Quy định của luật pháp quốc tế và ở Việt Nam về tính độc lập và quyền miễn trừ của Thẩm phán.
Các nội dung liên quan:
- Sự công bằng, bình đẳng, đúng mực trong đạo đức Thẩm phán
- Một vài suy nghĩ về Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán
- Nguyên tắc Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật
I. Tính độc lập của Thẩm phán
1. Quy định của luật pháp quốc tế về tính độc lập của Thẩm phán
Tuyên ngôn thế giới về quyền con người (Điều 10) và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (khoản 1, Điều 14) đã tuyên bố rằng mọi người đều có quyền được xét xử công bằng và công khai bởi một Tòa án có thẩm quyền, độc lập, không thiên vị và được thành lập trên cơ sở pháp luật. Như vậy, hệ thống Tòa án độc lập là điều kiện tiên quyết trong việc bảo đảm công lý, bảo vệ quyền con người và quyền tự do cơ bản của công dân.
Tuyên bố Bắc Kinh về các nguyên tắc độc lập tư pháp đã nêu rõ độc lập tư pháp có nghĩa là:
“a) Cơ quan tư pháp quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền dựa trên sự đánh giá khách quan của mình về các sự kiện của vụ án và trình độ hiểu biết pháp luật của mình mà không chịu sự tác động sai trái, trực tiếp hay gián tiếp của bất kỳ cá nhân, tổ chức, hay cơ quan nào;
b) Cơ quan tư pháp có thẩm quyền giải quyết trực tiếp hoặc xem xét lại đối với tất cả những vấn đề mang tính chất tư pháp.”
Bản Tuyên bố cũng nhấn mạnh:
“Việc duy trì tính độc lập của cơ quan tư pháp là cần thiết để đạt được mục tiêu và thực hiện đúng chức năng của cơ quan tư pháp trong một xã hội tự do và tôn trọng pháp quyền. Sự độc lập này cần phải được Nhà nước đảm bảo và phải được quy định rõ trong Hiến pháp hoặc pháp luật”[1].
Hiệp hội Đoàn Luật sư Mỹ (the American Bar Association – ABA), cho rằng: “Tính độc lập của Tòa án bao gồm tính độc lập của cá nhân các Thẩm phán cũng như của toàn bộ hệ thống như một nhánh quyền lực nhà nước”[2].
Các cá nhân Thẩm phán là những người trực tiếp thực hiện chức năng xét xử của Tòa án, cho nên, ngoài những nội dung thuộc về tính độc lập của Tòa án, tính độc lập của các cá nhân Thẩm phán còn bao gồm việc thực hiện công việc chuyên môn của mình một cách tự do, độc lập, vô tư. Vì vậy, các văn kiện quốc tế và khu vực về quy chế Thẩm phán và đạo đức Thẩm phán đã được ban hành nhằm đưa ra những nguyên tắc căn bản để các quốc gia thành viên xây dựng chế định về Thẩm phán.
Năm 1985, Hội nghị Liên Hợp Quốc lần thứ 7 về Phòng chống tội phạm và đối xử với người phạm tội đã thông qua Các nguyên tắc cơ bản về tính độc lập của Tòa án và sau đó, được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc nhất trí thông qua bằng Nghị quyết 40/32 ngày 29-11-1985 và Nghị quyết 40/146 ngày 13-12-1985. Vì vậy, các nguyên tắc này có thể được coi là các quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc cùng nhau đưa ra tuyên bố về những vấn đề được chấp nhận trên toàn cầu về tính độc lập của Tòa án và những yêu cầu đối với cá nhân Thẩm phán[3].
Các nguyên tắc cơ bản về tính độc lập của Tòa án, năm 1985 đã chỉ rõ tính độc lập của Tòa án như sau:
1. Tính độc lập của Tòa án phải được nhà nước bảo đảm và được ghi nhận chính thức trong Hiến pháp hay pháp luật quốc gia. Nhiệm vụ của tất cả các cơ quan của chính phủ và những cơ quan khác là phải tôn trọng và tuân thủ tính độc lập của Tòa án.
2. Tòa án phải quyết định các vấn đề một cách vô tư, không thiên vị dựa trên sự việc và theo luật pháp mà không chịu những hạn chế, những ảnh hưởng không phù hợp, dụ dỗ, sức ép, đe dọa hay can thiệp sai trái, trực tiếp hay gián tiếp từ bất cứ một nguồn nào hay vì bất cứ một lý do nào.
3. Tòa án phải có quyền tài phán đối với mọi vấn đề có tính chất xét xử và phải có quyền lực riêng để quyết định xem một vấn đề được trình lên Tòa án có thuộc thẩm quyền của Tòa theo như luật pháp quy định hay không.
4. Không được can thiệp không thỏa đáng hay không có lý do xác đáng vào quá trình xét xử, cũng như không được xét lại các phán quyết của Tòa án. Nguyên tắc này không ảnh hưởng đến quá trình xét xử phúc thẩm hay việc các cơ quan có thẩm quyền giảm nhẹ các bản án mà Tòa án đã tuyên phù hợp với luật pháp.
5. Mọi người đều có quyền được xét xử bởi các Tòa án thông thường sử dụng những thủ tục pháp lý đã được ấn định. Tòa án nào không sử dụng những thủ tục đã được ấn định một cách hợp lệ trong quá trình xét xử sẽ không được thiết lập để thay thế quyền tài phán của Tòa án hoặc cơ quan xét xử thông thường.
6. Nguyên tắc độc lập xét xử của Tòa án cho phép và yêu cầu Tòa án bảo đảm rằng các thủ tục xét xử đều được tiến hành một cách đúng đắn và quyền của các bên đều được tôn trọng.
6. Nhiệm vụ của mỗi quốc gia thành viên là phải cung cấp đầy đủ các nguồn lực để ngành Tòa án có thể thực hiện tốt những chức năng của mình.
Tuyên bố Bắc Kinh về các nguyên tắc độc lập tư pháp, năm 1995; Hiến chương phổ quát về Thẩm phán năm 1999, Quy chế Thẩm phán IberoAmerica năm 2001, Nguyên tắc Bangalore về đạo đức tư pháp năm 2002 đã nêu cụ thể về nội dung tính độc lập của cá nhân Thẩm phán như sau:
- Khi xét xử, các Thẩm phán độc lập và chỉ phải tuân theo Hiến pháp và pháp luật;
- Trong quá trình xét xử, các Thẩm phán phải độc lập với các Tòa án cấp trên và với các Thẩm phán khác;
- Các phương tiện truyền thông không được tác động hoặc làm ảnh hưởng đến nội dung quyết định xét xử của Thẩm phán.
Sự độc lập này có nghĩa là cả hệ thống Tòa án và cá nhân Thẩm phán khi xét xử hoàn toàn có khả năng thực hiện công việc chuyên môn của mình mà không bị ảnh hưởng bởi những áp lực của bất cứ cơ quan, tổ chức hay cá nhân nào, bao gồm cả áp lực trong nội bộ hệ thống Tòa án.
2. Về tính độc lập của Thẩm phán ở Việt Nam
2.1. Điều 47 Sắc lệnh số 13/SL ngày 24-1-1946 quy định: “Tòa án tư pháp sẽ độc lập với các cơ quan hành chính. Các vị Thẩm phán sẽ chỉ trọng pháp luật và công lý. Các cơ quan khác không được can thiệp vào việc tư pháp”.
Điều thứ 69 Hiến pháp 1946[4] quy định: “Trong khi xét xử, các viên Thẩm phán chỉ tuân theo pháp luật, các cơ quan khác không được can thiệp”.
Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn sau khi giành được độc lập, pháp luật của Nhà nước ta đã quy định nguyên tắc Tòa án độc lập với cơ quan hành chính; khi xét xử Thẩm phán độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.
2.2. Sau khi hòa bình được lập lại, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, Nhà nước ta đã sửa đổi Hiến pháp 1946 và ban hành Hiến pháp 1959. Điều 100 Hiến pháp 1959 quy định: “Khi xét xử, Tòa án nhân dân có quyền độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”.
Điều 4 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 1960 đã quy định lại nguyên văn Điều 100 của Hiến pháp.
Tập san Tư pháp số 2 năm 1964 đã đăng bài “Cần hiểu rõ và thực hiện đúng đắn nguyên tắc “Tòa án độc lập xét xử và chỉ tuân theo pháp luật” của ông Lê Giản, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Đây là bài viết thể hiện quan điểm chính thống của Tòa án nhân dân tối cao về tính độc lập của Thẩm phán, nội dung chủ yếu như sau:
+ Thẩm phán độc lập:
– “là Thẩm phán được tự do nghiên cứu, phân tích, đánh giá bằng chứng và tự do quyết định về một vụ án cụ thể, mà không một cơ quan Nhà nước nào, một tổ chức xã hội nào hoặc bất cứ một ai được can thiệp hoặc ra chỉ thị cho họ phải giải quyết một vụ án theo hướng này hay hướng kia”.
– “Thẩm phán độc lập với ngành Công an, Kiểm sát và các đương sự, nghĩa là đối với những bằng chứng, những kết luận mà các cơ quan và đương sự trình bày trước phiên toà thì Tòa án không bắt buộc phải theo”. Sau khi thẩm tra, đánh giá tại phiên toà, Thẩm phán có quyền chấp nhận hay bác bỏ.
– Khi phúc thẩm hoặc giám đốc thẩm, Tòa án cấp trên không được xâm phạm đến sự độc lập xét xử của Tòa án cấp dưới, như định hướng việc xét xử lại vụ án.
– Khi xét xử, các Thẩm phán phải độc lập với nhau và với Hội thẩm nhân dân.
+ Thẩm phán chỉ tuân theo pháp luật:
– Khi xét xử, Thẩm phán phải căn cứ vào pháp luật hiện hành. Nếu luật pháp thiếu sót hoặc không đầy đủ thì phải tuân theo “ý thức pháp quyền xã hội chủ nghĩa”
2.3. Tiếp theo, các bản Hiến pháp 1980, 1992, 2013 và các Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 1981, 1992, 2002, 2014 cũng đều quy định: Khi xét xử, Thẩm phán độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.
2.4. Đối chiếu với quy định của pháp luật quốc tế đã nêu ở mục 1, Phần I ở trên, thì từ năm 1946 cho đến nay, pháp luật Việt Nam mới chỉ chú ý quy định về sự “độc lập của Thẩm phán” chứ chưa quan tâm về sự “độc lập của Tòa án”. Điều 2 Hiến pháp 1992 (sửa đổi) quy định: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Và khoản 3 Điều 2 Hiến pháp 2013 đã quy định bổ sung quy định này như sau: “3. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Như vậy, Hiến pháp 2013 đã quy định việc “kiểm soát” trong việc thực hiện quyền lực giữa các nhánh quyền lực nhà nước. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ cách thức “kiểm soát” như thế nào để tăng cường tính độc lập của Tòa án.
Trong đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước “Phân công, phối hợp quyền lực và kiểm soát quyền lực trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, các tác giả đã nêu ý kiến như sau: “Về quyền tư pháp là quyền bảo vệ ý chí chung của Quốc gia. Quyền này được giao cho Tòa án. Hiến pháp nước ta quy định có thẩm quyền xét xử các vụ án hình sự, dân sự, kinh tế, hành chính, lao động… Nội dung của quyền xét xử như vậy là chưa đầy đủ. Có những thẩm quyền, theo lý luận về Hiến pháp và tổ chức chính quyền, vốn được quan niệm thuộc quyền của Tòa án nhưng chưa được trao cho Tòa án. Tòa án không được xét xử tính hợp hiến, hợp pháp của các văn bản quy phạm pháp luật thay vì quyền này được giao cho nhiều cơ quan khác nhau như Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, quyền giải thích Hiến pháp và pháp luật, theo nguyên lý vốn thuộc quyền của Tòa án, nhưng được Hiến pháp và pháp luật phân công quyền tư pháp nên quyền này được thực hiện rất ít trên thực tế. Sẽ hợp lý hơn nếu Tòa án được trao những quyền: xét xử tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản quy phạm pháp luật, giải thích hiến pháp và pháp luật.
… Việc Viện kiểm sát có quyền kiểm sát hoạt động tư pháp là không phù hợp trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Bởi vì, việc thực hiện thẩm quyền kiểm sát hoạt động tư pháp, chủ yếu là hoạt động xét xử sẽ ảnh hưởng đến nguyên tắc độc lập của Tòa án”[5].
Chúng tôi cho rằng, nếu Tòa án được trao quyền xét xử tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản quy phạm pháp luật, giải thích Hiến pháp và pháp luật; và nếu bãi bỏ quyền kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát như ý kiến đề xuất nêu trên sẽ góp phần rất quan trọng trong việc tăng cường tính độc lập của Tòa án.
Một vấn đề quan trọng khác là trong các bộ luật tố tụng ban hành năm 2015 đều có một chương về “Thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao”: Chương XXVII Bộ luật Tố tụng hình sự, Chương XXII Bộ luật Tố tụng dân sự, Chương XVII Luật Tố tụng hành chính. Theo đó, “Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cùng với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có quyền yêu cầu, kiến nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xem xét lại quyết định của mình. Khi có căn cứ xác định quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định mà Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao không biết được khi ra quyết định đó”[6].
Chúng tôi cho rằng, quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân có quyền yêu cầu, kiến nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xem xét lại quyết định của mình như nêu trên là không hợp lý, làm ảnh hưởng đến tính độc lập của Tòa án.
Nhiều quốc gia trên thế giới đều tổ chức nhà nước theo nguyên tắc tam quyền phân lập, do đó, tính độc lập của Tòa án được xác định rõ ràng. Việt Nam không tổ chức nhà nước theo nguyên tắc đó, do vậy, cần tiếp tục nghiên cứu làm rõ cơ chế “phân công, phối hợp, kiểm soát” trong việc thực hiện quyền lực nhà nước để bảo đảm tăng cường tính độc lập của Tòa án.
II. Về quyền miễn trừ của Thẩm phán
1. Quyền miễn trừ của Thẩm phán theo quy định của luật pháp quốc tế
1.1. Nguyên tắc thứ 16 của Các nguyên tắc cơ bản về tính độc lập của Tòa án năm 1985, quy định:
Phù hợp với luật pháp quốc gia, Thẩm phán được hưởng quyền miễn trừ trong các vụ kiện dân sự vì những thiệt hại về tiền bạc gây ra bởi những hành động không đúng hoặc những sai sót trong khi thực hiện chức năng xét xử, và việc được hưởng quyền miễn trừ này không ảnh hưởng gì đến bất kỳ thủ tục kỷ luật nào hoặc quyền kháng cáo nào cũng như đến việc bồi thường từ phía nhà nước.
1.2. Tuyên bố Bắc Kinh về các nguyên tắc độc lập tư pháp cũng nêu rõ:
32. Thẩm phán được hưởng quyền miễn trừ trách nhiệm cá nhân đối với các vụ kiện dân sự đòi bồi thường những thiệt hại về vật chất gây ra do hành vi sai trái hoặc những sai sót của mình khi thực hiện chức năng xét xử. Quy định này không ảnh hưởng đến việc thực hiện các thủ tục thi hành kỷ luật đối với Thẩm phán, hoặc quyền khiếu nại cũng như yêu cầu bồi thường từ phía nhà nước theo quy định của pháp luật nước đó.
1.3. Điều 10 Hiến chương phổ quát về Thẩm phán cũng quy định về trách nhiệm dân sự và hình sự của Thẩm phán như sau:
Tại các quốc gia khi điều này được chấp nhận, hành vi dân sự, hình sự, bắt giữ Thẩm phán chỉ được cho phép trong trường hợp bảo đảm không làm ảnh hưởng đến sự độc lập của họ.
1.4. Điều 19 Quy chế Thẩm phán IberoAmerica quy định về nguyên tắc trách nhiệm pháp lý của Thẩm phán như sau:
Các Thẩm phán có thể bị chịu trách nhiệm hình sự, dân sự và kỷ luật theo quy định của pháp luật…
Điều này có nghĩa rằng, quy định về trách nhiệm dân sự, hình sự của Thẩm phán phải bảo đảm không ảnh hưởng đến sự độc lập của họ.
2. Quyền miễn trừ theo quy định của Việt Nam
Việc quy định Thẩm phán phải có nghĩa vụ hoàn trả khoản bồi thường trong những vụ án oan sai “do lỗi” của mình là quy định không hợp lý, không phù hợp với quy định của luật pháp quốc tế về quyền miễn trừ của Thẩm phán. Quy định này làm Thẩm phán lo ngại về một trách nhiệm kinh tế và làm nảy sinh mối nghi ngờ của công chúng là Thẩm phán ra bản án nhằm tránh rủi ro về hậu quả kinh tế cá nhân, chứ không phải dựa trên nội dung vụ án. Chúng tôi cho rằng quy định này cần phải được bãi bỏ.
[1] Tuyên bố Bắc Kinh về các nguyên tắc độc lập tư pháp (Tuyên bố này được thông qua bởi Chánh án Toà án tối cao của 20 nước, trong đó có Việt Nam, ngày 19-8-1995, tại Hội nghị của Chánh án Toà án tối cao khu vực Châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 6 tổ chức tại Bắc Kinh)
[2] Dẫn theo Tô Văn Hoà – Tính độc lập của Toà án – NXB Lao động – Hà Nội, 2007, tr79
[3] Cao uỷ Liên hợp quốc về quyền con người – Sổ tay về quyền con người dành cho Thẩm phán, Công tố viên và Luật sư
[4] Bản Hiến pháp này đã được Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà thông qua ngày 09-11-1946. Tuy nhiên, bản Hiến pháp này chưa được ban hành vì chỉ hơn một tháng sau (19-12-1946) toàn quốc đi vào kháng chiến nên không tổ chức được tổng tuyển cử bầu Quốc hội mới và tổ chức bộ máy Nhà nước như quy định của bản Hiến pháp này.
[5] Đề tài do GS. TS. Trần Ngọc Đường và TS. Lê Thanh Vân thực hiện năm 2010 (điểm a, 1.1, 1, II, Chương II, Phần thứ ba)
[6] Vấn đề cũng đã được quy định tại Luật tố tụng hành chính năm 2010, Luật sửa đổi một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự (ngày 29-3-2011)
NGÔ CƯỜNG – Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế TANDTC
Nguồn: Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử (http://tapchitoaan.vn)
Để lại một phản hồi