Trách nhiệm của luật sư khi sử dụng mạng xã hội

Luật sư và mạng xã hội
(Ảnh minh họa - Nguồn: Hocluat.vn)

Trách nhiệm của luật sư khi sử dụng các nền tảng trực tuyến, mạng xã hội: Linkedin, Facebook, Youtube, Instagram, Twitter, WhatsApp, Tiktok,…

Theo anh (chị), luật sư cần có ứng xử như thế nào khi sử dụng mạng xã hội cho phù hợp, nâng cao uy tín của luật sư và nghề luật sư?

Theo Bộ Tông tin và Truyền thông, năm 2019 có tới 64 triệu người Việt Nam sử dụng internet, trong đó có tới 58 triệu người dùng mạng xã hội. Đây là nơi cộng đồng mạng đăng tải thông tin về cuộc sống, thể hiện quan điểm cá nhân về nhiều hiện tượng trong xã hội. Hiện nay, các vấn đề liên quan đến mạng xã hội được điều chỉnh bởi Luật An ninh mạng năm 2018 và mới đây là Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.

>>> Xem thêm: Vai trò của luật sư trong hoạt động thông tin, truyền thông

Trong thời đại công nghệ, khi nhiều luật sư trẻ sinh ra và tiếp cận Internet từ rất sớm, các mạng truyền thông xã hội, chẳng hạn như LinkedIn, Twitter, Instagram và Facebook trở thành các công cụ không thể thiếu cho các chuyên gia pháp lý và những người mà họ giao tiếp. Khi mạng xã hội phát triển và trở nên tinh vi hơn, các vấn đề đạo đức luật sư phải đối mặt cũng phức tạp hơn. Thậm chí, Hiệp hội luật sư Bang New York (NYSBA) đã cập nhật các nguyên tắc của luật sư khi sử dụng mạng xã hội và ban hành lần đầu tiên vào năm 2014 – bao gồm các hướng dẫn bổ sung dài 51 trang. Đặc biệt, các nguyên tắc này bổ sung nội dung mới về nghĩa vụ của luật sư trong nâng cao năng lực công nghệ, quảng cáo, bài đăng ẩn danh của luật sư liên quan đến các phiên tòa đang chờ xử lý, nghiên cứu về việc sử dụng phương tiện truyền thông xã hội của Bồi thẩm đoàn, hành vi sai trái của Bồi thẩm viên và việc điều chỉnh kết nối qua mạng xã hội giữa luật sư và Thẩm phán. Theo đó, một luật sư có nhiệm vụ hiểu rõ những lợi ích, rủi ro và tác động đạo đức liên kết với phương tiện truyền thông xã hội, bao gồm cả việc sử dụng nó để giao tiếp, quảng cáo, nghiên cứu và điều tra.

Đối với giới luật sư Việt Nam ngày nay, sử dụng mạng xã hội đã trở thành một nhu cầu không thể thiếu, nhiều luật sư còn sử dụng mạng xã hội như một phương tiện quảng cáo. Quy tắc 32 đã kịp thời bổ sung nội dung này vào Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam. Tuy nhiên để thực hiện các quy định này trên thực tế cần có sự giải thích, hướng dẫn chi tiết hơn nữa của Ban Tường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Việc quy định chung rằng khi sử dụng mạng xã hội, luật sư phải trung thực, chính xác, khách quan dường như ngụ ý rằng, nếu luật sư vi phạm thì sẽ áp dụng xử lý theo quy định pháp luật như đã đề cập ở trên. Tuy nhiên, trên thực tế, việc sử dụng mạng xã hội của luật sư còn có vấn đề phức tạp. luật sư với đặc thù nghề nghiệp am hiểu pháp luật, đồng thời là một thành viên của xã hội và có các quyền của công dân như quyền tự do biểu đạt, quyền tự do ngôn luận, câu hỏi đặt ra ở đây là, những hành vi nào của luật sư khi sử dụng mạng xã hội dù không vi phạm pháp luật, nhưng không được chấp nhận về mặt đạo đức? Trên thực tế rất khó để xác định ranh giới này và rất khó để xác định hành vi của luật sư có vi phạm đạo đức hay không nếu không có một hướng dẫn chi tiết, cụ thể, rõ ràng.

Tình huống thảo luận

Hiện nay, trên các trang mạng xã hội (ví dụ như Facebook hay Zalo), có một số luật sư đăng tải toàn văn một Quyết định tố tụng (hoặc đơn mời luật sư hoặc công văn trả lời của CQNN…) liên quan đến một vụ án hình sự hay một tranh chấp mà mình đang tham gia. Việc này kéo theo nhiều bình luận
(comments) khác nhau.

Ý kiến của bạn về vấn đề này như thế nào?

Tình huống tham khảo

Vụ kiện hy hữu[1]

Ngày 20/7, vợ chồng ông bà B, Y (khóm HT, thị trấn HX, huyện VL, QT) đã gửi đơn khởi kiện ông H, bà L (Luật sư thuộc Công ty Luật V, địa chỉ thành phố ĐH) ra TAND huyện VL. Trong đơn, ông B, bà Y yêu cầu Tòa án xem xét, giải quyết, buộc ông H và bà L đăng lời cải chính công khai với dung lượng tương đương mà 2 luật sư này đã miệt thị họ trên mạng xã hội. Đồng thời, buộc luật sư. H xin lỗi vì đăng hình lên mạng xã hội mà không được phép; buộc luật sư. H và luật sư. L liên đới bồi thường 14.490.000 đồng do tổn thất vì xâm phạm danh dự, nhân phẩm (10 lần mức lương cơ sở do nhà nước quy định). Hiện Tòa án đã chấp nhận thụ lý đơn.

Trao đổi với PV Báo TN, bà Y cho biết vợ chồng bà là bị đơn trong vụ án “tranh chấp yêu cầu tuyên bố di chúc vô hiệu và các yêu cầu khác…” do em chồng là A khởi kiện, đã được TAND tỉnh QT và TAND cấp cao xử sơ thẩm, phúc thẩm với kết quả chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông A. luật sư. H và luật sư. L đều tham gia tố tụng, bảo vệ quyền lợi của nguyên đơn.

“Theo phán quyết của Tòa án 2 cấp, có thể hiểu là tôi thua kiện và chúng tôi vẫn đang theo đuổi để tìm lại công bằng cho gia đình mình. Nhưng 2 vị luật sư ấy ngay sau phiên tòa kết thúc lại miệt thị chúng tôi trên mạng xã hội, để thiên hạ gièm pha”, bà Y bức xúc nói.

Bà Y đưa cho người viết xem những bức ảnh chụp lại Facebook được cho là của luật sư. H và luật sư. L, trong đó có những lời lẽ như “lập kịch bản lừa đảo”, “tráo trở, bất chấp đạo lý và pháp lý”, “tham lam”, “làm trái đạo lý, xem thường pháp luật”… hướng về vợ chồng ông B, bà Y. Đăng kèm nội dung trên là 2 tấm ảnh chụp phiên tòa, có mặt những người liên quan đến vụ việc.

[1] https://thanhnien.vn/doi-song/luat-su-nguyen-don-bi-kien-vi-beu-xau-bi-don-tren-mang- xa-hoi-1266929.html

Trong vụ việc trên, chúng ta chưa biết kết quả đúng/sai nhưng xét theo những thông tin mà báo chí phản ánh nếu là sự thật, cho dù luật sư có đưa ra những biện hộ như đó không phải tài khoản của mình/có người mạo danh thì việc xác định danh tính cũng như xác minh chủ tài khoản hoàn toàn có thể thực hiện được bởi Cơ quan điều tra. Hơn nữa, khi đưa những thông tin, hình ảnh của cá nhân khác lên mạng xã hội cho dù bài đăng không nêu tên thì luật sư đã sử dụng hình ảnh bị đơn khi chưa được phép mà không có chú thích ví dụ như “ảnh minh hoạ”, sẽ khiến người đọc liên tưởng tới đối tượng luật sư đang nói tới là người trong ảnh. Những hành động như vậy của luật sư không những gây hiểu lầm, hoang mang cho người đọc mà còn làm ảnh hưởng tới hình ảnh người luật sư trong công chúng, thể hiện hành động thiếu chuyên nghiệp và vi phạm đạo đức. Trong Quy tắc 28 và 31 quy định luật sư không được sử dụng báo chí, phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội để cố ý phản ánh sai sự thật nhằm mục đích cá nhân, động cơ khác hoặc tạo dư luận nhằm bảo vệ quyền lợi không hợp pháp của khách hàng hoặc phát ngôn gây ảnh hưởng đến CQTHTT và người tiến hành tố tụng, an ninh, lợi ích quốc gia và lợi ích công cộng.

Sử dụng mạng xã hội không còn là vấn đề mới trong xã hội hiện nay, tuy nhiên dường như đối với một số luật sư – những người am hiểu pháp luật và có trọng trách bảo vệ công lý lại đang vi phạm những quy tắc đạo đức tối thiểu. Liên đoàn luật sư cần sớm đưa ra những hướng dẫn cụ thể giúp các luật sư hành xử đúng mực, bảo vệ phẩm giá của nghề. Sau đây là một số tham khảo hướng dẫn của Đoàn luật sư Singapore về việc một luật sư có thể kèm theo chữ ký có tên luật sư, tổ chức hành nghề ở bài đăng trả lời trên diễn đàn trực tuyến hay không và các hướng dẫn khi luật sư sử dụng mạng xã hội.

Tư vấn pháp luật miễn phí trên nền tảng trực tuyến của luật sư Singapore

Quy tắc đạo đức không đặt ra các hạn chế đối với luật sư trong việc cung cấp thông tin pháp lý miễn phí trên các nền tảng trực tuyến như trang web, blog, diễn đàn (forum), mạng xã hội (social media). Diễn đàn trực tuyến không phải là ấn phẩm chuyên các vấn đề pháp lý và cũng không phải là một cơ sở để hỗ trợ pháp lý cho công chúng. Như vậy, luật sư có thể được phép gắn tên của mình, tên của Tổ chức hành nghề Luật sư và thông tin chi tiết, bằng cấp hoặc kiến thức chuyên ngành liên quan trực tiếp đến đối tượng là bài đăng trực tuyến chứa thông tin pháp lý miễn phí.
Luật Luật sư cũng không cấm luật sư trả lời các câu hỏi pháp lý trên các nền tảng trực tuyến. Tuy nhiên, có hai cân nhắc chính về đạo đức cần lưu ý: (i) rủi ro đưa ra thông tin sai lệch; và (ii) rủi ro vi phạm các quy tắc về đề nghị chào hàng/ đề nghị giao kết hợp đồng, khiến cho người đọc lầm tưởng đã tham gia vào quan hệ khách hàng – luật sư.
Luật sư phải bảo đảm rằng bất kỳ thông tin pháp lý nào được cung cấp trên các nền tảng trực tuyến là chính xác và không sai lệch, lừa đảo. Nếu thông tin pháp lý đưa ra là sai, điều này có thể dẫn đến hậu quả pháp lý. Do đó, khi thực hiện các bài đăng trên nền tảng trực tuyến, luật sư có thể bao gồm các cảnh báo hay tuyên bố từ chối trách nhiệm như:

a) luật sư có từ ngữ thích hợp để hướng dẫn người hỏi tìm kiếm lời khuyên pháp lý độc lập trước khi thực hiện theo bất kỳ lời khuyên nào được nêu trong bài đăng nào của luật sư trên nền tảng trực tuyến.

b) Đưa ra một tuyên bố mô tả thông tin chung và cảnh báo rằng không nên hiểu thông tin đó như một sự thay thế cho lời khuyên pháp lý dành cho một cá nhân cụ thể.

c) Đưa ra lời giải thích rằng luật sư không thể đưa ra lời khuyên pháp lý nếu không xem xét đầy đủ tất cả các thông tin liên quan đến tình hình cá nhân của độc giả/người tham gia diễn đàn.

Những cảnh báo và tuyên bố từ chối trách nhiệm ở trên sẽ đặc biệt hữu ích cho những người đọc/hỏi trên diễn đàn, những người này có thể thiếu kinh nghiệm trong việc sử dụng các dịch vụ pháp lý và có thể tin rằng họ có thể dựa vào thông tin pháp lý chung do luật sư đưa ra để giải quyết vấn đề cụ thể của họ. luật sư cũng nên bảo đảm rằng thông tin pháp lý chung do luật sư cung cấp trên các diễn đàn, blog hoặc phương tiện truyền thông, mạng xã hội của bên thứ ba là chính xác và cập nhật tại thời điểm thông tin đó được đăng hoặc xuất bản trực tuyến. Trong trường hợp các nền tảng trực tuyến được duy trì bởi luật sư hoặc công ty luật, chẳng hạn như trang web của một công ty luật, luật sư nên thường xuyên xem xét bất kỳ thông tin pháp lý chung nào được cung cấp trên trang web (nếu có) cho chính xác và bảo đảm phù hợp với pháp luật hiện hành.

Khuyến nghị đối với luật sư khi sử dụng mạng xã hội của Hiệp hội luật sư Singapore

Luật sư nhận thức được sự chú ý của giới truyền thông thường diễn ra trong suốt quá trình tố tụng và giới truyền thông thường tìm kiếm các nhận xét từ các luật sư đại diện cho các bên tham gia, cũng như bình luận của các luật sư về các thủ tục tố tụng có thể được truy cập từ các bên thứ ba hoặc công khai (ví dụ: các bài đăng trên các trang web, blog và mạng xã hội). Cũng có trường hợp các thành viên chia sẻ các khía cạnh của cuộc sống hành nghề với các bên thứ ba hoặc công chúng thông qua các trang web, blog, mạng xã hội hoặc tin nhắn. Hội đồng mong muốn tất cả các thành viên có quyết định thích hợp và không đưa ra những bình luận không phù hợp, những tiết lộ không đúng hoặc những tuyên bố không chính xác.

Các bài viết hoặc bình luận của các thành viên có thể vô tình tiết lộ thông tin bí mật, dữ liệu cá nhân, hoặc gây bối rối, làm sai lệch cái nhìn về nghề nghiệp. Về vấn đề này, cần thiết phải thi hành các chính sách nội bộ về việc sử dụng Internet và mạng xã hội tại nơi làm việc. Các thành viên cần tuân thủ các điểm sau khi đăng bài hoặc các nhận xét mà bên thứ ba hoặc công chúng có thể truy cập được:

a) Hành động vì lợi ích tốt nhất của khách hàng;

b) Duy trì vị thế của nghề nghiệp;

c) Giữ bí mật cho khách hàng;

d) Tuân thủ các quy tắc ứng xử nghề nghiệp và công khai minh bạch;

e) Cẩn trọng với việc ngôn ngữ bị thêm bớt, bóp méo bởi bên thứ ba hoặc công chúng;

f) Tránh những bình luận có thể gây ảnh hưởng đến Tòa án; và

g) Tránh nhận xét bất lợi về hành vi hoặc tính cách của bên đối lập.

Ví dụ về các bài đăng/nhận xét không phù hợp hoặc tiết lộ không phù hợp:

a) Liên quan đến các thủ tục tố tụng đang diễn ra;

b) Về khách hàng, Thẩm phán, bên đối lập và/hoặc luật sư bên đối lập;

c) Tiết lộ thông tin bí mật/dữ liệu cá nhân thu được từ khách hàng, Thẩm phán, bên đối lập và/hoặc luật sư bên đối lập;

d) Bài đăng, nhận xét chứa ảnh tiết lộ thông tin bí mật/dữ liệu cá nhân hoặc các phần của tài liệu/tệp liên quan đến vấn đề của khách hàng.

5/5 - (6 bình chọn)

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Nếu cần BQT hỗ trợ gấp, vui lòng liên hệ hotline 1900.0164 bấm phím 0.