Hiện nay, tình trạng vi phạm an toàn giao thông dẫn đến chết người ngày một tăng. Vậy liệu có trường hợp nào, gây tai nạn chết người mà không phải ngồi tù không?
Các nội dung liên quan:
- Các mức phạt vi phạm giao thông 2019 theo Nghị định 46
- Toàn bộ lỗi vi phạm khiến bạn bị tước Giấy phép lái xe
- Luật Giao thông đường bộ: 12 quy định mới nhất ai cũng cần biết
Gây tai nạn giao thông có thể phải ngồi tù đến 15 năm
Theo quy định tại Điều 4 Luật Giao thông đường bộ 2008, sửa đổi, bổ sung 2018, việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là trách nhiệm của tất cả mọi người. Đặc biệt là người tham gia giao thông.
Trong đó, người tham gia giao thông gồm người điều khiển, người sử dụng phương tiện; người điều khiển, dẫn dắt súc vật; người đi bộ. Những người này phải có ý thức tự giác, nghiêm chỉnh chấp hành quy tắc giao thông, giữ gìn an toàn cho mình và cho người khác.
Khi xảy ra tai nạn, dẫn đến hậu quả thì chủ phương tiện và lái xe phải có trách nhiệm trước pháp luật.
Theo đó, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 quy định trách nhiệm của người tham gia giao thông khi gây ra tai nạn tại Điều 260. Cụ thể, người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông gây thiệt hại cho người khác sẽ bị phạt tù trong trường hợp:
– Làm chết người;
– Gây tổn hại sức khỏe, thương tích của 01 người với tỷ lệ 61% trở lên;
– Gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng;
Căn cứ vào mức độ, tính chất của hành vi, người nào phạm tội này có thể bị phạt cao nhất lên đến 15 năm tù nếu:
– Làm chết 03 người trở lên;
– Gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe của 03 người trở lên với tổng tỷ lệ là 201% trở lên;
– Gây thiệt hại về tài sản từ 1,5 tỷ đồng trở lên;
Như vậy, trong trường hợp làm chết người khi vi phạm giao thông thì sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Nghiêm trọng hơn có thể bị phạt tù đến 15 năm.
Khi nào lái xe gây tai nạn chết người mà không phải ngồi tù?
Với quy định nêu trên, người tham gia giao thông chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự nếu:
– Không chấp hành quy định về an toàn giao thông
– Gây ra hậu quả chết người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo quy định tại Bộ luật Hình sự.
Do đó, nếu chỉ gây hậu quả chết người nhưng không vi phạm quy định giao thông: đi đúng phần đường, đúng tốc độ… chấp hành đúng Luật Giao thông đường bộ thì sẽ không bị xử lý trách nhiệm hình sự.
Lúc này, người gây ra tai nạn chỉ phải bồi thường thiệt hại cho người bị tai nạn.
Theo đó, trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi xảy ra tai nạn giao thông được xác định như sau:
– Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường nhưng hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại thì không phải bồi thường. Người gây ra thiệt hại sẽ không phải bồi thường phần thiệt hại do người bị thiệt hại gây ra.
– Các bên có thể thỏa thuận về: Mức, hình thức, phương thức bồi thường, …
– Các loại thiệt hại được đền bù nếu gây ra tai nạn chết người:
+ Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
+ Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại;
+ Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị;
+ Chi phí hợp lý cho việc mai táng;
+ Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;
+ Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận…
Nguồn: Luatvietnam.vn
(https://luatvietnam.vn/hinh-su/lai-xe-gay-tai-nan-chet-nguoi-569-20407-article.html)
Để lại một phản hồi