Một vài suy nghĩ về Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán

Chuyên mụcCafe Dân Luật, Thảo luận pháp luật Thẩm phán

Để cụ thể hóa các lời dạy của Bác Hồ về đạo đức Cách mạng đối với Thẩm phán Tòa án, ngày 04/7/2018 Hội đồng Tuyển chọn, Giám sát Thẩm phán quốc gia đã ban hành Quyết định số 87/QĐ-HĐTC và ban hành Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán kèm theo Quyết định số 87/QĐ-HĐTC Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán có 3 Chương với 17 Điều.

 

Các nội dung liên quan:

 

Đạo đức Cách mạng đối với công chức nói chung, đối với Thẩm phán Tòa án nói riêng luôn luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm giáo dục, nhắc nhở. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng rất quan tâm đến đạo đức cách mạng đối với cán bộ tư pháp. Trong thư gửi Hội nghị Tư pháp toàn quốc (tháng 2-1948), Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “… Các bạn là những người phụ trách thi hành pháp luật. Lẽ tất nhiên các bạn cần phải nêu cao cái gương Phụng công thủ pháp, chí công vô tư cho nhân dân noi theo…” (Những lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch – Tập I NXB Sự thật,1958 – tr. 235 ).

Tại lớp học của cán bộ Ngành Tư pháp năm 1950, Bác Hồ nói: “Luật pháp là vũ khí của một giai cấp thống trị, dùng để trừng trị giai cấp chống lại mình… Trong công tác xử án phải công bằng, liêm khiết, trong sạch. Như thế cũng chưa đủ. Không thể chỉ hạn chế hoạt động của mình trong khung Tòa án. Phải gần dân, hiểu dân, giúp dân học dân. Giúp dân, học dân để giúp mình thêm liên khiết, thêm công bằng. Thêm nữa là phải luôn cố gắng học tập lý luận, học tập đường lối, chính sách của Chính phủ… Tóm lại: Các chú phải công bằng, liêm khiết, trong sạch, gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân. ( Nhà nước và pháp luật. Tập III Nhà xuất bản Lao động, 1971, tr. 138, 142 ).

Các bài viết, bài nói của Bác Hồ về đạo đức cách mạng đối với công chức nói chung, đối với Thẩm phán Tòa án nói riêng Bác Hồ luôn luôn nói đến người thi hành pháp luật phải: Công bằng, liêm khiết, trong sạch; Phụng công thủ pháp chí công vô tư, gần dân, giúp dân học dân để giúp mình thêm liêm khiết, thêm công bằng.

Để cụ thể hóa các lời dạy của Bác Hồ về đạo đức Cách mạng đối với Thẩm phán Tòa án, ngày 04/7/2018 Hội đồng Tuyển chọn, Giám sát Thẩm phán quốc gia đã ban hành Quyết định số 87/QĐ-HĐTC và ban hành Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán kèm theo Quyết định số 87/QĐ-HĐTC Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán có 3 Chương với 17 điều. Cụ thể là:

Chương I: “Những quy định chung” với hai điều :

Điều 1: Quy định: Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng với nội dung: “Bộ quy tắc áp dụng đối với Thẩm phán công tác tại Tòa án nhân dân, Tòa án quân sự các cấp, khuyến khích áp dụng đối với các Thẩm phán đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác”.

Điều 2: Quy định: Yêu cầu chung với nội dung: “Thẩm phán phải là người trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp, có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần dũng cảm, kiên quyết bảo vệ công lý, liêm khiết và trung thực. Thẩm phán phải là tấm gương về độc lập, khách quan, công bằng, tận tụy và chỉ tuân theo pháp luật khi thi hành công vụ. 

Chương II quy định “Những Chuẩn mực đạo đức của Thẩm phán”. Theo quy định tại Chương này, có 7 (bảy) chuẩn mực đạo đức của Thẩm phán được quy định từ Điều 3 đến Điều 9. Các chuẩn mực đạo đức của Thẩm phán là:

– Chuẩn mực về “Tính độc lập” trong quá trình giải quyết vụ án độc lập với các thành viên của Hội đồng xét xử, với người tiến hành tố tụng khác…

– Chuẩn mực về “Sự liêm chính” trong sạch, thẳng thắn trung thực, không lợi dụng địa vị để mưu cầu lợi ích cho mình hoặc cho người khác. Không đòi hỏi nhận tiền, tài sản, những lợi ích khác từ bất kỳ ai vì lý do liên quan đến công việc mà Thẩm phán giải quyết.

Thẩm phán phải công khai thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật.

– Chuẩn mực về “Sự vô tư, khách quan”. Thực hiện nhiệm vụ một cách đúng đắn, không vì lợi ích cá nhân, không thiên vị bất cứ bên nào trong vụ việc mà phải căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được xem xét công khai tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa và căn cứ vào quy định của pháp luật, những nguyên tắc cơ bản của pháp luật, án lệ, tập quán để giải quyết các vấn đề của vụ việc.

Thẩm phán không được có bất cứ phát biểu hay bình luận nào tại phiên tòa, phiên họp trước công chúng hoặc truyền thông làm ảnh hưởng tới việc giải quyết vụ việc một cách vô tư, khách quan.

– Chuẩn mực về “Sự công bằng, bình đẳng”. Có trách nhiệm bảo đảm sự công bằng, bình đẳng để người tham gia tố tụng thực hiện đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của họ trong quá trình giải quyết vụ việc tại Tòa án.

– Chuẩn mực về “Sự đúng mực”. Trong mọi hoạt động của mình, Thẩm phán phải hành xử đúng mực, lịch thiệp, thận trọng duy trì trật tự và sự tôn nghiêm trong quá trình tố tụng.

Tại phiên tòa, phiên họp hoặc trong các văn bản tố tụng, thẩm phán không được đưa ra những nhận định gây xúc phạm người khác.

– Chuẩn mực về :“Sự tận tụy và không chậm trễ”. Tận tụy với công việc cống hiến hết mình trong việc thực hiện nhiệm vụ tư pháp, giải quyết nhanh nhất các vụ việc được giao. Tuyệt đối tuân thủ các quy định của pháp luật không để các vụ việc quá hạn luật định vì những nguyên nhân chủ quan.

– Chuẩn mực về “Năng lực và sự chuyên cần”. Phải thường xuyên học tập, rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm chuyên môn để nâng cao kiến thức pháp luật trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng xét xử, bản lĩnh nghề nghiệp và khả năng chuyên nghiệp của người Thẩm phán.

Thẩm phán luôn tự cập nhật thông tin để nắm bắt đầy đủ, kịp thời, sâu sắc về sự phát triển của pháp luật, các vấn đề quan trọng của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội trong nước và quốc tế, hỗ trợ cho việc áp dụng pháp luật được đúng đắn phù hợp với lẽ phải.

Thẩm phán phải chuyên tâm thực hiện các nhiệm vụ được giao, tích cực làm việc với tinh thần: “Làm hết việc, không làm hết giờ. 

Chương III quy định: “Những quy tắc ứng xử của Thẩm phán:. Theo quy định tại Chương này thì Thẩm phán có 08 (tám) quy tắc ứng xử, được quy định từ Điều 10 đến Điều 17.

Ứng xử theo Từ điển Tiếng Việt là: Có thái độ, hành động, lời nói thích hợp trong việc xử sự (Từ điển Tiếng Việt – Viện Ngôn ngữ học. Nhà xuất bản Đà Nẵng – Trung tâm Từ điển học, 2002, tr 1091).

Các quy tắc ứng xử của Thẩm phán là: 

– Ứng xử khi thực hiện nhiệm vụ có: quy định những việc Thẩm phán phải làm và những việc Thẩm phán không được làm. Cụ thể như sau: 

Những việc Thẩm phán phải làm có 06 (sáu) loại việc bao gồm:

Thực hiện việc giải quyết các vụ việc được phân công theo đúng quy định của pháp luật.

Bảo đảm dân chủ, nghiêm minh, khách quan trong giải quyết các vụ việc, lắng nghe, tôn trọng ý kiến của những người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng.

Giải thích, hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi cho người, tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của họ theo quy định của pháp luật.

Tiếp xúc với cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến vụ việc mà mình có thẩm quyền giải quyết đúng nơi quy định.

Từ chối tiến hành tố tụng theo quy định của pháp luật.

Phát hiện và kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ văn bản pháp luật trái với Hiến pháp, Luật, Nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ, Quốc hội để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Những việc Thẩm phán không được làm có 09 (chín) loại việc bao gồm:

Những việc pháp luật quy định công dân không được làm.

Tư vấn cho bị can, bị cáo, đương sự, người tham gia tố tụng khác làm cho việc giải quyết vụ việc không đúng quy định của pháp luật.

Can thiệp trái pháp luật vào việc giải quyết vụ việc hoặc lợi dụng ảnh hưởng của mình tác động đến người có trách nhiệm giải quyết vụ việc.

Mang hồ sơ vụ việc hoặc tài liệu trong hồ sơ vụ việc ra khỏi cơ quan nếu không vì nhiệm vụ được giao hoặc được sự đồng ý của người có thẩm quyền.

Tiếp xúc bị can, bị cáo, đương sự, người tham gia tố tụng khác trong vụ việc mà mình có thẩm quyền giải quyết không đúng nơi quy định.

Sách nhiễu, trì hoãn, gây khó khăn phiền hà cho người dân, bị can, bị cáo, đương sự, người tham gia tố tụng khác và người tiến hành tố tụng.

Truy, ép gợi ý cho bị can, bị cáo, đương sự, người tham gia tố tụng khác và người tiến hành tố tụng cung cấp tài liệu, khai báo, trình bày sự việc không khách quan, trung thực.

Tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật công tác của mình, của cán bộ, công chức thuộc Tòa án và các cơ quan liên quan khác.

Tiết lộ bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của bị can, bị cáo, đương sự, người tham gia tố tụng khác trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

– Ứng xử tại cơ quan, có quy định những việc Thẩm phán phải làm và những việc Thẩm phán không được làm. Cụ thể là:  

Những việc Thẩm phán phải làm có 06 (sáu) loại việc, bao gồm: Thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn được phân công và chịu trách nhiệm về các quyết định của mình.  Giữ gìn đoàn kết trong cơ quan, đơn vị, tôn trọng và thực hiện quy chế dân chủ của cơ quan, phát huy dân chủ, kinh nghiệm, sáng tạo của cán bộ, công chức khi thực hiện nhiệm vụ. Tích cực thực hiện các quy định về phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, các quy định khác về cán bộ, công chức và thi hành công vụ. Chấp hành quyết định hành chính của người lãnh đạo, quản lý. khi thực hiện quyết định hành chính của người lãnh đạo, quản lý nếu có căn cứ cho rằng những quyết định đó là vi phạm pháp luật hoặc không phù hợp với thực tế thì phải báo cáo ngay với người ra quyết định, trường hợp vẫn phải chấp hành quyết định thì báo cáo với cấp trên trực tiếp của người ra quyết định và không phải chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thực hiện quyết định đó gây ra.

Chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật quy định quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị.

Ứng xử có văn hóa, tôn trọng bảo vệ danh dự, uy tín của lãnh đạo và đồng nghiệp, hợp tác với đồng nghiệp để hoàn thành nhiệm vụ được giao.  

– Những việc thẩm phán không được làm có 03 (ba) loại việc, bao gồm: Thực hiện không đúng thẩm quyền, lạm quyền, vượt quyền; Đùn đẩy trách nhiệm cho người khác; Trù dập, lợi dụng việc góp ý phê bình làm tổn hại đến danh dự, uy tín của cán bộ công chức.

– Ứng xử với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có quan hệ công tác và thông tấn, báo chí, có quy định 04 loại ứng xử bao gồm: 

Một là: Thẩm phán chỉ phát ngôn, cung cấp thông tin tài liệu về xét xử, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và cơ quan thông tấn, báo chí khi được cấp lãnh đạo có thẩm quyền phân công theo nội dung quy định của pháp luật.

Hai là: Khi chưa ban hành bản án, quyết định. Thẩm phán không được phát biểu công khai quan điểm của mình về việc giải quyết vụ việc.

Ba là: Thẩm phán không được cung cấp bản án, quyết định cho thông tấn, báo chí và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác, trừ các hình thức đã được pháp luật quy định.

Bốn là: Thẩm phán có thể tham gia phỏng vấn, khảo sát dựa trên kinh nghiệm công tác chuyên môn để phục vụ nghiên cứu khoa học trong nước và quốc tế khi hoạt động này không gây ảnh hưởng đến giải quyết vụ việc.  

 Ứng xử với cơ quan; tổ chức, cá nhân nước ngoài có 02 (hai) quy định, bao gồm:

+ Thẩm phán phải thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và quy chế của Tòa án, cơ quan đơn vị khi quan hệ với cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài.

+ Thẩm phán không được lợi dụng các hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế để mưu cầu lợi ích cá nhân dưới bất kỳ hình thức nào.

 – Ứng xử tại nơi cư trú có 03 (ba) quy định, bao gồm:

+ Thẩm phán phải thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tham gia sinh hoạt và chấp hành đầy đủ nghĩa vụ ở nơi cư trú, chịu sự giám sát của tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân.

+ Thẩm phán phải tham gia tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng đến nhân dân.

+ Thẩm phán không được can thiệp trái pháp luật vào hoạt động của các cơ quan tổ chức, cá nhân nơi cư trú. Không tham gia, xúi giục, kích động, bao che các hành vi trái pháp luật.

– Ứng xử tại gia đình có 04 (bốn) quy định, bao gồm:

+ Thẩm phán phải xây dựng gia đình có văn hóa, thực hiện nghiêm chỉnh quyền và nghĩa vụ công dân, có nếp sống văn hóa theo phong tục, tập quán và truyền thống Việt Nam.

+ Thẩm phán phải tuyên truyền, giáo dục, vận động thành viên trong gia đình chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước.

+ Thẩm phán không được để thành viên trong gia đình lợi dụng danh nghĩa của Thẩm phán để vụ lợi.

+ Thẩm phán không được tổ chức cưới hỏi, ma chay, mừng thọ, sinh nhật, tân gia và các việc khác xa hoa, lãng phí hoặc để vụ lợi.

– Ứng xử tại nơi công cộng có 04 (bốn) quy định bao gồm:

+ Thẩm phán phải chấp hành các quy định của pháp luật và quy tắc sinh hoạt nơi công cộng, ứng xử phù hợp với các giá trị đạo đức của Thẩm phán.

+ Thẩm phán phải kịp thời thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết các thông tin về hành vi vi phạm pháp luật.

+ Thẩm phán không được lợi dụng chức danh của mình để vụ lợi khi tham gia các hoạt động xã hội.

+ Thẩm phán không được tiếp tay hoặc bao che cho hành vi vi phạm pháp luật.

 – Ứng xử đối với các hoạt động ngoài nhiệm vụ xét xử có 02 (hai) quy định bao gồm:

+ Thẩm phán phải ưu tiên sử dụng quỹ thời gian làm việc để thực hiện nhiệm vụ xét xử.

+ Thẩm phán được viết báo, viết sách, nghiên cứu khoa học, giảng dạy hoặc các hoạt động có thu nhập khác theo quy định của pháp luật, trừ những việc có thể ảnh hưởng đến các giá trị đạo đức của Thẩm phán.

Theo chúng tôi, Bảy chuẩn mực đạo đức và tám quy tắc ứng xử của Thẩm phán quy định tại “Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán” ban hành kèm theo Quyết định số 87/QĐ-HĐTC ngày 04 tháng 7 năm 2018 của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia mà chúng tôi trình bày ở trên là nhằm mục đích:

– Để Thẩm phán tự học tập nâng cao trình độ chuyên môn, tự rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, hoàn thành tốt công việc được giao và trọng trách cao quý của mình được Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam giao là khi xét xử được Nhân danh Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khi tuyên án giải quyết vụ án.

– Để Cơ quan quản lý Thẩm phán có căn cứ đánh giá, nhận xét Thẩm phán một cách khách quan theo các tiêu chí quy định về chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực ứng xử với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công việc, trong đời sống thường ngày.

– Để nhân dân nơi Thẩm phán cư trú, để công chức, người lao động nơi Thẩm phán làm việc và để người tham gia tố tụng vụ án giám sát, đánh giá Thẩm phán một cách khách quan theo một chuẩn mực, tiêu chí thống nhất.

ĐỖ VĂN CHỈNH

Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử (http://tapchitoaan.vn)

đánh giá bài viết

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền