Vướng mắc khi áp dụng pháp luật trong giải quyết án kinh tế, chức vụ

Tham nhũng

Qua thực tiễn công tác THQCT và kiểm sát việc giải quyết các vụ án về kinh tế, chức vụ, tham nhũng cho thấy có một số điểm chưa thống nhất giữa quy định của BLTTHS năm 2015 với một số văn bản hướng dẫn liên quan đến việc thu thập thông tin về tiền gửi, tài sản trong xác minh, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm; liên quan đến việc trưng cầu giám định và những trường hợp cần thiết phải trưng cầu giám định.

1. Mâu thuẫn giữa quy định của BLTTHS năm 2015 với quy định tại Nghị định số 70/2000/CP-NĐ ngày 21/11/2000 của Chính phủ về việc giữ bí mật, lưu trữ và cung cấp thông tin liên quan đến tiền gửi và tài sản gửi của khách hàng và Thông tư số 08/VBHN-NHNN ngày 21/5/2014 của Ngân hàng Nhà nước (hướng dẫn thực hiện Nghị định số 70/2000/CP-NĐ ngày 21/11/2000 của Chính phủ về việc giữ bí mật, lưu trữ và cung cấp thông tin liên quan đến tiền gửi và tài sản gửi của khách hàng) liên quan đến việc thu thập thông tin, tài liệu trong giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; cụ thể:

Điều 147 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về thời hạn, thủ tục giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố: Khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, cơ quan có thẩm quyền có quyền tiến hành các hoạt động: Thu thập thông tin, tài liệu, đồ vật từ cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để kiểm tra, xác minh nguồn tin”. Theo quy định này, trong quá trình giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, cơ quan có thẩm quyền có quyền tiến hành một số hoạt động, trong đó có hoạt động thu thập thông tin, tài liệu từ cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để kiểm tra, xác minh nguồn tin.

Tuy nhiên, khoản 4 Điều 5 Nghị định số 70/2000/CP-NĐ ngày 21/11/2000 của Chính phủ vẫn quy định: “Tổ chức nhận tiền gửi và tài sản gửi của khách hàng chỉ được cung cấp thông tin liên quan đến tiền gửi và tài sản gửi của khách hàng trong các trường hợp sau: Theo yêu cầu bằng văn bản của các cơ quan Nhà nước trong quá trình thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật”.

Thông tư số 08/VBHN-NHNN ngày 21/5/2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn Nghị định số 70 cũng có bất cập liên quan tới yêu cầu về tài liệu chứng minh lý do yêu cầu cung cấp thông tin. Cụ thể: Điểm d khoản 2.2 mục 2 Thông tư số 08/VBHN-NHNN ngày 21/5/2014 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn:

Đối với việc cung cấp thông tin liên quan đến tiền gửi và tài sản gửi của khách hàng theo yêu cầu của các đối tượng được quy định tại các khoản 3, 4 Điều 5 và Điều 6 Nghị định 70/2000/NĐ-CP của Chính phủ ngày 21/11/2000 về việc giữ bí mật, lưu trữ và cung cấp thông tin liên quan đến tiền gửi và tài sản gửi của khách hàng: Yêu cầu cung cấp thông tin phải được thực hiện bằng văn bản. Văn bản yêu cầu cung cấp thông tin về tiền gửi và tài sản gửi của khách hàng phải có đầy đủ các nội dung:

– Lý do cần cung cấp thông tin;

– Các thông tin cần cung cấp (nêu cụ thể loại thông tin và tên khách hàng);

– Thời hạn cung cấp thông tin;

– Địa điểm cung cấp thông tin;

– Mục đích sử dụng thông tin;

– Các tài liệu có liên quan đến việc đang tiến hành thanh tra, điều tra (như Quyết định thanh tra; Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can; các tài liệu chứng minh việc thanh tra, điều tra có liên quan trực tiếp đến khách hàng).

Như vậy, theo quy định, hướng dẫn trên của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thì tổ chức nhận tiền gửi và tài sản gửi của khách hàng chỉ được cung cấp thông tin liên quan đến tiền gửi và tài sản gửi của khách hàng theo yêu cầu bằng văn bản của các cơ quan Nhà nước trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử và văn bản yêu cầu tổ chức cung cấp các thông tin liên quan đến tiền gửi và tài sản gửi của khách hàng phải do Cơ quan điều tra của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên ký, kèm theo các tài liệu có liên quan đến việc đang tiến hành điều tra (như quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can).

Theo chúng tôi, quy định và hướng dẫn này đã gây khó khăn, vướng mắc cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu nói chung, thông tin về tiền gửi, tài sản gửi của khách hàng nói riêng trong giai đoạn xác minh, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Vì trên thực tế có nhiều trường hợp các cơ quan tiến hành tố tụng không cung cấp được tài liệu liên quan đến việc đang tiến hành điều tra, những vụ việc vẫn đang trong giai đoạn thu thập thông tin, chứng cứ để phục vụ công tác xác minh thông tin, lập chuyên án, phục vụ công tác xác minh, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố và chưa đến giai đoạn khởi tố vụ án, khởi tố bị can nên chưa có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Quy định này gây khó khăn trong công tác thu thập chứng cứ ngay từ giai đoạn xác minh, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, củng cố hồ sơ của Cơ quan điều tra vì các ngân hàng lấy lý do chưa có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can nên không cung cấp thông tin, tài liệu nói chung, thông tin về tiền gửi, tài sản gửi của khách hàng nói riêng khiến nhiều vụ việc kinh tế, tham nhũng tuy bị phát hiện nhưng lại chậm được đưa ra ánh sáng.

2. Mâu thuẫn giữa quy định của BLTTHS năm 2015 với quy định tại Luật giám định tư pháp ngày 20/6/2012 liên quan đến việc trưng cầu giám định trong giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, cụ thể:

Điểm d khoản 3, Điều 147 BLTTHS năm 2015 quy định: “Khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, cơ quan có thẩm quyền có quyền tiến hành các hoạt động: Trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản”.

Theo quy định trên, trong quá trình giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, cơ quan có thẩm quyền có quyền tiến hành một số hoạt động, trong đó có hoạt động trưng cầu giám định. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật giám định tư pháp ngày 20/6/2012, lại quy định:

1. Giám định tư pháp là việc người giám định tư pháp sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định theo quy định của Luật này.

Như vậy, các cơ quan giám định, Giám định viên được trưng cầu giám định chỉ thực hiện giám định những vấn đề liên quan đến hoạt động điều tra (từ khi có quyết định khởi tố vụ án hình sự), truy tố, xét xử và thi hành án hình sự. Thực tế cho thấy một số tổ chức giám định tư pháp và Giám định viên từ chối giám định với lý do cơ quan trưng cầu giám định chưa khởi tố vụ án, gây khó khăn cho cơ quan trưng cầu giám định trong giai đoạn xác minh, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.

3. Vướng mắc trong việc thực hiện quy định của BLTTHS năm 2015 và Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP ngày 13/12/2017 (quy định những trường hợp cần thiết phải trưng cầu giám định tư pháp trong giải quyết vụ án, vụ việc đối với việc giám định vật chứng là động vật hoang dã và thực vật ngoại lai); cụ thể, BLTTHS năm 2015, quy định:

Điều 206. Các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định

Bắt buộc phải trưng cầu giám định khi cần xác định:

1. Tình trạng tâm thần của người bị buộc tội khi có sự nghi ngờ về năng lực trách nhiệm hình sự của họ; tình trạng tâm thần của người làm chứng hoặc bị hại khi có sự nghi ngờ về khả năng nhận thức, khả năng khai báo đúng đắn về những tình tiết của vụ án;

2. Tuổi của bị can, bị cáo, bị hại nếu việc đó có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án và không có tài liệu để xác định chính xác tuổi của họ hoặc có nghi ngờ về tính xác thực của những tài liệu đó;

3. Nguyên nhân chết người;

4. Tính chất thương tích, mức độ tổn hại sức khoẻ hoặc khả năng lao động;

5. Chất ma tuý, vũ khí quân dụng, vật liệu nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, tiền giả, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, đồ cổ;

6. Mức độ ô nhiễm môi trường.

Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP ngày 13/12/2017, quy định những trường hợp cần thiết phải trưng cầu giám định tư pháp trong giải quyết vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế, hướng dẫn:

Điều 4. Những trường hợp cần thiết phải trưng cầu giám định

Những trường hợp cần thiết phải trưng cầu giám định theo Thông tư liên tịch này, bao gồm:

1. Khi cần xác định chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ của tài sản, hàng hóa, hàng giả, hàng thật, hàng cấm;

2. Khi cần truy nguyên về tài liệu, đồ vật, chữ ký, chữ viết, con dấu, dấu vết, dữ liệu điện tử;

3. Khi cần xác định tính chính xác của các dụng cụ cân, đo, đong, đếm và các máy móc, thiết bị khác;

4. Khi cần xác định hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đầu tư, gồm:

a) Về lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư; quyết định đầu tư dự án;

b) Về đấu thầu;

c) Về khảo sát, tư vấn thiết kế, thi công, giám sát, nghiệm thu, thanh quyết toán;

d) Về quản lý vốn đầu tư như: Tạm ứng vốn không đúng quy định; sử dụng vốn thi công không đúng mục đích; bảo lãnh cho vay vốn, tạm ứng vốn, thực hiện hợp đồng hoặc điều chuyển vốn cho vay; cho vay vốn không đúng chế độ;

đ) Hành vi khác vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đầu tư.

5. Trường hợp gặp khó khăn, vướng mắc trong việc xác định mức độ thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đầu tư gây ra, thì mức độ thiệt hại được xác định theo nguyên tắc lấy tổng chi phí đầu tư dự án trừ đi chi phí hợp lý, hợp lệ hoặc được xác định theo một hoặc trong các cách thức sau đây:

a) Tiền lãi suất ngân hàng của khoản tiền đã tạm ứng vốn mà sử dụng khoản tiền này không đúng mục đích dẫn đến không có khả năng thu hồi hoặc làm mất vốn đầu tư;

b) Tiền lãi suất ngân hàng của các khoản đầu tư cho vay, ủy thác hoặc điều chuyển vốn, sử dụng vốn không đúng quy định của pháp luật gây thất thoát, lãng phí;

c) Khoản chi phí phát sinh về tiền lãi vay của khoản vốn đã đầu tư và các chi phí khác đối với dự án kể từ khi dự án ngừng thi công hoặc ngừng hoạt động;

d) Tổng mức đầu tư phải điều chỉnh tăng lên so với tổng mức đầu tư ban đầu mà nguyên nhân do có hành vi vi phạm pháp luật dẫn đến phải kéo dài thời gian thực hiện dự án hoặc làm chậm tiến độ thực hiện dự án.

6. Khi cần xác định hành vi vi phạm pháp luật về thuế, tài chính, kế toán, bảo hiểm, ngân hàng, chứng khoán, đất đai, tài nguyên, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi và các lĩnh vực khác khi xét thấy cần thiết.

Như vậy, theo quy định, hướng dẫn trên thì vật chứng là động vật hoang dã và thực vật ngoại lai không thuộc trường hợp phải trưng cầu giám định. Tuy nhiên, điểm d khoản 3 Điều 106 BLTTHS năm 2015 lại quy định: “d) Vật chứng là động vật hoang dã và thực vật ngoại lai thì ngay sau khi có kết luận giám định phải giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 106 BLTTHS năm 2015 thì vật chứng là động vật hoang dã và thực vật ngoại lai lại thuộc trường hợp phải có kết luận giám định, điều này lại mâu thuẫn với chính quy định tại Điều 206 BLTTHS năm 2015, khiến các cơ quan tiến hành tố tụng gặp khó khăn, vướng mắc khi xử lý các vụ án, vụ việc liên quan đến động vật hoang dã và thực vật ngoại lai.

Mặt khác, điểm d khoản 3 Điều 106 BLTTHS năm 2015 cũng quy định đối với động vật hoang dã và thực vật ngoại lai thì ngay sau khi có kết luận giám định phải giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật. Trên thực tế không có cơ quan mà chỉ có các Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã (như: Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã và kỹ thuật bảo vệ rừng Sóc Sơn, Hà Nội; Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Cúc Phương, Ninh Bình; Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi, TP HCM…) thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, cứu hộ đối với động vật hoang dã do các cơ quan tiến hành tố tụng chuyển giao. Quy định nêu trên cũng gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng khi xử lý các vụ án, vụ việc liên quan đến động vật hoang dã.

Thiết nghĩ, liên ngành tư pháp trung ương cần khẩn trương phối hợp để hướng dẫn thống nhất việc áp dụng pháp luật về trưng cầu giám định, trong quá trình xác minh, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố cũng như trong toàn bộ quá trình điều tra, truy tố, xét xử đối với tội phạm về kinh tế, chức vụ, tham nhũng, nhằm đảm bảo cho việc áp dụng pháp luật được thống nhất, qua đó góp phần đấu tranh có hiệu quả đối với các loại tội phạm này./.

(Trích bài viết: “Một số khó khăn, vướng mắc áp dụng pháp luật trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát giải quyết án kinh tế, chức vụ” của tác giả Lê Văn Đông, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Thanh Hóa, Tạp chí Kiểm sát số 08/2018).

đánh giá bài viết

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Nếu cần BQT hỗ trợ gấp, vui lòng liên hệ hotline 1900.0164 bấm phím 0.