Những vấn đề cần chứng minh và trình tự điều tra vụ án hình sự về đất đai

Chuyên mụcLuật đất đai, Luật hình sự, Luật tố tụng hình sự, Thảo luận pháp luật dat-dai

Vấn đề chứng cứ và chứng minh trong các vụ án hình sự về đất đai hiện nay đang gặp nhiều khó khăn trên thực tiễn. Nguyên nhân chủ yếu và căn bản là sự phức tạp của loại án về đất đai liên quan đến nhiều luật chuyên ngành, trong khi các văn bản hướng dẫn về lĩnh vực đất đai lại quá rộng và phức tạp, nhiều văn bản chồng chéo, thiếu thống nhất. Các cơ quan điều tra rất giỏi về nghiệp vụ điều tra, nhưng lại không sâu về pháp luật chuyên ngành. Chủ thể tội phạm liên quan đến đất đai thường là những người có chức vụ, quyền hạn, nắm khá chắc các quy định liên quan đến lĩnh vực đất đai và thường tìm kẽ hở các quy định của luật để thực hiện hành vi phạm tội. Do đó, việc nghiên cứu và làm rõ những vấn đề cần chứng minh trong điều tra vụ án hình sự về đất đai là hết sức cần thiết, từ đó, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn hiện nay.

1. Những vấn đề cần chứng minh trong các vụ án hình sự về đất đai

Việc xác định những vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự về đất đai cần căn cứ vào Điều 228, Điều 229 và Điều 230 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) và Điều 85 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017), bao gồm:

Thứ nhất, chứng minh có hành vi phạm tội về đất đai xảy ra không? Thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội?

Khi chứng minh một người thực hiện hành vi nguy hiểm bị coi là tội phạm về đất đai (cụ thể là có hành vi vi phạm pháp luật trong sử dụng đất đai được quy định tại Điều 228 Bộ luật Hình sự năm 2015, cần chứng minh người đó có hành vi lấn chiếm đất đai trái pháp luật (trái với quy định tại Điều 12 Luật Đất đai năm 2013). Hành vi sai trái này đã gây ra hậu quả nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn cho xã hội, ảnh hưởng xấu đến việc quản lý đất đai, cần thiết phải xử lý hành vi đó theo quy định của pháp luật hình sự.

Hành vi vi phạm các quy định trong sử dụng đất đai được thể hiện ở chỗ, người phạm tội đã tự ý chuyển dịch ranh giới hoặc mốc giới thửa đất để mở rộng diện tích đất trái với quy định của pháp luật, không được pháp luật cho phép.

Hành vi chiếm đất trái với quy định của pháp luật là trường hợp trước đó, người phạm tội được Nhà nước giao đất, cho thuê đất hợp pháp, tuy nhiên, đã hết thời hạn và không được gia hạn, người đó không trả lại đất mà tiếp tục sử dụng gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước, của các cơ quan, tổ chức thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đối với hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý đất đai (được quy định tại Điều 229 Bộ luật Hình sự năm 2015), cần chứng minh người phạm tội có hành vi lợi dụng hoặc lạm dụng  chức vụ, quyền hạn của mình để giao đất, thu hồi đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trái với quy định của Luật Đất đai năm 2013.
Bộ luật Hình sự năm 2015 có quy định thêm một tội danh – Tội vi phạm các quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (Điều 230). Theo đó, cần chứng minh người phạm tội đã có hành vi vi phạm các quy định pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Cụ thể, cần phải chứng minh làm rõ hành vi của người phạm tội đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để không lên phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hoặc lên phương án bất hợp lý gây thiệt hại đến tài sản và lợi ích của cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức có đất bị Nhà nước thu hồi.

Ngoài ra, cần chứng minh để làm rõ một số nội dung khác như: Sự việc xảy ra khi nào? Những ai biết, ai là người báo tin? Sự việc xảy ra ở đâu? Liên quan đến những đối tượng nào? Diễn biến của sự việc như thế nào?…

Thứ hai, phải xác định được ai là người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về đất đai? Có lỗi hay không có lỗi? Lỗi do cố ý hay vô ý? Người đó có năng lực trách nhiệm hình sự hay không?Động cơ, mục đích phạm tội? Có đồng phạm hay không có đồng phạm?

Nội dung chứng minh này nhằm làm rõ dấu hiệu pháp lý cơ bản về mặt chủ quan và chủ thể của tội phạm về đất đai, cụ thể như sau:

–  Chủ thể của tội phạm về đất đai phải là con người cụ thể đang sống, có tên, tuổi, quê quán, thường trú… có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi theo quy định của pháp luật hình sự. Người đó đã thực hiện hành vi khách quan được mô tả trong mặt khách quan của tội phạm. Trường hợp có ít nhất từ hai người trở lên, cố ý cùng thực hiện tội phạm (trường hợp đồng phạm) thì phải chứng minh làm rõ vị trí, vai trò là chủ mưu, cầm đầu, xúi giục, thực hành, giúp sức… của từng đối tượng cụ thểnhằm đảm bảo cá thể hóa hành vi và cá thể hóa hình phạt cho từng đối tượng.

– Người phạm tội về đất đai phải có năng lực trách nhiệm hình sự, tức là, người phạm tội phải có đầy đủ năng lực nhận thức và năng lực hành vi, không mắc bệnh tâm thần và các khuyết tật khác về thể chất, ảnh hưởng đến năng lực nhận thức và năng lực hành vi. Người thực hiện hành vi phạm tội phải đạt độ tuổi theo luật định, đó là người từ đủ 16 tuổi trở lên hoặc người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đã thực hiện hành vi phạm tội đất đai được quy định tại khoản 3 Điều 228, Điều 229 và khoản 2, 3 Điều 230 Bộ luật Hình sự năm 2015. Người thực hiện hành vi phạm tội về đất đai chỉ có thể là lỗi cố ý trực tiếp. Tức là, người phạm tội nhận thức được việc chiếm đoạt tài sản đất đai là vi phạm pháp luật nhưng vẫn thực hiện và mong muốn tội phạm được hoàn thành. Động cơ, mục đích phạm tội khá rõ ràng, đó là có tính chất vụ lợi hoặc tư lợi.

Thứ ba, cần phải chứng minh và làm rõ các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 29, Điều 51, Điều 52, Điều 59 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); làm rõ các đặc điểm nhân thân của người phạm tội cũng như nguyên nhân và điều kiện phạm tội

Cần phải làm rõ trách nhiệm hình sự, các tình tiết tăng nặng như có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, tái phạm, tái phạm nguy hiểm; làm rõ các tình tiết giảm nhẹ như người phạm tội như ăn năn, hối cải; đã ngăn chặn, làm giảm bớt tác hại của tội phạm; người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả… Trong quá trình điều tra vụ án hình sự về đất đai, cần phải làm rõ đặc điểm nhân thân của người phạm tội. Cụ thể, phải làm rõ căn cước lai lịch; điều kiện kinh tế, hoàn cảnh bản thân và gia đình; tiền án, tiền sự; tái phạm, tái phạm nguy hiểm; phạm tội nhiều lần… Ngoài ra, cần xem xét nguyên nhân thực hiện hành vi phạm tội, điều kiện thực hiện hành vi phạm tội (việc phân tích yếu tố điều kiện phạm tội còn xem xét sự buông lỏng quản lý, sự không chặt chẽ trong quy định của pháp luật dẫn đến việc phạm tội).

Thứ tư, xác định tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội về đất đai gây ra

Cần phải làm rõ toàn bộ thiệt hại về vật chất và tinh thần do tội phạm về đất đai gây ra cho bị hại và xã hội. Cụ thể, phải làm rõ hành vi phạm tội xâm hại đến khách thể nào? Gây thiệt hại như thế nào? Hậu quả tội phạm ra sao?…
Tóm lại, những vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự về đất đai là hệ thống các tình tiết phản ánh về vụ án cần phải được làm rõ theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự. Những vấn đề cần phải chứng minh trong vụ án hình sự về đất đai là cơ sở để đề ra kế hoạch giải quyết vụ án, giúp cho quá trình điều tra, truy tố, xét xử đạt hiệu quả cao, đồng thời, có thể tránh được các hoạt động tố tụng hình sự tuỳ tiện, không đúng quy định của pháp luật.

2. Trình tự điều tra vụ án hình sự về đất đai

Một là, tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo tội phạm về đất đai, kiến nghị khởi tố và công tác điều tra tại hiện trường
Hoạt động điều tra vụ án hình sự được bắt đầu từ khi cơ quan điều tra tiếp nhận xử lý tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ án về đất đai và kết thúc khi cơ quan điều tra hoàn thành việc điều tra, kết luận điều tra đề nghị Viện kiểm sát truy tố hoặc quyết định đình chỉ điều tra đối với vụ án.
Khi nhận được tố giác, tin báo về tội phạm đất đai, điều tra viên đăng ký vào sổ thụ lý, báo cáo Thủ trưởng cơ quan điều tra phân công điều tra viên giải quyết, đồng thời thông báo cho Viện kiểm sát biết để tiến hành kiểm sát việc giải quyết tin, trong trường hợp khẩn cấp cần tiến hành công tác điều tra tại hiện trường để thu thập dấu vết, tài liệu, chứng cứ, vật chứng tại hiện trường vụ án hình sự về đất đai.

Hai là, áp dụng các biện pháp điều tra theo tố tụng hình sự, các biện pháp ngăn chặn và biện pháp nghiệp vụ khác để thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh tội phạm về đất đai 

– Áp dụng các biện pháp ngăn chặn để phục vụ cho việc tiến hành các hoạt động điều tra các vụ án hình sự về đất đai, như giữ người trong trường hợp khẩn cấp; bắt; tạm giữ; tạm giam; cấm đi khỏi nơi cư trú; bảo lĩnh; đặt tiền hoặc tài sản có giá trị bảo đảm. Đây là những hoạt động nhằm bảo đảm cho quá trình điều tra vụ án hình sự về đất đai được tiến hành đúng quy định của pháp luật. Đòi hỏi việc áp dụng biện pháp ngăn chặn phải đúng, có căn cứ, tránh trường hợp lạm dụng việc áp dụng biện pháp ngăn chặn làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

– Tiến hành các biện pháp điều tra các vụ án hình sự về đất đai theo tố tụng hình sự, như khám nghiệm hiện trường; thu thập các thông tin, tài liệu, vật chứng liên quan đến vụ án; khám xét, kê biên, phong tỏa tài sản; hỏi cung bị can, lấy lời khai người làm chứng, bị hại, người liên quan; trưng cầu giám định chuyên môn; định giá tài sản đất; nhận dạng; đối chất; thực nghiệm điều tra… nhằm mục đích thu thập tài liệu chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội về đất đai, chứng cứ gỡ tội, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị can, các tình tiết khác liên quan đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của bị can và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết đúng đắn vụ án hình sự về đất đai.

Ba là, kết thúc điều tra 

Kết thúc điều tra là một trong những nội dung quan trọng trong điều tra vụ án hình sự về đất đai. Khi có đủ căn cứ chứng minh hành vi phạm tội và người thực hiện hành vi phạm tội về đất đai, cơ quan điều tra sẽ làm bản kết luận điều tra, chuyển hồ sơ vụ án hình sự về đất đai sang Viện kiểm sát để đề nghị truy tố. Kết luận điều tra phải phản ánh được toàn bộ kết quả của quá trình điều tra vụ án hình sự đất đai và dựa trên cơ sở những tài liệu, chứng cứ, tài liệu đã thu thập được. Khi có các căn cứ được quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 230 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, thì cơ quan điều tra sẽ ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án./.

ThS. NGUYỄN THANH MAI ( Học viện Tư pháp)

Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật (www.tcdcpl.moj.gov.vn)

 


Các tìm kiếm liên quan đến Những vấn đề cần chứng minh và trình tự điều tra vụ án hình sự về đất đai, những vấn đề cần chứng minh trong vụ án hình sự 2015, những vấn đề cần chứng minh trong vụ án hành chính, chứng minh vụ án hình sự, quá trình chứng minh trong vụ án hình sự, đối tượng chứng minh trong vụ án hình sự, đối tượng chứng minh duy nhất của vụ án hình sự là 4 yếu tố cấu thành tội phạm, những vấn đề cần chứng minh trong tố tụng hành chính, nghĩa vụ chứng minh trong tố tụng hành chính

đánh giá bài viết

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền