Thủ tục giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài

Chuyên mụcLuật tố tụng dân sự Vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài

Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015 đã có nhiều quy định về thủ tục giải quyết các yêu cầu, tranh chấp có yếu tố nước ngoài.

 

Những nội dung liên quan:

 

Thủ tục giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài

Mục lục:

  1. Những điểm mới về thủ tục giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài theo Bộ luật tố tụng dân sự 2015
  2. Thủ tục công nhận và cho thi hành tại Việt Nam hoặc không công nhận bản án, quyết định của Toà án nước ngoài; công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài

Vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài

1. Những điểm mới về thủ tục giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài theo Bộ luật tố tụng dân sự 2015

1.1. Các quy định về giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài, phán quyết của Trọng tài nước ngoài cũng đã có những sửa đổi, bổ sung quan trọng nhằm khắc phục những bất cập hiện nay về trình tự, thủ tục giải quyết đơn yêu cầu; về chủ thể có quyền nộp đơn yêu cầu; về thời hạn yêu cầu… Theo đó, bên cạnh việc có quyền nộp đơn yêu cầu yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài, người có quyền, lợi ích liên quan còn có quyền nộp đơn yêu cầu không công nhận bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài tại Việt Nam và yêu cầu không công nhận bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam.

Đồng thời, thời hiệu nộp đơn yêu cầu cũng có những sửa đổi cơ bản theo hướng thời hiệu yêu cầu được quy định dài hơn là 03 năm đối với yêu cầu không công nhận, yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài, yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài; Thời hiệu yêu cầu không công nhận bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam là 06 tháng, kể từ ngày nhận được bản án, quyết định dân sự đã có hiệu lực pháp luật.

1.2. Sửa đổi, bổ sung các quy định về quyền, nghĩa vụ tố tụng, năng lực pháp luật tố tụng dân sự và năng lực hành vi tố tụng dân sự của người nước ngoài, cơ quan, tổ chức nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam của cơ quan, tổ chức nước ngoài và tổ chức quốc tế, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam, Nhà nước nước ngoài.

1.3. Để kịp thời khắc phục tình trạng có sai sót trong các bản án, quyết định của Toà án khi xem xét, giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành hay không công nhận bản án, quyết định của Toà án nước ngoài và phán quyết của Trọng tài nước ngoài, Bộ luật tố tụng dân sự 2015 bổ sung quy định về việc cho phép xem lại các quyết định đó của Toà án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.

1.4. Sửa đổi quy định về thẩm quyền chung của Toà án Việt Nam trong giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài, thẩm quyền riêng biệt của Toà án Việt Nam đối với các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài theo hướng quy định đầy đủ, cụ thể hơn, đảm bảo đáp ứng được yêu cầu hội nhập của đất nước, phù hợp với cam kết của Việt Nam và thông lệ quốc tế.

1.5. Thay đổi căn bản thủ tục thông báo, tống đạt văn bản tố tụng của Toà án cho đương sự ở nước ngoài nhằm đa dạng hóa các phương thức tống đạt, thông báo văn bản tố tụng của Toà án cho đương sự ở nước ngoài nhằm đảm bảo hiệu quả và rút ngắn thời gian của việc tống đạt văn bản tố tụng cho đương sự ở nước ngoài. Theo đó bên cạnh phương thức tống đạt, thông báo truyền thống được quy định tại điều ước quốc tế và thông qua con đường ngoại giao trước đây, Bộ luật tố tụng dân sự 2015 bổ sung thêm các phương thức tống đạt mới như: Tống đạt theo đường dịch vụ bưu chính, tống đạt qua văn phòng đại diện, chi nhánh của họ tại Việt Nam, trường hợp thực hiện các phương thức tống đạt không có kết quả thì Toà án tiến hành niêm yết công khai và thông báo trên Cổng thông tin điện tử của Toà án (nếu có), Cổng thông tin điện tử của cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài.

1.6. Bổ sung quy định mới về việc người khởi kiện, người yêu cầu có quyền yêu cầu Toà án đề nghị cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài xác định địa chỉ của đương sự trong trường hợp không xác định được địa chỉ của đương sự ở nước ngoài thì có thể yêu cầu Toà án Việt Nam hoặc cơ quan có thẩm quyền tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú, tuyên bố đương sự mất tích hoặc đã chết theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc pháp luật nước ngoài hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Bổ sung quy định về thu thập chứng cứ ở nước ngoài.

1.7. Quy định mới, đặc thù về thủ tục thông báo về việc thụ lý, ngày mở phiên họp, phiên tòa, thời hạn mở phiên tòa, phiên họp hòa giải  đối với vụ việc có yếu tố nước ngoài; về thời hạn kháng cáo bản án, quyết định của Toà án xét xử vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài; về xử lý kết quả tống đạt văn bản tố tụng của Toà án cho đương sự ở nước ngoài và kết quả yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thu thập chứng cứ; về tống đạt, thông báo văn bản tố tụng và xử lý kết quả tống đạt, thông báo văn bản tố tụng của Toà án cấp phúc thẩm cho đương sự ở nước ngoài; về xác định và cung cấp pháp luật nước ngoài để Toà án áp dụng trong việc giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài.

2. Thủ tục công nhận và cho thi hành tại Việt Nam hoặc không công nhận bản án, quyết định của Toà án nước ngoài; công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài

2.1. Quy định cụ thể những bản án, quyết định của Toà án nước ngoài được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam (Điều 423, Điều 431)

Thay vì định nghĩa bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài trong BLTTDS 2004, BLTTDS 2015 quy định cụ thể bản án, quyết định của Toà án được xem xét công nhận và cho thi hành ở Việt Nam, bao gồm: Bản án, quyết định về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, quyết định về tài sản trong bản án, quyết định hình sự, hành chính của Toà án nước ngoài được quy định tại điều ước quốc tế mà nước đó và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; bản án, quyết định về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; quyết định về tài sản trong bản án, quyết định hình sự, hành chính của Toà án nước ngoài mà nước đó và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chưa cùng là thành viên của điều ước quốc tế có quy định về công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của Toà án nước ngoài trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại; bản án, quyết định dân sự khác của Toà án nước ngoài được pháp luật Việt Nam quy định công nhận và cho thi hành.

Bên cạnh đó, Bộ luật tố tụng dân sự 2015 cũng bổ sung thêm Quyết định về nhân thân, hôn nhân và gia đình của cơ quan khác có thẩm quyền của nước ngoài (không phải là Toà án) cũng được xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam như bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài. Quy định bổ sung này là phù hợp với thực tiễn vì hiện nay ở một số quốc gia trên thế giới, một số quan hệ nhân thân, hôn nhân và gia đình không do Toà án giải quyết.

Đồng thời, nhằm bảo đảm sự tương thích, thống nhất của hệ thống pháp luật và phù hợp với các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, Bộ luật tố tụng dân sự 2015 cũng quy định bổ sung một cách cụ thể những bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài, quyết định của cơ quan khác có thẩm quyền của nước ngoài đương nhiên được công nhận tại Việt Nam (Điều 431), bao gồm: Bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài, quyết định của cơ quan khác có thẩm quyền của nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam và không có đơn yêu cầu không công nhận tại Việt Nam được quy định tại điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; Bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình của Toà án nước ngoài, quyết định về hôn nhân và gia đình của cơ quan khác có thẩm quyền của nước ngoài mà nước đó và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chưa cùng là thành viên của điều ước quốc tế không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam và không có đơn yêu cầu không công nhận tại Việt Nam.

2.2. Quy định cụ thể Phán quyết của Trọng tài nước ngoài được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam (Điều 424)

Bộ luật tố tụng dân sự 2015 cũng không định nghĩa phán quyết của Trọng tài nước ngoài mà quy định cụ thể phán quyết của Trọng tài nước ngoài được xem xét công nhận và cho thi hành ở Việt Nam gồm: (a) Phán quyết của Trọng tài nước ngoài mà nước đó và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cùng là thành viên của điều ước quốc tế về công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài; (b) Phán quyết của Trọng tài nước ngoài không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này (nước đó và Việt Nam chưa cùng là thành viên của điều ước quốc tế về công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài) trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại;

Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định điều kiện phán quyết của Trọng tài nước ngoài được xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phải là phán quyết cuối cùng của Hội đồng trọng tài giải quyết toàn bộ nội dung vụ tranh chấp, chấm dứt tố tụng trọng tài và có hiệu lực thi hành; quy định Trọng tài nước ngoài, phán quyết của Trọng tài nước ngoài được xác định theo quy định của Luật Trọng tài thương mại của Việt Nam.

2.3. Quy định cụ thể quyền yêu cầu công nhận và cho thi hành hoặc không công nhận bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài; công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài (Điều 425)

Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định quyền yêu cầu công nhận và cho thi hành hoặc không công nhận bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài; công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài, theo đó: Người được thi hành hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền yêu cầu Toà án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài, phán quyết của Trọng tài nước ngoài, nếu cá nhân phải thi hành cư trú, làm việc tại Việt Nam hoặc cơ quan, tổ chức phải thi hành có trụ sở chính tại Việt Nam hoặc tài sản liên quan đến việc thi hành bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài, phán quyết của Trọng tài nước ngoài có tại Việt Nam vào thời điểm yêu cầu.

So với BLTTDS 2004, Bộ luật tố tụng dân sự 2015 bổ sung thêm chủ thể có quyền yêu cầu Toà án Việt Nam không công nhận bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài đó là: Người phải thi hành hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền yêu cầu Toà án Việt Nam không công nhận bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài.

Đương sự, người có quyền, lợi ích hợp pháp liên quan hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền yêu cầu Toà án Việt Nam không công nhận bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam.

2.4. Quy định về bảo đảm quyền kháng cáo, kháng nghị (Điều 426) và bảo đảm hiệu lực quyết định của Toà án Việt Nam công nhận và cho thi hành hoặc không công nhận bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài; công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài (Điều 427)

Đương sự có quyền kháng cáo, Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) cấp tỉnh, VKSND cấp cao có quyền kháng nghị quyết định của Toà án công nhận và cho thi hành hoặc không công nhận bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài, quyết định công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài để yêu cầu Toà án nhân dân (TAND) cấp cao xét lại theo thủ tục phúc thẩm.

Bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài được Toà án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam có hiệu lực pháp luật như bản án, quyết định dân sự của Toà án Việt Nam đã có hiệu lực pháp luật và được thi hành theo thủ tục thi hành án dân sự. Bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài không được Toà án Việt Nam công nhận thì không có hiệu lực pháp luật tại Việt Nam, trừ trường hợp đương nhiên được công nhận quy định tại Điều 431(Bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài, quyết định của cơ quan khác có thẩm quyền của nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam và không có đơn yêu cầu không công nhận tại Việt Nam được quy định tại điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; Bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình của Toà án nước ngoài, quyết định về hôn nhân và gia đình của cơ quan khác có thẩm quyền của nước ngoài mà nước đó và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chưa cùng là thành viên của điều ước quốc tế không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam và không có đơn yêu cầu không công nhận tại Việt Nam.)

Phán quyết của Trọng tài nước ngoài được Toà án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam có hiệu lực pháp luật như quyết định của Toà án Việt Nam đã có hiệu lực pháp luật và được thi hành theo thủ tục thi hành án dân sự.

Bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài, phán quyết của Trọng tài nước ngoài chỉ được thi hành tại Việt Nam sau khi quyết định của Toà án Việt Nam công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của Toà án nước ngoài, phán quyết của Trọng tài nước ngoài đó có hiệu lực pháp luật.

2.5. Quy định về việc gửi quyết định của Toà án về công nhận và cho thi hành hoặc không công nhận bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài; công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài (Điều 428)

Theo quy định này, Toà án có trách nhiệm chuyển giao trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính hoặc thông qua Bộ Tư pháp quyết định của Toà án cho người được thi hành, người phải thi hành bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài, phán quyết của Trọng tài nước ngoài hoặc người đại diện hợp pháp của họ, VKS cùng cấp và cơ quan thi hành án dân sự theo quy định của Bộ luật này.

2.6. Quy định về việc bảo đảm quyền chuyển tiền, tài sản thi hành bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài, phán quyết của Trọng tài nước ngoài (Điều 429)

Nhà nước Việt Nam bảo đảm việc chuyển tiền, tài sản thi hành bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài, phán quyết của Trọng tài nước ngoài đã được Toà án Việt Nam công nhận và cho thi hành từ Việt Nam ra nước ngoài. Việc chuyển tiền, tài sản này được thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam.

2.7. Quy định về Lệ phí, chi phí xét đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành hoặc không công nhận bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài; công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài (Điều 430)

Nhằm bảo đảm sự tương thích giữa BLTTDSLuật tương trợ tư pháp thì ngoài việc quy định người yêu cầu Toà án Việt Nam công nhận và cho thi hành hoặc không công nhận tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài; công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài phải nộp lệ phí theo quy định của pháp luật Việt Nam, Bộ luật tố tụng dân sự 2015 còn bổ sung thêm quy định mới về chi phí tống đạt ra nước ngoài. Theo đó, người yêu cầu Toà án Việt Nam công nhận và cho thi hành hoặc không công nhận tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài; công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài phải chịu chi phí tống đạt ra nước ngoài văn bản tố tụng của Toà án Việt Nam liên quan đến yêu cầu của họ.

Nguồn: Tạp chí Toà án (tapchitoaan.vn)


Các tìm kiếm liên quan đến thủ tục giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài, thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài, thẩm quyền giải quyết tranh chấp dân sự có yếu tố nước ngoài, thẩm quyền chung của Toà án việt nam trong giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài, vụ việc tranh chấp dân sự có yếu tố nước ngoài, giải quyết tranh chấp hợp đồng có yếu tố nước ngoài, luật tố tụng dân sự có yếu tố nước ngoài, thẩm quyền riêng biệt của Toà án việt nam, điều 469 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015

5/5 - (14810 bình chọn)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền