Yêu cầu tuân thủ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của luật sư khi tham gia hoạt động thông tin, truyền thông

Trách nhiệm của luật sư khi quảng cáo

Ngày 05/8/2002, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Quyết định số 356b/2002/QĐ-BT ban hành Quy tắc mẫu về đạo đức nghề nghiệp luật sư, đây được coi là văn bản đầu tiên quy định về đạo đức hành nghề cho luật sư. Tuy nhiên, trong văn bản này không có quy định về ứng xử của luật sư khi cung cấp thông tin hay làm việc với các cơ quan truyền thông đại chúng. Lần đầu tiên các quy định này được đề cập tại Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư do Liên đoàn luật sư ban hành năm 2011, cho đến nay Bộ Quy tắc này đã được sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hơn và ban hành vào ngày 13/12/2019. Nội dung liên quan đến hoạt động của luật sư trong hoạt động thông tin, truyền thông được quy định tại Quy tắc 31 (trước đây là Quy tắc 26).

Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam năm 2011 Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam năm 2019

Quy tắc 26. Quan hệ với các cơ quan thông tin đại chúng

26.1. luật sư cần phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng trong việc tuyên truyền pháp luật, đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm và các tiêu cực xã hội;

26.2. luật sư có thái độ tôn trọng và hợp tác với các cơ quan thông tin đại chúng trong việc cung cấp thông tin trung thực, chính xác, khách quan theo yêu cầu của các cơ quan này, nếu những thông tin đó không làm ảnh hưởng tới quy tắc bảo mật theo quy định của pháp luật và quyền lợi hợp pháp của khách hàng;

26.3. luật sư không được sử dụng cơ quan thông tin đại chúng để cố ý phản ánh sai sự thật nhằm mục đích cá nhân, động cơ khác hoặc tạo dư luận nhằm bảo vệ quyền lợi không hợp pháp của khách hàng hoặc phát ngôn gây ảnh hưởng đến an ninh và lợi ích quốc gia.

Quy tắc 31. Thông tin, truyền thông

31.1. Khi cung cấp thông tin cho báo chí, phương tiện thông tin đại chúng, sử dụng mạng xã hội, luật sư phải trung thực, chính xác, khách quan.

31.2. luật sư không được sử dụng báo chí, phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội để cố ý phản ánh sai sự thật nhằm mục đích cá nhân, động cơ khác hoặc tạo dư luận nhằm bảo vệ quyền lợi không hợp pháp của khách hàng hoặc phát ngôn gây ảnh hưởng đến an ninh, lợi ích quốc gia và lợi ích công cộng.

31.3. luật sư không được viết bài, phát biểu trên báo chí, phương tiện thông tin đại chúng, tại nơi công cộng, sử dụng mạng xã hội để nói xấu, công kích, bài xích hoặc gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ giữa các luật sư đồng nghiệp; gây tổn hại đến danh dự, uy tín của luật sư, Nghề Luật sư, Đoàn luật sư và Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Phân tích Quy tắc 31 Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư

Trong Quy tắc 31 của Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư năm 2019 đã có sự thay đổi tên gọi từ “Quan hệ với các cơ quan thông tin đại chúng” thành “Thông tin, truyền thông”. Việc thay đổi tên quy tắc và kèm theo đó là nội hàm quy tắc phản ánh tính thực tiễn của xã hội vận hành trong giai đoạn hiện nay khi xuất hiện một ngành/lĩnh vực rất mới là “truyền thông”. Ngành truyền thông hiện nay cũng có ảnh hưởng vô cùng lớn đối với Nhà nước và quá trình quản trị quốc gia. Nhờ truyền thông, Nhà nước có thể đưa ra các chính sách kinh tế, văn hóa, xã hội, luật pháp tiếp cận đến người dân một cách nhanh nhất. Dựa vào truyền thông, Nhà nước có thể tuyên truyền, đưa ra các thăm dò ý kiến của dư luận để cải thiện bộ máy cũng như mở rộng, phát triển chính sách cho đất nước và nhận được sự đồng thuận cao của dân chúng. Chính vì sức mạnh to lớn của truyền thông trong việc cung cấp thông tin đời sống, pháp luật, mang các tri thức trên thế giới cho người dân mà truyền thông đã trở thành tiếng nói, là phương tiện bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân khắp nơi trên thế giới.

Về nội hàm, Bộ Quy tắc năm 2019 đã bổ sung phương tiện thông tin, truyền thông là báo chí, mạng xã hội; đồng thời nâng cao tính chủ động cung cấp thông tin của luật sư cho cơ quan thông tin, truyền thông trên cơ sở tuân thủ nguyên tắc: trung thực, chính xác, khách quan và với yêu cầu là không cố ý phản ánh sai sự thật nhằm mục đích cá nhân, động cơ khác hoặc tạo dư luận nhằm bảo vệ quyền lợi không hợp pháp của khách hàng hoặc phát ngôn gây ảnh hưởng đến an ninh, lợi ích quốc gia và lợi ích công cộng, không nhằm nói xấu, công kích, bài xích hoặc gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ giữa các luật sư đồng nghiệp; gây tổn hại đến danh dự, uy tín của luật sư, Nghề Luật sư, Đoàn luật sư và Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Trong số các phương tiện truyền thông, báo chí là một phương tiện không thể thiếu trong cuộc sống của con người. Báo chí có một vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Trong Luật Báo chí năm 2016 (khoản 1 Điều 4) nêu rõ: “Báo chí ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, CQNN, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp; là diễn đàn của Nhân dân”. Mặt khác, báo chí cung cấp thông tin về mọi mặt của đời sống đến với công chúng, đáp ứng nhu cầu thông tin của con người trên toàn thế giới. Đồng thời, báo chí là một nhân tố để thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Phương tiện truyền thông đại chúng là phương tiện được cơ quan báo chí sử dụng để cung cấp, truyền dẫn thông tin tới đông đảo công chúng bao gồm các đài phát thanh, đài truyền hình, báo in, báo điện tử và trang/Cổng thông tin điện tử (theo Điều 3 Thông tư số 38/2017/TT- BTTTT ngày 13/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về hướng dẫn cơ quan báo chí xây dựng chương trình, nội dung phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho toàn dân). Như vậy, với quy định này, phương tiện truyền thông đại chúng chính là các dạng báo chí được quy định trong Luật Báo chí và không bao gồm các phương tiện truyền thông khác (các trang Blog, Fanpage, Facebook, Instagram, Zalo, các ấn phẩm tờ rơi, quảng cáo, banner, băng rôn, Clip, CD…). Chính vì vậy, trong khi vẫn còn có những tranh cãi về việc mạng xã hội như Facebook, Instagram, Twitter, Zalo, Youtube, Tik Tok, Zalo… có được coi là phương tiện thông tin đại chúng không thì việc bổ sung mạng xã hội vào Quy tắc 31 trong loại hình công bố thông tin mà luật sư cần bảo đảm tính chính xác, trung thực, khách quan đã giúp xác định tính ràng buộc trách nhiệm đạo đức của luật sư khi phát biểu quan điểm cá nhân của mình trên các mạng xã hội và tại nơi công cộng mà không cần liệt kê bằng cách thức, phương tiện nào vì thực tế xã hội càng phát triển thì cách thức truyền tải thông tin càng đa dạng và do đó không thể bao quát hết được.

Theo hướng dẫn tại Quy tắc 31, luật sư có thể chủ động trong việc phối hợp với các cơ quan báo chí, thông tin đại chúng. Tính chủ động được thể hiện khi trong quá trình hành nghề, luật sư tự mình quyết định cách thức, phương tiện, nội dung thông tin để cung cấp cho báo chí, cơ quan thông tin đại chúng để nhằm một mục đích nhất định. Đó là quyền của luật sư nhưng giới hạn trách nhiệm sẽ nằm ở các quy định pháp luật (có liên quan) và các chuẩn mực giá trị đạo đức nghề nghiệp. Nguyên tắc căn bản nhất là khi cung cấp thông tin, luật sư phải đưa ra thông tin chính xác, trung thực và khách quan. Tất nhiên, khi một thông tin là chính xác (sự thật), tự bản thân đã chứa đựng yếu tố khách quan. Tuy nhiên, nếu luật sư không trung thực và/hoặc do có những mục đích cá nhân riêng mà đưa ra thông tin dưới lăng kính của mình, không đầy đủ sẽ làm mất đi tính khách quan của nó nên cho dù thông tin không sai nhưng “một nửa sự thật vẫn không phải là sự thật”. Bởi một điều rất quan trọng là sự thật thì phải đầy đủ thông tin, chính xác hoàn toàn mà không nửa vời. Yêu cầu trong Quy tắc 31 không thể xác định và liệt kê cụ thể được mục đích, động cơ của luật sư khi đưa thông tin ra truyền thông nhưng nếu đó là mục đích “bảo vệ quyền lợi của khách hàng” thì ngoài việc không được cố ý đưa sai sự thật thì ngay cả sự thật cũng phải được thông tin đầy đủ, tránh để tạo ra dư luận hiểu sai về bản chất sự vật, hiện tượng khi không có đủ thông tin.

Luật sư thực hiện tuân thủ các quy tắc đạo đức, ứng xử không chỉ trong sự độc lập, tách biệt mà phải đặt trong mối quan hệ của các quy tắc với nhau. Khi quy định, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đặt tên các quy tắc dễ hiểu, dễ tra cứu và nhằm xác định yêu cầu đối với luật sư khi thực hiện quy tắc. Tực tế, luật sư phải đặt các quy tắc trong chỉnh thể và quan hệ để thực hiện. Ví dụ, khi luật sư thực hiện Quy tắc 31 cũng chính là thực hiện các nội dung của Quy tắc 2 (Độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan), Quy tắc 3 (Giữ gìn danh dự, uy tín và phát huy truyền thống của luật sư), Quy tắc 5 (Bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng), Quy tắc 7 (Giữ bí mật thông tin), Quy tắc 21 (Những việc luật sư không được làm trong quan hệ với đồng nghiệp). Nói một cách khác, các quy tắc có mối liên hệ chặt chẽ, không tách rời khi thực hiện. Bên cạnh đó, luật sư phải xuất phát từ chính vị trí công việc của mình để có thể bảo đảm tuân thủ các quy tắc đó khi tham gia hoạt động thông tin, truyền thông.

Tình huống thảo luận
Khi tham gia bảo vệ cho một thân chủ trong vụ án hành chính tranh chấp với một CQNN (vụ án được dư luận rất quan tâm và đương nhiên luật sư nắm giữ rất nhiều thông tin trong vụ án), luật sư được một báo đề nghị phỏng vấn và cung cấp thông tin của vụ án. Vậy, giới hạn thông tin của luật sư khi cung cấp với phóng viên đến đâu? Và yêu cầu đặt ra cho luật sư trong trường hợp này là gì?

Vấn đề các luật sư thường hay quan tâm, đặc biệt đối với các luật sư mới hành nghề là khi tiếp xúc báo chí, các cơ quan truyền thông đại chúng, luật sư phải ứng xử như thế nào để không vi phạm quy định pháp luật và Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư?

Trong quá trình hành nghề luật, báo chí có vai trò rất quan trọng và thực sự cần thiết bởi báo chí là công cụ, là phương tiện để truyền tải thông tin từ luật sư đến với công chúng và phản ánh ngược lại tình hình đời sống xã hội đến với họ để họ có thêm thông tin giúp cho việc thực hiện hoạt động nghề nghiệp (bảo vệ thân chủ, bảo vệ công lý, chống tiêu cực, cải thiện môi trường hành nghề, khẳng định vị thế nghề nghiệp…), đóng góp ý kiến cho hoạt động xây dựng pháp luật và áp dụng pháp luật, giúp cải thiện môi trường pháp lý thuận lợi, đạt kết quả cao hơn. Như vậy, báo chí là một trong những cầu nối giữa luật sư với người dân. Do đó, việc xây dựng và phát triển mối quan hệ với báo chí vừa là quyền lợi, vừa là nghĩa vụ của những người hành nghề luật sư.

Báo chí là phương tiện, là công cụ, là chất xúc tác để các chủ thể hành nghề luật thể hiện bản lĩnh, trí tuệ và trách nhiệm của mình trước Nhà nước, trước người dân, trước thân chủ (khách hàng) và xã hội. Báo chí là “quyền lực mềm” tác động lên các đối tượng của xã hội góp phần điều chỉnh dư luận và phát triển xã hội. Tời gian qua, các cơ quan thông tin đại chúng rất quan tâm đến hoạt động của luật sư, đến vai trò của họ trước những vấn đề “nổi cộm” của Nhà nước, xã hội. Thông qua mối quan hệ với báo chí, luật sư bằng kỹ năng tiếp xúc của mình đã xây dựng được hình ảnh tốt đẹp trong lòng dân chúng. Đặc biệt, có luật sư được báo chí và dư luận suy tôn là người của công chúng.

Tuy nhiên, bên cạnh những luật sư sẵn sàng hợp tác, phối hợp với báo chí vẫn còn không ít người vì thiếu kỹ năng quan hệ hoặc sợ hệ lụy bản thân nên ngại tiếp xúc với báo chí. Bản thân báo chí cũng có nhiều tâm tư mỗi khi khó tiếp cận với các chủ thể này. Các luật sư có thể xem xét lại một số quy định có liên quan đến hoạt động cung cấp thông tin cho truyền thông, báo chí để tránh vi phạm pháp luật như sau:

Điều 25 Luật Luật sư năm 2006 (Bí mật thông tin)

1. luật sư không được tiết lộ thông tin về vụ, việc, về khách hàng mà mình biết được trong khi hành nghề, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác.
2. luật sư không được sử dụng thông tin về vụ, việc, về khách hàng mà mình biết được trong khi hành nghề vào mục đích xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
3. Tổ chức hành nghề luật sư có trách nhiệm bảo đảm các nhân viên trong tổ chức hành nghề không tiết lộ thông tin về vụ, việc, về khách hàng của mình.

Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam năm 2019

Quy tắc 7. Giữ bí mật thông tin

7.1. luật sư có nghĩa vụ giữ bí mật thông tin của khách hàng khi thực hiện dịch vụ pháp lý và sau khi đã kết thúc dịch vụ đó, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý hoặc theo quy định của pháp luật.
7.2. luật sư có trách nhiệm yêu cầu các đồng nghiệp có liên quan và nhân viên trong tổ chức hành nghề của mình cam kết không tiết lộ những bí mật thông tin mà họ biết được và luật sư có trách nhiệm giải thích rõ nếu tiết lộ thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Điều 73 BLTTHS năm 2015 (Quyền và nghĩa vụ của người bào chữa)

… 2. Người bào chữa có nghĩa vụ
…“e) Không được tiết lộ bí mật điều tra mà mình biết khi thực hiện bào chữa; không được sử dụng tài liệu đã ghi chép, sao chụp trong hồ sơ vụ án vào mục đích xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân;
g) Không được tiết lộ thông tin về vụ án, về người bị buộc tội mà mình biết khi bào chữa, trừ trường hợp người này đồng ý bằng văn bản và không được sử dụng thông tin đó vào mục đích xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân”…

Một điểm cần lưu ý là chế tài và mức xử phạt đối với hành vi tiết lộ thông tin trong quá trình hành nghề của luật sư, Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã quy định như sau:

Hành vi vi phạm Mức xử phạt
Tiết lộ thông tin về vụ, việc, về khách hàng mà mình biết trong khi hành nghề, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác;
Điểm c khoản 7 Điều 6 (Hành vi vi phạm quy định đối với hoạt động hành nghề luật sư)
Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng
Tiết lộ thông tin về vụ việc, cá nhân, tổ chức yêu cầu tư vấn pháp luật, trừ trường hợp cá nhân, tổ chức yêu cầu tư vấn pháp luật đồng ý hoặc pháp luật có quy định khác;
Điểm d khoản 3 Điều 10 (Hành vi vi phạm quy định về hoạt động tư vấn pháp luật)
Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng
Tiết lộ nội dung kết luận giám định cho người khác mà không được người trưng cầu, người yêu cầu giám định đồng ý bằng văn bản
Điểm c khoản 2 Điều 20 (Hành vi vi phạm quy định về hoạt động giám định tư pháp)
Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng
Tiết lộ bí mật thông tin mà mình biết được khi tiến hành giám định
Điểm b khoản 3 Điều 20 (Hành vi vi phạm quy định về hoạt động giám định tư pháp)
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng

Trước khi trả lời câu hỏi của phóng viên, tổ chức họp báo hoặc có các hoạt động khác với giới truyền thông, luật sư nên xác định ranh giới đạo đức cũng như những rủi ro tiềm ẩn và lợi ích có thể mang lại cho khách hàng. Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư ở Việt Nam cũng như nhiều nước nghiêm cấm luật sư sử dụng các phương tiện truyền thông hoặc phối hợp với các cơ quan báo chí, đài phát thanh, truyền hình để tạo ra định hướng sai cho dư luận làm ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến công tác điều tra, xét xử hay mưu cầu lợi ích riêng làm tổn hại đến lợi ích của Nhà nước, xã hội và người khác.

Quy tắc 31 và các quy định pháp luật có liên quan đã nêu lên trách nhiệm đạo đức của luật sư và các hành vi bị cấm cũng như chế tài kèm theo. Tuy nhiên, việc áp dụng những quy tắc này trên thực tế vẫn còn có điểm chưa rõ ràng. Điều này sẽ khiến cho các luật sư, đặc biệt là những luật sư trẻ có nhiều câu hỏi thắc mắc. Ví dụ như trong quá trình điều tra, truy tố, đặc biệt là trước và sau phiên tòa xét xử, một số vụ án thu hút sự quan tâm của dư luận, các cơ quan báo chí trong và ngoài nước muốn phỏng vấn luật sư bào chữa cho bị can, bị cáo hoặc bảo vệ cho đương sự trong vụ án… Trong những tình huống này, câu hỏi đầu tiên là các luật sư có nên trả lời và cung cấp thông tin cho các báo, đài hay không? Tiếp đó là nếu có thì nên cung cấp những thông tin gì trong khi luật chỉ quy định khá chung chung rằng luật sư không được tiết lộ thông tin về vụ, việc, về khách hàng mà mình biết được trong quá trình hành nghề nếu không được khách hàng đồng ý.

Để trả lời câu hỏi đầu tiên, chúng ta hãy nhìn vào những lợi ích khi luật sư được nhắc đến trên các phương tiện truyền thông, đó là một cách tốt để xây dựng danh tiếng và nhận thức của công chúng về luật sư. Và nếu luật sư bỏ lỡ cơ hội này, thì một luật sư đồng nghiệp khác sẽ nhận và cũng đồng nghĩa với việc luật sư đã bỏ lỡ nhiều khách hàng tiềm năng. Mặt trái của việc tiếp xúc với truyền thông đại chúng, ngoài việc luật sư có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý nếu cung cấp thông tin sai sự thật, đó là luật sư có nguy cơ trở thành nạn nhân của chỉ trích từ dư luận xã hội, khi quan điểm của luật sư có thể trái với quan điểm và suy nghĩ của một bộ phận dân chúng nhất định, đặc biệt khi luật sư phát biểu trên tư cách bảo vệ quyền và lợi ích cho khách hàng.

Tuy nhiên, luật sư khó tránh được sự tiếp xúc với truyền thông, như vậy vấn đề quan trọng cần được quan tâm là luật sư sẽ trả lời báo chí như thế nào? Ngoài sự chuẩn bị kỹ càng ra thì nguyên tắc số một ở đây là chỉ trả lời những vấn đề phù hợp, những nội dung mà khách hàng đồng ý, không vi phạm pháp luật liên quan. Những câu hỏi khác luật sư có thể từ chối trả lời với lý do bảo đảm quy định về giữ bí mật. Về những nội dung mà luật sư có thể trao đổi với báo chí, có thể được chia làm hai loại: những vấn đề có liên quan đến khách hàng (bao gồm cả khách hàng hiện tại, khách hàng cũ) và không liên quan đến khách hàng.

Với những vấn đề không liên quan tới khách hàng như khi được yêu cầu bình luận về các quy định pháp luật hiện hành hay giải đáp pháp luật qua truyền hình, luật sư hoàn toàn có thể nhận công việc này nhưng cần bảo đảm sự khách quan, trung thực, chính xác. Đối với việc bình luận vụ án đang được xét xử/đã xét xử, luật sư có thể tham gia bình luận và nêu quan điểm cá nhân tuy nhiên cần lưu ý không thực hiện các hành vi nói xấu, xúc phạm đồng nghiệp/các CQTHTT.

Với những vấn đề có liên quan tới khách hàng, luật sư phải bảo đảm các tiêu chí sau: 

Thứ nhất, bảo đảm giữ bí mật cho khách hàng cho dù đó là khách hàng cũ hay khách hàng hiện tại. Đặc biệt nếu luật sư có thể dự đoán trước được sự quan tâm của giới truyền thông đối với vấn đề của khách hàng, luật sư nên thảo luận về các mối quan hệ truyền thông với khách hàng ngay từ đầu, để bảo đảm rằng luật sư và khách hàng đồng ý về các cách tiếp cận phù hợp. Làm rõ với khách hàng cụ thể những vấn đề được phép và không được phép tiết lộ. Mối quan hệ giữa luật sư và khách hàng từ lâu đã được công nhận là nền tảng cho hoạt động hành nghề luật sư, tất cả các thông tin liên quan đến công việc kinh doanh và các vấn đề khác của một khách hàng phải được giữ một cách cẩn trọng, thời hạn giữ bí mật thông tin này có thể là vô thời hạn.

Thứ hai, phải luôn bảo đảm lợi ích tốt nhất của khách hàng. Theo kinh nghiệm quốc tế từ quy định của Bộ Quy tắc hành nghề luật sư Canada, luật sư không được thông tin tới giới truyền thông nếu việc thông tin không có lợi cho khách hàng. Bất cứ điều gì liên quan đến các vấn đề của khách hàng, luật sư trước tiên phải bảo đảm rằng điều đó phục vụ tốt nhất cho lợi ích của khách hàng.

Thứ ba, luật sư không cung cấp thông tin với phương tiện truyền thông hoặc công khai tuyên bố về một vấn đề trước khi xét xử nếu luật sư biết hoặc phải biết rằng thông tin hoặc tuyên bố này có khả năng làm phương hại đến quyền được xét xử hoặc điều trần công bằng của một bên. Đây là một ranh giới mỏng manh để xác định liệu vấn đề luật sư công bố có gây phương hại hay không, do đó luật sư nên tránh tất cả các hình thức không phù hợp khi phát ngôn, đặc biệt không chê bai tính cách của khách hàng hay luật sư của bên đối lập, của những đương sự khác, hoặc của bị cáo. Là một người am hiểu pháp luật, các luật sư cần nhận thức rõ ràng rằng một vụ án nên được xét xử công bằng tại Tòa án theo pháp luật mà không phải trong Tòa án của dư luận.

Thứ tư, trong giao tiếp với giới truyền thông, luật sư luôn được khuyến khích thể hiện sự tôn trọng các Cơ quan điều tra và tiến hành tố tụng. Đây không chỉ là một quy tắc ứng xử nghề nghiệp, mà còn là thước đo hoàn thành nhiệm vụ của luật sư và duy trì các tiêu chuẩn và uy tín của nghề.

Vì vậy, khi tiếp xúc các phương tiện truyền thông, luật sư phải luôn luôn lịch sự và hành động có thiện chí với Tòa án, các CQTHTT và tất cả những người mà luật sư có giao dịch.

Thứ năm, khi cung cấp thông tin với các phương tiện truyền thông, luật sư không nên quảng cáo hoặc khoe khoang về khả năng của mình. Các luật sư cũng nên biết rằng, khi luật sư xuất hiện trước công chúng hoặc đưa ra bất cứ tuyên bố nào thì thường khó kiểm soát nội dung bài báo, tiêu đề bài báo hoặc thậm chí có thể phản ánh sai sự thật khách quan.

Ngoài ra, sau đây là một số lời khuyên khác không liên quan tới các quy tắc đạo đức cho các luật sư trong quá trình tiếp xúc với các cơ quan truyền thông đại chúng:
Khi phóng viên liên hệ mà luật sư không thể nói chuyện, hãy bảo đảm và cam kết liên hệ lại với phóng viên kịp thời. Ứng xử chuyên nghiệp và xây dựng quan hệ tốt với phóng viên luôn có lợi cho nghề nghiệp của luật sư.

Luật sư cũng có thể chủ động trao đổi và hỏi phóng viên về chủ đề của buổi gặp gỡ/ghi hình. Sự chuẩn bị kỹ càng luôn cần thiết, đồng thời có thể nói với phóng viên rằng luật sư cần gọi lại hoặc cần hỏi ý kiến khách hàng của mình trước khi bình luận.

Chuẩn bị thông điệp muốn gửi tới báo chí và bảo đảm thông điệp này được trình bày bằng ngôn ngữ đơn giản, dễ hiểu với công chúng, hạn chế sử dụng từ ngữ chuyên ngành pháp lý. Ngày nay, các phương tiện truyền thông, đặc biệt là các phương tiện truyền thông quảng bá thường sử dụng các đoạn trích ngắn. Công chúng đã quen với việc nghe tin tức bằng phản ứng nhanh, nếu mất hơn 15 giây để giải thích, bạn có thể mất độc giả.

Các biên tập viên đôi khi chỉnh sửa câu chuyện của một phóng viên, việc này có thể có tác động đáng kể, làm thay đổi cách nhìn và giọng điệu của một câu chuyện. Công việc của phương tiện truyền thông đại chúng là thu hút người xem hoặc người nghe, do đó cần chuẩn bị cho tình huống một bài báo về vấn đề của khách hàng có thể không thể hiện được hết ý như luật sư mong muốn.

Khi trao đổi với phóng viên, cần lưu ý cuộc nói chuyện là “ghi âm” hay “không ghi âm”, trao đổi trước với phóng viên về ý định của luật sư. Khi luật sư yêu cầu “không ghi âm”, phóng viên không được tự do sử dụng thông tin, hoặc sự thật mà luật sư đã nói.

Cuối cùng, không có lời khuyên hay hướng dẫn tốt nhất cho các luật sư khi cung cấp thông tin với truyền thông, báo chí. Mặc dù có câu châm ngôn lâu đời rằng “đối với luật sư, bất cứ công bố nào cũng là công bố tốt”1, luật sư phải sử dụng phán đoán tốt nhất của mình để xác định xem có nên cung cấp các thông tin cho các phương tiện truyền thông hay không.

đánh giá bài viết

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền