Xác định tiền sự cho đúng để bảo đảm phán quyết của Tòa án được đúng đắn, khách quan và công bằng. Vấn đề này trong thực tế cũng nảy sinh những nhận thức khác nhau.
1. Một tình huống cụ thể
Ngày 06/3/2015, do thực hiện hành vi trộm cắp tài sản nhưng chưa đến mức xử lý hình sự nên chính quyền địa phương đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 05/QĐ-XPHC, để xử phạt đối với Nguyễn Văn Thiện với mức phạt 500.000 đồng.
Đến ngày 24/8/2016, Thiện tiếp tục thực hiện hành vi trộm cắp tài sản và đã bị Tòa án nhân dân huyện TM, tỉnh ĐT xét xử với mức án là 06 tháng tù, trong bản án này đã xác định bị cáo Thiện không có tiền sự. Sau đó, bị cáo Thiện kháng cáo xin được hưởng án treo thì bản án phúc thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh ĐT đã xác định bị cáo Thiện có một tiền sự nên án sơ thẩm xét xử đã có lợi cho bị cáo và TAND tỉnh ĐT đã tuyên y án sơ thẩm và Thiện đã chấp hành xong bản án vào ngày 16/4/2018.
Ngày 12/01/2019, Thiện lại thực hiện hành vi trộm cắp tài sản là chiếc xe mô tô trị giá 3 triệu đồng tại huyện C, tỉnh T.
Khi ban hành cáo trạng để truy tố bị cáo thì Viện kiểm sát huyện C đã xác định bị cáo Thiện có một tiền sự (theo quan điểm của TAND tỉnh ĐT). Tuy nhiên, Hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án này đã xác định bị cáo Thiện không có tiền sự (theo quan điểm của TAND huyện TM).
Vậy vấn đề đặt ra là xác định tiền sự của bị cáo Thiện như thế nào cho phù hợp?
2. Thế nào là có tiền sự
Khoản 1, Điều 7 của Luật Xử lý vi phạm hành chính đã quy định các trường hợp được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính để làm xác định tiền sự như sau:
Một là, Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt cảnh cáo.
Hai là, Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính nếu trong thời hạn 01 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hành chính khác (khác quyết định xử phạt cảnh cáo)
Ba là, Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính nếu hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà không tái phạm thì được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính.
Trong trường hợp này, bị cáo Thiện không có chấp hành đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính nên chỉ có thể áp dụng trường hợp thứ ba để xem xét bị cáo Thiện có tiền sự hay không.
Các yếu tố để xác định bị cáo Thiện không có tiền sự trong trường hợp này bao gồm: hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và không tái phạm:
Bị cáo Thiện bị xử phạt vi phạm hành chính vào ngày 06/3/2015, đến ngày 24/8/2016, bị cáo đã phạm tội trộm cắp tài sản và đã được hai cấp TAND tỉnh ĐT xét xử bị cáo. Sau khi ra quyết định xử phạt, Cơ quan có thẩm quyền cũng không tiến hành cưỡng chế thi hành án đối với Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã ban hành nên không thể cho rằng người vi phạm cố tình trốn tránh, trì hoãn để được tính thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Như vậy, căn cứ vào Điều 74 của Luật Xử lý vi phạm hành chính thì thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp này đã hết thời hiệu.
Mặt khác, căn cứ vào khoản 1, Điều 53 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 “Tái phạm là trường hợp đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý hoặc thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do vô ý”. Áp dụng tương tự pháp luật thì tái phạm trong trường hợp vi phạm hành chính được hiểu là trường hợp đã bị xử phạt vi phạm hành chính, chưa được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính mà lại tiếp tục thực hiện hành vi phạm hành chính. Trường hợp này, bị cáo Thiện vi phạm hành chính và bị xử phạt vào ngày 06/3/2015 và đã được xem là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính vào ngày 07/3/2016. Việc bị cáo Thiện phạm tội vào ngày 24/8/2016 không được xem là bị cáo tái phạm trong vi phạm hành chính.
Sở dĩ, quan điểm của Viện Kiểm sát huyện C và TAND tỉnh ĐT xác định bị cáo Thiện có tiền sự là vì họ đã đánh đồng quan điểm không chấp hành quyết định xử phạt với việc cố tình trốn tránh, trì hoãn việc thi hành quyết định xử phạt để tính thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính lại. Điều này là không chính xác bởi vi sau khi ra quyết định xử phạt nếu người vi phạm không chấp hành thì Cơ quan có thẩm quyền có quyền cưỡng chế thi hành đối với bị cáo nhưng trong trường hợp này, Cơ quan có thẩm quyền đã không tiến hành cưỡng chế là chưa làm hết trách nhiệm của mình nên không thể khẳng định bị cáo cố tình trốn tránh, trì hoãn việc thi hành quyết định xử phạt.
Từ những phân tích trên có cơ sở vững chắc để xác định rằng bị cáo Thiện không có tiền sự theo như quan điểm của TAND huyện TM, tỉnh ĐT và TAND huyện C, tỉnh T. Rất mong nhận được ý kiến trao đổi của bạn đọc.
HUỲNH MINH KHÁNH (TAND huyện Cái Bè, Tiền Giang)
Nguồn: Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử (http://tapchitoaan.vn).
Để lại một phản hồi