Kỳ 1: Bỗng dưng mất nhà
Giả từ giấy tờ đến thân chủ, giả ở phòng công chứng này bị phát hiện đi đến phòng công chứng khác giả tiếp… Nạn giả mạo trong công chứng đang làm nhiều người điêu đứng và gây ra hàng loạt hệ lụy pháp lý.
Đã gần hai năm trôi qua, bà Nguyễn Thị Lan (ngụ tại đường Thái Phiên, quận 11, TP.HCM) như ngồi trên đống lửa bởi căn nhà của bà bị người ta ngang nhiên bán cho kẻ khác.
Bà Lan là chủ sở hữu nhà và đất ở tại số 239/41 Khuông Việt, P.Phú Trung, Q.Tân Phú. Năm 2016, bà được UBND Q.Tân Phú cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất và các tài sản khác gắn liền với đất (sổ hồng).
Kêu khát nước để… tráo giấy hồng
Tháng 12-2017, bà Lan rao bán căn nhà này. Đầu tháng 1-2018, có một người phụ nữ tên Hiền đến nhà riêng của bà Lan hỏi mua nhà. Bà Hiền đề nghị được xem giấy tờ nhà, bản photocopy sổ hồng, bản sao hộ khẩu, chứng minh nhân dân của bà Lan để tham khảo.
Các ngày sau đó, bà Hiền lại đến nhà bà Lan xin xem và chụp hình bản gốc sổ hồng. Lúc bà Lan đưa sổ hồng ra thì bà Hiền kêu khát nước và nhờ bà Lan vào nhà lấy nước.
Tại các đơn khiếu nại và khởi kiện sau này, bà Lan cho biết trong thời gian bà vào nhà lấy nước thì bà Hiền đã đánh tráo lấy bản gốc sổ hồng và trả lại cho bà Lan sổ giả đã chuẩn bị sẵn.
Bà Lan không hề hay biết chuyện gì cho đến ngày 27-1-2018, cán bộ ngân hàng đến nhà bà để thẩm định. Lúc này, bà mới tá hỏa khi biết căn nhà của mình đã được bà Hiền bán cho ông Phan Thành Hưng (32 tuổi). Hợp đồng mua bán nhà đất được lập tại Văn phòng công chứng Sài Gòn (Q.1).
“Tôi khẳng định chưa hề bán căn nhà của mình cho bất cứ ai. Tôi không biết ông Phan Thành Hưng là ai và cũng chưa gặp ông ta bao giờ. Việc Văn phòng công chứng Sài Gòn và công chứng viên chứng nhận hợp đồng công chứng có mặt tôi là công chứng khống, gây thiệt hại rất lớn đến quyền và lợi ích hợp pháp của tôi” – bà Lan bức xúc.
Đồng thời, bà gửi đơn tố cáo đến Công an Q.11, nộp đơn khởi kiện văn phòng công chứng ra tòa yêu cầu hủy hợp đồng công chứng mua bán nhà giữa bà và ông Phan Thành Hưng.
Bà Lan cũng có đơn gửi tòa án đề nghị áp dụng ngay biện pháp ngăn chặn cấm chuyển dịch đối với tài sản là căn nhà đang tranh chấp.
Quá trình điều tra, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Q.11 kết luận: chữ ký đứng tên bà Lan trên hợp đồng công chứng là giả; hai dấu vân tay đứng tên Nguyễn Thị Lan trên hợp đồng công chứng không trùng với dấu vân tay của bà Lan được lưu trữ tại Phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an TP.HCM; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất do bà Lan giao nộp được làm giả bằng phương pháp in phun màu.
Theo đuổi vụ việc, bà Lan càng hoảng khi phát hiện căn nhà của bà đã được ông Phan Thành Hưng bán cho bà Trần Tuyết Hà (41 tuổi) với giá 1,9 tỉ đồng. Biết mình bị lừa, bà Hà liền kiện ông Phan Thành Hưng ra tòa.
Theo bà Hà, tháng 2-2018, bà cùng ông Hưng lập hợp đồng bằng giấy tay để mua bán toàn bộ nhà và đất tại đường Khuông Việt, phường Phú Trung. Bà Hà đã thanh toán trước 900 triệu đồng. Hai người lập hợp đồng chuyển nhượng căn nhà nêu trên tại Văn phòng công chứng Đầm Sen, hẹn đến ngày 28-2-2018 sẽ thanh toán nốt 1 tỉ đồng còn lại.
Tuy nhiên, đến ngày hẹn, bà liên hệ với ông Phan Thành Hưng nhưng không được. Bà Hà khởi kiện ra tòa buộc ông Hưng phải tiếp tục thực hiện hợp đồng mua bán nhà đất tại đường Khuông Việt.
Nhận hai đơn khởi kiện trong cùng một vụ việc, TAND TP.HCM đã thụ lý vụ kiện của bà Trần Tuyết Hà và xác định bà Lan là người liên quan trong vụ án.
Tuy nhiên, đến nay vụ án đang bị tạm đình chỉ bởi tòa án phải chờ kết luận của cơ quan điều tra về các đối tượng lừa đảo, làm giả giấy tờ bà Lan trong vụ án này.
Đóng giả chủ đất, lãnh án tù
Những vụ việc bỗng dưng mất nhà vì bị làm giả giấy tờ như câu chuyện của bà Lan nêu trên không phải là cá biệt. Nhiều người thấy số tiền lợi trước mắt đã vô tư nhận lời đóng giả chủ đất để đi công chứng mà không biết rằng hành vi ấy là vi phạm pháp luật.
Tháng 8-2018, bị cáo Trần Văn Lắm (49 tuổi, ngụ tại huyện Củ Chi) đã bị TAND TP.HCM tuyên phạt 10 năm tù vì đóng giả chủ đất để… bán đất.
Vụ việc bắt nguồn năm 2014, Công an thị trấn Hóc Môn tiếp nhận đơn tố cáo của ông Trần Văn Dinh (54 tuổi) về việc có người đóng giả ông để bán đất thuộc quyền sở hữu của ông.
Ông Dinh có mảnh đất gần 2.000m2, muốn chuyển mục đích từ đất vườn thành đất ở. Ông giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và ủy quyền cho một người tên Phạm Công Minh để thực hiện các thủ tục.
Một thời gian sau, ông Dinh không thấy ông Minh thực hiện thỏa thuận và cũng không liên lạc được nên đã làm đơn cớ mất và xin cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Trong khi làm thủ tục thì ông Dinh mới biết thửa đất của ông đã được chuyển nhượng cho một người tên Nguyễn Đông Cung. Ông Dinh lập tức đến cơ quan điều tra tố cáo có người đóng giả ông để bán đất cho ông Cung với giá 1,2 tỉ đồng.
Ông Cung cũng làm đơn tố cáo. Quá trình điều tra, Công an TP.HCM đã xác định Trần Văn Lắm là người đóng giả ông Dinh ký hợp đồng chuyển nhượng thửa đất nêu trên.
Tại các phiên tòa, Trần Văn Lắm khai có quen biết với một đối tượng tên Châu Tấn Thành. Thành nói Lắm đóng giả ông Dinh để ra công chứng ký giấy bán hoặc cầm cố nhà cho người khác lấy tiền tiêu xài nên Lắm đồng ý.
Sau đó, Thành chở Lắm đến gặp một số đối tượng để hướng dẫn việc đóng giả ông Dinh. Thành đưa cho Lắm giấy chứng minh nhân dân mang tên Trần Văn Dinh nhưng lại dán hình của Lắm.
Tháng 9-2014, Lắm và ông Cung đến Văn phòng công chứng Lý Thị Như Hòa ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất của ông Dinh.
Đổi lại, Lắm được đối tượng tên Thành cho 7 triệu đồng. Lắm khai không biết ai là người làm giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu giả và giấy xác nhận tình trạng hôn nhân mang tên Trần Văn Dinh.
Cơ quan điều tra không xác định được ai là người làm giả các giấy tờ đứng tên ông Dinh. Tại tòa, bị cáo Lắm khai được một người cho biết đã cho nhân viên Văn phòng công chứng Lý Thị Như Hòa 3 triệu đồng. Tuy nhiên, tòa án cho rằng lời khai này không có cơ sở nên không xem xét.
Công chứng phải bồi thường vì làm sai
Trong bản án vụ Trần Văn Lắm, hội đồng xét xử cho rằng đối với việc thực hiện các quy định của Luật công chứng, công chứng viên và thư ký của Văn phòng công chứng Lý Thị Như Hòa thực hiện quy trình chưa đầy đủ.
Do đó, hội đồng xét xử buộc Văn phòng công chứng Lý Thị Như Hòa có nghĩa vụ cùng bị cáo Trần Văn Lắm bồi thường cho bị hại là ông Nguyễn Đông Cung 1,2 tỉ đồng.
Tháng 10 vừa qua, TAND TP.HCM cũng đã tuyên một văn phòng công chứng tại quận Phú Nhuận phải liên đới bồi thường cho các bị hại số tiền 6 tỉ đồng.
Vụ việc bắt nguồn từ tháng 10-2016, bà Vương Thị Hiền (ngụ quận 1) đăng báo rao bán thửa đất hơn 250m2 ở quận 2. Sau đó, đối tượng tên Minh chưa rõ lai lịch đến gặp bà Hiền hỏi mua đất, yêu cầu được xem giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu.
Lợi dụng sơ hở, Minh đánh tráo sổ đỏ của bà Hiền, thuê người đóng giả bà Hiền đến văn phòng công chứng làm hợp đồng ủy quyền cho Nguyễn Thị Hồng Hạnh đứng tên mảnh đất. Sau đó, mảnh đất này được sang tên cho nhiều người khác.
Hai bị cáo trong vụ án có hành vi lừa đảo để mua bán đất bị tòa tuyên lãnh án tù. Riêng phần dân sự, tòa án cho rằng văn phòng công chứng có sai sót nên phải có trách nhiệm liên đới bồi thường số tiền 6 tỉ đồng cho các bị hại.
Làm 12 sổ đỏ giả để lừa đảo, lãnh 10 năm tù
Ngày 12-2, TAND tỉnh Khánh Hòa đã tuyên phạt Nguyễn Công Minh (44 tuổi, trú TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) 10 năm tù về 2 tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.
Từ tháng 6-2017 đến tháng 11-2017, Minh thuê một người quen trên mạng xã hội làm giả 12 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà (sổ đỏ) đem cầm ở một ngân hàng thương mại để vay tiền tiêu xài.
Theo cáo trạng, do 2 công chứng viên không phát hiện các sổ đỏ mà Minh đem làm hợp đồng mua bán với người khác là sổ đỏ giả nên không cấu thành tội phạm.
Kỳ 2: Muôn kiểu gian dối
Cố tình ‘khai tử’ người thân để chiếm tài sản thừa kế, thuê người đóng vai chủ nhà đi công chứng bán nhà, giả từ giấy chủ quyền nhà, bằng cấp nghề đến chứng chỉ đã qua lớp huấn luyện giúp việc nhà…
Điều đáng lo ngại là tất cả các loại giấy tờ đều có thể bị làm giả và làm giả rất tinh vi, nên không phải loại giấy giả nào cũng bị công chứng viên phát hiện.
“Khai tử” người sống
Hơn 3 năm trôi qua nhưng vụ kiện “yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu” giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Bảy (66 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp, TP.HCM) với bị đơn là Văn phòng công chứng (VPCC) Bảy Hiền (nay là VPCC Ninh Thị Hiền, Q.Tân Bình) vẫn chưa đi đến kết luận cuối cùng bởi bản án sơ thẩm đang bị các bên liên quan kháng cáo.
VPCC Bảy Hiền là đơn vị đã công chứng văn bản kê khai di sản thừa kế cho ông N.V.K. (em trai bà Bảy). Tài sản thừa kế là một căn nhà trên đường Cách Mạng Tháng 8, P.4, Q.Tân Bình, do vợ chồng ông Nguyễn Văn Thắng (cha ông K.) để lại.
Sau khi cha mẹ mất, ông K. đã có văn bản khai nhận di sản thừa kế khẳng định ông là người thừa kế duy nhất. Gia đình ông có hai anh em nhưng em gái ông là bà Nguyễn Thị Bảy đã chết trước cha mẹ. Công an Q.Tân Bình cũng có văn bản xác nhận hộ khẩu gốc của ông Thắng chỉ có tên con trai là ông K..
Sau khi nhận được yêu cầu công chứng, VPCC Bảy Hiền đã niêm yết thông tin thừa kế tại trụ sở UBND phường theo quy định. Hết thời hạn niêm yết vẫn không có ai khiếu nại, VPCC Bảy Hiền đã công chứng cho ông K. là thừa kế duy nhất.
Nhận thừa kế xong, ông K. đã làm thủ tục sang tên cho con gái căn nhà trên.
Một thời gian sau, bà Nguyễn Thị Bảy làm đơn khởi kiện ra tòa, yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu. Theo bà Bảy, cha mẹ bà có tới 9 người con chứ không phải chỉ có hai người con như ông K. trình bày.
Bà Bảy yêu cầu tòa hủy bỏ văn bản khai nhận di sản thừa kế, hủy bỏ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho ông K., hủy bỏ hợp đồng tặng cho nhà và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được cấp cho con gái ông K..
Lý do: anh trai bà đã gian dối, khai không đúng sự thật về số người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của cha mẹ để chiếm đoạt tài sản.
Quá trình tham gia tố tụng, đại diện VPCC Bảy Hiền luôn khẳng định đã thực hiện đúng quy định của pháp luật. Xác nhận nhân thân của UBND Q.Tân Bình phù hợp với lời khai của ông K. là gia đình ông chỉ có hai người con nên mới công chứng.
Bản án sơ thẩm của TAND TP.HCM đã chấp nhận yêu cầu của bà Bảy về việc tuyên bố văn bản khai nhận di sản do VPCC Bảy Hiền lập vô hiệu. Hợp đồng tặng cho nhà đất và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên con gái ông K. bị tuyên hủy.
Tuy nhiên, tòa lại tuyên công nhận quyền sở hữu nhà và đất trên là của ông N.V.K.. Lý do vì năm 1983, ông K. đã được cha mẹ lập văn tự cho nhà. Vụ án chưa dừng lại khi bà Bảy đang có đơn kháng cáo đến TAND cấp cao tại TP.HCM.
Mạo danh chồng
Tháng 12-2019, một VPCC tại Q.Bình Thạnh phát hiện hai vụ giả người đi công chứng, nhờ vậy đã ngăn chặn thành công các giao dịch trái luật.
Vụ thứ nhất, người chồng ủy quyền cho vợ “chuyển nhượng nhà đất” ở Q.8 thuộc sở hữu chung của họ. Sau khi công chứng văn bản ủy quyền xong, người vợ bán nhà và công chứng hợp đồng mua bán tại một VPCC ở Q.Bình Tân.
Tại đây, công chứng viên yêu cầu văn bản ủy quyền phải ghi rõ nội dung ủy quyền là “bán và chuyển nhượng nhà đất”, nên người vợ quay lại VPCC tại Q.Bình Thạnh – nơi công chứng văn bản ủy quyền – yêu cầu thêm nội dung trên vào văn bản ủy quyền.
Để thêm nội dung này, VPCC tại Q.Bình Thạnh yêu cầu người chồng (người ủy quyền) phải có mặt để xác nhận. Tuy nhiên người vợ không đưa chồng đến mà gọi điện thoại cho một người lạ rồi đưa cho công chứng viên nói chuyện.
Người đàn ông này tự xưng là chồng lớn giọng dọa nạt yêu cầu công chứng viên phải điều chỉnh nội dung trên văn bản ủy quyền.
Chính việc dọa nạt này làm công chứng viên nghi ngờ, bởi việc thay đổi nội dung công chứng rất đơn giản, chỉ cần hai vợ chồng cùng đến VPCC là đủ. Từ nghi ngờ đó, công chứng viên đã chụp toàn bộ hồ sơ của họ gửi đến chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Q.8 nhờ kiểm tra thông tin.
Kết quả: người chồng trên giấy ủy quyền là giả vì dấu vân tay trên hợp đồng và ảnh trên CMND không phải của người đồng sở hữu căn nhà (chồng thật).
Người vợ trong vụ này cho biết do vay tiền người khác đến hạn không có tiền trả mà chồng không đồng ý bán nhà trả nợ, nên nhóm chủ nợ đã sắp xếp người đóng giả chồng của bà để làm thủ tục ủy quyền bán nhà trên.
Ngay hôm sau, cũng tại VPCC ở Q.Bình Thạnh, một người vợ đã ký hợp đồng mua bán nhà trước đó quay lại nhờ công chứng viên sửa lại số liệu ghi trong hợp đồng vì sai diện tích căn nhà.
Công chứng viên kể: “Căn nhà bán lần này cũng ở Q.8, cùng quận với căn nhà trong hồ sơ giả ngày hôm trước nên tôi cũng thấy sợ sợ. Trong hồ sơ người chồng chỉ ghi tên nguệch ngoạc ở chỗ chữ ký.
Tôi sinh nghi nên gửi hồ sơ đi xác minh và tiếp tục lộ ra thêm một ông chồng giả nữa. Nhờ vậy, chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Q.8 không đăng bộ mà yêu cầu bên mua và bên bán đến VPCC để giải quyết nhưng họ không trở lại”.
Giả cả người đi công chứng
Hiện nay, quy định đã bỏ địa hạt công chứng, người dân TP.HCM muốn công chứng hợp đồng bán nhà đất… ở đâu, đơn vị công chứng nào cũng được. Thực tế thì nhu cầu của người dân cũng có “địa hạt”.
Ví dụ các đơn vị công chứng khu vực Q.Bình Thạnh sẽ có nhiều khách hàng ở quận Bình Thạnh, Thủ Đức, Q.1 hoặc Q.2. Thỉnh thoảng mới có những khách hàng ở các khu vực khác đến và các hồ sơ này thường được công chứng viên “chăm sóc” kỹ hơn.
Một công chứng viên tại Q.Tân Bình nhận định: thực tế, công chứng viên chỉ xem xét giấy tờ, người đi công chứng theo kinh nghiệm, người nào kinh nghiệm nhiều thì phát hiện nhiều. Hiện nay, nhiều tổ chức hành nghề công chứng gặp chuyện hồ sơ giả, người giả nhưng giấu, không công khai.
Theo nhiều công chứng viên, hiện nay có tình trạng các nhóm thuê người giả luôn cả bên mua và bên bán để công chứng hợp đồng, đăng bộ sang tên rồi đem thế chấp ở ngân hàng vay tiền.
Một số ngân hàng cần khách vay nên bỏ qua khâu xác minh thực tế. Đến khi người vay không trả tiền, ngân hàng mới đi tìm hiểu thì đã muộn.
Tất cả các trường hợp này đều dùng giấy tờ nhà đất thật để giao dịch. Nguồn giấy tờ nhà đất thật do các đối tượng đánh tráo của chủ nhà khi giả làm người tìm mua nhà, thuê nhà hoặc từ những trường hợp người chủ vay nóng thế chấp giấy chủ quyền nhà đất.
Khi cơ quan chức năng đến xác minh thì chủ nhà thật mới tá hỏa khi biết giấy tờ nhà của mình đã bị thế chấp trong ngân hàng…
Những cặp đôi “không thật”
Giữa tháng 8-2019, một người đàn ông đem bản photo hồ sơ nhà đất đến VPCC B. nói mình làm dịch vụ cho hai vợ chồng già cần bán nhà. Do người chồng đang bệnh nặng, còn người vợ phải chăm chồng nên hẹn công chứng viên đến bệnh viện để công chứng.
Đến nơi, bằng một số biện pháp nghiệp vụ, công chứng viên phát hiện hai vợ chồng già này là giả. Họ chỉ là một người bán vé số và một người chạy xe ôm chứ không phải là vợ chồng thật và cũng không có nhà để bán. Họ chỉ được thuê để đóng giả người đi bán nhà và chưa nhận được thù lao do chưa xong việc.
Từ những thông tin thu thập được, VPCC B. đã yêu cầu Trung tâm thông tin, tư vấn công chứng (thuộc Sở Tư pháp TP.HCM) ngăn chặn giao dịch căn nhà trên.
Khoảng một tuần sau, có người tự xưng là chủ của căn nhà bị công chứng hụt gọi điện thoại trực tiếp cho trưởng VPCC B. yêu cầu gỡ ngăn chặn. Người này còn đòi kiện vì ngăn chặn giao dịch gây thiệt hại cho họ.
Thấy quá nhiều phiền phức, trưởng VPCC B. đã làm văn bản đề nghị Trung tâm thông tin, tư vấn công chứng bỏ ngăn chặn.
Ngay lập tức, hợp đồng bán nhà được một VPCC khác công chứng với những người đóng giả mà VPCC B. từng gặp. Sau khi ký hợp đồng mua bán, người mua làm hồ sơ thế chấp nhà để vay tiền một ngân hàng.
May thay, đến “phút 89”, ngân hàng nhận được thông tin việc mua bán căn nhà trên có vấn đề nên đã kịp thời ngừng giao dịch.
Chứng chỉ… giúp việc nhà cũng bị làm giả
Chỉ trong tháng 12-2019, trên mạng nội bộ chung, các tổ chức hành nghề công chứng ở TP.HCM đã cảnh báo hơn 20 trường hợp người giả hoặc người thật nhưng mang giấy tờ giả đi thực hiện các giao dịch ở tổ chức hành nghề công chứng.
Ngoài giấy chủ quyền nhà đất, giấy đăng ký xe thì còn có nhiều loại giấy tờ bằng cấp khó ngờ khác như bằng dược sĩ, bằng trung cấp nghề và chứng chỉ đã qua lớp huấn luyện giúp việc nhà…
Nguồn: Tuổi Trẻ Online
Kỳ 1: https://tuoitre.vn/1001-chieu-gia-mao-trong-cong-chung-ky-1-bong-dung-mat-nha-2020030121523376.htm
Để lại một phản hồi