Ông A và bà B chung sống với nhau có hai con chung, sau đó ông A lại sống chung với bà E. Nay ông A chết, bà E muốn bán nhà nhưng vì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có tên ông A, nên bà E khởi kiện bà B ra tòa để chia tài sản chung của ông A và bà E. Vấn đề đặt ra đây tranh chấp hôn nhân và gia đình hay tranh chấp dân sự? Vụ án này thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nào?
Các nội dung liên quan:
- Thẩm quyền giải quyết tranh chấp dân sự của tòa án
- Phương pháp xác định thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự
1. Tình huống pháp lý
Ông A và bà B chung sống với nhau từ năm 1982 tại huyện T, tỉnh X được hai bên gia đình đồng ý, có tổ chức lễ cưới nhưng không đăng ký kết hôn; ông A và bà B có hai con chung là C (sinh năm 1984) và D (sinh năm 1985).
Năm 1997, ông A bỏ nhà lên thành phố L, tỉnh X làm việc. Bà B và các con vẫn sống tại huyện T.
Năm 2000, ông A chung sống với bà E tại thành phố L, tỉnh X và nhập hộ khẩu về nhà bà E. Bà B và các con không có ý kiến gì. Ông A và bà E có 2 con chung là G (sinh năm 2000) và H (sinh tháng 1/2001).
Quá trình chung sống ông A, bà B tạo lập được khối tài sản chung là diện tích 200 m2 liền kề với diện tích đất 500 m2 bà E có trước khi chung sống với ông A tại phường K thành phố L. Cả 2 diện tích đất này được cấp chung một Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào năm 2009 cho hộ gia đình bà E.
Năm 2015, ông A chết, không có di chúc.
Do cần tiền để làm ăn, bà E rao bán nhà, đất nhưng vì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên hộ gia đình mà trong hộ khẩu gia đình có cả tên ông A nên bà E không thể bán được. Vì vậy, bà E khởi kiện bà B và các con của bà B và ông A là C, D ra Tòa án yêu cầu chia tài sản chung của bà và ông A.
Đối với tình huống trên các ý kiến đều thống nhất về một số vấn đề sau:
– Theo quy định tại Nghị quyết số 35/2000/QH10 ngày 09/6/2000 của Quốc hội về việc thi hành Luật Hôn nhân và gia đình (Luật HNGĐ) thì quan hệ hôn nhân giữa ông A và bà B là quan hệ hôn nhân thực tế được Nhà nước thừa nhận là vợ chồng (1) ;
– Việc chung sống như vợ chồng giữa ông A và bà E là hành vi bị cấm trong Luật HNGĐ 2000 và Luật HNGĐ 2014;
– Bà E khởi kiện đối với bà B và C, D. Theo quy định tại khoản 3 Điều 68 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) 2015 thì bà B và C, D là bị đơn trong vụ án.
2. Xác định quan hệ pháp luật có tranh chấp và thẩm quyền giải quyết của Tòa án
Vấn đề đặt ra đối với tình huống pháp lý nêu trên là vụ án – tranh chấp hôn nhân và gia đình hay tranh chấp dân sự? Vụ án này thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nào? Tòa án nhân dân (TAND) huyện T, tỉnh X – nơi cư trú của bị đơn hay TAND thành phố L, tỉnh X – nơi có bất động sản?
Về vấn đề này, hiện nay đang có các quan điểm khác nhau:
– Quan điểm thứ nhất cho rằng: Mặc dù, ông A và bà E chung sống với nhau như vợ chồng một thời gian dài, có con chung và tài sản chung nhưng không được Nhà nước thừa nhận là vợ chồng. Bà E kiện yêu cầu chia tài sản của bà E và ông A, đây là quan hệ chia tài sản chung theo quy định tại Điều 16 Luật HNGĐ 2014.
Những người theo quan điểm thứ nhất cho rằng, vì đây là tranh chấp hôn nhân gia đình nên cần tham khảo Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ nhất “Những quy định chung” của BLTTDS đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều luật của BLTTDS. Tại các khoản 3 và 4 Điều 8 Nghị quyết này quy định:
“3. Đối với tranh chấp về bất động sản quy định tại điểm c khoản 1 Điều 35 của BLTTDS thì chỉ có Tòa án nơi có bất động sản mới có thẩm quyền giải quyết.
4. Trong vụ án về hôn nhân và gia đình, thừa kế tài sản,… mà có tranh chấp về bất động sản thì thẩm quyền giải quyết của Tòa án được xác định theo quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 35 của BLTTDS”.
Do đó, cần xác định tranh chấp trong tình huống nêu trên là tranh chấp hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND quy định tại khoản 8 Điều 28 BLTTDS 2015 và theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 39 BLTTDS 2015 thì vụ án này thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nơi cư trú của bị đơn giải quyết (2) – TAND huyện H, tỉnh X.
– Quan điểm thứ hai cho rằng: Bà E và ông A là quan hệ hôn nhân không được nhà nước bảo hộ – bà E và ông A không được nhà nước công nhận là vợ chồng. Nay ông A đã chết, bà E khởi kiện đây là tranh chấp quyền tài sản là tranh chấp dân sự theo quy định tại khoản 2 Điều 26 BLTTDS 2015 (3) mà đối tượng tranh chấp là quyền sử dụng đất – bất động sản. Điểm c khoản 1 Điều 39 BLTTDS 2015 quy định: “Đối tượng tranh chấp là bất động sản thì chỉ Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết”. Do đó, vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND thành phố L, tỉnh X.
Chúng tôi cho rằng, cả hai quan điểm nêu trên đều chứa đựng những điểm hợp lý và điểm không hợp lý. Cụ thể như sau:
Thứ nhất: Chúng tôi nhất trí với quan điểm thứ nhất, việc bà E yêu cầu chia tài sản chung của bà và ông A là tranh chấp chia tài sản trong trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng.
Tuy nhiên, đây cũng không phải là trường hợp được quy định trong Luật HNGĐ 2014: Luật HNGĐ 2014 quy định là trường hợp nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật HNGĐ 2014 chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn theo quy định tại Điều 14 Luật HNGĐ 2014 thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng; khi có tranh chấp về tài sản chung được giải quyết theo quy định tại Điều 16 Luật HNGĐ 2014. Việc chung sống như vợ chồng giữa ông A và bà E (khi đang tồn tại quan hệ hôn nhân hợp pháp giữa ông A và bà B) là vi phạm chế độ một vợ một chồng – là hành vi bị Luật HNGĐ 2014 cấm (4). Và đây cũng không thuộc trường hợp kết hôn trái pháp luật, bởi theo quy định tại khoản 6 Điều 3 Luật HNGĐ 2014 thì kết hôn trái pháp luật là việc nam, nữ đã đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng một bên hoặc cả hai bên vi phạm điều kiện kết hôn theo quy định tại Điều 8 Luật HNGĐ 2014.
Như vậy, có thể thấy, Luật HNGĐ 2014 đang “trống” quan hệ này chưa điều chỉnh. Khoảng “trống” này đã được khắc phục bằng quy định tại khoản 4 Điều 3 Thông tư liên tịch số 01/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP (5): “Trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không có đăng ký kết hôn (không phân biệt có vi phạm điều kiện kết hôn hay không) và có yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật hoặc yêu cầu ly hôn thì Tòa án thụ lý, giải quyết và áp dụng Điều 9 và Điều 14 của Luật Hôn nhân và gia đình tuyên bố không công nhận quan hệ hôn nhân giữa họ. Nếu có yêu cầu Tòa án giải quyết về quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con; quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên thì giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật Hôn nhân và gia đình”. Điều này “đã cho thấy pháp luật không phân biệt giữa việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng không trái pháp luật và việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng trái pháp luật” (6).
Nay bà E yêu cầu chia tài sản chung, mặc dù ông A đã chết nhưng việc giải quyết vẫn phải áp dụng quy định tại Điều 16 Luật HNGĐ 2014, cụ thể:
“Điều 16. Giải quyết quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn
1. Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập”.
Vì vậy, quan điểm thứ nhất cho rằng, yêu cầu chia tài sản chung này được xác định là tranh chấp hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND theo quy định tại khoản 8 Điều 28 BLTTDS 2015 là phù hợp; quan điểm thứ hai xác định là tranh chấp dân sự là không phù hợp.
Thứ hai: Về thẩm quyền giải quyết vụ án, chúng tôi lại đồng tình với quan điểm thứ hai – vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án nơi có bất động sản – TAND thành phố L, tỉnh X. Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP đã hết hiệu lực thi hành. Tham khảo Nghị quyết này để xác định thẩm quyền giải quyết theo lãnh thổ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 39 BLTTDS 2015 – Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc là không phù hợp. Bởi lẽ, Điều 39 BLTTDS 2015 đã có những sửa đổi, bổ sung so với Điều 35 BLTTDS 2004. Để thấy rõ sự sửa đổi, bổ sung này, chúng tôi đưa ra sự so sánh trong quy định về thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ trong hai điều luật này (7):
BLTTDS 2005
Điều 35. Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ
1. Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:
a) Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 25, 27, 29 và 31 của Bộ luật này;
b) Các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 25, 27, 29 và 31 của Bộ luật này;
c) Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết những tranh chấp về bất động sản.
BLTTDS 2015
Điều 39. Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ
1. Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:
a) Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;
b) Các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;
c) Đối tượng tranh chấp là bất động sản thì chỉ Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết.
Từ so sánh trên có thể thấy rằng, quy định về thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ đã có sự sửa đổi, bổ sung rất quan trọng. Đó là điểm c khoản 1 Điều 39 BLTTDS 2015 quy định rõ: “Đối tượng tranh chấp là bất động sản thì chỉ Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết”. Với quy định và cách hành văn của điểm c khoản 1 Điều 39 sử dụng từ “chỉ” trong “thì chỉ Tòa án nơi có bất động có thẩm quyền giải quyết” đã khẳng định “thẩm quyền riêng biệt” của “Tòa án nơi có bất động sản”.
Chúng tôi cho rằng, mặc dù là tranh chấp hôn nhân và gia đình nhưng đối tượng tranh chấp trong tình huống nêu trên là quyền sử dụng đất – bất động sản. Do đó, tình huống nêu trên thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thành phố L, tỉnh X – Tòa án nơi có bất động sản giải quyết.
Trong thực tiễn xét xử, có nhiều tranh chấp về hôn nhân và gia đình cũng tương tự như tình huống nêu trên, đó là chia tài sản sau khi ly hôn (8) – đối tượng tranh chấp là bất động sản mà bất động sản này và nơi cư trú, làm việc của bị đơn lại khác nhau cũng khiến không ít Tòa án lúng túng trong việc xác định thẩm quyền giải quyết theo lãnh thổ. Nếu như trước đây áp dụng Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP thì Tòa án có thẩm quyền giải quyết là Tòa án nơi cư trú và làm việc của bị đơn. Tuy nhiên, BLTTDS 2015 đã có sự sửa đổi, bổ sung như chúng tôi đã phân tích ở trên.
Việc xác định quan hệ pháp luật và thẩm quyền giải quyết vụ án của Tòa án theo lãnh thổ trong tình huống pháp lý nêu trên cũng như tranh chấp hôn nhân và gia đình về chia tài sản sau khi ly hôn (9) – đối tượng tranh chấp là bất động sản mà bất động sản này và nơi cư trú, làm việc của bị đơn lại khác nhau còn có các quan điểm khác nhau. Để bảo đảm việc áp dụng thống nhất pháp luật, chúng tôi kiến nghị Hội đồng Thẩm phán TANDTC sớm có văn bản hướng dẫn về những vấn đề này.
BÍCH PHƯỢNG – NGỌC TRÂM
Nguồn: Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử (http://tapchitoaan.vn).
1 Xem Điểm a Mục 3 Nghị quyết số 35/2000/NQ-QH10.
2 Điều 39 BLTTDS 2015 quy định về thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ, điểm a khoản 1 quy định như sau:
“1. Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:
a) Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;”.
3 Khoản 2 Điều 26 BLTTDS 2015 quy định:
“Điều 26. Những tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án
2. Tranh chấp về quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản.”
4 Xem điểm c khoản 2 Điều 5 Luật HNGĐ.
5 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 06/01/2016 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật HNGĐ.
6 PGS.TS Nguyễn Thị Lan, Về giải quyết hủy kết hôn trái pháp luật, kết hôn không đúng thẩm quyền và nam nữ sống chung với nhau không đăng ký kết hôn, Tạp chí Tòa án nhân dân số 7/2019, tr.5.
7 Phần in nghiêng, đậm là nội dung được sửa đổi, bổ sung của BLTTDS 2015 so với BLTTDS 2004.
8 Theo khoản 1 Điều 28 BLTTDS 2015.
9 Theo khoản 1 Điều 28 BLTTDS 2015.
Các tìm kiếm liên quan đến Tranh chấp hôn nhân và gia đình hay dân sự? Xác định thẩm quyền giải quyết của Tòa án, xác định thẩm quyền của tòa án, thẩm quyền của tòa án trong tố tụng dân sự 2015, thẩm quyền giải quyết việc dân sự của tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự, thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài, thẩm quyền của tòa án nhân dân cấp huyện, thẩm quyền của tòa án theo vụ việc
Để lại một phản hồi