Thông thường, một vụ án hình sự xảy ra bao giờ cũng để lại dấu vết và những dấu vết đó được thể hiện dưới những hình thức khác nhau, mà những dấu xết này có ý nghĩa quan trọng nhằm xác định có hay không có hành vi phạm tội. Các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ căn cứ vào những dấu vết đã thu thập được để khởi tố, truy tố hay xét xử một người đã có hành vi phạm tội, những dấu vết đó được gọi là chứng cứ. Theo quy định tại Điều 86 BLTTHS 2015 thì:
Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.
Như vậy, xét về bản chất, chứng cứ là những thông tin, tài liệu hay những gì có thật được cơ quan tiến hành tố tụng thu thập, kiểm tra và đánh giá theo quy định của pháp luật nhằm phục vụ cho việc giải quyết đúng đắn vụ án hình sự. Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự thì một thông tin, tài liệu chỉ có thể được coi là chứng cứ của vụ án khi nó có đủ ba thuộc tính sau:
- Tính khách quan: Là những gì có thật và phản ánh trung thực những tình tiết của vụ án hình sự đã xảy ra.
- Tính liên quan: Có mối quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với vụ án. Nhưng cho dù là trực tiếp hay gián tiếp thì đó cũng phải là mối quan hệ nội tại, có tính nhân quả, tức là chứng cứ phải là kết quả của một loại hành vi hoặc hành động hoặc một quan hệ nhất định, ngược lại, hành vi, hành động hoặc quan hệ đó là nguyên nhân dẫn đến việc hình thành các chứng cứ này.
- Tính hợp pháp: Tất cả những gì có thật phải được cung cấp, thu thập, nghiên cứu, bảo quản theo một trình tự do luật định. Đây là trình tự nhằm bảo đảm giá trị chứng minh của chứng cứ.
Trong thực tế, tính hợp pháp của chứng cứ được xác định thông qua hoạt động chứng minh được toà án và tất cả người tham gia tố tụng thực hiện và tuân thủ.
Trong quá trình chứng minh, trong các giai đoạn tố tụng, hoạt động sử dụng chứng cứ gắn liên với hoạt động đánh giá chứng cứ, đánh giá chứng cứ và sử dụng chứng cứ có mối quan hệ chặt chẽ không tách rời. Kiểm tra, đánh giá chứng cứ là tiền đề, là điều kiện cho sử dụng chứng cứ. Sử dụng chứng cứ là sự kiểm nghiệm, xác định lại kết quả của hoạt động kiểm tra, đánh giá chứng cứ. Đánh giá chứng cứ không đúng, tất yếu dẫn đến kết quả sai lầm, không đúng đắn của việc sử dụng. Ngược lại, việc sử dụng chứng cứ sai mục đích, không phù hợp giữa nội dung, giá trị chứng minh của chứng cứ với đối tượng cần phải chứng minh là làm hạn chế kết quả của hoạt động đánh giá chứng cứ.
Kiểm tra, xác minh chứng cứ là gì?
Có thể hiểu kiểm tra, xác minh chứng cứ là việc sử dụng các biện pháp nghiệp vụ do các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện nhằm kiểm tra, xác định tính khách quan, xác thực tính liên quan và tính hợp pháp của chứng cứ.
Vì sao phải kiểm tra, xác minh chứng cứ?
Để chứng minh trong một vụ án hình sự không chỉ đơn thuần là thu thập đầy đủ chứng cứ, tài liệu theo công thức số học, liệt kê mà đỏi hỏi thông qua hoạt động của tri thức, tư duy khách quan, phân tích tổng hợp, logic biện chứng. Vì vậy, sau khi thu thập các chứng cứ thì cơ quan tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kiểm tra, đánh giá để xác định tính hợp pháp, xác thực và liên quan đến vụ án. Như vậy,hoạt động kiểm tra, đánh giá chứng cứ chính là hoạt động của tư duy biện chứng đối với các sự việc khách quan. BLTTHS năm 2015 quy định việc kiểm tra, đánh giá chứng cứ tại Điều 108.
Việc kiểm tra, đánh giá chứng cứ xoay quanh ba nội hàm chính của khái niệm chứng cứ đó là tính khách quan, tính liên quan và tính hợp pháp. Trong đó, tính khách quan là những gì có thật và phản ánh trung thực những tình tiết của vụ án hình sự đã xảy ra; tính liên quan là có mối quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với vụ án; tính hợp pháp là tất cả những gì có thật phải được cung cấp, thu thập, bảo quản theo một trình tự, thủ tục do luật định. Đây là trình tự nhằm bảo đảm giá trị chứng minh của chứng cứ, nếu thiếu một trong ba yếu tố đó thì chứng cứ đó đều không có giá trị chứng minh. Tại khoản 2 Điều 87 BLTTHS năm 2015 đã quy định rõ “Những gì có thật nhưng không được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án hình sự”. Vì vậy, đòi hỏi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phải kiểm tra đánh giá đầy đủ, khách quan, toàn diện mọi chứng cứ đã thu thập được về vụ án.
Các tìm kiếm liên quan đến vì sao phải kiểm tra xác minh chứng cứ: bảo quản chứng cứ, đánh giá chứng cứ trong tố tụng hình sự, chuyển hóa tài liệu trinh sát thành chứng cứ, thuộc tính của chứng cứ, so sánh tài liệu trinh sát và chứng cứ, chứng minh trong tố tụng hình sự, chứng cứ trong tố tụng hình sự 2015, khái niệm thu thập chứng cứ
Để lại một phản hồi