Cấu thành tội phạm vật chất là gì?
Cấu thành tội phạm vật chất là cấu thành tội phạm mà các dấu hiệu bắt buộc thuộc mặt khách quan của tội phạm bao gồm: hành vi phạm tội, hậu quả do hành vi phạm tội gây ra; và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả do hành vi phạm tội gây ra, trong đó:
– Hành vi phạm tội là hành vi nguy hiểm cho xã hội xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hoá, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tự do, tài sản, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa; được quy định ở các điều luật cụ thể thuộc phần các tội phạm của Bộ luật hình sự.
– Hậu quả do hành vi phạm tội gây ra là thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản hoặc hậu quả phi vật chất.
– Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả do hành vi phạm tội gây ra là dấu hiệu bắt buộc thuộc mặt khách quan của tội phạm có cấu thành vật chất.
Vi dụ cấu thành tội phạm vật chất
Ví dụ: Tội bức tử quy định tại Điều 130 Bộ luật hình sự (BLHS) năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Tội bức tử là tội phạm có cấu thành tội phạm vật chất bởi vì người phạm tội thực hiện các hành vi được nêu ra ở mặt khách quan phải dẫn đến HẬU QUẢ là lại nhân (tức người bị đối xử tàn ác thường xuyên bị ức hiếp, bị ngược đãi hoặc bị làm nhục) tự làm chấm dứt cuộc sống của chính mình.
Tội bức tử hoàn thành khi nạn nhân thực hiện hành vi tự sát (hậu quả). Việc làm nạn nhân chết hay được cứu sống không có ý nghĩa trong việc định tội mà chỉ có ý nghĩa trong lượng hình.