Triệu tập Điều tra viên đến phiên tòa tại Bộ luật Tố tụng hình sự 2015

Chuyên mụcLuật tố tụng hình sự, Thảo luận pháp luật Điều tra viên

Triệu tập Điều tra viên đến phiên tòa để trình bày các vấn đề liên quan đến vụ án quy định tại Điều 296, Điều 317 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015. Qua nghiên cứu và thực tiễn giải quyết vụ án hình sự, quy định triệu tập Điều tra viên tham gia phiên tòa còn nhiều vấn đề phải được hướng dẫn để thực hiện thống nhất và có hiệu quả hơn.

Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 nhấn mạnh việc nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa xét xử, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp. Tranh tụng được coi là khâu đột phá trong hoạt động xét xử, chất lượng tranh tụng sẽ góp phần nâng cao chất lượng xét xử, chống oan sai và bảo vệ các quyền cơ bản của người bị buộc tội. Vì vậy Điều 26, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 (BLTTHS) quy định “Trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, Điều tra viên, Kiểm sát viên, người bị buộc tội, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác đều có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, đánh giá chứng cứ, đưa ra yêu cầu để làm rõ sự thật khách quan của vụ án”.

BLTTHS năm 2015 có một số quy định mới để bảo đảm cho việc tranh tụng đạt chất lượng cao và thực chất. Trong đó, quy định tại Điều 296, Điều 317 về triệu tập Điều tra viên đến phiên tòa để trình bày các vấn đề liên quan đến vụ án là thể hiện của nguyên tắc tranh tụng trong quá trình giải quyết vụ án, quy định này không những có lợi cho bị cáo mà còn giúp Hội đồng xét xử nhận định đúng bản chất khách quan của sự việc để giải quyết vụ án nhanh chóng và triệt để; giúp cơ quan tố tụng có thể khắc phục, sửa đổi, bổ sung kịp thời các vấn đề liên quan đến vụ án ngay tại phiên tòa.

Qua nghiên cứu và thực tiễn giải quyết vụ án hình sự nhận thấy một số vấn đề về quy định triệu tập Điều tra viên tham gia phiên tòa cần được hướng dẫn để áp dụng thống nhất và có hiệu quả hơn.

1. Xác định những nội dung Điều tra viên sẽ làm rõ tại phiên tòa

Điều 317, BLTTHS năm 2015 quy định việc triệu tập Điều tra viên để trình bày ý kiến để làm rõ những quyết định, hành vi tố tụng trong giai đoạn điều tra. Từ ngày 01/01/2018 BLTTHS năm 2015 có hiệu lực thi hành cho đến nay, qua theo dõi nhận thấy có nhiều phiên tòa Hội đồng xét xử triệu tập Điều tra viên đến tham dự phiên tòa để làm rõ các nội dung sau:

– Tại phiên tòa bị cáo tố cáo Điều tra viên bức cung, nhục hình hoặc chỉnh sửa trong hồ sơ vụ án, như: Ngày 10/8/2018 Tòa án nhân dân huyện Mê Linh tiếp tục mở phiên tòa xét xử các bị cáo Bùi Văn Thành (SN 1993) và Bùi Đại Chức, Bùi Văn Tuấn, Bùi Tiến Dũng đều SN 1997 và cùng trú tại xã Tam Đồng, huyện Mê Linh, TP. Hà Nội về tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác”.

Đối với lời khai của các bị cáo cho rằng bị ép cung, nhục hình tại Cơ quan Điều tra, Hội đồng xét xử đã triệu tập Điều tra viên Hoàng Văn Tùng, Cơ quan Cảnh sát điều tra huyện Mê Linh đến phiên tòa để làm rõ nội dung lời khai của Bị cáo (1).

– Liên quan đến nội dung tài liệu chứng cứ trong hồ sơ vụ án, kết quả điều tra vụ án, như: Trong xét xử vụ án “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản” xảy ra tại Tập đoàn dầu khí Việt Nam và Tổng công ty xây lắp dầu khí Việt Nam: Cho rằng cơ quan điều tra kết luận Trịnh Xuân Thanh không thành khẩn khai báo, gây bất lợi cho thân chủ của mình nên luật sư đã chất vấn điều tra viên tại tòa (2).

1.1. Đối với vấn đề tố cáo Điều tra viên dùng bức cung, nhục hình hoặc chỉnh sửa trong hồ sơ vụ án.

Qua theo dõi một số phiên tòa thấy rằng, khi bị cáo tố cáo Điều tra viên bức cung nhục hình thì Điều tra viên trả lời là việc tiến hành hỏi cung bị can theo đúng quy định của BLTTHS, quá trình hỏi cung tôn trọng danh dự, nhân phẩm, sức khỏe của bị can, không có bức cung nhục hình. Hội đồng xét xử hỏi thêm bị cáo có tài liệu chứng cứ gì thể hiện bị bức cung, nhục hình không thì bị cáo không trả lời được hoặc trả lời là không. Do đó, việc bị cáo tố cáo Điều tra viên tại phiên tòa về bị bức cung, nhục hình hoặc làm sai lệnh hồ sơ vụ án là không có căn cứ để giải quyết.

Trong thời gian tới, việc triệu tập Điều tra viên đến phiên tòa để giải quyết vấn đề này theo chúng tôi là không cần thiết vì những lý do sau:

Một là: Hành vi bức cung, nhục hình, chỉnh sửa tài liệu trong hồ sơ vụ án là hành vi bị nghiêm cấm trong điều tra vụ án, Điều tra viên có hành vi bức cung, nhục hình, chỉnh sửa tài liệu, hồ sơ nếu đủ căn cứ, có tài liệu chứng minh được thì Điều tra viên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo về các tội “Tội dùng nhục hình” (Điều 373); “Tội bức cung” (Điều 374) “Tội làm sai lệnh hồ sơ vụ án” (Điều 375), thực tế thời gian qua có nhiều Điều tra viên đã bị truy tố về các tội danh này.

Hai là: Theo quy định trước khi hỏi cung bị can, Điều tra viên phải thông báo thời gian, địa điểm cho Kiểm sát viên, nếu xét thấy cần thiết, Kiểm sát viên trực tiếp tham gia việc hỏi cung bị can. Kiểm sát viên xác định nội dung cần làm rõ để yêu cầu Điều tra viên, cán bộ điều tra hỏi nhằm làm rõ những vấn đề cần phải chứng minh. Kiểm sát viên chú ý cách đặt câu hỏi của Điều tra viên, cán bộ điều tra, bảo đảm không để xảy ra việc bức cung, mớm cung, dụ cung; chú ý câu trả lời của bị can để phát hiện tình tiết mới, những điểm chưa rõ và yêu cầu Điều tra viên, cán bộ điều tra hỏi làm rõ.
Trong giai đoạn điều tra, Kiểm sát viên trực tiếp hỏi cung bị can trong các trường hợp sau: Bị can kêu oan; Bị can khiếu nại hoạt động điều tra; Có căn cứ xác định việc điều tra vi phạm pháp luật;

Kiểm sát viên phải kịp thời phát hiện, mở sổ theo dõi, tổng hợp vi phạm pháp luật trong hoạt động điều tra của Cơ quan có thẩm quyền điều tra, điều tra viên, Cán bộ điều tra để yêu cầu khắc phục; báo cáo lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện yêu cầu Thủ trưởng Cơ quan Điều tra có thẩm quyền điều tra xử lý nghiêm minh điều tra viên, cán bộ điều tra vi phạm pháp luật khi tiến hành hoạt động điều tra.

Nếu vi phạm của Điều tra viên, cán bộ điều tra có dấu hiệu tội phạm thì lãnh đạo Viện kiểm sát yêu cầu Cơ quan có thẩm quyền điều tra khởi tố vụ án hình sự; nếu có dấu hiệu tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp thì báo cáo lãnh đạo VKSNDTC, lãnh đạo VKSQSTW để chỉ đạo Cơ quan điều tra VKSNDTC, Cơ quan điều tra VKSQSTW xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.

Như vậy hoạt động hỏi cung bị can của Điều tra viên được kiểm sát chặt chẽ của Kiểm sát viên nếu Điều tra viên có hành vi bức cung, nhục hình, làm sai lệnh hồ sơ vụ án thì đã được Kiểm sát viên phát hiện và báo cáo với cơ quan cơ thẩm quyền để xử lý theo quy định. Do đó tại phiên tòa, bị cáo khai báo bị bức cung, nhục hình hoặc làm sai lệnh hồ sơ vụ án thì trách nhiệm trả lời, làm rõ vấn đề này thuộc về Kiểm sát viên.

Ba là: Nếu Kiểm sát viên không phát hiện được thì trong quá trình chuẩn bị xét xử, Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa xác định có căn cứ Điều tra viên có hành vi bức cung, nhục hình hoặc chỉnh sửa tài liệu là căn cứ để trả hồ sơ điều tra bổ sung theo quy định tại Thông tư liên tịch số 02/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP ngày 22/12/2017 quy định việc phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong thực hiện một số quy định của BLTTHS về trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

1.2. Đối với vấn đề triệu tập Điều tra viên đến phiên tòa để làm rõ một số tài liệu chứng cứ, kết quả điều tra vụ án

Giai đoạn điều tra được bắt đầu từ khi tiếp nhận giải quyết tin báo, tố giác tội phạm đến khi kết thúc điều tra ra bản kết luận điều tra đề nghị truy tố. Khi điều tra vụ án hình sự, Điều tra viên tiến hành các nhiệm vụ theo quy định, quá trình thực hiện nhiệm vụ điều tra vụ án dưới sự kiểm sát của Kiểm sát viên.

Theo quy định Kiểm sát viên phải kiểm sát chặt chẽ hoạt động điều tra của Điều tra viên, bảo đảm các yêu cầu điều tra được thực hiện đầy đủ. Khi thấy có vấn đề cần phải điều tra thêm, Kiểm sát viên kịp thời bổ sung yêu cầu điều tra; nếu Điều tra viên đề nghị, Kiểm sát viên có trách nhiệm giải thích rõ nội dung những yêu cầu điều tra.

Yêu cầu điều tra được thể hiện liên tục bằng văn bản, lời nói, trực tiếp. Có thể đề ra yêu cầu điều tra bằng lời nói trong quá trình trực tiếp kiểm sát các hoạt động khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, khám xét, hỏi cung bị can, lấy lời khai người làm chứng, bị hại, đương sự, đối chất, nhận dạng, thực nghiệm điều tra, nhận biết giọng nói. Đối với các hoạt động điều tra khác, Kiểm sát viên phải đề ra yêu cầu điều tra bằng văn bản, nêu rõ ràng, cụ thể những vấn đề cần điều tra, chứng cứ, tài liệu cần thu thập. Nội dung yêu cầu điều tra phải cụ thể, rõ ràng, sát với nội dung vụ án, định hướng thu thập chứng cứ để làm rõ cấu thành tội phạm, những vấn đề phải chứng minh trong vụ án theo quy định tại Điều 85, Điều 441 BLTTHS (3).

Kiểm sát viên chủ động phối hợp, yêu cầu Điều tra viên, cán bộ điều tra thực hiện đầy đủ nội dung yêu cầu điều tra. Nếu Điều tra viên, cán bộ điều tra không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ yêu cầu điều tra, thì tùy từng trường hợp, Kiểm sát viên báo cáo, đề xuất lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện kiến nghị bằng văn bản với Thủ trưởng, hoặc yêu cầu thay đổi điều tra viên, cán bộ điều tra.
Những quyết định và hành vi tố tụng của Điều tra viên trong quá trình điều tra vụ án là quá trình thực hiện yêu cầu điều tra của Kiểm sát viên và được Kiểm sát viên kiểm sát việc tuân theo pháp luật.

Như vậy, Hội đồng xét xử cần làm rõ thêm kết quả điều tra vụ án thì phải xác định những kết quả và nội dung gì có liên quan đến vụ án và xác định phạm vi trách nhiệm trả lời của Kiểm sát viên hay Điều tra viên.

2. Một số trường hợp xác định là cần thiết để triệu tập Điều tra viên đến phiên toà

Điều 296, BLTTHS năm 2015 quy định: Trong quá trình xét xử, khi xét thấy cần thiết, Hội đồng xét xử có thể triệu tập Điều tra viên, với quy định mang tính chất tùy nghi“khi xét thấy cần thiết”, thế nào là “cần thiết” thì theo đánh giá chủ quan của Hội đồng xét xử là khác nhau, như vậy không tạo sự thống nhất trong áp dụng quy định của pháp luật trong giải quyết vụ án.

BLTTHS năm 2015 không quy định cụ thể trong trường hợp nào thì triệu tập Điều tra viên đến tham dự phiên tòa. Tuy nhiên, qua thực tiễn hoạt động Điều tra vụ án hình sự thuộc Cơ quan Điều tra hình sự trong Quân đội nhân dân cho thấy một số trường hợp sau đây được xem là cần thiết triệu tập Điều tra viên, người tiến hành tố tụng đã thụ lý điều tra vụ án đến phiên toà để làm rõ những quyết định, hành vi tố tụng trong giai đoạn điều tra vụ án.

Thứ nhất: Khi cần làm rõ những vấn đề trong yêu cầu điều tra, yêu cầu điều tra bổ sung của Kiểm sát viên mà Điều tra viên thực hiện không đúng yêu cầu hoặc không thực hiện.

Điều tra viên, Cán bộ điều tra được phân công điều tra vụ án phải thực hiện yêu cầu điều tra của Kiểm sát viên, tuy nhiên có trường hợp có nội dung yêu cầu điều tra mà Điều tra viên, cán bộ điều tra không nhất trí, thì Điều tra viên, Cán bộ điều tra báo cáo Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra.

Trường hợp Cơ quan điều tra không thực hiện yêu cầu điều tra của Viện kiểm sát hoặc đã tiến hành các hoạt động điều tra nhưng do trở ngại khách quan mà không thể thực hiện được yêu cầu điều tra của Viện kiểm sát thì Cơ quan điều tra phải nêu rõ lý do trong bản kết luận điều tra.

Do đó khi cần làm rõ vấn đề này thì Hội đồng xét xử phải triệu tập Điều tra viên hoặc Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan Điều tra đến phiên tòa để làm rõ những lý do không thực hiện được yêu cầu điều tra của Điều tra viên.

Thứ hai: Trong hồ sơ vụ án có những nội dung không thống nhất trong việc đánh giá, tài liệu chứng cứ giữa Điều tra viên và Kiểm sát viên

Theo quy định chậm nhất 10 ngày đối với vụ án ít nghiêm trọng và nghiêm trọng, 15 ngày đối với vụ án rất nghiêm trọng, 20 ngày đối với vụ án đặc biệt nghiêm trọng trước khi kết thúc điều tra hoặc hết thời hạn điều tra vụ án, Điều tra viên và Kiểm sát viên phải phối hợp để đánh giá toàn bộ chứng cứ, tài liệu và các thủ tục tố tụng của vụ án.

Đối với vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp hoặc Điều tra viên và Kiểm sát viên không thống nhất quan điểm đánh giá chứng cứ, tội danh thì Điều tra viên trao đổi với Kiểm sát viên báo cáo Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện trưởng Viện kiểm sát để Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện trưởng Viện kiểm sát tổ chức họp đánh giá kết quả điều tra vụ án, chỉ đạo giải quyết những vấn đề chưa thống nhất, khó khăn, vướng mắc, bảo đảm việc kết thúc điều tra, giải quyết vụ án đúng quy định của pháp luật.

Như vậy khi vụ án có những nội dung không thống nhất quan điểm đánh giá chứng cứ, tài liệu, chứng cứ, thủ tục tố tụng giữa Điều tra viên và Kiểm sát viên. Khi cần làm rõ vấn đề này thì Hội đồng xét xử tiến hành triệu tập Điều tra viên tham dự phiên tòa để làm rõ.

Thứ ba: Trong thời hạn chuẩn bị xét xử, có căn cứ xác định Điều tra viên, Cơ quan điều tra không cung cấp đầy đủ, kịp thời chứng cứ, tài liệu liên quan theo quy định của pháp luật trong quá trình điều tra vụ án làm cho Kiểm sát viên không nắm được nội dung vụ án để kịp thời đề ra yêu cầu điều tra. Như, không chuyển các biên bản hoạt động tố tụng theo quy định tại khoản 5, Điều 88, BLTTHS năm 2015 cho Kiểm sát viên.

Do đó theo đề nghị của người tiến hành tố tụng đề nghị triệu tập Điều tra viên đến phiên tòa để làm rõ vấn đề.

Thứ tư: Trong quá trình chuẩn bị xét xử hoặc xét xử, những người tham gia tố tụng có ý kiến về Cơ quan điều tra không đảm bảo quyền lợi của họ khi tham gia tố tụng, như: Không được thông báo kết quả điều tra vụ án như; không được thông báo, giải thích về quyền và nghĩa vụ, không được đưa ra chứng cứ, đồ vật, yêu cầu của bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự… những người này đề nghị Hội đồng xét xử triệu tập Điều tra viên đến phiên tòa để làm rõ.

Thứ năm: Trong quá trình chuẩn bị xét xử hoặc xét xử, cần làm rõ những đề nghị, yêu cầu của những người tham gia tố tụng nhưng Cơ quan Điều tra không giải quyết và ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ như: Đề nghị giám định, định giá tài sản của bị can, bị cáo, bị hại; yêu cầu kiểm tra, tài liệu chứng cứ của bị cáo, bị hại; yêu cầu bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác của bị hại; Đề nghị tiến hành các hoạt động tố tụng, thu thập tài liệu chứng cứ của người bào chữa…

Hội đồng xét xử hoặc những người tham gia tố tụng khác đề nghị Hội đồng xét xử triệu tập Điều tra viên đến để làm rõ.

Thứ sáu: Trong thời hạn chuẩn bị xét xử, sau khi nghiên cứu hồ sơ nếu thấy có một trong các căn cứ trả hồ sơ để điều tra bổ sung, nhưng Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa đã có biện pháp khắc phục hoặc có thể bổ sung được tại phiên tòa mà không phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung, như: Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong giai đoạn điều tra, nhưng không xâm hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng.

Vì vậy cần phải triệu tập Điều tra viên đến phiên tòa để làm rõ, tránh trường hợp trả hồ sơ điều tra bổ sung làm cho quá trình giải quyết vụ án kéo dài.

3. Một số kiến nghị để thực hiện quy định triệu tập Điều tra viên đến phiên tòa

Việc quy định Điều tra viên hoặc người tiến hành tố tụng đã thụ lý vụ án đến phiên tòa để làm rõ một số nội dung là chính xác, phù hợp với nguyên tắc tranh tụng trong xét xử.

Để tránh trường hợp tại triệu tập không đúng thành phần, Điều tra viên, người tiến hành tố tụng trả lời qua loa không đi vào trọng tâm, theo chúng tôi, vấn đề quan trọng nhất của việc triệu tập Điều tra viên, người tiến hành tố tụng đến phiên tòa thì phải xác định chính xác họ có mặt tại phiên tòa để giải quyết vấn đề gì trong vụ án? Và khi có mặt của họ thì vấn đề đó có được làm rõ hay không?

Trong khi chờ cơ quan liên ngành tư pháp Trung ương hướng dẫn cụ thể các quy định tại Điều 296, Điều 317, BLTTHS năm 2015, trong thời gian tới các cơ quan và những cá nhân có liên quan cần thực hiện một số giải pháp cụ thể như sau:

– Đối với Tòa án các cấp

Trong quá trình chuẩn bị xét xử, nghiên cứu hồ sơ, phát hiện vấn đề cần làm rõ thì Thẩm phán mời Điều tra viên hoặc người tham gia tố tụng khác đến để trao đổi, làm rõ. Từ đó xác định được những vấn đề chỉ tại phiên tòa mới làm rõ được thì mới tiến hành triệu tập Điều tra viên hoặc người người tham gia tố tụng khác.Tránh trường hợp triệu tập tràn lan, không xác định được nội dung trọng tâm cần làm rõ.

Thực tiễn giải quyết vụ án hình sự tại Cơ quan Điều tra trong Quân đội nhân dân thấy rằng có nhiều vụ án được Cơ quan Điều tra trong Công an nhân dân chuyển đến, có thể được chuyển từ giai đoạn giải quyết tin báo tố giáo tội phạm, kiến nghị khởi tố, cũng có thể sau khi khởi tố vụ án. Như vậy trong giai đoạn điều tra ban đầu do Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân thụ lý; giai đoạn sau và đến khi kết thúc điều tra đề nghị truy tố do Cơ quan Điều tra trong Quân đội nhân dân thụ lý.

Ngoài ra do Điều tra viên tại các Cơ quan điều tra hình sự rất mỏng nên nhiều vụ án hình sự do Thủ trưởng hoặc Phó thủ trưởng Cơ quan Điều tra hình sự trực tiếp thụ lý, giải quyết.

Do đó trong quá trình chuẩn bị xét xử, Thẩm phán phải xác định chính xác những vấn đề cần làm rõ tại phiên tòa để từ đó xác định chính xác người cần phải được triệu tập đến phiên tòa là Điều tra viên hay Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan Điều tra. Ví dụ như cần làm rõ một số nội dung trong bản kết luận điều tra thì thì phải triệu tập Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng Cơ quan Điều tra đến phiên tòa.

– Đối với thành phần được triệu tập đến phiên tòa: Cơ quan điều tra phải tạo điều kiện tối đa cho Điều tra viên, người tiến hành tố tụng đã thụ lý vụ án để tham dự phiên tòa, khi tham dự phiên tòa với tinh thần là cầu thị để cùng với những người tiến hành tố tụng khác để làm sáng tỏ những vấn đề có liên quan đến vụ án, do đó Điều tra viên phải được trao đổi trước nội dung để có quá trình chuẩn bị.

Vấn đề Điều tra viên tham gia phiên tòa là một vấn đề mới về pháp lý cũng như thực tiễn, do đó Điều tra viên cần phải được tập huấn, rèn luyện kỹ năng. Cần phải xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Điều tra viên để đảm bảo tạo cơ chế thuận lợi cũng như yêu cầu Điều tra viên, người tiến hành tố tụng phải tham gia phiên tòa khi được triệu tập./.

HOÀNG ĐÌNH DUYÊN (Phó Thủ trường Cơ quan Điều tra hình sự khu vực – Tổng cục Hậu cần – Bộ Quốc phòng) 

Nguồn: Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử (http://tapchitoaan.vn).

Tài liệu tham khảo

(1) http://baophapluat.vn/phap-dinh/ha-noi-toa-xet-hoi-dieu-tra-vien-trong-vu-an-bi-cao-keu-oan-va-to-dieu-tra-vien-buc-cung-407409.html (truy cập ngày 26/6/2019);

(2) https://news.zing.vn/vi-sao-dieu-tra-vien-xuat-hien-o-phien-toa-trinh-xuan-thanh-post810973.html(truy cập ngày 26/6/2019);

(3) Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP quy định về phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát trong việc thực hiện một số quy định của BLTTHS./.

5/5 - (24405 bình chọn)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền