT là một công cụ pháp lý được Việt Nam sử dụng hiệu quả để bảo đảm việc thực thi các điều ước phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế cũng như điều kiện quốc gia./.
Phạm Thị Bắc Hà, ThS. Bộ môn Công pháp quốc tế, Khoa Pháp luật Quốc tế, Đại học Luật Hà Nội.
Bài viết được đăng trên Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 16 kỳ 2 tháng 8/2018
[1]Văn kiện Đại hội Đảng XI và Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị.
[2] Căn cứ Điều 27 Công ước về Quyền kinh tế, văn hóa, xã hội.
[3] Căn cứ theo Điều 49 Công ước về các Quyền dân sự, chính trị; riêng quy định tại Điều 41 về Ủy ban nhân quyền đến ngày 28/3/1979 mới phát sinh hiệu lực phù hợp với Khoản 2 Điều 41.
[4] https://treaties.un.org/Pages/ViewDetails.aspx?src=TREATY&mtdsg_no=IV-3&chapter=4&clang=_en#EndDec
[5] http://www.ohchr.org/Documents/ProfessionalInterest/cescr.pdf
[6] https://treaties.un.org/Pages/ViewDetails.aspx?src=TREATY&mtdsg_no=IV-6&chapter=4&clang=_en
[7] Điều 22 Công ước quy định “Bất kỳ tranh chấp nào giữa hai hay nhiều quốc gia thành viên liên quan đến việc giải thích hay áp dụng công ước mà không được giải quyết thông qua đàm phán hay bằng thủ tục được quy định trong Công ước thì theo yêu cẩu của bất kỳ bên nào trong tranh chấp sẽ được giải quyết tại Tòa Công lý quốc tế LHQ, trừ trường hợp các bên chấp thuận phương thức giải quyết khác.
[8] https://treaties.un.org/Pages/ViewDetails.aspx?src=TREATY&mtdsg_no=IV-8&chapter=4&clang=_en#EndDec
[9] https://treaties.un.org/Pages/ViewDetails.aspx?src=TREATY&mtdsg_no=IV-9&chapter=4&clang=_en#EndDec
[10] Nghị định thư không bắt buộc về buôn bán trẻ em, mại dâm trẻ em và văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em, bổ sung cho Công ước về quyền trẻ em được thông qua ngày 25/5/2000 và có hiệu lực từ ngày 18/1/2002. Việt Nam ký ngày 8/9/2000 và phê chuẩn ngày 20/1/2001.
[11] Nghị định thư không bắt buộc về về việc sử dụng trẻ em trong xung đột vũ trang được thông qua ngày 25/5/2000 và có hiệu lực từ ngày 12/2/2002. Việt Nam ký ngày 8/9/2000 và phê chuẩn ngày 20/1/2001.
[12]https://treaties.un.org/Pages/ViewDetails.aspx?src=TREATY&mtdsg_no=IV-11-c&chapter=4&clang=_en#EndDec
[13] https://treaties.un.org/Pages/ViewDetails.aspx?src=TREATY&mtdsg_no=IV-9&chapter=4&clang=_en
[14] https://treaties.un.org/Pages/ViewDetails.aspx?src=TREATY&mtdsg_no=IV-1&chapter=4&clang=_en
[15]https://treaties.un.org/Pages/ViewDetails.aspx?src=TREATY&mtdsg_no=IV-11-c&chapter=4&clang=_en#EndDec
Để lại một phản hồi