Chứng cứ và đánh giá chứng cứ trong xét xử của Tòa án

Chuyên mụcLuật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính, Luật tố tụng hình sự, Thảo luận pháp luật Chứng cứ

Pháp luật tố tụng có quy định về chứng cứ để người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng vụ án xác định chứng cứ trong vụ án có căn cứ và hợp pháp hay không. Việc đánh giá chứng cứ của vụ án hoàn toàn phụ thuộc vào năng lực, trình độ của Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án.

1. Chứng cứ và đánh giá chứng cứ

1.1. Chứng cứ

Theo từ điển Tiếng Việt. Chứng cứ là: “Cái được dẫn ra để làm căn cứ xác định điều gì đó là có thật (xem trang 192. Cuốn Từ điển Tiếng Việt – Viện ngôn ngữ học – Nhà xuất bản Đà Nẵng, xuất bản năm 2002).

Chứng cứ quy định trong pháp luật tố tụng được quy định trong Bộ luật tố tụng Dân sự (BLTTDS), Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) và Luật tố tụng Hành chính (LTTHS).

Điều 93 BLTTDS năm 2015 quy định về chứng cứ trong vụ việc dân sự như sau: “Chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được đương sự, cơ quan tổ chức , cá nhân khác giao nộp, xuất trình tự cho Tòa án trong quá trình tố tụng và được Tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp”.

Điều 86 BLTTHS năm 2015 quy định : “Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án”.

Điều 80 LTTHC năm 2015 quy định : “Chứng cứ là những gì có thật được cơ quan, tổ chức cá nhân khác giao, nộp, xuất trình cho Tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do luật này quy định mà Tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp”.

Như vậy là pháp luật tố tụng dân sự, pháp luật tố tụng hình sự, pháp luật tố tụng hành chính hiện hành có quy định về chứng cứ để người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng vụ án biết thực hiện và là căn cứ pháp luật để cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng kiểm tra, xác định chứng cứ trong vụ án có căn cứ và hợp pháp hay không.

1.2. Đánh giá chứng cứ

Trong pháp luật tố tụng hiện hành không giải thích cụm từ: đánh giá chứng cứ và trong và trong các văn bản hướng dẫn thực hiện pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng không giải thích cụm từ đánh giá chứng cứ là gì, để người tiến hành tố tụng tại phiên tòa biết và thực hiện. Do đó việc đánh giá chứng cứ của vụ án hoàn toàn phụ thuộc vào năng lực, trình độ của Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án.

Về cụm từ “đánh giá” Từ điển Tiếng Việt giải thích là: “Nhận định giá trị”.
Do đó theo chúng tôi, đánh giá chứng cứ là: nhận định giá trị chứng cứ có sử dụng được vào việc giải quyết vụ án hay không. Thực tế hoạt động tố tụng cho thấy đánh giá chứng cứ của vụ án có liên quan trực tiếp đến kết quả giải quyết vụ án và việc đánh giá chứng cứ phụ thuộc vào năng lực, trình độ của Thẩm phán. Do đó, mới có một thực tế là: Cùng một hồ sơ vụ án, cùng một chứng cứ trong vụ án, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm quyết định giải quyết vụ án khác với quyết định giải quyết vụ án của Tòa án cấp phúc thẩm hoặc quyết định giải quyết vụ án của Tòa án cấp giám đốc thẩm.

Ví dụ 1: Vụ án hình sự đối với Đinh Văn Đoán. Anh Đoán đã có 01 tiền án về tội đánh bạc do Tòa án huyện V, tỉnh T xét xử ngày 15/4/2014 với hình phạt 01 (một) năm tù cho hưởng án treo. Thời gian thử thách là 02 (hai) năm kể từ ngày tuyên án. Ngày 24/5/2015 (trong thời gian thử thách án treo) anh Đoán cùng 07 người khác đánh bạc bằng hình thức xóc đĩa, bị bắt quả tang cùng vật chứng. Số tiền thu tại chiếu bạc là 2.450.000 đồng. Số tiền dùng vào việc đánh bạc bị thu giữ là 3.990.000 đồng. Anh Đoán bị truy tố trước Tòa án.

Tại bản án hình sự sơ thẩm sơ thẩm số 74/2015/HSST ngày 06/11/2015 của Tòa án huyện V, tỉnh T xử phạt anh Đoán 09 (chín) tháng tù về tội đánh bạc và buộc anh Đoán phải chấp hành hình phạt 01 năm tù của bản án cho hưởng án treo. Tổng hợp hình phạt của hai bản án là 01 (một) năm, 09 (chín) tháng tù. Anh Đoán kháng cáo xin hưởng án treo.

Tại bản án hình sự phúc thẩm số 07/2016/HSPT ngày 21/01/2016 của TAND tỉnh T đã giảm hình phạt cho anh Đoán xuống còn 04 tháng tù. Tổng hợp hình phạt của bản án này với hình phạt của bản án 01 năm tù cho hưởng án treo . Buộc anh Đoán phải chấp hành hình phạt chung của hai bản án là 01 (một) năm, 04 (bốn) tháng tù.

Bản án hình sự phúc thẩm nói trên của Tòa án tỉnh T bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Ủy ban Thẩm phán TANDCC quyết định miễn trách nhiệm hình sự đối với anh Đinh Văn Đoán và các anh khác trong cùng vụ án về tội đánh bạc.

Quyết định giám đốc thẩm nói trên của TANDCC bị Chánh án TANDTC kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Ngày 14/3/2018 Hội đồng Thẩm phán TANDTC ra quyết định giám đốc thẩm số 01/2018/HS-GĐT với nhận định về hành vi phạm tội của Đinh Văn Đoán như sau: “Ngày 24/5/2015, Đinh Văn Đoán đánh bạc với số tiền dưới 5.000.000 đồng. Tuy nhiên trước đó ngày 15/4/2014 Đinh Văn Đoán đã bị Tòa án nhân dân huyện V  tỉnh T xử phạt 01 năm tù về tội đánh bạc, nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 02 năm. Bị cáo phạm tội lần này đang trong thời gian thử thách. Theo quy định tại khoản 3 Điều 7, Điều 321 Bộ luật hình sự năm 2015 và Điều 3 Nghị quyết số 01/2016/NQ-HĐTP ngày 30/6/2016 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, thì Đinh Văn Đoán không thuộc trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự đối với hành vi đánh bạc trái phép ngày 24/5/2015″.
Căn cứ vào nhận định trên, Hội đồng Thẩm phán TANDTC quyết định: ” Hủy quyết định giám đốc thẩm số 34/2017/HS-GĐT ngày 26/4/2017 của Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao. Giữ nguyên bản án hình sự phúc thẩm số 07/2016,HSPT ngày 21/01/2016 của Tòa án nhân dân tỉnh T về phần trách nhiệm hình sự đối với Đinh Văn Đoán”.

Ví dụ 2: Vụ án hình sự đối với Thân Nguyễn Luân. Vụ án có nội dung tóm tắt như sau: Thân Nguyễn Luân quen biết H’Lan (người bị hại) từ ngày 09/7/2013, thông qua mạng Facebook, khi quen biết,  H’Lan tự giới thiệu mình tên là Tạ Thanh Lan, sinh năm 1991, nhà ở thành phố P, tỉnh G, là bác sĩ làm việc tại Bệnh viện Đa khoa thành phố P, tỉnh G. Từ đó hai bên thường xuyên liên lạc với nhau bằng điện thoại và hai bên có tình cảm với nhau và hẹn gặp nhau.

Ngày 02/8/2013 H’Lan gọi điện thoại cho Thân Nguyễn Luân, nói với Luân là mình đi công tác ở huyện K, tỉnh G nên hẹn Luân đến thị trấn, huyện K để gặp nhau. Sau đó Luân đến thị trấn P theo lời hẹn và thuê phòng nghỉ, đến 22 giờ cùng ngày H’Lan gọi điện thoại cho Luân đến đón H’Lan về nhà nghỉ mà Luân đã thuê để ngủ. Từ đêm ngày 02 đến ngày 03/8/2013, Luân đã giao cấu với H’Lan 03 lần. Ngày 04/8/2013 Luân hẹn gặp H’Lan tại nhà Luân ở thôn 5, xã H, huyện K, tỉnh Đ. Trong thời gian ở nhà Luân từ đêm ngày 04/8/2013 đến ngày 09/8/2013 Luân đã giao cấu với H’Lan 06 lần tại nhà Luân.

Ông Tạ Thanh Tuấn là bố của H’Lan phát hiện ra quan hệ của Luân với H’Lan; Ông Tuấn đã làm đơn gửi công an xã H, huyện K tỉnh Đ tố cáo hành vi phạm tội của Luân.

Tại cơ quan điều tra, Thân Nguyễn Luân và H’Lan khai nhận sự việc như nêu ở trên. Cơ quan điều tra thu thập được 03 giấy khai sinh của H’Lan, trong đó có 02 bản chính; 01 bản sao đều thể hiện H’Lan sinh ngày 21/12/2000 (viết bằng chữ số 21/12/2000 và bằng chữ viết là ngày hai mốt tháng mười hai năm hai nghìn). Trong 03 bản giấy khai sinh, có một bản chính và một bản sao có dấu vết tẩy xóa, sửa chữa thành ngày 21 tháng 02 năm 2000.

Cơ quan điều tra tiến hành giám định, kết quả như sau: Tại bản kết luận pháp y sinh dục số 800/PY-SD ngày 12/8/2013, Trung tâm pháp y, Sở y tế tỉnh Đ kết luận H’Lan rách mới màng trinh.

Tại kết luận giám định số 1051/C54B ngày 08/5/2014 Phân viện Khoa học hình sự tại thành phố Hồ Chí Minh kết luận: “Căn cứ vào mức độ phát triển thể chất cơ thể của HLan, sự phát triển của răng và sự cốt hóa các xương của tay, chân và xương chậu. Mức độ hàn của các đầu xương vào thân xương các xương của tay, chân và xương chậu. Xác định tại thời điểm giám định (tháng 4/2014) cháu H’Lan có độ tuổi từ 14 năm 10 tháng đến 15 năm 10 tháng”

Tại bản án hình sự sơ thẩm số 47/2014/HSST ngày 07/7/2014 Tòa án nhân dân tỉnh Đ xử phạt Thân Nguyễn Luân 15 năm tù về tội hiếp dâm trẻ em. Thân Nguyễn Luân kháng cáo xin giảm hình phạt.

Ông Tạ Thanh Tuấn người đại diện hợp pháp của người bị hại kháng cáo xin giảm hình phạt cho bị cáo. Tại bản án hình sự phúc thẩm số 45/2014/HSPT ngày 05/12/2014 Tòa phúc thẩm TANDTC đã chấp nhận kháng cáo. Xử phạt Thân Nguyễn Luân 12 năm tù về tội hiếp dâm trẻ em.

Ngày 26/9/2016 Chánh án TANDTC ra kháng nghị bản án hình sự phúc thẩm nói trên. Ngày 27/2/2017 Hội đồng thẩm phán TANDTC ra quyết định giám đốc thẩm số 03/2017/HS-GĐT trong quyết định giám đốc thẩm có nhận định như sau: “… Trong ba giấy khai sinh này đều thể hiện cháu H’Lan sinh ngày 21/12/2000 nhưng có 01 giấy khai sinh (bản chính) và giấy khai sinh (bản sao) có dấu vết tẩy, xóa, sửa chữa (nội dung nguyên thủy của hai giấy khai sinh là 21/12/2000 ghi bằng chữ: ngày hai mươi mốt tháng mười hai năm hai nghìn được sửa thành ngày 21/02/2000). Theo lời khai của ông Tạ Thanh T, bà H’Rưng (bố và mẹ của cháu H’Lan) và ông Thân Lợi (bố của bị cáo Luân) để xin giảm nhẹ tội cho bị cáo nên bà H’Rưng mẹ của người bị hại đã sửa, còn 01 giấy khai sinh không bị tẩy xóa, điền thêm. Do đó, nếu căn cứ vào các giấy khai sinh của cháu HLan và kết luận giám định về các giấy khai sinh thì cháu H’Lan sinh ngày 21/12/2000. Tuy nhiên, các giấy khai sinh này đều được đăng ký khai sinh năm 2003, sau khi cháu HLan sinh ra đã được 03 năm nên không bảo đảm tính chính xác. Đồng thời kết ‘ xác minh tại Ủy ban nhân dân thị trấn P cho thấy: Tại sổ bộ (quyển số 1,2,3 số 334) do Ủy ban nhân dân thị trấn lưu giữ không có ai tên HLan con ông Tạ Thanh T, con bà HRưng. Xác minh tại Bệnh viện Đa khoa K, tỉnh G thì năm 2000 không ghi nhận trường hợp nào phụ sản có tên H’Rưng sinh ngày 24/12/1999 (mẹ của cháu H’Lan) sinh con. Vì vậy các giấy khai sinh nêu trên không đảm bảo căn cứ pháp lý để xác định ngày, tháng, năm sinh của cháu H’Lan.

Trong khi đó kết luận giám định số 105/C54B ngày 08/5/2014 của Phân Viện Khoa học hình sự tại thành phố Hồ Chí Minh kết luận và xác định tại thời điểm giám định (tháng 4/2014) cháu Tạ HLan có độ tuổi từ 14 năm 10 tháng đến 15 năm 10 tháng (tức là tại thời điểm bị xâm hại, cháu H’Lan có độ tuổi từ 14 năm 02 tháng đến 15 năm 02 tháng). Kết luận giám định này là căn cứ khoa học và thể hiện tính chính xác, khách quan. Mặt khác theo lời khai của bị cáo và người bị hại thì cả hai người đều thừa nhận khi gặp nhau, cháu H’Lan giới thiệu mình đã 23 tuổi, công tác tại Bệnh viện đa khoa thành phố P, tỉnh G (theo kết luận giám định số 1051/C54B ngày 08/5/2014 của Phân Viện Khoa học kỹ thuật hình sự tại thành phố Hồ Chí Minh thì thể chất cơ thể của cháu HLan cao 1,52, nặng 60kg và các số đo khác) thì cháu phát triển sớm nên bị cáo nhận thức là cháu H’Lan nói thật và là người đã trưởng thành. Vì vậy theo nguyên tắc có lợi cho bị cáo, phải căn cứ vào kết luận giám định về độ tuổi của cháu H’Lan để xác định tại thời điểm bị xâm hại cháu H’Lan có độ tuổi từ 14 năm 02 tháng đến 15 năm 02 tháng, trên cơ sở đó xác định hành vi của Thân Nguyễn Luân cấu thành tội “Giao cấu với trẻ em”

Căn cứ vào nhận định trên đây. Hội đồng Thẩm phán TANDTC quyết định: “Hủy bản án hình sự phúc thẩm số 415/2014/HSPT ngày 05/12/2014 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao, chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân cấp cao để xét xử lại theo đúng quy định của pháp luật”

2. Cần có hướng dẫn

Để đảm bảo kết quả đánh giá chứng cứ thống nhất, chúng tôi đề nghị TANDTC có văn bản hướng dẫn về đánh giá chứng cứ; Hàng năm tổ chức học tập với Thẩm phán nói chung và đối với Thẩm phán mới được bổ nhiệm nói riêng về đánh giá chứng cứ. Có giải pháp hữu hiệu về đánh giá chứng cứ thông qua kết quả giải quyết vụ án để khắc phục việc đánh giá chứng cứ quá khác nhau tại các cấp Tòa án./

ĐỖ VĂN CHỈNH

Nguồn: Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử (http://tapchitoaan.vn).

5/5 - (1 bình chọn)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền