Bài tập tình huống luật hình sự phần tội phạm (có đáp án)

Chuyên mụcLuật hình sự Phạm tội chưa đạt

Tổng hợp các bài tập tình huống luật hình sự phần tội phạm (có gợi ý đáp án) thường gặp trong các đề thi kết thúc học phần môn Luật Hình sự để các bạn tham khảo, ôn tập.

 

Các nội dung liên quan:

 

Bài tập tình huống luật hình sự phần tội phạm

Bài tập 1: Tình huống về hành vi hiếp dâm

Hiếp dâm

M (nữ) cùng hai tên H và Q rủ L là một cô gái 17 tuổi cùng đi dự sinh nhật M tại một nhà nghỉ có phòng hát karaoke. Cả bốn cùng uống rượu, nhảy múa, H và Q còn pha thuốc kích dục vào đồ uống của mình. Một lát sau M rủ H là bạn trai của mình lên phòng nghỉ và đề nghị L cũng vào phòng nghỉ thành một cặp với Q. Tuy nhiên L từ chối và đòi về. M, H và Q dùng vũ lực kéo L lên phòng nghỉ. Thấy L vẫn tiếp tục nằng nặc từ chối M đã rút con dao đặt lên bàn và bảo “Mày thích gì? Có chiều Q không thì bảo?” L sợ quá đành đồng ý ở lại cùng Q. Sau đó Q đã thực hiện hành vi giao cấu trái ý muốn của L.

Hỏi:

1. Tội hiếp dâm có cấu thành tội phạm vật chất hay cấu thành tội phạm hình thức? Trong trường hợp trên tội hiếp dâm đã hoàn thành chưa? Tại sao? (2 điểm)

2. Trong trường hợp này M có phải chịu TNHS về tội hiếp dâm không? Tại sao? (2 điểm)

3. Có ý kiến cho rằng trong trường hợp phạm tội này H chỉ có lỗi cố ý gián tiếp, còn Q có lỗi cố ý trực tiếp. Hãy bình luận ý kiến trên. (1 điểm)

4. Nếu sau khi M và H bỏ đi, L khóc lóc van xin Q tha cho mình và Q đã mủi lòng nên không thực hiện hành vi giao cấu với L thì Q có phải chịu TNHS về tội hiếp dâm không? Tại sao? (2 điểm)

Đáp án:

1. Tội hiếp dâm có cấu thành tội phạm vật chất hay cấu thành tội phạm hình thức? Trong trường hợp trên tội hiếp dâm đã hoàn thành chưa? Tại sao?

Ta khẳng định tội hiếp dâm là tội có cấu thành tội phạm (CTTP) hình thức; như đã biết, dựa vào đặc điểm cấu trúc của các dấu hiệu thuộc mặt khách quan có thể chia CTTP thành CTTP vật chất và CTTP hình thức:

– CTTP vật chất là CTTP có dấu hiệu của mặt khách quan là hành vi, hậu quả, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả;

– CTTP hình thức là CTTP có một dấu hiệu của mặt khách quan là hành vi nguy hiểm cho xã hội.

Điểm khác nhau giữa CTTP vật chất và CTTP hình thức ở chỗ nhà làm luật quy định dấu hiệu hậu quả là dấu hiệu bắt buộc hay không phải là dấu hiệu bắt buộc trong CTTP. Việc xác định loại tội nào có CTTP vật chất hay có CTTP hình thức phải dựa vào quy định của luật. Nếu trong CTTP cơ bản của điều luật chỉ mô tả hành vi mà không mô tả hậu quả thì đó là tội phạm có CTTP hình thức, nếu trong CTTP cơ bản, nhà làm luật mô tả cả hành vi và hậu quả thì đó là tội phạm có CTTP vật chất.

Như ta thấy ở Điều 111 BLHS quy định về tội hiếp dâm: “1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu với nạn nhân trái ý muốn của họ, thì bị phạt tù từ hai năm đến bẩy năm…

Hành vi nguy hiểm cho xã hội ở đây là dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu với nạn nhân trái với ý muốn của họ; nhưng Điều luật lại không chỉ rõ hậu quả của hành vi gây ra cũng như không nêu rõ mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả. Tại Điều 11, các nhà làm luật trên lý thuyết không thể xác định được mức độ hậu quả của hành vi trái pháp luật này để lại, cũng như khó có thể xác định được mối quan hệ nhân quả giữa hành vi với hậu quả; chính vì vậy tội hiếp dâm được quy định tại Điều 111 là tội có CTTP hình thức.

Đối với tội hiếp dâm, chỉ cần có hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác để giao cấu với nạn nhân, cho dù đã giao cấu được hay chưa thì vẫn bị coi là đã phạm tội hiếp dâm và ở giai đoạn phạm tội hoàn thành nhưng chưa đạt. Vì vậy đối tượng phạm tội thường là nam giới. Nói như vậy không có nghĩa là nữ giới không bị xét xử về tội này nhưng thường nữ giới chỉ bị xét xử với tư cách là đồng phạm.

Do đó tội hiếp dâm là tội có cấu thành tội phạm hình thức vì chỉ cần thực hiện một trong những hành vi khách quan được quy định trong điều 111 BLHS năm 1999 là tội phạm đã hoàn thành cho dù đã giao cấu được hay chưa. Nếu chưa giao cấu được do những yếu tố bên ngoài tác động vào thì tội phạm cũng đã hoàn thành nhưng ở giai đoạn phạm tội chưa đạt. Vì lỗi của người phạm tội luôn luôn là lỗi cố ý vì người phạm tội biết hành vi giao cấu của mình là trái ý muốn của người phụ nữ nhưng vẫn mong muốn thực hiện hành vi đó bằng một trong những thủ đoạn nói trên. Do đó hành vi này là hành vi nguy hiểm cho xã hội cần phải ngăn ngừa.

Trong trường hợp trên thì tội hiếp dâm đã hoàn thành rồi. Vì M, H và Q đã dùng vũ lực kéo L lên phòng ngủ nhưng L vẫn tiếp tục từ chối sau đó M rút dao đe dọa L sợ quá nên L đồng ý ở lại cùng Q và sau đó Q đã thực hiện được hành vi giao cấu trái ý muốn với L. Người phạm tội trong trường hợp này đã dùng vũ lực và sau đó là đe dọa dùng vũ lực buộc L phải đồng ý giao cấu trái muốn và Q đã thực hiện hành vi giao cấu với L. Như vậy, trong trường hợp này tội phạm đã hoàn thành.

2. Trong trường hợp này M có phải chịu TNHS về tội hiếp dâm không? Tại sao?

Trong trường hợp phạm tội này M phải chịu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm.

Trường hợp phạm tội này đã thỏa mãn đầy đủ các dấu hiệu về mặt chủ thể, mặt khách quan và mặt chủ quan của tội phạm. Nhưng vềmặt chủ thể của tội phạm hiếp dâm ngoài những yêu cầu nói chung về năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi thì còn có dấu hiệu đặc biệt đó phải là nam giới, nếu là nữ giới thì nữ giới đóng vai trò là đồng phạm. Trong vụ án này M là nữ giữ vai trò là người đồng phạm của tội phạm hiếp dâm nên M phải trịu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm.

Đồng phạm được quy định tại Điều 20 BLHS như sau:

Điều 20:

1. Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.

2. Người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức đều là những người đồng phạm.

Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.

Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.

Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.

Người giúp sức là người tạo những điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm..

Trường hợp phạm tội của M, H và Q đã thỏa mãn các dấu hiệu pháp lý của đồng phạm bao gồm mặt khách quan và mặt chủ quan:

Dấu hiệu về mặt khách quan: đó là phải có từ hai người trở lên tham gia vào việc thực hiện một tội phạm. Trong trường phạm tội trên thì M, H và Q cùng nhau thực hiện một tội phạm đó là tội hiếp dâm. M, H và Q đã dùng vũ lực kéo L lên phòng nghỉ (thể hiện sự liên kết với nhau) để ép buộc L thực hiện hành vi giao cấu với Q. Hành vi này của M, H và Q đã cấu thành tội phạm cụ thể đó là tội hiếp dâm theo quy định tại khoản 1 Điều 111 BLHS. Tội phạm hiếp dâm là tội phạm cấu thành hình thức nên khi M, H và Q dùng hành vi vũ lực với L nhằm mục đích để Q giao cấu với L thì tội phạm hiếp dâm đã được cấu thành.

Dấu hiệu về mặt chủ quan: M, H và Q đã cố ý thực hiện hành vi tội phạm. Vềmặt lý tríM, H và Q có đủ khả năng nhận thức để thấy được hành vi dùng vũ lực nhằm thực hiện hành vi hiếp dâm của mình là nguy hiểm và trái với quy định của pháp luật và về mặt ý chí M, H mong muốn Q thực hiện hành vi giao cấu với L và Q cũng muốn thực hiện hành vi này. Như vậy, là họ mong muốn hậu quả xảy ra.

Căn cứ vào dấu hiệu khách quan và chủ quan đã phân tích ta có thể khẳng định M là đồng phạm của tội hiếp dâm. Nhưng trong trường hợp này M là nữ không có những đặc điểm cấu tạo sinh học như nam giới nên không thể thực hiện hành vi giao cấu nên ta phải xác định M giữ vai trò đồng phạm là người tổ chức, người xúi giục hay người giúp sức. Trong trường hợp này M giữ vai trò đồng phạm là người giúp sức. Theo quy định tại khoản 2 Điều 20 thì: “Người giúp sức là người tạo những điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm”. Người giúp sức là người tạo những điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện tội phạm, có thể là giúp sức về vật chất hoặc tinh thần. M cùng H và Q dùng vũ lực kéo L lên phòng để tạo điều kiện cho Q giao cấu với L, sau đó Mdùng dao và lời nói mang tính chất đe dọa, nhằm cưỡng bức về tinh thần làm L sợ và không giám chống cự. Việc M cưỡng bức về tinh thần đối với L cũng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho Q thực hiện hành vi giao cấu trái ý muốn với L. Như vậy, chúng ta có thể kết luận cả hai hành vi dùng vũ lực và dùng dao cùng lời nói đe dọa nhằm tạo điều kiện để Q thực hiện hành vi giao cấu trái ý muốn với L thì M chính là người giúp sức.

3. Có ý kiến cho rằng trong trường hợp phạm tội này H chỉ có lỗi cố ý gián tiếp, còn Q có lỗi cố ý trực tiếp. Hãy bình luận ý kiến trên.

Trong trường hợp trên ta có thể thấy H và Q đều phạm tội lỗi cố ý trực tiếp trong việc L bị giao cấu trái ý muốn.

Theo Điều 9 BLHS quy định :

1.Cố ý trực tiếp là lỗi của người phạm tội khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra.

2. Lỗi cố ý gián tiếp là lỗi của người khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó, tuy không mong muốn nhưng ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.

Thứ nhất: Theo khoản 1 Điều 9 BLHS về lỗi cố ý trực tiếp:

Xét về mặt lí trí: Người phạm tội nhận thức rõ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình và thấy trước hậu quả của hành vi đó

Tội hiếp dâm là loại tội có CTTP vật chất nên hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc nên vấn đề có thấy trước hay không thấy trước hậu quả không được đặt ra đối khi xem xét lí trí của người phạm tội với lỗi cố ý trực tiếp. Trong trường hợp trên ta có thể thấy cả H và Q đều nhận thức được hậu quả nguy hiểm cho xã hội khi cảM, H và Q dùng vũ lực kéo L lên phòng nghỉ, L là cô gái chưa thành niên(17 tuổi), L không tự nguyện lên phòng nghỉ thành một cặp với Q (L đã từ chối và đòi về), địa điểm là phòng hát karaoke và việc dùng vũ lực kéo cô lên phòng đã thể hiện rõ tính chất nguy hiểm của hành vi của mình. Sự nhận thức rõ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi là cơ sở cho việc thấy trước hậu quả của hành vi.

Như vậy, xét về mặt lí trí thì trong tình huống trên cả H và Q đều thỏa mãn dấu hiệu của lỗi cố ý trực tiếp.

Thứ hai: Xét về mặt ý chí: Người phạm tội mong muốn hậu quả xảy ra.

Đối với Q, việc nhận thức được tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình thì chứng tỏ chủ thể mong muốn thực hiện hành vi đó. Dùng vũ lực là dùng sức mạnh về thể chất như vật ngã, nắm giữ chân tay, kéo, xé quần áo của nạn nhân. Hành vi dùng vũ lực trong tội hiếp dâm cũng tương tự với hành vi dùng vũ lực ở một số tội phạm khác, nhưng ở tội hiếp dâm thì hàng vi dùng vũ lực là nhằm giao cấu với nạn nhân. Tội phạm được coi là hoàn thành từ thời điểm có hành động giao cấu, không cần căn cứ là đã giao cấu xong hay chưa. Xét tình huống trên thì thấy hành vi của Q là hành vi dùng vũ lực kéo L lên phòng nghỉ để giao cấu trái với ý muốn của nạn nhân.

Đối với H, H đã cùng với M và Q dùng vũ lực kéo L lên phòng nghỉ, tức là H đã thực hiện hành vi có mục đích chứ không phải không mong muốn và để mặc cho hậu quảxảy ra. Mặc dù mục đích dùng vũ lực kéo L lên phòng nghỉ của H không nhằm mục đích giao cấu nhưng H nhận thức được tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi do mình gây ra. Tội hiếp dâm là tội có CTTP hình thức nên hậu quả nguy hiểm cho xã hội không được đặt ra. Chỉ cần người thực hiện hành vi nhận thức được tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi đó mà vẫn thực hiện hành vi đó. Như vậy, không thể cho rằng H có lỗi gián tiếp trong tình huống trên được.

Tóm lại, cả Q và H đều thỏa mãn dấu hiệu về lí trí và ý chí của lỗi cố ý trực tiếp,cả H và Q đều có lỗi cố ý trực tiếp của tội hiếp dâm. Vậy, ý kiến cho rằng trường hợp phạm tội này H chỉ có lỗi cố ý gián tiếp, còn Q có lỗi cố ý trực tiếp là sai.

4. Nếu sau khi M và H bỏ đi, L khóc lóc van xin Q tha cho mình và Q đã mủi lòng nên không thực hiện hành vi giao cấu với L thì Q có phải chịu TNHS về tội hiếp dâm không? Tại sao?

Nếu sau khi M và H bỏ đi , L khóc lóc van xin Q tha cho mình và Q đã mủi lòng nên không thực hiện hành vi giao cấu của mình với L. Trong trường hợp này thì Q được miễn trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm. Vì hành vi của Q thuộc trường hợp tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội.

Theo Điều 19 BLHS : “Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là tự mình không thực hiện tội phạm đến cùng, tuy không có gì ngăn cản. Người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự về tội định phạm; nếu hành vi thực tế đã thực hiện có đủ yếu tố cấu thành của một tội khác thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này”.

Ta thấy rằng, quy định của tội hiếp dâm tại điều 111 BLHS có 2 loại hành vi khác nhau. Thứ nhất là loại hành vi “dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác” và loại hành vi thứ 2 là “giao cấu với nạn nhân trái ý muốn của họ”.

Khi mà M, H và Q dùng vũ lực kéo L lên phòng nghỉ và M đã rút con dao đặt lên bàn và bảo “Mày thích gì? Có chiều Q không thì bảo thì Q và M, H những người đồng phạm của Q đã dùng vũ lực và đã đe dọa dùng vũ lực làm tê liệt ý chí kháng cự của L (L sợ quá đành đồng ý ở lại cùng).Tuy nhiên, việc Q không thực hiện hành vi giao cấu với L tức là Q chưa thực hiện hết những hành vi được điều 111 BLHS mô tả cho nên thời điểm dừng lại việc phạm tội của Q là ở giai đoạn chưa đạt chưa hoàn thành.

Trước hết, khi Q dừng lại không thực hiện tiếp tội phạm hoàn toàn do động lực bên trong chứ không phải do trở ngại khách quan chi phối. Khi dừng lại, Q vẫn tin rằng, hiện tại không có gì ngăn cản và vẫn có thể thực hiện hành vi tiếp theo là giao cấu với L Nhưng Q đã không thực hiện việc đó nữa. Sau đó, Q chấm dứt một cách triệt để, từ bỏ hẳn ý định phạm tội chứ không phải tạm thời ngừng lại để tìm những thủ đoạn, phương tiện khác có hiệu quả hơn, thuận lợi hơn để tiếp tục thực hiện tội phạm mà nguyên nhân dẫn đến việc từ bỏ ý định phạm tội, không tiến hành tội phạm đến cùng của Q là do L khóc lóc van xin và Q đã mủi lòng thương hại nạn nhân. Hơn nữa L chưa bị tổn thương về mặt thể chất cũng như L chưa bị xâm phạm tới quyền bất khả xâm phạm về tình dục. Do đó Q được miễn chị trách nhiệm hình sựvề tội hiếp dâm xuất phát từ chính sách hình sự của nhà nước ta là nhân đạo đối với người có hành vi chuẩn bị hoặc bắt tay vào việc thực hiện tội phạm nhưng đã tự nguyện nửa chừng chấm dứt việc phạm tội thì được hưởng lượng khoan hồng.

Danh mục tài liệu tham khảo

1. Trường đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật hình sự Việt Nam, Tập I, Nxb.CAND, Hà Nội, 2009.

2. Nguyễn Ngọc Hòa, Tội phạm và cấu thành tội phạm, Nxb.CAND, Hà Nội, 2006, 2007, 2008.

3. Nguyễn Văn Hương, “Lỗi cố ý gián tiếp và tội phạm có cấu thành hình thức”, Tạp chí Luật học, số 4/2002.

4. Lê Thị Sơn, “Khái niệm người thực hiện tội phạm và khái niệm người đồng phạm”, Tạp chí Luật học, số 1/1995.

>>> Xem thêm: Các yếu tố cấu thành Tội hiếp dâm tại Bộ luật Hình sự 2015

Bài tập 2: Tình huống về hành vi chiếm đoạt tài sản

A, B, K uống rượu say, đi loạng choạng và ngã ở dọc đường, H và Q phát hiện chị B cùng với hai người bạn nằm bên đường. Thấy chị B đeo nhiều nữ trang bằng vàng, H và Q lấy đi toàn bộ tài sản trị giá 10 triệu đồng. Gần sáng cơn say hết, chị B tỉnh giấc mới biết mình bị mất tài sản và đi báo công an. A, B, K uống rượu say, đi loạng choạng và ngã ở dọc đường, H và Q phát hiện chị B cùng với hai người bạn nằm bên đường. Thấy chị B đeo nhiều nữ trang bằng vàng, H và Q lấy đi toàn bộ tài sản trị giá 10 triệu đồng. Gần sáng cơn say hết, chị B tỉnh giấc mới biết mình bị mất tài sản và đi báo công an.

Về vụ án này có các ý kiến sau đây về tội danh của H và Q:

1. H và Q phạm tội cướp tài sản;

2. H và Q phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản;

3. H và Q phạm tội trộm cắp tài sản.

Hỏi:

Hành vi của H, Q cấu thành tội gì? Tại sao?

Đáp án:

1. Ý kiến H và Q phạm tội cướp tài sản: ý kiến này là sai, vì các tình tiết của vụ án không đủ yếu tố cấu thành tội cướp tài sản

>>> Xem thêm:Các yếu tố cấu thành tội cướp tài sản tại BLHS 2015

Khoản 1 Điều 133 BLHS quy định về tội cướp tài sản như sau: “Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm”.

Tội cướp tài sản là “dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhắm chiếm đoạt tài sản.

* Khách thể tội cướp tài sản:

Hành vi cướp tài sản xâm hại đồng thời hai quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ. Đó là quan hệ nhân thân và quan hệ sở hữu. Bằng hành vi phạm tội của mình, người phạm tội cướp tài sản xâm phạm trước hết đến thân thể, đến tự do của con người để qua đó có thể xâm phạm được sở hữu.

Trong tình huống trên, H và Q thấy chị B và hai người bạn say rượu nằm mê mệt bên đường, lại thấy chị B đeo nhiều nữ trang bằng vàng nên H và Q lấy đi toàn bộ tài sản của chị B trị giá 10 triệu đồng. Như vậy, trong tình huống này, H và Q không xâm hại đến thân thể, đến tự do của chị B và hai người bạn hay nói cách khác là không xâm phạm đến quan hệ nhân thân. H và Q chỉ xâm hại đến quan hệ sở hữu của chị B. Như vậy, trong tình huống này, H và Q không xâm hại đến quan hệ nhân thân mà chỉ xâm hại đến quan hệ sở hữu của chị B.

* Hành vi khách quan của tội cướp tài sản:

Theo quy định của điều luật có 3 dạng hành vi khách quan được coi là hành vi khách quan của tội cướp tài sản. Đó là: Hành vi dùng vũ lực; hành vi đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc; hành vi làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được để nhằm chiếm đoạt tài sản.

Hành vi dùng vũ lực là hành vi mà người phạm tội đã thực hiện, tác động vào cơ thể của nạn nhân như: đấm, đá, bóp cổ, trói, bắn, đâm chém… Hay có thể nói một cách khái quát là hành vi dùng sức mạnh vật chất nhằm chiếm đoạt tài sản.

Hành vi đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc là hành vi dùng lời nói hoặc hành động nhằm đe dọa người bị hại nếu không đưa tài sản thì vũ lực sẽ được thực hiện ngay. Vũ lực đe dọa sẽ thực hiện có thể sẽ nhằm vào chính người bị đe dọa nhưng cũng có thể nhằm vào người khác có quan hệ thân thuộc với người bị đe dọa. Để xác định dấu hiệu đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc, ta thấy ngay tức khắc là ngay lập tức không chần chừ, khả năng xảy ra là tất yếu nếu người bị hại không giao tài sản cho người phạm tội. Khả năng này không phụ thuộc vào lời nói hoặc hành động của người phạm tội mà nó tiềm ẩn ngay trong hành vi của người phạm tội. Đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc cũng có nghĩa là nếu người bị hại không giao tài sản hoặc không để cho người phạm tội lấy tài sản thì vũ lực sẽ được thực hiện.

Hành vi khác làm cho người khác lâm vào tình trạng không thể chống cự được là hành vi không phải dùng vũ lực, cũng không phải là đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc nhưng lại làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được. Để xác định hành vi này, trước hết xuất phát từ phía người bị hại phải là người bị tấn công, nhưng không phải bị tấn công bởi hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc mà bị tấn công bởi hành vi khác. Như vậy, hành vi khác mà nhà làm luật quy định trong cấu thành trước hết nó phải là hành vi tấn công người bị hại, mức độ tấn công tới mức người bị hại không thể chống cự được. Ví dụ như bỏ thuốc ngủ vào cốc nước cho người bị hại uống làm cho người đó ngủ say, bị mê mệt không biết gì sau đó mới chiếm đoạt tài sản của người bị hại…

Trong tình huống trên, H và Q không có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hay có hành vi nào khác làm cho chị B và hai người bạn lâm vào tình trạng không thể chống cự được. Chị B và hai người bạn lâm vào tình trạng không thể chống cự được là do uống quá nhiều rượu nên say, việc chị B và hai người bạn lâm vào tình trạng không nhận thức, không chống cự được không có lỗi của H và Q. Vì vậy, trong tình huống này H và Q chỉ chiếm đoạt tài sản của chị B.

Như vậy, căn cứ vào những phân tích trên, căn cứ vào khách thể và mặt khách quan của tội phạm ta thấy, H và Q không có đủ những dấu hiệu để cấu thành tội cướp tài sản. Vì vậy ý kiến cho rằng H và Q phạm tội cướp tài sản là sai.

2. Ý kiến H và Q phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản: ý kiến này cũng sai vì các tình tiết không cấu thành tội công nhiên chiếm đoạt tài sản.

Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 137 BLHS. Qua thực tiễn xét xử có thể hiểu: Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản là lợi dụng chủ tài sản không có điều kiện ngăn cản công nhiên chiếm đoạt tài sản của họ.

Đặc điểm nổi bật của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản là người phạm tội ngang nhiên lấy tài sản trước mắt người quản lý tài sản mà họ không làm gì được (không có biện pháp nào ngăn cản được hành vi chiếm đoạt của người phạm tội hoặc nếu có thì biện pháp đó cũng không đem lại hiệu quả, tài sản vẫn bị người phạm tội lấy đi một cách công khai). Tính chất công khai, trắng trợn của hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản thể hiện ở chỗ người phạm tội không giấu giếm hành vi phạm tội của mình , trước, trong hoặc ngay sau khi bị mất tài sản, người bị thiệt hại biết ngay người lấy tài sản của mình (biết mà không thể giữ được).

Do đặc điểm riêng của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, nên người phạm tội chỉ có một hành vi khách quan duy nhất là “chiếm đoạt”, nhưng chiếm đoạt bằng hình thức công khai, với thủ đoạn lợi dụng sơ hở của người quản lý tài sản hoặc lợi dụng vào hoàn cảnh khách quan như: thiên tai, hỏa hoạn, chiến tranh… Mặc dù tội công nhiên chiếm đoạt tài sản là tội phạm chưa được các nhà nghiên cứu khoa học nghiên cứu nhiều, nhưng qua thực tiễn xét xử chúng ta có thể thấy một số trường hợp công nhiên chiếm đoạt tài sản như sau:

– Người phạm tội lợi dụng sơ hở, vướng mắc của người quản lý tài sản để công nhiên chiếm đoạt tài sản của họ;

– Người phạm tội lợi dụng hoàn cảnh khách quan như: thiên tai, hỏa hoạn, bị tai nạn, đang có chiến sự để chiếm đoạt tài sản. Những hoàn cảnh cụ thể này không do người có tài sản gây ra mà do hoàn cảnh khách quan làm cho họ lâm vào tình trạng không thể bảo vệ được tài sản của mình, nhìn thấy người phạm tội lấy tài sản mà không làm gì được.

Trong tình huống trên, H và Q đã lợi dụng lúc chị B và hai người bạn say rượu nằm mê mệt bên đường nên đã chiếm đoạt tài sản của chị B. Trong trường hợp nếu chị B và hai người bạn không hẳn bị mê mệt mà vẫn có thể  nhìn thấy hành vi chiếm đoạt tài sản của H và Q nhưng do quá say nên họ không thể ngăn cản hành vi của H và Q thì H và Q có thể bị cấu thành tội công nhiên chiếm đoạt tài sản. Nhưng trong tình huống có ghi rõ “… H và Q phát hiện chị B cùng với hai người bạn đang say nằm mê mệt bên lề đường. Thấy chị B đeo nhiều nữ trang bằng vàng, H và Q lấy đi toàn bộ tài sản trị giá 10 triệu đồng. Gần sáng cơn say hết, chị B tỉnh giấc mới biết mình bị mất tài sản và đi báo công an…”, như vậy trong khi H và Q đang thực hiện hành vi trộm cắp tài sản, chị B và hai người bạn không hề biết và nhìn thấy hành vi của H và Q, phải đến sáng hôm sau chị B tỉnh giấc mới biết mình bị mất tài sản và đi báo công an. Như vậy, hành vi của H và Q không thể là công nhiên mà có hành vi lén lút, hành vi của H và Q chỉ có thể bị coi là công nhiên khi chị B hoặc hai người bạn của chị B tỉnh giấc nhận thấy chị B bị chiếm đoạt tài sản nhưng do quá say nên không có khả năng chống cự và H và Q vẫn công khai, trắng trợn lấy số nữ trang trên người chị B. Tính chất công khai, trắng trợn tuy không phải là hành vi khách quan, nhưng nó lại là một đặc điểm cơ bản, đặc trưng đối với tội công nhiên chiếm đoạt tài sản. Công nhiên chiếm đoạt tài sản trước hết là công nhiên với chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản, sau đó là công nhiên đối với mọi người xung quanh. Tuy nhiên, đối với người xung quanh, người phạm tội có thể có những thủ đoạn gian dối, lén lút để tiếp cận tài sản, nhưng khi chiếm đoạt, người phạm tội vẫn công khai, trắng trợn.

Từ những phân tích trên, ta thấy H và Q không có đủ các dấu hiệu cấu thành tội công nhiên chiếm đoạt tài sản. Vì vậy, ý kiến H và Q phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản là sai.

>>> Xem thêm: Các yếu tố cấu thành tội công nhiên chiếm đoạt tài sản tại BLHS 2015

3. Ý kiến H và Q phạm tội trộm cắp tài sản: ý kiến này đúng, vì đủ yếu tố cấu thành tội trộm cắp tài sản.

Tội trộm cắp tài sản được quy định tại Điều 138 BLHS. Điều 138 không mô tả những dấu hiệu của tội trộm cắp tài sản mà chỉ nêu tội danh. Qua thực tiễn xét xử có thể hiểu: Tội trộm cắp tài sản là hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản của người khác.

Đặc điểm nổi bật của tội trộm cắp tài sản là người phạm tội lén lút (bí mật) lấy tài sản mà chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản không biết mình bị lấy tài sản, chỉ sau khi mất họ mới biết mình bị mất tài sản.

* Khách thể của tội trộm cắp tài sản:

Khách thể của tội trộm cắp tài sản không xâm phạm đến quan hệ nhân thân mà chỉ xâm phạm đến quan hệ sở hữu.

Trong tình huống trên, H và Q không hề xâm hại đến quan hệ nhân thân của chị B và hai người bạn mà chỉ có hành vi xâm phạm đến tài sản của chị B, cụ thể là lấy đi toàn bộ số nữ trang bằng vàng của chị B.

* Hành vi khách quan:

Do đặc điểm của tội trộm cắp tài sản, nên người phạm tội chỉ có một hành vi khách quan duy nhất là “chiếm đoạt”, nhưng chiếm đoạt bằng hình thức lén lút, với thủ đoạn lợi dụng sơ hở, mất cảnh giác của người quản lý tài sản, không trông giữ cẩn thận hoặc lợi dụng vào hoàn cành khách quan khác như chen lấn, xô đẩy, nhằm tiếp cận tài sản để thực hiện hành vi chiếm đoạt mà người quản lý tài sản không biết

Để xác định hành vi trộm cắp tài sản và phân biệt tội trộm cắp với một số tội phạm khác gần kề, chúng ta có thể có một số dạng trộm cắp tài sản có tính chất đặc thù như sau:

– Người phạm tội dùng những thủ đoạn gian dối tiếp cận tài sản để đến khi có điều kiện sẽ lén lút chiếm đoạt tài sản của chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản;

– Người phạm tội lợi dụng chỗ đông người, chen lấn xô đẩy để chiếm đoạt tài sản của người khác;

– Người phạm tội lợi dụng người quản lý tài sản không có mặt ở nơi để tài sản hoặc người tài sản không trực tiếp quản lý nên đã chiếm đoạt. Đặc trưng hành vi chiếm đoạt của tội trộm cắp tài sản là dấu hiệu lén lút. Lén lút là dấu hiệu có nội dung trái ngược với dấu hiệu công khai ở các tội xâm phạm sở hữu khác, dấu hiệu này vừa chỉ đặc điểm khách quan của hành vi chiếm đoạt vừa chỉ ý thức chủ quan của người thực hiện hành đó. Hành vi chiếm đoạt có đặc điểm khách quan là lén lút và ý thức chủ quan của người thực hiện cũng là lén lút. Hành vi chiếm đoạt được coi là lén lút nếu được thực hiện bằng hình thức mà hình thức đó đó có khả năng không cho phép chủ tài sản biết có hành vi chiếm đoạt khi có hành vi này xảy ra. Ý thức chủ quan của người phạm tội là lén lút nếu khi thực hiện hành vi chiếm đoạt người phạm tội có ý thức che giấu hành vi đang thực hiện của mình. Việc che giấu này chỉ đòi hỏi với chủ tài sản, đối với những người khác, ý thức chủ quan của người trộm cắp tài sản vẫn là công khai. Nhưng trong thực tế, ý thức chủ quan của người phạm tội trong phần lớn vẫn là lén lút, che giấu đối với người khác.

Trong tình huống trên, H và Q đã lợi dụng lúc chị B và hai người bạn say rượu nằm mê mệt bên đường nên đã chiếm đoạt tài sản của chị B. Ta thấy trong tình huống có ghi rõ: “… H và Q phát hiện chị B cùng với hai người bạn đang say nằm mê mệt bên lề đường. Thấy chị B đeo nhiều nữ trang bằng vàng, H và Q lấy đi toàn bộ tài sản trị giá 10 triệu đồng. Gần sáng cơn say hết, chị B tỉnh giấc mới biết mình bị mất tài sản và đi báo công an…” . Để xác định hành vi phạm tội của H và Q  trong tình huống này ta cần xác định “tại thời điểm mất tài sản, chủ tài sản có biết hay không” là vấn đề cần thiết phải làm rõ, bởi nó liên quan đến bản chất của hành vi chiếm đoạt. Trong tình huống này, chị B là chủ tài sản, do bị say rượu nằm mê mệt bên đường  nên trong khi bị H và Q chiếm đoạt tài sản không hề biết mình bị chiếm đoạt tài sản. Phải đến sáng hôm sau tỉnh giấc chị B mới biết mình bị mất tài sản. Như vậy, dấu hiệu “thời điểm mất tài sản” là mốc thời gian, xác định việc tài sản đã bị chiếm đoạt và không nằm trong vòng kiểm soát của chủ tài sản nữa. Tại thời điểm này, chủ tài sản (chị B) không biết việc mình bị mất tài sản và đây chính là hệ quả của hành vi “lén lút”. Bởi chỉ có “lén lút” mới làm chủ tài sản không biết mình bị mất tài sản. Mặt khác trị giá tài sản bị các đối tượng chiếm đoạt là 10 triệu đồng, thỏa mãn dấu hiệu được nêu trong điều 138 , BLHS (từ hai triệu đồng trở lên ). Hành vi của H và Q được thực hiện do lỗi cố ý. Mục đích cuối cùng của H và Q là mong muốn chiếm đoạt tài sản của trị B, cụ thể là số nữ trang bằng vàng trên người của chị B.

Với sự liên hệ qua lại giữa các dấu hiệu này, giúp chúng ta dễ dàng tìm ra điểm đặc trưng của tội “Trộm cắp tài sản”, từ đó ta có cơ sở để quyết định H và Q phạm tội trộm cắp tài sản. Như vậy, căn cứ vào những phân tích trên, căn cứ vào khách thể và mặt khách quan của tội phạm ta thấy, H và Q có đủ những dấu hiệu để cấu thành tội trộm cắp tài sản. Vì vậy, ý kiến cho rằng H và Q phạm tội trộm cắp tài sản là đúng.

>>> Xem thêm: Các yếu tố cấu thành tội trộm cắp tài sản tại Bộ luật hình sự 2015

Bài tập 2: Tình huống về hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản

Do có mâu thuẫn trong kinh doanh, P đã nhờ Q đến đốt xưởng của N vào ban đêm. Hậu quả là toàn bộ nhà xưởng và máy móc của N đã bị thiêu rụi, thiệt hại 350 triệu đồng.

Hỏi:

1. Định tội danh và khung hình phạt áp dụng đối với hành vi của P, Q. (2 điểm)

2. Giả sử khi đốt, Q không biết còn 1 công nhân của H bị say rượu ngủ quên trong xưởng nên đã gây ra hậu quả chết người. Q có phải chịu trách nhiệm hình sự về cái chết của người công nhân này không? Tại sao? (3 điểm)

3. Giả sử Q vừa chấp hành xong bản án 3 năm tù về tội cướp tài sản, chưa được xoá án tích lại thực hiện hành vi phạm tội nêu trên thì trường hợp phạm tội của Q là tái phạm hay tái phạm nguy hiểm?Tại sao? (2 điểm)

Bài làm:

1. Định tội danh và khung hình phạt áp dụng đối với hành vi của P, Q.

1.1 Tội danh và khung hình phạt áp dụng đối với hành vi của Q

* Hành vi của Q đã cấu thành Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo Điều 143 BLHS.

Mặt khách quan :

– Hành vi khách quan: Q đã có hành vi đốt xưởng của N, muốn là hư hại tài sản đó. Hành vi của Q là hành vi cố ý hủy hoại tài sản của người khác.

– Hậu quả của tội phạm: CTTP tội này đòi hỏi có hậu quả là tài sản bị hủy hoại hoặc bị làm hư hỏng. Tội phạm được coi là hoàn thành khi hậu quả này đã xảy ra.Hậu quả là toàn bộ nhà xưởng và máy móc của N đã bị thiêu rụi, thiệt hại 350 triệu đồng.

– QHNQ là dấu hiệu thuộc mặt khách quan của tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản. Người có hành vi chỉ phải chịu TNHS về thiệt hại tài sản bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng nếu giữa thiệt hại này và hành vi của họ có QHNQ với nhau. Cụ thể ở đây hành vi đốt phân xưởng của Q đã trực tiếp gây ra thiệt hại về tài sản cho N.

Mặt chủ quan của tội phạm:

– Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý trực tiếp: Q nhận thức được rằng hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả là toàn bộ nhà xưởng và máy móc của N có thể bị cháy trụi và Q mong muốn hậu quả đó xảy ra.

+ Về lý trí: Q nhận thức rõ được tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi mình gây ra và thấy trước hậu quả của hành vi đó là gây thiệt hại về tài sản cho N.

+Về ý chí: Q muốn hậu quả xảy ra

Khách thể là quan hệ sở hữu tài sản được pháp luật hình sự bảo vệ

=>Hành vi của Q đã thỏa mãn đầy đủ dấu hiệu của CTTP về Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản.

* Định tội danh của Q

Theo điểm a Khoản 3 Điều 143 BLHS: “Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng”

Giá trị tài sản mà Q hủy hoại là 350 triệu đồng.

=> Vì vậy mà khung hình phạt áp dụng cho Q là từ 7 năm đến 15 năm

1.2 Tội danh và khung hình phạt áp dụng đối với hành vi của P

* P cũng bị truy cứu TNHS về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo điểm a Khoản 3 Điều 143 BLHS với vai trò là đồng phạm của Q.Đồng phạm đòi hỏi có những dấu hiệu sau:

Mặt khách quan:

– Có từ 2 người trở lên và những người này có đủ điều kiện của chủ thể của tội phạm. Cụ thể trong trường hợp này P và Q là 2 người có đủ điều kiện về năng lực TNHS và đạt độ tuổi chịu TNHS.

– Cùng thực hiện tội phạm (cố ý): P đã có hành vi nhờ Q đến đốt xưởng của N. Như vậy P đã có hành vi xúi giục người khác thực hiện tội phạm. P là người xúi giục.

Về mặt chủ quan:

– Dấu hiệu lỗi :

+ Về lí trí:P nhận thức được rất rõ hành vi của mình( xúi giục người khác thực hiện hành vi phạm tội) cũng như của Q là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến khách thể được pháp luật hình sự bảo vệ và Pcũng nhận thức được rõ sự nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình và Q gây ra.

* Về ý chí:

Cả P và Q cùng mong muốn phân xưởng của N bị cháy để trả thù mâu thuẫn trong kinh doanh.

b.Dấu hiệu mục đích:

P muốn hủy hoại phân xưởng của N để trả thủ mẫu thuẫn trong kinh doanh, khiến công việc làm ăn của N gặp trở ngại. Q đã tiếp nhận mục đích đó của P và là người trực tiếp đốt phân xưởng của N

=> Hành vi của P và Q đã thỏa mãn đầu đủ các dấu hiệu của trường hợp Đồng phạm theo Điều 20 BLHS trong đó P là người chủ mưu Q là người trực tiếp thực hiện tội phạm.

* Khung hình phạt áp dụng cho P cũng tương tự như Q là từ 7 năm đến 15 năm theo điểm a khoản 3 Điều 143 BLHS.Do hậu quả phát sinh vì hành vi đồng phạm của Q và P là như nhau.

2. Giả sử khi đốt, Q không biết còn 1 công nhân của H bị say rượu ngủ quên trong xưởng nên đã gây ra hậu quả chết người. Q có phải chịu trách nhiệm hình sự về cái chết của người công nhân này không? Tại sao?

Q có phải chịu TNHS về cái chết của người công nhân này vì

Mặt chủ quan:

– Lỗi: Hành vi của Q là lỗi vô ý vì quá tự tin.

Q đã có hành vi đốt xưởng khiến 1 công nhân trong xưởng bị thiệt mạng.

+ Về lí trí: Q nhận thức được tính chất nguy hiểm cho xã hội do hành vi của mình gây ra. Mặc dù thấy trước được hậu quả chết người (nếu còn người trong xưởng) tuy nhiên Q đã quá tự tin cho rằng sẽ không còn ai trong xưởng( Q cho rằng hậu quả chết người do hành vi của mình sẽ không xảy ra mà chỉ có thể gây thiệt hại về tài sản).

+ Về ý chí: Q không mong muốn hậu quả làm chết người xảy ra. Sự không mong muốn này của Q gắn liền với việc Q đã loại trừ khả năng làm chết người xảy ra ( cho rằng không có ai ở trong xưởng ).

Mặt khách quan:

– Hành vi khách quan: Q đã có hành vi cố tình đốt xưởng.

– Hậu quả: gây thiệt hại về tài sản và gây ra cái chết cho công nhân trong xưởng.

Như vậy hành vi của Q đã thỏa mãn đầy đủ các dấu hiệu của CTTP

=> Q phải chịu TNHS về cái chết của công nhân ngủ quên trong xưởng. Theo Điều 98 về Tội vô ý làm chết người: “1.Người nào vô ý làm chết người thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.”

3. Giả sử Q vừa chấp hành xong bản án 3 năm tù về tội cướp tài sản, chưa được xoá án tích lại thực hiện hành vi phạm tội nêu trên thì trường hợp phạm tội của Q là tái phạm hay tái phạm nguy hiểm? Tại sao?

Trường hợp phạm tội của Q là tái phạm nguy hiểm theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 49 BLHS:

2. Những trường hợp sau đây được coi là tái phạm nguy hiểm:

a) Đã bị kết án về tội rất nghiệm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý”

* Bản án Q vừa chấp hành là 3 năm tù về tội cướp tài sản, thuộc khoản 1 điều 133 BLHS : “1. Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.

Khoản 1 điều 133 BLHS có khung hình phạt cao nhất là đến 10 năm

Mà theo Khoản 3 Điều 8 BLHS quy định:“3. Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm tù; tội phạm nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến bảy năm tù; tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến mười lăm năm tù; tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên mười lăm năm tù, tù chung thân hoặc tử hình”

=> Loại tội phạm mà Q đã bị kết ánlà tội phạm rất nghiêm trọng

* Q chưa được xóa án tích

* Q phạm tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo điểm a khoản 3 điều 143 BLHS:

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng

Như vậy khung hình phạt cao nhất cho tội này là đến 15 năm tù

=> Hành vi phạm tội của Q thuộc loại tội phạm rất nghiêm trọng.

– Lỗi của Q đối với tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản là lỗi cố ý

=> Q lại phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý

=> Từ 3 điều trên có thể thấy trường hợp của Q là tái phạm nguy hiểm do đã thỏa mãn đủ dấu hiệu mà Điểm a Khoản 2 Điều 49 BLHS nêu trên.

Bài tập 4: Tình huống về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Chiều ngày 17 tháng 9 năm 2003, Đ cùng C đang ngồi uống nước thì có một em bé mời mua vé số. C lấy 15.000 đồng mua 3 tờ vé số. Trong khi C trả tiền thì Đ nhận lấy 3 tờ vé số từ người bán đút và cất vào túi quần của mình và nói: “Để tôi cầm cho may mắn, nếu trúng thưởng thì tối nay lại nhậu nhé”. C chỉ cười và không có phản ứng gì. Sáng hôm sau khi dò vé số biết trúng thưởng, Đ đã đi nhận thưởng 150 triệu đồng rồi gọi điện cho C nói: “3 tờ vé số hôm qua trượt hết rồi” rồi đi mua một chiếc xe máy. Sau đó Đ mời C đến nhà liên hoan khao xe mới. C nghi ngờ, đi hỏi và biết được 3 vé số mà mình mua trúng thưởng trị giá 150 triệu đồng. C yêu cầu Đ trả lại số tiền trúng thưởng nhưng Đ kiên quyết từ chối và nói dối là vé không trúng thưởng nên đã xé bỏ. C đề nghị cơ quan công an điều tra và vụ việc được xác định đúng như đã nêu trên.

Hỏi:

1. Hành vi của Đ cấu thành tội gì? Tại sao? (4 điểm)

2. Tội phạm mà Đ thực hiện có cấu thành vật chất hay hình thức? Tại sao? (2 điểm)

3. Hãy xác định khung hình phạt đối với hành vi phạm tội mà Đ đã thực hiện. (1 điểm)

Bài làm:

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ.

– Chủ thể của tội phạm: chủ thể thường, đủ điều kiện về tuổi và có năng lực trách nhiệm hình sự đầy đủ.

– Khách thể của tội phạm: quan hệ sở hữu đối với tài sản.

– Đối tượng tác động của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản: tài sản trị giá 150 triệu.

– Điều 139 bộ luật hình sự.

II. GIẢI QUYẾT TÌNH HUỐNG

1. Hành vi của Đ cấu thành tội gì? Tại sao?

Hành vi của Đ cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điều 139 Bộ luật hình sự; có thể khẳng định như vậy vì những lý do sau:

Xét điều 139 Bộ luật hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội này được quy định như sau:

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụquyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng.

* Về chủ thể của tội phạm: trong trường hợp này ta coi như Đ đã đủ điều kiện về tuổi và có năng lực trách nhiệm hình sự.

Khách thể của tội phạm: Quan hệ sở hữu đối với tài sản, trong tình huống này thì khách thể tội phạm do Đ thực hiện là quan hệ sở hữu của C với tài sản là tấm vé số trúng thưởng trị giá 150 triệu.

* Mặt khách quan của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản:

Về dấu hiệu pháp lý tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được định nghĩa là Hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác bằng thủ đoạn gian dối.

+ Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản: gồm hai hành vi khác nhau đó là hành vi lừa dối và hành vi chiếm đoạt .

Hành vi lừa dối là hành vi cố ý đưa ra thông tin không đúng sự thật nhằm để người khác tin đó là sự thật.

Cụ thể trong trường hợp này, Đ đã có hành vi lừa dối C, khi biết tấm vé số trúng thưởng lẽ ra Đ phải trả lại cho chủ của tấm vé là C nhưng Đ đã đi nhận thưởng và nói dối với C là tấm vé không trúng thưởng. Hành vi gian dối thứ hai là khi C sau khi được Đ mời ăn liên hoan mua xe máy mới đã nghi ngờ và đi dò thì biết tấm vé của mình trúng thưởng, Đ lại tiếp tục gian dối bằng cách nói dối là vé không trúng thưởng nên đã xé bỏ. Đ đã cố tình đưa ra những thông tin không đúng sự thật để đánh lừa C,

Hình thức của hành vi lừa dối: Hành vi lừa dối ở trong trường hợp này thể hiện qua lời nói, Đ đã gọi điện cho C và nói “ 3 tờ vé số hôm qua trượt hết rồi” và tiếp tục nói dối là đã xé bỏ vé số vì không trúng thưởng.

Hành vi chiếm đoạt : Trong trường hợp này, tài sản bị chiếm hữu đang ở trong sự chiếm hữu của người phạm tội, ở đây là Đ, Đ đã giữ lại tài sản là phần thưởng trị giá 150 triệu lẽ ra phải giao cho C. Vì đã tin vào thông tin mà Đ cung cấp là tấm vé số không trúng thưởng nên C đã không nhận giải, ngay từ đầu tình huống, Đ đã yêu cầu giữ hộ tấm vé cho may mắn và C đã tin tưởng giao cho Đ. Trường hợp này, tội phạm hoàn thành ngay khi Đ gọi điện cho C và nói tấm vé không trúng thưởng( trước đó đã tự ý đi nhận thưởng mà không nói với C).

>> Hành vi lừa dối là điều kiện để hành vi chiếm đoạt có thể xảy ra, còn hành vi chiếm đoạt là mục đích và là kết quả của hành vi lừa dối.

+ Hậu quả: Hậu quả do hành vi của Đ gây ra là những thiệt hại cho quan hệ sở hữu thể hiện dưới dạng thiệt hại về vật chất, ở đây là C đã bị mất số tiến là 150 triệu mà lẽ ra C phải được hưởng do bỏ tiền ra mua vé số.

Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả: Quan hệ nhân quả là dạng của mối liên hệ giữa các hiện tượng, trong đó hiện tượng được gọi là nguyên nhân với những điều kiện nhất định đã làm phát sinh hiện tượng khác gọi là kết quả. Hành vi chiếm đoạt tài sản trị giá 150 triệu là kết quả của hành vi lừa dối, hành vi chiếm đoạt xảy ra ngay khi hành vi lừa dối được hoàn thành.

* Mặt chủ quan của tội phạm: Đ đã đưa ra thông tin giả là tấm vé không trúng thưởng với mục đích là để C tin đó là sự thật và từ bỏ quyền sở hữu của mình với tấm vé số.( tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản chỉ xảy ra khi tấm vé số đã trúng thưởng, còn khi tấm vé số không trúng thưởng thì giá trị của tấm vé số không đủ để cấu thành tội, luật quy định phải từ 500000đ trở lên, trong khi 3 tờ vé có giá là15000đ). Đ đã đưa ra thông tin giả để C tin đó là sự thật.

+ Động cơ và mục đích phạm tội: Trường hợp này, động cơ và mục đích phạm tội của Đ có tính chất tư lợi, lấy tiền để phục vụ nhu cầu cá nhân của mình.

Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý trực tiếp,người phạm tội biết mình có hành vi lừa dối và mong muốn hành vi lừa dối có kết quả để có thể chiếm đoạt được tài sản, ở đây Đ đã có hành vi lừa dối và mong muốn hành vi lừa dối có kết quả (C hoàn toàn tin là tấm vé mình mua không trúng thưởng) để có thể chiếm đoạt được tài sản, Đ đã có chủ tâm chiếm đoạt tài sản của C và hành động để biến mục đích của mình được thực hiện.

– Về ý chí: Người phạm tội mong muốn hậu quả phát sinh, hậu quả của hành vi phạm tội mà người phạm tội đã thấy trước hoàn toàn phù hợp với mục đích, ở đây là mong muốn chiếm được 150 triệu của Đ, và hậu quả xảy ra đúng với mục đích của Đ.

– Về lý trí: Ở đây Đ nhận thức rõ hành vi phạm tội của mình và thấy trước được hậu quả của hành vi phạm tội của mình.

=> Từ những căn cứ pháp lý và các dấu hiệu của tội phạm nêu trên, ta kết luận hành vi của Đ cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điều 139, bộ luật hình sự

2. Tội phạm mà Đ thực hiện có cấu thành vật chất hay hình thức? Tại sao?

Để có thể xác định tội mà Đ thực hiện mà ở đây là tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có cấu thành vật chất hay hình thức thì ta căn cứ vào những đặc điểm của cấu thành tội vật chất và hình thức để phân biệt:

* CTTP vật chất là CTTP có các dấu hiệu của mặt khách quan là hành vi, hậu quả và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả. Đối với dấu hiệu hậu quả (và cùng với nó là dấu hiệu mối quan hệ nhân quả) ở loại CTTP này lại được quy định theo hai mức độ khác nhau:

+ Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc để xác định tội phạm hoàn thành. Ở loại CTTP này, nhà làm luậtkhông trực tiếp đưa dấu hiệu hậu quả vào trong CTTP mà hậu quả được quy định gián tiếp thông qua cách quy định về hành vi phạm tội.

+ Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc để định tội. Ở dạng CTTP này, nhà làm luật trực tiếp đưa hậu quả vào các quy định của CTTP với ý nghĩa là điều kiện xác định những trường hợp thoả mãn CTTP của loại tội đó, loại trừ những trường hợp hành vi không cấu thành tội phạm.

=> Cấu thành tội phạm vật chất là CTTP có các dấu hiệu của mặt khách quan gồm hành vi, hậu quả, mối quan hệ nhân quả.

Cấu thành tội phạm hình thức là CTTP có một dấu hiệu của mặt khách quan là hành vi nguy hiểm cho xã hội. CTTP hình thức là CTTP chỉ có một dấu hiệu của mặt khách quan được mô tả trong CTTP là dấu hiệu hành vi nguy hiểm cho xã hội. Trong CTTP hình thức không có dấu hiệu hậu quả cũng như quan hệ nhân quả giữa hành vi nguy hiểm và hậu quả nguy hiểm cho xã hội. Do đặc điểm của CTTP hình thức như vậy mà quan hệ tâm lí của người phạm tội với các dấu hiệu của tội phạm có CTTP hình thức có điểm khác căn bản so với tội phạm có CTTP vật chất.

Căn cứ vào những khái niệm và đặc điểm của CTTP nêu trên, ta có thể khẳng định tội mà Đ phạm phải (lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điều 139 bộ luật hình sự) có CTTP vật chất. Ta thấy ở mặt khách quan của tội mà Đ phạm, có đầy đủ dấu hiệu như hành vi, hậu quả và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả. Ở đây, hậu quả còn là yếu tố bắt buộc để định tội Đ, giả sử tấm vé Đ giữ không trúng thưởng, vì một lý do gì đó C đòi lại nhưng Đ không trả thì cũng không thể định tội Đ mặc dù ở đây có yếu tố lừa dối, do đó hậu quả là yếu tố bắt buộc trong tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong trường hợp của Đ, hậu quả là dấu hiệu bắt buộc để định tội, vì nếu lừa đảo nhưng không hay chưa chiếm đoạt được tài sản thì cũng không thể định tội danh được; hành vi của Đ lừa dối đi đến kết quả là lấy được số tiền trúng thưởng của C, và kết quả đã hoàn thành.

Không thể khẳng định tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có cấu thành hình thức vì CTTP hình thức chỉ xét đến hành vi, lỗi đã là lỗi cố ý trực tiếp, xét riêng hành vi đã thấy được hậu quả nguy hiểm cho xã hội, mặc dù hậu quả có thể xảy ra hay không xảy ra vì những điều kiện khách quan. Trong tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mặc dù lỗi cũng là lỗi cố ý trực tiếp nhưng phải tính đến yếu tố “chiếm đoạt tài sản”, nghĩa là xảy ra hậu quả tài sản bị chiếm đoạt thì mới định tội danh được, hành vi lừa dối trong trong tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được thực hiện là nhằm thực hiện việc chiếm đoạt. Những hành vi lừa dối nhằm mục đích khác dù mục đích này có tính tư lợi cũng không phải là hành vi phạm tội của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Vậy tội phạm mà Đ thực hiện có cấu thành vật chất.

3. Hãy xác định khung hình phạt đối với hành vi phạm tội mà Đ đã thực hiện.

Để xác định khung hình phạt cho tội mà Đ đã thực hiện, trước hết, xét đến tội mà Đ phạm phải được quy định trong điều 139 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Khung hình phạt được quy định tại khoản 1 điều 139 như sau : “Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị….., thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm” vì tài sản mà Đ chiếm đoạt là tấm vé số trúng thưởng 150 triệu nên không thể xác định khung hình phạt cho Đ theo khoản 1.

Theo khoản 2, điều 139:

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có tổ chức;
b) Có tính chất nguy hiểm;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức.
đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng.

Khung hình phạt cho tội của Đ được xác định theo điểm e, khoản 2, điều 139, với tình tiết làm tăng nặng tội là tài sản bị chiếm đoạt có giá trị trong khoảng từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng mà cụ thể trong tình huống này, tài sản mà Đ chiếm đoạt là tấm vé số đạt giải của C với trị giá lên đến 150 triệu đồng.

Vậy khung hình phạt cho Đ là từ hai cho đến bảy năm tù giam, định mức khung hình phạt theo điểm e, khoản 2, điều 139.

>>> Xem thêm: Các yếu tố cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Bài tập 5: Tình huống về hành vi xúi giục người khác giết người bị coi là đồng phạm

Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017)

Vào khoảng 19h ngày 26/03/2003 4 tên A, B, C và D ngồi quán uống rượu. Tại đây, B có rút dao mang theo cho A mượn xem. Đây là loại dao có lưỡi xếp vào cán dao, cán dao bằng mủ màu vàng dài khoảng 10cm, rộng khoảng 2-3cm, mũi dao hình dạng hơi bầu, lưỡi dao có một bên sắc bén, một bên bằng. Ra khỏi quán, B đòi A trả lại dao và cất vào túi quần. Cả bọn gặp 2 anh T và H đi ngược chiều. Do có quen biết, A và C dừng lại nói chuyện với H, còn B và D đi trước. A rủ H đi uống rượu tiếp nhưng H từ chối, A liền nắm tay H kéo đi thì T ngăn cản kéo H trở lại. Thấy vậy, A quay sang cãi nhau với T và dùng tay đẩy vào ngực T làm T bị mất thăng bằng ngã ngồi. T và A xô xát, ẩu đả với nhau. H dùng tay ôm ngăn A, còn C can T. A nhiều lần la lớn chửi T với nội dung “Chúng mày đánh chết nó cho tao”. Nghe tiếng A la chửi, B đi trước quay trở lại nhìn thấy A và T đang đứng đối diện nhau, B cho rằng A bị T đánh nên đã lấy con dao trong túi quần ra đâm nhiều nhát vào bụng và ngực T. Do C đang can T nên cũng bị một vết đâm vào tay trái. C bị đâm đau nên chửi. Thấy vậy, B ngừng đâm và cầm dao bỏ đi. H buông tay giữ A ra thì thấy T đang nằm ngửa, máu ra nhiều. H gọi C đưa T đi cấp cứu. Trên đường đi T đã tử vong.

B gọi điện thoại cho bạn là K kể về việc B vừa đâm T và nói kế hoạch trốn của B. K bảo B về nhà K chờ để K đi cầm điện thoại giùm B lấy tiền cho B đi trốn. B trốn ra Hải Phòng đến ngày 09/4/2003 về đầu thú tại Công an huyện D.

Tại Bản kết luận giám định pháp y số 46/GĐPY ngày 03/04/2003 của Tổ chức giám định pháp y tỉnh kết luận: Nạn nhân T bị tử vong do xuất huyết nội, gây giảm thể tích máu cấp tính sau các vết thương thủng gan và thủng bàng quang.

Hỏi:

1. Hãy lập luận định tội danh cho hành vi phạm tội của B? Xác định tình tiết tăng nặng định khung hình phạt nếu có? (3 điểm)

2. A có bị coi là đồng phạm với B không? Giải thích rõ tại sao? (2 điểm)

3. K có phải chịu trách nhiệm hình sự không? Nếu có thì về tội gì? (1 điểm)

4. Giả sử B vừa chấp hành xong bản án 3 năm tù về tội trộm cắp tài sản theo khoản 2 Điều 173 BLHS và chưa được xóa án tích. Hãy xác định lần phạm tội này của B là tái phạm hay tái phạm nguy hiểm?(1 điểm)

Bài làm:

1. Hãy lập luận định tội danh cho hành vi phạm tội của B? Xác định tình tiết tăng nặng định khung hình phạt nếu có?

B phạm tội giết người theo Điều 123 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017). Trong trường hợp này tình tiết tăng nặng định khung hình phạt của B là điểm n khoản 1 Điều 123 BLHS. “n) Có tính chất côn đồ;”

Dấu hiệu pháp lý của tội giết người

Hành vi của B thỏa mãn cấu thành tội phạm của tội giết người theo Điều 123 BLHS. Cụ thể:

– Khách thể của tội phạm:

Khách thể của tội này là quyền sống, quyền được tôn trọng và bảo về tính mạng của con người, những người đang sống trong xã hội. Trong tình huống, B đã có hành vi tước đoạt tính mạng của T.

– Mặt khách quan:

Hành vi khách quan của tội giết người là hành vi tước đoạt trái pháp luật tính mạng của người khác, được hiểu là hành vi có khả năng gây ra cái chết cho con người, chấm dứt sự sống của họ. Hành vi này có thể được thực hiện qua hành động hoặc không hành động. Trong tình huống này, B đã có hành vi “đâm nhiều nhát vào bụng và ngực T”, là hành vi nguy hiểm cho xã hội, có thể tước đoạt tính mạng của T.

+ Hậu quả của tội phạm là thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra cho quan hệ xã hội là khách thể bảo vệ của luật hình sự. Hậu quả được quy định là dấu hiệu bắt buộc trong CTTP tội giết người là hậu quả chết người. Ta thấy trong trường hợp này, hậu quả chết người đã xảy ra, tội giết người đã hoàn thành. Hậu quả chết người được thể hiện tại Bản kết luận giám định pháp y số 46/GĐPY ngày 04/03/2003 của Tổ chức giám định pháp y tỉnh kết luận: Nạn nhân T bị tử vong do xuất huyết nội, gây giảm thể tích máu cấp tính sau các vết thương thủng gan và thủng bàng quang.

Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi khách quan và hậu quả chết người: việc xác định mối quan hệ nhân quả là điều kiện cần thiết để có thể buộc người có hành vi tước đoạt trái pháp luật tính mạng người khác phải chịu trách nhiệm về hậu quả chết người đã xảy ra. Ta thấy trong tình huống trên, B có hành vi “đâm nhiều nhát vào bụng và ngực T” là nguyên nhân dẫn đến hậu quả “T tử vong”.

+ Phương tiện phạm tội: B đã sử dụng hung khí là một con dao. Đây là loại dao có lưỡi xếp vào cán dao, cán dao bằng mủ màu vàng dài khoảng 10cm, rộng khoảng 2-3cm, mũi dao hình dạng hơi bầu, lưỡi dao có một bên sắc bén, một bên bằng đã được B cất giấu trong người trước khi thực hiện tội phạm.

– Chủ thể:

Trong tình huống không nêu rõ độ tuổi và năng lực TNHS của B, ta coi B là người có đủ năng lực TNHS. Tuy nhiên do tội phạm mà B thực hiện là tội đặc biệt nghiêm trọng do lỗi cố ý nên Căn cứ Điều 12 BLHS thì dù B chưa đủ tuổi thành niên, B vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm mà mình đã thực hiện.

– Mặt chủ quan của tội phạm:

Lỗi của người phạm tội giết người là lỗi cố ý, lỗi cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp. Lỗi cố ý trực tiếp là lỗi của người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra. Ở trường hợp này, B thực hiện hành vi giết người với lỗi cố ý trực tiếp. B nhận thức được hành vi dùng dao đâm T là rất nguy hiểm, trái pháp luật; thấy trước hậu quả của hành vi đó nhưng vẫn mong muốn thực hiện, muốn thực hiện đến cùng để có hậu quả là T chết, thể hiện bằng việc B dùng dao đâm nhiều nhát vào bụng và ngực T.

* Xác định tình tiết tăng nặng định khung hình phạt:

Tình tiết tăng nặng trong trường hợp này là điểm n khoản 1 Điều 123 BLHS: “Có tính chất côn đồ”.
Phạm tội có tính chất côn đồ là trường hợp giết người mà tất cả các tình tiết của vụ án thể hiện người phạm tội có tính chất hung hãn cao độ, quá coi thường tính mạng của người khác, sẵn sàng giết người vì những nguyên cớ nhỏ nhặt.

Trong trường hợp này, ta thấy hành vi của B diễn ra sau khi nghe thấy A nhiều lần la lớn chửi T với nội dung “Chúng mày đánh chết nó cho tao”, “Nghe tiếng A la chửi, B đi trước quay trở lại nhìn thấy A và T đang đứng đối diện nhau, B cho rằng A bị T đánh nên đã lấy con dao trong túi quần ra đâm nhiều nhát vào bụng và ngực T”. Trước đó B không hề quen biết hay có mâu thuẫn với T, chỉ vì nghe thấy tiếng A la chửi mà quay lại đâm nhiều nhát vào T, do C đang can ngăn T nên cũng bị một vết đâm vào tay trái. Như vậy ta thấy, hành vi của B thể hiện rõ sự hung hãn cao độ, quá coi thường tính mạng của người khác, chỉ vì lí do nhỏ nhặt mà sẵn sàng giết người mà mình không hề quen biết, không có mâu thuẫn gì.

Do đó, B phải chịu TNHS về tội giết người theo Điều 123 BLHS với tình tiết định khung tăng nặng theo điểm n khoản 1 Điều 123 BLHS.

2. A có bị coi là đồng phạm với B không? Giải thích rõ tại sao?

A có bị coi là đồng phạm với B.

Theo khoản 1 Điều 17 BLHS quy định: “Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.”.

Đồng phạm đòi hỏi những dấu hiệu sau:

* Những dấu hiệu về mặt khách quan: Một là, đòi hỏi phải có hai người trở lên và những người này có đủ điều kiện của chủ thể của tội phạm. Do đề bài không nêu rõ nên t coi A đủ 18 tuổi và có đủ năng lực TNHS.

Hai là, những người này phải cùng thực hiện tội phạm (cố ý); phải tham gia vào tội phạm với một trong bốn hành vi: hành vi thực hiện tội phạm, hành vi tổ chức thực hiện tội phạm, hành vi xúi giục người khác thực hiện tội phạm, hành vi giúp sức người khác thực hiện tội phạm.

– Trong tình huống trên, A là người xúi giục. A có hành vi xúi giục B giết T. Khoản 2 Điều 20 BLHS quy định: “Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm”. Ở đây ta thấy A là người kích động tinh thần, trực tiếp thúc đẩy B phạm tội khi A nhiều lần la lớn chửi T với nội dung “Chúng mày đánh chết nó cho tao” khiến B đi trước đã nghe thấy và quay trở lại. Lời nói này trực tiếp hướng vào T với mục đích muốn đánh chết T, đã kích động B thực hiện hành vi giết T. Hơn nữa, A không hề can ngăn khi thấy B đâm nhiều nhát vào bụng và ngực T chứng tỏ A cũng đồng tình với hành vi phạm tội của B. Như vậy, ta thấy A thỏa mãn là người xúi giục B thực hiện tội phạm.

– B là người thực hành tội phạm bởi B là người trực tiếp thực hiện hành vi giết người, dùng dao đâm nhiều nhát vào bụng và ngực T. Hung khí này đã được B giấu sẵn trong người từ trước. Hành vi của B đã xâm phạm đến tính mạng, thân thể của T dẫn đến hậu quả T tử vong. B phạm tội giết người theo Điều 123 BLHS.

* Những dấu hiệu về mặt chủ quan:

– Dấu hiệu lỗi:

Về lí trí, mỗi người đều biết hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội và đều biết người khác cũng có hành vi nguy hiểm cho xã hội cùng mình. Mỗi người đồng phạm thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình cũng như thấy trước hậu quả chung của tội phạm mà họ thực hiện. Trong tình huống trên, cả A và B đều biết hành vi của mình nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả sẽ xảy ra và đều biết người khác cũng có hành vi gây nguy hiểm cho xã hội cùng mình. A biết rõ việc mình xúi giục đánh chết T là gây nguy hiểm cho tính mạng của T và B cũng nhận thức rõ việc mình đâm nhiều nhát vào bụng và ngực T sẽ làm T chết. Hơn nữa, B cũng hiểu rõ việc A mong muốn giết T thông qua việc A la lớn xúi giục giết T. Ngược lại, A cũng biết việc B dùng dao đâm T nguy hiểm tới tính mạng của T.

Về ý chí, những người đồng phạm cùng mong muốn có hoạt động chung và cùng mong muốn hoặc cùng có ý thức để mặc cho hậu quả phát sinh. Trong tình huống trên, A thể hiện mong muốn hậu quả chết người xảy ra đối với T khi nói: “Chúng mày đánh chết nó cho tao”, đồng thời A cũng không ngăn cản khi B thực hiện hành vi đâm nhiều nhát vào bụng và ngực T, không có phản ứng gì sau khi B bỏ đi chứng tỏ giữa A và B có sự thống nhất về mặt ý chí khi thực hiện tội phạm.
– Dấu hiệu mục đích: Đồng phạm đòi hỏi những người cùng thực hiện phải có cùng mục đích phạm tội đó. Ở trường hợp này, mục đích mà cả A và B đều hướng tới là giết T.

Như vậy, A có bị coi là đồng phạm với B; A tham gia vào tội phạm với vai trò là người xúi giục.

3. K có phải chịu trách nhiệm hình sự không? Nếu có thì về tội gì?

K có phải chịu trách nhiệm về hình sự về tội che giấu tội phạm quy định ở Điều 313 BLHS.
Theo điều 18 BLHS về che giấu tội phạm: “Người nào không hứa hẹn trước, nhưng sau khi biết tội phạm được thực hiện đã che giấu người phạm tội, dấu vết, tang vật của tội phạm hoặc có hành vi khác cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội che giấu tội phạm trong những trường hợp mà Bộ luật này quy định.”

Hành vi của K thỏa mãn cấu thành tội phạm của tội che giấu tội phạm. Cụ thể:

– Măt khách quan:

+ Hành vi: Che giấu tội phạm là hành vi của một người không hứa hẹn trước nhưng sau khi biết tội phạm được thực hiện đã che giấu người phạm tội, các dấu vết, tang vật của tội phạm hoặc có hành vi khác cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội. Trong tình huống này, K biết rõ B đã thực hiện hành vi giết người nhưng K đã “bảo B về nhà K chờ để K đi cầm điện thoại giùm B lấy tiền cho B đi trốn”; ta thấy K đã có hành vi che giấu người phạm tội, chứa chấp nuôi giấu người phạm tội trong nhà, giúp đỡ người phạm tội bỏ trốn cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội.

+ Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội này.

+ Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi khách quan và hậu quả: Hành vi của K đã gây hậu quả B trốn ra Hải Phòng; gây khó khăn, cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội giết người là B.

+ Mục đích: Che giấu tội phạm.

– Mặt chủ quan: Lỗi của K là lỗi cố ý trực tiếp, dù K biết B đã phạm tội giết người nhưng vẫn có hành vi che giấu tội phạm, tạo điểu kiện cho B trốn ra Hải Phòng, trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật.

– Chủ thể: Do đề bài không xác định rõ nên ta coi K là người đủ tuổi luật định và có đủ năng lực trách nhiệm hình sự.

– Khách thể: Hoạt động đúng đắn – theo đúng pháp luật của các cơ quan tư phápĐối tượng tác động ở đây là những hoạt động bảo vệ công lí, hoạt động đấu tranh phòng chống tội phạm của các cơ quan tư pháp mà trong tình huống này K là người đã che dấu tội phạm giết người – là B.

Như vậy, K phải chịu trách nhiệm về hình sự về tội che giấu tội phạm quy định tại Điều 313 BLHS.

4. Giả sử B vừa chấp hành xong bản án 3 năm tù về tội trộm cắp tài sản theo khoản 2 Điều 173 BLHS và chưa được xóa án tích. Hãy xác định lần phạm tội này của B là tái phạm hay tái phạm nguy hiểm?

Lần phạm tội này của B là tái phạm.

Điều 53. Tái phạm, tái phạm nguy hiểm

1. Tái phạm là trường hợp đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý hoặc thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọngtội phạm đặc biệt nghiêm trọng do vô ý.

2. Những trường hợp sau đây được coi là tái phạm nguy hiểm:

a) Đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý;

b) Đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý.

Trong trường hợp trên, B vừa chấp hành xong bản án 3 năm tù về tội trộm cắp tài sản theo khoản 2 Điều 173 BLHS và chưa được xóa án tích. Xét khoản 2 Điều 173 BLHS ta thấy, mức cao nhất của khung hình phạt quy định trong khoản này là bảy năm tù. Đối chiếu theo quy định tại khoản 1 Điều 8 BLHS thì đây thuộc loại tội phạm nghiêm trọng.

Hơn nữa, theo khoản 2 Điều 53, người phạm tội chỉ bị coi là tái phạm nguy hiểm khi đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý. Ta thấy trường hợp phạm tội của B không thỏa mãn điểm a khoản 2 Điều 53. Đồng thời, trường hợp này cũng không thỏa mãn điểm b khoản 2 Điều 53.

Do vậy, lần phạm tội này của B không là tái phạm nguy hiểm.

Như đã phân tích ở trên, B phạm tội giết người theo Điều 123 BLHS với tình tiết tăng nặng định khung tại điểm n khoản 1 Điều 123. Xét khoản 1 Điều 123 BLHS ta thấy mức cao nhất của khung hình phạt là tử hình, đối chiếu theo quy định tại khoản 3 Điều 8 BLHS thì tội phạm mà B thực hiện thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Hơn nữa B thực hiện tội phạm với lỗi cố ý.

Như vậy, căn cứ vào Điều 53 BLHS ta thấy lần phạm tội này của B là tái phạm.


Các tìm kiếm liên quan đến bài tập tình huống luật hình sự phần tội phạm: bài tập tình huống luật hình sự phần chung, bài tập luật hình sự 1 có đáp án, bài tập luật hình sự phần các tội phạm, bài tập định tội danh trong luật hình sự, bài tập tình huống luật hình sự 3, bài tập luật hình sự về tội giết người, bài tập về đồng phạm trong luật hình sự, bài tập về cấu thành tội phạm

4.7/5 - (4 bình chọn)

Phản hồi

  1. Câu hỏi: Do có mâu thuẫn trong việc làm ăn kinh doanh nên Hiếu cùng Hợp có ý định trả thù Sơn. Đêm ngày 15/7/2018, Hiếu và Hợp đã dùng cuốc phá bờ ao nuôi cá của nhà anh Sơn, làm cho một số lượng cá trong ao nhà anh Sơn bơi ra ngoài sông, gây thất thoát 20 triệu đồng. Sự việc được làm rõ, Cơ quan điều tra xác định được chính Hiếu là người thực hiện hành vi phá bỏ bờ ao nhà anh Sơn.
    Quá trình điều tra, Cơ quan điều tra còn xác định: Hiếu là đối tượng nghiện ma túy, ngày 16/6/2018, Hiếu đã mua 2 gam heroine của Cao Văn Long về sử dụng dần. Ngày 18/6/2018, Hợp đến nhà Hiếu để đòi số tiền 1 triệu đồng trước đó Hiếu đã nợ Hợp. Tuy nhiên, do không còn tiền và biết Hợp cũng là đối tượng nghiện ma túy nên Hiếu bảo Hợp cầm 1g Heroine về nhà dùng để trừ nợ và Hợp đồng ý.
    Hỏi: Với tài liệu trên hãy phân tích và kết luận:
    1. Trách nhiệm hình sự của các đối tượng? Tội phạm được thực hiện ở giai đoạn nào?
    2. Vụ án có đồng phạm không? Tại sao?

  2. Vì muốn thi hành ngay khoản tiền bồi thường trên cho anh họ của mình nên Nguyễn
    Quốc T là Chấp hành viên của cơ quan thi hành án huyện D đã đến nhà của E, lấy danh nghĩa
    là Chấp hành viên yêu cầu E phải nộp số tiền 3.500.000 đồng. Dương Văn E không đồng ý vì
    cho rằng mình đang kháng cáo bản án sơ thẩm nên không thể bị thi hành án được. Hai bên đã
    có lời qua tiếng lại và dẫn đến xô xát, E đã đẩy T ra khỏi nhà nên T hậm hực bỏ ra. E đi báo
    công an.

  3. Khoảng 20 giờ ngày 05-02-2019, Dương Công T sinh năm 1978, điều khiển xe ô tô biển kiểm soát 47V-1815 từ tỉnh Bình Định về tỉnh Gia Lai theo quốc lộ 19. Đến km 140+120m thuộc địa phận thôn Hà Lòng, xã K’Dang, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai, T phát hiện thấy xe mô tô biển kiểm soát 77S8-7212 do anh Đỗ Trí Q điều khiển chở anh Cao Trường H chạy ngược chiều đến với tốc độ cao, vừa đi vừa lạng lách trên đường. Khi hai xe còn cách nhau khoảng 20 mét, thấy xe mô tô do anh Đỗ Trí Q điều khiển chạy lấn sang phần đường bên trái nên T cũng điều khiển xe sang bên trái đường (theo hướng đi của xe ô tô) để tránh xe mô tô, nhưng ngay sau đó anh Q lại điều khiển xe mô tô về phần đường của mình. Do khoảng cách giữa hai xe quá gần nên T đã không kịp xử lý, để xe ô tô đâm vào xe mô tô do anh Q điều khiển, gây tai nạn làm anh Đỗ Trí Q và anh Cao Trường H tử vong. Được biết Dương Công T không có bằng lái xe, và được chủ xe là Trần Minh P (chủ xe) giao xe cho T điều khiển và đã gây tai nạn.Trong tình huống trên ai là người phạm tội? Phạm tội gì (Thông qua phân tích các yếu tố cấu thành VPHS)? Chỉ rõ cơ sở pháp lý? *

    • Khoảng 20 giờ ngày 05-02-2019, Dương Công T sinh năm 1978, điều khiển xe ô tô biển kiểm soát 47V-1815 từ tỉnh Bình Định về tỉnh Gia Lai theo quốc lộ 19. Đến km 140+120m thuộc địa phận thôn Hà Lòng, xã K’Dang, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai, T phát hiện thấy xe mô tô biển kiểm soát 77S8-7212 do anh Đỗ Trí Q điều khiển chở anh Cao Trường H chạy ngược chiều đến với tốc độ cao, vừa đi vừa lạng lách trên đường. Khi hai xe còn cách nhau khoảng 20 mét, thấy xe mô tô do anh Đỗ Trí Q điều khiển chạy lấn sang phần đường bên trái nên T cũng điều khiển xe sang bên trái đường (theo hướng đi của xe ô tô) để tránh xe mô tô, nhưng ngay sau đó anh Q lại điều khiển xe mô tô về phần đường của mình. Do khoảng cách giữa hai xe quá gần nên T đã không kịp xử lý, để xe ô tô đâm vào xe mô tô do anh Q điều khiển, gây tai nạn làm anh Đỗ Trí Q và anh Cao Trường H tử vong. Được biết Dương Công T không có bằng lái xe, và được chủ xe là Trần Minh P (chủ xe) giao xe cho T điều khiển và đã gây tai nạn.Trong tình huống trên ai là người phạm tội? Phạm tội gì (Thông qua phân tích các yếu tố cấu thành VPHS)? Chỉ rõ cơ sở pháp lý?
      *

  4. BÀI 13

    Lê Tr, Phạm H, Hà Ng là ba tên lưu manh chuyên nghiệp. Biết nhà ông Bằng có nhiều tiền do trúng số độc đắc nên chúng bàn cách lấy trộm.

    Theo kế hoạch Phạm H và Hà Ng đã tẩm thuốc độc vào thức ăn giết chết hai con chủ của nhà ông Bằng. Tối hôm sau 19/1 Lê Tr, Phạm H, Hà N_{g} mang theo dụng cụ đến phục kích ở vườn sau nhà ông Bằng. Vì thấy trong nhà đông người nên ca bọn rút lui.

    Tối 20/1 , theo hẹn Lê Tr, Phạm H đến điểm phục kích, Ng không đi được vì bệnh phải đi cấp cứu. Không thấy Ng đến, Phạm H đã đến nhà Nguy tilde e n K rủ K tham (onbi)/(ia)

    Nửa đêm hôm đó khi gia đình ông Bằng ngủ say, Lê Tr và Nguyễn Ki vào cay lu Nghe tiếng động ông Bằng thức dậy. Bị lộ K dùng cây sắt dập vào dầu ông Bằng làm ông bị ngất xỉu. Lê Tr ôm chiếc máy vi tính xách tay và hai điện thoại di động để trên ban chạy ra ngoài. Ba (con trai ông Bằng) chặn đường giằng lại, bị Lê Tr rút dao đâm bị thương và mang theo tài sản chiếm đoạt được trốn thoát. Chiều 21/1 Nguyễn K gặp công an xã tự thú.
    Hỏi: Hành vi nào là tội phạm? Tội phạm ở giai đoạn nào? Có ai được thừa nhận là tự dot y nửa chừng chấm dứt việc phạm tội không? Tại sao?

  5. Ad cho hỏi tình huống này ạ.
    mail:phuongkool84@gmail.com
    tks ad
    Khoảng 03 giờ sáng ngày 9/6/2018 do thời tiết nóng nực, một số thợ xây làm thuê cho anh Q ra ngủ tại vỉa hè trước cửa nhà anh Q. Nguyễn Quốc B và Nguyễn Quốc L (bạn của B) đi uống cà phê về thấy cánh thợ xây đang ngủ, liền lại dứt dây màn và quát “Ai cho chúng mày ngủ ở đây”. Thấy vậy, những người thợ xây gọi anh Q ra. Anh Q ra ngăn nhưng B và L đã cầm gạch đá ném anh và cánh thợ xây rồi bỏ đi. Khoảng 10 phút sau L cầm lưỡi lê do tên B đưa cho, còn B cầm một vỏ chai đập vỡ đít quay lại chỗ anh Q. Chúng xông vào đánh anh Q. Thấy anh Q bị đánh, H và P là em anh Q chạy ra can ngăn, nhưng đã bị B và L xông vào tấn công. B cầm vỏ chai đâm anh Q và P, còn L dùng dao tấn công H và đâm H một nhát vào lưng, H gục xuống bất tỉnh. Hai tên thấy vậy vội chạy trốn. Đến một tháng sau chúng mới ra đầu thú trước cơ quan công an. Kết luận giám định pháp y cho biết: H bị đâm vào liên sườn 4 đường giữa bả vai bên trái, tràn máu, tràn khí màng phổi trái. Tỷ lệ thương tích của H là 20% vĩnh viễn. Còn anh Q bị thương là 10%, P bị thương 5%. Hỏi: Hãy giải quyết vụ án về phương diện định tội danh đối với các tên trong vụ án?

  6. Bài tập 4: Chưa chắc là tội lừa đảo, mà có thể là tội lạm dụng tín nhiệm, Vì 2 tội danh chỉ khác nhau ở thời điểm nảy sinh ý định phạm tội.
    Có thể xảy ra trường hợp C nhờ Đ cầm hộ tờ vé số, ngay tại thời điểm đó Đ chưa có ý định phạm tội, nhưng sau khi nhận tiền Đ mới có ý định phạm tội và lừa C là không trúng số. Hành vi gian dối xảy ra sau khi cầm giữ được tài sản.

    • Mình nhận được yêu cầu của bạn rồi, cũng đã thông báo cho tác giả sớm cập nhật lại bài viết để gửi bài sang cho bạn. Cảm ơn Minh Nguyen đã tin dùng tài liệu của hocluat.vn!

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền