Xin chia sẻ Ebook chuyên khảo Định tội danh: Lý luận, hướng dẫn mẫu và 350 bài tập thực hành. Với tính chất là công trình khoa học của Khoa do của hai giảng viên chính thuộc Bộ môn Tư pháp hình sự, Chủ nhiệm Khoa – TSKH. Lê Cảm và Giám đốc Trung tâm Luật so sánh – ThS., Luật sư Trịnh Quốc Toản biên soạn.
Những nội dung liên quan:
- Đề cương môn lý luận định tội danh và quyết định hình phạt
- Bài tập định tội danh mẫu
- Tổng hợp các bài tập tình huống môn luật hình sự 2015 (có gợi ý đáp án)
350 bài tập lý luận định tội danh thông dụng
Hy vọng rằng, cuốn sách này sẽ đáp ứng được nhu cầu nghiên cứu không chỉ của các cán bộ giảng dạy, các cán bộ nghiên cứu khoa học, cũng như nhu cầu học tập của các nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên thuộc chuyên ngành Tư pháp hình sự tại các cơ sở đào tạo Đại học và Sau đại học Luật, mà nó còn có thể được dùng làm tài liệu tham khảo bổ ích cho các cán bộ nghiên cứu và cán bộ thực tiễn đang công tác tại các cơ quan Điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án trong quá trình áp dụng các quy định của BLHS về định tội danh.
Bài tập số 1
Lê Quốc T và Mai Văn H đều là sỹ quan của chế độ Ngụy quyền Sài Gòn đã di tản sang Mỹ từ năm 1975 (trong đó có Mai Văn H đã từ bỏ quốc tịch Việt Nam và nhập quốc tịch Mỹ). Chúng đã tụ tập, lôi kéo những tên có nhiều tội ác với Cách mạng đang sống lưu vong ở nước ngoài để thành lập tổ chức phản động “Việt Nam phục quốc”. Tổ chức này hoạt động với sự tài trợ và chỉ đạo trực tiếp của CIA.
Ngày 10/ 7 Lê Quốc T và Mai Văn H đã cầm đầu gần 300 tên có trang bị vũ khí hiện đại từ Thái Lan đi qua biên giới Lào xâm nhập Việt Nam nhằm phối hợp với lực lượng phản động được CIA cài cắm lại trong nước để lật đổ chính quyền nhân dân. Do đã có kế hoạch chuẩn bị từ trước, quân và dân ta đã phối hợp với các bạn Lào bao vây, chặn đánh tiêu diệt hàng trăm tên và bắt sống nhiều tên trong số đó có Lê Quốc T và Mai Văn H.
Căn cứ vào các tình tiết của vụ án, khi xác định tội danh của Lê Quốc T và Mai Văn H có những ý kiến sau:
- Lê Quốc T và Mai Văn H phạm tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (khoản 1 Điều 79 Bộ luật hình sự) và tội xâm phạm an ninh lãnh thổ (khoản 1 Điều 81 Bộ luật hình sự).
- Lê Quốc T và Mai Văn H phạm tội phản bội Tổ quốc (khoản 1 Điều 78 Bộ luật hình sự) và tội xâm phạm an ninh lãnh thổ (khoản 1 Điều 81 Bộ luật hình sự).
- Lê Quốc T phạm tội phản bội Tổ quốc (khoản 1 Điều 78 Bộ luật hình sự). Mai Văn H phạm tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (khoản 1 Điều 79 Bộ luật hình sự).
Hỏi: Anh (Chị) đồng ý với ý kiến nào? Tại sao?
Bài tập số 2
Nguyễn Bá K và Lê Hữu Q là những phần tử xấu của chế độ cũ đã bị đưa đi tập trung cải tạo 3 năm. Nhưng vì có sự hận thù giai cấp sâu sắc nên sau khi hết thời hạn cải tạo về địa phương K và Q vẫn ngấm ngầm chống chính quyền nhân dân. Chúng thường tụ tập với các phần tử bất mãn nói xấu chế độ mới.
Lợi dụng việc 2 thôn thuộc xã H có mâu thuẫn sâu sắc về đất đai, K và Q đã kích động nhân dân thôn X, viết đơn khiếu nại đòi lại đất mà chúng cho là thôn R lấn chiếm.
Mặc dù các cơ quan có thẩm quyền cấp huyện và tỉnh N đã nhiều lần giải thích thuyết phục, K, Q và đồng bọn vẫn cố tình xuyên tạc chủ trương, chính sách của Nhà nước và cách giải quyết của chính quyền địa phương. Chúng kích động, dụ dỗ, lôi kéo quần chúng thực hiện các cuộc mít tinh, biểu tình, phá bờ, cắm mốc, tự chia đất, đuổi đánh cán bộ xã, huyện khi đến can thiệp, bao vây trụ sở ủy ban nhân dân xã, gây khó khăn cho chính quyền trong việc giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, làm cho hoạt động của chính quyền xã H bị tê liệt một thời gian dài.
Với những tình tiết đã nêu trong vụ án, có những ý kiến khác nhau khi xác định tội danh của K và Q:
- K và Q phạm tội gây rối trật tự công cộng (khoản 2 Điều 245 Bộ luật hình sự) và tội chống người thi hành công vụ (khoản 2 Điều 257 Bộ luật hình sự);
- K và Q phạm tội bạo loạn (khoản 1 Điều 82 Bộ luật hình sự) và tội chống người thi hành công vụ (khoản 2 Điều 257 Bộ luật hình sự);
- K và Q phạm tội phá rối an ninh (khoản 1 Điều 89 Bộ luật hình sự);
- K và Q phạm tội bạo loạn (khoản 1 Điều 82 Bộ luật hình sự).
Hỏi: Anh (Chị) đồng ý với ý kiến nào? Tại sao?
Bài tập số 3
Hoàng Đình N và Lê Quốc V là những phần tử chống phá cách mạng. Biết Bùi Quang H đang cầm đầu một tổ chức chống chính quyền nhân dân, chúng đã gặp và đề nghị Bùi Quang H nhận vào tổ chức này. H đồng ý và phân công chúng vẽ sơ đồ, nắm tình hình các tỉnh miền Tây Nam Bộ, chuẩn bị tổ chức một số vụ nổ gây thanh thế, lôi kéo dư luận quốc tế.
Để có vũ khí hoạt động, H đã tổ chức cho N và V đột nhập kho vũ khí của một đơn vị quân đội lấy đi 3 khẩu AK, 5 quả lựu đạn và nhiều đạn dược.
Biết được âm mưu của bọn chúng, kịp thời hạn chế những thiệt hại có thể xẩy ra, lực lượng An ninh của ta quyết định phá án, bao vây bắt được toàn bộ các tên trên.
Với các tình tiết trên, có hai quan điểm khác nhau về mặt định tội danh đối với hành vi của các tên trong vụ án:
- H, N và V đồng phạm tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (khoản 1 Điều 79 Bộ luật hình sự) và tội chiếm đoạt vũ khí quân dụng (khoản 2 Điều 230 Bộ luật hình sự);
- H, N và V đồng phạm tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (khoản 1 Điều 79 Bộ luật hình sự).
Hỏi: Anh (Chị) hãy cho biết ý kiến của mình về phương diện định tội danh đối với H, N và V?
Bài tập số 4
Sau khi đảng Đại Việt (một tổ chức chống chính quyền nhân dân) bị lực lượng An ninh nhân dân xóa sổ năm 1997, Văn Quốc Q và Lê Bá T là những tên cầm đầu tổ chức này chạy thoát vào vùng rừng núi gần biên giới Cămpuchia để ẩn náu.
Mặc dù bị thất bại nhưng Q và T vẫn không từ bỏ ý đồ chống phá chế độ ta. Chúng đã đột nhập vào Cơ quan công an huyện K lấy 01 khẩu súng AK và 20 viên đạn. Sau đó, lợi dụng sự hiểm yếu và phức tạp của vùng rừng núi, chúng đã mang vũ khí này lúc lén lút, lúc công khai vào các bản làng ở ven rừng đánh đập, đe dọa buộc dân chúng phải nộp tiền, lương thực và thực phẩm cho chúng.
Những hành vi phạm tội của Q và T đã làm cho nhân dân hoang mang, lo sợ, ảnh hưởng xấu đến trật tự an ninh, an toàn xã hội ở khu vực biên giới Việt Nam – Campuchia, đồng thời đe dọa trực tiếp tới sự vững mạnh của chính quyền nhân dân.
Với những tình tiết nêu trên của vụ án, có các ý kiến khác nhau về định tội danh đối với Q và T:
- Q và T phạm tội chiếm đoạt vũ khí quân dụng (khoản 1 Điều 230 Bộ luật hình sự) và tội cướp tài sản (khoản 1 Điều 133 Bộ luật hình sự);
- Q và T phạm tội phạm tội chiếm đoạt vũ khí quân dụng (khoản 1 Điều 230 Bộ luật hình sự), tội cướp tài sản (khoản 1 Điều 133 Bộ luật hình sự) và tội hoạt động phỉ (khoản 1 Điều 83 Bộ luật hình sự);
- Q và T phạm tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (khoản 1 Điều 79 Bộ luật hình sự) và tội hoạt động phỉ (khoản 1 Điều 83 Bộ luật hình sự).
Hỏi: Hãy cho biết ý kiến của Anh (Chị) về tội dnah của T và Q?
Bài tập số 5
Trần X và Phạm Tiến L là Việt kiều nhập cảnh hợp pháp. Ngày 5/2 chúng đã móc nối với một số tên khác trong nước mua 10 kg thuốc nổ công nghiệp đặt ở các mục tiêu quan trọng trong thành phố K như: Nhà hát lớn, trụ sở ủy ban nhân dân thành phố, cầu… để cho nổ tung các cơ sở này nhân ngày quốc khánh 2/9 nhằm gây thanh thế cho các phần tử chống phá chính quyền nhân dân còn ẩn náu ở trong nước, gây hoang mang lo sợ trong quần chúng nhân dân, làm mất ổn định về chính trị – xã hội ở Việt Nam. Thuốc nổ được đặt vào các vị trí đã định nhưng X, L và đồng bọn chưa kịp kích cho nổ thì đã bị lực lượng An ninh của ta bắt gọn kèm theo tang vật.
Căn cứ vào các tình tiết nêu trên, có hai ý kiến khác nhau về tội danh của các tên trong vụ án:
- Trần X và Phạm Tiến L phạm tội phá hoại cơ sở vật chất – kỹ thuật của nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (khoản 1 Điều 85 và Điều 18 Bộ luật hình sự) và tội mua bán, sử dụng trái phép vật liệu nổ (khoản 2 Điều 232 Bộ luật hình sự).
- Trần X và Phạm Tiến L phạm tội phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về An ninh quốc gia (khoản 2 Điều 231 và Điều 18 Bộ luật hình sự) và tội mua bán, sử dụng trái phép vật liệu nổ (khoản 2 Điều 232 Bộ luật hình sự).
- Trần X và Phạm Tiến L phạm tội khủng bố (khoản 1 Điều 84 Bộ luật hình sự) và tội mua bán, sử dụng trái phép vật liệu nổ (khoản 2 Điều 232 Bộ luật hình sự).
Hỏi: Hãy cho biết tội danh của X và L?
Bài tập số 6
Hà Văn V chỉ huy một đơn vị vũ trang nước ngoài đóng giáp biên giới Việt Nam đã ra lệnh cho lính bố trí hệ thống loa có công suất lớn thường xuyên nói xấu, xuyên tạc đường lối chính sách đại đoàn kết dân tộc của Nhà nước Việt Nam, kích động tư tưởng chống đối chính quyền, gây hằn thù, miệt thị, chia rẽ những người theo đạo cơ đốc với chính quyền nhân dân, giữa người dân tộc kinh với người dân tộc ít người, gây sự nghi ngờ lẫn nhau giữa các dân tộc.
Ngày 15/12, V dẫn một toán người trang bị vũ trang xâm nhập sâu vào lãnh thổ của ta để móc nối với phần tử xấu trong nước nhằm thu thập tài liệu liên quan tới tình hình quân sự ở biên giới để sử dụng chống lại lực lượng vũ trang Việt Nam.
Bộ đội biên phòng của ta đã phát hiện bao vây, bắt được 2 tên, trong đó có V.
Với những tình tiết nêu trên, có các ý kiến sau khi định tội danh đối với hành vi của Hà Văn V:
- Hà Văn V phạm tội phá hoại chính sách đoàn kết (khoản 1 Điều 87 Bộ luật hình sự) và tội gián điệp (khoản 1 Điều 80 Bộ luật hình sự).
- Hà Văn V phạm tội phá hoại chính sách đoàn kết (khoản 1 Điều 87 Bộ luật hình sự) và tội xâm phạm an ninh lãnh thổ (khoản 1 Điều 81 Bộ luật hình sự).
Hỏi: Anh (Chị) đồng ý với ý kiến nào? Tại sao?
Bài tập số 7
Phan Hồng G và Phí Thanh S là những phần tử xấu đã lôi kéo một số tên nguyên là sỹ quan của chế độ cũ tham gia thành lập tổ chức “Phong trào thống nhất và xây dựng chủ nghĩa quốc gia”.
G, S và đồng bọn đã biên soạn tài liệu, dự tính tổ chức các cuộc hội thảo ở một số tỉnh, thành phố phía Nam có mời đại diện nhiều nước nhằm hợp pháp hóa tổ chức của chúng, đấu tranh biến Việt Nam thành chế độ đa đảng, tiến tới lật đổ chính quyền. Chúng đã cử người ra nước ngoài móc nối với CIA. CIA đã cung cấp vũ khí, tiền bạc cho tổ chức của chúng hoạt động.
Sau khi đã tiến hành điều tra thu thập được đầy đủ chứng cứ phạm tội, lực lượng công an an ninh tiến hành phá án bắt sống toàn bộ các tên trong tổ chức phản cách mạng nói trên.
Hỏi: Phan Hồng G và Phí Thanh S phạm tội phản bội tổ quốc (khoản 1 Điều 78 Bộ luật hình sự) hay là tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (khoản 1 Điều 79 Bộ luật hình sự)? Tại sao?
Bài tập số 8
Hoàng Quang L, nguyên là sĩ quan tình báo của chế độ Mỹ- Ngụy Sài Gòn, đã bị đưa đi tập trung cải tạo một thời gian dài. Sau khi đi cải tạo về và mặc dù còn bị quản chế tại địa phương, Hoàng Quang L đã lôi kéo Đặng Văn Y và một số tên khác bất mãn với chế độ mới thực hiện những hành vi sau nhằm chống chính quyền nhân dân:
Trong một lần nhậu tại nhà một người bạn, L và Y đã làm quen với Q là công nhân Nhà máy quốc phòng Z. Biết Q đang có mâu thuẫn sâu sắc với K Quản đốc Nhà máy, hai tên này đã kích động, xúi giục Q trả thù bằng cách gây thiệt hại cho Nhà máy Z về vật chất trong ca trực của K để đổ tội cho K. Mới đầu Q không dám hành động, nhưng trong những ngày sau đó L và Y thường xuyên mời Q đi ăn nhậu và tiếp tục thuyết phục, đồng thời gợi ý cho Q cách phá hỏng đồng hồ đo áp xuất nồi hơi để gây nổ nồi hơi.
Ngày 21/2 Q đã bí mật làm hỏng nồi hơi theo như sự chỉ dẫn của L và Y dẫn đến nổ nồi hơi làm thiệt hại về tài sản cho Nhà máy lên tới 200.000 triệu đồng.
Sau một thời gian điều tra lực lượng An ninh quân đội đã bắt được Q. Thấy nguy cơ bị lộ, L và Y đã trốn đến nhà Đặng Văn T (là anh họ Y) nói rõ sự việc và xin ở lại một thời gian để tìm cách trốn qua Hồng Công và từ đó bay sang Mỹ.
Trong thời gian chờ đợi để vượt biên, chúng đã liên lạc được với CIA và theo lệnh của tổ chức này L và Y đã móc nối với một số tên khác thu thập các tài liệu về tình hình an ninh, quốc phòng và kinh tế- xã hội cũng như các tài liệu thuộc bí mật Nhà nước khác để cung cấp cho cơ quan tình báo này.
Ngày 12/5 khi chúng đang trên tàu ra vùng biển quốc tế thì bị bộ đội biên phòng bắt gọn kèm theo tang vật.
Trong quá trình giải quyết vụ án có những ý kiến sau đây về việc định tội danh đối với hành vi của L, Y, S và T:
- L, Y và Q đồng phạm tội phá hoại cơ sở vật chất- kỹ thuật của nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (khoản 1 Điều 85 Bộ luật hình sự). Ngoài ra L, Y còn phạm tội gián điệp (khoản 1 Điều 80 Bộ luật hình sự). T phạm tội che giấu tội phạm (khoản 1 Điều 313 Bộ luật hình sự).
- L và Y đồng phạm tội phá hoại cơ sở vật chất- kỹ thuật của nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (khoản 1 Điều 85 Bộ luật hình sự) và tội gián điệp (khoản 1 Điều 80 Bộ luật hình sự). Q phạm tội phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về An ninh quốc gia (khoản 2 Điều 231 Bộ luật hình sự). T phạm tội che giấu tội phạm (khoản 1 Điều 313 Bộ luật hình sự).
Hỏi: Anh (Chị) đồng ý với ý kiến nào? Tại sao?
Bài tập số 9
Huỳnh Văn T, Lê Thị B và Trần Kim C đều là sĩ quan tâm lý chiến của chế độ ngụy quyền Sài Gòn trước đây.
Sau giải phóng, chúng nằm im một thời gian dài. Đến năm 1999, chúng đã móc nối được với nhau và lôi kéo thêm một số tên khác để thành lập tổ chức hoạt động nhằm chống chính quyền nhân dân lấy tên là “Việt Nam phục quốc đảng”. Sau đó chúng bàn bạc, tìm cách liên hệ với nước ngoài nhằm tranh thủ sự giúp đỡ về tiền của, vũ khí, lực lượng. Trong thực tế chúng đã móc nối được với CIA và được tổ chức này cung cấp vũ khí và tiền bạc.
Căn cứ vào các tình tiết trên, có ý kiến cho là B, C và T phạm tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (khoản 1 Điều 80 Bộ luật hình sự), nhưng có ý kiến khác lại khẳng định hành vi của B, C và T đã thoả mãn các dấu hiệu pháp lý đặc trưng của tội phản bội tổ quốc (khoản 1 Điều 79 Bộ luật hình sự).
Hỏi: Theo Anh (Chị) ý kiến nào đúng? Tại sao?
Bài tập số 10
Sau sự kiện bạo loạn chính trị ngày 3/2/2001 ở Tây Nguyên bị trấn áp, một số tên tham gia được khoan hồng, không bị xử lý. Lợi dụng sự việc này Y Thuôn N và đồng bọn ngoan cố, vẫn tiếp tục bí mật móc nối với một số tên Fulro phản động đang sống lưu vong tại Mỹ để hoạt động phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Y Thuôn N và đồng bọn đã phân công nhau đến nhiều buôn, thôn, xóm trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk để tuyên truyền, lừa gạt và dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc một số người là đồng bào dân tộc thiểu số trốn khỏi địa phương, vượt biên trái phép sang Campuchia và buộc họ phải ở lại các trại tỵ nạn không được quay trở lại Việt Nam để cố tạo nên tình hình mất ổn định về an ninh – chính trị tạo dư luận quốc tế cho rằng Việt Nam vi phạm nhân quyền, bài trừ tôn giáo, để tạo cớ can thiệp, gây sức ép đối với Nhà nước ta.
Nhóm Y Thuôn N còn bí mật thu thập để cung cấp tin tức, tài liệu không đúng sự thật về tình hình kinh tế – xã hội, về nhân quyền, về chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta cho thế lực thù địch, bọn phản động lưu vong sống ở nước ngoài để vu cáo, xuyên tạc chính sách của Đảng, Nhà nước ta đối với đồng bào dân tộc Tây Nguyên. Đồng thời chúng gây hằn thù, kỳ thị giữa các dân tộc trên địa bàn Đắk Lắk, nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam.
Về mặt định tội danh đối với hành vi của Y Thuôn N và đồng bọn, có các ý kiến sau:
- Y Thuôn N và đồng bọn phạm tội phá hoại chính sách đoàn kết (khoản 1 Điều 87 Bộ luật hình sự); tội trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân (khoản 2 Điều 91 Bộ luật hình sự); tội gián điệp (khoản 1 Điều 80 Bộ luật hình sự);
- Y Thuôn N và đồng bọn phạm tội phá hoại chính sách đoàn kết (khoản 1 Điều 87 Bộ luật hình sự); tội trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân (khoản 2 Điều 91 Bộ luật hình sự).
Hỏi: Theo Anh (Chị) Y Thuôn N và đồng bọn phạm tội gì? Tại sao?
Bài tập số 11
Đào Lê H là sĩ quan thông tin cao cấp của chế độ ngụy quyền Sài Gòn cũ, sau giải phóng không chịu ra trình diện trước cơ quan chính quyền cách mạng ở địa phương. H đã thay đổi họ tên để trà trộn vào làm việc tại một cơ quan Nhà nước.
H đã móc nối với một số tên khác trước đây làm tay sai cho Mỹ- Ngụy bàn kế hoạch chống phá chính quyền nhân dân. Ngày 29/4, chúng tổ chức ám sát cán bộ chủ chốt của một số địa phương thuộc vùng dân tộc ít người ở Tây Nguyên nhân kỷ niệm ngày chiến thắng giải phóng Miền Nam, gây sự hoang mang, lo sợ trong quần chúng nhân dân. Ngày 30/4 chúng mang chất nổ đặt ở trụ sở một số lãnh sự quán nước ngoài để phá huỷ tài sản, giết người nước ngoài nhằm gây khó khăn cho quan hệ quốc tế của nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tuy nhiên, do sự cảnh giác cao độ của lực lượng An ninh ta nên chúng chưa kịp hành động đã bị bắt giữ.
Khi giải quyết vụ án về phương diện định tội danh và khung hình phạt áp dụng, có ý kiến cho rằng H và đồng bọn phạm tội khủng bố theo khoản 1 và 4 Điều 84 Bộ luật hình sự.
Hỏi: Theo Anh (Chị) ý kiến trên đúng hay sai? Tại sao?
Bài tập số 12
Bùi Bá Q là sĩ quan cao cấp của ngụy quyền Sài Gòn sau khi đi tập trung cải tạo về vẫn thường lén lút tụ tập một số tên ngụy quân khác nói xấu chế độ và luôn có ý thức chống đối Cách mạng. Nhân 1 bữa tiệc chiêu đãi, Q làm quen với một cán bộ huyện đội, ép cho anh này uống rượu say rồi lấy 1 khẩu K54 và 5 viên đạn.
Để có thêm lực lượng chống chính quyền nhân dân và đồng thời cũng nhằm lên dây cót tinh thần cho lực lượng phản động chưa lộ mặt được bọn Mỹ cài cắm lại sau năm 1975 ở Miền Nam, Q và đồng bọn đã tấn công một trại giam để giải thoát cho một số ngụy quân thuộc chế độ cũ đang cải tạo ở đó, nhưng đã bị lực lượng bảo vệ trại tiêu diệt nhiều tên, Q và một số tên khác bị bắt giữ.
Hỏi: Hành vi của Bùi Bá Q và đồng bọn đã cấu thành tội chống phá trại giam theo khoản 1 Điều 90 Bộ luật hình sự chưa? Tại sao?
Bài tập số 13
Lý T là ngụy quân của chế độ cũ đã trốn ra nước ngoài từ năm 1977 và đã nhập quốc tịch Mỹ. Lý T từng tổ chức bọn phản động lưu vong ở Mỹ với âm mưu chống lại Nhà nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhưng đều bị lật tẩy.
Ngày 12/10/2000, T mua vé máy bay từ Mỹ qua Thái Lan và sau đó ngày 17/10/2000 bay tiếp về Việt Nam.
Trước khi bay về Việt Nam, T đã chuẩn bị và đưa lên máy bay một số công cụ, phương tiện chiếm đoạt máy bay như dây trói, dù chính, dù phụ và mặt nạ dưỡng khí, dao làm hung khí…
Trên máy bay, T đã dùng dao uy hiếp tổ bay. Sau đó dùng dây dù trói tiếp viên, khống chế tổ lái hạ thấp độ cao máy bay rồi rải truyền đơn xuống thành phố Hồ Chí Minh với nội dung đả kích, xuyên tạc chế độ Xã hội chủ nghĩa, nêu những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt những điều không có thật nhằm làm cho nhân dân ta hoang mang lo sợ. Sau đó T nhảy dù xuống và bị lực lượng vũ trang của ta bắt giữ.
Căn cứ vào các tình tiết trên, có hai ý kiến khác nhau về tội danh mà Lý T đã thực hiện:
- Lý T phạm tội chiếm đoạt tàu bay (khoản 2 Điều 221 Bộ luật hình sự) và tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (khoản 1 Điều 88 Bộ luật hình sự);
- Lý T phạm 3 tội: tội chiếm đoạt tàu bay (khoản 2 Điều 221 Bộ luật hình sự); tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (khoản 1 Điều 88 Bộ luật hình sự); tội xâm phạm an ninh lãnh thổ (khoản 1 Điều 81 Bộ luật hình sự).
Hỏi: Anh (Chị) hãy cho biết ý kiến của mình về tội danh của Lý T?
Bài tập số 14
Lê Chí Q sinh năm 1970, không nghề nghiệp, trú tại phường Trung Liệt, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Ngày 21/2/2000, khi Q đang phát tán tài liệu có nội dung chống phá Nhà nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì bị Công an phường L, quận Đống Đa bắt quả tang.
Khám xét nơi ở của Q, Cơ quan điều tra đã thu được một số tài liệu do Q viết có nội dung bịa đặt, tung tin không đúng sự thật, xuyên tạc đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước. Những tài liệu trên đã được Q viết và phát tán từ tháng 4/2001. Trước Cơ quan điều tra, Q đã thú nhận tội lỗi của mình.
Hỏi: Theo Anh (Chị) hành vi của Lê Chí Q đã cấu thành đầy đủ các dấu hiệu pháp lý đặc trưng của tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo điểm c, khoản 1, Điều 88 Bộ luật hình sự chưa? Tại sao?
Bài tập số 15
Nguyễn Đan Q (sinh năm 1942, quốc tịch Việt Nam, cư trú tại quận 5 thành phố Hồ Chí Minh) là phần tử bất mãn với chế độ Xã hội chủ nghĩa, có những hành vi và lời nói bôi nhọ Nhà nước ta. CIA và tổ chức phản động lưu vong với cái tên “Cao trào nhân bản” có trụ sở ở Hoa Kỳ đã cử người về Việt Nam móc nối và gây dựng Nguyễn Đan Q là cơ sở hoạt động thu thập tin tức, tài liệu về các lĩnh vực an ninh, quốc phòng, kinh tế- xã hội cho chúng.
Tối ngày 2/5/2002 khi Nguyễn Đan Q đang chuyển tài liệu có nội dung chống Nhà nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho người của tổ chức “Cao trào nhân bản” thì bị lực lượng An ninh của ta bắt quả tang kèm theo tang vật.
Khám xét khẩn cấp nơi ở của Nguyễn Đan Q còn phát hiện nhiều bản tin do tên này soạn thảo gửi tổ chức “Cao trào nhân bản” chống Nhà nước Việt Nam.
Hỏi: Với những tình tiết nêu trên, theo Anh (Chị) đã có đủ cơ sở pháp lý để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Nguyễn Đan Q về tội gián điệp theo khoản 1 Điều 80 Bộ luật hình sự chưa? Tại sao?
Bài tập số 16
Từ tháng 11/2000 đến tháng 6/2001, mặc dù biết Uỷ ban Tự do tôn giáo cho Việt Nam và Đài Quê hương là những tổ chức phản động chống phá Việt Nam nhưng Nguyễn Vũ V (sinh 1975), nhân viên văn phòng liên lạc Chương trình hợp tác đào tạo du học giữa Đại học Văn Hiến thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Broward Hoa Kỳ, Nguyễn Trực C (sinh 1967) và Nguyễn Thị H (sinh 1959) (là chị ruột của V và C) vẫn thu thập và cung cấp tài liệu cho Ngô Thị H (làm việc tại Uỷ ban Tự do tôn giáo cho người Việt Nam) và Đoan T (làm việc tại đài Quê Hương) nhằm chống lại Nhà nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Theo các chứng cứ cơ quan An ninh thu thập được thì hành vi của các tên trong vụ án được thể hiện như sau:
1. Đối với Nguyễn Vũ V
Nguyễn Vũ V đã trực tiếp cung cấp cho Ngô Thị H nhiều thông tin nhằm chống lại Nhà nước Việt Nam và đã được Ngô Thị H trả 2,9 triệu đồng.
Biết Nguyễn Trực C cộng tác với Ngô Thị H và Đoan T nên Nguyễn Vũ V giúp đỡ C trong việc mua máy điện thoại di động để làm phương tiện liên lạc và nhắc nhở C sử dụng hai số điện thoại tránh bị lộ, đồng thời nhận của Ngô Thị H và Đoan T 650 USD, trong đó giữ lại 150 USD để sử dụng. Ngoài ra Nguyễn Vũ V còn tàng trữ nhiều loại tài liệu phản động.
2. Đối với Nguyễn Trực C
Thông qua sự giới thiệu của Nguyễn Thị H (chị gái), Nguyễn Trực C đã quan hệ trực tiếp với Ngô Thị H, Đoan T. Biết Đài Quê Hương là phương tiện hoạt động của các đối tượng thù địch nhằm chống chính quyền nhân dân Việt Nam, Nguyễn Trực C đã nhận từ Đoan T 500 USD mua máy điện thoại di động, máy chụp ảnh và ghi âm để làm phương tiện hoạt động sau đó chuyển thông tin thu thập được ra nước ngoài cho Đoan T.
3. Đối với Nguyễn Thị H
Đây chính là người trực tiếp liên hệ với Đoan T và động viên V, C thực hiện những yêu cầu của Đoan T sử dụng các tài liệu chống lại Nhà nước Việt Nam. H đã nhận từ Đoan T 2.300 USD để chuyển cho các địa chỉ theo chỉ định của Đoan T. Ngoài ra H còn tàng trữ một tập tài liệu có nội dung xuyên tạc đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước do V mang về.
Hỏi: Anh (Chị) hãy cho biết Nguyễn Vũ V, Nguyễn Trực C và Nguyễn Thị H phạm tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân theo khoản 1 Điều 79 Bộ luật hình sự hay là tội gián điệp theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 80 Bộ luật hình sự? Tại sao?
Bài tập số 17
Sau khi hình thành bộ khung lãnh đạo của “Tổ chức Đề- Ga”, Y Tim Byă, Y Hét KĐăm, K’Sor Brũ và đồng bọn đã ráo riết hoạt động, liên tục điện thoại sang Mỹ xin ý kiến của bọn Ksor đang lưu vong ở Mỹ chỉ đạo và viện trợ kinh phí.
Chúng đã tập hợp lực lượng, tiến hành biên soạn, phát tán tài liệu có nội dung xuyên tạc lịch sử, đả kích chế độ, bôi nhọ uy tín, chỉ trích sự lãnh đạo Đảng, Nhà nước, xuyên tạc đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào Ê Đê, Gia Rai, Ba Na … nhằm chia rẽ đồng bào dân tộc kinh với đồng bào tiểu số. Chúng hô hào, kích động, lôi kéo đồng bào dân tộc ít người ở Tây nguyên tụ tập mít tinh, biểu tình, đập phá trụ sở chính quyền địa phương, đánh người đang thi hành công vụ, cản trở hoạt động bình thường của các cơ quan Nhà nước ở địa phương. Chúng đòi thành lập Nhà nước Đề Ga ở Tây Nguyên.
Sau khi âm mưu chống phá chính quyền nhân dân của chúng bị đập tan, Y Tim Byă, Y Hét Kđăm, K’SorBrũ cùng đồng bọn đã ép buộc, đe dọa lôi kéo được 58 người ở các huyện Ia Grai, Đăk Đoa, Chưpah… vượt biên trái phép qua Campuchia.
Sáng ngày 21/2/2002, đoàn người tập kết tại chân Thác Chúa, xã Ia Mơ Mông, huyện Chưpah để khởi hành. Sau gần 10 ngày họ đến làng Chon (Campuchia). Những người này bị Công an nước sở tại bắt giao trả Việt Nam. Trong số người bị lực lượng an ninh của ta bắt và được Campuchia giao trả có các tên cầm đầu là Y Tim Byă, Y Hét Kđăm, K’SorBrũ.
Trong khi giải quyết vụ án về mặt định tội danh đối với Y Tim Byă, Y Hét Kđăm, K’SorBrũ có các ý kiến khác nhau sau:
- Y Tim Byă, Y Hét Kđăm, K’SorBrũ phạm tội bạo loạn (khoản 1 Điều 82 Bộ luật hình sự); tội phá hoại chính sách đoàn kết (khoản 1 Điều 87 Bộ luật hình sự); tội tổ chức, cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân (khoản 2 Điều 91 Bộ luật hình sự)
- Y Tim Byă, Y Hét Kđăm, K’SorBrũ phạm tội phá rối an ninh (khoản 1 Điều 89 Bộ luật hình sự) và tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Hỏi: Anh (Chị) hãy cho biết ý kiến của mình về tội danh của các tên trong vụ án?
Bài tập số 18
Từ tháng 11/2000, tại họ đạo Nguyễn Biểu thành phố Huế, Nguyễn Văn L đã có nhiều hoạt động vi phạm pháp luật, gây chia rẽ giáo dân, làm ảnh hưởng tới trật tự, an ninh và cuộc sống bình yên của nhân dân.
Ngày 5/2, Toà Tổng giám mục Huế đã có biện pháp thuyên chuyển Nguyễn Văn L về làm quản xứ giáo xứ An Thuyên (thuộc xã Phú An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế). Tại đây L không tự giác cải tạo mà chống đối lại chính quyền, kích động, lôi kéo giáo dân tụ tập gây cản trở việc thực hiện nghĩa vụ của nhân dân địa phương.
Ngày 26/2 ủy ban nhân dân tỉnh đã ra quyết định quản chế hành chính đối với L tại xã Phú An. Nhưng L đã không chấp hành lệnh quản chế, vẫn tiếp tục chống đối như: không nhận giấy triệu tập, không chấp hành quy định trình diện chính quyền…
L đã viết và phát tán nhiều tài liệu bóp méo sự thật, gây mâu thuẫn giữa quần chúng nhân dân với chính quyền; chia rẽ giáo dân với chính quyền, phá hoại chính sách đại đoàn kết toàn dân của nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tại phiên toà, Nguyễn Văn L đã nhận tội và xin được sự khoan hồng của Nhà nước. Hội đồng xét xử tuyên phạt L về tội không chấp hành quyết định quản chế hành chính của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (Điều 269 Bộ luật hình sự) và tội phá hoại chính sách đoàn kết (Điều 87 Bộ luật hình sự).
Hỏi: Theo Anh (Chị) phán quyết của Toà án đúng hay sai? Tại sao?
Bài tập số 19
Ngày 12/10 trong khi Lê Hoàng L đang trao tài liệu cho Michael Morron và Nick Mallnoli thì bị lực lượng an ninh của ta bắt giữ.
Theo kết quả điều tra của Cơ quan công an được biết: Michael Morron và Nick Mallnoli là nhân viên CIA theo đường du lịch vào Việt Nam móc nối với Lê Hoàng L để trao tiền, vũ khí, các mệnh lệnh hoạt động thu thập tài liệu trên các lĩnh vực khác nhau nhằm chống Nhà nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Lê Hoàng L thực chất là một sỹ quan tình báo của chế độ Ngụy quyền Sài gòn được Mỹ cài lại sau năm 1975. Để tạo được vỏ bọc chắc chắn phục vụ cho hoạt động chống phá chế độ mới, Lê Hoàng L đã làm lý lịch giả là cán bộ kháng chiến có nhiều đóng góp cho cách mạng để chui sâu vào cơ quan Nhà nước ở một địa phương và đã leo lên vị cao trong nội bộ ta. Với cương vị đó Lê Hoàng L đã thu lượm được một số thông tin tuyệt mật về quốc phòng- an ninh, kinh tế – xã hội và đặc biệt là các tin tức về biên giới, hải đảo, nhân sự lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước ta.
Hỏi: Lê Hoàng L phạm tội phản bội tổ quốc theo Điều 78 Bộ luật hình sự hay là tội gián điệp theo Điều 80 Bộ luật hình sự? Tại sao?
Bài tập số 20
Phạm Văn K bị xử tử hình về tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân đã viết thư cho chị ruột là Phạm Thị N yêu cầu gửi cho hắn một lưỡi cưa sắt để phá tường trại giam trốn ra ngoài. Nhận được thư của K, N đã lén lút bí mật gửi vào trại giam cho K 3 lưỡi cưa sắt cùng với tiền và sơ đồ chỉ dẫn cách trốn trại và nơi ẩn náu sau khi trốn thoát. K cùng với một số tên khác đã bị bắt giữ kịp thời ngay sau khi chúng cưa đứt song sắt để trốn khỏi trại giam.
Hỏi: Hãy cho biết cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Phạm Thị N về tội gì? Tại sao?
Bài tập số 21
Chiều ngày 12/5/2002 Ban chỉ huy dân quân xã X phân công C, D và N đi tuần tra canh gác bảo vệ hoa màu ở cánh đồng bên bờ sông Nhuệ.
C và N được giao mỗi người một khẩu súng K44 và 3 viên đạn. D và N đi về phía phải còn C đi về phía trái.
Khoảng 19 giờ tối, khi đang làm nhiệm vụ C phát hiện một người đang nhổ trộm lạc liền hô to “Ai! đứng lại”. Nghe tiếng hô của C kẻ gian sợ hãi bỏ chạy. C liền nổ súng cảnh cáo và đuổi bắt. Đến bờ sông C đuổi kịp và tóm được cổ áo người đó, nhưng bị chống trả lại quyết liệt. C nóng mặt dùng báng súng quật vào người kẻ gian.
Một lát sau D và N đến, C nói: “Thằng này nhổ trộm lạc, tôi bắt nó còn đánh lại tôi”. D nói: “Thằng này tên là V người làng bên, chuyên trộm cắp, đánh chết nó đi, vứt xuống sông”. Thấy D nói vậy, C liền dùng báng súng thúc mạnh vào đầu, vào ngực và sau đó đẩy V xuống sông. N thấy sự việc xảy ra nhưng không có hành động gì. Khoảng 15 phút sau cả 3 người nhặt số lạc bị nhổ trộm cho vào bao tải mang về vứt ở kho hợp tác xã, sau đó ai về nhà nấy. Hai ngày sau dân ven sông vớt được xác V.
Khi xác định tội danh của các tên trong vụ án, có 3 ý kiến khác nhau sau:
- C, D và N đồng phạm về tội giết người theo khoản 2 Điều 93 Bộ luật hình sự;
- C và D phạm tội giết người theo khoản 2 Điều 93 Bộ luật hình sự; N phạm tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng theo khoản 2 Điều 102 Bộ luật hình sự;
- C và D phạm tội giết người theo khoản 2 Điều 93 Bộ luật hình sự; N phạm hai tội: Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng theo khoản 2 Điều 102 Bộ luật hình sự và tội không tố giác tội phạm theo khoản 1 Điều 314 Bộ luật hình sự.
Hỏi: Anh (Chị) hãy cho biết ý kiến của mình về tội danh của N?
Bài tập số 22
Do có mâu thuẫn sâu sắc với H nên Đ, K và Q bàn nhau cho H một bài học nhớ đời. Chúng phân công nhau: Q sẽ gọi H ra cổng, sau đó đứng ngoài canh gác, còn Đ, K to khỏe hơn sẽ xông vào đánh.
Khoảng 19 giờ tối ngày 23/ 7/ 2003 theo kế hoach đã định cả bọn đến nhà H. Q gọi H ra để nói chuyện. H vừa mới mở cổng để xem ai gọi thì Đ và K đã xông đến, lời qua tiếng lại giữa hai bên không ngờ làm cho Đ mất bình tĩnh rút dao găm giấu trong bụng từ trước mà bọn kia không tên nào biết, đâm liên tiếp nhiều nhát vào ngực, bụng làm N chết ngay tại chỗ.
Với các tình tiết nêu trên, có những ý kiến khác nhau trong việc xác định trách nhiệm hình sự của các tên trong vụ án:
- Đ, K và Q phạm tội giết người theo khoản 1 Điều 93 và Điều 20 Bộ luật hình sự;
- Đ phạm tội giết người theo khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự; K và Q phạm tội cố ý gây thương tích cho người khác theo khoản 4 Điều 104 Bộ luật hình sự;
- Chỉ có Đ mới phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người theo khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự, còn K và Q không phạm tội.
Hỏi: Hãy cho biết ý kiến của Anh (Chị) về trách nhiệm hình sự của các tên trong vụ án?
Bài tập số 23
Ông Lê Quang C bị bệnh hiểm nghèo đã nằm liệt giường hơn một năm. Biết sớm muộn gì thì cũng chết nên đã nhiều lần ông C nói với người nhà cho uống một liều thuốc độc để giải thoát cho ông. Nhưng vợ con không ai đồng ý và bản thân ông vì nằm liệt giường nên cũng không biết làm cách nào để chết được. Ông C nhớ đến ông Trần Văn Đ là bạn thân đang làm bác sỹ có thể giúp việc này.
Ngày 12/8/2002 ông C sai con trai tới nhà mời ông Đ đến để ông gặp riêng. Khi ông Đ đến, ông C nói rõ ý định của mình và nhờ giúp. Thấy ông C nằm liệt giường đã lâu và mắc bệnh ung thư ác tính đang trong giai đoạn cuối không thể cứu chữa được nên ông Đ nhận lời.
Tối hôm đó, trong lúc mọi người trong gia đình ông C đang ngủ say, ông Đ đã tiêm cho ông C hai ống thuốc ngủ liều cao. Sáng hôm sau, khi người nhà vào phòng ngủ thì thấy ông C đã chết.
Khi giải quyết vụ án có hai ý kiến khác nhau sau:
- Ông Đ không phải chịu trách nhiệm hình sự về cái chết của ông C;
- Ông Đ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người theo khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự.
Hỏi: Theo Anh (Chị) ý kiến nào đúng? Tại sao?
Bài tập số 24
Phạm Quang L đã có quan hệ bất chính với vợ Đào Công Q. Biết được chuyện đó Q đã nhiều lần khuyên nhủ, cảnh cáo L không được duy trì mối quan hệ trái pháp luật đó nữa nhưng L không nghe. Thấy vậy Q nung nấu ý định trả thù, quyết định bằng mọi cách phải giết L cho hả giận.
Sau nhiều lần theo dõi, Q biết được L hay ngủ ở giường kê cạnh cửa sổ. Tối ngày 25/11/2001 Q mang khẩu súng K44 (Q là Trung đội trưởng dân quân được Xã đội trưởng giao khẩu súng này để làm nhiệm vụ) đến cạnh cửa sổ nơi L thường ngủ nhằm vào giường có người đang ngủ bắn liền hai phát rồi bỏ chạy. Hôm sau Q nghe tin không phải L chết mà là em trai của L (em trai của L là bộ đội về phép, ngủ ở giường tối hôm đó).
Khi tiến hành truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Q có hai ý kiến sau:
- Q phạm tội giết người (khoản 2 Điều 93 Bộ luật hình sự) và tội sử dụng trái phép vũ khí quân dụng theo khoản 2 Điều 230 Bộ luật hình sự;
- Q phạm tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh theo khoản 1 Điều 95 Bộ luật hình sự và tội sử dụng trái phép vũ khí quân dụng theo khoản 2 Điều 230 Bộ luật hình sự;
- Q phạm tội vô ý làm chết người (khoản 1 Điều 98 Bộ luật hình sự); tội giết người chưa đạt (khoản 2 Điều 93 và Điều 18 Bộ luật hình sự) và tội sử dụng trái phép vũ khí quân dụng (khoản 2 Điều 230 Bộ luật hình sự).
Hỏi: Theo Anh (Chị) ý kiến nào đúng? Tại sao?
Bài tập số 25
Phùng Lê M lái xe ô tô vận tải mang biển số 15A – 83 – 51 cố tình chạy trốn khỏi sự truy đuổi của cảnh sát vì trên xe có chở 2 kg thuốc phiện. Đến đoạn đường lên cầu Bến thủy, mặc dù M biết rõ xe mô tô ba bánh của cảnh sát đang áp sát ngang đầu xe của hắn và yêu cầu dừng xe lại, nhưng M vẫn cho xe chạy với tốc độ 80 km/giờ. Khi phát hiện có xe ô tô tải đi ngược chiều đến gần, M đột ngột đánh tay lái sang trái ép xe mô tô ba bánh của cảnh sát sang bên đường ngược chiều làm cho xe này bị xe ô tô 33K- 03-24 đi ngược chiều đâm phải gây hậu quả 1 cảnh sát chết ngay tại chỗ và một người khác bị thương nặng.
Trong kết luận điều tra, Thủ trưởng cơ quan điều tra đề nghị Viện kiểm sát truy tố M về tội giết người (khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự) và tội vận chuyển trái phép chất ma tuý (khoản 3 Điều 194 Bộ luật hình sự), nhưng trong quyết định truy tố của Viện kiểm sát nhân dân lại xác định M phạm tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ (khoản 2 Điều 202 Bộ luật hình sự) và tội vận chuyển trái phép chất ma tuý (khoản 3 Điều 194 Bộ luật hình sự).
Hỏi: Anh (chị) cho biết ý kiến của mình về tội danh của M?
Bài tập số 26
Ngô Văn H đứng trước vành móng ngựa, vẻ mặt hiền lành, chất phác vẫn còn chưa hết bàng hoàng về những chuỗi bi kịch đã xảy ra. Không ai có thể ngờ, và chính H cũng không thể nào hình dung nổi bản thân lại gây ra cái chết của người cha đã sinh ra mình.
Người dân thôn Viên Khê (Hợp Tiến, Mỹ Đức, Hà Tây) từ lâu đã quen với cảnh chửi bới, quát tháo vợ con của ông Ngô Văn C. Hầu như không ngày nào ông C không uống rượu, chửi bới vợ con, trong đó mục tiêu chủ yếu ông nhằm vào H, bởi vì một mặt ông không hợp tính với H – dù con trai ông rất ngoan ngoãn, chịu thương chịu khó mặt khác ông C nghi ngờ H không phải là con đẻ của mình.
Ngày còn bé đã nhiều phen ông C đánh đập hắt hủi, bắt H phải bỏ học. Lớn lên H đi bộ đội, rồi xuất ngũ về nhà tiếp tục làm ruộng. Cuộc sống đối với H có nhiều đổi thay, duy chỉ có một điều không hề thay đổi, đó là H vẫn bị bố đánh mắng, chửi bới, nhục mạ, đối xử tàn tệ dù không có tội tình gì.
Bi kịch xảy ra vào ngày 29/11/2001, H đi làm đồng về mệt nhọc, vất vả mà chưa có cơm ăn, đã thế ông C ngồi uống rượu lại lèm bèm chửi rủa. H lẳng lặng vào bếp nấu cơm ăn một mình không mời bố. Ông C thấy thế vừa chửi con bất hiếu, vừa ném gạch vào mân cơm con đang ăn. H ném trả và bị ông C chạy vào buồng vác dao rượt đuổi. H chạy thoát, một lát thì quay trở về nhà vì thấy bố không đuổi theo nữa. Nhưng về đến nơi ông C lại cầm dao chém thấy thế H mới vớ lấy cây gậy đỡ và vụt liên tiếp mấy nhát vào đầu khiến ông C ngã vật xuống. Tuy đau nhưng ông C vẫn nắm lấy chân H cào cấu thấy thế H đạp ông C hai phát vào bụng, ngực sau đó bỏ đi làm đồng, tối về nhà thì được tin mọi người đưa ông C đi cấp cứu, nhưng do thương tích quá nặng chết không cứu được.
Theo bản cáo trạng của Viện kiểm sát tỉnh, H bị truy tố về tội giết người theo khoản 2 Điều 93 Bộ luật hình sự. Còn tại phiên toà xét xử ngày 6/6/2002, Toà án nhân dân tỉnh Hà Tây tuyên phạt Ngô Văn H 30 tháng tù về tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh theo khoản 1 Điều 95 Bộ luật hình sự.
Hỏi: Hãy cho biết ý kiến của Anh (Chị) về tội danh của H?
Bài tập số 27
Bàn Tôn T (sinh năm 1978), cư trú tại xã Nghĩa Sơn huyện Văn Yên. Cuối năm 1999 T lập gia đình với chị Bàn Thị A. Lúc đó, dù chị A đã có một con riêng với người chồng trước là cháu Bàn Toàn X (sinh năm 1998), nhưng T vẫn chấp nhận cháu X. Sau một thời gian chung sống, T và chị A đã có với nhau một con chung là Bàn Thọ Q.
Vốn bản tính nóng nảy nên trong cuộc sống thường ngày, T hay chửi vợ đánh con. Ngày 17/1/2002 chị A đi làm nương chỉ có T và cháu X ở nhà. Do mải chơi trên giường nên cháu X đã “ị” ra quần rồi mới gọi bố. Đang làm ở ngoài sân, khi chạy vào thấy vậy T vung tay tát con một cái. Bị đau cháu X khóc ré lên nhưng T vẫn chưa nguôi cơn giận dữ chạy đi tìm chiếc chổi cọ dùng cán vụt liên tiếp vào lưng, vào ngực rồi dùng chân đạp cháu X bắn vào góc tường. Đến khi thấy máu chảy ra ở mũi ở miệng cháu X, T mới như bừng tỉnh. Hắn vội vàng bế cháu ra giếng thay quần áo, rửa mặt mũi cho cháu. Lúc này cháu X kêu buồn ngủ, T liền đưa cháu vào giường nằm rồi hắn đi ra xem ruộng mạ. Lát sau chị A đi làm nương trở về nhà thấy con kêu đau bụng mà máu vẫn chảy ở miệng, liền bảo T đưa đi cấp cứu tại trạm xá xã rồi chuyển lên bệnh viện huyện Văn Yên. Thấy tình trạng nguy kịch, cháu X được chuyển tiếp về bệnh viện đa khoa tỉnh nhưng đã chết trên đường cấp cứu.
Theo giám định pháp y, cháu X chết do bị vỡ các tạng rỗng trong ổ bụng bởi tác động của ngoại lực do người cha tàn ác gây ra.
Hỏi: Hãy cho biết T phạm tội giết người theo khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự hay là tội cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người theo khoản 4 Điều 104 Bộ luật hình sự?
Bài tập số 28
Vào khoảng 22 giờ ngày 29/3/2002, Nguyễn Văn H (sinh năm 1957), trú tại quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng là tài xế xe tải mang biển số 43H– 4084 chạy trước xe tải BKS 43K- -4347 do em ruột là Nguyễn Văn M điều khiển chạy từ quốc lộ 1A tới địa phận xã Bình Tú, huyện Thăng Bình – Quảng Nam thì có xe khách BKS 35N- 2954 do Nguyễn R trú tại Ninh Bình điều khiển xin được vượt nhiều lần nhưng M không cho. Đến km 976+300, tài xế R cố ý vượt qua xe của M thì gặp H dừng xe lại ngáng đường không cho xe của R vượt rồi gây gổ, chửi bới và dùng cây tuýp đập vỡ kính xe và đèn chiếu sáng của xe 35N – 2954 do R điều khiển. Quá sót của chủ xe 35N – 2954 là bà Nguyễn Thị C và một số hành khách đứng cản trước đầu xe của H, H liền nhấn ga cho xe vượt tới làm bà C bị thương nặng và chết trên đường đi đến bệnh viện.
Với các tình tiết nêu trên của vụ án, trong khi xác định trách nhiệm hình sự của H có hai ý kiến khác nhau:
- Nguyễn Văn H phạm tội giết người (khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự) và tội cố ý làm hư hỏng tài sản (khoản 1 Điều 143 Bộ luật hình sự);
- Nguyễn Văn H phạm tội giết người (khoản 2 Điều 93 Bộ luật hình sự);
- Nguyễn Văn H phạm tội cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người theo khoản 4 Điều 104 Bộ luật hình sự và tội cố ý làm hư hỏng tài sản (khoản 1 Điều 143 Bộ luật hình sự).
Hỏi: Theo Anh (Chị) ý kiến nào đúng? Tại sao?
Bài tập số 29
17 giờ 50 phút ngày 19/4/2002, tại một quán nước ở phố Vũ Ngọc Phan xảy ra một vụ tạt axít gây thương tích nặng. Ngay sau khi vụ án xảy ra, Cơ quan công an đã bắt giữ đối tượng gây án đồng thời đưa nạn nhân đi bệnh viện cấp cứu. Kết quả điều tra cho biết:
Trần Thế K (23 tuổi) và Vũ Thị Lan H (21 tuổi) cùng quê Hải Hậu, Nam Định đã yêu nhau từ khi còn học phổ thông. Học xong lớp 12, K lên Hà Nội, tạm trú tại tổ 42, phương Mai Dịch, quận Cầu Giấy và làm nghề thợ xây.
Đến đầu năm 2001 H cũng rời quê lên Hà Nội và làm nhân viên một công ty thương mại có trụ sở đặt tại phường Láng Hạ, quận Đống Đa. Thời gian này, đôi uyên ương vẫn thường xuyên gặp nhau. Nhưng sau đó K thấy H không còn mặn mà với mình nữa. Những cuộc hẹn hò giữa hai người thưa dần. K cho rằng H đã thay lòng đổi dạ phản bội lại tình yêu giữa hai người. Uất ức, K đã mua một chai gần nửa lít axit đặc đến chờ H ở cổng cơ quan. K rủ H vào quán nước để rồi nói chuyện. Khi biết H không còn yêu mình nữa, K đã hất thẳng chai axít vào đầu, mặt làm cho H bị bỏng nặng. Tỷ lệ thương tích H phải gánh chịu là 45%.
Trong khi giải quyết vụ án có những ý kiến sau:
- K phạm tội giết người chưa đạt theo khoản 1 Điều 93 và Điều 18 Bộ luật hình sự.
- K phạm tội cố ý gây thương tích cho người khác theo khoản 3 Điều 104 Bộ luật hình sự.
Hỏi: Anh (Chị) cho biết ý kiến của mình về tội danh và khung hình phạt áp dụng đối với K?
Bài tập số 30
Không muốn các cô gái trong làng yêu đương và kết bạn với thanh niên ở nơi khác đến, nên Ngụy Quốc H, Trần Văn T và một số tên khác ở thôn D, xã Liễn Sơn, huyện Lập Thạch thường có thái độ hậm hực, ghen tức mỗi khi có những chàng trai lạ đến tìm hiểu, kết bạn với các cô gái trong làng.
Anh Trần Nam T, cán bộ trường trung học cơ sở xã Thái Hoà (cũng ở huyện Lập Thạch) tìm hiểu để xây dựng gia đình với chị Nguyễn Thị N ở thôn D. Anh T và chị N quen biết và tìm hiểu nhau từ cuối năm 2001. Từ đó đến nay, anh T vẫn thường bị nhóm thanh niên này ghen ghét và đánh tiếng đe dọa.
Sau nhiều lần theo rõi, rình rập, khoảng 22 giờ 30 phút ngày 1/6/2002 thấy anh T từ nhà chị N ra về, H và L đã đón đường bất ngờ dùng gậy gộc xông vào đánh cho đến khi anh bất tỉnh bên lề đường. Sau đó bọn chúng bỏ về. Trên đường về, do vẫn chưa đã cơn ghen, H còn đi mượn dao và quay lại nơi anh T đang nằm bất tỉnh, chém nhiều nhát vào đầu và mặt cho đến khi anh chết hẳn.
Kết luận giám định pháp y cho biết anh Trần Nam T tử vong do bị đa thương tích, vỡ hộp sọ.
Có hai ý kiến khác nhau khi định tội danh đối với các tên trong vụ án:
- Ngụy Quốc H phạm tội giết người theo khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự. Trần Văn L phạm tội cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người theo khoản 4 Điều 104 Bộ luật hình sự;
- Ngụy Quốc H và Trần Văn L phạm tội giết người theo khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự.
Hỏi: Anh (Chị) cho biết ý kiến của mình trong việc định tội danh và khung hình phạt áp dụng đối các tên trong vụ án?
Bài tập số 31
Lúc 2 giờ15 phút sáng ngày 11/12/ 2002, khi mọi người vẫn còn đang ngon giấc, công nhân tại Công ty sản xuất gốm sứ Kiến Hồng bỗng nghe thấy những tiếng nổ nhỏ phát ra từ phòng của anh Hồ Việt Q. Căn phòng bốc cháy dữ dội. Lực lượng bảo vệ và công nhân đã tập trung cứu chữa, đồng thời điện báo cho cảnh sát PCCC. Khi ngọn lửa được dập tắt, người ta đã nhận ra xác chết bị cháy là anh Hồ Việt Q cán bộ giao dịch khách hàng của Công ty.
Nghi vấn đây là một vụ án hình sự nghiêm trọng nên Cơ quan điều tra đã tiến hành các hoạt động điều tra thu thập chứng cứ, khẩn trương tiến hành bắt giữ thủ phạm tên là Đinh Sơn H, sinh năm 1981 tại Thanh Hoá, sống với gia đình tại Cộng hoà liên bang Nga, đang theo học Đại học Tài chính, Khoa Quan hệ Quốc tế năm thứ hai.
H khai nhận ngày 11/12/2002 sau khi đến chơi với Q, lợi dụng lúc Q không để ý đã bịt mồm, mũi Q bằng khăn tẩm thuốc mê rồi trói Q vào chân giường. Sau đó H lấy toàn bộ những vật dụng có giá trị trong phòng như xe @, điện thoại di động, chiếc nhẫn hột xoàn 4,7 ly…(tổng giá trị tài sản khoảng 100 triệu đồng). Trước khi tẩu thoát H đã gom màn, chăn, chiếu quần áo vào một chỗ rồi đốt dẫn đến hậu quả như đã nêu trên.
Khi xác định tội danh và khung hình phạt áp dụng đối với Q có ý kiến cho rằng Đinh Sơn H phạm tội giết người, tội cướp tài sản và tội huỷ hoại tài sản. Tội danh và hình phạt áp dụng được quy định tại khoản 1 Điều 93, khoản 2 Điều 133, khoản 2 Điều 143 Bộ luật hình sự.
Hỏi: Anh (Chị) có đồng ý với ý kiến trên không? Tại sao?
Bài tập số 32
Tháng 2/ 2001, ông Lê Quang S ở phường Hàng Bè đào móng làm đổ tường nhà bà Phùng Thị D và phải bồi thường 16 triệu đồng. Từ đó, hai gia đình có mâu thuẫn.
Tháng 5/2002, đường ống nước nhà bà D đội nhiên bị tắc toàn bộ. Thợ chữa nước phát hiện nhiều túi ni lông trong ống nước. Đặc biệt, từ tháng 7 do nước ăn có hiện tượng lạ, các cháu nhỏ gia đình bà D liên tục ốm. Mẹ bà D đang khoẻ mạnh cũng mắc bệnh phải chuyển nơi khác ở mới đỡ.
Trong hai tháng 8 và 9/2002, bà D mang mẫu nước xét nghiệm tại Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội và viện Dinh dưỡng Trung ương. Kết quả xét nghiệm cho biết mẫu nước có thuốc trừ sâu thuộc họ Curbamate có tên methomul hàm lượng cao 50mg/l. Sử dụng nước này sẽ bị ngộ độc. Bà D phát hiện có một lỗ khoan nhỏ vào đường ống nước trên sân thượng tầng 6, gần đó có 4 chiếc găng tay dùng dở và đã đi báo Cơ quan công an. Qua kiểm tra, công an phát hiện ở độ cao trên 20m so với mặt đất chỉ có nhà bà D và ông S có sân thượng liền kề (2 ngôi nhà đều 6 tầng, nhô cao hẳn lên và hoàn toàn độc lập với các nhà xung quanh); lỗ khoan được ngụy trang bằng một ốc vít bám dư lượng hoá chất có mùi và màu giống chất đọng trong nước ăn nhà bà D.
Qua đấu tranh khai thác của cơ quan công an, ông S đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình.
Khi xác định trách nhiệm hình sự đối với Lê Quang S có các ý kiến sau:
1. Lê Quang S không phải chịu trách nhiệm hình sự vì hậu quả đã không xảy ra;
2. Lê Quang S phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người chưa đạt. Tội danh và hình phạt quy định tại khoản 2 Điều 93, Điều 18 và khoản 3 Điều 52 Bộ luật hình sự;
3. Lê Quang S phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người chưa đạt. Tội danh và hình phạt quy định tại khoản 1 Điều 93, Điều 18 và khoản 3 Điều 52 Bộ luật hình sự.
Hỏi: Anh (Chị) cho biết ý kiến nào đúng? Tại sao?
Bài tập số 33
Bảo Thị Hoài P và anh Lê Văn L, cùng quê ở Đồng Tháp, kết hôn với nhau từ năm 1985, đã có một con chung 16 tuổi. Trong thời gian chung sống, L thường xuyên ngược đãi và đánh đập P nên hai người đã có giai đoạn sống ly thân.
Đến năm 1995, cả hai đã hàn gắn lại mối quan hệ vợ chồng và lên thành phố Hồ Chí Minh sinh sống. Ngày 8/2/2002, do hai người có mâu thuẫn nhỏ trong việc giáo dục con, L và P đã lời qua tiếng lại với nhau. Trong lúc nóng giận, L đã dọa đòi giết T và lấy con dao chặt xương đặt bên cạnh rồi đi ngủ.
Thấy con dao đặt cạnh chồng, P thấy sợ liền lấy cất đi. Vừa lúc đó, L giật mình tỉnh dậy, giằng con dao trên tay P làm dao rơi trúng cổ anh L. Sợ L chém mình nên P chụp vội lấy con dao và chém nhiều nhát vào đầu, lưng L. Khi L chết, lo sợ bị phát hiện nên P đã cắt xác L ra nhiều phần cho vào bao bì, sau đó thuê xích lô đến và chở xác giấu ở ba nơi.
Thực hiện xong việc tẩu tán xác L, P đã bỏ trốn về Đồng Tháp, một tuần sau thì bị bắt.
Căn cứ vào các tình tiết nêu trên, có ý kiến khác nhau như sau:
1. Bảo Thị Hoài P phạm tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng (khoản 1 Điều 96 Bộ luật hình sự);
2. Bảo Thị Hoài P phạm tội giết người (khoản 2 Điều 93 Bộ luật hình sự);
3. Bảo Thị Hoài P phạm tội giết người (khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự).
Hỏi: Hãy cho biết ý kiến của Anh (Chị) về tội danh và khung hình phạt áp dụng đối với Bảo Thị Hoài P?
Bài tập số 34
Võ Thanh H (32 tuổi, làm nghề xe ôm) ở gần nhà chị Trần Thị D (26 tuổi). Vốn là một kẻ côn đồ, H từng phải ngồi bóc lịch trong nhà tù 4 năm về tội cố ý gây thương tích cho gnười khác theo khoản 2 Điều 109 Bộ luật hình sự 1985 và mới thụ hình xong ngày 15/8/1997.
Ra tù, H được gia đình mua cho một chiếc xe máy để chạy xe ôm. Chị D buôn bán ở chợ nên thường đi xe của H. Thấy chị D xinh đẹp, H ngỏ lời tán tỉnh nhiều lần nhưng đều bị từ chối. Nghĩ rằng chị đã có người khác, H ghen tuông và nung nấu chuyện trả thù.
Đêm 31/1/2003, sau khi xem pháo hoa đêm giao thừa, chị D cùng 2 cháu ruột về nhà trải chiếu ngủ cạnh cửa sổ. Khoảng 2 giờ sáng ngày 1/2/2003, Võ Thanh H xách theo 1 can xăng lớn đổ xung quanh nhà chị D đang ngủ và châm lửa đốt. Hậu quả là chị D bị bỏng toàn thân và qua đời tối 9/2/2003 còn hai cháu ruột là Nguyễn Thị Tú T (13 tuổi) và Nguyễn Thị Mỹ L (12 tuổi) được đưa đi cứu chữa tại Bệnh viện 121. Căn nhà và toàn bộ đồ đạc bị cháy thành tro, thiệt hại tài sản khoảng gần 200 triệu đồng.
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh truy tố Võ Thanh H về tội giết người và tội huỷ hoại tài sản. Tội danh và hình phạt áp dụng quy định tại khoản 1 Điều 93 và khoản 2 Điều 143 Bộ luật hình sự.
Hỏi: Anh (Chị) hãy xác định tội danh và khung hình phạt áp dụng đối với Võ Thanh H?
Bài tập số 35
Phạm Anh H đi ô tô từ Hà Nội về thị trấn K rồi từ đó cuốc bộ về nhà. Đi được khoảng hơn một km, do mệt mỏi H kiếm một mô đất bên đường ngồi nghỉ. Đang lúc lúi húi mở túi du lịch lấy chai rượu ra để uống vài ngụm cho lại sức thì bất ngờ một tiếng quát: “Ngồi im, động đậy tao giết” kèm theo tiếng quát là một mũi dao nhọn dí sát sườn H. Tên này buộc anh phải đưa các thứ mang theo người như: Túi du lịch, đồng hồ, tiền…
Thấy túi ngực của anh H căng phồng tên cướp tưởng là có tiền nên tay phải cầm dao tay trái lần mở cúc túi áo. Lợi dụng lúc tên cướp sơ hở, H đã dùng cùi chỏ thúc mạnh ra đằng sau vào ngực tên cướp và tay kia gạt mạnh hất con dao bắn ra xa và đấm vào mặt tên cướp. Tên cướp tránh quả đấm và sau đó dùng chân đạp mạnh vào ngực H, rồi cả hai người nhảy vào vật lộn dữ dội. Cuối cùng H chống chân lật mạnh người đè lên người tên cướp rồi đấm liên tiếp vào mặt vào bụng làm tên cướp máu mồm, máu mũi hộc ra, ôm bụng quằn quại dưới đất. H đứng dậy toàn thân ê ẩm, chân tay sướt sát, máu chảy nhiều. Anh vớ lấy chai rượu đang nằm nghiêng bên đường nhằm thẳng vào đầu tên cướp đang nằm dưới đất đập mạnh một nhát rồi lấy đồ đi về nhà.
Tên cướp tên là Nguyễn Quang S (người thị trấn K là con nghiện có nhiều tiền án, tiền sự) đã được người dân phát hiện đưa đi bệnh viện cứu chữa. Do bị thương quá nặng nên 25 ngày sau S bị chết.
Khi giải quyết vụ án có ba quan điểm khác nhau sau:
1. Phạm Anh H không phạm tội vì đây là trường hợp phòng vệ chính đáng theo Điều 15 Bộ luật hình sự;
2. Phạm Anh H phạm tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng theo khoản 1 Điều 96 Bộ luật hình sự;
3. Phạm Anh H phạm tội giết người theo khoản 2 Điều 93 Bộ luật hình sự.
Hỏi: Theo Anh (Chị) ý kiến nào đúng? Tại sao?
Bài tập số 36
Nguyễn Thị N ở gần nhà bà Võ Thị H. Khoảng 8 giờ ngày 15/12/2000 thấy bà H khóa cửa đi vắng, N trèo qua cổng vào sân nhà bà, sau đó dùng dao găm mang theo cậy khoá cửa buồng vào lấy đài cassette và dùng luôn chiếc chăn chiên ở giường gói lại. Đang tiếp tục tìm kiếm tài sản để lấy, N nghe thấy tiếng bà H về vội nấp vào sau cánh tủ, tay cầm dao. Khi bà H vào buồng N dùng tay phải túm tóc, tay trái cầm dao chém liên tiếp nhiều nhát vào đầu đến khi bà H ngất xỉu. N vội vàng ôm đài đem về cất giấu, rồi ung dung đạp xe đi chơi. Đến 12 giờ cùng ngày N quay về nhà thì bị công an bắt giữ. Còn bà H được đưa đi bệnh viện cứu chữa kịp thời nên không bị chết.
Bệnh án số 250 ngày 16/12/1990 ghi “Bệnh nhân (74 tuổi) nhập viện trong tình trạng bị chém 7 nhát tập trung ở vùng đỉnh, vùng chẩm đầu, vết chém sắc gọn. Tỷ lệ thương tích là 30%”.
Căn cứ vào các tình tiết nêu trên, khi định tội danh và khung hình phạt áp dụng đối với N có các ý kiến sau:
1. Nguyễn Thị N phạm tội trộm cắp tài sản theo khoản 2 Điều 138 Bộ luật hình sự và tội cố ý gây thương tích cho người khác theo khoản 2 Điều 104 Bộ luật hình sự;
2. Nguyễn Thị N phạm tội cướp tài sản theo khoản 2 Điều 133 Bộ luật hình sự và tội giết người theo khoản 1 Điều 93 và Điều 18 Bộ luật hình sự.
Hỏi: Anh (Chị) đồng ý với ý kiến nào? Tại sao?
Bài tập số 37
Tối ngày 24/4/2002, Nguyễn Văn K đang ở nhà thì thấy có người gọi ngoài ngõ. K ra xem ai gọi, nhưng do trời rất tối, chưa nhìn thấy ai thì bất thình lình bị nhiều người xông vào đấm đá túi bụi, thấy vậy K vội kêu cứu và bỏ chạy nhưng số người này vẫn đuổi theo tấn công. Sẵn có con dao nhíp trong túi K rút ra nói: “Tao không có thù oán với đứa nào cả, để tao yên. Nếu đứa nào xông vào tao đâm chết”. Những người đuổi theo vẫn lao vào đánh, K bị ngã nhưng chúng vẫn không tha, sẵn có con dao trong tay K đâm ngược lại phía sau, không ngờ trúng tim một người chết ngay tại chỗ. Thấy vậy cả bọn sợ bỏ chạy. K sau đó ra Cơ quan công an trình báo sự việc.
Tại Cơ quan công an, K được biết người chết là Nguyễn Văn B người làng bên. Do căm tức K tìm hiểu yêu đương Nguyễn Thị L là bạn thân của mình nên B đã rủ một số thanh niên trong làng tìm gặp cho K một bài học và dẫn đến sự việc đau lòng như đã nêu trên.
Hỏi: Hãy cho biết Nguyễn Văn K hành động trong trường hợp phòng vệ chính đáng (Điều 15 Bộ luật hình sự) hay phạm tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng (Điều 96 Bộ luật hình sự)?
Bài tập số 38
Do có thù tức với Đặng Văn H nên Trần Tuấn A, Phạm Quốc B và Nguyễn Hồng C bàn bạc với nhau tìm H đánh cho một bài học. Khi gặp H cả 3 tên xông vào dùng chân tay đấm đá cho tới khi H gục xuống đất mới thôi. B và C nói với A: “Thôi thế đủ rồi, đánh nữa nó chết mất, từ nay trở đi nó sẽ không dám khinh thường chúng ta nữa đâu”. Sau đó hai người này bỏ về, nhưng A vẫn ở lại dùng mũi giày thúc liên tiếp vào 2 mạng sườn và đạp lên ngực cho tới khi H ứa máu mồm, máu mũi nằm bất tỉnh. Hậu quả là H bị chết.
Kết quả giám định cho biết nguyên nhân H chết là do bị dập lá lách, chảy máu trong, phổi xung huyết, mất máu cấp.
Có hai quan điểm khác nhau khi định tội danh đối với các tên trong vụ án:
1. Trần Tuấn A và Phạm Quốc B và Nguyễn Hồng C phạm tội giết người (Điều 93 Bộ luật hình sự);
2. Phạm Quốc B và Nguyễn Hồng C phạm tội cố ý gây thương tích (Điều 104 Bộ luật hình sự). Trần Tuấn A phạm tội giết người (Điều 93 Bộ luật hình sự).
Hỏi: Theo Anh (Chị) ý kiến nào đúng? Tại sao?
Bài tập số 39
Do có việc tranh chấp một phần đất nằm giáp ranh giữa hai gia đình ông Nguyễn Đình N và ông Dương Đức C, nên giữa hai gia đình này đã có lời qua tiếng lại với nhau.
Ngày 5/2/2002 khi ông N đang rào phần đất trên thì Dương Đức A con trai cả ông C ra nói: “Bác đừng làm thế…”. Ông N vác cuốc đánh A, A sợ bỏ chạy về nhà. Cùng lúc đó, do có sự chuẩn bị trước nên cả nhà ông N gồm 5 bố con ông N và 4 bố con ông Nguyễn Đình T (em trai ông N) người mang dao, người thì mang thanh sắt, gậy, gạch, đá kéo sang nhà ông C. Ông T cầm dao xông vào giật đứt mành che cửa, túm cổ áo ông C đe giết rồi dùng dao thúc vào bụng ông. Khi A con trai ông C kéo bố vào nhà thì ông T cầm dao chém. A tránh được nhưng lại bị đá vào hông nên ngã ra đất. Thấy bố và anh bị đánh, các cửa ra vào đều bị bịt kín và không còn lối thoát. Dương Đức L là con trai thứ hai của ông C cho rằng tính mạng bố và anh mình đang có nguy cơ bị đe dọa nên đã lấy lựu đạn mà mấy tháng trước L nhặt được ở ngoài đồng tung ra ngoài với mục đích đẩy lùi sự tấn công của gia đình ông N. Lựu đạn nổ làm 2 người chết và 2 người bị thương (trong đó có cả L).
Giải quyết vụ án về phương diện định tội danh đối với hành vi của Dương Đức L có hai quan điểm khác nhau sau:
1. Dương Đức L phạm tội giết người (khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự) và tội tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng (khoản 4 Điều 230 Bộ luật hình sự);
2. Dương Đức L phạm tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng (khoản 2 Điều 96 Bộ luật hình sự) và tội tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng (khoản 4 Điều 230 Bộ luật hình sự).
Hỏi: Theo Anh (Chị) Dương Đức L phạm tội gì? Tại sao?
Bài tập số 40
Trương Dũng A, Chu Văn N, Hồ P và Nguyễn Văn T là cán bộ của Công ty Thủy sản K, đã có mâu thuẫn sâu sắc với Lê Văn B là người cùng cơ quan.
Tối ngày 28/6/2000 A, N, P và T đến nhà riêng của B để tìm đánh B, nhưng do đã biết trước được ý đồ của chúng nên B đã sang nhà bạn để trốn.
Sáng hôm sau B rủ H (là bạn thân) ra quán uống nước. Lúc về hai người gặp A, N, P và T chặn đường gây sự. H can ngăn nhưng cả 4 tên xông vào đấm đá B. Do bị đánh bất ngờ B ngã ra đất. Sau đó B cố gượng dậy, mồm kêu cứu còn tay xách dép bỏ chạy, A và đồng bọn vẫn tiếp tục đuổi theo tấn công, B vừa chạy vừa tiếp tục hô hoán kêu cứu, nhưng bọn A vẫn không tha. B chạy được khoảng 50 m thì đứng lại, thò tay vào túi rút con dao nhíp ra và nói: “Đứa nào vào tao đâm chết”. N lập tức xông vào nhưng đã bị B đâm một nhát vào ngực, sau đó B bỏ chạy. Thấy N bị đâm cả bọn vội đưa đi bệnh viện cấp cứu, nhưng mới đi được nửa đường thì N chết.
Trong biên bản khám nghiệm tử thi có đoạn ghi: “Nạn nhân bị vết thủng ngực xuyên qua xương sụn ức vào phần trên tâm nhĩ phải…”.
Căn cứ vào các tình tiết trên có quan điểm cho là Lê Văn B không phạm tội, vì hành vi của B đã thoả mãn đầy đủ các điều kiện của phòng vệ chính đáng theo Điều 15 Bộ luật hình sự. Trái lại có quan điểm nói rằng Lê Văn B đã phạm tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng theo khoản 1 Điều 96 Bộ luật hình sự?
Hỏi: Theo Anh (Chị) ý kiến nào đúng? Tại sao?
Bài tập số 41
Ngày 15/5/2003, nhân dân xã M phát hiện có một người sắp chết đuối ở ao làng. Một số người đã vội vã nhảy xuống vớt được người đó đưa lên bờ cấp cứu. Bằng cách áp dụng các biện pháp cấp cứu kịp thời nên nạn nhân đã được cứu sống. Người được cứu sống là chị Đinh Thị N (28 tuổi).
Theo kết quả điều tra của Cơ quan công an thì sự việc xảy ra như sau:
Anh Trần Quốc L và chị Định Thị N lấy nhau đã được 4 năm. Hai vợ chồng thường xuyên xích mích, cãi cọ với nhau. Ngày 15/5/2003 nhà có giỗ, ăn uống xong, khoảng 3 giờ chiều ông Trần Văn Đ (bố của anh L) nói “Bây giờ mấy đứa chúng mày đi tát nước để mai còn làm việc khác”. Trần Thị P (là em gái L) nói xen vào: “Vợ chồng anh L đi mà tát nước, ăn uống xong chúng tôi còn phải nghỉ ngơi, với lại ở cái nhà này chúng tôi là con gái nên làm nhiều cũng chẳng được hưởng”.
Nghe bố chồng giục, em chồng nói cạnh khóe. Chị N không nói gì lẳng lặng sang nhà hàng xóm mượn gầu dây để đi tát nước. Khi chị N đi ra đến cổng thì ông Trần Văn Đ giục L: “Cái N đi rồi thằng L ra tát nước cùng với nó”.
Ra đến ruộng lúa, khi dỡ dây gầu ra thì chị N thấy thiếu một dây. L thấy vậy mắng chửi chị N thậm tệ. Hai người to tiếng với nhau. Sẵn bực tức trong người L liền đẩy chị N ngã xuống ao, chờ cho đến khi chị chìm xuống mới bỏ về nhà đắp chăn ngủ (mặc dù L biết chị N không biết bơi, ao lại sâu).
Với những tình tiết nêu trên, khi định tội danh đối với L có ý kiến cho rằng L phạm tội giết người theo khoản 2 Điều 93 Bộ luật hình sự, nhưng theo ý kiến khác thì hành vi của L chỉ cấu thành tội vô ý làm chết người theo khoản 1 Điều 98 Bộ luật hình sự.
Hỏi: Theo Anh (Chị) L phạm tội gì? Tại sao?
Bài tập số 42
Trần Đình H là y sĩ của Xí nghiệp xây dựng K. Ngày 3/5 chị Nông Thị Q do bị đau ốm có đến nhờ H tiêm và điều trị. Sau khi khám xong, H lấy thuốc Penixilin tiêm cho chị. Trước khi tiêm H không thử phản ứng. Khi tiêm được một ít H thấy chị Q lạnh người, rùng mình, toát mồ hôi nên vội rút kim tiêm ra. H hỏi: “ Chị đã tiêm thuốc kháng sinh lần nào chưa”, chị Q đáp: “Tôi đã tiêm hai lần rồi”. H chờ một lúc lâu không thấy có biểu hiện gì nên tiếp tục tiêm hết ống thuốc cho chị Q. Khoảng 15 phút sau thấy chị Q bị phản ứng thuốc máu mồm ứa ra rồi chết.
Hỏi: H phạm tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp theo khoản 1 Điều 99 Bộ luật hình sự hay là tội giết người theo khoản 2 Điều 93 Bộ luật hình sự? Tại sao?
Bài tập số 43
Chu Quốc C là thợ xây đi làm nhà giúp anh trai. Sau khi ăn cơm, uống rượu xong C ra về. Trên đường về nhà C gặp G là bạn cùng xóm. Thấy C say rượu, G nói: “Say thế này cậu nên đi về nhà ngay đi chứ đừng lang thang ngoài đường nữa, bị gió thì nguy hiểm lắm đấy”. C không nghe mà cho là G đã lên lớp dạy đời nên dọa đánh G. Lúc đó bà Bàng Thị B (là người cùng xóm không có thù hằn gì với C) đi qua, thấy vậy đã khuyên can: “Thôi cháu đi về đi, G nó nói đúng đó. Nó khuyên cháu như vậy cũng là vì cháu mà thôi…”. C không những không nghe lời khuyên đó của bà B, mà còn chửi, đuổi bà B đi và dọa: “Không việc gì đến bà, nếu bà không im mồm tôi sẽ đánh chết”. Bà B chưa kịp đi thì C đã giơ chân đá bà B một cái vào sườn, và tát một cái vào mang tai làm bà ngã xuống đất. Thấy bà B ngã bất tỉnh, C sợ hãi bỏ chạy đến nhà cán bộ thôn báo cáo sự việc rồi trốn luôn. Còn bà B được đưa đi bệnh viện, nhưng vài ngày sau thì chết.
Hỏi: Chu Quốc C phạm tội gì? Tại sao?
Bài tập số 44
Chị Lê Thị V là con ông Lê Văn C và bà Nguyễn Thị T. Chị V đã 37 tuổi, lấy anh Nguyễn Văn M và đã có 5 con. Vợ chồng chị V cùng các con cái ở chung với bà Nguyễn Thị T ở Gia Viễn, Ninh Bình.
Từ nhiều năm nay chị V đã có những biểu hiện của bệnh tâm thần, nói năng nhảm nhí, nhảy múa linh tinh, bà T nói là “Con nhài nhập vào chị”.Ông bà T và anh M rất thương nên làm được đồng nào lại tìm thày, tìm thuốc men chữa cho V nhưng vẫn không khỏi.
Vào những ngày gần tết, chị V lại bỏ đi lang thang làm mọi người lại phải tìm kiếm đưa về nhà.
Đêm đêm bà T ngủ cùng phòng với V để đề phòng bất trắc. Khoảng 23 giờ đêm ngày 16/2, chị V đang ngủ bỗng vùng dậy nhảy múa, bà T giữ lại thì chị V tát vào mặt bà và nói “Tao sẽ giết mày”. Bà T cho là con gái mình bị ma làm nên gọi 2 con trai là L và P dậy lấy dây thừng trói chị V lại rồi lấy roi dâu, nước giải để đánh ma cho chị V. Bà bảo P lấy gạo, muối rắc quanh, lấy rơm đốt để “Khao con ma, đuổi con nhài”. L và P làm theo sự điều khiển của bà T. Bà T trực tiếp lấy roi dâu đánh chị V, túm tóc chị, đập đầu xuống đất, đổ nước giải vào mồm, lột quần móc âm hộ chị và hò hét “Phải lôi hồn con ma nhài ra”. Thấy mẹ làm quá, P đã can ngăn nhưng lúc này bà T cũng như điên không nghe, vẫn nói “Phải đánh thế con ma mới buông tha nó”.
Hàng xóm thấy om sòm nên kéo sang lôi bà T ra thì chị V đã chết. Theo giám định pháp y thì chị V chết là do chảy máu não. Tại Cơ quan điều tra bà T khai là vì quá thương con bị ma làm, muốn cứu con không ngờ làm con chết. L và P cũng tin là có ma nhập vào chị V, sợ hãi nên mẹ bảo làm thế nào cũng làm theo.
Anh M (chồng chị V) cũng khai; Chị V bị bệnh tâm thần, anh cùng bố mẹ thuốc thang cho chị nhưng không khỏi. Bố mẹ vợ anh rất tốt, bà T rất thương con. Bà T hành động như vậy cũng chỉ muốn đuổi ma cứu con thôi. Chính quyền địa phương cũng xác nhận đúng như những lời khai trên.
Xung quanh vụ án có 2 ý kiến khác nhau:
1. Bà T phạm tội giết người theo khoản 2 Điều 93 Bộ luật hình sự.
2. Bà T phạm tội cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người theo khoản 4 Điều 104 Bộ luật hình sự.
Hỏi: Theo Anh (Chị) ý kiến nào đúng? Tại sao?
Bài tập số 45
Nguyễn Văn H và Đặng Văn V là hai anh em đồng hao. Trước khi xảy ra vụ án hai người sống với nhau vui vẻ và giữa họ không có mâu thuẫn gì. Trong khi H đi làm xa, vợ con H vẫn ở chung với gia đình V.
Ngày 22/1/2003, nhân dịp rỗi rãi H tranh thủ về nhà thăm gia đình. Chiều ngày 24/5 hai anh em có xích mích, cãi vã nhau về vấn đề chi tiêu trong gia đình. Trong lúc bức xúc H nói: “Tao thường đi vắng…Vợ tao là vợ mày, con tao là con mày” rồi đấm V một cái vào mặt. V điên tiết chạy từ nhà ngoài vào nhà trong lấy ra một con dao mới mua dài 40 cm đem ra chém H. H bị 3 vết thương nặng trong đó có một vết dài 8 cm ở trán làm vỡ xương sọ, rách màng não, làm tổn thương não. Do các vết thương này H đã chết sau 37 ngày điều trị tại bệnh viện.
Hội đồng xét xử sơ thẩm và phúc thẩm đều tuyên phạt Đặng Văn V về tội cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người theo khoản 4 Điều 104 Bộ luật hình sự.
Hỏi: Theo Anh (Chị) phán quyết của Tòa án có đúng không? Tại sao?
Bài tập số 46
Khoảng 20 giờ ngày 29/6/2001 Văn Hoàng X ăn cơm xong sang nhà ông Lại Văn P ở cùng thôn xem ti vi. Khi X đang ngồi xem thì anh Quản Thanh A (là người cùng thôn không có mâu thuẫn gì với X) bế con sang xem. Khi A vào nhà, X trêu “ông ẫm cháu đi chơi đấy à”. Biết X thấy mình bế con mà lại cố ý trêu chọc là bế cháu nên A tức giận mắng: “Đ… mẹ mày ông bế con mà mày bảo ông bế cháu à”, rồi tiến lại chỗ X ngồi tay phải bế con, tay trái đấm một quả vào ngực X. X nói: “Sao ông nóng tính thế”, A vẫn tiếp tục xỉ vả, bực mình X đứng dậy chửi: “Đ… mẹ ông này quá đáng thế, tôi trêu có một chút mà ông chửi tôi mãi, ông thích gì nào” rồi dùng tay đấm liên tiếp vào cổ, vào tai làm A gục xuống phản. Mọi người thấy vậy vội đến can, đuổi X về và đưa A đi cấp cứu, nhưng A đã chết trên đường đi đến bệnh viện.
Kết luận giám định pháp y cho biết A chết là do “chảy máu dưới màng nhĩ trên toàn bộ 2 bán cầu đại não do chấn thương vật tầy vào vùng cổ bên trái, phía sau dưới góc hàm trái”.
Tòa án nhân dân tỉnh tuyên phạt X về tội giết người theo khoản 2 Điều 93 Bộ luật hình sự.
Hỏi: Theo Anh (Chị) phán quyết của Tòa án có chính xác không? Tại sao?
Bài tập số 47
Ngày 5/11/2001, Mai Văn T, giáo viên trung học cơ sở, đi tắm cùng 6 người bạn, trong đó có 1 người tên là Trần Thái H, ở một khúc sông chảy xiết và rất sâu. T biết bơi rất giỏi còn H không biết bơi. T đùa kéo H ra chỗ nước sâu. Một người bạn kéo tay H trở lại bờ được. H sợ bị đùa nên đi đến chỗ khác ngồi. T lại đùa, đến kéo H một lần nữa. Các bạn can ngăn, T nói “Chúng ta ai cũng biết bơi sợ gì cơ chứ”, nói xong T té nước và kéo H ra ngoài xa và lần này H bị nước cuốn đi. T cố đẩy H vào bờ, nhưng không được. Ba ngày sau mọi người mới tìm thấy xác của H.
Trong bản kết luận điều tra, Cơ quan điều tra đề nghị Viện kiểm sát nhân dân truy tố T về tội giết người theo khoản 2 Điều 93 Bộ luật hình sự. Nhưng Viện kiểm sát nhân dân lại thay đổi tội danh, truy tố T về tội vô ý làm chết người theo khoản 1 Điều 98 Bộ luật hình sự.
Hỏi: Anh (Chị) cho biết quan điểm nào đúng? Tại sao?
Bài tập số 48
Phạm Văn Q là con nghiện ma tuý. Do không có tiền để tiêm chích nên đã bàn bạc với Mai Thành Y và Đỗ Văn R đến nhà Lê Thị K (là người yêu của Q) để lấy tài sản.
Trước khi hành động theo kế hoạch đã định, Q căn dặn Y và R chỉ được trói chủ nhà để uy hiếp lấy tài sản chứ không được xâm phạm đến tính mạng và sức khỏe của họ. Cẩn thận hơn trước khi bọn này đi Q còn kiểm tra và giữ lại hung khí chúng mang theo người.
Sợ thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản không thành, nên trên đường đi hai tên Y và R tạt qua nhà lấy lưỡi lê quân dụng mang theo người.
Khi đến nơi hai tên đã dùng lưỡi lê khống chế trói chủ nhà là anh Đỗ Hoài N và lục soát tài sản. Lợi dụng sơ hở của chúng, anh N đã tự cởi được dây trói chạy ra ngoài kêu hàng xóm sang cứu.
Thấy vậy Y đã dùng lưỡi lê đâm anh N nhiều nhát vào bụng và ngực rồi cùng R tẩu thoát.
Anh N được mọi người đưa đi cấp cứu, nhưng vì vết thương quá nặng nên đã bị tử vong.
Khi định tội danh đối với từng tên trong vụ án có hai quan điểm khác nhau:
1. Phạm Văn Q, Mai Thành Y và Đỗ Văn R đồng phạm về hai tội: tội cướp tài sản theo khoản 2 Điều 133 Bộ luật hình sự và tội giết người theo khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự;
2. Phạm Văn Q, Mai Thành Y và Đỗ Văn R đồng phạm về tội cướp tài sản theo khoản 2 Điều 133 Bộ luật hình sự. Ngoài ra Mai Thành Y và Đỗ Văn R còn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người theo khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự;
Hỏi: Anh (Chị) cho biết ý kiến nào đúng? Tại sao?
Bài tập số 49
Y Đúa người dân tộc Xê Đăng trú tại xã Đắk Hà, goá chồng từ lâu. Năm 1999, Y Đúa có thai với người đàn ông ở xã bên nên theo lệ làng bị phạt 2 con lợn cùng gà và rượu.
Ba năm sau, người đàn bà goá này lại vướng vào cuộc tình khác. Bụng to dần, cô ta sợ bị đuổi khỏi làng do tái phạm, nên trốn vào rừng sống. Cuối tháng1/2003 đứa bé chào đời. Lo sợ dân làng bắt vạ vì “Không chồng mà chửa” nên khi vừa đẻ xong Y Đúa đã giết chết đứa trẻ. Con gái lớn của Y Đúa kinh sợ về báo với dân làng.
Hỏi: Với những tình tiết nêu trên theo Anh (Chị) đã có đủ cơ sở pháp lý để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Y Đúa về tội giết con mới đẻ theo Điều 94 Bộ luật hình sự chưa? Tại sao?
Bài tập số 50
Sáng ngày 3/4/2002 Nguyễn Văn P (32 tuổi), trú quán tại thị trấn Hai Riêng, Sông Hinh đi chăn bò nhưng để bò của mình vào ăn mía vườn nhà bà Nguyễn Thị H. Vợ chồng bà H giữ bò lại để bắt đền. P đến xin không được, bèn xông vào giật dây buộc bò để dắt về. Nhưng cả hai vợ chồng bà H không trả, bà H còn quấn chặt dây buộc bò vào tay để giữ bằng được con bò. Xin mãi không được tức mình P lấy cây mía khô đánh vào lưng con bò làm con vật vùng chạy kéo ngã vợ chồng bà H. Riêng bà H bị bò kéo lê trên đường một quãng dài nên bị dập lá lách, chấn thương sọ não chết tại Bệnh viện Sông Hinh ngay sau đó.
Hỏi: Nguyễn Văn P phạm tội giết người (Điều 93 Bộ luật hình sự) hay tội vô ý làm chết người (Điều 98 Bộ luật hình sự)?
Bài tập số 51
Nguyễn Thanh A (27 tuổi, đã có một đời vợ) và Nguyễn Thị B (22 tuổi, chưa có chồng) đã có quan hệ như vợ chồng với nhau hơn 2 năm. Gia đình chị B kiên quyết không chịu gả B cho A và ép chị phải lấy người khác. Chị không đồng ý lấy người này nên bị gia đình chửi mắng, đánh đập tàn nhẫn. Chị B có tư tưởng chán đời nên muốn tự tử, đã ngỏ ý với A. A cũng muốn chị B chết, vừa để chị khỏi lọt vào tay kẻ khác, vừa để báo thù gia đình chị không chịu gả chị cho y. A nói với chị B là A cũng muốn tự tử cùng chị. A bảo chị B chuẩn bị vải nhíp buộc chân tay, còn y mang theo dây thừng. A cùng chị B đến một ao sen sâu 0,8 m. A bảo chị B xé vải tự buộc hai chân làm một, còn y buộc hộ hai cổ tay chị làm một và buộc nút. A rút dây thừng đem theo làm động tác cuốn vào chân mình, đồng thời bảo chị B đứng lên xem sao. Khi chị B đứng chưa ngay người thì bất thình lình A đẩy chị B xuống ao. Khi thấy chị ngoi lên A vội tụt dây buộc chân, nhảy xuống ao dìm đầu chị ngập xuống nước rồi lên bờ đứng. Lâu lâu thấy chị ngoi lên sặc sụa, A lại nhẩy xuống lấy tay ấn chị cho đầu ngập xuống nước, mãi về sau khi không thấy chị ngoi lên nữa, A vội xuống lôi xác chị lên dia bờ ao.
Khi xác định tội danh của A, có hai ý kiến khác nhau sau:
1. A phạm tội giúp người khác tự sát (Điều 101 Bộ luật hình sự);
2. A phạm tội giết người (Điều 93 Bộ luật hình sự).
Hỏi: Anh (Chị) đồng ý với ý kiến nào? Tại sao?
Bài tập số 52
Phí Văn Q và Lê Thị L yêu nhau tha thiết, nhưng một thời gian sau Q lại đi yêu người khác. Nhiều lần L bàn với Q về lễ cưới của hai người nhưng đều bị Q từ chối với lý do là gia đình Q không cho Q lấy L làm vợ. L nói với Q là nếu gia đình cấm đoán thì cả hai trốn đi ở nơi khác làm ăn, nhưng Q tìm cách chối khéo.
Ngày 15/3/2003, do không muốn L bám theo mình nữa nên Q chủ động gặp L và nói: “Bố mẹ anh không bao giờ đồng ý cho hai đứa mình lấy nhau đâu. Còn anh lại rất yêu em, không muốn xa em. Thôi thì cả hai đứa cùng nhảy xuống sông tự tử để mãi mãi được ở bên nhau. Em có đồng ý không?”. Vì quá si tình nên L ôm lấy Q khóc và nói: “Anh bảo sao em nghe vậy, thân xác em là của anh, sống chết thế nào đều do anh quyết định mà…”.
Khoảng 19 giờ tối cùng ngày, sau khi viết giấy để lại nói rõ sự tình cho gia đình, L cùng Q ra bờ sông. Trước khi nhảy xuống sông cả hai đều nhất trí khi nào Q hô đến ba thì nhảy. Nhưng khi Q hô đến ba thì chỉ có L nhảy xuống sông và bị nước cuốn đi, đến hai ngày sau mới tìm thấy xác, còn Q quay về nhà báo với mọi người là L đã trầm mình xuống sông tự vẫn.
Hỏi: Theo Anh (Chị) Q phạm tội giết người theo khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự hay là tội xúi giục người khác tự sát theo khoản 1 Điều 101 Bộ luật hình sự?
Bài tập số 53
Nguyễn Công Đ và Huỳnh Văn K đi săn. Đ thấy một con gà rừng liền giương súng lên ngắm bắn. K thấy cách con gà khoảng 2 mét có một người dân đang lấy măng rừng, liền bảo Đ: “Thôi đừng bắn nữa, nhỡ trúng người thì chết”, Đ không nghe còn nói với K là: “Mày chưa biết tài bắn súng của tao à ! chưa bao giờ tao bắn trượt cả”. Nói xong Đ bóp cò, không ngờ đạn lại trúng người lấy măng làm người này chết ngay tại chỗ.
Hỏi: Theo Anh (Chị) truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Đ về tội giết người (khoản 2 Điều 93 Bộ luật hình sự) hay tội vô ý làm chết người (khoản 1 Điều 98 Bộ luật hình sự)? Tại sao?
Bài tập số 54
Nguyễn Văn K (đã có vợ và một con trai 10 tuổi) quan hệ bất chính với Lê Thị C người cùng thôn. Khi biết chị C có thai với mình, K sợ sự việc bại lộ thì gia đình sẽ tan nát, láng xóm chê cười, nên bắt chị C đi nạo thai, nhưng chị C không đồng ý. K biết nếu C cứ để thế thì cái thai sẽ càng ngày càng to và rồi trước sau sự việc cũng bị lộ nên quyết định cho chị C đi sang thế giới bên kia. K đi tìm mua được một ít thạch tín.
Một hôm C ốm nằm ở nhà, K sang nhà thăm, C nhờ K xuống bếp múc cháo để ăn. Trong khi không ai để ý K đã trộn thạch tín mang theo vào bát cháo và mang lên cho C rồi bỏ ra ngoài vườn. Vừa lúc đó Nguyễn Văn V (em út của K mới có 4 tuổi) vào nhà thấy cháo nên đòi ăn. Chị C đã đưa bát cháo chưa ăn cho V. V ăn hết bát cháo rồi về nhà. Một lúc sau V đau bụng dữ dội. Người nhà K thấy vậy vội đưa V đi cấp cứu nhưng đã quá muộn. V đã chết trên đường đưa đến bệnh viện.
Kết luận giám định pháp y cho biết V bị chết là do ăn phải thạch tín.
Căn cứ vào các tình tiết của vụ án, có các ý kiến khác nhau khi định tội danh đối với hành vi của K:
1. Nguyễn Văn K phạm tội giết người theo khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự;
2. Nguyễn Văn K phạm tội giết người chưa đạt theo khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự và tội vô ý làm chết người theo khoản 1 Điều 98 Bộ luật hình sự.
Hỏi: Anh (Chị) hãy cho biết ý kiến của mình về tội danh của Nguyễn Văn K?
Bài tập số 55
Khoảng 4 giờ sáng ngày 25/1/2003, Lồ Kỳ M, 30 tuổi, dân tộc Mèo vào rừng bắn khỉ. Đợi một chốc thì trời sáng, M thấy có con khỉ trên cây, định bắn, nhưng vướng cây nên không bắn được; một lát, con khỉ chạy mất; M đuổi theo hướng khỉ chạy. Đến một chỗ vách đá giốc 90 độ, M trông thấy phía trên cách chừng khoảng 6 m có một hình động đậy, có đầu, hai mắt, hai tay đang bò cách mặt đất chừng 40cm. M không trông kỹ hơn, cho là khỉ nên bắn một phát, thì trúng phải anh Vũ Thái H, hôm đó cũng đi bắn buổi sáng. Anh H rơi từ trên cao xuống chết ngay. M biết bắn phải người nên sợ, bỏ mặc về nhà không nói cho ai biết. Vợ H, ngày hôm đó không thấy chồng về, nhờ người đi tìm. Hai hôm sau mới thấy xác ở trong núi.
Hỏi: Anh (Chị) hãy xác định tội danh và khung hình phạt áp dụng đối với M?
Bài tập số 56
Sáng 25/5, ông Trần Văn M, bố của chị Trần Thị H, ở thành phố Vinh, Nghệ An đang bế cháu ngoại là Hồ Anh D thì có 2 cô gái nói là nhân viên tiếp thị tới bán hàng. Họ xin ông T cho bế nựng cháu bé, và thừa lúc ông sơ ý, một người lấy ra lọ thuốc trừ sâu dốc vào miệng cháu bé. Chỉ khi cháu D thét lên, ông T mới nhận ra. Trong lúc mọi người loay hoay đưa cháu D đi cấp cứu thì 2 cô gái nhanh chóng tẩu thoát. Qua mô tả nhận dạng của các nhân chứng, chiều cùng ngày, Công an thành phố Vinh đã bắt được một trong hai cô gái “tiếp thị”, là Nguyễn Thị G, 20 tuổi, trú tại phường Vinh Tân.
Theo lời khai của G, anh rể của cô ta là Hồ Anh T có quan hệ bất chính với chị Trần Thị H. Từ khi T và H có con riêng là cháu D, cuộc sống gia đình chị gái trở nên lục đục. Vì để bảo vệ hạnh phúc gia đình chị gái, G lên kế hoạch rủ bạn là Dương Thị K tìm cách đầu độc cháu D.
Căn cứ vào các tình tiết nêu trên, có ý kiến cho rằng Nguyễn Thị G và Dương Thị K phạm tội giết người chưa đạt theo khoản 1 Điều 93 và Điều 18 Bộ luật hình sự. Hồ Anh T và Trần Thị H phạm tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng theo khoản 1 Điều 147 Bộ luật hình sự.
Hỏi: Anh (Chị) có đồng ý với ý kiến trên không? Tại sao?
Bài tập số 57
Khoảng 6 giờ 30 phút ngày 21/8, trong lúc các anh Nguyễn Văn Đ, Nguyễn Văn L và Phạm Văn P, ở tại ấp Bình Thạnh 3, xã Thạnh Trị, Bình Đại (tỉnh Bến Tre) đi giăng lưới thì bị điện giật chết.
Nguyên nhân là khi đi ngang qua ao tôm của anh Nguyễn Văn C (cùng ấp) thì 3 người này bị vướng dây điện. Qua tìm hiểu cho thấy, anh C là nhân viên của Ban quản lý điện Bình Đại. Để thắp sáng ao tôm, anh C đã giăng điện qua ao nhưng không bảo đảm an toàn do dùng dây trần và chỉ mắc một sợi dây nóng, còn dây lạnh ghim xuống đất.
Trong số 3 người bị điện giật chết có Nguyễn Văn L là anh ruột của C. Hai người còn lại đều đã có vợ con và là lao động chính trong gia đình.
Hỏi: Theo Anh (Chị) C phạm tội giết người (khoản 2 Điều 93 Bộ luật hình sự) hay là tội vô ý làm chết người (khoản 1 Điều 98 Bộ luật hình sự)? Tại sao?
Bài tập số 58
Nguyễn Quang T đã phun axít vào mặt vợ là Nguyễn Thị H để bày tỏ “tình yêu” và “thuyết phục” vợ rút đơn ly dị. Sự việc xảy ra tại xã Ngọc Thụy, huyện Gia Lâm, Hà Nội tối ngày 23/5/2003.
Điều tra sự vụ được biết như sau: Hai vợ chồng T thường trú tại phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Chị H thường xuyên bị chồng thượng cẳng chân hạ cẳng tay do ghen tuông vô căn cứ, chị đã nhiều lần bỏ về nhà mẹ đẻ ở Ngọc Thụy, huyện Gia Lâm. Mỗi lần như vậy, T lại sang xin lỗi, năn nỉ, hứa sửa chữa tính xấu rồi đón vợ về. Song đâu lại vào đấy, T lại tiếp tục đánh đập vợ. Mâu thuẫn của gia đình T đã nhiều lần được tổ dân phố hoà giải, nhưng không thu được kết quả.
Ngày 5/2, chị H viết đơn ly dị gửi ra phường rồi bỏ về nhà mẹ đẻ. Ngày 23/5/2003 do không thuyết phục được vợ về nhà, T đã lấy chiếc xi lanh chứa đầy axit được chuẩn bị sẵn phun thẳng vào mặt làm cho chị H bị một vết sẹo dài trên mặt. Theo kết luận giám định thì thương tích chị H phải gánh chịu là 5%.
Hỏi: Anh (Chị) hãy cho biết hành vi của T có thoả mãn các dấu hiệu của tội cố ý gây thương tích cho người khác theo khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự không? Tại sao?
Bài tập số 59
Trưa 13/1/2003, Hoàng Văn V phát hiện vợ mình là Phạm Thị D đã chết do thắt cổ tự tử bên cửa sổ.
Cơ quan công an đã nhanh chóng tiến hành điều tra làm rõ vụ việc. Kết quả điều tra cho biết: Vợ chồng chị V sống cùng cậu con trai 7 tuổi tại xã Hoàng Liệt, Thanh Trì. Cuộc sống gia đình họ thường xuyên bất hoà, bởi V hay chửi và đánh vợ sau khi uống say. Khoảng 11giờ 30 phút ngày 13/1, khi V tỉnh giấc buổi sáng cũng là lúc chị D đi bán hàng rong về. V bắt chị D nấu bữa trưa.
Trong khi chờ cơm chín, hắn sai vợ đi mua phở. Ăn đến bát thứ hai, V chê ít thịt, nên đổ đi và mắng chị D không biết mua phở. Sau đó V đã thượng cẳng chân, hạ cẳng tay đánh chị đến ngất rồi nhốt ở trong nhà. Lúc trở về thì chị D đã chết như đã nêu trên.
Có hai ý kiến khác nhau về trách nhiệm hình sự của Hoàng Văn V:
1. Hoàng Văn V không phạm tội;
2. Hoàng Văn V phạm tội bức tử (Điều 100 Bộ luật hình sự).
Hỏi: Anh (Chị) đồng ý với ý kiến nào? Tại sao?
Bài tập số 60
Ông Nguyễn Văn X ở xã Trung Hà, Vĩnh Phúc nuôi 2 con bò để làm sức kéo. Sáng 8/7/2001 khi ra thăm chuồng bò thấy 2 con bò của mình bị chém mất một tai và mũi. Ông X lập tức đi báo chính quyền địa phương.
Một tháng sau ông lại phát hiện bò nhà mình bị ai chém nhiều nhát vào mình và vào chân không đi lại được. Ông lại đi báo công an xã và huyện. Nhưng chờ mãi, thủ phạm không thấy đâu còn hàng ngày thấy bò của mình mất tai, mũi ông rất tức. Ông X nghĩ chẳng lấy gì đảm bảo kẻ ác không đột nhập vào nhà tiếp tục cắt các bộ phận khác của các con bò của ông, vì vậy ông đã đi mua dây thép gai về buộc lại hàng rào xung quanh vườn cho kín, còn lại một ít ông buộc vào khu vực chuồng bò. Sau đó, cứ sau 23 giờ mỗi đêm ông lại cắm cho điện chạy qua dây thép để đề phòng kẻ gian. Sáng ngày 1/9/2001 khi ra chuồng bò ông X phát hiện xác anh Trần Văn N đằng sau chuồng bò, trong người có mang một con dao. Ngay lập tức ông X trình báo sự việc cho Cơ quan công an biết.
Có hai quan điểm khác nhau khi giải quyết vụ án về mặt định tội danh:
1. Nguyễn Văn X phạm tội vô ý làm chết người (khoản 1 Điều 98 Bộ luật hình sự);
2. Nguyễn Văn X giết người do vượt qua giới hạn phòng vệ chính đáng (khoản 1 Điều 96 Bộ luật hình sự);
3. Nguyễn Văn X giết người (khoản 2 Điều 93 Bộ luật hình sự)
Hỏi: Hãy cho biết ý kiến của Anh (Chị) về tội danh của Nguyễn Văn X?
Bài tập số 61
Bùi Thanh B (37 tuổi) vừa bị Công an bắt quả tang đang giữ nhiều ảnh khoả thân của Nguyễn Thị D (33 tuổi, quê Tây Ninh đã có chồng và con) để ép buộc chị phải đưa cho hắn 100 triệu đồng.
Theo lời khai của B thì giữa B và D không hề quen biết nhau. Những ảnh khoả thân của D là do Nguyễn Văn L đưa cho hắn nhằm đe dọa buộc D trao tiền để chiếm đoạt.
Nguyễn Văn L (30 tuổi) bị bắt theo lệnh bắt khẩn cấp của Cơ quan điều tra. Trong biên bản hỏi cung L đã khai: giữa anh ta và chị D có quan hệ tình cảm với nhau đã lâu. Trong một lần sau khi “mây mưa” với nhau, L đã lấy máy ảnh tự động ra chụp khi chị D nằm trên giường không một mảnh vải che thân.
Gần đây, L mang ảnh chị D ra khoe với B (là bạn thân). B nói: “Nhà con này giầu lắm, phải bắt nó xì ra một ít để có tiền mua cái xe mà đi. Mày viết một lá thư yêu cầu nó đưa 100 triệu đồng. Tao tin là nó sẽ chấp nhận, nếu không, chồng nó mà biết sự việc chắc sẽ xé xác nó ra mất. Việc này để tao làm, vì nó không biết tao”. Khi B đang thực hiện kế hoạch thì bị Công an bắt như đã nói trên.
Nguyễn Văn L còn khai thêm là nhiều năm nay gia đình L có mâu thuẫn sâu sắc với nhà ông M (ở cạnh nhà L) nên nảy sinh ý định đầu độc cả nhà M. Tối 03/11, L đã bắn lên mái nhà ông này 59 mũi tên có tẩm độc. Khi trời mưa chắc chắn sẽ tan ra và chảy vào bể nước sinh hoạt. Nếu gia đình ông M không biết thì khi dùng nước nấu ăn sẽ bị ngộ độc. Nhưng sau đó, lo sợ cả gia đình ông M chết, sẽ tù tội nên sáng sớm hôm sau L leo lên mái nhà vứt hết số mũi tên này đi.
Căn cứ vào các tình tiết trên có các ý kiến sau về trách nhiệm hình sự của B và L:
1. Bùi Thanh B và Nguyễn Văn L chịu trách nhiệm hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản (Điều 135 Bộ luật hình sự). Nguyễn Văn L còn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người chưa đạt (Điều 93 và 18 Bộ luật hình sự).
2. Bùi Thanh B và Nguyễn Văn L chịu trách nhiệm hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản (Điều 135 Bộ luật hình sự). Nguyễn Văn L được miễn trách nhiệm hình sự về tội giết người theo Điều 19 Bộ luật hình sự.
Hỏi: Anh (Chị) đồng ý với ý kiến nào? Tại sao?
Bài tập số 62
Ngày 29/5/2002 Toà án nhân dân tỉnh K đã tuyên phạt Trương Minh H quê ở huyện Tân Hiệp 10 năm tù vì có những hành vi phạm tội sau:
Theo các chứng cứ được xác minh tại phiên toà và cũng trên cơ sở các lời khai của bị cáo thì mỗi khi màn đêm xuống Trương Minh H lại lẻn vào những nhà dân khu vực xã Thạnh Đông A và Thanh Trị. Nếu thấy các cô gái trẻ đẹp mới có chồng nhưng lại nằm ngủ riêng, hắn tắt điện, nhẹ nhàng chui vào màn vuốt ve âu yếm… Nhiều cô vợ trong lúc ngủ say, tưởng hắn là chồng, nên đồng tình cho quan hệ tình dục.
Theo lời khai của H, có đêm hắn đến thăm tới 3 gia đình. Một số người, sau vài phút gần gũi, ân ái phát hiện hành vi khác thường của “đức lang quân” mới tri hô. Song các lần đó H đều may mắn trốn thoát. Tới người thứ 14 thì hắn bị phát hiện và bị bắt giữ.
Hỏi: Theo Anh (Chị) Toà án nhân dân tỉnh K tuyên phạt Trương Minh H về tội gì? Tại sao?
Bài tập số 63
Chiều ngày 30/6/2002, Nguyễn Quang B (công an phường 10 thành phố Đà Lạt) và Nguyễn Văn V (công an cùng đơn vị với B) được phân công bắt Nguyễn Trần Thiên P đưa về trụ sở để điều tra về một vụ trộm cắp xe máy. Nghi can này vờ đòi đi vệ sinh và bỏ trốn, song bị B túm lại được. B còng chân P, vật xuống nền nhà, đạp liên tiếp vào bụng.
Khoảng 23 giờ cùng ngày, P được gia đình bảo lãnh đưa về. Trên đường đi P kêu đau bụng và phải đưa vào bệnh viện cấp cứu. Bác sỹ xác nhận bệnh nhân bị viêm phúc mạc do vỡ tá tràng, tổn hại sức khoẻ 61%.
Căn cứ vào các tình tiết nêu trên, có hai ý kiến khác nhau trong khi định tội danh đối với hành vi của Nguyễn Quang B:
1. Nguyễn Quang B phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác (khoản 3 Điều 104 Bộ luật hình sự);
2. Nguyễn Quang B phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác trong khi thi hành công vụ (khoản 1 Điều 107 Bộ luật hình sự).
Hỏi: Anh (Chị) hãy xác định tội danh của Nguyễn Quang B?
Bài tập số 64
Nguyễn Văn A và Lê Văn X nhà ở cạnh nhau và có chung một bức tường. Nhà X thường mở đài và ca hát ầm ĩ suốt đêm. Đã nhiều lần A nhắc nhở và cảnh sát khu vực cũng đã lập biên bản và bắt X làm cam đoan không được tái phạm làm ảnh hưởng tới sinh hoạt của dân trong khu phố. X chỉ chấp hành được hai tối, còn sau đó lại thường xuyên kéo bạn bè về nhà hát karaoke làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của gia đình A.
Tối ngày 15/3/2002, trong khi con gái của A ốm nặng cần sự yên tĩnh, X lại lặp lại những hành vi như nêu trên, A sang nhà đề nghị X chấm dứt ngay những hành vi đó nhưng X không nghe còn nói: “Nhà tao, tao làm gì mày không được cấm”. A lập tức cầm lấy chiếc ghế đẩu phang mạnh vào đầu làm X chết ngay tại chỗ.
Hỏi: Anh (Chị) hãy cho biết A phạm tội gid? Tại sao?
Bài tập số 65
Lương Thanh K là chồng của chị Nguyễn Hải M. Những năm đầu họ chung sống với nhau hạnh phúc. Nhưng sau đó K bị bạn bè xấu rủ rê lôi kéo vào con đường nghiện ngập, cờ bạc. Mỗi khi thua bạc hoặc không có tiền mua ma tuý để tiêm chích K lại về gây sự và đánh vợ.
Chị M thường ca thán trước mọi người “Nếu không vì mấy đứa con thì tôi tự tử cho đỡ khổ”. Một lần bị K đánh đau chị M lên giường đắp chăn vừa khóc vừa nói: “Khổ quá, không chịu được nữa, cứ đối xử như thế này thì tôi thà chết đi còn hơn”. Nói xong, chi M liền lấy 4 viên thuốc ngủ để uống với ý định dọa chồng. K đang bực tức vì không có tiền đi đánh bạc liền nói “Uống ít thế không chết được đâu, có giỏi thì uống hết thuốc trong lọ ấy”, sau đó K bỏ đi. Đang uất ức, lại thấy chồng nói vậy, chị M đã uống hết chỗ thuốc trong lọ và bị chết.
Về định tội danh đối với hành vi của K có hai ý kiến sau:
1. K phạm tội xúi giục người khác tự sát (khoản 1 Điều 101 Bộ luật hình sự);
2. K phạm tội bức tử (khoản 1 Điều 100 Bộ luật hình sự).
Hỏi: Hãy cho biết ý kiến nào đúng? Tại sao?
Bài tập số 66
Bà Phạm Thị M lên thăm con trai là Chu Văn Q ở thành phố H. Bà M làm gì cũng bị Q mắng là ngu, đần, đến bữa ăn vợ chồng Q không cho bà ăn cùng mâm mà bắt ăn sau. Q còn bắt bà M ăn những thức ăn mà vợ chồng Q ăn thừa. Q luôn nhiếc móc và đe doạ đuổi mẹ về.
Bà M thấy con vì buôn bán có tiền không còn kính trọng mẹ nữa nên rất buồn nhưng bà vẫn cố chịu đựng vì bà chỉ có một mình Q. Một hôm do sơ ý, bà M làm vỡ chiếc phích đựng nước. Q đi làm về thấy thế quát tháo chửi mắng bà thậm tệ. Vì quá uất ức với con trai, nên đêm hôm đó bà M đã uống thuốc sâu tự tử.
Về phương diện định tội danh, có ý kiến cho rằng Chu Văn Q phạm tội bức tử theo khoản 1 Điều 100 Bộ luật hình sự
Hỏi: Theo Anh (Chị) ý kiến trên có đúng không? Tại sao?
Bài tập số 67
Quách Bảo S là tên lưu manh sống lang thang nay đây mai đó. Đầu tháng 8/2000 hắn đã lấy kẹo có tẩm thuốc mê cho cháu bé gái tên là K (4 tuổi) lạc mẹ đang đứng một mình trước một rạp chiếu bóng ở thành phố Đà Nẵng. Sau đó hắn đưa cháu vào thành phố Hồ Chí Minh xin ăn.
Để có thể xin được nhiều tiền S đã dùng tay đánh vào đầu cháu bé cho đến khi chảy máu rồi đưa đi cấp cứu. Bệnh viện Chợ Rẫy đã xác định cháu bị trấn thương sọ não. Sau khi cháu bé được bệnh viện băng bó và cấp thuốc, S đã bế cháu ra khỏi bệnh viện rồi đưa cháu đi ăn xin trên các phố. Ngày 19/9/2000 S lại bẻ gẫy chân trái của cháu rồi đưa vào Bệnh viện Nhi đồng I bó bột và tiếp tục dẫn cháu đi ăn xin. Ngày 13/10/1999 S lại bẻ gãy tay cháu, đồng thời rạch mặt nhiều nơi, cắt môi trên của cháu rồi đưa vào Bệnh viện Nhi đồng II bó bột rồi lại đưa cháu đi ăn xin. Đến ngày 15/11/2000 thấy cháu bé bị S đánh đập rất dã man trên đường phố nên nhân dân đã báo công an bắt giữ.
Qua giám định kết luận: “cháu K bị gẫy kín các xương đoạn 1/3 dưới xương cánh tay phải và trái, bị di chứng, lệch trục chi gẫy phải, vỡ đầu trên xương chày trái, di chứng cứng gối trái, mặt bị dị dạng. Tỷ lệ thương tích cháu phải gánh chịu là 65%”.
Căn cứ vào những tình tiết của vụ án, có các ý kiến sau:
1. Quách Bảo S phạm tội cố ý gây thương tích và gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác theo khoản 4 Điều 104 Bộ luật hình sự; tội chiếm đoạt trẻ em theo khoản 2 Điều 120 Bộ luật hình sự;
2. Quách Bảo S phạm tội cố ý gây thương tích và gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác theo khoản 4 Điều 104 Bộ luật hình sự; tội hành hạ người khác theo khoản 2 Điều 110 Bộ luật hình sự; tội chiếm đoạt trẻ em theo khoản 2 Điều 120 Bộ luật hình sự.
Hỏi: Theo Anh (Chị) ý kiến nào đúng? Tại sao?
Bài tập số 68
Nguyễn Văn A, Lê Xuân Q và Đỗ Huy V nhận thầu hồ nước của hợp tác xã theo hợp đồng để nuôi cá. Ngày 1/12/1999 khi thấy nước hồ đã cạn, ba tên bơm nước ra để bắt cá. Nhân dân trong xã biết rõ chúng không thả một con cá nào xuống hồ cả nên nước cạn đến đâu họ xuống bắt cá đến đó. A, Q và V biết anh H là người cầm đầu nên có ý định cho một bài học cảnh cáo
Ngày 10/12/1999 ba tên mang một con dao dài 30 cm sắc nhọn đến nhà anh H. Chúng chỉ thấy có con gái anh tên là L (12 tuổi) đang đưa võng cho em ngủ. A và Q xông vào giữ chặt tay cháu L, V lấy dao rạch mạnh vào má bên phải của cháu, sau đó cả bọn ra về.
Làng xóm thấy con anh H kêu khóc, chạy sang thấy sự việc như vậy vội đưa cháu L bị thương đi trạm xá xã cấp cứu. Kết luận giám định thương tật cho biết: Cháu L bị một vết sẹo dài phải khâu 10 mũi. Tỷ lệ thương tật cháu phải gánh chịu là 5%.
Khi giải quyết vụ án có các quan điểm sau:
1. A và đồng bọn không phạm tội;
2. A và đồng bọn phạm tội cố ý gây thương tích cho người khác theo khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự.
Hỏi: Theo Anh (Chị) ý kiến nào đúng? Tại sao?
Bài tập số 69
Đỗ Văn S và Đỗ Văn Y là 2 anh em ruột. S là sĩ quan quân đội về nghỉ phép có mang theo một khẩu súng K59. Tối 15/2/2000 Y rủ S đem 5 triệu đồng sang xã bên để trả nợ. Khi ra khỏi nhà 100 m thì S gặp bạn đến chơi. S bảo Y đi một mình còn S quay về tiếp bạn. Thấy vậy Y hỏi S cho mượn súng để phòng thân. S đồng ý và đưa súng cho Y.
Sau khi trả nợ xong, trên đường về Y gặp dân quân xã bắt được một tên trộm xe máy nhưng do sơ xuất nên tên này bỏ chạy. Họ đuổi theo tên trộm và yêu cầu Y giúp sức. Thấy không ai có súng mà kẻ gian lại có khả năng chạy thoát nên Y vội cùng đuổi theo. Khi đuổi gần kịp tên trộm Y hô đứng lại và bắn cảnh cáo nhưng tên trộm vẫn tiếp tục chạy. Y liền bắn tiếp một phát làm hắn bị thương nặng với tỷ lệ thương tật là 35 % vĩnh viễn.
Trong khi xác định trách nhiệm hình sự của Y có 3 ý kiến sau:
1. Y không phạm tội;
2. Y phạm tội gây thương tích cho người khác trong khi thi hành công vụ theo khoản 1 Điều 107 Bộ luật hình sự ;
3. Y phạm tội cố ý gây thương tích cho người khác theo khoản 2 Điều 104 Bộ luật hình sự và tội sử dụng trái phép vũ khí quân dụng theo khoản 2 Điều 230 Bộ luật hình sự.
Hỏi: Hãy cho biết ý kiến của Anh (Chị) về trách nhiệm hình sự của Y trong vụ án?
Bài tập số 70
Đã trải qua một thời gian dài theo đuổi nhưng Đoàn Văn H (sinh năm 1976, trú quán tại xã E, thành phố Buôn Ma Thuật) vẫn chưa lọt vào mắt xanh của cô bạn gái Trần Thị C người cùng thôn. Quá si tình, H đã từng tuyên bố với bạn bè là nếu không lấy được C thì cũng không để cho C lấy ai, ngoại trừ người dân xã E này.
Khi bạn bè cho biết C đã yêu anh Hoàng Văn K, người ở xã khác, H cay cú nên nảy sinh ý đồ phải làm cho K không bao giờ dám xuống nhà C nữa.
Tối ngày 10/7/2000, biết K đang chơi ở nhà C, H đã rủ hai người bạn là Nguyễn Anh T và Nguyễn Đình M đến phục ở đầu ngõ nhà C. Đến khoảng 23 giờ, khi K chạy xe hon đa ra đầu ngõ thì bị H và đồng bọn chặn lại. Biết là chuyện không lành, K chạy xe vào nhà chị Trần Thị N (chị gái C) nhờ can thiệp. Liền lúc đó, H cầm một thanh gỗ quật nhiều nhát vào mặt và người K. Chị N đã can ngăn, khuyên nhủ đủ điều nhưng H vẫn không từ bỏ ý đồ mà còn tuyên bố sẽ giết K rồi đi tù cũng được.
Anh K được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện, điều trị với các thương tích: trên người có nhiều vết thương trượt da, chấn thương mắt phải, giảm thị lực, tổn hại 41% sức khoẻ.
Khi xác định trách nhiệm hình sự của H có hai quan điểm sau:
1. Đoàn Văn H phạm tội theo theo khoản 2 Điều 104 Bộ luật hình sự;
2. Đoàn Văn H phạm tội theo khoản 3 Điều 104 Bộ luật hình sự.
Hỏi: Anh (Chị) hãy cho biết quan điểm nào đúng? Tại sao?
Bài tập số 71
Tối ngày 9/8/2002 Đoàn Văn Đ đến nhà chị Lâm Thị L rủ đi họp. Vì chồng con đi chơi chưa về, nhà cửa không có ai trông, chị L xin phép vắng mặt.
Đến khoảng 21 giờ, sau khi tan cuộc họp, Đ biết chỉ có một mình chị L ở nhà nên anh ta không về nhà mình mà đi thẳng đến nhà chị L. Sau một hồi tán tỉnh hai người đưa nhau xuống bếp để tình tự thì cũng là lúc Lý Hồng T chồng chị L về nhà bắt gặp.
Trong tình cảnh không mảnh vải che thân, Đ chỉ còn biết chịu trận đòn mà không giám kêu la, chỉ năn nỉ van xin tha thứ với điều kiện T thích gì thì Đ sẽ chấp nhận, nhưng đừng để việc này cho mọi người biết. Chưa hả cơn ghen tức, T bắt hai người diễn lại vài cảnh để chụp hình làm chứng, đồng thời gĩ lại chiếc xe máy của Đ.
Hôm sau, do không chịu nổi những đau đớn do trận đòn hôm trước, Đ phải nhập viên để điều trị và nói rõ sự việc cho vợ con biết, đồng thời làm đơn tố cáo hành vi phạm pháp của T.
Theo kết luận giám định thương tật, Đ bị tổn hại 20% sức khoẻ.
Trong bản cáo trạng Viện kiểm sát truy tố T về tội cố ý gây thương tích theo khoản 1 Điều 104 và tội cưỡng đoạt tài sản theo khoản 1 Điều 135 Bộ luật hình sự .
Hội đồng xét xử sơ thẩm chỉ tuyên phạt T 12 tháng tù giam về tội cưỡng đoạt tài sản theo khoản 1 Điều 135 Bộ luật hình sự .
Hỏi: Theo Anh (Chị) về phương diện định tội danh, quyết định của Toà án đúng hay của Viện kiểm sát nhân đúng? Tại sao?
Bài tập số 72
Sáng ngày 31/10/2002, trên phố Lý Nam Đế đã xảy ra một vụ án tạt axít vào một người đàn bà đang đi xe máy trên đưòng.
Theo kết quả điều tra của Cơ quan công an, thủ phạm là Nguyễn Thị Tuyết L (kế toán viên Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước), và nạn nhân là Vũ Thuý Q – vợ của người tình mà L đang quan hệ bất chính.
Tháng 4/2001, L quen Trần Quang M (cán bộ Ngân hàng Nhà nước), chồng của Q. Dù L và M đều đã có gia đình song hai người vẫn quan hệ như vợ chồng với nhau. Trong những ngày trước khi xảy ra sự việc L biết M có ý định rời bỏ L để quay về với vợ. L vô cùng tức giận đã mua axít đặc đón đường Q đi làm về để trả thù. Hậu quả là Q bị bỏng axit 3% độ IV ở cổ, vai, lưng và tay.
Ngày 12/12/2002, Tổ chức giám định pháp y Hà Nội kết luận Q bị thương tật 46%.
Viện kiểm sát nhân dân thành phố truy tố L về tội cố ý gây thương tích cho người khác theo khoản 2 Điều 104 Bộ luật hình sự. Toà án nhân dân thành phố xét xử và tuyên phạt L về tội cố ý gây thương tích cho người khác theo khoản 3 Điều 104 Bộ luật hình sự.
Hỏi: Về phương diện định tội danh và khung hình phạt áp dụng, theo Anh (Chị) quan điểm của cơ quan nào đúng? Tại sao?
Bài tập số 73
Cuối tháng 5/1999, anh Phạm Văn C (bố cháu Phạm Văn Q) trú tại quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng đánh trọng thương Nguyễn Xuân T (T là một con nghiện và đã bị nhiễm HIV). Vụ việc đã được Toà án nhân dân xét xử buộc anh Phạm Văn C phải chịu mức án 3 năm tù và bồi thường cho người bị hại. Tuy nhiên, ngày 1/5/2000, lợi dụng lúc gia đình cháu Q không ai có nhà, T đã sang nhà và bế cháu Q (sinh năm 1996) về nhà mình tiêm virus HIV vào tay cháu. Nghe cháu Q kể chuyện bị T tiêm vào tay như vậy, gia đình cháu sợ hãi, lập tức báo cáo Cơ quan công an về sự việc trên và được khuyên theo dõi tình hình của cháu rồi hãy đi khám bệnh.
Hơn một năm sau, qua theo dõi thấy bệnh tình của cháu ngày càng biến chuyển xấu, gia đình quyết định đem cháu đi xét nghiệm. Ngày 20/9/2001, Trung tâm Da liễu thuộc Sở Y tế Hải Phòng đã xét nghiệm và kết luận cháu Q bị nhiễm HIV dương tính. Hai tháng sau, kết quả xét nghiệm HIV số 642/2001/XN của Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Hải Phòng đã tái khẳng định kết luận trên của Trung tâm Da liễu Hải Phòng.
Có hai ý kiến khác nhau về tội danh của Nguyễn Xuân T:
1. Nguyễn Xuân T phạm tội cố ý gây thương tích cho người khác theo Điều 109 Bộ luật hình sự năm 1985.
2. Nguyễn Xuân T phạm tội giết người theo Điều 101 Bộ luật hình sự 1985.
3. Nguyễn Xuân T phạm tội cố ý làm lây truyền HIV cho người khác theo Điều 117 Bộ luật hình sự 1999.
Hỏi: Anh (Chị) cho biết ý kiến của mình về tội danh và Luật áp dụng đối với hành vi phạm tội của Nguyễn Xuân T?
Bài tập số 74
Lâm Thanh Q đi dự liên hoan ở nhà bạn. Trong khi đang ngồi uống nước thì Đào Văn H vào ngồi bên cạnh. Q nói “Ông ngồi xa ra, nóng quá”. Thấy vậy H nói “Bố mẹ tôi cũng không đuổi tôi…”.Sau đó Q cũng đã xin lỗi H và mọi người can ngăn nên xô xát không xảy ra.
H đi về và khoảng 10 phút sau quay lại tay cầm một con dao phay đến giật tóc anh Q ra đằng sau, đưa dao định cắt tai. Anh Q vội đưa tay ra đỡ và bị thương ở cổ tay. Giám định pháp y kết luận “Tỷ lệ thương tích của anh Q là 9% vĩnh viễn”.
Căn cứ vào các tình tiết nêu trên, có ý kiến nói rằng Đào Văn H không phạm tội. Nhưng ngược lại, theo ý kiến khác thì cần phải truy tố Đào Văn H về tội cố ý gây thương tích cho người khác theo khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự.
Hỏi: Theo Anh (Chị) ý kiến nào đúng? Tại sao?
Bài tập số 75
Nguyễn Quang G lấy vợ đã lâu nhưng chưa có con. S là người cùng xóm đã nhiều lần trêu chọc G là người vô sinh. Anh G đã nhiều lần nhắc nhở S không được đùa như thế nữa.
Chiều ngày 12/6/1999, S và một số người trong quán nhìn thấy G đi qua liền nói to “Ông G người vô sinh…”. G quay lại và 2 bên to tiếng với nhau. Sẵn có đòn gánh trong tay G phang S nhiều nhát vào người, tay và và chân. Thương tích mà S phải gánh chịu là 25%.
Khi xác định trách nhiệm hình sự của Nguyễn Quang G, có ý kiến cho rằng Nguyễn Quang G không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi gây thương tích cho S.
Hỏi: Anh (Chị) có đồng ý với ý kiến trên không? Tại sao?
Bài tập số 76
Nguyễn Văn K đang làm cỏ lúa ở ngoài đồng thấy một người cùng xóm gọi: “Mày có về ngay không, con mày bị người ta đánh chết rồi”. Nghe thấy vậy, K hoảng hốt vác cuốc chạy về nhà thấy con mình nằm trên sàn cánh tay bị gãy máu me đầy người. Mọi người xung quanh cho biết Nguyễn Văn T con bà N là người gây án và đã bỏ chạy. K bực tức chạy sang nhà bà N tìm T, nhưng không thấy T ở nhà, mà chỉ thấy đứa con gái của T đang chặt củi ở sân. K đã dùng cán cuốc đánh gãy tay con gái T với tỷ lệ thương tích là 25 %.
Có hai ý kiến khi xác định trách nhiệm hình sự của Nguyễn Văn K:
1. Nguyễn Văn K không phạm tội vì K hành động trong trạng thái bị kích động mạnh về tinh thần do hành vi trái pháp luật nghiêm trong của T gây ra.
2. Nguyễn Văn K phạm tội cố ý gây thương tích cho người khác theo khoản 2 Điều 104 Bộ luật hình sự.
Hỏi: Hãy cho biết quan điểm của Anh (Chị)?
Bài tập số 77
Mai Văn H, Trần Hữu C và Nguyễn Ngọc K đều là bạn bè thân thiết. Khoảng 13 giờ ngày 21/10/1990, H và C cùng 2 người bạn khác đi uống rượu rồi rủ nhau đi chơi. Trên đường đi, H và C ghé vào cơ quan của K rủ K cùng đi. Đến cổng cơ quan, hai người bạn ở lại trông xe còn H và C lên phòng của K ở lầu 2 để tìm K. Gặp K ở hành lang C đùa rút súng K54 mang trong người ra và chĩa về phía K và cười lớn cho anh K biết. K cũng đùa lại, vờ chạy nấp vào sau cửa phòng. Anh Q ở cùng phòng với K thấy vậy nói: “Không được đùa với súng, cất nó đi”. Anh C tháo băng đạn ra rồi cùng với H vào phòng K. Hai người rủ K đi chơi, nhưng K từ chối vì đã có lịch đi với người khác. Nghe vậy H bảo C đưa súng cho H. Vì nghĩ rằng súng đã được C tháo băng đạn ra rồi, không còn đạn nên H rê nòng súng về phía K nói lớn”mày có đi không nào” thì bất thần súng cướp cò nổ “đoàng” viên đoạn đã trúng vào đầu K làm K chết ngay tại chỗ. Thấy vậy H vứt súng xuống đất ôm lấy K khóc rồi định nhảy xuống đất tự tử nhưng được mọi người kịp thời giữ lại. C là sĩ quan công an có giấy phép mang súng khi tháo băng đạn ra lại quên không lên qui lát lấy nốt viên đạn đã lên nòng nên dẫn đến hậu quả đáng tiếc đã nêu trên.
Có những ý kiến khác nhau trong việc định tội danh của H và C:
1. Mai Văn H phạm tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính (khoản 1 Điều 99 Bộ luật hình sự); tội sử dụng vũ khí quân dụng trái phép (khoản 1 Điều 230 Bộ luật hình sự). Trần Hữu C phạm tội thiếu trách nhiệm trong việc giữ vũ khí gây hậu quả nghiêm trọng theo khoản 1 Điều 235 Bộ luật hình sự;
2. Mai Văn H phạm tội giết người theo khoản 2 Điều 93; tội sử dụng vũ khí quân dụng trái phép (khoản 1 Điều 230 Bộ luật hình sự). Trần Hữu C phạm tội thiếu trách nhiệm trong việc giữ vũ khí gây hậu quả nghiêm trọng theo khoản 1 Điều 235 Bộ luật hình sự
Hỏi: Anh (Chị) giải quyết vụ án về mặt định tội danh đối với hành vi của H và C?
Bài tập số 78
Khoảng 3 giờ sáng ngày 9/5/2000 do thời tiết nóng nực, một số thợ xây làm thuê cho anh Q ra ngủ tại vỉa hè trước cửa nhà anh Q. Nguyễn Quốc B và Nguyễn Quốc L (bạn của B) đi uống cà phê về thấy cánh thợ xây đang ngủ, liền lại rứt dây màn và quát “Ai cho chúng mày ngủ ở đây”. Thấy vậy, những người thợ xây gọi anh Q ra. Anh Q ra ngăn nhưng bọn B đã cầm gạch đá ném anh và cánh thợ xây rồi bỏ đi. Khoảng 10 phút sau L cầm lưỡi lê do tên B đưa cho, còn B cầm một vỏ chai đập vỡ đít quay lại chỗ anh Q chúng xông vào đánh anh Q. Thấy anh Q bị đánh, H và P chạy ra can ngăn, nhưng đã bị 2 tên B và L xông vào tấn công. B cầm vỏ chai đâm anh Q và P còn L dùng dao tấn công H và đâm H một nhát vào lưng, H gục xuống bất tỉnh. Hai tên thấy vậy bỏ chạy trốn. Đến một tháng sau chúng mới ra đầu thú trước cơ quan công an.
Kết luận giám định pháp y cho biết: H bị đâm vào liên sườn 4 đường giữa bả vai bên trái, tràn máu, tràn khí màng phổi trái. Tỷ lệ thương tích của H là 20% vĩnh viễn. Còn anh Q bị thương là 10%, P bị thương 5%.
Căn cứ vào các tình tiết nêu trên có ý kiến cho là B và L đã phạm tội cố ý gây thương tích theo khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự, Nhưng có ý kiến khác cho rằng cần phải xử lý B và L về tội cố ý gây thương tích theo khoản 2 Điều 104 Bộ luật hình sự.
Hỏi: Anh (Chị) đồng ý với ý kiến nào? Tại sao?
Bài tập số 79
Khoảng 19 giờ ngày 5/6/2002 Chị Lê Thị L đi tìm chồng là Nguyễn Văn H ở làng bên về nhà có người gặp. Đến đoạn đường vắng chị L bị 3 tên lạ mặt ra chặn đường cướp mất một đôi hoa tai bằng vàng. Khi gặp chồng chị L kể cho anh nghe chuyện vừa xảy ra. Nguyễn Văn H mượn một con dao và chở chị L về bằng xe đạp. Đến đoạn đường chị L bị cướp thì thấy 3 người từ dưới ruộng đi lên đường, thấy vợ chồng anh H họ đứng lại. Chị L nói với anh H “Đúng bọn này vừa cướp hoa tai của em”. Thấy vợ nói vậy, Nguyễn Văn H xuống xe cầm dao lao thẳng vào 3 người đâm chém lia lịa làm cả 3 người đều bị thương, nhưng không ai bị thương tích trên 10%.
Sau khi sự việc xảy ra, anh H mới biết 3 người này là dân quân đang đi tuần tra canh gác bảo vệ hoa màu của HTX.
Hỏi: Anh (Chị) hãy cho biết quan điểm của mình trong việc giải quyết vụ án trên?
Bài tập số 80
Trước khi ra nước ngoài biểu diễn ca sĩ Thái B bị kẻ gian bắt trộm con chó cảnh. Sợ xúi quẩy, nên B yêu cầu cơ quan công an tìm giúp. Nguyễn Văn L có người yêu ở gần nhà B thấy B mất chó nên đã tự nguyện đi tìm giúp. Do L là người trong làng nên thông thạo đường ngang, ngõ tắt và được một người quen mách bảo nên K đã tìm được con chó cảnh, mang về cho B. L đang ngồi uống nước và trò chuyện cùng B, thì bất ngờ C và T là công an ập vào bắt L, họ nói rằng L là người bắt trộm chó. L trình bày do tình cảm nên đã lặn lội mới tìm được con chó về cho B chứ L không hề bắt trộm. Ca sĩ B cũng đã khẳng định những lời nói của L là đúng sự thật. L không có hành vi phạm pháp.
Mặc dù vậy, C và T vẫn khóa tay L ra đằng sau bằng còng số 8 và giải L về công an huyện mà không hề có biên bản phạm pháp quả tang hoặc lệnh bắt khẩn cấp của người có thẩm quyền.
Tại trụ sở công an huyện C và T khóa cửa lại rồi dùng chân đá, tay đấm liên tục bắt L phải nhận là mình đã bắt chó làm cho L ngất bất tỉnh nhân sự. Sợ L chết, chúng vội đưa L đi bệnh viện đường sắt I, L phải điều trị ở bệnh viện gần 4 tháng, bị chấn thương sọ não, gãy hai xương sườn. Tỷ lệ thương tích L phải gánh chịu là 35%.
Còn thủ phạm vụ trộm chó tên là P đã bị công an bắt sau đó một tháng. P đã khai nhận là chỉ một mình bắt con chó, còn L không hề biết gì cả và bản thân P và L không hề quen biết nhau.
Căn cứ vào các tình tiết nêu trên có những ý kiến khác nhau khi xác đinh trách nhiệm hình sự của C và T:
1. C và T phạm tội cố ý gây thương tích cho người khác trong khi thi hành công vụ theo khoản 1 Điều 107 Bộ luật hình sự;
2. C và T phạm tội cố ý gây thương tích cho người khác theo khoản 2 Điều 104 Bộ luật hình sự.
Hỏi: C và T phạm tội gì? Tại sao?
Bài tập số 81
Sáng 6/3, trong tiết giảng tại lớp 12G trường phổ thông trung học Quảng Hà, thày Phạm Văn C yêu cầu hai học sinh Nguyễn Văn H và Vũ Xuân D làm bản kiểm điểm vì đã nghịch đồng hồ điện tử, gây mất trật tự trong lớp.
Tan học, H và D về nhà kể lại sự việc cho Nguyễn Như E. E được cử đến gặp thầy C để xin không kỷ luật hai người bạn, xong không thành công. Do vậy, E dọa: “Thày sẽ gặp rắc rối”. Sau đó, E rủ bạn là Đinh Trung K tham gia “Trả thù” thày C. Tại cổng trường, E cầm mũ cối đập thẳng vào mặt thày, sau đó cùng K xông vào đấm đá. Thày C vùng chạy, chúng ném gạch đá theo khiến nạn nhân ngã bất tỉnh. Thầy C được đưa cấp cứu ở Trung tâm Y tế huyện Hải Hà. Tại đây các bác sỹ cho biết, bệnh nhân bị thương ở thắt lưng vùng hố chậu sưng nặng nề, đi lại khó khăn. Tỷ lệ thương tật thày Phạm Văn C phải gánh chịu là 15 %.
Hỏi: Theo Anh (Chị) E và K phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản nào của Điều 104 Bộ luật hình sự quy định về tội cố ý gây thương tích cho người khác?
Bài tập số 82
Khoảng 17 giờ ngày 16/5/1990 M (Công an viên) cầm khẩu súng Colt 12 ly của anh E giao (anh E là Trưởng công an xã được cấp giấy phép sử dụng súng thường xuyên) đi từ ủy ban nhân dân đến trường phổ thông cơ sở xã để xem phim. Trên đường đi M gặp E. Anh E bảo M đem súng về trực ở trụ sở ủy ban nhân dân xã. M không chấp hành mà vẫn cầm súng đi xem.
Sau khi xem phim xong, M ra về gặp T. M rọi đèn làm T không nhìn thấy đường đi nên chửi thề và đòi đập đèn pin của M. M nghe vậy thách thức “Tao rọi đấy, mày có giỏi lại đây mà đập”. T đến gần thì M rút súng ra và hai bên lời qua tiếng lại thách thức nhau. M giơ súng bắn chỉ thiên, lúc này các anh G và H đang ngồi trong quán nước gần đó nghe súng nổ liền chạy ra. Anh G chửi thề và hỏi “Ai bắn súng có giỏi thì bắn tao đây này”. Vừa nói anh G vừa tiến về phía M. Sắn súng trong tay M bắn xuống đất về phía anh G, đạn xuyên thủng bàn chân trái, gẫy xương bàn ngón 1. Tỷ lệ thương tật anh G phải gánh chịu là 7%.
Hỏi: Anh (Chị) hãy giải quyết vụ án về mặt định tội danh và khung hình đối với M?
Bài tập số 83
Mai Văn H và Lê Thanh P cầm gậy rủ nhau ra bờ đê để bắt “phò phạch” và “xin ít tiền uống bia”. Bọn chúng đã phát hiện N và K đang quan hệ tình cảm. Lấy cớ đó H đã rút gậy tre đánh anh N và nói “Chúng mày là đồ phò phạch có tiền, vàng bỏ ra đây không tao đánh chết”. Vì bị bắt quả tang đang quan hệ tình dục với chị K, hơn nữa trong đêm tối bị đông người uy hiếp, đe dọa nên anh N đã phải tháo đồng hồ, kính và tiền (giá trị toàn bộ là 5 triệu đồng) đưa cho H. Sau đó chúng đuổi anh N về, còn P lôi chị K vào điếm canh ở gần đó, chị K khóc lóc xin về, P nói “Mày khóc tao ném xuống sông”. Chị K bảo “Thôi có mình anh thì em chiều rồi cho em về”. P tiến hành giao cấu với chị K. Sau khi thỏa mãn dục vọng P gọi H vào và bỏ xuống sông tắm. H đến bên chị K, chị K nói “Vậy chỉ một mình anh nữa thôi nhé không thêm ai nữa đâu”. Sau khi thoả mãn dục vọng của mình, cả hai tên cho chị K về.
Sự việc sau đó bị công an phát hiện và cả hai tên đã bị bắt giữ.
Căn cứ vào các tình tiết của vụ án, có các ý kiến sau đây trong việc xác định tội danh của Mai Văn H và Lê Thanh P:
1. Mai Văn H và Lê Thanh P phạm tội cưỡng đoạt tài sản (Điều 135 Bộ luật hình sự) và tôi cưỡng dâm (khoản 1 Điều 113 Bộ luật hình sự).
2. Mai Văn H và Lê Thanh P phạm tội cướp tài sản (khoản 1 Điều 133 Bộ luật hình sự) và tội hiếp dâm (khoản 2 Điều 111 Bộ luật hình sự).
Hỏi: Hãy cho biết ý kiến của Anh (Chị) về mặt định tội danh đối với P và H?
Bài tập số 84
Đoàn Thị C (18 tuổi, học sinh lớp 12 của một trung tâm giáo dục thường xuyên ở thành phố Hồ Chí Minh) đi từ thành phố Hồ Chí Minh về quê ở xã Sơn Ninh, Hương Sơn, Hà Tĩnh. Chiều 3/12 đến địa phận Đà Nắng thì xe khách bị hỏng. C xin đi nhờ một chiếc xe tải trên đường ra Bắc. Tới đèo Hải Vân, tài xế Nguyễn Đức H (37 tuổi) và phụ xe Nguyễn Công T (39 tuổi) bắt đầu sàm sỡ cô gái đi nhờ xe. Mặc C quỳ lạy van xin, hai tên vẫn thay nhau giao cấu với cô.
Sau đó, chúng “thông báo” và đổi lái cho Lê Thanh H và Lê Huy T (đang điều khiển một xe tải khác cùng đi trên đường), để H và T tiếp tục “xử lý” C. 3giờ sáng ngày 4/12, khi gần tới cầu Cày, thị trấn Can Lộc, Hà Tĩnh, chúng đã đẩy C xuống đường. Quá đau khổ, C đã nhảy xuống sông tự tử nhưng được một người dân phát hiện cứu kịp thời nên thoát chết. Sau khi được C kể lại sự tình, người dân cùng C đến Cơ quan công an trình báo sự việc.
Nhận được đơn tố cáo của người bị hại, Công an thành phố Vinh, đã nhanh chóng truy đuổi và đã bắt giữ kịp thời hai chiếc xe trên đường bỏ chạy.
Trước Cơ quan công an cả 4 tên đã cúi đầu nhận tội. Lê Thanh H còn khai thêm là vào khoảng tháng 8/1999, khi H đang trên đường lái xe về công ty có trụ sở tại quận Thanh Xuân Hà Nội thì có một cô gái xin đi nhờ xe. H đỗ lại cho cô gái và hành lý của cô này lên xe. Đến đoạn đường vắng không người qua lại H dừng xe yêu cầu cô gái cho quan hệ tình dục và đe nếu không đồng ý thì hắn không cho đi nhờ xe nữa. Vì sợ không được đi nhờ và trời lại tối nên cô gái cho H thực hiện hành vi giao cấu. Kết quả điều tra cho biết lời khai của H là đúng sự thật.
Trong khi định tội danh và khung hình phạt áp dụng đối với 4 tên trong vụ án, có các ý kiến sau:
1. Nguyễn Đức H, Nguyễn Công T, Lê Thanh H và Lê Huy T phạm tội hiếp dâm theo khoản 2 Điều 111 Bộ luật hình sự. Lê Thanh H còn phạm tội cưỡng dâm theo khoản 1 Điều 113 Bộ luật hình sự;
2. Nguyễn Đức H, Nguyễn Công T, Lê Thanh H và Lê Huy T phạm tội hiếp dâm theo khoản 3 Điều 111 Bộ luật hình sự. Lê Thanh H còn phạm tội cưỡng dâm theo khoản 1 Điều 113 Bộ luật hình sự.
Hỏi: Theo Anh (Chị) ý kiến nào đúng? Tại sao?
Bài tập số 85
Ngày 22/3/2003 Phùng Văn R bị Toà án nhân dân tỉnh TB đưa ra xét xử về những hành vi sau:
– Chiều tối ngày 2/1/2003 Phùng Văn R (Giám đốc công ty thương mại K) đến nhà Lê Văn L là Trưởng phòng tổ chức của Công ty. Do uống nhiều rượu nên say phải nằm lại nhà L. Phùng Văn R ngủ chung cùng một giường ở nhà ngoài với Lê Văn L, còn vợ L ngủ ở phòng trong. Nửa đêm tỉnh dậy để đi tiểu tiện L không thấy R. Khi vào lại thấy R nằm đấy nên sinh nghi. Sáng mai hỏi dò vợ thì vợ nhắc lại sự ân ái giữa hai người đêm qua, lúc đó vợ chồng L mới biết là R đã lợi dụng đêm tối vợ L đang ngủ say, giả làm chồng thực hiện hành vi giao cấu. Vợ chồng L làm đơn tố cáo hành vi đồi bại của R với Cơ quan điều tra.
Sau khi sự việc trên xảy ra cơ quan điều tra còn nhận được nhiều đơn tố cáo của công nhân, cán bộ Công ty K đối với R.
Trong quá trình thẩm vấn R và lấy lời khai của nhân chứng còn cho biết:
– Trong thời gian Phùng Văn R làm Giám đốc công ty K hắn đã lợi dụng hoàn cảnh gia đình chị Định Ngọc L túng thiếu nghiêm trọng nên đã hứa cho chị L vào làm nhân viên của Công ty và ứng trước cho chị 3 triệu đồng để giải quyết khó khăn trong mùa giáp hạt với điều kiện chị L phải cặp bồ và thường xuyên quan hệ tình dục với hắn. Trước cảnh gia đình đông người ăn, hai con thì nhỏ, mẹ thì già, bản thân không có công ăn việc làm ổn định, đang mùa giáp hạt nên chị L đã phải chấp nhận yêu cầu của R.
– Cũng trong thời gian tại chức Phùng Văn R đã nhiều lần gọi những nhân viên nữ trẻ đẹp dưới quyền mình vào phòng rồi đóng cửa lại trắng trợn yêu cầu cho hắn quan hệ tình dục. Đối với nhân viên nào không đồng ý thực hiện theo yêu cầu, R đe dọa đuổi việc, không cho lên lương hoặc điều chuyển đi làm công việc nặng nhọc khác. Trước sự dọa dẫm như vậy của R các nhân viên nữ này đành phải cho hắn thoả mãn sinh lý.
Hỏi: Theo Anh (Chị) Phùng Văn R phạm tội gì? Tại sao?
Bài tập số 86
Lê Thị H sinh ra và lớn lên ở nông thôn, học hết lớp 4 nhưng hay đua đòi, ăn diện. Năm 20 tuổi, H muốn kiếm một tấm chồng, H chú ý nhiều đến anh Q thợ mộc cùng làng. H tìm mọi cách để tấn công Q. Q và H có một vài lần đi chơi với nhau, nhưng Q không thích H nên thường tránh mặt.
Trong thời gian đi làm tại khu tập thể trường cấp I, Q có làm quen với Y (giáo viên nhà trường). Biết chuyện này H tức giận và quyết tâm phá. Gặp cô Y ở chỗ đông người thì H nói vào tai Y là “đồ đĩ” “con khốn nạn”. Nhưng Y không có phản ứng gì. H càng làm già khi thấy Y nhẫn nhục. Một lần cánh thợ đang làm, cô Y mang nước cho thợ uống thì H chỉ tay vào mặt Y quát “Con đĩ kia mày chừa mặt bà ra nhé” rồi hắt nước vào mặt cô Y, sau đó thị nhảy vào vật cô Y xuống đất xé quần áo, sau đó dùng những lời lẽ thô bỉ miệt thị cô Y.
Với những hành vi nêu trên, Viện kiểm sát nhân dân đã truy tố Lê Thị H về tội làm nhục người khác theo khoản 1 Điều 121 Bộ luật hình sự.
Hỏi: Theo Anh (Chị) quyết định của Viện kiểm sát nhân dân đúng hay sai? Tại sao?
Bài tập số 87
Vũ Văn G có 5 con trong đó có người con gái tên là V sinh tháng 2/1988.
Khoảng 21 giờ ngày 2/1/2003, G đi uống rượu về nhà thấy cháu V nằm ở trong màn, còn vợ và những đứa con khác sang hàng xóm xem tivi. G trèo lên giường và đòi cháu cho giao cấu. Cháu
V liền nói “Con với bố là bố con sao bố lại làm thế”. G nói “Không cho tao đánh” rồi G nằm đè lên mình cháu và tiến hành giao cấu.
Vào những tháng sau đó G tiếp tục giao cấu với V nhiều lần dẫn đến cháu V có thai. Hành vi của G đã bị nhân dân căm phẫn, lên án.
Có 3 ý kiến khác nhau trong việc xác định tội danh của G:
1. Vũ Văn G phạm tội hiếp dâm (khoản 2 Điều 112 Bộ luật hình sự);
2. Vũ Văn G phạm tội giao cấu với trẻ em theo khoản 1 Điều 115 Bộ luật hình sự;
3. Vũ Văn G phạm tội loạn luận theo Điều 150 Bộ luật hình sự.
Hỏi: Theo Anh (Chị) Vũ Văn G phạm tội gì? Tại sao?
Bài tập số 88
Lê Công C (sinh năm 1966) làm quen và ngỏ lời yêu cùng một lúc 3 cô gái: L (sinh năm1968), P (sinh năm 1971) và A (sinh năm 1971).
Trong khi tâm sự với những người tình C thường khoe khoang là mình quen nhiều cửa hàng bán xe máy ở Hà Nội và có nhiều anh em chiến hữu đang làm ở các cơ quan Nhà nước. Thỉnh thoảng C còn mời người tình đi nhà hàng chiêu đãi có sự tham gia của nhiều người mà C nói đó là những người có chức có quyền có thể lo việc làm dễ ràng.
Thấy C nói vậy cô L đã đưa cho hắn tiền để mua xe máy. Còn A và P đưa tiền để hắn chạy việc làm cho hai cô. Đối với mỗi người tình C còn đề nghị đưa tiền để đặt cọc nhà hàng chuẩn bị làm lễ cưới. Nhưng sau đó, C dùng tiền mà người tình đưa cho để tiêu pha cá nhân hết.
Với những thủ đoạn như vậy Lê Công C đã chiếm đoạt của 3 người tình này hơn 139 triệu đồng.
Ngoài ra Lê Công C còn nhiều lần lén bỏ thuốc ngủ vào đồ ăn của 3 cô gái, sau đó chụp ảnh khoả thân và trong khi họ ngủ mê mệt đã thực hiện hành vi giao cấu với họ.
Với những tình tiết nêu trên của vụ án có những ý kiến sau:
1. Lê Công C phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 139 Bộ luật hình sự) và tội hiếp dâm (Điều 111 Bộ luật hình sự).
2. Lê Công C phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 139 Bộ luật hình sự), tội hiếp dâm (Điều 111 Bộ luật hình sự). tội làm nhục người khác (Điều 121 Bộ luật hình sự );
Hỏi: Anh (Chị) đồng ý với ý kiến nào? Tại sao?
Bài tập số 89
Sáng 2/5/1999, sau khi đi uống rượu về Phạm Văn P vào quán chị Cao Thi T bắt chị T thanh toán tiền nợ. Chị T nói: “Tôi không nợ gì anh cả”. Nghe thấy thế, P vừa chửi vừa đập phá cửa hàng làm chị thiệt hại số tài sản gần 500.000 đồng rồi bỏ về. Chị T rất uất ức liền đi báo chính quyền địa phương.
Buổi chiều cùng ngày, khi chị T đang bán hàng thì thấy P khoả thân đi từ nhà sang quán và bắt chị T lấy ghế ngồi trước mặt, còn P vừa chửi, vừa đấm đá chị T. Chỉ khi mọi người đến can thì P mới bỏ về nhà. Chị P bị tổn hại sức khoẻ 8%.
Hỏi: Phạm Văn P phạm tội gì? Tại sao?
Bài tập số 90
Tôn Văn D (sinh năm 1980) và Nguyễn Thị Hồng T (sinh năm 1982) ở xã Tân Phong, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu có hành vi phạm tội như sau:
Khoảng 18 giờ ngày 12/5/2002, T rủ cháu gái Nguyễn Minh C (11 tuổi 6 tháng) ở gần nhà sang chơi. T dẫn cháu C vào giường ngủ nằm nói chuyện, đùa nghịch và sau đó đã lột hết quần áo của cháu. Cháu C đòi mặc lại quần áo thì T ôm chặt lấy cháu, không cho mặc.
Lúc đó, chồng T là Tôn Văn D cùng vào giường ngủ. T bảo cháu C cho D “cụng” một cái. Nghe vợ nói vậy, D vui vẻ xông vào. Mặc cho cháu C kêu la nhưng D vẫn ép cháu C “cụng”. T đứng bên cạnh không những cổ vũ chồng mà còn lấy tay bịt miệng cháu C và hăm dọa cháu, nếu tiết lộ chuyện này với ai thì sẽ giết chết.
Đêm hôm đó, cháu C đã sợ hãi không ngủ được. Sáng hôm sau, khi cháu C mang quần áo ra cây nước gần nhà giặt, phát hiện thấy cháu có biểu hiện bất thường, bố mẹ đã gạn hỏi và cháu đã kể toàn bộ sự việc cho gia đình.
Hỏi: Tôn Văn D và Nguyễn Thị Hồng T phạm tội gì? Tại sao?
Bài tập số 91
Hồ Văn L (sinh 1982) quê Sóc Trăng, trú tại khu phố 9, phường 12, thành phố Vũng Tàu yêu cô Lê Thị N (14 tuổi), trú tại phường 11 cùng thành phố. Do N có thai 4 tháng với L, gia đình cô đã không đồng ý cho L được tiếp tục “quan hệ” với N. Thấy vậy, L đã gây áp lực với gia đình N bằng cách bắt H (18 tháng tuổi) là em của N, buộc bố mẹ N cho hắn sống như vợ chồng với N.
Nhận được đơn tố cáo của gia đình N, Công an thành phố Vũng Tàu đã nhanh chóng cứu thoát em bé và bắt giữ tên Hồ Văn L.
Hỏi: Hãy định tội danh đối với hành vi của Hồ Văn L?
Bài tập số 92
Vào lúc 22 giờ 30 phút ngày 21/12/2000 Chị Cao Thị P trú tại phường 2 quận Tân Bình thành phố Hồ Chí Minh đi may gia công cho một tiệm may ở cùng phường về qua công viên Hoàng Văn Thụ thì bị Nguyễn Văn H và Lê Văn T dân quân tự vệ của phường I quận Tân Bình bắt đứng lại. H hỏi “Cô đi đâu về” chị P trả lời “Tôi đi may về” H liền nói “Có là gái làm tiền thì có” rồi tát mạnh vào mặt P một cái sau đó cả hai tên đã bắt chị P về trụ sở UBND phường 1. Tại đây chúng ép chị P vào buồng tắm và bắt chị cởi áo ra rồi sờ soạng ngực và khắp người chị. Chị P đã xin nhưng chúng vẫn không nghe. Khoảng 6 giờ ngày hôm sau khi anh V là chỉ huy đội dân quân tự vệ của phường 1 đến thì 2 tên H và T mới tha cho chị P về.
Căn cứ vào các tình tiết trên, có ý kiến cho rằng:
1. Nguyễn Văn H và Lê Văn T đã phạm tội làm nhục người khác (khoản 2 Điều 121 Bộ luật hình sự).
2. Nguyễn Văn H và Lê Văn T không chỉ phạm tội làm nhục người khác (khoản 2 Điều 121 Bộ luật hình sự) mà còn phạm tội bắt, giữ người trái pháp luật theo khoản 2 Điều 123 Bộ luật hình sự.
Hỏi: Theo Anh (Chị) H và T phạm tội gì? Tại sao?
Bài tập số 93
Ngày 20/9/2003 Chị Huỳnh Thị M (37 tuổi), tiểu thương chợ Phú Thủy (Phan Thiết – Ninh Thuận) đã gửi đơn lên Công an và Viện kiểm sát nhân dân thành phố tố cáo Lê Thị K đã phát tán cho những người trong chợ chuyền tay nhau hàng chục tấm ảnh “trống trải” của chị ở 4 tư thế khác nhau để hạ nhục chị.
Theo đơn của chị M, sau khi ly hôn với chồng ở Tánh Linh, đầu năm 2001 chị về sống và buôn bán ở chợ Phú Thuỷ. Chị tình cờ gặp ông Huỳnh Ngọc Q, 45 tuổi, tổ trưởng tổ điện xã Hàm Thạnh, Hàm Thuận Nam (chồng bà K), và sau đó họ có quan hệ tình cảm với nhau. Về những tấm ảnh khỏa thân, chị M cho biết: “Đầu năm nay, sau một lần mây mưa, ân ái, ông Q có lấy máy ảnh ra chụp. Tôi mới đầu không đồng ý nhưng nghe anh ấy nói chỉ nháy flash chơi nên tôi nằm im mặc kệ”.
Về việc này, bà K cho biết đã nghi chồng léng phéng với M, nhưng mấy lần đột nhập nơi ở chị này mà không bắt quả tang được. Mới đây bà bất ngờ phát hiện có cuộn phim chụp tình địch trong tủ, liền đưa ra tiệm rửa. Sau đó bà mang đi giãi bày với những người bạn buôn bán trong chợ.
Hỏi: Anh (Chị) hãy cho biết quan điểm của mình trong việc giải quyết vụ án trên?
Bài tập số 94
Nguyễn Văn S có mẹ và chị gái đang sinh sống tại Quảng Tây Trung Quốc. Lợi dụng mối quan hệ này S đã thực hiện một số hành vi phạm tội sau:
Khoảng tháng 2/1999 S làm quen với Vũ Thị L và đặt quan hệ yêu đương, đến ngày 11/3/1999 S xin phép bố mẹ L đưa L đi thăm mẹ và chị ở tỉnh Quảng Tây. Được gia đình L đồng ý, S đã đưa chị L sang Quảng Tây trao cho một người đàn ông Trung Quốc lấy 1.500 đồng Nhân dân tệ.
Ngày 18/4/2001 S gặp chị Nguyễn Thị G là người quen, S rủ chị G đi Lạng Sơn chơi, chị G đồng ý, S đã dẫn chị G đến nhà Nguyễn Thị M là một chủ chứa gần biên giới Trung Quốc bắt chị G ở lại đó làm gái bán dâm. Chị G không nghe, S hô bọn đầu gấu đánh đập. Trong tình thế quẫn bách không còn con đường nào khác chị G phải chấp nhận ở nhà M làm gái bán dâm, G được M trả 800.000 đ/tháng.
Hỏi: Hãy giải quyết vụ án về phương diện định tội danh đối với S?
Bài tập số 95
Năm 1989 Cao Thị X bị gả bán sang Trung Quốc. Quá trình sống ở đó, X nhận biết nếu đưa con gái Việt Nam sang Trung Quốc lấy chồng thì sẽ được trả tiền công cao. Vì vậy, tháng 12/1999 X từ Trung Quốc trở về quê ở xã Y để tìm người. Được biết Hoàng Thị L mới bỏ chồng không có con, X đã đến nhà đặt vấn đề và L đồng ý sang Trung Quốc lấy chồng. Sau đó X đã đưa L sang Trung Quốc gả bán lấy 1.500 Nhân dân tệ.
Tháng 4/2000 X lại từ Trung Quốc trở về Việt Nam để tìm con gái mang sang Trung Quốc. Được biết Trần Thị T ở cùng thôn với X đang có thai nhưng bị người yêu bỏ, hoàn cảnh khó khăn, X đã tìm gặp T và rủ sang Trung Quốc lấy chồng. T đồng ý, X đã gả bán T lấy 1.200 Nhân dân tệ.
Tháng 10/2001 khi X từ Trung Quốc về xã Y thì bị Cơ quan An ninh điều tra bắt giữ.
Hỏi: Cao Thị X phạm tội gì? Tại sao?
Bài tập số 96
Vợ bỏ nhà ra đi để lại đứa con nhỏ không ai chăm sóc, khiến Bùi Văn K điên đầu. Không biết làm thế nào để tìm vợ về.
K biết trước hôm bỏ đi, vợ có đến gặp H (là em gái) nên cho rằng H biết vợ mình ở đâu. Để buộc vợ phải quay về, K nghĩ ra một kế hoạch quái đản. K ra hiệu ảnh thuê máy ảnh tự động và đi tìm Lâm văn P học sinh lớp 12 hỗ trợ.
Sau khi chuẩn bị xong, K đến gặp H nói “Nhờ dì đến chăm sóc cháu vì nó nhớ mẹ”. H tưởng anh rể nói thật nên nhận lời ngay.
Hết giờ làm việc, H đến nhà K. H vừa vào trong nhà K lập tức đóng ngay cửa lại, tóm tay bẻ quặt ra đằng sau và nói: “Hãy khai chị mày ở đâu, làm gì”. H trả lời “Em không biết”. Thấy H nói vậy, K gọi P đến lột hết quần áo của H rồi khênh lên giường. K giữ lấy H và bảo P cởi quần áo nằm đè lên người H. Sau đó, K chụp một số kiểu ảnh với nhiều góc độ khác nhau cốt là có ảnh thể hiện H đang nằm với một người đàn ông khác.
Mặc cho H van xin, K vẫn khăng khăng yêu cầu chỉ khi nào H nói vợ K ở đâu thì mới tha. K còn ra điều kiện nếu sau 7 ngày H không tìm được vợ K về thì K sẽ gửi ảnh này cho chồng của H và dân làng biết.
Hỏi: Anh (Chị) hãy xác định tội danh của các tên trong vụ án?
Bài tập số 97
Tối 15/2/2001 Công an quận T tiến hành kiểm tra khách sạn K phát hiện Nguyễn Văn Đ (21 tuổi) đang quan hệ tình dục với Cao Thị H (15 tuổi) trong phòng. Công an lập biên bản và giải 2 người về trụ sở. Tại đây Đ khai: Sáng ngày 10/2/2001 trên đường đi chơi Đ gặp H người cùng phường. Biết H đang học lớp 9 nhưng do ăn chơi đua đòi nên đã bỏ học được 2 tháng. Đ đã rủ H vào quán “tình yêu” hát karaoke và tâm sự yêu đương. Đ nói: “Nếu em đồng ý ăn nằm với anh qua đêm, anh sẽ bao tiền khách sạn trong một tuần và đồng thời mua sắm 2 bộ quần áo mốt và một dây chuyền vàng cho em”. H đồng ý. Trong khi hai người đang thực hiện thỏa thuận nêu trên thì bị công an bắt giữ.
Hỏi: Nguyễn Văn Đ phạm tội giao cấu với trẻ em (khoản 1 Điều 115 Bộ luật hình sự) hay tội mua dâm người chưa thành niên (khoản 2 Điều 256 Bộ luật hình sự)? Tại sao?
Bài tập số 98
Cao Xuân M là bác sĩ của một bệnh viện thuộc thành phố K. Trong một đợt khám sức khỏe cho chị em để đi hợp tác lao động ở nước ngoài. M lấy lý do chuyên môn bắt các chị phải cởi hết quần áo để khám. Với phụ nữ trẻ đẹp M khám khá lâu, mò mẫm trên thân thể và bộ phận sinh dục của họ. M thấy chị H trẻ đẹp nên nói “Có vấn đề về sức khỏe” rồi yêu cầu chị ngồi chờ để khám lại. Khi mọi người về hết, M yêu cầu chị phải cho hắn quan hệ tình dục thì hắn mới cấp giấy chứng nhận sức khỏe loại tốt cho chị. Trước hoàn cảnh như vậy chị H đã phải chấp nhận yêu cầu của hắn.
Khi định tội danh đối với hành vi của M có các quan điểm sau:
1. M phạm tội cưỡng dâm (khoản 1 Điều 113 Bộ luật hình sự).
2. M phạm tội cưỡng dâm (khoản 1 Điều113 Bộ luật hình sự) và tội làm nhục người khác (khoản 2 Điều 121 Bộ luật hình sự).
Hỏi: Anh (Chị) đồng ý với ý kiến nào? Tại sao?
Bài tập số 99
Vào tháng 12/2001, vợ chồng anh Huỳnh Văn G và chị Huỳnh Thị L thật thà, mất cảnh giác, chẳng cần rõ gốc gác, gia đình như thế nào đã vội thuê Nguyễn Thị P (sinh năm 1963, trú tại Vĩnh Long) về nhà để giúp việc gia đình và chăm sóc con gái Huỳnh Thị Thanh T (sinh năm 2000).
Sáng ngày 5/2/2002, lợi dụng lúc anh H đi vắng, chị L còn ngủ, P đã bế cháu T đến bến xe Miền Đông tìm người để bán. ở đó, P gặp và làm quen với Nguyễn Thị H (sinh năm 1963, trú tại huyện Định Quán, Đồng Nai). P nói T chính là con của thị, vì bị chồng ruồng bỏ nên muốn bán T. Nghe vậy, H đưa P về nhà nhờ người tìm mối bán cháu T.
Ngày 6 /2/2002, H đã gặp Lưu Ba M (trú tại thị trấn Định Quán) và cho M biết có một phụ nữ bị chồng bỏ nên cần bán một bé gái. Nghe vậy, M đưa H về gặp bố chồng là ông K. Do ông K biết đứa cháu ruột của mình là chị Lê Thị A (ở phường 19, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh) không có con gái, nên đang cần một bé gái để làm con. Ông K có hỏi giá thì H trả lời là 3,5 triệu đồng. Ông K điện thoại cho chị A. Chị A đồng ý mua cháu T và hẹn gặp H, P vào sáng ngày 8/2/2002 ở bến xe Quốc Cường (phường19, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh) để xem mặt em bé, nếu được thì sẽ giao tiền. Sau khi đã thoả thuận xong, H về gặp P, nói đã tìm được mối bán cháu T với giá 3 triệu, nếu bán được thì phải chia cho H 500.000đ.
Sáng ngày 8/2/2002, H cùng P bế cháu T đến quận Tân Bình để gặp chị A, đi theo còn có chị M dẫn đường. Sau khi xem mặt bé T, chị A đồng ý mua vì thấy cháu bé rất xinh xắn.
Ngày 5/4/2002, Công an quận 7 thành phố Hồ Chí Minh đã bắt được Nguyễn Thị P và truy tìm được cháu T, giao cháu về với gia đình.
Tại Cơ quan công an P còn khai nhận: Vào năm 1995, P đã sinh được 1 đứa con gái. Khi con mới được 3 ngày tuổi thì P đem bán cho một người không quen biết ngay tại bệnh viện Từ Dũ để lấy 1,5 triệu đồng. Tháng 3/2001, P lại sinh một bé trai. Khi cháu bé được 5 tháng, P cũng đem bán cho một người ngụ tại quận 8 để lấy 1,5 triệu đồng.
Hỏi: Anh (Chị) hãy xác định tội danh và khung hình phạt áp dụng đối với P?
Bài tập số 100
Hai vợ chồng Nguyễn Văn T và Nguyễn Thị B (ngụ tại xã Thiệp Tân, Hoà Thành, Tây Ninh).
Khoảng 9 giờ sáng ngày 24/2/2002, T chở B ghé mua xăng ở cửa hàng sửa chữa xe máy của Nguyễn Văn S. Lúc này, S đang bế một bé trai khoảng 13 tháng tuổi và cho vợ chồng T biết: “Bé trai này là con của một phụ nữ còn trẻ, không rõ lai lịch, vì hoàn cảnh khó khăn nên muốn cho người khác nuôi. Cô ta đang ngồi trong quán của tôi”.
Hai vợ chồng T ở với nhau đã nhiều năm nhưng chưa có con, thấy S nói thế liền vào quán gặp người phụ nữ. Sau ít phút thương lượng, vợ chồng T đồng ý mua bé trai với giá 250.000 đồng về làm con nuôi.
Nuôi đứa trẻ được 16 ngày, vợ chồng T nẩy sinh ý định đem về thành phố bán cho được nhiều tiền để mua nhà, vì hai vợ chồng T vẫn ở nhờ nhà mẹ vợ. Biết khu vực đường Kỳ Đồng thành phố Hồ Chí Minh là nơi đông đúc, thường tập trung mua bán trẻ em nên vợ chồng T đưa cháu bé đến đây để gạ bán.
Ngày 10/3/2002, khi vợ chồng T giao bán cháu bé với giá 2,5 triệu đồng thì bị Công an phương sở tại bắt giữ.
Hỏi: Hãy định tội danh của T và B?
Bạn cần đăng nhập để xem thêm
Đáp án 350 bài tập lý luận định tội danh thông dụng
Do hệ thống lưu trữ dữ liệu của Hocluat.vn thường xuyên bị quá tải nên Ban biên tập không đính kèm File Đáp án 350 bài tập lý luận định tội danh thông dụng PDF trong bài viết. Nếu bạn cần File word/pdf tài liệu này, vui lòng để lại Email ở phần bình luận dưới bài. Chúng tôi vô cùng xin lỗi vì sự bất tiện này!
Tìm kiếm có liên quan: Bài tập lý luận định tội có đáp an, Giáo trình lý luận định tội danh, Bài tập định tội danh có đáp án, Ý nghĩa của định tội danh, Lý luận định tội danh, định tội danh lý luận, lời giải mẫu và 500 bài tập, Các bước định tội danh Giáo trình định tội danh
Xác định tội danh là vấn đề quan trọng đối với cơ quan tiến hành tố tụng cũng như luật sư bào chữa trong vụ án hình sự. Vì có xác định tội danh đúng thì mới áp dụng pháp luật hình sự đúng, ra bản án mới đúng pháp luật. Định tội danh gồm 03 bước cơ bản sau đây:
– Bước 1: Tóm tắt và phân tích hành vi của người phạm tội trong vụ án
– Bước 2: Xác định khách thể loại của hành vi xâm hại mà bị can đã thực hiện và các quy phạm pháp luật hình sự cần kiểm tra
– Bước 3: Kiểm tra quy phạm pháp luật hình sự trong mối liên hệ với từng hành vi của bị can trong vụ án
+ Những vấn đề có tính nguyên tắc khi tiến hành kiểm tra:
+ Việc kiểm ra quy phạm pháp luật hình sự dựa vào các yếu tố CTTP được tiến hành lần lượt từ khách thể, mặt khách quan, chủ thể, mặt chủ quan của tội phạm.
* Kiểm tra khách thể của tội phạm:
* Kiểm tra mặt khách quan của tội phạm:
* Kiểm tra chủ thể của tội phạm:
* Kiểm tra mặt chủ quan của tội phạm:
– Bước 4. Kết luận cuối cùng
>>> Xem chi tiết tại bài viết: [Phân tích] Các bước định tội danh trong một vụ án hình sự.
– Việc định tội danh đúng có ý nghĩa không chỉ về pháp luật mà cả về mặt chính trị – xã hội. Bởi lẽ, định tội danh đúng sẽ là cơ sở cho việc định khung hình phạt đúng và là tiền đề cho việc phân hoá trách nhiệm hình sự và cá thể hoá hình phạt một cách công minh, có căn cứ và đúng pháp luật, đồng thời để áp dụng chính xác các quy định của BLHS về các tình tiết loại trừ tính chất tội phạm của hành vị, hình phạt, tái phạm, quyết định hình phạt trong trường hợp nhiều tội phạm… Định tội danh đúng còn là một trong những cơ sở để áp dụng chính xác các quy phạm pháp luật tố tụng hình sự về tạm giam, thời hạn tạm giam, thẩm quyền điều tra, thẩm quyền xét xử… góp phần có hiệu quả vào việc bảo vệ các quyền và tự do của công dân trong lĩnh vực tư pháp hình sự.
– Ngược lại, nếu định tội danh sai sẽ dẫn đến các hiệu quả tiêu cực như không bảo đảm được tính công minh, có càn cứ và đúng pháp luật của hình phật được quyết định, làm oan người vô tội, bỏ lọt người phạm tội, thậm chí xâm phạm nghiêm trọng danh dự và nhân phẩm, các quyền tự do của công dân cũng như xâm phạm pháp chế XHCN, đồng thời còn làm giảm uy tín và hiệu lực của các cơ quan bảo vệ pháp luật, giảm hiệu quả của cuộc đấu tranh phòng và chống tội phạm…
Em xin đáp án với ạ fphuong80@gmail.com
ad cho em xin đáp án với ạ, em cần gấp, em xin cảm ơn
Ad cho e xin đáp án với ạ
Cho em xin đáp án với ạ hthp1805@gmail.com
b đc gửi đáp án k? cho mk xin vs ạ
ad cho em xin file đáp án được không ạ?
Cho mình xin đáp án 350 câu bài tập với ạ. Mail: send.away.myluv@gmail.com
Cho em xin file đáp án cũng như là câu hỏi
350 bài tập lý luận định tội danh với ạ. Em cảm ơn
tramb2009743@student.ctu.edu.vn
Cho mình xin file đáp án với ạ
cho em xin file đáp án cũng như là bài tập với ạ
ad cho em xin đáp án với ạ, em cảm ơn ạ
Ad cho em xin đáp án với, địa chỉ email: dangcaoxuantruong@gmail.com
Cho mình xin file 350 bài tập và đáp án. Cảm ơn nhiều!
metoo24x7@gmail.com
Cho mình xin file 350 bài tập lý luận định tội danh thông dụng và đáp án của 350 bài tập lý luận định tội danh thông dụng này, gửi cho mình qua email: hoangsonglinh2019@gmail.com.
Vui lòng hướng dẫn cho tôi cách đăng ký/đăng nhập vào trang web này.
Chân thành cảm ơn
Xin ad file 350 bai tập và đáp án
anhhoang2062003@yahoo.com
Nhờ Ad cho mình 1 bản tài liệu này vào email thangvandinh@gmail.com với ạ, cảm ơn Bạn.
Ad cho em xin đáp án của 350 bài tập lý luận tội danh này. Địa chỉ email: dotruonggiang2609@gmail.com. Cảm ơn ad rất nhiều
Hay quá Ad ơi, làm ơn cho em để em có tài liệu nghiên cứu học được không ạ
Làm ơn Ad cho em xin tài liệu ạ. Địa chỉ Email: nhduy2205@gmail.com. Cảm ơn Ad rất nhiều ạ
Hay quá Ad, cho mình xin đáp án với!!!
Gmail: phamngoctinh123@gmail.com
cho em xin đáp án với ạ
Ad cho e xin đáp án với ạ
Cho e xin đáp án với ạ
email là qtzita@gmail.com
e cảm ơn ạ
Em xin đáp án với ạ
nlta.nguyenletramanh@gmail.com
Em cảm ơn ad
ad cho e xin đáp án vs ạ. cảm ơn ad
Hay quá ạ, cảm ơn Ad chia sẻ!
cho xin đáp án ạ
Cám ơn Ad đã chia sẻ, rất mong Ad gửi cho xin đáp án của 350 bài tập lý định tội danh này. Cảm ơn Ad rất nhiều.
Ad cho em xin đáp án của 350 bài tập lý luận tội danh này. Địa chỉ email: dungtv0485@gmail.com. Cảm ơn ad rất nhiều
Ad cho em xin đáp án với ạ
linhxanhdo@gmail.com
Em cảm ơn
Hay quá ạ, cảm ơn Ad chia sẻ!
Ad ơi cho em xin đáp án với ạ tran13le79@gmail.com