Bàn về các quy định mới trong tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác quy định tại Điều 134 BLHS

Cố ý gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe của người khác

Quy định về tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác được BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 với nhiều nội dung, tình tiết mới so với BLHS năm 1999; tuy nhiên, có một số điểm mới còn chưa được hướng dẫn cụ thể, dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng.

 

Các nội dung liên quan:

 

Trong đó, nội dung chính được sửa đổi, bổ sung năm 2017 là cơ cấu lại số khung hình phạt, giảm từ 7 khoản xuống còn 6 khoản, thay đổi mức hình phạt của từng khung cho phù hợp với sự thay đổi của số khung, đồng thời sửa đổi, bổ sung các tình tiết định khung tăng nặng từ khoản 2 đến khoản 5, pháp điển hóa các hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2006/NQ – HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (về các tình tiết quy định tại Điều 104 BLHS 1999) nhằm đảm bảo các quy định này được rõ ràng và thống nhất khi áp dụng vào thực tiễn. Mặc dù tăng về số lượng 2 khung hình phạt so với BLHS 1999, nhưng mức hình phạt thấp nhất và cao nhất không thay đổi. Quy định mới về hành vi chuẩn bị phạm tội tại khoản 6 có khung hình phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017)

So với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác quy định tại Điều 104 BLHS năm 1999 thì Điều 134 BLHS năm 2015 có nhiều điểm mới. Cụ thể, Điều 134 Bộ luật hình sự 2015 đã bổ sung mới tình tiết “dùng vũ khí, vật liệu nổ; dùng a xít nguy hiểm, hóa chất nguy hiểm; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; phạm tội trong thời gian đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê, đối với người chữa bệnh cho mình”. Sửa đổi các tình tiết: “Đối với trẻ em” thành “Đối với người dưới 16 tuổi”; “phụ nữ đang có thai” thành “phụ nữ  mà biết là có thai”; “Để cản trở người thi hành công vụ” thành “Đối với người thi hành công vụ”. Trong những tình tiết mới này có một số điểm nếu như không có hướng dẫn kịp thời sẽ gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cụ thể:

Thứ nhất, về quy định “Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm” tại điểm b khoản 1 Điều 134 BLHS năm 2015.

Việc pháp điển hóa tình tiết này là rất cần thiết trong thực tiễn đấu tranh, phòng chống tội phạm cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác bằng a-xít, hóa chất. Vì trong thực tiễn, khi các đối tượng sử dụng a-xít, hóa chất tấn công  nạn nhân, tuy nạn nhân không chết nhưng làm cho nạn nhân tàn phế, tổn thương khủng khiếp về tinh thần, làm cho dư luận phẩn uất. Việc xác định dùng a-xít, hóa chất gây thương tích cho nạn nhân với tỷ lệ thương tật 61% trở lên bằng với hậu quả làm chết 02 người người, hình phạt từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân là phù hợp.

Tuy nhiên, quy định a-xít “nguy hiểm” hoặc hóa chất “nguy hiểm”sẽ gây khó khăn trong việc áp dụng. Thế nào là a-xít nguy hiểm? A-xít với hàm lượng bao nhiêu được xem là a-xít nguy hiểm hay a-xít làm bỏng da là a-xít nguy hiểm hoặc dùng a-xít, hóa chất tấn công vào vùng nào được xem là nguy hiểm? Nếu lấy hàm lượng a-xít để xác định tính nguy hiểm thì khi không thu được a-xít để giám định hàm lượng thì xử lý như thế nào?

Thứ hai, về quy định “…người già yếu…” tại điểm c khoản 1 Điều 134 BLHS 2015. Vậy người như thế nào là người già yếu? Theo hướng dẫn tại tiểu mục 2.4 Mục 2 Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì “Người già” là người tử 70 tuổi trở lên, còn theo hướng dẫn tại điểm a, tiểu mục 4.1 Mục 4 Nghị quyết số 01/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007 của Hội đồng thẩm phán Tòa án tối cao thì “Người quá già yếu” là người từ 70 tuổi trở lên hoặc người từ 60 tuổi trở lên nhưng thường xuyên đau ốm. Khái niệm “Người già yếu” đến nay vẫn chưa cụ thể.

Như đã nêu trên, “người già” đã được hướng dẫn rõ, nhưng thế nào là “người già yếu” thì vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau, phụ thuộc vào quan điểm chủ quan của người nhận định.

Thứ ba, về quy định “…đối với người chữa bệnh cho mình…” tại điểm d khoản 1 Điều 134 BLHS năm 2015 sẽ gặp khó khăn trong việc áp dụng như: “Đối với người chữa bệnh cho mình” nếu được hiểu là Bác sỹ, Ý tá… đang chữa bệnh cho đối tượng thực hiện hành vi cố ý gây thương tích… Vậy, người “đã chữa bệnh cho mình”“chuẩn bị chữa bệnh cho mình” có được xem là“đối với người chữa bệnh cho mình” hay không?

Ngoài ra, quy định này cũng không phù hợp với thực trạng tội phạm gây thương tích xảy ra đối với người làm nghề chữa bệnh. Vì trong thời gian qua, đối tượng gây thương tích cho thầy thuốc và các nhân viên y tế hầu hết đều là người thân của bệnh nhân. Hành vi gây thương tích cho người đang làm công việc cứu người đã gây phẫn nộ trong xã hội nói chung, cho những người làm nghề y nói riêng, vì vậy yêu cầu đặt ra là phải xử lý nghiêm đối với hành vi này. Tuy nhiên với quy định tại điểm d khoản 1 Điều 134 BLHS năm 2015 thì hành vi này không thể xử lý được.

Thứ tư, quy định về chuẩn bị phạm tội tại khoản 6 Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015. theo đó, tội phạm cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác là hành vi cố ý gây ra cho người khác bị thương tích hoặc tổn hại đến sức khoẻ. Thực tiễn áp dụng pháp luật, hậu quả tổn thương về sức khoẻ (được thể hiện trong kết luận giám định của cơ quan chuyên môn) là căn cứ để xác định trách nhiệm hình sự và xác định khung hình phạt đối với người phạm tội. Nạn nhân phải bị thương tích hoặc bị tổn hại đến sức khoẻ ở mức đáng kể thì mới phải chịu trách nhiệm hình sự còn nếu thương tích hoặc tổn hại về sức khoẻ không đáng kể hoặc không gây ra tổn hại về sức khoẻ thì chưa phải là tội phạm và không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 134 BLHS năm 2015 thì người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định từ điểm a đến điểm k thì người đó mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự; còn nếu một đối tượng cố ý gây thương tích cho người khác làm giảm dưới 10% sức khoẻ nhưng không thuộc quy định tại các điểm từ a đến k khoản 1 Điều này thì hành vi của người đó không cấu thành tội phạm, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trở lại với vấn đề chuẩn bị phạm tội cố ý gây thương tích quy định tại khoản 6 Điều 134 BLHS năm 2015. Chuẩn bị phạm tội cố ý gây thương tích được hiểu là tìm kiếm, sửa soạn các công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện cần thiết khác để nhằm gây thương tích cho người khác, chứ chưa gây ra hậu quả trên thực tế. Như vậy, nếu so sánh trường hợp chuẩn bị phạm tội quy định tại khoản 6 với các trường hợp không cấu thành tội phạm ở khoản 1 Điều 134 thì thấy rằng các trường hợp không bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 134 rõ ràng nguy hiểm hơn trường hợp chuẩn bị phạm tội nhưng lại không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Để các quy định của pháp luật có tính khả thi trong thực tiễn, kết cấu của điều luật được chặt chẽ, không mâu thuẫn với các quy định khác, quan điểm cá nhân tác giả cho rằng các cơ quan chức năng cần thống nhất hướng dẫn, giải thích để áp dụng điều luật cho chính xác; đồng thời nên cân nhắc, xem xét bỏ khoản 6 của Điều 134 BLHS năm 2015 và không nên truy cứu trách nhiệm hình sự đối với trường hợp chuẩn bị phạm tội cố ý gây thương tích. Nếu các hành vi chuẩn bị phạm tội được nêu tại khoản 6 Điều 134 BLHS năm 2015 mà đủ yếu tố cấu thành của một tội độc lập nào đó được quy định trong Bộ luật Hình sự thì sẽ áp dụng xử lý theo tội phạm đó./.

Nguồn: Tạp chí Kiểm sát
đánh giá bài viết

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Nếu cần BQT hỗ trợ gấp, vui lòng liên hệ hotline 1900.0164 bấm phím 0.