Xác định yếu tố đồng phạm trong tội cố ý gây thương tích qua ví dụ

dong-pham

Xác định yếu tố đồng phạm trong tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác.

 

Các nội dung liên quan:

 

Theo quy định của Điều 17 BLHS năm 2015 thì đồng phạm “1. Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.” Đồng phạm là một khái niệm pháp lý nói lên quy mô tội phạm, được thể hiện trong một vụ án có nhiều người tham gia. Tuy nhiên, không phải cứ có nhiều người tham gia là đồng phạm, mà nhiều người tham gia đó phải cố ý cùng thực hiện một tội phạm, nếu có nhiều người phạm tội nhưng không cùng thực hiện một tội phạm thì không gọi là đồng phạm. Giữa những người phạm tội đó có sự bàn bạc, thống nhất trước khi thực hiện tội phạm hoặc có sự tiếp nhận về mặt ý chí giữa những người phạm tội.

Chế định đồng phạm quy định trong Bộ luật hình sự có hai loại mà theo khoa học luật hình sự gọi là đồng phạm giản đơn và đồng phạm phức tạp (phạm tội có tổ chức).

Trong thực tiễn việc xác định yếu tố đồng phạm trong tội cố ý gây thương tích gặp rất nhiều khó khăn và còn tồn tại nhiều quan điểm khác nhau.

Ví dụ: Khoảng 19h30ph ngày 12/4/2017 Nguyễn Văn A và Trần Thanh E cùng trú tại thôn 1 xã M, huyện p, tỉnh Y đến quán Cafe M, trên đường K, thành phố H, tỉnh Y để uống café thì gặp 03 thanh niên cùng thôn trong đó có Huỳnh Văn O, trước đó giữa O và A đã từng có mâu thuân. Khoảng 20h00 phút thì Nguyễn Văn A đến bàn của Huỳnh Văn O và nói “Thằng này láo” và dùng tay đấm vào mặt làm O ngã về phía sau và đầu O đập vào nền nhà, mọi người can ngăn nên A không thể đánh tiếp. Trong lúc O đang nằm trên sàn nhà thì đúng lúc này E tiến đến và đá hai phát nhưng trúng vào tay O. Thấy O chảy máu nên cả A và E không đánh nữa và bỏ chạy, O được mọi người đưa đi cấp cứu nhưng đã chết trên đường đi bệnh viện. Tại Bản kết luận giám định pháp y đã xác định nguyên nhân chết của anh Huỳnh Văn O là chấn thương sọ não. Vết dập vùng phía sau đầu – do vật có bề mặt phẳng tác động. Sau đó cả Nguyễn Văn A và Trần Thanh E bị bắt, tại CQĐT cả hai đã khai nhận hành vi phạm tội của mình.

Sau khi vụ án xảy ra có nhiều quan điểm khác nhau về cách giải quyết:

Quan điểm thứ nhất: Nguyễn Văn A và Trần Thanh E đồng phạm tội cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 104 BLHS, bởi lẽ: mặc dù không có sự bàn bạc từ trước nhưng A và E đã tiếp nhận ý chí của nhau, cùng nhau dùng chân, tay đấm, đá anh O. Nguyễn Văn A là người trực tiếp dùng đấm vào mặt khiến đầu đập xuống nền nhà gây ra cái chết của anh O và cú đá của E giúp thúc đẩy cái chết của E đến nhanh hơn. Do đó, cả A và E đồng phạm tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người với vai trò là người thực hành.

Quan điểm thứ hai: Nguyễn Văn A phạm tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại Điều 104 BLHS còn Trần Thanh E không đồng phạm với Nguyễn Văn A vì khi A dùng tay đấm vào mặt O khiến O ngã và đập đầu xuống nền nhà, sau đó E mới đến đá vào tay O. Lúc đó, mặc dù E không có hành vi ngăn cản A nhưng cũng không có nghĩa rằng E đã thống nhất ý chí cùng với A để tước đoạt tính mạng của anh O.
Qua vụ án trên và thực tiễn nghiên cứu vấn đề đồng phạm trong tội cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người cho thấy:

Thứ nhất: Việc xác định hành vi thúc đẩy cái chết là yếu tố rất quan trọng. Theo Từ điển Tiếng Việt thì “Thúc đẩy là kích thích, tạo điều kiện, động lực cho hoạt động, phát triển mạnh hơn theo một hướng nhất định nào đó”, như vậy, hành vi được xem là thúc đẩy trong tội cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người thì hành vi đó phải là hành vi xảy ra sau và hành vi đó phải tác động trực tiếp lên chỗ mà hành vi trước đó đã gây ra. Đối với tình huống trên thì hành vi của E mặc dù diễn ra sau nhưng E không đá vào đầu O mà đá trúng vào tay, vì trong kết luận giám định thì nguyên nhân cái chết là do chấn thương sọ não, hành vi của E nếu đá trúng vào đầu thì có thể kết luận cú đá đó giúp thúc đẩy nhanh cái chết.

Thứ hai: Căn cứ theo quy định của BLHS thì đồng phạm của hành vi cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người là trường hợp có hai người trở lên (đủ điều kiện của chủ thể của tội phạm) cùng thực hiện hành vi cố ý gây thương tích.

Mỗi người tham gia đều biết những người kia cũng có hành vi cố ý gây thương tích như mình. Nếu chỉ biết mình có hành vi cố ý gây thương tích mà không biết người cũng có hành vi đó thì không có đồng phạm.
Hành vi cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người thì dấu hiệu mục đích cũng là dấu hiệu quan trọng để xác định có đồng phạm hay không.

Trong tình huống nêu trên giữa hai hành vi của Nguyễn Văn A và Trần Thanh E độc lập nhau tuy cùng tác động đến một đối tượng là anh O nhưng E hoàn toàn không biết giữa Nguyễn Văn A và Huỳnh Văn O có xảy ra mâu thuẫn trước đó. Nguyễn Văn A hoàn toàn không biết rằng Trần Thanh E cũng tham gia đánh O vì hành vi của E diễn ra sau khi hành vi đánh O của A đã kết thúc. Mục đích của Nguyễn Văn A và Trần Thanh E đến là để uống ca fe.

Thứ ba: Giữa những người phạm tội đó có sự bàn bạc, thống nhất trước khi thực hiện tội phạm hoặc có sự tiếp nhận về mặt ý chí giữa những người phạm tội. Tiếp nhận ý chí là sự ăn ý hiểu ý giữa những người thực hiện hành vi phạm tội, tức là không cần bàn bạc nhưng những người phạm tội vẫn cùng nhau thực hiện tội phạm.

Trong tình huống nêu trên thì sau khi A đấm vào mặt O và ngã đập đầu xuống đất thì E đã lao vào đá O, hành vi của E có yếu tố của việc tiếp nhận ý chí vì E nhận thấy rằng khi A đánh O và bị mọi người can ngăn nhưng vẫn lao vào để đánh O và E biết rằng hành vi của mình và A là vi phạm pháp luật và có thể gây thương tích cho người khác nhưng E vẫn thực hiện. Tuy nhiên thời điểm hình thành việc tiếp nhận ý chí: Việc tiếp nhận về mặt ý chí của E được hình thành sau khi hành vi phạm tội của người thực hành là Nguyễn Văn A đã hoàn thành không phải là đồng phạm. Vì vậy E hoàn toàn không đồng phạm trong tội cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người.

Từ những phân tích nêu trên cho thấy Trần Thanh E không đồng phạm trong tội cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người.

Như vậy, những sửa đổi, bổ sung của BLHS sửa đổi năm 2017 sẽ góp phần quan trọng trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung và tội cố ý gây thương tích hoặc gây thiệt hại cho sức khỏe của người khác, tuy nhiên trong thực tiễn vấn đề xác định yếu tố đồng phạm trong tội này rất quan trọng góp phần phòng chống oan, sai trong tố tụng hình sự./.

đánh giá bài viết

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền